Trung Quốc vừa yếu vừa nguy hiểm.

“Cơn ác mộng Trung Quốc” nêu ra những rủi ro của một trạng thái mong manh đáng kinh ngạc.

Các quan khách quân đội vỗ tay tại Đại lễ đường Nhân dân trong buổi lễ do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì để vinh danh những người đã chiến đấu chống lại đại dịch coronavirus, tại Bắc Kinh vào ngày 8 tháng 9. NICOLAS ASFOURI / AFP VIA GETTY IMAGES.

MATTHEW KROENIG , JEFFREY CIMMINO | NGÀY 7 THÁNG 12 NĂM 2020….Theo Foreign Policy

Trần H Sa lược dịch.

Ba thập kỷ sau khi Liên Xô sụp đổ, Hoa Kỳ nhận thấy mình đang tham gia vào một cuộc cạnh tranh siêu cường mới với Trung Quốc. Kể từ khi nhậm chức, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa đất nước của ông đi theo con đường quyết đoán hơn, và đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng sự kình địch. Bề ngoài, Trung Quốc tỏ ra tự tin với một nền kinh tế đang phục hồi, quân đội được hiện đại hóa, tăng tốc phát triển công nghệ, và mở rộng ảnh hưởng ngoại giao trên toàn thế giới.

Trong một cuốn sách mới xuất bản vừa sâu sắc vừa đúng lúc, "Cơn ác mộng Trung Quốc : Tham vọng lớn của một quốc gia đang suy tàn", Dan Blumenthal của Viện Doanh nghiệp Mỹ đã xem xét kỹ càng Trung Quốc, xem xét năng lực và các mục tiêu chiến lược của nước này. Khi làm như vậy, ông đã làm sáng tỏ sự nghịch lý của Trung Quốc hiện đại : Đó là một cường quốc quyết đoán, đầy tham vọng, nhưng cũng lại là một cường quốc có những điểm yếu tiềm ẩn mà có thể thúc đẩy sự trỗi dậy của nó, hoặc, như tiêu đề của cuốn sách, đẩy nhanh quá trình suy tàn. Theo cách nói của tác giả, "Lập luận chính của cuốn sách này là bất chấp (hoặc có lẽ vì) những điểm yếu nội tại ngày càng tăng của Trung Quốc, đang thúc đẩy những tham vọng chiến lược lớn lao của quốc gia này."

Nghiên cứu về Trung Quốc của Blumenthal đã bắt đầu từ nhiều năm trước, lúc ông đặc trách về Trung Quốc ở Ngủ Gíác đài, và đã mang lại cho ông sự hiểu biết sâu sắc về những phát triển đã làm thay đổi đất nước Trung quốc kể từ đó. Các học giả tranh luận về việc liệu Trung Quốc mong muốn quyền bá chủ khu vực hạn chế, hay sự thống trị hệ thống toàn cầu ? Câu trả lời của Blumenthal rất rõ ràng: Tham vọng của Trung Quốc là trên toàn thế giới. Ông chỉ ra báo cáo công tác của Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lần thứ 19 do ông Tập đưa ra vào năm 2017. Báo cáo dự đoán rằng vào giữa thế kỷ này, Trung Quốc sẽ là một "quốc gia xã hội chủ nghĩa thịnh vượng, hiện đại và mạnh mẽ với một quân đội có đẳng cấp thế giới". Theo Blumenthal, “cuộc đấu tranh giành quyền làm chủ địa chính trị của Bắc Kinh sẽ không chỉ giới hạn ở châu Á,” bởi vì “Trung Quốc muốn dẫn đầu một trật tự thế giới mới xoay quanh quyền lực của Trung Quốc, và được điều hành bởi các quy tắc do Trung Quốc đặt ra”.

Ông lập luận, ngay cả khi ĐCSTQ quan tâm chủ yếu đến sự tồn tại của chế độ, nó vẫn coi trật tự quốc tế với Trung quốc làm trung tâm là điều cần thiết. Nhận thức về một Trung Quốc là trung tâm tự nhiên của thế giới, luôn đóng vai trò là một nguồn quan trọng cho tính hợp pháp ở trong nước.

