Chiến lược toàn cầu 2021: Chiến lược của đồng minh đối với Trung Quốc. PHẦN V.

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen tham dự một cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh ảo với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Brussels, Bỉ ngày 22 tháng 6 năm 2020 / Reuters / Yves Herman / Pool.

CƠ HỘI CỦA TRUNG QUỐC.

Bất chấp những xung đột lợi ích nghiêm trọng, có một số lĩnh vực mà ở đó hợp tác với Trung Quốc có thể giúp thúc đẩy lợi ích của các đồng minh và đối tác chung chí hướng.

Có nhiều lĩnh vực trong quan hệ kinh tế sản xuất. Việc Trung Quốc mua trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ đã tài trợ cho khoản nợ và thâm hụt của Hoa Kỳ, đồng thời làm giảm lãi suất ở Hoa Kỳ và nền kinh tế toàn cầu. Phản ứng của Trung Quốc đối với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, với sự phối hợp của Hoa Kỳ, đã giúp giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của suy thoái kinh tế.(79)

Sản xuất chi phí thấp của Trung Quốc đã khiến nước này trở thành công xưởng sản xuất nhiều sản phẩm của thế giới, từ đồ chơi trẻ em cho đến iPhone. Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn cho các đồng minh và đối tác có chung chí hướng trong nhiều lĩnh vực, bao gồm nông nghiệp, khoáng sản, thiết bị xây dựng và máy bay thân rộng. Sự hợp tác của Trung Quốc cũng có thể cần thiết để duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính toàn cầu trong cuộc khủng hoảng COVID-19 và là căn nguyên của các cú sốc kinh tế.

Các đồng minh và đối tác chung chí hướng cũng có thể hợp tác với Trung Quốc về các vấn đề môi trường. Vì Trung Quốc là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, nên bất kỳ hành động có ý nghĩa nào để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đều cần Bắc Kinh hành động. Trung Quốc đang thực hiện những đầu tư to lớn và trở thành nước đi đầu trong công nghệ xanh, có thể đóng góp vào nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại tình trạng gia tăng nhiệt độ. Năm 2020, Tập Cận Bình tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ áp dụng mục tiêu cân bằng giữa lượng phát thải khí nhà kính và lượng khí nhà kính được đào thải ra khỏi khí quyển vào năm 2050. Ngoài ra, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) đã có quan hệ đối tác quan trọng với Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc (MEE) để giải quyết các vấn đề về chất lượng không khí, ô nhiễm nước sinh hoạt, cải tạo đất đai,… v.v.

Trong lĩnh vực an ninh, Trung Quốc đã tăng cường hỗ trợ tài chính và nhân lực cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc và hiện đứng thứ 10 trên toàn cầu về con số lực lượng gìn giữ hòa bình. Trung Quốc có nhiều động cơ để cung cấp quân đội gìn giữ hòa bình; nó sử dụng họ để thu thập thông tin tình báo, tích lũy kinh nghiệm qua triển khai ở nước ngoài và bảo đảm an toàn cho các quốc gia mà nó có các khoản đầu tư lớn. ĐCSTQ cũng có thể sử dụng hoạt động gìn giữ hòa bình để nâng cao hình ảnh toàn cầu và cải thiện quan hệ với các nước khác.(80)

CHND Trung Hoa đã đóng một vai trò mang tính xây dựng trong việc không phổ biến vũ khí hạt nhân. Nó ủng hộ các lệnh trừng phạt đa phương chống lại các chương trình hạt nhân ở Iran và Triều Tiên, đồng thời tham gia vào các cuộc đàm phán đa phương với cả hai quốc gia đó. Trong khi Trung Quốc không đi xa như Washington mong muốn là có thể hỗ trợ và thực thi các hình phạt kinh tế cứng rắn, Bắc Kinh chia sẻ mối quan tâm của phương Tây về các chương trình hạt nhân ở cả hai nước và sẵn sàng thực hiện các bước để giải quyết thách thức.

Washington và các thủ đô khác đã bày tỏ sự quan tâm đến việc đưa Bắc Kinh vào các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí trong tương lai. Chính quyền Trump đã khám phá khả năng thảo luận ba bên với Bắc Kinh và Moscow về một thỏa thuận theo sau Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (START mới) .(81) Trung Quốc vẫn chưa tham gia vào các thỏa thuận ràng buộc kiểm soát vũ khí, nhưng đưa Bắc Kinh vào nề nếp sẽ là cần thiết cho một chế độ kiểm soát vũ khí hiệu quả trong thế kỷ 21.

Các đồng minh và đối tác chung chí hướng và Trung Quốc đã hợp tác trong các vấn đề sức khỏe cộng đồng toàn cầu trong hai thập kỷ qua. (82) Năm 2002, họ đã cùng nhau hợp tác để giúp thành lập Quỹ Toàn cầu phòng chống bệnh Aids, bệnh lao và bệnh sốt rét. Năm 2014, để đối phó với đại dịch Ebola, Mỹ đã viện trợ hàng trăm triệu USD và hàng nghìn nhân sự, trong khi Trung Quốc gởi vật tư và nhân viên y tế đến xây dựng bệnh viện và các cơ sở xét nghiệm. Các nhân viên Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng đã làm việc cùng nhau trên nền tảng phân phối vật tư và tiến hành nghiên cứu về virus Ebola.(83)

Hợp tác giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã thiếu trong đại dịch COVID-19, một phần là do Trung Quốc thiếu minh bạch trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng và việc Washington đe dọa rút khỏi WHO. Tuy nhiên, hợp tác được cải thiện với Trung Quốc về các thách thức sức khỏe cộng đồng toàn cầu trong tương lai sẽ là điều đáng mong đợi.

