Một siêu cường, dù muốn hay không.

Tại sao người Mỹ phải chấp nhận vai trò toàn cầu của họ.

Ảnh minh họa của Foreign Affairs

Robert Kagan….Tháng 3 / Tháng 4 năm 2021…Theo Foreign Affairs

Trần H Sa lược dịch.

Mọi cường quốc đều có sự tự nhận thức sâu sắc rất khó tẩy sạch, nó được định hình bởi kinh nghiệm lịch sử, địa lý, văn hóa, tín ngưỡng và huyền thoại. Ngày nay nhiều người Trung Quốc khao khát khôi phục lại sự vĩ đại của thời kỳ họ cai trị mà không một ai dám thách thức quyền lực của họ, ở đỉnh cao nền văn minh Trung hoa; trước “thế kỷ sỉ nhục”. Người Nga hoài niệm về những ngày Liên Xô, khi họ là một siêu cường khác và cai trị từ Ba Lan đến Vladivostok. Henry Kissinger từng xét thấy rằng các nhà lãnh đạo Iran phải lựa chọn xem liệu họ muốn trở thành “một quốc gia hay một cái gì đó tồi tệ”, nhưng các cường quốc và đặc biệt các cường quốc có tham vọng thường coi mình là cả hai. Sự tự nhận thức của họ xây dựng định nghĩa của họ về lợi ích quốc gia, về những gì tạo nên an ninh thực sự, các hành động và các nguồn lực cần thiết để đạt được lợi ích đó. Thông thường, chính những nhận thức về bản thân này sẽ thúc đẩy các quốc gia, các đế chế và các "quốc gia - thành thị" tiến lên phía trước. Và đôi khi đi đến sụp đổ. Phần lớn những sự kiện đầy kịch tính của thế kỷ trước là kết quả của các cường quốc có nguyện vọng vượt quá khả năng của họ.

Người Mỹ thì có vấn đề ngược lại. Năng lực của họ dành cho sức mạnh toàn cầu vượt quá nhận thức của họ về vị trí và vai trò thích hợp của họ trên thế giới. Ngay cả khi họ phải đối mặt với những thách thức từ chủ nghĩa Quốc xã và chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản, chủ nghĩa cộng sản Liên Xô và chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan, họ chưa bao giờ coi chủ nghĩa tích cực với toàn cầu là chuyện bình thường phải làm. Ngay cả trong thời đại của Internet, tên lửa tầm xa và kinh tế toàn cầu phụ thuộc lẫn nhau, nhiều người Mỹ vẫn giữ tâm lý của một dân tộc sống tách biệt trên một lục địa rộng lớn, không bị ảnh hưởng bởi sự hỗn loạn của thế giới. Người Mỹ chưa bao giờ là những người theo chủ nghĩa biệt lập. Trong những tình huống khẩn cấp, họ có thể được thuyết phục để hỗ trợ cho những nỗ lực đột xuất ở những nơi xa xôi. Nhưng họ coi đây là những phản ứng đặc biệt cho những trường hợp ngoại lệ. Họ không coi mình là người bảo vệ chính yếu cho một loại trật tự thế giới nhất định; họ chưa bao giờ chấp nhận vai trò "không thể thiếu" đó.

Kết quả là, người Mỹ thường đóng vai bảo vệ đó không được tốt. Quan điểm lục địa riêng của họ về thế giới đã tạo ra một thế kỷ do dự thiếu đắn đo suy nghĩ - sự thờ ơ được theo sau là sự hốt hoảng, động viên và can thiệp, rồi sau đó là rút lui và xây thành đắp lũy. Việc người Mỹ gọi các cuộc can dự quân sự với chi phí tương đối thấp ở Afghanistan và Iraq là “những cuộc chiến mãi mãi”, chỉ là ví dụ mới nhất của sự không khoan dung của họ đối với những bận bịu lộn xộn và không hồi kết trong việc giữ gìn hòa bình chung, và hành động ngăn chặn trước các mối đe dọa. Trong cả hai trường hợp, người Mỹ đã đặt một chân ra khỏi cửa ngay khi họ bước vào, điều này cản trở khả năng kiểm soát các tình huống khó khăn của họ.

Cách tiếp cận lặp đi lặp lại này đã khiến các đồng minh và đối phương bối rối và nhầm lẫn, thường dẫn đến mức khuyến khích các cuộc xung đột bùng nổ mà lẽ ra có thể tránh được bằng cách áp dụng rõ ràng và kiên định sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ trong việc phục vụ hòa bình, ổn định và trật tự thế giới tự do. Thế kỷ 20 đầy rẫy xác chết của các nhà lãnh đạo và người dân của các chính phủ nước ngoài do họ đã đánh giá sai về Hoa Kỳ, từ Đức (hai lần), Nhật Bản đến Liên Xô, Serbia đến Iraq. Nếu thế kỷ XXI không đi theo mô hình tương tự, có nghĩa là các nhà độc tài không bị tiêu diệt — nguy hiểm nhất là trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc — thì người Mỹ sẽ cần phải ngừng tìm kiếm lối trốn tránh và chấp nhận vai trò mà số phận và sức mạnh của chính họ bắt họ phải nhận. Có lẽ sau 4 năm của Tổng thống Donald Trump, người Mỹ đã sẵn sàng cho một số cuộc nói chuyện thẳng thắn.

HAI Ý THỨC.

