Tại sao nhiều người Mỹ nghĩ rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp?

Tìm kiếm những lý do đằng sau một niềm tin dường như vô lý.

Ảnh : của New York Times.

Ross Douthat….Ngày 5 tháng 12 năm 2020…Theo AEI (Viện Doanh Nghiệp Hoa kỳ)

Trần H Sa lược dịch.

Đã có vài điều bất ngờ trong tháng qua về cách Donald Trump đối phó với thực tế thất bại trong cuộc bầu cử của ông ấy.

Bất cứ ai quen thuộc với sự nghiệp của ông ta đều có thể đoán được rằng ông ta sẽ tuyên bố mình bị lừa, bị đánh cắp chiến thắng. Bất kỳ ai theo dõi cách thức ông ấy nắm giữ quyền lực (hoặc, thường xuyên hơn, là không) với tư cách là tổng thống, đều có thể dự đoán rằng những nỗ lực của ông ấy nhằm thách thức kết quả bầu cử sẽ bị lúng túng, lố bịch và bị bác bỏ với thành kiến ​​trước tòa. Và bất cứ ai theo dõi cách Đảng Cộng hòa đối phó với con đường ngược dốc của ông Trump đều có thể dự đoán rằng các nhà lãnh đạo của họ hầu như sẽ tránh trực tiếp khiển trách ông ta, thay vào đó họ dựa vào các sức mạnh quán tính của nền dân chủ Mỹ, sự tận tâm của các thẩm phán và các viên chức địa phương, cùng sự bất lực của chính Trump, để quay lưng lại với việc ông Trump cố tóm lấy quyền lực cuối cùng của ông ta.

Cho đến nay, quá dễ để dự đoán. Nhưng nói với tư cách là một nhà quan sát hay hoài nghi dưới thời Trump, một đặc điểm của tháng 11 đã làm rạn nứt lớp vỏ chán ngấy của tôi một chút : không phải vì hành vi của ông ta hay phản ứng của hệ thống, mà là vì quy mô tuyệt đối của niềm tin trong những người bảo thủ rằng, cuộc bầu cử thực sự đã bị đánh cắp, không chỉ được đo lường trong dữ liệu thăm dò mà còn trong các cuộc trò chuyện và tranh luận, trực tuyến và trực tiếp, giữa tôi với những người mà tôi không kỳ vọng họ sẽ có cùng quan điểm.

Sức thuyết phục mạnh mẽ của niềm tin này đã làm xáo trộn một số cách giải thích quy ước đối với những niềm tin đặt vào các kế hoạch bí mật, đặc biệt là sự tự phụ cho rằng vấn đề mấu chốt nằm ở thông tin sai lệch lan truyền từ các hãng tin mang tính đảng phái, và những kẻ lừa đảo trên mạng xã hội, đã gieo rắc cho những người dễ bị lừa. Khi tôi theo dõi cách mà một số lý thuyết gian lận được lan truyền trực tuyến, hoặc theo dõi những người bảo thủ từ bỏ Fox News sang Newsmax để tìm kiếm các câu chuyện xác thực, rõ ràng đây là vấn đề cầu cũng nhiều như cung. Một niềm tin mạnh mẽ thúc đẩy mọi người ra ngoài tìm kiếm bằng chứng, rất nhiều cái gọi là thông tin sai lệch được thu thập và lưu hành một cách chân thành chứ không phải với một cách thô thiển, cùng với sức mạnh của các cơ quan chức năng khác nhau - chương trình của Tucker Carlson hoặc thuật toán của Facebook - để thay đổi niềm tin thì tương đối hạn chế.

Nhưng điều khiến tôi đặc biệt chú ý là niềm tin vào một cuộc bầu cử bị đánh cắp đã lan truyền như thế nào giữa những người mà tôi không nghĩ đến, đặc biệt là những người có phong cách Trump hoặc siêu đảng phái, những người không phải là loại người nghiện tin tức cáp hoặc trực tuyến mạnh mẽ, những người thậm chí dường như đã không đầu tư vào cuộc bầu cử trước khi nó xảy ra.

