Đối đầu chiến lược giữa Mỹ với Trung Quốc là ván cờ 3D.

Sự đối đầu mới của Washington với Bắc Kinh không phải là một sự tái diễn Chiến tranh Lạnh. Nó phức tạp hơn nhiều.

Bàn cờ 3 D

HAL BRANDS, ZACK COOPER..NGÀY 30 THÁNG 12 NĂM 2020…Theo Foreign Policy

Trần H Sa lược dịch.

Tổng thống đắc cử Joe Biden đã tuyên bố, "Ở bất kỳ vấn đề quan trọng nào trong mối quan hệ Mỹ-Trung, chúng tôi mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn khi chúng tôi được ũng hộ bởi các quốc gia chia sẻ tầm nhìn của chúng tôi về tương lai của thế giới." Thật vậy, kết quả của cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung sẽ được xác định, trong phạm vi rộng lớn, bởi vấn đề Washington sẽ lão luyện như thế nào trong việc tranh thủ các quốc gia cùng chí hướng, để biến một cuộc đấu tranh song phương thành một cuộc đấu tranh đa phương. Sau rốt, thăm dò ý kiến công chúng cho thấy mối quan tâm quốc tế ngày càng tăng về các hoạt động độc ác của Trung Quốc. Nhưng một câu hỏi quan trọng vẫn là: Nếu Bắc Kinh đặt ra một mối đe dọa toàn cầu rõ ràng như vậy, thì tại sao Washington phải hết sức vật lộn để xây dựng một liên minh nhằm chống lại sự trỗi dậy của nó?

Nhiều quan chức chính quyền Trump đổ lỗi cho cái gọi là các đồng minh và các đối tác thích thụ hưởng mà không có trách nhiệm, đã trốn tránh nghĩa vụ của họ. Ngược lại, hầu hết các chuyên gia bên ngoài đổ lỗi cho cách tiếp cận 'Nước Mỹ trước tiên' của chính quyền Trump đã xa lánh nhiều đồng minh và đối tác - một thất bại mà chính quyền Biden sắp tới được cho là có thể sửa chữa dễ dàng. Cả hai lời giải thích đều có một số sự thật, nhưng cũng có những ảnh hưởng sâu sắc hơn trong câu chuyện. Sự ngắt kết nối giữa chiến lược của Hoa Kỳ và thực tế toàn cầu, có nguồn gốc từ hai quan niệm sai lầm căn bản.

Thứ nhất, nhiều người Mỹ quan niệm về cuộc cạnh tranh với Trung Quốc dựa trên tiền đề sai lầm rằng cuộc đấu tranh này sẽ nằm gọn gàng ở lưỡng cực - một sự tái diễn tình trạng bế tắc Đông-Tây ở châu Âu hồi chiến tranh lạnh. Trong thực tế, một thế giới với nhiều hổn độn đang hình thành. Các nhà lãnh đạo châu Âu nãn chí đang vẻ đồ thị cho hướng đi riêng của họ, với một số ủng hộ sự cân bằng giữa Washington và Bắc Kinh. Các quốc gia thứ ba quan trọng, chẳng hạn như Ấn Độ, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ, đang khám phá các lựa chọn tương tự. Những quốc gia này cảm thấy không cần phải liên kết hoàn toàn với Hoa Kỳ, cũng như với Trung Quốc, vì họ có thể đạt được ích lợi bằng cách chơi với cả Washington lẫn Bắc Kinh. Kết quả, đây sẽ là một cuộc đấu tranh đa cực, không phải là một cuộc đấu tranh lưỡng cực.

Thứ hai, hy vọng về một "liên minh mới của các nền dân chủ", như Ngoại trưởng Mike Pompeo ủng hộ - thường phản ảnh một niềm tin sai lầm rằng một liên minh duy nhất sẽ nổi lên để chống lại Trung Quốc. Đó có thể là đúng trong trường hợp nếu một nhóm quốc gia cùng coi Trung Quốc là một đối thủ quân sự, một đối thủ kinh tế, một đối thủ công nghệ và một đối thủ ý thức hệ. Nhưng trong một môi trường được đặc trưng bởi những liên kết lỏng lẻo, việc sáng tạo ra liên minh chống Trung Quốc sẽ thay đổi tùy thuộc vào từng vấn đề. Các nước chủ chốt sẽ hợp tác với Mỹ về một số vấn đề nhưng không hợp tác ở các vấn đề khác. Các quốc gia sợ sức mạnh quân sự của Trung Quốc nhất không phải lúc nào cũng giống các quốc gia sợ ảnh hưởng độc đoán nhất của nó. Thành công trong một cuộc cạnh tranh nhiều mặt do đó sẽ đòi hỏi không phải là một liên minh mà là nhiều liên minh.

Đặc biệt, Hoa Kỳ phải tạo ra một liên minh địa chiến lược gồm các quốc gia phản đối quyền bá chủ của Trung Quốc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, một liên minh kinh tế để bù đắp đòn bẩy cưỡng chế mà sức nặng thương mại của Trung Quốc tạo nên, một liên minh công nghệ để bảo đảm rằng Trung Cộng không nắm bắt được đỉnh cao điều khiển sự đổi mới trong thế kỷ 21, và một liên minh quản trị có thể ngăn chặn Bắc Kinh viết lại các quy tắc và chuẩn mực của thế giới. Chẳng tốt đẹp gì khi Mỹ chỉ có thể đơn giản tập hợp được mỗi một phương Tây về phía nó. Trừ khi Hoa Kỳ thông qua một cách tiếp cận tinh vi hơn để xây dựng liên minh, nó sẽ bị mắc kẹt trong cố gắng tái tạo một thế giới vốn không còn tồn tại.