Sự ưa thích của người Mỹ về một vai trò quốc tế hạn chế là một sản phẩm từ lịch sử, và kinh nghiệm của họ cũng như những huyền thoại mà họ tự kể. Các cường quốc khác có khát vọng thu lại những vinh quang trong quá khứ. Người Mỹ luôn khao khát chiếm lại những gì mà họ tưởng tượng vì tính ngây thơ và tham vọng có hạn, do sự non trẻ của dân tộc họ. Trong những thập kỷ đầu tiên mà nền cộng hòa mới tồn tại, người Mỹ chỉ đấu tranh để tồn tại với tư cách là một nước cộng hòa yếu đuối trong một thế giới gồm các chế độ quân chủ siêu cường. Họ đã trải qua thế kỷ 19 trong sự ích kỷ và chỉ quan tâm đến mình, chinh phục lục địa riêng của họ và đấu tranh với chế độ nô lệ. Vào đầu thế kỷ 20, Hoa Kỳ đã trở thành quốc gia giàu có và có tiềm năng nhất trên thế giới, nhưng lại là một quốc gia không có cam kết hoặc trách nhiệm. Nước Mỹ mọc lên dưới tán cây của một trật tự thế giới nhân từ mà nó không có nhiệm vụ duy trì. Nhà sử học người Anh, James Bryce đã viết về Hoa Kỳ vào năm 1888, "nước Mỹ (cô ấy) nghe thấy từ xa những tiếng kêu chiến tranh của các chủng tộc và tín ngưỡng ở châu Âu, khi các vị thần của Epicurus ( nhà triết học Hy Lạp, chủ trương mục đích của triết học là duy trì hạnh phúc, một cuộc sống thanh bình mà không có nỗi đau và sự sợ hãi, là sống một cuộc sống tự tại cùng những người bạn xung quanh…THS ) lắng nghe những tiếng xì xào của trái đất bất hạnh, phát ra bên dưới ngôi nhà bằng vàng của họ." Bryce viết, có lúc "cô ấy dong thuyền trên biển mùa hè."

Nhưng rồi thế giới thay đổi, và người Mỹ đột nhiên thấy mình là trung tâm của nó. Trật tự cũ được Vương quốc Anh duy trì và đã khiến nền hòa bình rất mong manh ở châu Âu sụp đổ, với sự xuất hiện của các cường quốc mới. Sự trỗi dậy của Đức đã phá hủy trạng thái cân bằng bấp bênh ở châu Âu, và người châu Âu tỏ ra không thể khôi phục được nó. Sự trỗi dậy đồng thời của Nhật Bản và Hoa Kỳ đã đặt dấu chấm hết cho hơn một thế kỷ bá chủ của hải quân Anh. Một nền địa chính trị toàn cầu đã thay thế trật tự được châu Âu thống trị; và trong cấu hình quyền lực rất khác này, Hoa Kỳ đã được đẩy lên một vị thế mới. Chỉ có nó mới có thể là một cường quốc Thái Bình Dương lẫn Đại Tây Dương. Chỉ có nó, với các nước láng giềng yếu ớt ở phía bắc và phía nam cùng các đại dương mênh mông ở phía đông và phía tây, có thể gửi phần lớn lực lượng của mình chiến đấu ở các chiến trường xa xôi với thời gian dài, trong khi quê hương của nó vẫn không bị đe dọa. Chỉ có nó mới có đủ khả năng tài trợ không chỉ cho các nỗ lực chiến tranh của chính mình mà còn tài trợ cho các đồng minh, tập hợp năng lực công nghiệp để sản xuất tàu chiến, máy bay, xe tăng và các vật tư khác để trang bị cho chính nước Mỹ đồng thời đóng vai trò là kho vũ khí cho mọi nước khác. Chỉ có nó mới có thể làm được tất cả những điều này mà không bị phá sản, thay vào đó là ngày càng giàu có và chiếm ưu thế hơn sau mỗi cuộc chiến quan trọng. Chính khách Anh, Arthur Balfour nhận thấy, Hoa Kỳ đã trở thành “chiếc trục” mà phần còn lại của thế giới xoay quanh, hay theo cách nói của Tổng thống Theodore Roosevelt, là “cán cân quyền lực của toàn thế giới”.

Thế giới chưa bao giờ biết đến một sức mạnh như vậy - không có ngôn ngữ nào để mô tả nó hoặc một lý thuyết nào để giải thích nó. Nó là "sui generis", là đặc thù duy nhất. Sự xuất hiện của cường quốc bất thường này đã dẫn đến sự lộn xộn và những đánh giá sai lầm. Các quốc gia đã trải qua hàng thế kỷ tính toán các mối quan hệ quyền lực trong khu vực của họ, đã đánh giá chậm tác động do sự xuất hiện rất khó xảy ra của cường quốc xa xôi này, mà sau một thời gian dài thờ ơ và xa lánh, có thể đột nhiên lao vào và thay đổi cán cân quyền lực. Người Mỹ cũng vậy, đã gặp khó khăn trong việc điều chỉnh sự đánh giá. Sự giàu có và khả năng bất khả xâm phạm tương đối khiến họ có khả năng duy nhất chống lại các cuộc chiến tranh nghiêm trọng và thực thi hòa bình ở châu Âu, châu Á và Trung Đông, đồng thời cũng khiến họ đặt câu hỏi về sự cần thiết, đáng ao ước và thậm chí là đạo đức của việc làm như vậy. Về cơ bản, Hoa Kỳ thì an toàn và tự cung ứng đủ, vậy tại sao nó cần phải tham gia vào các cuộc xung đột cách xa hàng ngàn dặm kể từ bờ biển của nó? Và nó có quyền gì?

