Tại sao Hoa Kỳ không thể chiến thắng trong các cuộc chiến tranh.

Chúng tôi thường được giao cho những mục tiêu không thể đạt được trên mặt quân sự, và yêu cầu quân đội tạo ra những kết quả chính trị mà nó không bao giờ được thiết kế để tạo ra.

Ảnh : Reuters.

Daniel L. Davis…Ngày 30 tháng 1 năm 2021…Theo National Interest

Trần H Sa lược dịch.

Chúng tôi thường được các nhà lãnh đạo chính trị và các chuyên gia nhắc nhở trên truyền hình rằng Hoa Kỳ có quân đội hùng mạnh nhất trong lịch sử thế giới. Vì vậy, một số người tự hỏi, tại sao quân đội hùng mạnh độc nhất vô nhị này lại không thể chiến thắng trong cuộc chiến Afghanistan, chẳng hạn, sau hai thập kỷ cố gắng. Các câu trả lời liên quan nhiều hơn đến những gì quân đội được lệnh phải làm, chứ không phải là cách nó thực hiện nhiệm vụ của mình.

Một trong những lý do chính khiến Mỹ dường như không thể thắng các cuộc chiến trong kỷ nguyên hiện đại, là vì khi nói đến các vấn đề liên quan đến chiến tranh và hòa bình, gần như mọi chính quyền kể từ thời Bill Clinton đều ban hành chính sách đối ngoại tồi. Không chỉ đơn thuần là Lực lượng vũ trang đã không khuất phục được kẻ thù, mà là chính phủ đã ra lệnh cho quân đội cố gắng và hoàn thành điều không thể đạt được — và điều đó bảo đảm rằng chúng ta sẽ không thể chiến thắng.

Lần đầu tiên tôi được triển khai chiến đấu trong Chiến dịch Bão táp sa mạc vào năm 1990–1991. Tổng thống George HW Bush đã đưa ra một mục tiêu chính trị và quân sự rõ ràng: “Lực lượng của Saddam Hussein sẽ phải rời Kuwait,” Bush tuyên bố, và “chính phủ hợp pháp của Kuwait sẽ được khôi phục lại vị trí hợp pháp của nó, và Kuwait sẽ một lần nữa được tự do”.

Chúng tôi đã điều động một lực lượng lớn của Hoa Kỳ và liên quân ( khoảng 500.000 quân chỉ riêng Hoa Kỳ), đánh bại quân đội Iraq hoàn toàn, hoàn thành các mục tiêu cốt lõi của Bush, và buộc phần còn lại của lực lượng Saddam quay trở lại biên giới đi về Iraq. Trong vòng vài tháng, quân đội của chúng tôi đã rút về căn cứ và New York đã tổ chức một cuộc duyệt binh nổi tiếng để kỷ niệm chiến tranh kết thúc.

Đó là cuộc chiến cuối cùng mà chúng ta thắng — và cũng là lần cuối cùng các nhà lãnh đạo của chúng ta đưa ra các mục tiêu có thể đạt được về mặt quân sự và chính trị.

Để đối phó với các cuộc tấn công khủng khiếp vào ngày 11/9, Tổng thống George W. Bush đã đưa ra một nhiệm vụ rõ ràng, có thể đạt được và giới hạn, cho hoạt động quân sự ban đầu. Ông ra lệnh cho họ “ngăn cản việc sử dụng Afghanistan làm căn cứ hoạt động của bọn khủng bố và tấn công khả năng quân sự của chế độ Taliban”. Điều đó đã hoàn thành vào mùa hè năm 2002, và đó là lúc mà những thăng trầm bắt đầu bong ra.

Thay vì đi theo sự dẫn dắt của cha ông và rút quân sau khi kết thúc nhiệm vụ một cách thành công, Bush để ngay cho quân đội lênh đênh theo kiểu đem con bỏ chợ, không có bất kỳ nhiệm vụ nào được xác định cụ thể, bỏ lửng trong 5 năm. Tất nhiên, cuộc xâm lược Iraq năm 2003 của Bush là một thảm họa theo mọi nghĩa của từ ngữ này. Ngay cả sau khi hạ bệ Saddam, các lực lượng của chúng tôi không được giao nhiệm vụ tiếp theo nào, mà việc đạt được nó sẽ báo hiệu kết thúc chiến tranh. Chúng tôi chỉ “chiến đấu” với một cuộc nổi dậy, tiến hành các hành động chiến thuật bị tách rời khỏi mục đích chiến lược.

Sau đó vào năm 2007, Bush di chuyển các cột mục tiêu của Afghanistan, nói rằng nhiệm vụ bây giờ là “đánh bại những kẻ khủng bố và thiết lập một nhà nước ổn định, ôn hòa và dân chủ qua đó tôn trọng quyền của công dân, quản lý lãnh thổ của họ một cách hiệu quả, và là một đồng minh đáng tin cậy trong cuộc chiến chống lại những kẻ cực đoan và khủng bố ”. Nói cách khác, là xây dựng quốc gia.

