BỨC ĐIỆN DÀI HƠN : HƯỚNG ĐẾN CHIẾN LƯỢC MỚI CỦA MỸ VỀ TRUNG QUỐC .

Ảnh của Hội đồng Đại tây dương.

LỜI TỰA. / Viết bởi Frederick Kempe, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Hội đồng Đại Tây Dương.

Hôm nay, Hội đồng Đại Tây Dương xuất bản một tài liệu chiến lược mới, đặc biệt; cung cấp một trong những sự kiểm tra sâu sắc và nghiêm ngặt nhất cho đến nay về chiến lược địa chính trị của Trung Quốc và cách mà một chiến lược sáng suốt của Mỹ sẽ giải quyết những thách thức tham vọng chiến lược của chính Trung Quốc như thế nào.

Được viết bởi một cựu quan chức chính phủ cao cấp với chuyên môn sâu và kinh nghiệm đối phó với Trung Quốc, chiến lược này đề ra một cách tiếp cận toàn diện và nêu chi tiết các cách thức thực hiện nó, về mặt này nó sẽ có thể so sánh với "bức điện dài" trong lịch sử hồi năm 1946 của George Kennan, nói về "đại chiến lược Liên Xô". Chúng tôi đã duy trì tiêu đề ưa thích của tác giả cho tác phẩm, "Bức điện dài hơn", với nguyện vọng của tác giả là cung cấp một cách tiếp cận lâu bền tương tự và có thể hành động đối với Trung Quốc.

Trọng tâm của tài liệu là nhà lãnh đạo Trung Quốc và hành vi của ông ta. "Thách thức quan trọng duy nhất mà Hoa Kỳ phải đối mặt trong thế kỷ XXI là sự trỗi dậy của một Trung Quốc ngày càng độc tài dưới thời Chủ tịch kiêm Tổng Bí thư Tập Cận Bình," tài liệu nói. “Chiến lược của Mỹ vẫn phải tập trung mũi dùi vào Tập, vòng tròn bên trong của ông ta, và bối cảnh chính trị Trung Quốc mà họ cai trị. Sự thay đổi việc ra quyết định của họ sẽ đòi hỏi sự hiểu biết, hoạt động bên trong và thay đổi mô hình chính trị và chiến lược của họ. Tất cả các chính sách của Mỹ nhằm thay đổi hành vi của Trung Quốc nên xoay quanh thực tế này, hoặc là có khả năng chứng tỏ không có hiệu quả ”.

Tác giả của tác phẩm này đã yêu cầu được giấu tên và Hội đồng Đại Tây Dương tôn trọng điều này, vì những lý do mà chúng tôi cho là hợp pháp và điều đó sẽ được giữ bí mật. Hội đồng không từng thực hiện một biện pháp như vậy trước đây, nhưng đã quyết định làm như vậy vì ý nghĩa đặc biệt của những hiểu biết và khuyến nghị của tác giả, khi Hoa Kỳ đối mặt với thách thức địa chính trị mang dấu ấn của thời đại. Hội đồng sẽ không xác nhận danh tính của tác giả trừ khi và cho đến khi tác giả quyết định thực hiện bước đi đó.

Hội đồng Đại Tây Dương với tư cách là một tổ chức không thông qua hoặc ủng hộ các quan điểm về các vấn đề cụ thể. Các ấn phẩm của Hội đồng luôn đại diện cho quan điểm của (các) tác giả chứ không phải là quan điểm của tổ chức, và tài liệu này không khác bất kỳ tài liệu nào theo nghĩa đó.

Tuy nhiên, chúng tôi coi trọng tầm quan trọng và mức độ nghiêm trọng của các vấn đề mà tài liệu này nêu ra, và xem nó là một trong những vấn đề quan trọng nhất mà Hội đồng từng xuất bản. Hội đồng tự hào đóng vai trò là nền tảng cho những ý tưởng, hiểu biết sâu sắc và chiến lược táo bạo khi chúng ta thúc đẩy sứ mệnh cùng nhau định hình tương lai toàn cầu vì một thế giới tự do hơn, thịnh vượng hơn và an toàn hơn. Khi Trung Quốc nhanh chóng gia tăng ảnh hưởng chính trị và kinh tế của nó trong giai đoạn khủng hoảng địa chính trị lịch sử này, thời điểm này đòi hỏi sự hiểu biết thấu đáo về chiến lược và cấu trúc quyền lực của nó. Các quan điểm đưa ra trong tài liệu này xứng đáng nhận được sự quan tâm đầy đủ của các nhà lãnh đạo dân cử ở Hoa Kỳ và các nhà lãnh đạo của các đối tác dân chủ và đồng minh của Mỹ.