Tình huống đưa đến một chính sách nhằm tạo ra và duy trì trật tự thế giới tự do, lần đầu tiên được đưa ra bởi Theodore Roosevelt và Woodrow Wilson trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Họ lập luận, với Vương quốc Anh và các cường quốc châu Âu khác không còn có thể duy trì trật tự, và như cuộc chiến đã chứng minh, nó đã rơi vào tay Hoa Kỳ để tạo ra và bảo vệ một trật tự thế giới tự do mới. Đây là mục đích của “Liên minh thế giới vì hòa bình công chính,” do Roosevelt đề xuất vào đầu cuộc chiến và của Liên đoàn các quốc gia, mà cuối cùng Wilson sau đó đã đấu tranh : tạo ra một trật tự hòa bình mới với sức mạnh của Mỹ ở trung tâm của nó. Wilson tin rằng đó là giải pháp thay thế khả thi duy nhất cho việc hàn gắn lại những xung đột và hỗn loạn đã tàn phá châu Âu. Nếu thay vào đó, người Mỹ quay lại với “mục đích hạn hẹp, ích kỷ, mang tính tỉnh lẻ” của họ, ông cảnh báo, hòa bình sẽ sụp đổ, châu Âu sẽ lại phân chia thành các “phe thù địch”, thế giới sẽ lại rơi vào tình thế “hoàn toàn đen tối” và Hoa Kỳ sẽ lại bị lôi kéo vào chiến tranh. Hoa Kỳ quan tâm đến một châu Âu hòa bình và chủ yếu là tự do, một châu Á hòa bình, các đại dương rộng mở và an toàn, những thứ mà người Mỹ và hàng hóa của họ có thể đi lại an toàn. Nhưng một thế giới như vậy không thể được xây dựng, ngoại trừ nó ở xung quanh sức mạnh của Mỹ. Vì vậy, Hoa Kỳ có lợi ích trong trật tự thế giới.

Những lập luận như vậy đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Henry Cabot Lodge và các nhà phê bình khác đã lên án liên minh của Wilson là vừa không cần thiết, vừa là sự phản bội với quan điểm của những người sáng lập nước Mỹ. Để Hoa Kỳ tự quan tâm đến trật tự thế giới là vi phạm các nguyên tắc cơ bản khiến nước này trở thành một quốc gia ngoại lệ, yêu chuộng hòa bình trong một thế giới có chiến tranh. Hai thập kỷ sau, khi người Mỹ tranh luận về việc có nên tham gia vào cuộc chiến tranh thế giới khác hay không, một thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa khác, Robert Taft, đã chế nhạo với ý tưởng rằng, Hoa Kỳ là quốc gia hoàn toàn an toàn trước cuộc tấn công, sao lại nên “đứng về phía thế giới, giống như một hiệp sĩ, bảo vệ dân chủ và những lý tưởng thiện chí, và ngồi ngựa múa thương, như Don Quixote, chống lại những cối xay gió của Chủ nghĩa phát xít ”. Tổng thống Franklin Roosevelt lập luận rằng ngay cả khi Hoa Kỳ không bị đe dọa trực tiếp bởi Đức Quốc xã hay đế quốc Nhật Bản, một thế giới mà trong đó những chế độ độc tài hùng mạnh thống trị khu vực của họ, sẽ là một "nơi tồi tàn và nguy hiểm để sống." Roosevelt tin tưởng, chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi các chế độ độc tài tự tập hợp lại để thực hiện một cuộc tấn công cuối cùng vào thành trì còn lại của nền dân chủ, nhưng ngay cả trước khi thời điểm đó đến, Hoa Kỳ có thể trở thành “một hòn đảo đơn độc” của nền dân chủ, trong một thế giới của những kẻ độc tài, và bản thân nền dân chủ có thể bị diệt vong một cách đơn giản. Nhưng những người phản đối sự can thiệp của Mỹ trong Thế chiến II lại lo lắng nhiều về hậu quả của chiến thắng cũng như về cái giá phải trả cho sự can thiệp. Họ không muốn đất nước của họ tự phụ thuộc vào lợi ích của các đế quốc châu Âu, nhưng họ cũng không muốn Mỹ thay thế các đế quốc đó như một cường quốc thống trị thế giới. Trích lời Ngoại trưởng John Quincy Adams, họ cảnh báo rằng khi trở thành “nhà độc tài của thế giới”, Hoa Kỳ sẽ đánh mất linh hồn của nó.

Cuộc tấn công của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng đã cắt ngắn cuộc tranh luận nhưng vẫn khiến nó bất ổn. Roosevelt chiến đấu với cuộc chiến bằng con mắt nhìn về trật tự sau chiến tranh mà ông hy vọng sẽ tạo ra, nhưng hầu hết người Mỹ coi chiến tranh như là một hành động tự vệ, hoàn toàn phù hợp với cách nhìn lục địa của riêng họ. Khi chiến tranh kết thúc, họ mong đợi được trở về nhà.

Do đó, khi Hoa Kỳ cuối cùng thống trị thế giới sau Thế chiến thứ hai, người Mỹ đã phải gánh chịu một loại bất đồng về nhận thức. Trong Chiến tranh Lạnh, họ đã gánh vác những trọng trách toàn cầu chưa từng có, triển khai hàng trăm nghìn người lính ở các chiến trường xa xôi và chiến đấu trong hai cuộc chiến, ở Hàn Quốc và ở Việt Nam, trả giá gấp 15 lần về số người chết trong chiến tranh so với các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq. Họ thúc đẩy một chế độ thương mại tự do tầm quốc tế mà đôi khi làm giàu cho những người khác hơn là cho chính họ. Họ đã can thiệp về kinh tế, chính trị, ngoại giao và quân sự ở mọi ngóc ngách của thế giới. Và cho dù họ có ý thức về điều đó hay không, họ đã tạo ra một trật tự thế giới tự do, một môi trường quốc tế tương đối hòa bình, mà từ đó có thể tạo ra sự bùng nổ thịnh vượng cho toàn cầu và sự lan rộng của các chính phủ dân chủ chưa từng có trong lịch sử.

