Biden sẽ đối phó với Trung Quốc như thế nào?

Tổng thống Mỹ Joe Biden phải đối mặt với một loạt thách thức chính sách đối ngoại khó khăn, từ việc sửa chữa các liên minh bị rạn nứt đến việc cam kết thực hiện các trách nhiệm toàn cầu. | AMR ALFIKY / THE NEW YORK TIMES

STEPHEN R. NAGY….23 tháng 1 năm 2021… Theo Japan Times

Trần H Sa lược dịch.

Quay trở lại năm 2008, khi Joe Biden đang trên đường tranh cử phó tổng thống, thượng nghị sĩ đảng Dân chủ từ Delaware từng nói với những người gây quỹ rằng thế giới sẽ “thử thách dũng khí” của Barack Obama.

Bây giờ Biden đã nhậm chức tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ, đến lượt ông được thử nghiệm.

Biden phải đối mặt với một loạt thách thức chính sách đối ngoại khó khăn, từ việc sửa chữa các liên minh bị rạn nứt cho đến việc tái cam kết thực hiện các trách nhiệm toàn cầu.

Đứng đầu trong số rất nhiều câu hỏi hóc búa là thách thức ngày càng tăng của Trung Quốc. Khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục thách thức quyền lực của Mỹ trên sân khấu toàn cầu, Biden thừa hưởng một sự thâm hụt lòng tin to lớn từ Trump, và một mối quan hệ Mỹ-Trung đã xấu đi vì Trung Quốc ngày càng quyết đoán, cũng còn bởi một chính sách Trung Quốc thiếu rõ ràng và thực thi tiền hậu bất nhất của người tiền nhiệm.

Biden có thể đảo ngược nhiều chính sách của người tiền nhiệm bằng cách vẫy chiếc đũa thần - dưới hình thức mệnh lệnh hành pháp như ông đã làm khi quay trở lại hiệp định khí hậu Paris vào ngày đầu tiên nắm quyền - nhưng đối phó với Trung Quốc là một vấn đề hoàn toàn khác. Đó là một vấn đề đau đầu cần sức mạnh và quyết tâm của các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới, vì nó liên quan đến một hành động cân bằng tinh tế giữa việc duy trì các giá trị dân chủ và cạnh tranh về mặt kinh tế và địa chính trị, đồng thời tìm kiếm một con đường hợp tác trong các vấn đề tồn tại như biến đổi khí hậu và đại dịch.

Nếu mối quan hệ ấm hơn nhanh chóng vốn khó có thể xảy ra trong ngắn hạn, thì Biden đối phó với Trung Quốc như thế nào? Bất kỳ chiến lược thành công nào đều bắt đầu bằng việc xác định thách thức, và cách chính quyền Biden xác định nó như thế nào sẽ định hình cách tiếp cận của họ đối với Trung Quốc và khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chào đón Phó Tổng thống khi đó là Joe Biden tại Bắc Kinh vào tháng 12 năm 2013. | REUTERS.FILE PHOTO:

Thách thức của Trung Quốc.

Về mặt đối nội, Trung Quốc phải đối mặt với nền kinh tế của nó bị áp lực đẩy xuống rất lớn. Một phần của điều này là do cấu trúc. Việc áp dụng chính sách một con vào cuối những năm 1970 đã tích lũy được lợi ích trong giai đoạn đầu của cuộc cải cách, nhưng bây giờ nó lại là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu lao động và tiêu dùng trong nước kém phát triển, vì người dân bình thường tiết kiệm cho tương lai của họ.

“Tất cả những cải cách dễ dàng đã được thực hiện trong giai đoạn cải cách đầu tiên (1978 cho đến giữa những năm 1980),” một chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc cho biết trong chuyến thăm cuối cùng của tôi đến thủ đô Trung Quốc, đề cập đến thời điểm Bắc Kinh công bố các chính sách cải cách do nhà nước lãnh đạo để mở cửa nền kinh tế.