TÓM TẮT TÀI LIỆU ( tác giả ẩn danh ).

Thách thức quan trọng nhất mà Hoa Kỳ phải đối mặt trong thế kỷ XXI là sự trỗi dậy của một Trung Quốc ngày càng độc tài dưới thời Chủ tịch kiêm Tổng Bí thư Tập Cận Bình. Sự trỗi dậy của Trung Quốc, do quy mô kinh tế và quân sự, tốc độ tiến bộ công nghệ và thế giới quan của Trung quốc hoàn toàn khác với Hoa Kỳ, hiện đang tác động sâu sắc đến mọi lợi ích quốc gia chính yếu của Hoa Kỳ. Đây là một thách thức về cấu trúc, mà ở một mức độ nào đó, đã dần dần xuất hiện trong hai thập kỷ qua. Việc ông Tập nổi lên nắm quyền đã làm nổi bật thách thức này, và đẩy nhanh tiến trình của nó.

Ở quê nhà, ông Tập đã đưa Trung Quốc trở lại với chủ nghĩa Mác-Lênin cổ điển, và nuôi dưỡng sự sùng bái cá nhân gần như chủ nghĩa Mao, theo đuổi việc loại bỏ các đối thủ chính trị của mình một cách có hệ thống. Các cải cách thị trường của Trung Quốc đã bị đình trệ và khu vực tư nhân của nước này hiện nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của đảng. Với chủ nghĩa dân tộc tự tôn tự đại, ông Tập đã sử dụng chủ nghĩa Hán tộc để đoàn kết đất nước, chống lại bất kỳ thách thức nào đối với quyền lực của ông ta, bên trong hay bên ngoài. Tập đối xử với các dân tộc thiểu số ngoan cường bên trong biên giới Trung Quốc y như là một tội ác diệt chủng. Trung Quốc của ông Tập ngày càng giống hệt một hình thức mới của loại nhà nước cảnh sát toàn trị. Trong điểm khác biệt cơ bản so với những người tiền nhiệm ngại rủi ro thời hậu Mao, Tập đã chứng minh rằng ông có ý định đặt kế hoạch làm cho hệ thống độc tài, chính sách đối ngoại cưỡng chế, và sự hiện diện quân sự của Trung Quốc vượt ra ngoài biên giới của đất nước ông, lan tràn trên hầu hết thế giới. Trung Quốc dưới thời Tập, không giống như dưới thời Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, không còn là một 'cường quốc nguyên trạng'. Nó đã trở thành một cường quốc xét lại ( tức là cường quốc mới nổi đòi sắp xếp lại trật tự thế giới có lợi cho mình…THS). Đối với Hoa Kỳ và các đồng minh cùng trật tự quốc tế tự do do Hoa Kỳ lãnh đạo; điều này thể hiện sự thay đổi cơ bản trong môi trường chiến lược. Bỏ qua thay đổi sâu sắc này tức là chuốc lấy mối hiểm họa. Ông Tập không chỉ là vấn đề đối với vị trí tối cao của Hoa Kỳ. Giờ đây, ông ta đưa ra một vấn đề nghiêm trọng cho toàn thế giới dân chủ.

Câu hỏi chiến lược cơ bản cho Hoa Kỳ, dưới chính quyền của Đảng Cộng hòa hoặc Dân chủ, là phải làm gì trước thách thức này. Vấn đề cấp bách hiện nay là Mỹ phải phát triển một chiến lược quốc gia tổng hợp, sẳn sàng hành động và có tính lưỡng đảng để định hướng nội dung, và thực hiện chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc của ông Tập trong ba thập kỷ tới. Một số người sẽ tranh luận rằng Hoa Kỳ đã có chiến lược với Trung Quốc, chỉ ra tuyên bố của chính quyền Trump về “cạnh tranh chiến lược” là “thách thức trọng tâm” trong chính sách an ninh quốc gia và đối ngoại của Hoa Kỳ, như được nêu trong Chiến lược An ninh Quốc gia Hoa Kỳ năm 2017. Tuy nhiên, trong khi chính quyền Trump đã làm tốt việc gióng lên hồi chuông cảnh báo về Trung Quốc, và công bố cạnh tranh chiến lược với Bắc Kinh là quan trọng, thì những nỗ lực thực thi rời rạc của chính quyền Trump lại hỗn loạn và đôi khi mâu thuẫn. Về cơ bản, vấn đề “cạnh tranh chiến lược” đó, chỉ là một tuyên bố về thái độ học thuyết, không phải là một chiến lược toàn diện để được vận hành.