Các đại biểu tại hội nghị NATO ở Paris ngày 19 tháng 12 năm 1957. KEYSTONE / GETTY IMAGES

Khi bắt đầu Chiến tranh Lạnh, Winston Churchill giải thích rằng "sự an toàn của thế giới đòi hỏi một sự thống nhất mới" chống lại "tầm ảnh hưởng của Liên Xô". Xây dựng một cách tiếp cận thống nhất không phải là dễ dàng, nhưng nó đã được đơn giản bởi việc thiếu các lựa chọn tốt hơn để thay thế. Chỉ có sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ mới có thể bảo vệ châu Âu chống lại sự thống trị của Liên Xô và cung cấp môi trường an ninh mà trong đó các kẻ thù cũ như Pháp và Tây Đức có thể hòa giải. Chỉ có sự hỗ trợ kinh tế của Hoa Kỳ mới có thể giải cứu các nền kinh tế đang suy yếu. Đối với hầu hết Tây Âu, liên minh với Hoa Kỳ không chỉ là lựa chọn tốt nhất ; đó là lựa chọn duy nhất. Nhiệm vụ xây dựng mạng lưới liên minh này đã được đơn giản hóa bởi thực tế là hầu hết Tây Âu đều chấp nhận - với sự giúp đỡ của Mỹ - các giá trị chính trị và các thể chế kinh tế tương tự. Vào giữa những năm 1950, hầu hết các đồng minh của Hoa Kỳ ở châu Âu là các nền dân chủ với các nền kinh tế công nghiệp tiên tiến. Do đó, các đồng minh châu Âu của Mỹ đã áp dụng các cách tiếp cận tương tự để xử lý các thách thức địa chiến lược, kinh tế, công nghệ và quản trị do Liên Xô đặt ra.

Để đối phó với mối đe dọa quân sự của Liên Xô, khối phương Tây đã thiết lập liên minh với Hoa Kỳ, đáng chú ý nhất là NATO. Các đồng minh xuyên Đại Tây Dương đã giải quyết các vấn đề kinh tế thông qua Kế hoạch Marshall và một loạt các tổ chức - Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại - qua đó thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng trong khuôn khổ tư bản chủ nghĩa. Và khi Liên Hiệp Quốc bị tê liệt bởi những bất đồng trong Chiến tranh Lạnh, phương Tây đã xây dựng các tổ chức khu vực - như Cộng đồng châu Âu - để thúc đẩy hợp tác bắt nguồn từ các chuẩn mực tự do chung. Các thành viên của các tổ chức khác nhau này không bao giờ hoàn toàn đồng dạng. Tuy nhiên, nhìn chung, các nước châu Âu hợp tác chặt chẽ nhất với Washington về các vấn đề địa chiến lược cũng là những nước hợp tác chặt chẽ nhất về các vấn đề kinh tế và chia sẻ đầy đủ nhất cam kết của họ đối với dân chủ.

Mô hình này đã thành công ngoạn mục trong Chiến tranh Lạnh, đó là lý do tại sao các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ rất dễ dàng mặc định với nó khi nghĩ về Trung Quốc. Nhưng Bắc Kinh không phải là Moscow với đặc điểm Trung Quốc. Và thế giới Mỹ sinh sống bây giờ không phải là thế giới của chiến tranh lạnh. Ngày nay, có sự liên kết ít hơn nhiều về các vấn đề chủ chốt so với ở châu Âu thời Chiến tranh Lạnh. Các đồng minh của Mỹ như Italy đã đăng ký Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Các đối tác chủ chốt của Hoa Kỳ như Việt Nam không có dân chủ. Nhiều quốc gia gặp rắc rối nhất bởi những vi phạm tàn bạo của Trung Quốc về nhân quyền và tự do cá nhân không có vị trí địa lý để thách thức Bắc Kinh ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Ngăn chặn sự tiếp cận quá mức của Bắc Kinh, Hoa Kỳ sẽ đấu tranh để tạo ra ở thế kỷ 21 một khối tương đương khối phương Tây. Thay vì xây dựng một liên minh duy nhất của các nền dân chủ, Mỹ sẽ cần bốn liên minh riêng biệt.

Khách bộ hành trước màn hình lớn ở Tokyo với tin tức về chiến thắng của Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hôm 8/11. BEHROUZ MEHRI/ AFP QUA GETTY IMAGES

Liên minh địa chiến lược.

Liên minh đầu tiên là liên minh địa chiến lược và nên tập trung vào việc ngăn chặn Trung Quốc sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Mong muốn của Bắc Kinh thay thế Hoa Kỳ như là quyền lực hàng đầu của khu vực là một chủ đề trung tâm của lãnh đạo nhà nước Trung Quốc. Nó củng cố một sự tăng cường quân sự lâu dài cũng như những nỗ lực gần đây hơn để ép buộc các nước láng giềng từ Nhật Bản đến Philippines đến Ấn Độ. Nếu Trung Quốc thành công, nước này có thể sử dụng tính ưu việt của mình ở Ấn Độ - Thái Bình Dương như một bàn đạp cho các mục tiêu toàn cầu mở rộng hơn. Sau đó, từ góc độ của Mỹ, việc duy trì một sự cân bằng quyền lực thuận lợi ở Ấn Độ - Thái Bình Dương là không đủ để chiếm ưu thế trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, nhưng nó là cần thiết.