Tôi cũng lưu ý về hiện tượng tương tự ở những người khác : Tại National Review, Michael Brendan Dougherty viết rằng “những người bạn mà tôi biết không quan tâm đến chính trị đang gửi cho tôi những mẩu tin nhỏ về các cáo buộc gian lận và thao túng cử tri”. Tại The American Mind, nghệ sĩ người California có bút danh là Peachy Keenan mô tả việc y quan sát một người trong nhóm những bà mẹ ủng hộ Trump, thờ ơ trong giáo xứ Công giáo của cô ấy đột nhiên “nhận lấy huy hiệu MAGA” bởi các thuyết âm mưu bầu cử. (Bản thân là một người tin vào chuyện gian lận, cô ấy nghĩ nhận lấy huy hiệu MAGA là một điều tốt.)

Rút ra từ các cuộc trò chuyện của tôi trong vài tuần qua, đây là một nỗ lực nhằm phân loại những tín đồ gian lận có vẻ khó tin này.

Những kẻ vô vị, vớ vẩn ( Normie ) tò mò về âm mưu.

Tôi nói “normie” để phản ánh thực tế rằng việc công khai khả năng xảy ra các âm mưu là điều vô cùng bình thường và phổ biến. Nói về mặt thống kê thì không có gì bất thường, về việc tin rằng một 'nhà nước siêu quyền lực' trong thời Chiến tranh Lạnh đã ám sát John F. Kennedy hoặc rằng, chính phủ đang che giấu bằng chứng về UFO. Các lý thuyết âm mưu phổ biến trong đảng Dân chủ cũng như đảng Cộng hòa : Chứng cớ ​​cuộc thăm dò về việc can thiệp được cho là của Nga với tổng số phiếu bầu vào năm 2016, hoặc George W. Bush được cho là đã biết trước vụ tấn công ngày 11 tháng 9; gợi lại lý thuyết máy bỏ phiếu bị hỏng để giải thích thất bại sít sao của John Kerry năm 2004.

Điều này có nghĩa là bạn không cần một câu chuyện phức tạp về Facebook hoặc Fox News, để hiểu tại sao một người không quan tâm chính trị mạnh mẽ vẫn có thể thổ lộ ý tưởng rằng cuộc bầu cử đã được dàn xếp bởi hàng chục nghìn phiếu bầu ở một số bang quan trọng, đã thực sự sắp xếp người chiến thắng. Sự thẳng thắn đó chỉ là bản chất của con người - và cũng không phải là phần tồi tệ nhất của bản chất con người, khi cho rằng đã tồn tại những âm mưu và những che đậy (quân đội thực sự đã che giấu những bằng chứng kỳ lạ về UFO!) Và thậm chí những giả thuyết sai lầm thường có phần nào của chủ nghĩa hoài nghi mang nét hợp lý về sự lạm quyền của giới tinh hoa, từ thời Vịnh Bắc Bộ đến vụ Jeffrey Epstein (*).

Tuy nhiên, điều đã xảy ra trong tháng vừa qua với những kẻ đa sự, vô vị, vớ vẩn của chúng ta là sự thẳng thắn này đã được tổng thống Hoa Kỳ và các thuộc hạ của ông hiệu lực hóa theo cách mà các hình thức tò mò âm mưu khác không có. Có một khuôn mẫu lâu đời ở cả hai đảng chính trị là nhẹ nhàng khuyến khích âm mưu. (Các lý thuyết Diebold-đánh cắp-Ohio vào năm 2004 (**) đã được các đảng viên Dân chủ nổi tiếng trong Quốc hội ủng hộ; tin tức về Russiagate của MSNBC không thận trọng chính xác ở trong các lý thuyết mà nó xem xét). Nhưng Trump rõ ràng là khác - nổi tiếng và cấp tiến hơn. Ông ấy là một tổng thống, không phải là một người dẫn chương trình truyền hình cáp hay một nghị sĩ, và ông ấy hét lên những cáo buộc, bất kỳ cáo buộc nào, đều không có chút thận trọng, rào đón hay khả năng có thể phủ nhận.