Sự thật khó chịu là Trung Quốc từ lâu đã có một chiến lược nội bộ tổng hợp để đối phó với Hoa Kỳ, và cho đến nay chiến lược này đã được thực hiện một cách hợp lý, mặc dù không hoàn toàn, thành công. Ngược lại, Hoa Kỳ, quốc gia đã từng thực hiện một chiến lược thống nhất để đối phó với thách thức của Liên Xô, dưới hình thức ngăn chặn của George Kennan, cho đến nay không có chiến lược nào liên quan đến Trung Quốc. Đây là một lơ là bổn phận đối với trách nhiệm quốc gia.

Khó khăn của Washington trong việc phát triển một chiến lược Trung Quốc có hiệu quả, được nêu bật bởi sự thiếu vắng một mục tiêu chiến lược có am hiểu một cách rõ ràng. Hiện tại, các mục tiêu được nhận diện rõ ràng bao gồm, từ việc thuyết phục cải cách kinh tế Trung Quốc thông qua cuộc chiến thương mại hạn chế, cho đến thay đổi toàn diện chế độ của Trung quốc.

“Bức điện dài” nổi tiếng của Kennan từ Mátxcơva hồi năm 1946, chủ yếu là một phân tích về những điểm yếu kém cố hữu trong cấu trúc của chính mô hình Liên Xô, được củng cố bởi kết luận từ phân tích của ông ấy rằng, Liên Xô cuối cùng sẽ sụp đổ dưới sức nặng từ những mâu thuẫn của chính họ. Toàn bộ học thuyết về ngăn chặn dựa trên giả định cơ bản quan trọng này. Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tỏ ra khôn ngoan hơn nhiều cho sự sống còn của nó so với đối tác Liên Xô, nhờ thực tế là Trung Quốc đã nghiên cứu kỹ lưỡng, trong hơn một thập kỷ, “điều gì đã xảy ra” ở Liên Xô. Do đó, sẽ là cực kỳ nguy hiểm cho các chiến lược gia Hoa Kỳ, nếu chấp nhận rằng một chiến lược Trung Quốc có hiệu quả trong tương lai của Hoa Kỳ nên dựa trên giả định rằng, hệ thống của Trung Quốc cũng chắc chắn sẽ sụp đổ từ bên trong — chưa kể đến tuyên bố mục tiêu của quốc gia là “lật đổ Đảng Cộng sản Trung quốc” . Trên thực tế, việc say mê vào những lời kêu gọi hấp dẫn về mặt chính trị đòi lật đổ toàn bộ chín mươi mốt triệu thành viên của ĐCSTQ là tự đánh bại bản thân mình về mặt chiến lược. Cách tiếp cận như vậy chỉ củng cố quyền hành của ông Tập, vì nó cho phép ông ta xoay quanh đám cận thần chính trị ưu tú và chủ nghĩa dân tộc bình dân để bảo vệ cả đảng và đất nước. Thách thức hiện tại sẽ đòi hỏi một phản ứng chính sách khác biệt về chất lượng và cụ thể hơn đối với Trung Quốc, so với công cụ thô thiển “ngăn chặn đặc điểm Trung Quốc” và giấc mơ ĐCSTQ sụp đổ.