Nhưng tham vọng toàn cầu của Trung Quốc thì trái ngược với những điểm yếu tiềm ẩn. Blumenthal nhận xét rằng bản thân ĐCSTQ “đã đánh giá rằng, trên thực tế, tình hình an ninh bên trong và bên ngoài của chính Trung quốc đang bị thách thức trầm trọng.” Blumenthal trích dẫn một chuỗi dài các thách thức kinh tế, xã hội và chính trị mà Bắc Kinh phải đối mặt, bao gồm cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang gia tăng (dân số lão hóa tăng nhanh, THS ), tăng trưởng GDP chậm lại do đảng tái xác nhận quyền kiểm soát của nhà nước đối với nền kinh tế, cuộc tháo chạy vốn với việc người giàu Trung Quốc chuyển hàng trăm tỷ đô la ra nước ngoài, sự suy thoái môi trường đang kìm hãm sản xuất nông nghiệp cùng sức khỏe của người dân Trung Quốc, viễn cảnh bẫy thu nhập trung bình do Trung Quốc vật lộn để mở ra đổi mới, cùng với những lo ngại về chủ nghĩa ly khai và những bất ổn trong nước.

Blumenthal cho thấy đúng là Trung Quốc yếu hơn so với hiểu biết của nhiều người. Phân tích của ông phù hợp với quan điểm của một trong những tác giả của bài đánh giá sách này. Trong cuốn sách mới của ông ấy, Kroenig lập luận rằng hệ thống cai trị độc tài của Trung Quốc là một nhược điểm cơ bản trong cuộc kình địch siêu cường của họ với Hoa Kỳ. Trong lịch sử, từ thế giới cổ đại đến Chiến tranh Lạnh, các cường quốc độc đoán đã hoạt động kém hiệu quả trong các cuộc cạnh tranh cường quốc lâu dài, chống lại các đối thủ dân chủ. Các hệ thống cai trị độc đoán kìm hãm sự tăng trưởng và đổi mới kinh tế bằng cách nhấn mạnh loại văn hóa tuân thủ và hạn chế doanh nghiệp tự do. Trong lĩnh vực ngoại giao, các nhà độc tài vật lộn để xây dựng các liên minh và đối tác quốc tế sâu sắc và lâu dài. Khi nói đến các vấn đề quân sự, họ dành nhiều nguồn lực để trấn áp người dân của mình, hơn là để phòng thủ trước các mối đe dọa bên ngoài. Trung Quốc đang bị khổ sở với mỗi trong những thách thức này : nền kinh tế tăng trưởng chậm lại; ít bạn bè chân thành ở nước ngoài; và mất an ninh ở trong nước.

Đi xa hơn nữa, Blumenthal khéo léo đi sâu vào cuộc đấu tranh của ĐCSTQ để tái thiết các nguồn lực hợp pháp mới ở trong nước. Sự chuyển đổi của cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình sang nền kinh tế thị trường đã cắt bỏ gốc rễ chủ nghĩa Mác-Lê-nin của đảng cầm quyền. Như Blumenthal viết, "Trung Quốc ngày nay đang bù đắp cho sự vắng mặt của các nguyên tắc chính trị hoặc hệ tư tưởng lôi cuốn, bằng cách tạo ra một đế chế mới với sự sợ hãi." Thay cho chủ nghĩa Mác-Lênin, nó “đưa ra những lời kêu gọi chủ nghĩa dân tộc đế quốc ngày càng cứng rắn”.

Chính vì những lý do này mà ngay cả khi là một cường quốc yếu ớt hơn nhiều so với vẻ bề ngoài, Trung Quốc vẫn đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ. Blumenthal lưu ý rằng “các cường quốc đang suy giảm nguy hiểm không kém các cường quốc đang trỗi dậy”, chỉ ra việc Nga xâm lược Ukraine như một ví dụ về một cường quốc đang yếu kém rất hung hăng với các nước láng giềng.

