Nga, Trung Quốc và nguy cơ chiến tranh : Cuộc trò chuyện của tôi với tướng Milley.

Trong chính quyền Trump, Chiến lược An ninh Quốc gia và Chiến lược Quốc phòng tập trung vào cả Nga và Trung Quốc. Vào cuối nhiệm kỳ bốn năm của mình, Dunford đã cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ sớm trở thành mối đe dọa hàng đầu của chúng ta.

Ảnh của National Interest

Michael O'Hanlon …23 tháng 12, 2020 Theo National Interest

Trần H Sa lược dịch.

Vào ngày 2 tháng 12, viện nghiên cứu Brookings đã tiếp đón Tướng Lục quân Hoa Kỳ Mark Milley, vị chủ tịch thứ hai mươi của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân - sĩ quan quân đội cao cấp nhất của quốc gia. Những gì ông ấy nói về cách nhìn nhận mối quan hệ rắc rối của Mỹ với Nga và Trung Quốc là quan trọng, và là một sự điều chỉnh hữu ích cho những người ở trong và bên ngoài các lực lượng vũ trang, những người tin rằng vào một ngày nào đó chúng ta sẽ đối đầu một cuộc chạm trán bạo lực với một hoặc cả hai cường quốc không thân thiện đó.

Trước hết, xin nói sơ qua một số bối cảnh. Người tiền nhiệm của Milley, Tướng Thủy quân lục chiến Joseph Dunford, nói với Quốc hội trong phiên điều trần xác nhận năm 2015 rằng, Nga đã trở thành mối đe dọa hàng đầu đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Một năm sau khi Nga chiếm Crimea, tấn công miền đông Ukraine với các lực lượng đặc vụ bí mật, và chuẩn bị quấy nhiễu cuộc bầu cử của chính nước Mỹ, đánh giá này của tướng Dunford khiến một số người giật mình, nhưng nó đã đúng. Tuần trăng mật hậu Chiến tranh Lạnh với Moscow đã kết thúc, đặc biệt là khi Vladimir Putin một lần nửa ngồi gọn lỏn trong Điện Kremlin - nơi mà ông ta có thể ở lại cho đến năm 2035. Trong một phần tư thế kỷ, kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, chính sách quốc phòng của Mỹ tập trung vào các quốc gia bất hảo như Iraq dưới thời Saddam Hussein và Triều Tiên. Không còn thế nữa. Chính sách quốc phòng của chính quyền Obama dưới thời Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter chuyển sang khái niệm “Sự bù đắp thứ ba” để tăng cường khả năng răn đe quân sự thông thường đối với các cường quốc khác.

Với chính quyền Trump, Chiến lược An ninh Quốc gia và Chiến lược Quốc phòng tập trung vào cả Nga và Trung Quốc. Vào cuối nhiệm kỳ bốn năm của mình, Dunford đã cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ sớm trở thành mối đe dọa hàng đầu của chúng ta. Bản thân Milley đã gọi Trung Quốc là “mối đe dọa phi nước kiệu” của chúng ta trong cuộc phỏng vấn với tôi.

Hầu hết những phát triển này đều có ý nghĩa. Nhưng bây giờ, chúng ta có một vấn đề. Nhiều người cả bên trong lẫn bên ngoài Lầu Năm Góc đang coi Nga và Trung Quốc không chỉ là những đối thủ cạnh tranh, mà còn có thể là những kẻ thù trong tương lai. Một số người vốn tin tưởng vào "trường phái quan hệ quốc tế hiện thực" không mong đợi theo thời gian sẽ có sự tiến bộ trong hành vi giữa các nước, và coi một cuộc xung đột giữa các cường quốc là chuẩn mực mà hầu hết mọi người đều đồng ý. Những người khác từng theo dõi trò láu cá của Nga và Trung Quốc ở Đông Âu, Trung Đông, tây Thái Bình Dương - và ở đây, tại Mỹ - trở nên cảnh giác một cách dễ hiểu. Điều nguy hiểm là nếu kết hợp lại với nhau, chúng ta có thể phát triển một kiểu đồng tâm hiệp lực tầm quốc gia - có lẽ không khác với kiểu đồng tâm đã góp phần vào cuộc xâm chiếm Iraq năm 2003, hoặc Chiến tranh Việt Nam. Điều đó có thể khiến Hoa Kỳ vượt quá mức độ cảnh giác và chuẩn bị thích đáng, và có thể phản ứng thái quá đối với một cuộc khủng hoảng trong tương lai. Hãy nghĩ về Chiến tranh Thế giới thứ nhất, nơi mà xung đột phát sinh từ một cuộc khủng hoảng nhỏ vốn bùng phát vì sự thiếu tin tưởng, và vì quân đội xây dựng các kế hoạch chiến tranh mà họ dự kiến — thực sự, trong một số trường hợp, thậm chí là bắt buộc — đã leo thang nhanh chóng khi xung đột bắt đầu.