Sự khôn ngoan trong phân tích của Kennan là sự đánh giá sâu sắc của ông về cách Liên Xô hoạt động trong nội bộ, và việc phát triển một chiến lược của Hoa Kỳ phù hợp với thực tế phức tạp đó. Điều tương tự cũng cần được thực hiện với Trung Quốc. Thực tế chính trị là ĐCSTQ bị chia rẽ đáng kể dưới sự lãnh đạo của Tập và tham vọng rộng lớn của y. Các thành viên cao cấp trong đảng đã vô cùng bối rối trước định hướng chính sách của Tập, và tức giận trước những đòi hỏi vô tận về lòng trung thành tuyệt đối của họ dành cho ông ta. Họ lo sợ cho cuộc sống của chính họ và kế sinh nhai của gia đình họ trong tương lai. Đặc biệt, độc hại chính trị trong mớ hổn hợp này là các báo cáo được truyền thông quốc tế khai thác về khối tài sản mà gia đình ông Tập, và các thành viên trong giới cận thần chính trị của ông tích lũy được, bất chấp việc ông Tập đã mạnh mẽ tiến hành chiến dịch chống tham nhũng. Thật là một chiến lược đơn giản, không phức tạp, khi coi toàn bộ Đảng Cộng sản như một mục tiêu duy nhất, vào lúc mà những lỗi nội bộ như vậy cần phải rõ ràng trước con mắt nhà phân tích — và trong cách viết của nhà hoạch định chính sách thông minh. Một chiến dịch lật đổ đảng cũng bỏ qua thực tế rằng Trung Quốc, dưới thời cả 5 nhà lãnh đạo thời hậu Mao trước Tập, đều có thể làm việc với Hoa Kỳ. Dưới những thời kỳ đó, Trung Quốc nhắm đến việc tham gia với trật tự quốc tế hiện có, chứ không phải làm lại nó theo hình ảnh của chính Trung Quốc. Cho nên, giờ đây, nhiệm vụ đối với chiến lược Trung Quốc của Hoa Kỳ là phải nhìn thấy ​​Trung Quốc quay trở lại con đường của nó trước năm 2013 - tức là chiến lược nguyên trạng trước thời của Tập. Tất nhiên, có nhiều thách thức đối với lợi ích của Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ thứ hai của Hồ Cẩm Đào, nhưng chúng có thể kiểm soát được và không cho thấy sự vi phạm nghiêm trọng trật tự quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo. Do đó, tất cả các phản ứng chính trị và chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc nên được tập trung qua lăng kính chủ yếu của chính ông Tập.

Cho đến nay, tất cả các yếu tố thường bị thiếu trong các cuộc thảo luận về chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc, đây là yếu tố then chốt nhất. Trong khi các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ thường phân biệt giữa chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc và người dân Trung Quốc, thì Washington phải đạt được sự tinh tế cần thiết để tiến xa hơn nữa. Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ cũng phải phân biệt giữa chính phủ và giới tinh hoa của đảng, cũng như giữa giới tinh hoa của đảng và Tập. Với thực tế rằng, Trung Quốc ngày nay là một quốc gia mà Tập tập trung gần như mọi quyền lực ra quyết định vào trong tay y, và sử dụng quyền lực đó để, về căn bản, thay đổi quỹ đạo chính trị, kinh tế và chính sách đối ngoại của Trung Quốc, chiến lược của Hoa Kỳ phải luôn tập trung mũi dùi vào Tập, đám cận thần của ông ta và bối cảnh chính trị Trung Quốc mà họ cai trị. Thay đổi việc ra quyết định của họ sẽ đòi hỏi sự hiểu biết, khả năng hoạt động bên trong và thay đổi mô hình chính trị và chiến lược của họ. Tất cả các chính sách của Hoa Kỳ nhằm thay đổi hành vi của Trung Quốc nên xoay quanh thực tế này, hoặc có khả năng nó tỏ ra không hiệu quả. Chiến lược này cũng phải dài hạn — có thể hoạt động ở thời điểm mà một nhà lãnh đạo Trung Quốc như Tập thấy mình đang cai trị và có ảnh hưởng — cũng như vận hành một cách đầy đủ, vượt quá những từ ngữ khoa trương thông dụng, thứ mà quá thường xuyên thay thế cho chiến lược thực sự của Hoa Kỳ đối với Bắc Kinh. Bảo vệ các nền dân chủ của chúng ta trước thách thức do Trung Quốc đặt ra sẽ đòi hỏi không ít.