Nhiệm vụ đó, như đã nói rõ, không bao giờ có thể hoàn thành được trên mặt quân sự. Chẳng hạn, không có mục tiêu quân sự nào có thể được giao cho một lữ đoàn bộ binh, mà việc hoàn thành chiến thuật thành công sẽ dẫn đến “một nhà nước ổn định, ôn hòa và dân chủ”. Các mục tiêu chính trị rõ ràng như vậy thậm chí không nằm trong khả năng tạo ra của quân đội.

Obama đã làm vấn đề ở Afghanistan trở nên tồi tệ hơn, tăng gấp đôi các mục tiêu xây dựng quốc gia của Bush. Năm 2009, khi ra lệnh cho sự gia tăng phong trào xây dựng quốc gia ở Afghanistan, Obama nói rằng nhiệm vụ có ba mục tiêu: “một nỗ lực quân sự để tạo điều kiện cho một quá trình chuyển giao; một làn sóng dân sự nhằm củng cố những hành động tích cực; và quan hệ đối tác có hiệu quả với Pakistan.” Lệnh đầu tiên không bao gồm nhiệm vụ quân sự nào có thể đạt được; hai yêu cầu sau hoàn toàn không phải là nhiệm vụ quân sự.

Obama cũng đã cử quân đội giúp hạ bệ Qadhafi ở Libya vào năm 2011 mà không có kế hoạch cho những gì tiếp theo, và đưa quân trở lại Iraq vào năm 2014 và đến Syria vào năm 2015, mà không có bất kỳ mục tiêu nào ngoài việc “giúp đỡ” Iraq và Lực lượng Dân chủ Syria. Trump đã làm theo bằng cách để quân đội ở Iraq, Syria và hỗ trợ cho cuộc chiến Yemen mà không đưa ra bất kỳ mục tiêu quân sự nào có thể đạt được. Kết quả của mọi hoạt động này là quân đội chỉ đơn thuần tiến hành các “nhiệm vụ chiến thuật” bị tách rời khỏi chiến lược nhằm tạo ra một kết quả chắc chắn.

Quân đội của chúng tôi đã thành công gần như đồng đều trong mọi nhiệm vụ chiến thuật mà nó đã thực hiện kể từ năm 1990 (với các cuộc đột kích ban đêm chắp vá, không thường xuyên và các cuộc tấn công bằng tên lửa / máy bay không người lái, mà đã giết chết dân thường vô tội). Vấn đề không phải là quân đội chúng tôi không có khả năng thành công trên chiến trường. Vấn đề của chúng tôi là các Chính quyền kế tiếp đã sử dụng quân đội một cách không phù hợp trong nỗ lực tạo ra những thứ không thể đạt được. Các nhà lãnh đạo của chúng tôi đã đưa ra các mục tiêu cho quân đội là giải quyết các vấn đề chính trị và xã hội mà sức mạnh quân sự không thể khắc phục được.

Bên cạnh những cái giá phải trả nghiêm trọng, chúng tôi đã phải trả bằng cả máu và sinh mạng đáng quý trong nhiều thập kỷ bởi việc lạm dụng quân sự, sự nguy hiểm bị đánh giá thấp là rằng, chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian, năng lượng, và tập trung vào các cuộc chiến có quy mô nhỏ, chúng tôi đã để cho những kỷ năng chiến đấu cốt lõi của chúng tôi bị hủy diệt dần dần trong kỷ nguyên mà các đối thủ tiềm năng lớn nhất của chúng ta - Nga và Trung Quốc - đã và đang cải thiện sức mạnh của họ.

Cách tốt nhất để bảo đảm chúng ta không phải chiến đấu với một cuộc chiến chống lại một trong những cường quốc hạt nhân, đó là bảo đảm lực lượng thông thường của chúng ta mạnh mẽ và do đó ngăn chặn được bất kỳ cuộc tấn công nào. Do đó, chúng ta bắt buộc phải học những bài học đau đớn này từ vài thập kỷ qua, chấm dứt xu hướng tự đánh bại bản thân khi gửi quân đội để cố gắng hoàn thành các nhiệm vụ không thể đạt được trên mặt quân sự, và thay vào đó xây dựng lại sức mạnh chiến đấu cốt lõi của chúng ta dành cho khi chúng ta có lẻ cần nó nhất.


_ Daniel L. Davis là thành viên cao cấp về các ưu tiên quốc phòng và là cựu Trung tá trong Quân đội Hoa Kỳ, người đã có bốn lần được triển khai vào các khu vực chiến đấu. Ông là tác giả của "The Eleventh Hour in 2020 America" .


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.