Do đó, Blumenthal đưa ra một cách nghĩ quan trọng thứ ba về Trung Quốc. Nhiều người ở Washington coi Trung Quốc đang cảm thấy tự tin và cạnh tranh cường quốc là ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ. Những người khác mô tả một Trung Quốc với những vấn đề nội bộ nghiêm trọng, không gây nhiều đe dọa và Washington có thể tiếp tục hợp tác. Ngược lại, Trung Quốc của Blumenthal thì vừa yếu vừa nguy hiểm.

Ở cuối cuốn sách, Blumenthal hỏi, “'Chúng ta muốn sống trong hình thái thế giới nào?' ĐCSTQ có câu trả lời rõ ràng, phải chăng là những phương tiện dài hạn để đạt được ảo mộng của nó ”. Tuy ĐCSTQ có thể có câu trả lời rõ ràng, nhưng Washington thì không. Chiến lược An ninh Quốc gia Hoa Kỳ năm 2017 của Mỹ đã chẩn đoán chính xác vấn đề cạnh tranh cường quốc với Trung Quốc, nhưng không nêu rõ tình huống mong muốn cuối cùng ở sự cạnh tranh này.

Blumenthal phác họa những nét phác thảo về lý thuyết chiến thắng cho Hoa Kỳ: “Điều này có nghĩa là thuyết phục Trung Quốc rằng một cuộc cạnh tranh như vậy là quá tốn kém và có thể phải trả giá bằng mục tiêu quan trọng của Bắc Kinh là sự tồn tại chế độ của nó.”

Đây là một câu trả lời tốt và rõ ràng hơn so với những gì mà những người theo dõi Trung Quốc khác đã cung cấp. Trước đây chúng tôi đã lập luận rằng Hoa Kỳ nên tìm cách đem lại sức sống mới, thích nghi và bảo vệ hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ do Hoa Kỳ lãnh đạo. Về lâu dài, Hoa Kỳ nên muốn Trung Quốc là một thành viên hợp tác của hệ thống đó. Nhưng điều đó sẽ không thể thực hiện được trong tương lai gần, có lẽ là không chừng nào mà ĐCSTQ còn trị vì ở Bắc Kinh.

Do đó, trong ngắn hạn, Hoa Kỳ và các đồng minh của mình phải bảo vệ hệ thống đó khỏi các mối đe dọa kinh tế, quản trị và quân sự mà Trung Quốc đặt ra, đồng thời áp đặt cái giá nghiêm trọng mà ĐCSTQ phải trả, khi nó vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế đã được áp dụng rộng rãi. Chiến lược này sẽ thành công khi nó thay đổi được suy nghĩ của các nhà lãnh đạo Trung Quốc và như Blumenthal cũng lập luận, thuyết phục họ rằng việc thách thức hệ thống do Mỹ lãnh đạo là quá khó khăn và tốn kém.

Để thực hiện thành công một chiến lược như vậy sẽ đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về điểm mạnh và điểm yếu của Trung Quốc cũng như niềm hy vọng và nỗi sợ hãi của nước này. Đây chính xác là những gì mà cuốn sách quan trọng của Blumenthal cung cấp. Với tất cả những ai muốn hiểu rõ hơn về Trung Quốc cần phải đọc nó, và trên hết, các quan chức chính phủ, những người có trách nhiệm bảo vệ chúng ta khỏi quốc gia yếu ớt và nguy hiểm này, cần phải đọc nó.

_ Tác giả bài viết :

*** Matthew Kroenig là phó giám đốc Trung tâm Chiến lược và An ninh Scowcroft tại Hội đồng Đại Tây Dương và là giáo sư khoa Quản trị và Dịch vụ Đối ngoại của trường Edmund A. Walsh tại Đại học Georgetown. Twitter: @matthewkroenig

*** Jeffrey Cimmino là trợ lý chương trình trong Sáng kiến ​​Chiến lược Toàn cầu của Trung tâm Scowcroft.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.