Trung Quốc cũng đóng một vai trò xây dựng trong an ninh lương thực toàn cầu. Trong số các hoạt động khác, nó đã cung cấp các chương trình hỗ trợ nông nghiệp cho hàng chục quốc gia ở Châu Phi.(84)

ĐIỂM MẠNH VÀ ĐIỂM YẾU CỦA CÁC ĐỐI THỦ CẠNH TRANH CHÍNH YẾU.

Việc phát triển một chiến lược tốt cho bất kỳ cuộc cạnh tranh nào nên bắt đầu bằng việc đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của các đối thủ cạnh tranh chính. Những đánh giá đó trong cộng đồng an ninh quốc gia thường tập trung vào điểm mạnh của đối thủ và các điểm dễ bị tổn thương của chính đối thủ. Tuy nhiên, chiến lược tốt thường được phát triển bằng cách xem xét cách mà người ta có thể tận dụng điểm mạnh của một đấu thủ chống lại các điểm dễ bị tổn thương của đối thủ.

CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG QUỐC: ĐIỂM MẠNH VÀ ĐIỂM YẾU.

Các quốc gia chuyên quyền như Trung Quốc có một số lợi thế, chẳng hạn như khả năng hoạch định chiến lược dài hạn và kiên định với chúng. Các đảng hoặc các nhà lãnh đạo - trong trường hợp này là ĐCSTQ và Tập - có xu hướng duy trì quyền lực trong nhiều năm, vì vậy họ có thể đi theo một lộ trình hành động nhất quán, đồng thời dập tắt bất đồng quan điểm. ĐCSTQ đã thực hiện một số chiến lược dài hạn, bao gồm BRI và “Made in China 2025”, đồng thời tuyên bố ý định trở thành siêu cường toàn cầu vào năm 2049. Ông Tập có thể nắm quyền trong nhiều năm và giám sát việc thực hiện các kế hoạch này.

Tuy nhiên, cái gọi là lợi thế này thường bị phóng đại quá mức. Bởi vì các nhà độc tài không bị hạn chế, họ có thể dễ dàng thay đổi các chính sách của đất nước theo các hướng hoàn toàn khác. Ví dụ, dưới thời Mao Trạch Đông, Trung Quốc đã đi từ chính sách thất bại này sang chính sách thất bại khác, từ Chiến dịch Trăm hoa đến Đại nhảy vọt và Cách mạng Văn hóa. Hơn nữa, BRI và “Made in China 2025” mới chỉ có vài năm tuổi. Còn quá sớm để công bố chúng là các chiến lược dài hạn thành công.

Các chế độ chuyên quyền cũng có lợi thế ở khả năng thực hiện các hành động táo bạo và có tầm ảnh hưởng sâu rộng, chẳng hạn như tập hợp các nguồn lực hướng tới một mục tiêu chiến lược. Ví dụ, ĐCSTQ đã cho thấy tự nó có khả năng rót hàng tỷ USD vào đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển công nghệ trong và ngoài nước. Thomas Friedman, nhà báo chuyên mục của New York Times thậm chí đã từng tưởng tượng về việc Hoa Kỳ “là Trung Quốc trong một ngày” để một chính phủ thống nhất có thể đầu tư to lớn nhằm chống lại biến đổi khí hậu. (85)

Mặt khác, những quyết định lớn lao và táo bạo có thể trở thành sai lầm to lớn. Với một vài ràng buộc về thể chế trong hệ thống, có những biện pháp kiểm tra không đầy đủ để ngăn những quyết định tồi tệ của ông Tập trở thành chính sách quốc gia. Chính sách một con là một trong những quyết định chiến lược kém cỏi mà ĐCSTQ đã đưa ra thông qua hệ thống mà bây giờ nó hối tiếc.

So với Hoa Kỳ, ĐCSTQ ít bị ràng buộc hơn bởi các mối quan tâm pháp lý hoặc đạo đức. Ví dụ, việc Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế đã dẫn đến việc hoán chuyển tài sản khổng lồ, là một phần trong nhiệm vụ thống trị công nghệ của nó. Trung Quốc đã thu thập thông tin cá nhân về công dân của mình để cải thiện các thuật toán trong trí tuệ nhân tạo. Đáng chú ý nhất, điều mà CHND Trung Hoa tuyên bố là một chiến dịch nhằm duy trì trật tự và ổn định nội bộ, sự thực là chính phủ Trung Quốc đã giam giữ hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ chủ yếu là người Hồi giáo trong các trại “cải tạo”.

Tuy nhiên, việc ĐCSTQ sẵn sàng lừa dối các quốc gia khác và tham gia vào các hoạt động bất chính làm giảm uy tín của nó và gây mất lòng tin. Nhiều người nghi ngờ các tuyên bố chính thức của ĐCSTQ, và sự thiếu uy tín trong chính trị quốc tế là một bất lợi. Hơn nữa, hành vi phi đạo đức cũng có thể thúc đẩy các liên minh đối trọng. Trong trường hợp của Trung Quốc; Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và các quốc gia Ấn Độ - Thái Bình Dương ngày càng lo ngại về mối đe dọa từ Trung Quốc.