“Giai đoạn cải cách thứ hai sẽ khó đạt được hơn nhiều nếu không gây đau đớn đáng kể cho giới quyền thế và những người dân thường”, chuyên gia nói, chỉ ra những nỗ lực gần đây hơn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong việc chuyển đổi sang một xã hội ổn định hơn và an toàn hơn, đồng thời khai thông một số bộ phận nhất định của nền kinh tế.

Cùng với nền kinh tế bị áp lực đi xuống và bất bình đẳng ngày càng tăng liên quan đến đại dịch COVID-19, triển vọng tăng trưởng kinh tế bền vững của Trung Quốc vẫn còn mơ hồ. Chúng tôi đã thấy các đối tác thương mại chủ động định hình lại danh mục đầu tư thương mại của họ với Bắc Kinh để chống lại sự cưỡng bức kinh tế.

Một nền kinh tế Trung Quốc yếu hơn có những tác động đến sự ổn định ở quốc gia đông dân nhất thế giới. Khi thất nghiệp gia tăng và bất bình đẳng gia tăng, có nguy cơ thực sự là Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ sử dụng những hành vi quyết đoán trong khu vực để đánh lạc hướng dân chúng của họ khỏi bất mãn trước những thách thức kinh tế trong nước.

Trung Quốc quản lý tốt giai đoạn cải cách thứ hai như thế nào vốn đi kèm với đau đớn, sẽ rất quan trọng đối với cách tiếp cận của chính quyền Biden với Bắc Kinh. Giai đoạn cải cách thứ hai được quản lý tốt sẽ củng cố nội bộ Trung Quốc ở cấp độ thể chế và kinh tế. Nó sẽ khiến Trung Quốc trở thành một đối thủ cạnh tranh đáng gờm hơn trên phạm vi sức mạnh tổng thể của quốc gia.

Ngược lại, giai đoạn cải cách thứ hai được quản lý yếu kém thì về cơ bản có thể gây bất ổn cho nền kinh tế Trung Quốc và hệ thống độc đảng. Điều này sẽ có những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế và các thể chế của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Thất nghiệp, nợ nần và dân số già nua ngày càng tăng của Trung quốc có thể dẫn đến tình trạng trì trệ, qua đó sẽ làm chậm đáng kể sự năng động kinh tế của khu vực.

Điều này có thể khiến Trung Quốc trở thành một đối thủ cạnh tranh ít đáng gờm hơn đối với chính quyền Biden, nhưng cũng có thể tạo ra áp lực chính trị và xã hội đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Áp lực đó có thể khiến đảng trở nên đàn áp hơn ở trong nước và trở nên quyết đoán hơn đối với các nước láng giềng của Trung Quốc. Đảng có thể sử dụng các chính sách dân túy như kiên quyết thống nhất Đài Loan, hay một đường lối thậm chí còn cứng rắn hơn ở Hồng Kông, hoặc chiếm giữ quần đảo Senkaku, như là những sáng kiến ​​nhằm thu hút sự ủng hộ của công chúng cho các mục tiêu dân tộc chủ nghĩa vốn đã có từ lâu đời.

Các nhân viên cảnh sát hộ tống Andrew Wan, một chính trị gia ũng hộ dân chủ vừa từ chức tại cơ quan lập pháp Hồng Kông, vào ngày 6 tháng 1. Những hành động cuối cùng của chính quyền Trump đối với Trung Quốc đã tạo ra những thách thức cho giai đoạn tiếp theo trong chính sách đối ngoại của Mỹ. | LAM YIK FEI / THE NEW YORK TIMES

Với việc kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày 23 tháng 7, một Trung Quốc trì trệ có thể làm tăng lên những cơ hội chỉ trích giận dữ.

Biden cũng cần giải quyết thách thức Trung Quốc theo tầm vóc quốc tế. Điều này bao gồm chiến lược dài hạn của Trung Quốc đang định hình lại kiến ​​trúc kinh tế - chính trị của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thông qua sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của nó. Bắc Kinh muốn tạo ra các mối quan hệ kinh tế mà ở đó tất cả các quốc gia tham gia phải phụ thuộc vào nó.

