Đối mặt với thách thức của chủ nghĩa tư bản nhà nước Trung Quốc.

(Bài bình luận này là một phần của loạt tiểu luận Dự báo Toàn cầu năm 2021 của CSIS ) .

Ảnh CSIS

Jude Blanchette…22 tháng 1, 2021… Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS)

Trần H Sa lược dịch.

Một trong những thách thức cấp bách nhất mà chính quyền Biden sẽ phải đối mặt là làm thế nào để cạnh tranh và đẩy lùi hệ thống tư bản nhà nước của Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ và gây rối loạn, không chỉ đe dọa các lợi ích kinh tế và chiến lược của Hoa Kỳ, mà còn phá hoại cấu trúc quản lý và luật pháp vốn tạo cơ sở cho nền kinh tế toàn cầu.

Vấn đề đang làm thoái chí. Trung Quốc hiện có số lượng các công ty trong danh sách Fortune Global 500 nhiều hơn Hoa Kỳ (124 so với 121), với gần 75% trong số này là các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Ba trong số năm công ty lớn nhất thế giới là của Trung Quốc (Sinopec Group, State Grid, và China National Petroleum). Các DNNN lớn nhất của Trung Quốc nắm giữ vị trí thống lĩnh thị trường trong nhiều ngành công nghiệp mang tầm chiến lược và quan trọng nhất, từ năng lượng đến vận chuyển và đất hiếm. Theo tính toán của Chủ tịch Freeman, tổng tài sản của 96 DNNN lớn nhất Trung Quốc đạt hơn 63 nghìn tỷ USD, tương đương gần 80% GDP toàn cầu. Tầm cở và quy mô của các thực thể này phần nào đó có nghĩa vụ đối với thị trường nội địa khổng lồ của Trung Quốc, nhưng điều quan trọng hơn là thực tế các DNNN hoạt động trong các lĩnh vực chiến lược (ví dụ: ngân hàng, cơ sở hạ tầng, viễn thông, năng lượng ) được bảo vệ khỏi sự cạnh tranh của bất kỳ thực thể nào ở trong và ngoài nước, và không bị bất kỳ sự giám sát nào của chính phủ Trung Quốc trong việc chống độc quyền.

Mặc dù Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất sở hữu các DNNN, nhưng mức độ kiểm soát chính trị của nhà nước này đối với các DNNN là rất lớn. Như ông Tập Cận Bình đã tuyên bố vào năm 2016, các DNNN phải trở nên “mạnh hơn, tốt hơn và lớn hơn.” Năm 2017, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã sửa đổi hiến pháp để khẳng định rằng Đảng “đóng vai trò lãnh đạo” trong việc ra quyết định của công ty. Cùng năm đó. Ông Xiao Yaqing, người đứng đầu Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, sau đó là người đứng đầu cơ quan quản lý DNNN trung ương, cho biết : “Để phát huy hết vai trò lãnh đạo của Đảng và vai trò chính trị cốt lõi của Đảng, các DNNN cần tuân thủ nguyên tắc chính trị mà tất cả các DNNN phải tuân theo dưới sự lãnh đạo của Đảng. ”

Vấn đề không chỉ giới hạn ở các DNNN cũng như các lĩnh vực truyền thống bao gồm các “tầm cao chỉ huy” của nền kinh tế toàn cầu. Được hỗ trợ bởi một loạt các chính sách trợ cấp và hổ trợ công nghiệp, một thị trường trong nước vốn hạn chế sự cạnh tranh của nước ngoài trong các lĩnh vực chiến lược, và được hỗ trợ bởi các khoản cho vay hào phóng của nhà nước, các công ty tư nhân của Trung Quốc đã được đẩy mạnh vào thị trường toàn cầu và hiện đang cạnh tranh với các công ty Mỹ và châu Âu để dẫn đầu trong những công nghệ tiên tiến nhất, bao gồm robot, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học và viễn thông.

Trong khi nhiều công ty trong số này thực sự đổi mới, một số khác đánh mất cơ hội kinh doanh vào tay người 'anh em họ' là DNNN, và thế giới lý tưởng là ai cũng thích kinh doanh trong một thị trường tự do không có sự can dự của nhà nước; dù vậy, cũng không thể phủ nhận rằng các công ty tư nhân của Trung Quốc thường được hưởng lợi từ trật tự kinh tế - chính trị trong nước mà qua đó, đã đầu tư các nguồn lực đáng kể để bảo đảm rằng họ trở thành những người chơi mang tầm quốc tế to lớn. Như một quan chức cao cấp của Trung Quốc đã nói thẳng trong một cuộc phỏng vấn vào đầu năm nay , “Bất kể doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, tất cả đều là doanh nghiệp Trung Quốc”.