Washington không thể một mình giải quyết vấn đề này, hay bất kỳ khía cạnh nào khác của sự đối đầu. May mắn thay, các yếu tố của một liên minh cân bằng địa chiến lược đã tồn tại : Hoa Kỳ có hàng chục đồng minh có hiệp ước chính thức ở châu Âu và năm đồng minh tương tự ở châu Á. Thật không may, các liên minh này được xây dựng chủ yếu để ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản Liên Xô, và để quản lý sự trỗi dậy của Trung Quốc thì không thể chỉ đơn giản chuyển hướng là được. Một số đồng minh, bao gồm hầu hết các thành viên của NATO, về mặt hình thể là quá xa Trung Quốc để giúp cân bằng quyền lực của nó ở Biển Đông hoặc eo biển Đài Loan. Những nước khác, chẳng hạn như Thái Lan, ít quan tâm đến việc kiên quyết liên kết chống lại Trung Quốc bởi vì họ ngày càng tìm đến Bắc Kinh không chỉ cho sự thịnh vượng của họ, mà cũng còn cho an ninh của họ.

Thay vào đó, liên minh địa chiến lược nên bao gồm những quốc gia có ý chí sẳn sàng cân bằng Bắc Kinh, có vị trí địa lý có tầm quan trọng nhất đối với Trung quốc - dọc theo ngoại vi lãnh thổ và hàng hải của nó. Danh sách này bắt đầu với Nhật Bản, một thế lực lớn trong khu vực đang quyết liệt cam kết làm xói mòn bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm lật đổ hiện trạng ở Tây Thái Bình Dương. Các đồng minh khu vực khác của Mỹ cũng có vai trò quan trọng. Australia đang khắc phục một chiến dịch gây sức ép dữ dội từ Bắc Kinh và gần đây đã sửa đổi chiến lược quốc phòng của mình với Trung Quốc một cách kiên quyết. Hàn Quốc cũng đã phải đối mặt với áp lực cưỡng chế của Trung Quốc và đang ngày càng tìm cách mở rộng ảnh hưởng địa chính trị của mình ra ngoài Bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, Philippines là một đồng minh khó khăn hơn, nhưng Manila có thể trở lại lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh một khi ông Rodrigo Duterte rời nhiệm sở.

Xung quanh điều cốt lõi này của các đồng minh là lập một mạng lưới các đối tác an ninh ngày càng tăng. Các đối tác này bao gồm Việt Nam, quốc gia gần đây nhất chiến đấu trong một cuộc chiến tranh nghiêm trọng chống lại Quân giải phóng Nhân dân của Trung quốc ; Ấn Độ, một quốc gia chủ chốt ở Ấn Độ Dương và dọc theo biên giới tây nam của Trung Quốc mà đã cân bằng Trung Quốc nhiều hơn trong những năm gần đây; Singapore, nơi đã lặng lẽ nổi lên như một trung tâm hoạt động quân sự của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á; và Đài Loan, nơi có nhiều kinh nghiệm hơn bất cứ ai trong việc ngăn chặn việc Trung Quốc sử dụng vũ lực và cưỡng ép. Nếu Trung Quốc tiếp tục lấn lướt quá mức, thậm chí có thể khuyến khích các nước giữ thái độ trung lập như Malaysia và Indonesia tham gia liên minh này trong nỗ lực bảo vệ các quyền hàng hải của họ ở Biển Đông.

Nói chung, các quốc gia này sẽ - với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ - tạo ra các rào cản đối với việc Trung Quốc sử dụng sức mạnh quân sự ở các biên giới quan trọng. Bằng cách làm việc cùng nhau, các quốc gia này có thể bảo đảm rằng sự phát triển năng lực quân sự Trung Quốc sẽ được bù đắp bằng sự phát triển của một liên minh đối đầu có sức mạnh tương đương. Và nếu liên minh cân bằng cho thấy triển vọng, nó có thể thu hút các quốc gia quan tâm đến sự trỗi dậy của Trung Quốc nhưng không chắc chắn liệu sự tham gia của họ có thuận lợi hay không. Ví dụ, Vương quốc Anh, Pháp, Đức và Canada sở hữu một số khả năng phóng chiếu sức mạnh và đã thể hiện sự quan tâm đến việc chống lại áp lực của Trung Quốc. Theo thời gian, họ và những nước khác có thể giúp bao bọc Bắc Kinh trong một mạng lưới địa chiến lược thắt chặt, khi Trung Quốc tham gia vào việc sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép.

Như các thành viên của liên minh địa chiến lược này chỉ ra, đây sẽ không phải là một phiên bản NATO của châu Á. Các quốc gia tham gia thì quá khác nhau - trong địa lý, khả năng, và quản trị - để tạo ra loại liên minh chính thức, thể chế hóa sâu sắc như Washington đã có được với châu Âu. Điều này hạn chế khả năng tương tác quân sự mà một cấu trúc giống NATO có thể thực hiện được, nhưng nó cũng là một lợi thế, bởi vì nhiều thành viên của liên minh địa chiến lược sẽ không thích bị sắp xếp một cách chính thức để chống lại Trung Quốc. Do đó, việc buộc các quốc gia này lại với nhau sẽ đòi hỏi cách tiếp cận linh hoạt hơn và đôi khi tinh tế hơn.