Đó là mục đích có ý thức của Roosevelt trong Thế chiến thứ hai và của những người kế nhiệm ông trong chính quyền Truman. Họ tin rằng một trật tự thế giới dựa trên các nguyên tắc kinh tế và chính trị tự do là liều thuốc giải độc duy nhất cho tình trạng hỗn loạn ở những năm 1930. Dean Acheson, ngoại trưởng của Tổng thống Harry Truman, lập luận, để một trật tự như vậy tồn tại, Hoa Kỳ không thể “ngồi trong phòng khách chờ đợi, với một khẩu súng ngắn”. Nó phải ở bên ngoài với thế giới và tích cực định hình nó, ngăn chặn một số cường quốc và củng cố những cường quốc khác. Nó phải tạo ra "tình huống sức mạnh" tại các điểm mấu chốt, truyền bá sự ổn định, thịnh vượng và dân chủ, đặc biệt là ở Châu Âu và Châu Á, là các khu vực công nghiệp cốt lõi của thế giới. Acheson nói, Hoa Kỳ phải là “đầu tàu dẫn đầu nhân loại”, kéo cả thế giới theo cùng.

NƯỚC MỸ TRÔI GIẠT.

Tuy nhiên, ngay cả khi họ tạo ra trật tự này, rất ít người Mỹ từng hiểu trật tự thế giới là mục tiêu. Đối với hầu hết, chính mối đe dọa của chủ nghĩa cộng sản đã biện minh cho những nỗ lực phi thường này, đã biện minh cho việc thành lập NATO và bảo vệ Nhật Bản, Hàn Quốc, và cuối cùng là Việt Nam. Việc chống lại chủ nghĩa cộng sản đồng nghĩa với lợi ích quốc gia, vì chủ nghĩa cộng sản được coi là mối đe dọa đối với đời sống của người Mỹ. Khi người Mỹ ngần ngại không ủng hộ Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1947, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Arthur Vandenberg đã nói với các quan chức chính quyền Truman rằng hãy “hãy xua đuổi đồ chết tiệt đó ra khỏi người dân Mỹ,” và Acheson đã nhìn thấy hậu quả của việc làm này, như ông thừa nhận trong hồi ký của mình, “rõ ràng hơn cả sự thật.” Với chủ nghĩa cộng sản là kẻ thù duy nhất, mọi thứ đều quan trọng. Mọi hành động đều là một hành động tự vệ.

Do đó, khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, sự khác biệt giữa vai trò thực tế của người Mỹ và sự tự nhận thức của người Mỹ trở nên không thể chấp nhận được. Không có mối đe dọa toàn cầu của chủ nghĩa cộng sản, người Mỹ tự hỏi mục đích của chính sách đối ngoại của họ là gì. Có ích lợi gì khi có một hệ thống an ninh rộng khắp toàn cầu, một hải quân bá chủ, các liên minh xa xôi với hàng chục quốc gia và một chế độ thương mại tự do tầm quốc tế?

Cuộc nổi loạn bắt đầu ngay lập tức. Khi nhà độc tài Iraq, Saddam Hussein xâm lược Kuwait vào năm 1990, Tổng thống George HW Bush ban đầu đưa ra tình huống đuổi ông ta ra khỏi Kuwait vì nền tảng trật tự thế giới. “Một thế giới mà sự tàn bạo và vô luật pháp được phép không bị kiểm soát thì không phải là thế giới mà chúng ta muốn sống”, Bush nói trong một bài phát biểu trên truyền hình từ Phòng Bầu dục, trích lời vị tướng chỉ huy thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đang chiến đấu với lực lượng của Saddam. Nhưng khi những người theo chủ nghĩa hiện thực và những người bảo thủ chỉ trích tầm nhìn của Bush về một “trật tự thế giới mới” là quá tham vọng và duy tâm, chính quyền bị rơi vào loại lý do lục địa hẹp hòi qua đó người Mỹ có thể được cho là chỉ hiểu rõ hơn với - “jobs, jobs, jobs, việc làm, việc làm, việc làm,”, đó là cách mà Bộ trưởng Ngoại giao James Baker giải thích về Chiến tranh Vùng Vịnh. Khi Tổng thống Bill Clinton can thiệp hai lần vào vùng Balkan và sau đó mở rộng NATO, đó là để bảo vệ trật tự thế giới, vừa để ngăn chặn sự thanh trừng sắc tộc ở châu Âu vừa để chứng minh cam kết liên tục của Hoa Kỳ đối với điều mà Bush gọi là “một châu Âu toàn thể và tự do.” Clinton cũng vậy, bị tấn công bởi những người theo chủ nghĩa hiện thực - vì đã tham gia vào “công tác xã hội quốc tế”.