Thay vì hoạt động như một tập hợp các công ty riêng lẻ, hoạt động vì lợi nhuận (như trường hợp của hầu hết các nền kinh tế của phương Tây đã phát triển), ĐCSTQ đã tạo ra một tập hợp mạnh mẽ các cơ chế chính thức và không chính thức nhằm tạo ra sự kết nối (với cường độ khác nhau) giữa các công ty sở hữu nhà nước và các công ty tư nhân trên danh nghĩa của Trung quốc. Các công ty cạnh tranh trong các lĩnh vực phi chiến lược phần lớn có thể hoạt động trên ít nhiều tiêu chuẩn thị trường, nhưng đối với bất kỳ lĩnh vực hoặc ngành công nghiệp nào mà Bắc Kinh coi là chiến lược, các công ty nước ngoài phải nghĩ rằng chính phủ Trung Quốc đã cân nhắc để mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp trong nước. Do đó, khi một công ty Mỹ hoặc châu Âu cạnh tranh với công ty COSCO Shipping hay Huawei, thì phải cạnh tranh với toàn bộ bảng cân đối kế toán của chính phủ Trung Quốc chứ không phải chỉ cạnh tranh với một công ty riêng lẻ. Các công ty Mỹ từ lâu đã cố gắng phát triển thịnh vượng bên trong hệ thống này bằng cách hợp tác với các công ty địa phương và đi trước các đối thủ địa phương của họ, nhưng khi Bắc Kinh đặt tầm nhắm vào chuỗi giá trị gia tăng nhiều hơn, không gian cho các công ty nước ngoài ở Trung Quốc bị thu hẹp.

Nhìn ra bên ngoài Trung Quốc, điều mang lại cho hệ thống tư bản nhà nước này sức mạnh toàn cầu to lớn như vậy, là những hiệp lực và sự liên kết giữa các công ty, ngân hàng quốc doanh và nhà đầu tư Trung Quốc, và Đảng-nhà nước Trung Quốc. Hệ sinh thái chiến lược - thương mại mà tôi đặt tên là “ CCP Inc. ” sở hữu khả năng vô địch trong việc cung cấp gói giá trị hoàn chỉnh, khi tham gia các giao dịch đầu tư ở nước ngoài : nó có thể mua, xây dựng và cấp vốn với quy mô và tốc độ chưa từng có.

Tuy nhiên, hệ thống tư bản nhà nước của Trung Quốc không phải không có những điểm yếu đáng kể — một số trong số đó đã được biết đến; một số trong số đó chỉ bắt đầu xuất hiện khi môi trường đầu tư quốc tế của Trung Quốc đối mặt với những sóng gió địa chính trị; và một số trong số đó, bao gồm những thách thức về nhân khẩu học và năng suất đã được thừa nhận từ lâu; đang bắt đầu có ảnh hưởng. Trong khi Bắc Kinh có thể tận dụng các DNNN siêu tầm cở và siêu quy mô của nó để củng cố vị trí thống lĩnh thị trường trong các ngành chiến lược toàn cầu, điều này phải bị trả giá, không ít trong số đó là sức ép đối với khu vực tư nhân vốn có hiệu quả và năng suất cao hơn của Trung Quốc. Như Nick Lardy của Viện Peterson lập luận một cách thuyết phục "Việc nối lại sự tăng trưởng do nhà nước lãnh đạo, trong đó phần lớn nguồn lực đang được đầu tư cho các công ty nhà nước có năng suất tương đối thấp, và một đảng ngày càng có mặt khắp nơi đang góp phần làm chậm lại tăng trưởng của Trung Quốc." Trong khi chính quyền ông Tập gần đây đã thực hiện các bước để thúc đẩy hoạt động hiệu quả của các DNNN, chắc chắn sẽ vẫn tồn tại một căng thẳng nghiêm trọng giữa quy mô của khu vực nhà nước và quỹ đạo tăng trưởng tích cực của Trung Quốc.

Tuy nhiên, bất kể khả năng tồn tại lâu dài của chủ nghĩa tư bản nhà nước Trung Quốc, những tác động ngắn hạn đối với Hoa Kỳ là rất quan trọng, từ xu hướng cố hữu là giải phóng làn sóng dư thừa năng lực trong công nghiệp và công nghệ, qua đó làm suy yếu các doanh nghiệp Hoa Kỳ; đến vai trò quan trọng của các DNNN và các công ty được nhà nước hậu thuẫn trong việc hỗ trợ quân đội Trung Quốc hiện đại hóa và mở rộng ra nước ngoài. Chờ đợi hệ thống chính trị hoặc kinh tế của Trung Quốc chết dần chết mòn là một chiến lược không khôn ngoan trước vận may của Bắc Kinh kéo dài bốn thập kỷ, dường như bất chấp quy luật hấp dẫn kinh tế.