Về mặt kinh tế, Trung Quốc đã cố gắng tạo ra tốc độ tăng trưởng hàng năm ấn tượng trong bốn thập kỷ qua. Không còn nghi ngờ, Trung Quốc là một cường quốc kinh tế. Tuy nhiên, nó cũng có những lỗ hổng kinh tế. Tăng trưởng kinh tế của nước này đã chậm lại trong những năm gần đây, và ông Tập đã đảo ngược hướng đi trong các cải cách tự do hóa mà sẽ làm suy yếu thêm mô hình tăng trưởng của Trung Quốc. Giống như nhiều nhà độc tài, ông ta đang chọn kiểm soát chính trị đối với nền kinh tế hơn là tăng trưởng kinh tế. Trung Quốc đang cố gắng vượt ra khỏi mô hình tăng trưởng bằng dẫn đầu về xuất khẩu; và chuyển sang phát triển thị trường tiêu dùng nội địa, với nhiều thành công ô hợp. Những quyết định kém cỏi, như chính sách một con và quy định lỏng lẻo về môi trường, đã gây bất lợi cho khả năng lao động và đất đai của Trung Quốc. Các biện pháp kiểm soát chặt chẽ về khả năng chuyển đổi tiền tệ và đầu tư nước ngoài ngăn cản sự phát triển của thị trường vốn luân chuyển ở Trung Quốc, đồng thời khiến đồng nhân dân tệ trở nên kém hấp dẫn khi là một loại tiền tệ dự trữ toàn cầu.

Trung Quốc cũng phụ thuộc vào năng lượng và nhập khẩu lương thực. Nó cần cung cấp thức ăn cho khoảng 20% ​​dân số thế giới, với chỉ khoảng 11% diện tích đất canh tác trên thế giới, và môi trường đang xuống cấp (bao gồm ô nhiễm không khí, sa mạc hóa và thiếu nước ngọt sạch). Trung Quốc là nhà nhập khẩu năng lượng ròng lớn nhất thế giới, và ĐCSTQ lo lắng về an ninh của các tuyến đường cung cấp năng lượng của nó.

Về mặt ngoại giao, Trung Quốc đang giành được ảnh hưởng ở mọi khu vực trên thế giới thông qua các mối quan hệ kinh tế và đầu tư cơ sở hạ tầng. Trung Quốc cũng đã cải thiện khả năng quảng bá những câu chuyện hấp dẫn qua đó gây được tiếng vang với một số đối tác của nó, về các chủ đề như BRI và công nghệ xanh của Trung Quốc. Nhưng, Trung Quốc có rất ít bạn bè thực sự. Nó ngày càng phát triển liên kết chiến lược với Nga và Iran, mặc dù các chế độ chuyên quyền trong lịch sử đã từng tạo ra những đối tác xấu và khó có khả năng các nước này sẽ hình thành một liên minh sâu sắc và tin cậy lẫn nhau. (86) Trong khi đó, như đã thảo luận ở trên, chính sách đối ngoại hiếu chiến của ông Tập đã bắt đầu gây kích hoạt một liên minh đối trọng chống lại Bắc Kinh.

Cuối cùng, sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây, vì họ đã thực hiện một nỗ lực phối hợp để hiện đại hóa quân đội của mình. Khả năng chống tiếp cận / chế ngự khu vực của nó (A2 / AD ), bao gồm tên lửa đạn đạo chống hạm, đe dọa nghiêm trọng đến các quốc gia Mỹ và đồng minh hoạt động ở Tây Thái Bình Dương.

Cảnh sát chống bạo động được nhìn thấy trong một cuộc biểu tình đông người sau khi một phụ nữ bị bắn vào mắt, tại sân bay quốc tế Hồng Kông, ở Hồng Kông, Trung Quốc, ngày 13 tháng 8 năm 2019 / Reuters / Tyrone Siu.

Tuy nhiên, trong khi quân đội Trung Quốc đã hiện đại hóa và phát triển mạnh mẽ hơn, nó cũng mắc phải một số điểm yếu. Học thuyết quân sự của Trung Quốc nhấn mạnh cấu trúc chỉ huy và kiểm soát từ trên xuống, qua đó hạn chế cơ hội cho sáng kiến ​​cá nhân và không thích nghi với thực tế chiến trường lộn xộn. Hơn nữa, quân đội của Trung Quốc thua Mỹ về khả năng điều phối một hoạt động phức tạp liên quan đến các thành phần khác nhau trong lực lượng vũ trang của họ. Cuối cùng, Trung Quốc lo ngại sự bất ổn của chế độ và chi nhiều tiền hơn cho các lực lượng an ninh trong nước hơn là cho quân đội của họ. Nếu người ta chạy theo đồng tiền, ĐCSTQ sợ người dân ở Tân Cương và Tây Tạng hơn là sợ Lầu Năm Góc. Điều này làm Trung quốc bị hạn chế khả năng cạnh tranh quân sự với Hoa Kỳ.

Tóm lại, Trung Quốc có những điểm mạnh và điểm yếu thực sự mà cần được xem xét khi xây dựng chiến lược toàn cầu dành cho Trung Quốc.

CÁC ĐỒNG MIMH VÀ ĐỐI TÁC CÓ CÙNG CHÍ HƯỚNG : ĐIỂM MẠNH VÀ ĐIỂM YẾU.