Việc thực hiện một chiến lược như vậy sẽ đòi hỏi sự hiểu biết chắc chắn về các mục tiêu chiến lược của Tập, bao gồm những điều sau:

■ Vượt qua Hoa Kỳ như một cường quốc công nghệ và do đó thay thế Hoa Kỳ trở thành cường quốc kinh tế thống trị thế giới.
■ Làm suy yếu sự thống trị của Hoa Kỳ đối với hệ thống tài chính toàn cầu và vị thế của đồng đô la Mỹ như là đồng tiền dự trữ toàn cầu.
■ Đạt được ưu thế về quân sự đủ để ngăn chặn Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ can thiệp vào bất kỳ cuộc xung đột nào ở Đài Loan, Biển Đông hoặc Biển Hoa Đông
■ Làm giảm uy tín về quyền lực và ảnh hưởng của Hoa Kỳ đủ để khiến những quốc gia hiện đang có xu hướng “cân bằng” chống lại Trung Quốc thay đổi thái độ, sau đó tham gia cùng nhóm với Trung Quốc.
■ Làm sâu sắc hơn và duy trì mối quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng và đối tác chiến lược có giá trị nhất, Nga, nhằm đối đầu với áp lực của phương Tây
■ Hợp nhất Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) thành một khối địa chính trị và địa kinh tế để hỗ trợ các tham vọng chính sách của Trung Quốc, tạo nền tảng cho một trật tự toàn cầu lấy Trung quốc làm trung tâm trong tương lai.
■ Sử dụng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong các thể chế quốc tế để làm mất đi tính hợp pháp đồng thời lật ngược các sáng kiến, tiêu chuẩn và quy tắc được coi là thù địch với lợi ích của Trung Quốc - đặc biệt là về nhân quyền và luật hàng hải quốc tế - trong khi thúc đẩy một quan niệm mới, có nước lớn nước nhỏ, độc đoán về trật tự quốc tế theo khái niệm cố tình vô định hình của Tập về một “Cộng đồng có chung vận mệnh, cho toàn nhân loại”.

Đảng Cộng sản Trung Quốc hiểu rất rõ châm ngôn của Tôn Tử rằng “điều quan trọng hàng đầu trong chiến tranh là tấn công chiến lược của kẻ thù”, và Hoa Kỳ cũng vậy. Bất kỳ cách tiếp cận nào của Hoa Kỳ đều phải tìm cách làm thất bại tham vọng của Tập. Điều đó có nghĩa là trước tiên phải làm rõ lợi ích quốc gia nào của Hoa Kỳ cần được bảo vệ, cùng với lợi ích của các đối tác và đồng minh chính yếu. Điều này bao gồm những điều sau:

■ Duy trì ưu thế tập hợp kinh tế và công nghệ.
■ Bảo vệ vị thế toàn cầu của đồng đô la Mỹ.
■ Duy trì khả năng răn đe quân sự thông thường một cách áp đảo, và ngăn chặn bất kỳ sự thay đổi nào không thể chấp nhận được, trong cán cân hạt nhân chiến lược.
■ Ngăn chặn bất kỳ sự mở rộng lãnh thổ nào của Trung Quốc, đặc biệt là sự cưỡng bức thống nhất Đài Loan.
■ Củng cố và mở rộng các liên minh và các quan hệ đối tác.
■ Bảo vệ (và cải cách cần thiết) trật tự quốc tế tự do dựa trên luật lệ hiện hành và, có tính quyết định, là nền tảng tư tưởng của nó, bao gồm các giá trị dân chủ cốt lõi.
■ Giải quyết các mối đe dọa toàn cầu được chia sẻ liên tục, bao gồm ngăn chặn thảm họa biến đổi khí hậu.

Với “sức mạnh quốc gia toàn diện” đáng kể và đang gia tăng của Trung Quốc, một số người có thể đặt câu hỏi làm thế nào để điều này có thể đạt được trên thực tế. Mục tiêu chính trị quan trọng hơn bất cứ thứ nào phải là, khiến giới lãnh đạo ưu tú của Trung Quốc kết luận một cách tập thể rằng, lợi ích tốt nhất của Trung quốc là tiếp tục hoạt động trong phạm vi Trật tự quốc tế tự do hiện có do Hoa Kỳ lãnh đạo, chứ không phải là xây dựng một trật tự đối đầu, và đó là lợi ích tốt nhất của đảng, nếu nó muốn duy trì quyền lực trong nước, không cố gắng mở rộng biên giới của Trung Quốc hoặc xuất khẩu mô hình chính trị của nó vượt ra ngoài lãnh thổ của Trung Quốc. Nói cách khác, Trung Quốc có thể trở thành một kiểu cường quốc toàn cầu, khác với những gì mà ông Tập dự tính.