Các nước bảo trợ cho sự yên ổn thảo luận về cách làm sao giúp đỡ một thành viên nào đó trong trường hợp xung đột , có thể phổ biến hơn so với những bảo đảm an ninh chính thức. Các cơ chế mới sẽ cần phải được xây dựng để cho phép các quốc gia "hành động tức thì" khi họ mong muốn tham gia vào một cuộc tập trận hoặc hành động. Các sáng kiến đa phương có thể bắt đầu từ nhóm nhỏ, như trường hợp của Quad (một nhóm không chính thức nhưng ngày càng có tham vọng dính líu đến Hoa Kỳ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản), ban đầu chỉ phối hợp về cứu trợ thiên tai. Các thành viên của một liên minh địa chiến lược sẽ liên kết về các vấn đề khác nhau tại các thời điểm khác nhau, do đó, hợp tác sáng tạo như vậy sẽ là chìa khóa để cạnh tranh hiệu quả.

Một công nhân đứng tại một cảng khi một con tàu chở hàng được chất hàng lên tàu ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông ở phía đông của Trung Quốc, vào ngày 13 tháng 7 năm 2017. AFP QUA GETTY IMAGES

Liên minh kinh tế.

Phần lớn thách thức địa chiến lược của Trung Quốc bắt nguồn từ đòn bẩy kinh tế to lớn của nó, vì vậy Hoa Kỳ cũng sẽ yêu cầu một cách tiếp cận mới với cạnh tranh kinh tế. Vào thời kỳ đỉnh cao, nền kinh tế Liên Xô có lẽ có quy mô chỉ bằng 1/3 nền kinh tế Hoa Kỳ. Trung Quốc từ lâu đã vượt qua mốc đó, và nền kinh tế của Liên xô còi cọc hơn so với bất kỳ đối thủ nào của Mỹ trong 100 năm qua. Hầu hết người châu Âu hiện nay xem Trung Quốc là sức mạnh kinh tế hàng đầu thế giới, chứ không phải Hoa Kỳ. Và Bắc Kinh đã là đối tác thương mại chính của gần như mọi quốc gia trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Bắc Kinh đã biến vấn đề kinh tế này thành lợi thế ngoại giao, sử dụng các hạn chế thương mại để trừng phạt các quốc gia chỉ trích các vi phạm nhân quyền của nó, đặt câu hỏi về câu chuyện gây phiền toái của nó trên vấn đề COVID-19, hoặc chống lại sự mở rộng khu vực của nó. Đó là vấn đề không minh bạch của nó trên các lãnh vực thương mại, các khoản cho vay, và đầu tư để thu hút các nước vào Sáng kiến Vành đai và Con đường, những thứ mang theo nó ảnh hưởng kinh tế, ngoại giao, và đôi khi là quân sự của Trung Quốc. Và có lẽ đáng lo ngại nhất, Bắc Kinh tiếp tục tham gia vào một loạt các hoạt động thương mại không công bằng, từ trộm cắp tài sản trí tuệ đến trợ cấp to lớn do nhà nước chỉ đạo. Sự kiểm soát của nhà nước đối với hành vi kinh tế, và sự sẵn sàng tận dụng sự kiểm soát này ở nước ngoài, tạo ra một tập hợp các mệnh lệnh chiến lược cho Hoa Kỳ và các quốc gia khác vốn mong muốn duy trì quyền tự do hành động của họ.

Các quốc gia ở Ấn Độ - Thái Bình Dương phụ thuộc nhiều vào thương mại của Trung Quốc sẽ cần phải tự bảo vệ mình khỏi sự ép buộc địa chính trị bằng cách đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế của họ. Nhiều quốc gia sẽ cần phải tách khỏi Trung Quốc một cách có chọn lọc trong một số lĩnh vực quan trọng nhất định - từ thiết bị bảo hộ cá nhân và dược phẩm đến các thành phần của thiết bị quân sự tinh vi - để tránh phụ thuộc nguy hiểm. Cuối cùng, Hoa Kỳ và bạn bè của mình phải kích thích tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn để cạnh tranh với Trung Quốc, để cho cán cân quyền lực kinh tế đừng thay đổi quá xa nghiêng về lợi thế của Bắc Kinh. Sau Chiến tranh Lạnh, Washington theo đuổi hội nhập kinh tế qua các con đường địa chính trị, với hy vọng làm cho những thay đổi cán cân đó biến mất. Bây giờ, Washington phải theo đuổi hợp tác kinh tế sâu sắc hơn trong các đường dây địa chính trị: Nó phải vượt mọi khó khăn tạo lập một liên minh rộng lớn gồm các quốc gia cam kết buộc Trung Quốc phải hành động bằng một bộ quy tắc chung, và nếu không thì làm cùn đòn bẩy kinh tế của nó.