Các đồng minh và đối tác chung chí hướng cũng có những điểm mạnh và điểm yếu liên quan đến sự phát triển một chiến lược toàn diện. Các quốc gia này hầu hết được cai trị bởi các chính phủ dân chủ (87), và các nền dân chủ có những điểm yếu. Việc kiểm tra và cân bằng trong hệ thống của họ có thể dẫn đến tình trạng phân cực và tắc nghẽn. Họ có xu hướng chậm thay đổi định hướng chiến lược của họ hoặc chậm đưa ra các quyết định chính sách lớn. Họ đôi khi bị chỉ trích vì thiếu định hướng chiến lược dài hạn khi tập trung nỗ lực vào các cuộc bầu cử kế đó, hoặc khi các nhà lãnh đạo mới tìm cách hủy bỏ các chính sách của những người tiền nhiệm. Những lo ngại về đạo đức và luật pháp loại bỏ khỏi hồ sơ một số lựa chọn có hiệu quả hơn cho cạnh tranh quốc tế. Các xã hội cởi mở này cũng cởi mở hơn với ảnh hưởng của nước ngoài, từ việc bị đánh cắp tài sản trí tuệ đến thông tin sai lệch và những nỗ lực thao túng hoặc đe dọa các cộng đồng công dân của họ sinh sống ở hải ngoại.

Các nền dân chủ cũng có những điểm mạnh to lớn. Mặc dù họ có thể chậm đưa ra những thay đổi quan trọng trong định hướng chiến lược hoặc đưa ra các sáng kiến ​​chính sách mới, nhưng điều này cũng có nghĩa là họ có xu hướng tránh những sai lầm chiến lược to lớn. Điều đó cũng có nghĩa là một khi có được sự đồng thuận trong nước cho một định hướng chiến lược mới, nhiều khả năng họ sẽ đi đúng hướng. Thật vậy, các nền dân chủ thường tốt hơn trong việc theo đuổi một chiến lược dài hạn. Ví dụ, hãy xem xét chính sách răn đe và ngăn chặn Liên Xô của Hoa Kỳ trong Chiến tranh Lạnh, hoặc việc xây dựng và bảo vệ một hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ kể từ Thế chiến II. Các hạn chế về đạo đức và luật pháp có thể là những ràng buộc. Tuy nhiên, chúng cũng có nghĩa là các nước dân chủ đáng tin cậy hơn trong các tuyên bố chính sách và cam kết quốc tế của họ. Điều này có nghĩa là họ có thể phát triển các mối quan hệ ngoại giao tin cậy với nhau. Nó cũng mang lại cho họ nhiều quyền lực mềm hơn. (88) Thật vậy, hai mươi vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng toàn cầu về quyền lực mềm đều do các nền dân chủ chiếm giữ. (89) Trong khi đó, ĐCSTQ đã phung phí những nỗ lực của nó để tăng cường quyền lực mềm của Trung Quốc bằng cách xác nhận lại sự quản trị tập trung, độc đoán và gia tăng tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng.(90).

Các đồng minh và đối tác dân chủ cùng chí hướng được hưởng lợi từ các thể chế kinh tế lành mạnh, chẳng hạn như bảo vệ quyền sở hữu. Các nhà kinh tế đã chỉ ra rằng các nền dân chủ, với các thể chế kinh tế lành mạnh, có xu hướng có tốc độ tăng trưởng cao hơn trong dài hạn. (91) Nhưng, trong khi Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững, các hệ thống thị trường phải tuân theo các chu kỳ 'bùng nổ và phá sản' thường xuyên, dẫn đến những thời kỳ suy thoái và bất ổn kinh tế .

Văn hóa cởi mở và tự do, khuyến khích tinh thần kinh doanh và tư duy sáng tạo dẫn đến đổi mới. Thật vậy, trong lịch sử, sự đổi mới đã xảy ra trong các xã hội mở. Các cuộc Cuộc Cách mạng Công nghiệp Thứ nhất và Thứ hai ban đầu bắt nguồn từ Vương quốc Anh, trong khi Hoa Kỳ dẫn đầu trong Cách mạng Công nghiệp Thứ ba.

Phương Tây vẫn là trung tâm tài chính toàn cầu. Việc cho phép các dòng tiền chảy tự do qua biên giới thúc đẩy thị trường vốn luân chuyển. Uy tín của Hoa Kỳ trên trường quốc tế có nghĩa là nước này có thể cam kết trả nợ của họ một cách đáng tin cậy, khiến trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ trở thành khoản đầu tư an toàn nhất thế giới. Thật vậy, ngay cả ĐCSTQ cũng chọn đầu tư tiền của mình vào Hoa Kỳ. Đồng đô la Mỹ vẫn giữ vị trí là đồng tiền dự trữ toàn cầu quan trọng nhất thế giới, không có đối thủ cạnh tranh rõ ràng nào trong tầm mắt. Tuy nhiên, những lợi thế tài chính tự nhiên này của Hoa Kỳ cũng có thể tạo ra những nguy cơ về mặt đạo đức khi nợ và thâm hụt liên bang của Hoa Kỳ đạt đến mức mà một số người lo ngại sẽ là mức không bền vững.