Đường lối chính yếu để Hoa Kỳ có thể tìm cách đạt được những mục tiêu này (đồng thời cũng là bảo vệ lợi thế cốt lõi của chính mình) là thay đổi các mục tiêu và hành vi của Trung Quốc. Một chiến lược chi tiết, vận hành được nên bao gồm bảy thành phần tích hợp:

■ Xây dựng lại nền tảng kinh tế, quân sự, công nghệ và nhân lực cho sức mạnh quốc gia lâu dài của Hoa Kỳ
■ Đồng ý về một tập hợp các giới hạn bao gồm các “lằn ranh đỏ” trong các chính sách khả thi, qua đó phải ngăn chặn Trung Quốc, không cho nó vượt qua trong bất kỳ trường hợp nào.
■ Đồng ý về một số lượng lớn hơn các "lợi ích an ninh quốc gia quan trọng" vốn không phải là quan trọng cũng như không tồn tại về bản chất, nhưng chúng đòi hỏi một loạt các hành động ăn miếng trả miếng, để tố cáo hành vi chiến lược Trung Quốc trong tương lai.
■ Xác định các khu vực quan trọng nhưng ít then chốt hơn, những nơi không cần thiết phải có lằn ranh đỏ cũng như không mô tả các lợi ích quốc gia quan trọng, nhưng là nơi mà Hoa Kỳ nên triển khai toàn bộ lực lượng cạnh tranh chiến lược nhằm chống lại Trung Quốc.
■ Xác định những lĩnh vực mà việc tiếp tục hợp tác chiến lược với Trung Quốc vẫn là lợi ích của Hoa Kỳ — nơi mà những “đại nguy hiểm” như thảm họa biến đổi khí hậu, đại dịch toàn cầu và an ninh hạt nhân.
■ Chính thức theo đuổi một cuộc chiến ý thức hệ toàn cầu, nhằm bảo vệ các quyền tự do chính trị, kinh tế và xã hội chống lại mô hình tư bản nhà nước độc tài của Trung Quốc.
■ Đồng ý chiến lược nêu trên trong thể thức cụ thể thích đáng với các đồng minh hiệp ước quan trọng của Hoa Kỳ ở châu Á và châu Âu, để sự phối hợp số đông quan trọng của họ (kinh tế, quân sự và công nghệ) được triển khai nhằm cùng bảo vệ trật tự quốc tế tự do do Hoa Kỳ lãnh đạo.

Bảy thành phần này cần được thực hiện thông qua một nỗ lực liên ngành và được phối hợp đầy đủ, dưới sự chỉ đạo trung tâm của cố vấn an ninh quốc gia, được củng cố bởi chỉ thị của tổng thống với sự ủng hộ chính trị của lưỡng đảng để tồn tại được qua nhiều chính quyền.

Chiến lược này của Hoa Kỳ nên được phát triển trên cơ sở mười nguyên tắc tổ chức cốt lõi:

Thứ nhất, chiến lược của Mỹ phải dựa trên bốn trụ cột cơ bản của sức mạnh Mỹ: sức mạnh của quân đội quốc gia; vị thế của đồng đô la Mỹ như là đồng tiền dự trữ toàn cầu và là trụ cột của hệ thống tài chính quốc tế; dẫn đầu về công nghệ toàn cầu, trước việc công nghệ đã trở thành yếu tố quyết định chính của sức mạnh quốc gia trong tương lai; và các giá trị của tự do cá nhân, sự công bằng, và pháp quyền vốn giúp quốc gia tiếp tục đứng vững, bất chấp những khó khăn và chia rẽ chính trị gần đây.

Thứ hai, chiến lược của Hoa Kỳ phải bắt đầu bằng việc khắc phục những điểm yếu của thể chế và kinh tế trong nước. Sự thành công ở việc trỗi dậy của Trung Quốc được dự đoán dựa trên một chiến lược tỉ mỉ, được thực hiện trong hơn ba mươi lăm năm, với việc xác định và giải quyết những điểm yếu ở cấu trúc kinh tế của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất, thương mại, tài chính, nhân lực và hiện nay là công nghệ. Hoa Kỳ bây giờ cũng phải làm như vậy.

Thứ ba, chiến lược Trung Quốc của Hoa Kỳ phải gắn liền với cả hai thứ: giá trị quốc gia và lợi ích quốc gia. Đây là điều mà từ lâu đã phân biệt Hoa kỳ với Trung Quốc trong con mắt thế giới. Bảo vệ các giá trị tự do phổ quát và trật tự quốc tế tự do, cũng như duy trì sức mạnh toàn cầu của Hoa Kỳ, phải là cặp trụ cột song sinh trong lời kêu gọi vũ trang toàn cầu của Hoa Kỳ.