Nếu bạn thành kiến ​​với các thuyết âm mưu, thì việc la hét này thật là nực cười. Tuy nhiên, nếu bạn có phần cởi mở với chúng và cảm thấy hơi đúng với tim đen của bạn, điều đó sẽ mang lại sự khích lệ. Không phải là những kẻ vô vị, vớ vẩn tò mò lắng nghe Trump và nghĩ rằng mọi điều ông ấy nói là đúng. Đó là Trump đang cung cấp sự xác thực cho niềm tin rằng điều gì đó có thể là sự thật, rằng nơi nào mà có rất nhiều tuyên bố gian lận thì một số ít ở đó có thể là chính xác, rằng nơi nào có nhiều khói cũng có thể có một hoặc hai ngọn lửa.

Tất nhiên cũng có rất nhiều người thuần túy trung thành với Trump, những người tin tưởng tuyệt đối vào những tuyên bố của ông ta, và một số người theo chủ nghĩa 'tưởng tượng sáng tác tùy hứng' theo kiểu QAnon nhất định chấp nhận bất kỳ lý thuyết nào, dù có phóng đại giật gân đến đâu. Nhưng câu chuyện gian lận cử tri lan tràn khắp cánh hửu bởi vì bạn không cần phải là một người trung thành hoặc là một người 'tưởng tượng sáng tác tùy hứng' để nhận lấy một cái gì đó từ những lời khen ngợi của Trump - không phải ở bản thân niềm tin, mà là sự cho phép để tin tưởng.

Những người trí thức - ngoài cuộc.

Hạng mục tiếp theo của những người tin tưởng bao gồm những người cực kỳ thông minh, những người có khả năng tự nhận diện bản thân bị ràng buộc bởi việc liên tục đặt câu hỏi và nghi ngờ các dạng hiểu biết đúng đắn. Chủ nghĩa bảo thủ luôn có rất nhiều loại này trong hàng ngũ của họ, nhưng những người tiến bộ chính thống cũng được củng cố trong các thể chế ưu tú, có nghĩa là càng ngày càng có nhiều người tìm đến những tư tưởng bảo thủ, vì chúng có vẻ như là một sự hiểu biết về các kế hoạch bí mật, một ứng xử về các vấn đề thế giới vốn hấp dẫn và chưa bị loại trừ khỏi các cuộc đàm luận chính thức.

Đến lượt nó, điều này gây ra sự nghi ngờ liên miên về bất cứ điều gì mà dường như có quá nhiều sự đồng thuận của cánh tự do đang bảo vệ cho nó, đặc biệt là bất kỳ ý tưởng nào nhận được sự chế giễu và cười nhạo, nhiều hơn là các ý tưởng bị bác bỏ. Và nó tạo ra một khuynh hướng tri thức luận mạnh mẽ đối với những gì mà bạn chỉ có thể tự tìm hiểu, trái ngược với những gì mà các chuyên gia của Yale hoặc nhãn cảnh báo của Twitter hoặc The New York Times có thể nói với bạn.

Trong nhiều trường hợp, cách tiếp cận của người trí thức - ngoài cuộc tạo ra cái nhìn sâu sắc thực sự. (Chẳng hạn như Twitter của cánh hữu ẩn danh đã thoát khỏi mối đe dọa coronavirus, vào thời điểm mà chủ nghĩa tự do chính thức vẫn còn lo lắng về chủ nghĩa bài ngoại hơn là lo lắng về bản thân virus.) Nhưng nó cũng có xu hướng bác bỏ những gì không chính thức và tổng hợp lại các vấn đề trong một vòng tròn khép kín của sự hiểu biết chính thức.

Do đó, loại trí thức - ngoài cuộc nhìn vào sự 'đồng thuận không có cử tri-gian lận' và ngay lập tức đi tìm kiếm những vết nứt trong cột trụ của sự thật chính thức, những điều bất thường mà sự đúng đắn chắc chắn sẽ được làm sáng tỏ. Rất nhiều bằng chứng được cho là gian lận được lưu hành trực tuyến đến từ những nỗ lực này - không phải từ những lời nói dối hay xảo trá (mặc dù những kẻ nói dối và những kẻ xảo trá có thu nhặt được chúng) mà là từ những phân tích chân thành về dữ liệu bầu cử, điều này chắc chắn tạo ra những bất thường ở đâu đó, điều này khẳng định các giả thiết của người tìm kiếm, điều này khép lại vòng tròn câu chuyện và thuyết phục họ rằng, câu chuyện đúng đắn là sai và gian lận cử tri là có thật.