Đây là nơi mà những nhận xét bình tĩnh và nghiêm túc của tướng Milley đi thẳng vào vấn đề một cách đúng đắn. Chúng không phản ánh tính vô tâm hay sự tùy tiện về tình hình hiện tại của các vấn đề với Nga, Trung Quốc và phương Tây. Nhưng chúng cho phép dự đoán một thời kỳ yên ổn nhất định mà tất cả chúng ta cần ghi nhớ. Milley dự kiến các mối quan hệ sẽ vẫn khó khăn và phức tạp. Nhưng ông ta không mong đợi chiến tranh và không coi chiến tranh là một kết quả có thể chấp nhận được.

Cụ thể, khi tôi hỏi ông ấy về tình trạng được gọi là cạnh tranh giữa các siêu cường với Nga và Trung Quốc, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân trả lời như sau:

“Chúng ta muốn tiếp tục sự cạnh tranh giữa các cường quốc. Bạn sẽ có sự cạnh tranh giữa các cường quốc. Đó là bản chất của thế giới, đúng vậy. Quay ngược lại lịch sử loài người từ 5 đến 10 ngàn năm trước. Các cường quốc cạnh tranh với nhau trong nhiều không gian khác nhau. Điều đó là bình thường. Tất yếu, không có gì là sai với điều đó. Nhưng hãy bảo đảm rằng nó vẫn là một cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc và nó không chuyển sang xung đột giữa các cường quốc hoặc chiến tranh giữa các cường quốc ”.

Càng tránh xa càng tốt. Nhưng sau đó Milley thực sự đưa nó về với nước Mỹ hiện nay:

“Trong nửa đầu thế kỷ trước, từ năm 1914 đến năm 1945, chúng ta đã có hai cuộc chiến tranh thế giới. Và từ năm 1914 đến năm 1945, 150 triệu người đã bị tàn sát do chiến tranh. . Tầm quan trọng của việc máu đổ xuống và tình trạng bị hủy diệt với quy mô lớn, rõ ràng chúng ta vẫn đang cảm nhận được ảnh hưởng của Thế chiến I và II. Và thật khó tin khi nghĩ đến chiến tranh giữa các cường quốc. Và bây giờ nếu bạn nghĩ về chiến tranh giữa các cường quốc, với vũ khí hạt nhân mà nó có thể được xử dụng, Chúa ơi, bạn phải bảo đảm rằng điều đó không được xảy ra ”.

Thật dễ dàng quên điều này ( hạt nhân ) khi tưởng tượng một cuộc xung đột “hạn chế” chống lại Trung Quốc bắt đầu trên một số đảo hoang ở Thái Bình Dương, hoặc một sự bùng phát với Nga ở một thị trấn biên giới nào đó với một trong các quốc gia Baltic như Estonia hoặc Latvia. Một bộ phận nào đó của quân đội Mỹ và các ý tưởng chiến lược cho rằng chúng ta có thể kiểm soát những cuộc xung đột như vậy trước khi chúng leo thang. Lịch sử cảnh báo điều đó không nhất thiết phải như vậy.

Tất nhiên, theo câu ngạn ngữ cổ rằng "nếu bạn muốn giữ gìn hòa bình thì bạn phải chuẩn bị cho chiến tranh", sau đó Milley đã đánh dấu một số cách quan trọng mà Hoa Kỳ phải hành động để giảm thiểu rủi ro xung đột thông qua răn đe: cũng cố khả năng quân sự của Mỹ, tăng cường các liên minh, duy trì sự tham gia trên khắp thế giới (nhưng có lẽ thu nhỏ sự hiện diện quân sự của chúng ta ở một số nơi, ông nói), giữ cho nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ, thể hiện sự quyết tâm. Không có điều gì là dễ dàng; không có gì trong những bình luận của Milley có thể được hiểu là yếu đuối hoặc quá tự tin với những gì nó tiềm ẩn trong chính sách.

Nhưng đừng nhầm, trong suy nghĩ của Milley cũng có nét của một người chủ hòa. Hoa Kỳ, phải được lưu ý (lời của tôi, không phải của ông ấy), phải chiến đấu với rất nhiều cuộc chiến — trong hơn ba mươi năm của tôi ở Washington, DC, chúng bao gồm các cuộc xung đột ở Panama, Iraq, Somalia, Bosnia, Kosovo, Afghanistan, Iraq lần nữa, chưa kể nhiều hoạt động chống khủng bố nhỏ hơn từ Pakistan đến Syria, Somalia đến Libya và xa hơn thế nữa. Thông điệp của Milley là lập kế hoạch cho xung đột chống lại Nga hoặc Trung Quốc không giống như những trường hợp khác vừa nêu. Nó không chỉ là chúng sẽ khó hơn và phức tạp hơn. Thay vào đó, chúng là những cuộc chiến mà không phải chiến đấu, ở đó thước đo thành công không phải là chiến thắng quân sự mà là sự răn đe, và nếu chiến tranh xảy ra, sẽ nhanh chóng giảm leo thang và chấm dứt xung đột.

Khi chính quyền Biden nắm quyền và suy nghĩ về các chiến lược an ninh và quốc phòng của riêng mình, lời khuyên này của Milley nên được nghiên cứu và lưu ý.


_ Michael O'Hanlon là Nghiên cứu viên cao cấp và là Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Chính sách Đối ngoại tại Viện Brookings. Ông chuyên nghiên cứu về chiến lược quốc phòng của Hoa Kỳ, nghiên cứu việc sử dụng lực lượng quân sự và chính sách an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.