Về mặt ngoại giao, các nền dân chủ hàng đầu có thể thu hút một mạng lưới rộng lớn các đồng minh và đối tác trên khắp thế giới. Các thể chế quốc tế được xây dựng bởi cấu trúc chính trị quốc tế của các nước này, trong khi NATO, Liên minh châu Âu và các liên minh song phương của Mỹ ở châu Á là những địa điểm gặp gỡ quan trọng để hợp tác và phối hợp chính sách. Hoa Kỳ và các đồng minh hiệp ước chính thức chiếm 59% GDP toàn cầu. Bổ sung thêm các nền dân chủ khác, con số đó tăng lên 75 phần trăm. Tuy nhiên, các liên minh này đang ngày càng gia tăng căng thẳng trong những năm gần đây và Washington không phải lúc nào cũng coi trọng một cách thích đáng những người bạn của mình. Nhưng các mối đe dọa được chia sẻ là động lực chính cho sự hình thành liên minh, và thế giới tự do đang xích lại gần nhau do những mối quan tâm chung về thách thức của Trung Quốc.

Hoa Kỳ vẫn là siêu cường quân sự duy nhất trên thế giới. Xã hội giàu có và đổi mới của Mỹ đã khiến nó trở thành quốc gia đi đầu trong đổi mới quân sự, từ vũ khí hạt nhân đến công nghệ tàng hình và vũ khí dẫn đường chính xác. Các đồng minh và đối tác của Mỹ làm tăng thêm sức mạnh này. Là các nền dân chủ, họ ít quan tâm đến bất ổn chính trị trong nước và có thể tập trung nguồn lực an ninh của mình cho các mối đe dọa từ nước ngoài.

Tóm lại, các đồng minh và đối tác chung chí hướng có những điểm yếu thực sự, nhưng cũng có những điểm mạnh chưa được đánh giá cao, cần được xem xét khi xây dựng chiến lược cho cuộc cạnh tranh sắp tới với Trung Quốc.

CÁC KHÍA CẠNH KHÁC CỦA BỐI CẢNH CHIẾN LƯỢC

ĐẠI DỊCH COVID-19.

Thách thức của Trung Quốc đã gia tăng trong đại dịch COVID-19. Chính quyền Trump đã đổ lỗi cho ĐCSTQ vì đã tung ra “virus Trung Quốc”. Ban đầu, Trung Quốc đã cố gắng sử dụng virus như một cơ hội để gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc, bao gồm cả thông qua “ngoại giao khẩu trang” với châu Âu. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã đi quá mức, và chính sách ngoại giao “chiến binh sói” của nó cùng hành động xâm lược quân sự chống lại các nước láng giềng đã gây ra phản ứng dữ dội.

Đại dịch đã mở ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu liên quan đến thách thức của Trung Quốc. Sự phục hồi kinh tế toàn cầu có thể bị phá vỡ và lâu hơn dự tính, và sự không chắc chắn về tương lai của virus có nghĩa là thêm vào những gián đoạn khác có thể sắp xảy ra. Hoa Kỳ đang trải qua một sự phục hồi chậm hơn, trong khi Trung Quốc dường như đã phục hồi nhanh hơn. Trung Quốc có thể khai thác sự phục hồi kinh tế tương đối mạnh mẽ hơn của nó để tăng cường quan hệ kinh tế với các đồng minh và đối tác có chung chí hướng của Mỹ. (92)

Đại dịch đã làm căng thẳng chủ nghĩa đa phương, đặc biệt là trong cơ quan chịu trách nhiệm quản lý sức khỏe toàn cầu : WHO. Như đã lưu ý, sự thiếu minh bạch của Trung Quốc đã cản trở nỗ lực của cơ quan này trong việc điều phối một phản ứng thống nhất, toàn cầu đối với đại dịch. Đôi khi, trọng tâm của Trung Quốc là loại trừ Đài Loan ra khỏi cuộc thảo luận của WHO hơn là chống lại đại dịch. Quyết định của Mỹ ngừng hợp tác với WHO cũng cản trở các nỗ lực quốc tế. Trong khi đó, Nhóm G7 và Nhóm G20 đã làm ít hơn mức cần thiết để điều phối một phản ứng kinh tế toàn cầu hiệu quả đối với các cuộc khủng hoảng.

Những hạt mưa rơi trên bảng hiệu Phố Wall bên ngoài Sở giao dịch chứng khoán New York ở Manhattan ở Thành phố New York, New York, Hoa Kỳ, ngày 26 tháng 10 năm 2020 / Reuters/ Mike Segar .

NHỮNG CHUYỂN DỊCH TRONG CÁN CÂN SỨC MẠNH TOÀN CẦU.