Sự cực đoan hóa gần đây.

Phe phái cuối cùng này bao gồm nhiều người đọc và lưu hành các phân tích của người trí thức - ngoài cuộc, những người cánh hửu có nhận thức về những gì mà các thể chế tự do và những diễn viên có khả năng thực hiện, đã bị thay đổi bởi kỷ nguyên coronavirus.

Nhiều người theo chủ nghĩa tự do đã trải qua những năm dưới thời Trump, lo lắng về một loại khoảnh khắc Reichstag Fire, một cuộc khủng hoảng mà Trump có thể sử dụng như một cái cớ để củng cố chủ nghĩa độc tài. Nhưng rất nhiều người bảo thủ đã trải nghiệm tháng 5 và tháng 6 của kỷ nguyên Covid như một hình ảnh phản chiếu những 'nỗi sợ chống Trump' - là một cuộc khủng hoảng dường như được các chính trị gia và các nhà hoạt động cánh tả cố tình khai thác cho mục đích cách mạng.

Câu chuyện vào mùa xuân và đầu mùa hè của họ bắt đầu với việc các nhà lãnh đạo và các chuyên gia của đất nước chúng ta kêu gọi sự hy sinh chưa từng có, với những vụ phong tỏa và đóng cửa vốn ảnh hưởng không tương xứng đến các doanh nghiệp nhỏ, nhà thờ và các gia đình có trẻ em - tất cả các nhóm và tổ chức bảo thủ - trong khi các chuyên gia tự do trên Zoom (sinh hoạt trên internet, THS ) đã phát triển tốt hơn và các đại gia ở Thung lũng Silicon đã mở rộng tầm ảnh hưởng và sự giàu có của họ. Sau đó, dựa trên một trường hợp đơn lẻ do một nhà hoạt động khuếch đại về sự tàn bạo của cảnh sát, cùng các chuyên gia và các chính trị gia đột nhiên từ bỏ các hạn chế ngừa dịch, vì mục tiêu của các cuộc biểu tình cánh tả … mà các phương tiện truyền thông chính thức giả vờ là ôn hòa, ngay cả khi họ gây đau đớn cho một loạt bạo động qua các thành phố của Mỹ … bao gồm một làn sóng đập phá tượng đài chống lại các biểu tượng quan trọng của lịch sử Mỹ … thậm chí như một từ vựng của hệ tư tưởng mới dường như đột nhiên chiếm lấy các thể chế ưu tú… và những nhân vật bất đồng chính kiến đã bị thanh trừng… và trong bối cảnh đó, giới tinh hoa trên thế giới đã lớn tiếng thông báo rằng họ đang tìm kiếm một “Sự tái lập vĩ đại”, một trật tự thế giới mới hậu coronavirus.

Đối với thành phần cực đoan hóa, tất cả những điều này cảm thấy được quản lý theo giai đoạn, được sắp xếp trước - cả hai đều là sự leo thang hơn nữa trong cuộc chiến của cơ sở chống lại Trump, người kế nhiệm cuộc điều tra của Mueller và thúc đẩy luận tội, và như một nỗ lực sử dụng sự kỳ lạ của tình hình Covid để củng cố quyền lực cấp tiến trong các thể chế ưu tú. Trải nghiệm và giải thích mùa hè năm 2020 theo cách này khiến mọi người chờ đợi sự leo thang hơn nữa vào mùa thu : Xét cho cùng, nếu những người theo chủ nghĩa tự do khai thác đại dịch để quản lý theo giai đoạn một cuộc cách mạng ý thức hệ, tại sao họ không khai thác tất cả các tính năng kỳ lạ của đại dịch để xử dụng cho sự quản lý theo giai đoạn kết quả bầu cử?

Không nghi ngờ gì nữa, một số độc giả theo chủ nghĩa tự do của tôi sẽ thấy câu hỏi này quá lố bịch để có thể đưa ra câu trả lời. Bạn không thể tranh luận với ai đó từ một lý thuyết âm mưu, từ một chân lý phổ biến đang lưu hành, có nghĩa là phản ứng thích hợp duy nhất cho những ý tưởng này là sự lên án và một thể loại cách ly - để đạt được, có lẽ, thông qua các thuật toán tốt hơn của Facebook, sự thất bại chính trị toàn diện của Đảng Cộng hòa và một số loại “không có ý thức lịch sự, thưa ông”, lòng can đảm từ các nhà cung cấp tin tức và các nhà lãnh đạo chính trị, bất cứ khi nào mà sự hoang tưởng của cánh hữu tái xuất hiện.

