Thách thức của Trung Quốc sau năm 2020

Ảnh của Eurasia Review

Marvin C. Ott … Ngày 12 tháng 12 năm 2020 Theo Eurasia Review

Trần H Sa lược dịch.

( FPRI ) - Những vấn đề cấp bách và tức thời mà Tổng thống đắc cử Joseph Biden phải đối mặt sẽ là những vấn đề trong nước. Tuy nhiên, chính sách đối ngoại chắc chắn và nhất thiết sẽ trở thành trọng tâm chính của chính quyền mới.

Tổng thống đắc cử Biden tự hào về chuyên môn quốc tế của mình, nhưng ông sẽ nhanh chóng phát hiện ra rằng thế giới đã thay đổi sâu sắc trong bốn năm, kể từ khi ông làm phó tổng thống. Cốt lõi của sự chuyển đổi này nằm ở Trung Quốc - một siêu cường kinh tế và quân sự đang trỗi dậy với những tham vọng to lớn và sự hiện diện của nó trên toàn cầu đang định hình không chỉ châu Á mà còn cả châu Phi, Mỹ Latinh và châu Âu. Đồng thời, những mối quan hệ quốc tế và sức mạnh của quốc gia này ngày càng được xác định rõ trên lãnh vực khoa học và công nghệ. Nếu bạn hỏi Lầu Năm Góc điều gì sẽ quyết định cho vấn đề liệu sức mạnh của Mỹ có còn ưu việt hay không, câu trả lời là tất cả phụ thuộc vào việc liệu Mỹ có thể duy trì được lợi thế công nghệ của mình hay không.

Trong những năm Obama, châu Âu coi Trung Quốc là mối quan tâm chủ yếu của châu Á. Nhưng ngày nay, Trung Quốc là một quốc gia quan trọng và ngày càng tăng sự hiện diện của nó ở châu Âu. Các quan chức Trung Quốc, với số tiền chi tiêu ở khắp châu Âu, đang tìm kiếm các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng rộng lớn như một phần của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường được thiết kế để kết nối châu Âu với Trung Quốc. Hiện tại, Trung Quốc đã nắm quyền sở hữu một cách hiệu quả cảng Piraeus của Hy Lạp với mục đích được nêu rõ là biến nó thành trung tâm hàng hải lớn nhất và quan trọng nhất của châu Âu. Phần lớn sự thúc đẩy của Trung Quốc là Công Nghệ Thông Tin (CNTT) - đặc biệt tập trung vào gã khổng lồ công nghệ Huawei với tư cách là nhà cung cấp thiết bị viễn thông giá rẻ, nhằm độc quyền việc chuyển đổi của châu Âu sang mạng 5G .

Chính phủ Trung Quốc cũng có tham vọng tương tự đối với Huawei tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, viện dẫn mối quan hệ chặt chẽ của Huawei với các cơ quan tình báo Trung Quốc, các chuyên gia an ninh Mỹ dưới thời Obama và đặc biệt là Trump, đã lên tiếng cảnh báo. Do đó, Huawei đang bị buộc phải rời khỏi thị trường Mỹ. Những lo ngại của Mỹ liên quan đến Huawei và các nền tảng CNTT khác của Trung Quốc đã được thông báo khẩn cấp tới các quan chức châu Âu - và, bắt đầu với Vương quốc Anh, các chính phủ châu Âu đã bắt đầu đi theo sự dẫn dắt của Mỹ.

Huawei có thể được coi là một chỉ số hàng đầu trong một sự thay đổi chính sách rộng lớn hơn ở châu Âu, qua đó hứa hẹn sẽ thay đổi cục diện chiến lược toàn cầu theo những cách quan trọng. Các quan chức châu Âu đang kêu gọi một quan hệ đối tác mới với Mỹ - và với châu Á - được thiết kế để chống lại Trung Quốc. Người châu Âu coi một NATO với phong cách mới là cốt lõi mang tính thể chế của những gì sẽ trở thành một tập hợp phối hợp chặt chẻ với nhau, trong các liên minh bao gồm các thành viên NATO hiện tại, cộng với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, và có thể là Ấn Độ và một số quốc gia Đông Nam Á. Các đặc điểm chung sẽ tăng gấp đôi : mối quan tâm chung về tham vọng bá quyền của Trung Quốc, và một cam kết chung về dân chủ. Dân chủ đã trở nên khẩn cấp với cuộc đàn áp của Bắc Kinh đối với các thể chế dân chủ của Hồng Kông.

Chiến tranh thế giới thứ hai và Chiến tranh Lạnh là những cuộc đấu tranh giữa nền dân chủ phương Tây và chủ nghĩa độc tài, vì vậy một liên minh dân chủ mới, chống lại một Trung Quốc độc tài và một nước Nga chuyên quyền (gây ra mối đe dọa riêng cho phương Tây) dường như phù hợp với một mô hình quen thuộc. Nhưng lần này, liên minh dân chủ thì rộng lớn và đa dạng hơn nhiều — kéo dài từ Washington đến Paris, từ Tokyo đến Canberra, và xa hơn nữa.

Đây sẽ là một cam kết chiến lược phức tạp hơn nhiều so với Chiến tranh Lạnh. Nó sẽ bao gồm nhiều liên minh gồm có các thành viên khác nhau. Ví dụ, một hướng liên kết nhằm bảo vệ các tuyến đường biển ngang qua Biển Đông sẽ bao gồm Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, có lẽ là Singapore, cộng với Anh, Pháp và thậm chí cả Đức. Một liên minh tập trung vào an ninh mạng ở châu Âu sẽ có thành phần cấu tạo khác. Trong tất cả khả năng, Hoa Kỳ và Nhật Bản có thể là những quốc gia duy nhất có mặt trong mọi biến thể. Tất cả những điều này có chút suy đoán và có tầm nhìn xa, nhưng việc lập kế hoạch đã bắt đầu - phần lớn tập trung vào NATO. Một Nhóm Phản ánh của NATO đã đưa ra một khuôn khổ khái niệm và quá trình cập nhật tài liệu Hướng dẫn Chiến lược của NATO đang được tiến hành. Có những đề xuất đã ở trên bàn về việc thành lập một hoặc nhiều văn phòng liên lạc của NATO ở châu Á trong khi mở rộng quan hệ Đối tác vì hòa bình hiện có của NATO vượt khỏi châu Âu đến châu Á. Các mối quan tâm liên quan đến mạng và bảo mật CNTT là chủ đề của Hội nghị bảo mật định kỳ ở Prague.

Không thiếu các trường hợp thử nghiệm kêu gọi một cách tiếp cận chung cho Mỹ-Âu-Á . Úc hiện đang chịu áp lực / ép buộc kinh tế nặng nề của Trung Quốc vì Canberra đã chống lại các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm gây ảnh hưởng đến chính trị trong nước của Úc. Úc cần sự hỗ trợ rộng rãi của quốc tế. Ấn Độ đang xem xét lệnh cấm Huawei, ũng hộ các mạng CNTT do châu Âu xây dựng. Nhưng thiết bị 5G của Huawei ít tốn kém hơn nhiều. New Delhi cần các chính phủ châu Âu giúp các nhà cung cấp châu Âu trở nên dễ cạnh tranh hơn về chi phí.

Bối cảnh địa chính trị toàn cầu đã sẵn sàng trên một cấu hình mới. Đối với chính quyền Biden, đó sẽ là một thách thức lớn - và cơ hội lớn.

_ Marvin C. Ott là Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại và là Học giả cao cấp tại Trung tâm Học giả Quốc tế Woodrow Wilson.


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.