Rồi đến Tổng thống George W. Bush. Cuộc chiến thứ hai với Iraq cũng chủ yếu nhằm mục đích duy trì trật tự thế giới — để giải thoát Trung Đông và Vịnh Ba Tư khỏi một kẻ xâm lược kế thừa, kẻ tự cho mình là Saladin mới ( Hồi Vương mới của Ai Cập và Syria ). Nhưng vụ tấn công 11/9 đã khiến các mục tiêu trật tự thế giới một lần nữa trở nên bối rối với việc phòng thủ cho lục địa, ngay cả đối với những người ủng hộ chiến tranh. Khi thông tin tình báo về các chương trình vũ khí của Saddam bị nhầm lẫn, nhiều người Mỹ cảm thấy rằng họ đã bị lừa dối về mối đe dọa trực tiếp mà Iraq đặt ra cho Hoa Kỳ. Tổng thống Barack Obama lên nắm quyền, một phần do sự tức giận vì vỡ mộng và điều này vẫn định hình thái độ của người Mỹ ngày nay. Trớ trêu thay, khi nhận giải Nobel Hòa bình, Obama nhận thấy rằng sự sẵn lòng của người Mỹ trong việc “bảo đảm an ninh toàn cầu” đã mang lại sự ổn định cho thế giới sau chiến tranh và điều này nằm trong “tư lợi một cách minh bạch” của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nó nhanh chóng trở thành điều rõ ràng là người Mỹ quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng quốc gia ở quê nhà. Cuối cùng, chủ nghĩa hiện thực của Obama, giống như của Taft, bao gồm việc chấp nhận “thế giới như nó vốn có”, chứ không phải như những người ủng hộ trật tự thế giới có thể mong muốn.

Những người biểu tình phản đối Chiến tranh Iraq ở Washington, DC, tháng 9 năm 2007…/ Jim Young / Reuters

Năm 1990, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, Jeane Kirkpatrick lập luận rằng Hoa Kỳ nên trở lại là một quốc gia “bình thường” với các lợi ích bình thường, từ bỏ “những lợi ích không rõ ràng của vị thế siêu cường”, chấm dứt “sự tập trung bất thường” vào chính sách đối ngoại. và theo đuổi lợi ích quốc gia của mình như "được quan niệm một cách thông thường." Điều đó có nghĩa là bảo vệ công dân, lãnh thổ, sự giàu có và khả năng tiếp cận những hàng hóa “cần thiết”. Nó không có nghĩa là duy trì sự cân bằng quyền lực ở châu Âu hay châu Á, không có nghĩa là thúc đẩy dân chủ, hoặc chịu trách nhiệm về những vấn đề trên thế giới mà không trực tiếp chạm đến người Mỹ. Đây là cách nhìn lục địa mà vẫn còn ngự trị cho đến ngày nay. Nó không phủ nhận rằng Hoa Kỳ có lợi ích, nhưng nó cho rằng chúng chỉ đơn thuần là những lợi ích mà tất cả các quốc gia đều có.

Vấn đề là Hoa Kỳ không từng là một quốc gia bình thường trong hơn một thế kỷ, cũng như không có những lợi ích bình thường. Sức mạnh độc nhất vô nhị của nó mang lại cho nó một vai trò độc đáo. Người Bangladesh và người Bolivia cũng quan tâm đến sự ổn định toàn cầu, và họ có thể bị ảnh hưởng nếu một nước Đức khác thống trị châu Âu hoặc nếu một Nhật Bản khác thống trị châu Á. Nhưng không ai cho rằng việc ngăn chặn điều đó xảy ra là vì lợi ích quốc gia của họ, bởi vì họ không đủ năng lực để làm điều đó, giống như Hoa Kỳ thiếu năng lực vào năm 1798, khi Mỹ bị đe dọa nhiều nhất bởi viễn cảnh một bá chủ ở châu Âu. Trật tự thế giới trở thành mối quan tâm của Hoa Kỳ khi trật tự thế giới cũ sụp đổ vào đầu thế kỷ XX và quốc gia này trở thành cường quốc duy nhất có khả năng thành lập một trật tự mới, trong đó các lợi ích của Mỹ có thể được bảo vệ.

Đó vẫn là tình huống cho ngày nay, và thậm chí còn hơn cả thời của Kirkpatrick, khi mà chủ nghĩa lục địa bắc Mỹ vẫn là quan điểm thống trị. Nó thấm nhuần vào ngôn ngữ mà người Mỹ sử dụng để nói về chính sách đối ngoại và các mô hình lý thuyết, mà qua đó họ hiểu các khái niệm như lợi ích và an ninh quốc gia. Nó cũng vẫn bị tràn ngập với chủ nghĩa đạo đức. Những lời kêu gọi "kiềm chế" vẫn nhắc đến sự khôn ngoan của những người sáng lập nước Mỹ, và tuyên bố những hành vi ngạo mạn, chủ nghĩa thiên sứ và chủ nghĩa đế quốc là sự phản bội với những người sáng lập. Nhiều người theo chủ nghĩa quốc tế vẫn tin rằng điều mà họ coi là việc thực thi quyền lực của Mỹ một cách phi lý là trở ngại lớn nhất cho một thế giới tốt đẹp hơn và công bằng hơn. Kết quả hỗn hợp của các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq không chỉ đơn thuần là những sai sót trong phán quyết và thi hành mà còn là những vết đen trong tâm hồn người Mỹ.