Vậy thì Washington nên phản ứng như thế nào?

Bất chấp những nỗ lực phối hợp của chính quyền Trump vừa mãn nhiệm nhằm gây áp lực kinh tế đáng kể lên Bắc Kinh với hy vọng Trung quốc sẽ từ bỏ hoặc điều chỉnh cách tiếp cận trung ương tập quyền đối với chính sách công nghiệp, chính quyền Biden sẽ phải đối đầu với một Trung Quốc trung ương tập quyền hơn và quyết tâm hơn để bảo đảm các công ty của họ chiếm lĩnh vị trí thống trị về các công nghệ và tài nguyên chủ chốt cả trong và ngoài nước. Hiện được dự báo sẽ tăng trưởng đáng kinh ngạc 7,9% trong năm tới (theo dự báo của IMF ) và được cho là đã đương đầu với đại dịch dữ dội hơn so với hầu hết các quốc gia lớn khác, Trung Quốc cũng có thể sẽ hành xử với sự tự tin mà Hoa Kỳ chưa từng gặp phải.

Điều này có nghĩa là trước tiên Hoa Kỳ phải nhận ra những khả năng giới hạn của mình trong việc làm lung lay chính quyền Tập và nói chung là ĐCSTQ, từ cách tiếp cận công nghệ tập quyền hiện nay đến quy hoạch công nghiệp, phát triển kinh tế và hội nhập toàn cầu. Thật vậy, có một lập luận xác đáng được đưa ra rằng, nhiều nỗ lực của chính quyền Trump nhằm cắt bỏ Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu và hạn chế đầu tư vào các công ty chủ chốt, chỉ càng thuyết phục ông Tập rằng chủ nghĩa tư bản nhà nước là tốt nhất - và duy nhất - là con đường khả thi để tiến lên.

Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc - cả tư nhân lẫn nhà nước - không có 'quyền vốn có' đối với nền kinh tế thị trường nếu họ không sẵn sàng hoạt động minh bạch và tuân theo luật chơi. Về vấn đề này, một số sáng kiến ​​bắt đầu dưới thời chính quyền Trump nhằm yêu cầu sự minh bạch hơn trong cấu trúc sở hữu, và các mối liên hệ chính trị của các công ty Trung Quốc đang tìm cách đầu tư vào Hoa Kỳ cần được tiếp tục hoàn thiện. Pháp chế mới và những nỗ lực gia tăng của Ủy ban An toàn Chứng khoán và Ban Giám sát Kế toán Công ty Đại chúng Hoa Kỳ (PCAOB) nhằm đưa các công ty Trung Quốc niêm yết trên các sàn giao dịch của Hoa Kỳ phải tuân thủ kiểm toán là một trong những ví dụ đáng chú ý.

Liên quan đến vấn đề này, chính quyền Biden nên giao nhiệm vụ cho các cơ quan liên quan soạn thảo tóm tắt các công cụ pháp lý và quy định hiện có mà có thể được sử dụng để bảo vệ tốt hơn lợi ích của Hoa Kỳ trước các hành động bóp méo thị trường của các công ty Trung Quốc do nhà nước sở hữu hoặc được nhà nước hậu thuẫn. Hoa Kỳ đã có một bộ công cụ mạnh mẽ để chống lại các hành vi bóp méo thị trường và đe dọa an ninh quốc gia, nhưng quá thường xuyên, các quy định hiện hành có thể liên quan đến các công ty Trung Quốc có vấn đề thường không được thực thi đúng mức, như trong trường hợp các tiêu chuẩn kiểm toán đã bị bỏ qua từ lâu. .

Chính quyền Biden nên tiếp tục xây dựng và mở rộng năng lực của các cơ quan chính phủ và cộng đồng tình báo để giám sát và theo dõi mạng lưới rộng lớn của các công ty Trung Quốc. Điều này bao gồm cả việc tăng cường tài trợ để phát triển các công cụ và công nghệ tốt hơn nhằm nắm bắt thông tin từ các nguồn mở, nhưng cũng không kém phần quan trọng, đó là các nguồn lực để đào tạo và thuê các chuyên gia để giải thích và phân tích các luồng dữ liệu thu được. Có sẵn một kho tàng tài liệu mã nguồn mở, bao gồm các bản cáo bạch trái phiếu, báo cáo hàng năm, cơ sở dữ liệu về quyền sở hữu và tài chính, các ấn phẩm công nghiệp thích hợp, cũng như các trang web quản trị công ty có thể giúp trả lời các câu hỏi chủ chốt, bao gồm:

Các công ty Trung Quốc huy động vốn bằng cách nào và ở đâu?