Liên minh kinh tế sẽ không tập trung trong một tổ chức hoặc thể chế duy nhất. Giống như liên minh địa chiến lược, nó sẽ bao gồm các phân nhóm chồng chéo của các quốc gia cam kết với mục đích cơ bản. Các bên ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - một hiệp ước ban đầu có nghĩa là, một phần, để giảm sự phụ thuộc của các thành viên vào tiền tệ và thị trường Trung Quốc - sẽ khiến cho các đối tác trở nên có quan hệ ruột thịt. Các nền dân chủ Đại Tây dương cũng nên như vậy bởi đã ngày càng bị quấy rầy bởi thực hành thương mại không công bằng và coi thường luật lệ ngoại giao kinh tế của Trung Quốc. Các quốc gia khác được hưởng lợi từ việc định hướng lại chuỗi cung ứng, chẳng hạn như Ấn Độ, cũng có thể tham gia, cũng như các quốc gia đang phát triển tìm cách duy trì tự do của họ trước sự kìm kẹp kinh tế của Bắc Kinh. Do đó, liên minh kinh tế sẽ trải rộng trên các khu vực; nó sẽ bao gồm các nền kinh tế tiên tiến cũng như các thị trường mới nổi.

Các quốc gia này có thể theo đuổi một loạt các sáng kiến bổ sung. Một nhóm các nền kinh tế tiên tiến hơn có thể cùng nhau trừng phạt các công ty cho thấy họ ăn cắp tài sản trí tuệ hoặc hưởng lợi từ những trợ cấp không công bằng của nhà nước. Họ có thể tạo ra một hệ thống kiểm soát đa phương đối với hàng xuất khẩu nhạy cảm sang Trung Quốc, tương tự như 'Ủy ban điều phối kiểm soát xuất khẩu đa phương' trong Chiến tranh Lạnh. Họ cũng có thể tăng và tập hợp các nguồn lực có sẵn cho đầu tư cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển, khiến cho nó ít hấp dẫn hơn đối với các nước chủ chốt dể chấp nhận thỏa thuận bất lợi với Bắc Kinh. Nỗ lực này có thể xây dựng trên các sáng kiến đa phương mới thành lập để bảo vệ các chuỗi cung ứng chủ chốt, điều mà ngày nay một số nền dân chủ Ấn Độ - Thái Bình Dương đã xem xét.

Tham vọng nhất, liên minh kinh tế có thể theo đuổi các thỏa thuận thương mại để thúc đẩy tăng trưởng giữa các thành viên của họ. Thay vì củng cố các xu hướng hướng tới phi toàn cầu hóa, điều này có thể khuyến khích tái toàn cầu hóa với các điều khoản công bằng hơn. Hoa Kỳ và các quốc gia khác đã thực hiện các bước ban đầu theo hướng này. Tuy nhiên, việc thiếu sự phối hợp nói lên thực tế là liên minh kinh tế gần đây đã thiếu nhà lãnh đạo rõ ràng của nó. Thay vì phục vụ như là nhân tố cốt yếu của các thỏa thuận kinh tế tiêu chuẩn cao, chính quyền Trump làm trầm trọng thêm sự chia rẽ bên trong thế giới đó, do đó việc trao đổi trở nên khiêm tốn, lợi ích thương mại ngắn hạn thay cho lớn hơn, gây thiệt hại cho chiến lược dài hạn. Sự lãnh đạo của Hoa Kỳ vẫn rất quan trọng để khắc phục các vấn đề phối hợp và xúc tác hành động tập thể. Nếu không có nó, liên minh kinh tế sẽ đi loạng choạng.

Những người tham dự xếp hàng chờ xem triển lãm 5G tại gian hàng Qualcomm trong triển lãm hàng điện tử tiêu dùng ở Las Vegas vào ngày 10 tháng 1 năm 2019. ROBYN BECK / AFP QUA GETTY IMAGES

Liên minh công nghệ.

Những thách thức địa chiến lược và kinh tế được trình bày bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng chỉ ra sự cần thiết của một liên minh công nghệ. Những nỗ lực của Trung Quốc để vượt qua các nền kinh tế công nghiệp tiên tiến nhất thế giới đã khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc xây dựng "nhà vô địch quốc gia" trong các lĩnh vực công nghệ chủ chốt như chất bán dẫn, robot và công nghệ thông tin. Là một phần của kế hoạch Made in China 2025, Bắc Kinh đã sử dụng các hạn chế thị trường và trợ cấp nhà nước khổng lồ để tạo ra những lợi thế kinh tế không công bằng. Nó cũng đã đánh cắp một lượng lớn thông tin và công nghệ, và ước đoán, mặc dù thế giới cho đến nay đã tập trung chủ yếu vào mạng 5G, có một số công nghệ tiên tiến khác như trí tuệ nhân tạo (AI) và "học" tự động từ dữ liệu, tự động hóa và công nghệ sinh học - những điều này sẽ rất quan trọng đối với các ngành công nghiệp trong tương lai.

Những tác động của thách thức công nghệ Trung Quốc là đáng lo ngại sâu sắc. Nếu các công ty Trung Quốc đi đầu trong việc xây dựng mạng 5G của thế giới, Bắc Kinh có thể tiếp cận thắng lợi đáng kể đối với thông tin tình báo và đòn bẩy kinh tế . Những lợi thế đó sẽ chỉ tăng lên nếu Trung Quốc sử dụng việc đi đầu sớm hơn của mình trong 5G để đưa các quốc gia khác, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, vào phạm vi công nghệ của nó. Tuy nhiên, những rủi ro cũng vượt khỏi công nghệ đặc biệt này. Một trong những khó khăn lớn mà Hoa Kỳ phải đối mặt trong việc cạnh tranh về mặt công nghệ là quy mô của thị trường nội bộ Trung Quốc - và lượng dữ liệu có sẵn cho các công ty Trung Quốc - tạo ra những lợi thế mà không một nền dân chủ nào có thể sánh được. Tương tự như vậy, các khoản đầu tư của chính phủ Trung Quốc vào nhiều công nghệ tiên tiến vượt xa các quốc gia hàng đầu khác.