Những nỗ lực định hình lại địa chính trị của khu vực càng được tăng cường bởi những nỗ lực của Bắc Kinh nhắm đến thống trị các công nghệ như trí tuệ nhân tạo và 5G, đồng thời tham gia vào các quy tắc pháp chế kinh tế để ràng buộc và uốn nắn các nước láng giềng thành một mối quan hệ cung kính trước Bắc Kinh.

Hành vi quyết đoán ở Biển Hoa Đông, Biển Đông và Himalaya, các chiến dịch gây ảnh hưởng chính trị lan rộng, hồ sơ cưỡng bức kinh tế và ngoại giao con tin nhằm chia rẻ các đồng minh và bạn bè của Hoa Kỳ cũng sẽ thử thách chính quyền Biden.

Cuối cùng, thách thức Trung Quốc cũng liên quan đến việc làm suy yếu các thể chế toàn cầu. Việc Bắc Kinh khăng khăng với đường lối ưu tiên cho chủ quyền quốc gia và không can thiệp của nước ngoài làm suy yếu các chuẩn mực về nhân quyền, gây trở ngại việc thực thi các quyết định minh bạch của các thể chế quốc tế vốn khiến thế giới an toàn hơn đối với các chế độ độc tài.

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói chuyện với những người ủng hộ ở Maryland vào ngày 20 tháng 1 trước lễ nhậm chức của tổng thống Joe Biden. | PETE MAROVICH / THE NEW YORK TIMES

Rút kinh nghiệm từ hồ sơ của Trump.

Một chính quyền Biden thành công sẽ cần học hỏi và thích ứng từ những thành công và thất bại của cựu Tổng thống Donald Trump. Điều đó được thể hiện rõ ràng khi ứng cử viên ngoại trưởng Antony Blinken thừa nhận một cách rõ ràng tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện rằng “ông ấy cũng tin rằng Tổng thống Trump đã đúng khi thực hiện một cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc”.

Về đánh giá của cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo rằng Trung Quốc đang phạm tội diệt chủng, Blinken trả lời, “việc ép đàn ông, phụ nữ và trẻ em vào các trại tập trung - trên thực tế, là cố gắng cải tạo họ để trở thành những người tuân theo ý thức hệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc - tất cả những điều đó nói lên một nỗ lực thực hiện tội ác diệt chủng ”.

Tính chất hay thay đổi của Trump, sự sẳn sàng chiều lòng Trung quốc của ông ta để không làm tổn thương các yêu cầu Bắc kinh đối với vấn đề Đài Loan, nhân quyền, Hong Kong, Tân Cương nhất thiết phải cắt bỏ; trong khi xúc tiến mạnh mẽ hơn Đối thoại an ninh của bộ Tứ về các chuẩn mực trong quan hệ đối tác Nhật Bản và Ấn Độ là những chính sách cần được tiếp tục.

Chính quyền Biden cũng cần tiếp cận việc tái cấu trúc các liên minh của Mỹ thông qua chia sẻ gánh nặng lớn hơn bằng tham vấn ngoại giao thay vì là tống tiền, như chúng ta đã thấy với cách tiếp cận của Trump đối với Hàn Quốc và Nhật Bản.

Ngược lại, chủ nghĩa đơn phương của Trump, cách tiếp cận theo ý thức hệ và đôi khi có sự phân biệt đối xử của ông ấy đối với Trung Quốc, sự thiếu nhất quán và theo đuôi của ông ấy nên bị loại bỏ một cách mạnh mẽ. Trump tước quyền của các đồng minh và các đối tác tiềm năng với một sự thiếu đắn đo, sự hỗn loạn bên trong Nhà Trắng và những tuyên bố đặc biệt khiến các đồng minh cảm thấy lạnh nhạt.