Tôi không thấy có bất kỳ cách nào mà những nỗ lực này sẽ hiệu quả. (Chắc chắn với bằng chứng về năm 2020, Đảng Cộng hòa sẽ không đi đến đâu, chứ chưa nói đến việc sắp bị “thiêu rụi” như một số người chống Trump đã hy vọng).

Tất nhiên, giải pháp thay thế - thực sự cố gắng tranh luận với những người trong các phe phái mà tôi vừa mô tả - cũng có thể không hiệu quả, đặc biệt là với thực tế ảo có quản lý mà internet ngày càng cho phép tất cả chúng ta sinh tồn. Nhưng tôi đã từng tranh cãi về một vài lý thuyết khác trong cuộc đời mình. (Tôi bảo đảm với bạn rằng chỉ có những lý thuyết ngoại lệ tốt nhất.) Và nếu bạn chấp nhận rằng có nhiều lý do liên quan đến lý thuyết âm mưu hơn là sự thông thái đúng đắn nêu ra, thì một khi những lý thuyết như vậy đạt được một sự nổi bật nhất định, bạn thực sự có nghĩa vụ đưa ra tình huống chống lại chúng chứ không phải chỉ là cười trừ rồi bỏ đi.

Những nỗ lực lập luận của riêng tôi đã diễn ra như sau: đối với đảng viên Cộng hòa tò mò về âm mưu, những người mà sự tò mò được xác thực bởi cáo buộc gian lận của Trump, tôi gợi ý rằng, nơi để tìm ra lửa giữa làn khói là trong các tuyên bố mà các luật sư của tổng thống thực sự sẵn lòng đưa lên trước tòa, chúng hoàn toàn trái ngược với trong các cuộc họp báo, phiên điều trần bán chính thức và trên Twitter. Những luật sư đó - đặc biệt vào lúc này hầu hết chỉ là những buổi trình diễn của Rudy Giuliani - có mọi động cơ để mở rộng một vụ án gian lận. Nếu các tuyên bố pháp lý của họ không thực sự cáo buộc gian lận hoặc chúng bị phá vỡ dưới sự giám sát kỹ lưỡng, thì bạn cũng nên giả định rằng sự hăm dọa ầm ỉ của tổng thống phải có một số tương quan trong thế giới thực.

Đối với những người trí thức- ngoài cuộc bị cuốn hút bởi sự bất thường trong cách đếm phiếu hoặc các khuôn khổ trả lại lá phiếu, tôi lập luận rằng sự bất thường cho thấy gian lận sẽ phải xuất hiện trong tổng số phiếu bầu cuối cùng - có nghĩa là một số khuôn khổ kết quả ở các thành phố của bang dao động chủ chốt, phải khác hẳn so với kết quả ở các thành phố tại các bang ít tranh chấp hơn, hoặc một số mô hình cử tri đi bỏ phiếu ở các vùng ngoại ô của bang dao động trông kỳ lạ so với vùng ngoại ô ở bang xanh đậm hoặc đỏ đậm. Nhưng những nơi đưa ra các tuyên bố về những loại dị thường đó, hóa ra chúng lại là sai. Vì vậy, cho đến khi một ví dụ thuyết phục có thể được trích dẫn, các bất thường trong quá trình đếm phiếu nên được coi là lỗi hoặc là ngẫu nhiên, không phải gian lận.