Sau đó, theo thời gian, cuộc đua công nghệ ngày càng có thể tác động đến các lĩnh vực cạnh tranh khác. Những tiến bộ công nghệ của Trung Quốc có thể giúp Bắc Kinh bắt kịp hoặc vượt qua Hoa Kỳ về mặt kinh tế, phủ nhận một lợi thế lớn mà Washington được hưởng trước Moscow trong Chiến tranh Lạnh. Nghiên cứu về AI, "học" tự động từ dữ liệu, tự động hóa và robot, cuối cùng có thể chuyển thành một lợi thế quân sự bất đối xứng cho Bắc Kinh. Như cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nhận xét hồi tháng 9 : "Những người đầu tiên khai thác các công nghệ từng có trong một thế hệ thường có lợi thế quyết định trên chiến trường trong nhiều năm sau đó". Trung Quốc cũng có thể đạt được một lợi thế địa chính trị thông qua sự phát triển và phổ biến của chủ nghĩa độc tài công nghệ. Bằng cách tạo ra các hệ thống giám sát và kiểm duyệt tiên tiến, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang cố gắng bảo vệ quyền lực của mình. Bằng cách phổ biến các hệ thống này, nó cũng giúp bảo vệ các nhà độc tài trên toàn thế giới. Và khi Bắc Kinh trở nên tinh vi hơn về mặt công nghệ, nó sẽ có thành công lớn hơn trong việc thiết lập các tiêu chuẩn công nghệ toàn cầu, chẳng hạn như chủ quyền mạng, đó là lợi thế của các nhà độc tài. Chỉ có một nỗ lực tập thể mới có thể bù đắp được những thách thức này.

Do đó, một mục tiêu chính của một liên minh công nghệ là cùng nhau đẩy nhanh sự phát triển và trợ cấp cho việc áp dụng các lựa chọn thay thế công nghệ Trung Quốc, bắt đầu bằng 5G và mở rộng sang các lĩnh vực quan trọng khác. Một liên minh như vậy có thể chống lại những lợi thế vốn có của các quy mô hạn chế tiếp cận thị trường và không công bằng mà Trung Quốc hiện đang được hưởng. Hơn nữa, bằng cách hoạt động với vai trò cụ thể như một loại thị trường chung cho các công nghệ tiên tiến, một liên minh loại này có thể bảo đảm một bộ tiêu chuẩn, quy tắc và chuẩn mực công nghệ chung mà có thể bảo vệ các nền dân chủ. Các quốc gia hàng đầu cũng có thể hợp tác trong các nỗ lực điều chỉnh các công ty công nghệ thuộc sở hữu của Trung Quốc hoạt động ở các nước dân chủ, và bảo đảm rằng các khoản đầu tư được kiểm tra đúng cách từ cả quan điểm kinh tế và an ninh.

Những nỗ lực xây dựng một liên minh công nghệ nên tập trung vào các nền kinh tế tiên tiến. Các quốc gia G-7— Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Đức, Pháp, Vương quốc Anh và Ý— tất cả đều đủ điều kiện. Vì vậy, cũng nên thực hiện cho các nước 'dân chủ - công nghệ' như Thụy Điển, Phần Lan, Hà Lan, Hàn Quốc, Israel, và Đài Loan. Tập đoàn này cũng có thể bao gồm Ấn Độ, vốn ít có sức mạnh công nghệ hơn nhưng cung cấp một thị trường to lớn và gần đây đã trở nên lo lắng hơn về sự phụ thuộc vào công nghệ Trung Quốc. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đề xuất một phiên bản của liên minh này : một G-7 mở rộng sẽ thúc đẩy đầu tư tập thể vào 5G và các công nghệ mới nổi khác, mà ông gọi là D-10 (10 nước dân chủ hàng đầu). Những người khác đã đề xuất một cấu trúc tương tự nhưng tập trung rõ ràng hơn vào công nghệ : T-12.(12 nước dân chủ - công nghệ hàng đầu).

Những thách thức liên quan đến việc tạo ra một liên minh công nghệ như vậy là rất nhiều. Trong số những thứ khác, nó sẽ đòi hỏi các chính sách công nghiệp mạnh mẽ hơn ở Hoa Kỳ và một số nền dân chủ khác, cũng như nỗ lực lớn hơn để sắp xếp các chính sách đó. Nó sẽ đòi hỏi sự hợp tác rộng rãi về những thách thức lâu dài nhưng cũng hành động nhanh chóng trong các lĩnh vực như 5G, nơi mà khoản thời gian thuận lợi để ngăn chặn sự kiểm soát của Trung Quốc đang bị đóng lại nhanh chóng. Trên tất cả, nó sẽ yêu cầu một đặc tính đa phương mà đã thiếu một cách nghiêm trọng trong chính sách của Hoa Kỳ mới đây. Tuy nhiên, dù sao ý tưởng này vẫn đang đạt được lực kéo ở những vị trí cao, bao gồm các nhà lãnh đạo công nghệ, các đồng minh của Mỹ, chính quyền Biden sắp tới và trên Đồi Capitol (Quốc Hội Mỹ). Với phạm vi và quy mô của thách thức công nghệ mà Trung Quốc đặt ra, việc tạo ra một liên minh công nghệ không còn xa vời như trước đây.

Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden ngồi phía trước cờ NATO và Hoa Kỳ trước cuộc hội đàm song phương với tổng thư ký NATO tại Munich vào ngày 7 tháng 2 năm 2015. CHRISTOF STACHE / AFP QUA GETTY IMAGES

Liên minh quản trị.

Cuối cùng, cạnh tranh Mỹ-Trung không chỉ là sự cạnh tranh địa chiến lược, kinh tế và công nghệ; nó cũng không thể tránh khỏi cạnh tranh ý thức hệ. Như các nhà hoạch định chính sách và học giả Trung Quốc đã lập luận, Trung Cộng không thể cảm thấy an toàn trong một thế giới mà ở đó các giá trị phổ quát và một siêu cường dân chủ chiếm ưu thế. Do đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang tìm cách tạo ra một hệ thống mà trong đó sự cai trị độc đoán được bảo vệ. Họ đã làm như vậy bằng cách hỗ trợ các nhà độc tài từ Đông Nam Á đến Mỹ Latinh, phổ biến các công cụ và kỹ thuật đàn áp cho những người cai trị bất hợp pháp trên toàn thế giới, và phấn đấu kiểm soát tốt hơn các tổ chức quốc tế, qua đó thiết lập các quy tắc và chuẩn mực quản trị toàn cầu. Đáp lại, Hoa Kỳ phải tập hợp một liên minh các nền dân chủ cam kết bảo vệ các nguyên tắc dân chủ và các giá trị phổ quát.

Liên minh cuối cùng này nên là xuyên khu vực bởi vì nó được xác định bởi triết học chính trị chứ không phải là địa lý. Các thành viên cốt lõi của nó sẽ là các nền dân chủ chủ chốt của thế giới, chủ yếu ở Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương và châu Âu. Trong nỗ lực này, các quốc gia như Canada và New Zealand cũng sẽ quan trọng như các quốc gia lớn hơn như Đức và Vương quốc Anh, trước sự phản đối của họ đối với các vi phạm nhân quyền, bắt nạt các quốc gia dân chủ và nỗ lực bóp nghẹt tự do ngôn luận của Trung Quốc. Liên minh cũng có thể thu hút các nền dân chủ khác từ Nam Á, Mỹ Latinh, Châu Phi và các nơi khác, miễn là các quốc gia đó sẵn sàng lên tiếng vì dân chủ và nhân quyền, ngay cả khi có nguy cơ xúc phạm Bắc Kinh.

Liên minh quản trị này sẽ là một cái gì đó ít hơn liên minh toàn cầu của các nền dân chủ mà Pompeo đã đề xuất. Giống như liên minh địa chiến lược, ban đầu nó có thể có cách tiếp cận như là "liên minh sẵn sàng" đối với các vấn đề chủ chốt, với hy vọng xây dựng hướng tới hợp tác và thể chế hóa hơn theo thời gian. Ví dụ, liên minh này có thể cải thiện khả năng phục hồi của thế giới dân chủ chống lại các hoạt động ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc bằng cách trao đổi các hiểu biết về những chiến thuật mà Bắc Kinh đã sử dụng chống lại Đài Loan, Úc và những nước khác, và bằng cách điều phối các phản ứng đa phương. Liên minh này cũng có thể phối hợp các biện pháp trừng phạt và hình phạt ngoại giao đối với các hành vi ngược đãi kinh hoàng ở Tân Cương, Hồng Kông và các nơi khác. Không kém phần quan trọng, nó có thể mang lại sức mạnh tập thể để chống lại sự thâu tóm của Trung Quốc đối với các tổ chức quốc tế chủ chốt, chẳng hạn như Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc - mà Bắc Kinh sử dụng để bảo vệ sự cai trị độc đoán của nó ở trong nước và thực hiện ảnh hưởng độc đoán của nó ở nước ngoài.

Giá trị chiến lược của loại hình liên minh quản trị này sẽ là đáng kể. Bằng cách nhấn mạnh các giá trị chính trị được chia sẻ, nó có thể giúp đưa các đối tác mới vào nhóm cùng chung mục đích. Nhiều nước châu Âu không có lợi ích hoặc khả năng cân bằng Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng họ có thể và sẽ đẩy lùi các vi phạm nhân quyền và các chiến thuật cưỡng chế chống lại các nền dân chủ của Bắc Kinh. Liên minh này cũng sẽ giúp đưa Đảng Cộng sản vào thế thủ bằng cách làm nổi bật và trừng phạt những khía cạnh đáng ghét nhất trong các hành vi của nó. Cuối cùng, việc thiết lập một liên minh như vậy sẽ nhấn mạnh với khán giả trên toàn thế giới rằng đây không chỉ đơn giản là một cuộc đấu tranh quyền lực giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Thay vào đó, nó là một cuộc đấu tranh về tương lai của hệ thống quốc tế và hơn thế là phương thức mà mọi người sẽ được quản lý như thế nào.