Thứ tư, chiến lược của Mỹ phải được phối hợp hoàn toàn với các đồng minh quan trọng để hành động được thực hiện trong sự thống nhất nhằm đáp trả Trung Quốc. Điều này không liên quan gì đến việc khiến đồng minh cảm thấy tốt hoặc tốt hơn so với họ đang có. Đó là bởi vì Hoa Kỳ bây giờ cần họ chiến thắng. Như đã đề cập trước đây, Trung Quốc cuối cùng phải cân nhắc nhiều hơn cho tính toán của họ về sự cân bằng dần dần sức mạnh toàn diện giữa Hoa Kỳ và chính họ. Thực tế là, khi khoảng cách giữa sức mạnh của Trung Quốc và Mỹ thu hẹp trong những năm 2020, yếu tố đáng tin cậy nhất mà có thể thay đổi quỹ đạo đó, là chỉ khi sức mạnh của Mỹ được tăng cường bởi sức mạnh của các đồng minh chính yếu.

Thứ năm, chiến lược Trung Quốc của Hoa Kỳ cũng phải giải quyết các nhu cầu chính trị và kinh tế rộng lớn hơn của các đồng minh và đối tác chính, thay vì giả định rằng họ sẽ chọn áp dụng một vị thế chiến lược chung, phối hợp tốt cho việc thoát Trung chỉ vì lòng tốt của họ. Trừ khi Hoa Kỳ cũng đối phó với thực tế rằng, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại chính của hầu hết, nếu không phải là tất cả, trong số các đồng minh quan trọng của Mỹ, chỉ riêng thực tế kinh tế tiềm ẩn này sẽ có ảnh hưởng ngày càng tăng đối với sự sẵn sàng của các đồng minh truyền thống, trong việc thách thức hành vi tầm quốc tế ngày càng quyết đoán của Trung Quốc .

Thứ sáu, Hoa Kỳ phải cân bằng lại mối quan hệ với Nga dù muốn hay không. Việc củng cố một cách có hiệu quả các liên minh của Hoa Kỳ là rất quan trọng. Việc chia cắt Nga khỏi Trung Quốc trong tương lai cũng như vậy. Để cho Nga trôi dạt hoàn toàn vào vòng tay chiến lược của Trung Quốc như trong thập kỷ qua, sẽ trở thành sai lầm địa chiến lược lớn nhất của các chính quyền kế tiếp của Hoa Kỳ.

Thứ bảy, trọng tâm của một chiến lược Trung Quốc có hiệu quả của Hoa Kỳ và đồng minh là, phải hướng vào những lỗi nội tại của chính trị trong nước Trung Quốc nói chung, và liên quan đến sự lãnh đạo của ông Tập nói riêng. Một sai lầm cơ bản trong chiến lược của Hoa Kỳ là tấn công toàn bộ Trung Quốc, qua đó cho phép sự lãnh đạo của ông Tập xoay quanh đám cận thần bên trong chính trường Trung Quốc xung quanh sức hút của chủ nghĩa dân tộc và niềm tự hào văn minh Trung Quốc. Cũng là một lỗi đáng kể khi tấn công một cách thô bạo vào bản thân Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế chính trị là đảng đã bị chia rẽ dưới sự lãnh đạo của ông Tập, nơi mà ông ta đe dọa tính mạng, sự nghiệp và các vị trí chính sách được nắm giữ sâu sắc của nhiều người trong các cấp chính trị cao cấp của nó.

Thứ tám, chiến lược của Hoa Kỳ không bao giờ được quên bản chất hiện thực bẩm sinh của chiến lược Trung Quốc mà Mỹ đang tìm cách đánh bại. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc coi trọng sức mạnh và khinh thường điểm yếu. Họ tôn trọng sự nhất quán và khinh thường sự dao động. Trung Quốc không tin vào những "khoảng không" chiến lược.

Thứ chín, chiến lược của Hoa Kỳ phải hiểu rằng, trong lúc này Trung Quốc vẫn đang rất lo lắng về xung đột quân sự với Hoa Kỳ, nhưng thái độ này sẽ thay đổi khi cán cân quân sự thay đổi trong thập kỷ tới. Nếu xung đột quân sự nổ ra giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, và Trung Quốc không thể giành chiến thắng một cách dứt khoát, thì — trước những tuyên truyền chướng tai gai mắt của đảng với dân trong nước qua nhiều năm, việc lộ ra sự nỗi dậy ở Trung Quốc là không thể tránh khỏi— ông Tập có thể sẽ sụp đổ và tính hợp pháp chính trị tổng thể của chế độ sẽ sụp đổ.