Cuối cùng đối với những người cực đoan hóa, tôi đã cố gắng truyền đạt, dựa trên kiến ​​thức của riêng tôi về cách thức hoạt động của các thể chế tự do, rằng đối với những người ngoài cuộc, những gì trông có vẻ quản lý theo giai đoạn trong các cuộc xáo trộn tháng 5 và tháng 6, thực sự phản ánh sự thay đổi đột ngột và chia rẽ có hệ thống, hành động ngay thẳng phản đối nạn phân biệt chũng tộc và sự vô tổ chức của những người bị 'ám ảnh sợ Trump', một cuộc khủng hoảng trong tâm trí của chủ nghĩa tự do, một liều thuốc phục hưng tôn giáo, cộng với một cuộc nổi dậy hỗn loạn của cư dân thành phố chống lại trải nghiệm bị phong tỏa, tất cả đã rơi xuống bản thân họ một cách nặng nề. Đạo đức giả và chủ nghĩa cấp tiến có rất nhiều điểm giống nhau, nhưng theo nghĩa đen thì không ai chịu trách nhiệm, ngoại trừ đôi khi có với các nhà hoạt động ở thế hệ trẻ, những người cảm nhận được cơ hội nghề nghiệp, và bất kỳ "kế hoạch" hay "thiết lập lại" nào chỉ là một nỗ lực không may mắn được các chính khách lớn tuổi khơi gợi. Nói một cách ngắn gọn hơn: Cơ sở tự do mà tôi theo dõi đã bị chao đảo trong suốt tháng 5 và tháng 6, khiến nó không thể lên kế hoạch cho một âm mưu lừa đảo cử tri sâu rộng để cứu lấy mạng sống của nó.

Tôi đã thuyết phục được ai bằng những lý lẽ này chưa? Có lẽ không, và với tư cách là người phụ trách chuyên mục của một cơ quan vốn đã nổi tiếng, tôi có lẽ không phải là người tốt nhất để làm việc này. Sự khác biệt đó thuộc về những người có nhiều mâu thuẫn trong hệ thống bảo thủ, những người ghi chép cho National Review và những người dẫn chương trình radio, các nhà phê bình truyền thông bảo thủ, tất cả đều là những nhà tranh luận quan trọng hơn nhiều cho cuộc tranh luận nội bộ của Đảng Cộng hòa.

Nhưng tôi chắc chắn rằng những vấn đề này liên quan đến một câu hỏi lớn hơn và quan trọng hơn cho tương lai của cánh hửu. Hiện tại, câu chuyện lừa đảo cử tri đang được triển khai, thường bởi những người hoài nghi hơn là các nhóm mà tôi vừa mô tả, để giúp một tổng thống sắp mãn nhiệm - một người hai lần thua phiếu phổ thông và tỏ ra kém cỏi khi đối mặt với những thách thức lớn nhất của chính quyền mình - gây ra một yêu sách lâu dài cho sự lãnh đạo của đảng mình và tự xác lập mình là ứng cử viên giả định của Đảng Cộng hòa vào năm 2024. Và nó được sử dụng để gạt sang một bên câu chuyện hấp dẫn hơn, rằng Đảng Cộng hòa cần rút kinh nghiệm từ năm 2020, đó là nhiệm kỳ tổng thống của Trump đã chứng minh rằng chủ nghĩa dân túy có thể tạo nền tảng cho chủ nghĩa bảo thủ, nhưng để xây dựng nó một cách đúng đắn cần một nhà lãnh đạo rất khác so với người đàn ông mà Joe Biden vừa đánh bại.

Đó là lập luận quan trọng nhất cho bốn năm tới - và là lập luận tôi sẽ đưa ra một cách chắc chắn, nhiệt tình, ngay thẳng cho đến khi Đảng Cộng hòa đề cử Trump một lần nữa vào năm 2024.


_ Chú thích :

(*) : Vụ Vịnh Bắc Bộ xảy ra ở Bắc Việt Nam, tiền đề để Mỹ tham chiến ở Nam Việt Nam. Vụ Jeffrey Epstein là tỷ phú Jeffrey Epstein bị cáo buộc tội ấu dâm và ông ta tự tử trong nhà tù.

(**) : Diebold-đánh cắp-Ohio nhắc đến máy bỏ phiếu điện tử Diebold gây cho ứng cử viên Dân chủ thua cuộc ở Ohio vào năm 2004.

_ Ross Douthat là một thành viên thỉnh giảng tại Viện Doanh Nghiệp Hoa Kỳ (AEI), nơi anh nghiên cứu về chính trị, văn hóa, tôn giáo và cuộc sống gia đình của Mỹ. Anh cũng là một nhà báo chuyên mục ý kiến ​​của The New York Times. Anh có bằng Cử nhân lịch sử tại Đại học Harvard.


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.