Tất nhiên, việc tạo ra một liên minh quản trị sẽ rất khó khăn. Các nền dân chủ chủ chốt có quan điểm khác nhau về mức độ đe dọa từ Trung Quốc. Và một liên minh kiểu này có thể sẽ loại trừ các thành viên chủ chốt của liên minh địa chiến lược, chẳng hạn như Việt Nam, ngoài việc đặt ra những câu hỏi khó về cách tham gia của các nền dân chủ dễ sa ngã như Philippines. Không kém phần quan trọng, khả năng lãnh đạo của Mỹ đối với một liên minh dân chủ rõ ràng đã bị nghi ngờ nhiều hơn, trước bối cảnh Tổng thống Donald Trump đã thể hiện sự thờ ơ với số phận của các giá trị dân chủ, cả trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, những trở ngại này không phải là không thể vượt qua. Hoa Kỳ đã quản lý để kết hợp các giá trị với chính trị thực dụng trong Chiến tranh Lạnh; nó đã tiến hành một cuộc đấu tranh ý thức hệ sâu sắc chống lại Liên Xô trong khi vẫn hợp tác với các nhà độc tài thân thiện và thậm chí cả những người cộng sản thân thiện. Một nước Mỹ hậu Trump có thể tái tập trung vào việc tập hợp thế giới dân chủ. Thật vậy, Tổng thống đắc cử Biden đã đề xuất triệu tập một hội nghị thượng đỉnh các nền dân chủ thế giới trong năm đầu tiên tại chức của ông. Bất chấp những khó khăn trong việc điều phối một nhóm các quốc gia đa dạng về địa lý và địa chính trị, các mối đe dọa ý thức hệ rõ ràng như mối đe dọa mà Trung Quốc đặt ra, có xu hướng có lợi ích nhắc nhở các quốc gia dân chủ rằng họ sẽ bị treo cổ từng nước một, nếu họ không biết cùng mắc vào nhau.

Chính quyền Biden sắp tới dường như hiểu tất cả những điều này. Ely Ratner, một trong những cố vấn hàng đầu của Biden về châu Á, đã lưu ý, "có một cuộc cạnh tranh công nghệ, một cuộc cạnh tranh quân sự, một cuộc cạnh tranh kinh tế, một cuộc cạnh tranh ý thức hệ và một cuộc cạnh tranh ngoại giao". Biden đã ưu tiên đặt ra một chiến lược cạnh tranh đa phương rộng lớn chứ không phải là mài mòn đơn phương, đặc biệt là khi nói đến các vấn đề như công nghệ và hợp tác giữa các nước cùng chí hướng. Tuy nhiên, có sự không chắc chắn lớn hơn, liên quan đến việc liệu Hoa Kỳ có sẽ thực hiện các khoản đầu tư quân sự khẩn cấp cần thiết để hổ trợ cho liên minh địa chiến lược ở Tây Thái Bình Dương mạnh lên hay không, và các khoản đầu tư chính trị cần thiết để thiết lập quan hệ thương mại và đầu tư sâu sắc hơn với các thành viên của liên minh kinh tế tiềm năng hay không, trong khi đồng thời cho thấy sự dính líu khéo léo cần thiết để pha trộn cách tiếp cận cạnh tranh trên những vấn đề này với những nỗ lực để bảo đảm hợp tác về biến đổi khí hậu và các mối đe dọa xuyên quốc gia khác hay không.

Tin tốt lành là Hoa Kỳ có tất cả các công cụ cần thiết để quản lý những nguy hiểm được nêu ra bởi sự quyết đoán ngày càng tăng của các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung quốc, trong đó quan trọng nhất là khả năng tập hợp các quốc gia đứng về phía mình về nhiều vấn đề khác nhau. Nhưng Washington sẽ thất bại nếu xử dụng một cách tiếp cận xoàng xỉnh để xây dựng liên minh. Cho dù các phần trong cuộc đấu tranh Trung-Mỹ, đặc biệt là sự đối đầu quân sự và ý thức hệ, có âm vang chiến tranh lạnh rõ ràng, thế giới ngày nay ngày càng đa cực, và sự cạnh tranh rất đa diện. Thách thức mà Trung Quốc đặt ra đòi hỏi một phản ứng đa phương, phối hợp. Tuy nhiên, môi trường toàn cầu và bản chất của sức mạnh Trung Quốc khiến cho phản ứng phối hợp khó tập trung hơn so với trong Chiến tranh Lạnh.

Sự thật khó khăn là các nước trên thế giới có thể không tập hợp về phía Mỹ trên mọi vấn đề, chỉ vì Trung Cộng tham gia bằng hành vi cưỡng chế và đáng ghét. Các quốc gia khác nhau sẽ đoàn kết trên các vấn đề khác nhau vào những thời điểm khác nhau. Hành động phối hợp đa phương sẽ chỉ xảy ra bằng cách xây dựng một loạt các liên minh chồng chéo và yêu cầu các quốc gia hành động trên các vấn đề mà họ quan tâm nhất. Đây sẽ là một thách thức mới, nhưng nó sẽ đòi hỏi Washington phải làm sống lại truyền thống cũ về sự sáng tạo chủ nghĩa đa phương mà có vẻ như gần đây đã bị bỏ rơi. Thế giới sẽ cần nhiều liên minh để ngăn chặn những hậu quả tiềm tàng tồi tệ nhất từ sự trỗi dậy của Trung Quốc - và không một liên minh nào trong số những liên minh này sẽ thành công mà không có sự lãnh đạo mang tính xây dựng của Hoa Kỳ.


_ Hal Brands là học giả thường trú tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ, là giáo sư xuất sắc của Henry A. Kissinger về các vấn đề toàn cầu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Nâng cao của Đại học Johns Hopkins.

_ Zack Cooper là một nghiên cứu viên tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ. Ông cũng là đồng giám đốc của Liên minh Bảo vệ Dân chủ và đồng chủ nhà của podcast 'War on the Rocks' Net Assessment' .

 


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.