Thứ mười, đối với Tập cũng vậy, "Đó là nền kinh tế, thật ngu ngốc." Nếu không thể thất bại trong bất kỳ hành động quân sự nào trong tương lai, yếu tố lớn nhất có thể góp phần vào sự sụp đổ của Tập là thất bại kinh tế. Điều đó có nghĩa là tỷ lệ thất nghiệp trên quy mô lớn và mức sống của người dân Trung Quốc sụp đổ. Công việc làm ăn đầy đủ và mức sống ngày càng nâng cao là những thành phần thiết yếu của hợp đồng xã hội bất thành văn giữa người dân Trung Quốc và ĐCSTQ, kể từ sau cuộc Cách mạng Văn hóa.

Danh sách các nhiệm vụ cốt lõi ở trong nước mà Hoa Kỳ phải giải quyết như một phần của bất kỳ chiến lược hiệu quả nào để đối phó với Trung Quốc của Tập là những vị thần hộ mệnh. Tất cả chúng đều mang tính cấu trúc, dài hạn, và những đoán nhận mà sẽ chỉ thu được sau một thập kỷ hoặc hơn. Chúng bao gồm, nhưng không bị giới hạn, những điều sau:

■ Đảo ngược các khoản đầu tư đang suy giảm trong cơ sở hạ tầng kinh tế quan trọng của quốc gia bao gồm các hệ thống di động thế hệ tiếp theo 5G .
■ Đảo ngược việc suy giảm đầu tư công vào giáo dục khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), trường đại học và nghiên cứu khoa học cơ bản.
■ Bảo đảm Hoa Kỳ vẫn là nhà lãnh đạo toàn cầu trong các hạng mục đổi mới công nghệ quan trọng bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI).
■ Phát triển một đồng thuận chính trị mới về bản chất và quy mô nhập cư vào Hoa Kỳ trong tương lai, để bảo đảm rằng dân số Hoa Kỳ tiếp tục tăng, vẫn trẻ và tránh sự bùng nổ nhân khẩu học vốn đang đe dọa nhiều nền kinh tế phát triển và mới nổi khác bao gồm cả bản thân Trung Quốc, trong khi giữ lại những gì tốt nhất và sáng giá nhất từ ​​dân chúng của các nước quanh thế giới đến Hoa Kỳ để học tập.
■ Điều chỉnh quỹ đạo ngân sách dài hạn của Hoa Kỳ để cuối cùng nợ quốc gia được giữ trong các thông số có thể chấp nhận được, phù hợp với chính sách tiền tệ mở rộng mới mà không tạo ra khủng hoảng lạm phát và làm suy yếu vai trò của đồng đô la Mỹ.
■ Giải quyết hoặc ít nhất là giảm bớt sự chia rẽ nghiêm trọng hiện đang phổ biến trong hệ thống chính trị, thể chế và văn hóa, vốn làm suy yếu khả năng đồng thuận, thực hiện và gắn bó với các quyết định quốc gia lâu dài, cơ bản để củng cố các sức mạnh mang tính lịch sử và khai thác cơ hội mới.
■ Giải quyết vấn đề quan trọng về quyết tâm chính trị quốc gia trong tương lai, nhằm bảo vệ, xây dựng và thậm chí mở rộng trật tự quốc tế tự do, thay vì chấp nhận hoặc đón nhận một làn sóng chủ nghĩa cô lập mới. mà chắc chắn sẽ kéo Hoa Kỳ đi vào bên trong chứ không phải là vươn ra bên ngoài — và chứng minh Trung Quốc đã sai trong tính toán của nó rằng, quyết tâm này của Hoa Kỳ đang suy yếu.


Hết phần tóm tắt tài liệu.

(Còn tiếp những đề mục khác)

Nguồn : https://www.atlanticcouncil.org/content-series/atlantic-council-strategy-paper-series/the-longer-telegram/?utm_source=politico&utm_medium=email&utm_campaign=strategy_paper_series#foreword

Trần Hoàng Sa lược dịch.


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.