Cán cân quyền lực quốc tế đang chuyển dịch. Tuy nhiên, ý tưởng về một cuộc chuyển giao quyền lực giữa Hoa Kỳ đang suy tàn và một Trung Quốc đang trỗi dậy đã bị phóng đại. Trái ngược với nhận định của nhiều người, Hoa Kỳ không suy giảm. Thay vào đó, tỷ trọng của nó trong GDP thực tế toàn cầu đã không đổi ở mức 20–25% kể từ những năm 1960 và ngày nay nó đứng ngay trong phạm vi đó ở mức 23% . Điều đã thay đổi là Trung Quốc đang trỗi dậy. Tỷ trọng của nó trong GDP toàn cầu đã tăng từ chỉ hơn 4% vào năm 1990 lên hơn 15% hiện nay. Một số nhà kinh tế dự đoán rằng Trung Quốc có thể vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030, nhưng những dự đoán đó phụ thuộc nhiều vào các giả định không chắc chắn về quỹ đạo tăng trưởng của Trung Quốc và Mỹ trong tương lai. Nhớ lại rằng vào năm 2010, các nhà kinh tế đã dự đoán rằng Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2020, nhưng những dự đoán đó tỏ ra đã quá hấp tấp.(93) Như nhà kinh tế học Derek Scissors lập luận, “Năm 2030 không phải là một dự đoán tồi khi nói Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng Trung quốc không bao giờ là nước lớn nhất thế giới " (94) Trung Quốc có nền kinh tế lớn nhất thế giới khi tính theo sức mua tương đương (PPP), nhưng các học giả hàng đầu về quan hệ quốc tế đánh giá rằng GDP thực, mới là thước đo tốt hơn cho sức mạnh và ảnh hưởng quốc tế. (95) Hơn nữa, khi các đồng minh và đối tác được đưa vào tính toán, Hoa Kỳ và các nước bạn bè của mình vẫn giữ được ưu thế vượt trội về sức mạnh trong hệ thống toàn cầu. Không còn nghi ngờ gì nữa, sự gia tăng quyền lực gần đây của Trung Quốc là rất ấn tượng, nhưng thực tế vẫn chưa chắc chắn về việc liệu quỹ đạo này có sẽ tiếp tục hay không.

MẤT TỰ TIN Ở PHƯƠNG TÂY

Trong khi Trung Quốc trở nên tự tin hơn, các quốc gia phương Tây bày tỏ sự thiếu tự tin, bao gồm cả về giá trị của nền dân chủ thị trường mở, vốn là một nguồn sức mạnh to lớn. Những nghi ngờ này từ nhiều nguồn. Chủ nghĩa tư bản chuyên chế do nhà nước lãnh đạo đã tạo ra nhiều thập kỷ tăng trưởng, cũng như khả năng vượt qua cơn bão của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Ngược lại, sự phục hồi của phương Tây sau cuộc khủng hoảng năm 2008 không đồng đều và góp phần làm gia tăng bất bình đẳng. Trung Quốc dường như đã phục hồi nhanh chóng hơn sau những hậu quả kinh tế và sức khỏe cộng đồng do đại dịch COVID-19 gây ra. Các phong trào dân túy gia tăng đã thách thức các chính sách nhập cư và thương mại tự do, khi những người thua cuộc trong toàn cầu hóa nhận thấy các mối đe dọa đối với việc làm và văn hóa của họ. Các phong trào chính trị theo chủ nghĩa dân túy đã tổ chức chống lại thương mại tự do và nhập cư, góp phần vào xu hướng Brexit ở Vương quốc Anh và chủ nghĩa bảo hộ lớn hơn ở Hoa Kỳ. Sự xuất hiện của công nghệ đột phá - người máy, AI và tự động hóa - sẽ dẫn đến sự không chắc chắn thêm về tỷ lệ việc làm và tương lai của các nền kinh tế phương Tây.
.
Ngoài ra còn có một cuộc khủng hoảng niềm tin ở phương Tây về tính hiệu quả của nền dân chủ, đặc biệt là khi rối loạn chính trị và sự phân cực diễn ra tràn lan ở các nền dân chủ như Hoa Kỳ. Theo Freedom House, số lượng các nền dân chủ trên thế giới đã giảm trong mỗi mười bốn năm qua. (96) Các nhà lãnh đạo có khuynh hướng độc tài đang trở nên phổ biến và có quyền lực ở một số nền dân chủ đã được cũng cố. Đại dịch cũng mở ra cánh cửa dẫn đến tình trạng lùi về chuyên quyền và gia tăng chủ nghĩa độc đoán khi các nhà lãnh đạo củng cố quyền lực để giải quyết nạn dịch. Sự can thiệp của nước ngoài vào các nền dân chủ phương Tây đang đặt ra câu hỏi về tính an ninh của các hệ thống chính trị cởi mở.

Trong nội bộ, các nền dân chủ phương Tây cũng phải vật lộn với những thiếu sót trong xã hội của chính họ. Hoa Kỳ tiếp tục vật lộn với các vấn đề bất bình đẳng chủng tộc. Căng thẳng chủng tộc và các cuộc biểu tình chống lại sự tàn bạo của cảnh sát đã gây rúng động quốc gia vào cuối mùa xuân và đầu mùa hè năm 2020. Bất bình đẳng tại trong nước làm tổn hại đến uy tín của Hoa Kỳ và các nền dân chủ khác trong việc dẫn đầu chống lại những kẻ độc tài thách thức trên trường toàn cầu.

VAI TRÒ KHÔNG CHẮC CHẮN CỦA HOA KỲ

Trong bảy mươi lăm năm, vai trò lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ là rất cần thiết để xây dựng và duy trì hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nghi ngờ về sự sẵn sàng và khả năng của Washington trong việc thực hiện vai trò lãnh đạo toàn cầu này.

Một số người tin rằng sự suy giảm tương đối của Hoa Kỳ có nghĩa là Hoa Kỳ không còn khả năng đóng vai trò lãnh đạo toàn cầu, và thế giới đi đến sự quay trở lại tình trạng phân chia quyền lực đa cực hơn với một số cường quốc — bao gồm Nga, Trung Quốc, Châu Âu, và Hoa Kỳ— dùng mánh khóe tranh giành các phạm vi ảnh hưởng.