Người Mỹ vẫn khao khát được tự do nhận lại một quá khứ hồn nhiên và đơn giản hơn. Ở một mức độ nào đó có lẽ họ không nhận ra rằng, họ đang khao khát có ít sức mạnh hơn. Những người theo chủ nghĩa hiện thực từ lâu đã hiểu rằng chừng nào nước Mỹ còn hùng mạnh như vậy, thì khó có thể tránh khỏi điều mà các nhà khoa học chính trị Robert Tucker và David Hendrickson từng gọi là "Sự cám dỗ của đế quốc." Đó là lý do tại sao những người theo chủ nghĩa hiện thực luôn nhấn mạnh rằng sức mạnh của Mỹ đang suy giảm hoặc đơn giản là không đáp ứng được nhiệm vụ. Người viết chuyên mục Walter Lippmann và nhà ngoại giao George Kennan đã đưa ra lập luận đó vào cuối những năm 1940, cũng như Kissinger vào cuối những năm 1960 và nhà sử học Paul Kennedy vào những năm 1980, và nhiều nhà hiện thực vẫn đưa ra luận điểm đó cho đến ngày nay. Những người theo chủ nghĩa hiện thực coi mọi cuộc chiến bất thành, từ Việt Nam đến Iraq, giống như cuộc viễn chinh của người Sicilia, là hành động điên rồ mà cuối cùng dẫn đến thất bại của Athens trong cuộc chiến chống lại Sparta vào thế kỷ thứ năm trước Công nguyên. Cả một thế hệ người Mỹ vừa lớn lên đều tin rằng việc không có những chiến thắng rõ ràng ở Afghanistan và Iraq chứng tỏ rằng đất nước của họ không còn có thể hoàn thành bất cứ điều gì bằng sức mạnh. Sự trỗi dậy của Trung Quốc, sự suy giảm thị phần của Hoa Kỳ trong nền kinh tế toàn cầu, sự tiến bộ của các công nghệ quân sự mới, và nói chung là sự lan tỏa sức mạnh trên toàn thế giới - một lần nữa, tất cả đều báo hiệu cho thời kỳ thoái trào của trật tự do Mỹ lãnh đạo.

Tuy nhiên, nếu Hoa Kỳ yếu kém như nhiều người tuyên bố, nó sẽ không phải thực hành kiềm chế. Chính vì đất nước vẫn có khả năng theo đuổi chiến lược trật tự thế giới thì các nhà phê bình cần giải thích tại sao không nên làm như vậy. Thực tế là cấu hình cơ bản của quyền lực quốc tế không thay đổi nhiều như nhiều người tưởng tượng. Trái đất vẫn hình tròn; Hoa Kỳ vẫn nằm trên lục địa rộng lớn, một lục địa biệt lập, được bao quanh bởi các đại dương và các cường quốc yếu hơn; các cường quốc khác vẫn sống trong khu vực đông đúc với các cường quốc khác; và khi một thế lực ở những khu vực đó phát triển quá mạnh để những thế lực khác cần phải cân bằng chống lại, các nạn nhân sẽ vẫn hướng về nước Mỹ xa xôi để được giúp đỡ.

Mặc dù Nga sở hữu một kho vũ khí hạt nhân khổng lồ, nhưng ngày nay nó thậm chí còn là “Liên bang Nga kém phát triển kinh tế, lạc hậu và kém cỏi” ( nguyên văn là câu chế nhạo "người thượng Volta có hỏa tiễn"…"Upper Volta with rockets"….THS ) so với khi nó được tạo ra một cách mỉa mai vào đầu Chiến tranh Lạnh. Liên Xô ít nhất đã kiểm soát một nửa châu Âu. Trung Quốc đã thế chỗ Nhật Bản, mạnh hơn trên các tiêu chuẩn về của cải và dân số, nhưng với khả năng quân sự chưa được chứng minh và vị trí chiến lược kém thuận lợi hơn nhiều. Khi đế quốc Nhật Bản bành trướng vào những năm 1930, nước này không phải đối mặt với các đối thủ cạnh tranh đáng gờm trong khu vực, và các cường quốc phương Tây đang bận tâm đến mối đe dọa từ Đức. Ngày nay, châu Á tập trung đông đảo các cường quốc khác, trong đó có ba cường quốc có quân đội nằm trong số 10 cường quốc hàng đầu thế giới - Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc - tất cả đều là đồng minh hoặc đối tác của Hoa Kỳ. Bắc Kinh có nên tin vào sự yếu kém của Washington, sử dụng sức mạnh ngày càng tăng của mình để cố gắng thay đổi tình hình chiến lược ở Đông Á ! nước này có thể phải đương đầu không chỉ với Hoa Kỳ mà còn với một liên minh toàn cầu gồm các quốc gia công nghiệp tiên tiến, nhiều như Liên Xô đã được chứng kiến.

Những năm của Trump là một bài kiểm tra căng thẳng cho trật tự thế giới của Mỹ, và trật tự này, đáng kể, đã vượt qua. Đối mặt với cơn ác mộng về một siêu cường bất hảo xé bỏ các hiệp ước thương mại và các thỏa thuận khác, các đồng minh của Mỹ đã phải nhân nhượng và tán tỉnh, mang các tặng phẩm dâng lên ngọn núi lửa giận dữ và hy vọng chờ đợi những thời điểm tốt hơn. Kẻ thù cũng có những bước đi cẩn thận. Khi Trump ra lệnh giết chết chỉ huy Iran Qasem Soleimani, có thể là hợp lý khi nói rằng nước Mỹ ở trong tình huống chờ đợi Iran trả đũa, và nó có thể vẫn xảy ra, nhưng không phải với Trump trên cương vị tổng thống. Người Trung Quốc đã phải gánh chịu một cuộc chiến tranh thuế quan kéo dài gây tổn hại cho họ nhiều hơn so với tổn hại của Hoa Kỳ, nhưng họ cố gắng tránh một sự đổ vỡ hoàn toàn mối quan hệ kinh tế mà họ phụ thuộc vào. Obama lo lắng rằng việc cung cấp vũ khí tấn công cho Ukraine có thể dẫn đến chiến tranh với Nga, nhưng khi chính quyền Trump tiến hành việc giao vũ khí, Moscow đã ngầm đồng ý với một chút xì xào. Nhiều chính sách của Trump rất thất thường và khó hiểu, nhưng chúng đã cho thấy Hoa Kỳ có bao nhiêu quyền lực dư thừa, chưa được sử dụng, nếu một tổng thống chọn triển khai nó. Trong những năm Obama, các quan chức đã đắn đo tới 50 lần trước khi quyết định không cắt giảm vị thế của Hoa kỳ trên toàn cầu, bởi từng lo sợ rằng các cường quốc khác sẽ leo thang đối đầu. Trong những năm Trump, các quốc gia khác lo lắng về nơi mà có thể dẫn đến một cuộc đối đầu với Hoa Kỳ .