Chúng được nhà nước hỗ trợ và trợ cấp như thế nào, và các loại hỗ trợ này đã phát triển như thế nào để tránh được sự giám sát của quốc tế?

Làm thế nào để họ tận dụng các liên doanh và các hình thức đối tác chính thức khác với các công ty nước ngoài để tiếp cận công nghệ và nhân tài?

Các yêu cầu về tính minh bạch tăng lên có thể ảnh hưởng như thế nào đến khả năng huy động vốn, tham gia vào các hoạt động mua bán và sáp nhập cũng như hoạt động trên toàn cầu của họ?

Các tài liệu mua sắm cho chúng ta biết gì về các ưu tiên công nghệ và an ninh nội địa của chính phủ Trung Quốc?

Một lĩnh vực quan trọng cần tập trung là tạo ra các công cụ mới để lập bản đồ cấu trúc quyền sở hữu. Thật vậy, một trong những yếu tố lớn nhất hỗ trợ cho sự mở rộng của các DNNN và các công ty tư nhân của Trung quốc trên toàn cầu là khả năng che giấu quyền sở hữu của họ, thông qua một mạng lưới giống như mê cung về quyền sở hữu bị che khuất và một mạng lưới các công ty con đang phát triển. Điều này giúp che giấu mối liên hệ của họ với chính phủ Trung Quốc và lách tránh luật cạnh tranh, luật thương mại và đầu tư cũng như các lệnh trừng phạt. Hãy xem xét một thống kê đáng kinh ngạc : “Số lượng trung bình con số các công ty trong 100 nhóm doanh nghiệp lớn nhất của Trung Quốc đã tăng từ 500 lên hơn 15 nghìn công ty kể từ năm 1995 đến 2015”. Con số này chuyển thành tổng số 1,5 triệu công ty, và đó là chỉ mới dành cho 100 nhóm doanh nghiệp hàng đầu.

Ngoài ra còn có công việc quan trọng cần được thực hiện để thu hẹp khoảng cách thông tin giữa các công ty Mỹ và chính phủ Hoa Kỳ. Với những trường hợp ngoại lệ rõ ràng, phần lớn các công ty Mỹ không muốn sẵn sàng hỗ trợ các hoạt động bành trướng và phi đạo đức của Trung Quốc, tuy nhiên các công ty riêng lẻ lại không đủ trang bị để theo dõi và truy tìm các cấu trúc sở hữu phức tạp, các khoản đầu tư và những chuỗi cung ứng toàn cầu có thể có vấn đề. Các công cụ và thông tin sẵn có mạnh mẽ hơn phải được cung cấp cho Hoa Kỳ và các công ty, từ các quốc gia đối tác để giúp họ giảm thiểu khả năng tiếp xúc với các công ty liên kết với ĐCSTQ hoặc Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA).

Bây giờ là phần khó.

Không có chiến lược dài hạn nào để cạnh tranh thành công chống lại chủ nghĩa tư bản nhà nước Trung Quốc mà không bao gồm các khoản đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng nội địa, hệ thống giáo dục, chăm sóc sức khỏe và năng lực quản trị của chính Hoa Kỳ. Không có cam kết sâu sắc và lâu dài trong việc xây dựng lại khả năng cạnh tranh nội bộ, cũng như tạo ra một hệ thống kinh tế bao trùm nhiều hơn, thì Hoa Kỳ chỉ có thể giẫm chân tại chỗ trong khi Trung Quốc tiếp tục tiến về phía trước.