Antony Blinken, ứng cử viên của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden cho vị trí ngoại trưởng, phát biểu trước các phóng viên ở Wilmington, Delaware, vào tháng 11. | REUTERS

Tiếp cận thực tế.

Vậy Biden sẽ đối phó với thách thức Trung Quốc như thế nào? Cho đến nay, chiến thuật của ông bao gồm một đánh giá bình tỉnh hơn về những gì là thách thức của Trung Quốc và những gì là không phải. Thông qua những bổ nhiệm các chức vụ quan trọng và quay trở lại quan hệ ngoại giao và các cam kết quốc tế, Biden đặt mục tiêu điều chỉnh lại mối quan hệ Mỹ-Trung trong ba lĩnh vực : cạnh tranh, hợp tác và “lằn ranh đỏ” hay còn gọi là đối đầu.

Điều rõ ràng từ các cuộc bổ nhiệm của Biden là ông coi trọng kinh nghiệm thể chế, chủ nghĩa đa phương và một chính sách đối ngoại đặt các liên minh lên hàng đầu và trọng tâm.

Dấu hiệu rõ nhất của cách tiếp cận đó là việc bổ nhiệm Kurt Campbell làm điều phối viên các vấn đề Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Kinh nghiệm của ông Kurt Campbell trong việc xây dựng “xoay trục sang châu Á” lúc ban đầu, kinh nghiệm sâu sắc trong việc đối phó với một loạt thách thức ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, bao gồm cả Triều Tiên và Trung Quốc, và các mạng lưới rộng lớn của ông trong nước và quốc tế, chứng minh rằng chính quyền Biden sẽ đặt Ấn Độ - Thái Bình Dương là cốt lõi trong chính sách đối ngoại.

Việc lựa chọn Antony Blinken làm ứng cử viên ngoại trưởng và Lauren Rosenburger, cựu giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia về Trung Quốc và Triều Tiên trong Nhà Trắng của Obama và là cựu chánh văn phòng cho Blinken lúc đó, làm thứ trưởng ngoại giao, cũng quan trọng không kém cho thông điệp của Biden rằng chính quyền của ông ưu tiên các liên minh, chủ nghĩa đa phương và ý kiến của giới chuyên môn.

Việc đề cử Shanthi Kalathil làm điều phối viên dân chủ và nhân quyền và Tarun Chhabra làm giám đốc cao cấp về công nghệ và an ninh quốc gia là rất quan trọng trong việc hiểu biết chính quyền Biden nhìn nhận Trung Quốc như thế nào. Đó là vấn đề mà sẽ ngày càng tập trung vào cạnh tranh công nghệ, thúc đẩy dân chủ và nhân quyền.

Joe Biden tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ tại Washington vào ngày 20 tháng 1 | ERIN SCHAFF / THE NEW YORK TIMES

Biden cũng đã nói về các điều khoản một cách rõ ràng về các liên minh, các cam kết và Trung Quốc. Tháng 11 năm ngoái, Biden đã nói chuyện với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, tuyên bố mà không nhắc nhở rằng quần đảo Senkaku không thuộc Điều 5 của liên minh Mỹ-Nhật. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của một “khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương an ninh và thịnh vượng” trong các cuộc điện đàm chúc mừng với các nhà lãnh đạo Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc - cả hai tuyên bố đều được Nhật Bản hoan nghênh.

Với việc chính quyền Biden quay trở lại hiệp định khí hậu Paris và Tổ chức Y tế Thế giới, không hủy bỏ thuế quan đối với Trung Quốc và xu hướng quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran đã sửa đổi, các hành động ban đầu của vị tổng thống thứ 46 đang gửi một tín hiệu cho các đồng minh và đối thủ cạnh tranh rằng, Mỹ đã sai lầm dưới thời Trump.