SỨC MẠNH LỚN, TRÁCH NHIỆM TUYỆT VỜI.

Hoa Kỳ đang “chơi một cách lười biếng với một phần nhỏ sức mạnh vô biên của mình” - nhà sử học người Anh, Arnold Toynbee đã nhận xét có phần rầu rĩ như vậy vào đầu những năm 1930. Vào thời điểm đó, chi tiêu quốc phòng của Hoa Kỳ là từ hai đến ba phần trăm GDP. Hôm nay, nó là hơn ba phần trăm một chút. Vào những năm 1950, dưới thời chính quyền Eisenhower - thường được coi là thời kỳ kiềm chế đáng ngưỡng mộ trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ - Hoa Kỳ có gần một triệu quân được triển khai ở nước ngoài, trong tổng số 170 triệu dân của Hoa Kỳ. Ngày nay, trong thời đại mà Hoa Kỳ được cho là phát triển quá mức một cách nguy hiểm, có khoảng 200.000 lính Mỹ được triển khai ở nước ngoài, trên tổng dân số 330 triệu người. Đặt sang một bên liệu điều này có tạo nên “việc chơi lười biếng với một phần nhỏ” sức mạnh của Mỹ hay không, điều quan trọng là phải nhận ra rằng Hoa Kỳ hiện đang ở trong chế độ hòa bình. Nếu người Mỹ chuyển sang lập trường chiến tranh, hoặc thậm chí là kiểu Chiến tranh Lạnh, để đáp trả một số hành động của Trung Quốc — ví dụ, một cuộc tấn công vào Đài Loan — Hoa Kỳ sẽ giống như một sinh vật rất khác.

Vào đỉnh điểm của cuối Chiến tranh Lạnh, dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, Hoa Kỳ đã chi tới 6% GDP cho quốc phòng, và ngành công nghiệp vũ khí của Mỹ đã sản xuất vũ khí với số lượng và chất lượng đến mức Liên Xô không thể theo kịp. Người Trung Quốc có thể thấy mình trong tình trạng khó khăn tương tự. Họ có thể “hoạt động rầm rộ trong sáu tháng hoặc một năm đầu tiên”, như Đô đốc Isoroku Yamamoto, chỉ huy hạm đội Nhật Bản trong Thế chiến II, đã dự đoán về lực lượng của chính ông ta. Nhưng về lâu dài, như ông cũng đã cảnh báo, trước một nước Mỹ và các đồng minh của Mỹ bị khiêu khích, Trung quốc cũng có thể sẽ gặp số phận tương tự như các đối thủ khác của Mỹ.

Câu hỏi đặt ra không phải là liệu Hoa Kỳ vẫn có khả năng thắng thế hay không trong một cuộc đối đầu toàn cầu, dù nóng hay lạnh, với Trung Quốc hay bất kỳ cường quốc xét lại nào khác. Nó là. Câu hỏi thực sự là liệu có thể tránh được những loại thù địch tồi tệ nhất hay không, liệu Trung Quốc và các cường quốc khác có thể được khuyến khích theo đuổi các mục tiêu của họ một cách hòa bình hay không, nhằm hạn chế sự cạnh tranh toàn cầu trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và do đó giải thoát cho chính họ và thế giới khỏi sự khủng khiếp của một cuộc đại chiến tiếp theo, hay thậm chí là những cuộc đối đầu đáng sợ của một cuộc chiến tranh lạnh khác.

Hoa Kỳ không thể tránh những cuộc khủng hoảng như vậy bằng cách tiếp tục tuân theo quan điểm của thế kỷ XIX về lợi ích quốc gia của mình. Làm điều đó sẽ tạo ra những gì mà nó đã tạo ra trong quá khứ: giai đoạn thờ ơ và xây thành đắp lũy, sau đó là hoảng loạn, sợ hãi và động viên đột ngột. Hiện tại, người Mỹ đang bị giằng xé giữa hai xung lực này. Một mặt, Trung Quốc hiện đang chiếm giữ vị trí trong tâm trí người Mỹ mà Đức và Liên Xô đã từng nắm giữ : một đối thủ ý thức hệ có khả năng tấn công trực tiếp vào xã hội Mỹ và có quyền lực cũng như tham vọng đe dọa vị thế của Hoa Kỳ trong một khu vực quan trọng và có lẽ cũng ở mọi nơi khác. Mặt khác, nhiều người Mỹ tin rằng Hoa Kỳ đang suy tàn và Trung Quốc chắc chắn sẽ thống trị châu Á. Thật vậy, sự tự nhận thức của người Mỹ và người Trung Quốc là hoàn toàn đối xứng nhau. Người Trung Quốc nghĩ rằng vai trò của Hoa Kỳ ở khu vực của họ trong 75 năm qua là không tự nhiên, và do đó chỉ là thoáng qua, và người Mỹ cũng vậy. Người Trung Quốc tin rằng Hoa Kỳ đang suy tàn, và nhiều người Mỹ cũng vậy. Điều nguy hiểm là khi Bắc Kinh tăng cường các nỗ lực để thực hiện những gì mà họ gọi là “giấc mơ Trung Quốc”, người Mỹ sẽ bắt đầu hoảng sợ. Chính trong những lúc như thế này, những tính toán sai lầm đã được thực hiện.