Sự thất vọng với chính sách công nghiệp mang thương hiệu Trung Quốc bắt nguồn từ sự mờ mịt và các mục tiêu trọng thương sâu sắc của nó, chứ không phải do chính phủ Trung Quốc tìm cách tăng cường khả năng cạnh tranh của các công ty Trung Quốc. Mặc dù vẫn được coi là một từ gồm bốn chữ cái đối với một số người, Hoa Kỳ nên bắt đầu cuộc đối thoại về việc tạo ra chính sách công nghiệp thân thiện với thị trường của riêng mình. Thật vậy, như các đồng nghiệp của tôi, Matt Goodman và Dylan Gerstel chỉ ra, Hoa Kỳ đã chứng kiến ​​một số thành công công nghệ quan trọng nhờ kết quả của các sáng kiến ​​chính sách công nghiệp. “Kể từ Thế chiến II, Washington đã sử dụng ngân sách mua sắm quân sự và ngân sách nghiên cứu và phát triển (R&D) to lớn để đẩy nhanh sự phát triển của các công nghệ tiên tiến vốn đóng vai trò là nền tảng của nền kinh tế hiện đại, như Internet, vệ tinh, GPS, máy bay, vắc xin, siêu máy tính và các thành phần của điện thoại thông minh. ” Rõ ràng, với sự chia rẽ chính trị sâu sắc và không có khả năng lâu dài để ưu tiên “xây dựng đất nước” từ bên trong, thách thức là vô cùng lớn. Tuy nhiên, không có con đường nào khác.

Tiếp theo, Hoa Kỳ bắt buộc phải tìm ra sự chồng chéo và hiệp lực với các quốc gia cùng chí hướng, qua đó chia sẻ những lo ngại về các yếu tố "nhà nước tập quyền" từ sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc. Không thể tránh khỏi việc áp dụng một cách tiếp cận đơn phương để ngăn chặn các khoản đầu tư có vấn đề của Trung Quốc, do tính chất tích hợp cao của công nghệ toàn cầu, vốn nhân lực và thị trường tài chính. Mặc dù thỏa thuận gần đây của Liên minh châu Âu hướng tới Hiệp định Toàn diện về Đầu tư (CAI) với Trung Quốc có thể giống như một cú thúc gối vào chính quyền Biden, nhưng vẫn có mối quan tâm cơ bản đáng kể ở nhiều thủ đô châu Âu về những rủi ro kinh tế và an ninh quốc gia mà các DNNN và các công ty được nhà nước hậu thuẫn của Trung Quốc đặt ra cho lợi ích quốc gia của họ.

Hoa Kỳ nên bắt đầu bằng việc tìm cách tích lũy các mối quan hệ đối tác nhỏ, đột xuất, nơi mà chúng có thể được tiến triển. Một ví dụ cụ thể: việc thành lập một liên minh các nền kinh tế thị trường cùng chí hướng để chia sẻ thông tin tình báo nhằm theo dõi các giao dịch, quyền sở hữu và sự tài trợ của các công ty (DNNN hoặc cách khác) bị nghi ngờ đang hoạt động nhằm tăng lợi ích của các mục tiêu địa chiến lược của ĐCSTQ và quân đội Trung quốc. Để bắt đầu, nòng cốt của nhóm này phải là “Five Eyes Plus”, với sự bổ sung của Liên minh Châu Âu và Nhật Bản. Tất nhiên, nhóm có thể được mở rộng, giả sử những nước xin tham gia có thể bảo đảm họ có khả năng bảo vệ thông tin tình báo nhạy cảm. Liên quan đến vấn đề này, đồng nghiệp của tôi, Bonnie Glaser, gần đây cũng đã nêu ra một số bước đi thông minh mà Hoa Kỳ có thể thực hiện, đó là làm việc với các đối tác và đồng minh nhằm giảm bớt sự cưỡng bức kinh tế của Trung Quốc, vốn thường được thực hiện thông qua các công ty thương mại Trung Quốc.

Cuối cùng, Hoa Kỳ nên dẫn đầu một cuộc đối thoại toàn cầu về việc tạo ra các bộ quy tắc và thể chế mới mà có thể tạo điều kiện thuận lợi và duy trì thương mại, đầu tư và công nghệ xuyên biên giới trước những thay đổi bất thường xảy ra chỉ trong vài thập kỷ qua. Như những người khác đã lập luận, các mảng hiện có của các tổ chức được tạo ra trong thế kỷ XX mà chúng đã làm rất nhiều để thúc đẩy hội nhập toàn cầu, nổi bật nhất là Tổ chức Thương mại Thế giới, đã không được thiết kế để đối phó với quy mô và độ phức tạp của "Kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa" mang đặc điểm Trung Quốc. Tất nhiên, xây dựng một trật tự kinh tế cho thế kỷ này là một công việc rộng lớn, nhưng khi mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc bị rạn nứt gần đây cho thấy, trong trường hợp không có các thể chế trung gian có hiệu quả, những xích mích kinh tế và tài chính có thể lan rộng thành những căng thẳng địa chính trị.


_ Jude Blanchette giữ chức Chủ tịch Freeman về Nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, DC.


 

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.