Những người khác nghi ngờ sự sẵn sàng dẫn đầu của Hoa Kỳ, vì thế giới đã thấy Hoa Kỳ rút khỏi các vấn đề toàn cầu trong những năm gần đây. Chính sách đối ngoại của Tổng thống Barack Obama dựa trên quan điểm rằng Hoa Kỳ đã quá lạm dụng trong những năm George W. Bush. Obama nhắm đến việc rút lại quyền lực của Mỹ với hy vọng các quốc gia khác sẽ bước lên. Xu hướng này gia tăng dưới thời chính quyền Trump thông qua việc nước này rút khỏi các hiệp định và tổ chức quốc tế cũng như những lời chỉ trích gay gắt đối với các đồng minh hiệp ước. (97) Việc Joe Biden đắc cử vào tháng 11 năm 2020 và những lời hứa của ông sẽ phục hồi vai trò lãnh đạo của Mỹ và hỗ trợ các đồng minh truyền thống đã làm dấy lên hy vọng trong nhiều nước. Tuy nhiên, một số người băn khoăn liệu Hoa Kỳ vẫn cam kết duy trì các cam kết truyền thống ở nước ngoài của Mỹ hay duy trì một hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy người Mỹ đang mâu thuẫn về vai trò của Hoa Kỳ trên thế giới. (98) Một số cho rằng người dân Hoa Kỳ thích một vai trò toàn cầu hạn chế hơn đối với Hoa Kỳ, trong khi những người khác bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với vai trò lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ. Những thế hệ người Mỹ trước đây nghĩ rằng sự tham gia toàn cầu của Hoa Kỳ là góp phần vào việc đánh bại chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản cũng như bảo vệ hòa bình và thịnh vượng của thế giới thời kỳ đầu sau Chiến tranh Lạnh, nhưng những người Mỹ trẻ tuổi lại nghi ngờ hơn sự tham gia toàn cầu của Hoa Kỳ.(99) Kinh nghiệm sống của họ về Hoa Kỳ trên thế giới bao gồm các cuộc chiến thất bại ở Iraq và Afghanistan, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và đại dịch toàn cầu.

THỬ THÁCH BÊN NGOÀI.

Ngoài Trung Quốc, các đồng minh và đối tác chung chí hướng phải đối mặt với những mối đe dọa bổ sung đối với an ninh của họ và sự an toàn của một hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ. Trong những năm gần đây, Nga đã phá vỡ hệ thống toàn cầu thông qua các cuộc xâm lược của nó ở Gruzia và Ukraine, cũng như can thiệp vào Syria. Nga tiếp tục can thiệp vào các vấn đề của các nền dân chủ phương Tây để gieo rắc sự hỗn loạn và ngờ vực bên trong phương Tây. Ở Trung Đông, Iran theo đuổi chính sách đối ngoại chống lại Hoa Kỳ. Nó sở hữu khả năng vũ khí hạt nhân ngấm ngầm và khả năng tên lửa đạn đạo ngày càng tinh vi và đang phát triển, đồng thời tài trợ cho một loạt các nhóm khủng bố và các nhóm ủy nhiệm gây chiến. Triều Tiên đang trên đà trở thành đối thủ thứ ba của Hoa Kỳ có khả năng phóng vũ khí hạt nhân vào lục địa Hoa Kỳ. Bình Nhưỡng đã nhiều lần đe dọa các nước láng giềng của nó và thường xuyên bất chấp luật pháp quốc tế bằng cách tham gia vào các hoạt động chợ đen như buôn lậu và làm hàng giả. Chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực tiếp tục là mối đe dọa đối với hệ thống dựa trên luật lệ. Al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo Iraq và al-Sham (ISIS) đã bị tổn thất nghiêm trọng về lãnh thổ trong những năm gần đây, nhưng các điều kiện giúp chúng vươn lên - sự quản lý kém hiệu quả ở Trung Đông và những diễn giải cực đoan của Hồi giáo - vẫn còn. Các đồng minh và đối tác chung chí hướng phải cân nhắc những thách thức bổ sung này như một phần trong chiến lược toàn cầu đối với Trung Quốc.

CÔNG NGHỆ ĐỘT PHÁ.

Các công nghệ mới, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo, rô bốt, điện toán lượng tử và công nghệ sinh học, về cơ bản sẽ thay đổi an ninh quốc tế, kinh tế và xã hội. AI có tiềm năng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn và tiết kiệm chi phí, nhưng tự động hóa cũng có thể khiến hàng triệu người mất việc làm. Vũ khí hoàn toàn tự động (hoặc robot giết người) có thể lựa chọn và tấn công mục tiêu mà không cần con người trong quá trình ra quyết định. Những công nghệ mới này sẽ đòi hỏi một bộ quy chuẩn và tiêu chuẩn quốc tế mới để sử dụng có trách nhiệm nhằm tối đa hóa tiềm năng tích cực, đồng thời giảm thiểu rủi ro về mặt tiêu cực của chúng.

Hơn nữa, phương Tây và Trung Quốc đang tham gia vào một cuộc chạy đua để kiểm soát tầm cao chỉ huy các công nghệ của thế kỷ XXI. Phương Tây từ lâu đã là nhà lãnh đạo đổi mới của thế giới, nhưng Trung Quốc cũng đang vươn mình. Lãnh đạo công nghệ và địa chính trị thường đi đôi với nhau, và quốc gia nào chiến thắng trong cuộc chạy đua vũ trang công nghệ mới, sẽ có vị trí để định hình các tiêu chuẩn và quy tắc của hệ thống quốc tế trong tương lai.