Có lẽ những sinh viên khoa lịch sử của Trung Quốc với sự cẩn thận sẽ không mắc sai lầm mà những người khác đã mắc phải khi đã đánh giá sai về Hoa Kỳ. Tuy nhiên, liệu người Mỹ có học được những bài học lịch sử của chính họ hay không, vẫn còn phải xem. Một mô hình do dự kéo dài hàng thế kỷ sẽ khó thay đổi. Sẽ đặc biệt như vậy khi các chuyên gia về chính sách đối ngoại thuộc mọi hạng đều coi việc ủng hộ một trật tự thế giới tự do là điều không thể và trái đạo đức. Trong số các vấn đề khác, việc họ chọn lựa chính sách đối ngoại khả dĩ thay thế trật tự do Hoa Kỳ lãnh đạo, họ đã bị lạc quan một cách không có cơ sở. Những người theo chủ nghĩa hiện thực, những người theo chủ nghĩa quốc tế tự do, những người theo chủ nghĩa dân tộc bảo thủ và những người theo chủ nghĩa tiến bộ, dường như đều tưởng tượng rằng nếu không có Washington thực hiện vai trò mà Mỹ đã đóng trong 75 năm qua, thế giới vẫn sẽ ổn và lợi ích của Hoa Kỳ cũng sẽ được bảo vệ tốt. Nhưng lịch sử gần đây và hoàn cảnh hiện tại đều không biện minh được cho chủ nghĩa duy tâm như vậy. Sự thay thế cho trật tự thế giới của Mỹ không phải là một loại trật tự thế giới của Thụy Điển. Đó sẽ không phải là một thế giới của luật pháp và các định chế quốc tế hay sự chiến thắng của những lý tưởng Khai sáng, hay sự kết thúc của lịch sử. Đó sẽ là một thế giới của những khoảng trống quyền lực, hỗn loạn, xung đột và tính toán sai lầm - một nơi tồi tàn thực sự.

Sự thật lộn xộn là trong thế giới thực, hy vọng duy nhất để duy trì chủ nghĩa tự do trong và ngoài nước, là duy trì một trật tự thế giới có lợi cho chủ nghĩa tự do, và cường quốc duy nhất có khả năng duy trì trật tự đó, là Hoa Kỳ. Đây không phải là biểu hiện của sự kiêu ngạo mà là một thực tế bắt nguồn từ hoàn cảnh quốc tế. Và đó chắc chắn là một sự may mắn lẫn lộn. Khi cố gắng duy trì trật tự này, Hoa Kỳ đã và sẽ sử dụng sức mạnh, đôi khi một cách thiếu thận trọng và không hiệu quả, với những cái giá phải trả không thể đoán trước và những hậu quả không rõ ràng về mặt đạo đức. Đó là ý nghĩa của việc sử dụng sức mạnh. Người Mỹ vốn dĩ tìm cách thoát khỏi gánh nặng này. Họ đã tìm cách thoái thác trách nhiệm, đôi khi ẩn sau chủ nghĩa quốc tế mơ mộng, đôi khi ở đằng sau một sự cam chịu nhất định để chấp nhận thế giới "như nó vốn có", và luôn luôn với quan điểm rằng không có mối nguy hiểm rõ ràng và hiện thực, họ có thể ẩn náu trong pháo đài tưởng tượng của họ.

Đã đến lúc để nói với người Mỹ rằng họ không thể trốn tránh trách nhiệm toàn cầu, rằng họ phải nghĩ xa hơn việc bảo vệ quê hương. Họ cần hiểu rằng mục đích của NATO và các liên minh khác là bảo vệ không phải trước các mối đe dọa trực tiếp đối với lợi ích của Mỹ, mà còn là chống lại sự phá vỡ trật tự vốn phục vụ tốt nhất cho các lợi ích của Mỹ. Họ cần được nói một cách trung thực rằng nhiệm vụ duy trì một trật tự thế giới là không có hồi kết và đầy tốn kém, nhưng vẫn tốt hơn là thay thế nó. Việc không hòa thuận với người dân Mỹ đã khiến đất nước này rơi vào tình trạng khó khăn như hiện nay, với một công chúng bối rối và tức giận tin rằng, các nhà lãnh đạo của họ đang phản bội lợi ích của Mỹ vì những mục đích "toàn cầu hóa" bất chính của họ. Thuốc giải độc cho điều này không phải là làm cho họ sợ hãi về Trung Quốc và các mối đe dọa khác, mà là cố gắng giải thích, một lần nữa, tại sao trật tự thế giới mà người Mỹ tạo ra vẫn quan trọng. Đây là công việc dành cho Joe Biden và chính quyền mới của ông ấy.


_ ROBERT KAGAN là Stephen và Barbara Friedman , thành viên cao cấp tại Viện Brookings, và là tác giả của "The Jungle Grows Back: America and Our Imperiled World."


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.