Vấn đề là nếu chỉ gia nhập lại các thể chế quốc tế sẽ không đủ để khôi phục lòng tin. Trong con mắt của bạn bè và đồng minh của Mỹ, Trump 2.0 hoặc người kế nhiệm của ông ta có thể trở lại vào năm 2024 với lời kêu gọi hung hăng tiếp sức sống cho "Nước Mỹ trên hết". Hơn nữa, các đồng minh coi các thể chế quốc tế là một phạm vi cạnh tranh khác giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Washington muốn có sự minh bạch, trách nhiệm giải trình và hành vi dựa trên luật lệ, trong khi Bắc Kinh tìm cách làm suy yếu các thể chế quốc tế trong các lĩnh vực vốn đe dọa chế độ độc tài của họ.

Quan hệ Mỹ-Trung dưới thời Biden sẽ chuyển từ cách tiếp cận tổng bằng 0 sang cách tiếp cận có đấu trường cạnh tranh, hợp tác và tranh chấp.

Các lĩnh vực cạnh tranh sẽ bao gồm công nghệ, ảnh hưởng ngoại giao và thiết lập quy tắc. Trong những lĩnh vực này, Biden sẽ kế thừa một số sáng kiến ​​của Trump, chẳng hạn như đưa Cục Công nghiệp và An ninh, thêm Tập đoàn quốc tế Sản xuất Chất bán dẫn của Trung Quốc vào danh sách các công ty Trung Quốc bị chặn tiếp cận với chất bán dẫn và công nghệ sử dụng kép. Mục tiêu rất rõ ràng - ngăn Quân đội Giải phóng Nhân dân sử dụng công nghệ nhạy cảm để hiện đại hóa và duy trì lợi thế về chất lượng cho quân đội Trung Quốc.

Với lo ngại rằng Trung Quốc đang đạt được động lực trong AI, 5G và các công nghệ thế hệ tiếp theo khác, chính quyền Biden dự kiến ​​sẽ làm việc với các quốc gia và khu vực có cùng chí hướng như Nhật Bản và Liên minh châu Âu để hợp tác nghiên cứu và đầu tư của họ, nhưng cũng hợp tác trên việc tạo ra các khuôn khổ quy định mới để vượt qua Trung Quốc trong cạnh tranh.

Phó Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Joe Biden và người đồng cấp Trung Quốc, Tập Cận Bình, dự lễ đón tại Bắc Kinh vào tháng 8 năm 2011. | KYODO

Ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Điều này cũng đúng với ảnh hưởng ngoại giao và thiết lập quy tắc. Bắc Kinh đã xâm nhập vào việc củng cố và làm suy yếu các thể chế quốc tế thông qua việc ngăn chặn hoặc bổ nhiệm nhân sự, hoặc thông qua sự tham gia vào các ủy ban.

Một ví dụ trước đây là việc bổ nhiệm Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Sự tôn trọng của ông ta đối với Bắc Kinh ngay từ đầu đại dịch COVID-19 đã được mô tả là hành động cản trở việc tuyên bố virus là “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng để được quốc tế quan tâm”. Trong trường hợp tham gia vào các ủy ban, cuộc bầu cử Trung Quốc vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc là đáng ngờ, do nước này đã giam giữ hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ trong cái gọi là trại cải tạo.

Biden sẽ phải làm việc với các quốc gia cùng chí hướng nhằm cạnh tranh trong các thể chế quốc tế để họ tiếp tục cam kết bảo vệ nhân quyền, minh bạch và pháp quyền. Điều này có nghĩa là lên tiếng tập thể về những vi phạm nghiêm trọng đối với nhân quyền, sự thoái lui của pháp quyền như đã thấy ở Hồng Kông, và hành động tập thể về ngoại giao con tin và cưỡng bức kinh tế. Nó cũng có nghĩa là hình thành các thể chế mới, nhằm thay thế các thể chế mà Trung Quốc đã hợp tác.