(Hết Chương I.)

(Còn tiếp )


_ Các tác giả : Matthew Kroenig và Jeffrey Cimmino, cùng với các chuyên gia cộng tác viên từ mười nền dân chủ hàng đầu thế giới.

_ Ảnh : Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen tham dự một cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh ảo với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Brussels, Bỉ ngày 22 tháng 6 năm 2020 / Reuters / Yves Herman / Pool.

_ Chú thích :

79 “Paulson Praises China’s Cooperation in Easing Financial Crisis,” New York Times, October 22, 2018, https://www.nytimes.com/2008/10/22/business/worldbusiness/22iht-22paulson.17155092.html.
80 Lucy Best, “What Motivates Chinese Peacekeeping?” Council on Foreign Relations, January 7, 2020, https://www.cfr.org/blog/what-motivates-chinese-peacekeeping.
81 “China Should Meet with U.S. on Arms Control, State Department Says,” Reuters, July 9, 2020, https://www.reuters.com/article/us-usa-china-armscontrol/
china-should-meet-with-united-states-on-armscontrol-state-department-says-idUSKBN24A27U.
82 Evan A. Feigenbaum, “Six Crises: How the U.S. and China Coordinated Despite Strategic Rivalry,” Carnegie Endowment for International Peace, April 17, 2020, https://carnegieendowment.org/programs/asia/six-crises.
83 Callie Aboaf, “U.S.-China Collaboration in Combating the 2014 Ebola Outbreak in West Africa,” Carter Center, https://www.cartercenter.org/resources/pdfs/peace/china/trs-03-combating-ebola-breakout.pdf.
84 Xiaodong Wang, “China Will Intensify Cooperation to Ensure Food Security,” China Daily, October 15, 2019, https://global.chinadaily.com.cn/a/201910/15/WS5da4db34a310cf3e355706ff.html.
85 Thomas Friedman, “Our One-Party Democracy,” New York Times, September 8, 2009, rb.gy/oop6lc.
86 Kroenig, The Return of Great Power Rivalry.
87 Ibid.
88 Joseph S. Nye, Jr., Soft Power: The Means to Success in World Politics (New York: PublicAffairs, 2004).
89 “France Regains #1 Spot: The 2019 Soft Power 30,” University of Southern California Center on Public Diplomacy, October 24, 2019,
https://www.uscpublicdiplomacy.org/story/france-regains-1-spot-2019-soft-power-30.
90 Joseph S. Nye Jr., “No, The Coronavirus Will Not Change the Global Order,” Foreign Policy, April 16, 2020, https://foreignpolicy.com/2020/04/16/coronavirus-pandemic-china-united-states-power-competition/.
91 Acemoglu and Robinson, Why Nations Fail.
92 Miyeon Oh, Coronavirus Could Bring the United States’ East Asian Allies Closer to Beijing, Atlantic Council, March 20, 2020, https://www.atlanticcouncil.
org/blogs/new-atlanticist/coronavirus-could-bringthe-united-states-east-asian-allies-closer-to-beijing/.
93 Shamin Adam, “China to Exceed US by 2020, Standard Chartered Says,” Bloomberg, November 14, 2010, https://www.bloomberg.com/news/articles/2010-11-15/china-may-surpass-u-s-by-2020-in-super-cycle-standard-chartered-says.
94 “AEI’s Derek Scissors: China May Never Surpass US in Economic Size,” American Enterprise Institute, March 26, 2019, https://www.aei.org/press/aeis-derek-scissors-china-maynever-surpass-the-us-in-economic-size/.
95 Stephen G. Brooks and William C. Wohlforth, World Out of Balance: International Relations and the Challenge of American Primacy (Princeton, NJ: Princeton University Press, 2008).
96 Jennifer Stapleton, “Freedom in the World 2020 Finds Established Democracies are in Decline,” Freedom House, March 4, 2020, https://freedomhouse.org/article/new-report-freedom-world-2020-finds-established-democracies-are-decline.
97 See, for example, Joseph S. Nye Jr., Do Morals Matter? Presidents and Foreign Policy from FDR to Trump (New York: Oxford University Press, 2020).
98 V. Lance Tarrance, “Public Opinion and U.S. Engagement With the World,” Gallup, April 11, 2019, https://news.gallup.com/opinion/polling-matters/248588/
public-opinion-engagement-world.aspx.
99 “New Poll: Young Americans Favor An ‘America First, But Not Alone’ Approach to U.S. Foreign Policy,” United Nations Foundation, September 20, 2018,
https://unfoundation.org/media/new-poll-youngamericans-favor-an-america-first-but-not-aloneapproach-to-u-s-foreign-policy/; Hannah Hartig and Hannay Gilberstadt, “Younger Americans More Likely Than Older Adults to Say There Are Other Countries That Are Better Than the U.S,” Pew Research Center, January 8, 2020, https://www.pewresearch.
org/fact-tank/2020/01/08/younger-americansmore-likely-than-older-adults-to-say-there-areother-countries-that-are-better-than-the-u-s/

Nguồn : https://www.atlanticcouncil.org/wp-content/uploads/2020/12/Global-Strategy-2021-An-Allied-Strategy-for-China.pdf

Trần Hoàng Sa lược dịch.


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.