Mọi đối đầu với Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ, ngoại giao và thiết lập quy tắc, Biden có khả năng thúc đẩy hợp tác với Bắc Kinh trong một số lĩnh vực. Biến đổi khí hậu, một giải pháp lâu dài cho đại dịch COVID-19 và Bắc Triều Tiên là một số lĩnh vực có thể hợp tác.

Biến đổi khí hậu là một mối đe dọa hiện hữu đối với thế giới. Mực nước biển dâng cao, sa mạc hóa, số lượng và cường độ ngày càng tăng của biến đổi khí hậu liên quan đến các hiện tượng thời tiết chỉ có thể được giảm thiểu thông qua sự hợp tác của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Với những quan tâm chung về chủ nghĩa cực đoan và tình trạng kém phát triển, cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc cũng có thể hợp tác để cung cấp việc chủng ngừa cho các nền kinh tế mới nổi. Họ là những nước ít có khả năng bảo đảm vắc-xin và thuốc điều trị an toàn và giá cả phải chăng. Quan trọng là, các nền kinh tế của họ đã bị ảnh hưởng tiêu cực một cách bất đối xứng bởi đại dịch vì mức độ phát triển và quy mô của các nền kinh tế phi chính thức của họ. Nếu không được cung cấp vắc-xin và phương pháp điều trị, sự phát triển của các quốc gia mới nổi có thể bị kìm hãm, dẫn đến bần cùng hóa và cực đoan hóa.

Triều Tiên cũng là mối quan tâm chung về việc hợp tác, vì phổ biến vũ khí hạt nhân và phát triển tên lửa đều không mang lại lợi ích cho quốc gia nào.

Điều rõ ràng từ các cuộc bổ nhiệm Nội các gần đây của Joe Biden là, vị tổng thống Mỹ coi trọng kinh nghiệm thể chế, chủ nghĩa đa phương và một chính sách đối ngoại đặt các liên minh lên hàng đầu và trung tâm. | REUTERS

Cạnh tranh và hợp tác là rất quan trọng để tạo ra sự ổn định cho quan hệ Mỹ-Trung. Mặc dù vậy, Biden phải rõ ràng về làn ranh đỏ của Washington, chẳng hạn như rõ ràng bác bỏ việc kiên quyết thống nhất Đài Loan. Hành vi quyết đoán của Trung Quốc trong các tuyến đường giao thông trên biển ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, sự hiện diện ngày càng tăng của hải quân ở Ấn Độ Dương và việc từ chối một trật tự dựa trên luật lệ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Trung quốc, cần phải bị phản đối quyết liệt. Mọi nỗ lực thống nhất Đài Loan bằng vũ lực cũng vậy.

Sự phản kháng này sẽ đòi hỏi các cách tiếp cận đa phương và đa tầng đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và Trung Quốc. Các trụ cột cốt lõi của cách tiếp cận đó phải là một chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương Tự do và Cởi Mở nhằm tăng cường hội nhập kinh tế của khu vực thông qua thương mại và can dự ngoại giao một cách mạnh mẽ. Phần thiết yếu của cách tiếp cận đó phải bao gồm các sáng kiến ​​cơ sở hạ tầng và kết nối kỹ thuật số, để cạnh tranh với sáng kiến ​​Vành đai và Con đường và chính sách ngoại giao ngân phiếu của Trung Quốc.

Đối thoại An ninh Tứ giác và ngoại giao đa phương với các đồng minh và bạn bè của Hoa Kỳ như Nhật Bản, Australia, Canada và EU, cũng sẽ cần được huy động. Họ sẽ cần tận dụng các lợi thế so sánh về ngoại giao, phát triển, an ninh và mạng lưới của mình để gửi tín hiệu mạnh mẽ nhất tới Bắc Kinh rằng, việc Trung quốc tái xuất hiện như là nhà nước quyền lực nhất trong khu vực phải không gây thiệt hại cho các nước khác.


_ Stephen R. Nagy là phó giáo sư cấp cao tại Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế và là thành viên thỉnh giảng của Viện Các vấn đề Quốc tế của Nhật Bản.


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.