NATO cần đối phó trực diện với Trung Quốc.

Liên minh phương Tây không chuẩn bị để chống lại thách thức trực tiếp và ngày càng tăng từ Bắc Kinh.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong cuộc họp báo tại dinh tổng thống Afghanistan ở Kabul ngày 29 tháng 2 năm 2020. WAKIL KOHSAR/AFP QUA GETTY IMAGES

THOMAS DE MAIZIÈRE, A. WESS MITCHELL | NGÀY 23 THÁNG 2 NĂM 2021, Theo Foreign Policy

Trần H Sa lược dịch.

Khi các nhà lãnh đạo của 30 quốc gia NATO gặp nhau vào mùa xuân này tại Brussels, đó sẽ không phải là hội nghị thượng đỉnh bình thường. Tổng thư ký của liên minh, Jens Stoltenberg, đã đưa tương lai của NATO vào chương trình nghị sự. Đây cũng sẽ là hội nghị thượng đỉnh quốc tế quan trọng đầu tiên dành cho Tổng thống Mỹ Joe Biden, người đã nói rằng việc củng cố liên minh sẽ là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của ông. Các quyết định đạt được tại cuộc họp này sẽ quyết định kế hoạch và ưu tiên của NATO trong một thời gian dài sắp tới.

Do đó, điều quan trọng là hội nghị thượng đỉnh sẽ trực tiếp đề cập đến một chủ đề có ý nghĩa địa chính trị to lớn nhất trong thập kỷ tới : Trung Quốc. Được Washington và các thủ đô của các đồng minh khác khuyến khích, Stoltenberg đã nhẹ nhàng thuyết phục liên minh đối phó toàn diện hơn với thách thức này. Vấn đề là một số đồng minh không coi Trung Quốc là việc phải làm của NATO, trong khi những đồng minh khác sợ rằng việc đưa nó vào chương trình nghị sự của liên minh sẽ gây mối thù địch với một đối tác thương mại mạnh mẽ.

Cả hai sự lo ngại đều bị đặt sai chỗ. Chỉ vì Trung Quốc là một thế lực châu Á thì không có nghĩa là các hoạt động của họ nằm ngoài phạm vi của liên minh phương Tây. Đúng là Điều 5 của NATO bảo đảm hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp tấn công quân sự chỉ áp dụng cho khu vực Châu Âu-Đại Tây Dương ở phía bắc Chí tuyến bắc. Nhưng Trung Quốc đã hoạt động một cách đầy đủ trong khu vực địa lý này theo những cách gây ảnh hưởng sâu sắc đến an ninh của các đồng minh. Sự kiểm soát ngày càng tăng của Trung Quốc đối với một phần cơ sở hạ tầng quan trọng của châu Âu - từ mạng viễn thông đến các cơ sở hải cảng - đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự sẵn sàng, khả năng tương tác và liên lạc an toàn của NATO.

Sự hiện diện của Trung Quốc không chỉ là thương mại. Thông qua chiến lược hợp nhất quân sự-dân sự của nó - nhằm mục đích khai thác công nghệ một cách có hệ thống cho các mục tiêu quân sự - Bắc Kinh đang trích xuất công nghệ và tài năng của khu vực tư nhân từ các quốc gia thành viên NATO để cho Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sử dụng. Tàu quân sự và máy bay Trung Quốc đang ngày càng hoạt động ở phía đông Địa Trung Hải, phía bắc Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương. Đồng thời, Trung Quốc đang tiến hành các chiến dịch thông tin hung hăng và ngày càng tinh vi để ảnh hưởng đến quần chúng và các nhà hoạch định ý kiến của các thành viên NATO - và chia rẽ liên minh từ bên trong.

Nếu bất cứ ai nghĩ rằng bỏ qua những điều này và các khía cạnh an ninh rõ ràng khác từ những hoạt động của Trung Quốc sẽ làm cho xã hội của họ an toàn hơn hoặc giàu có hơn, họ đã nhầm. Khi hành vi của Trung Quốc hướng đến một danh sách ngày càng tăng các quốc gia ở châu Âu và các nơi khác cho thấy, chiến lược ưa thích của Bắc Kinh cho việc mở rộng ảnh hưởng toàn cầu là, mang sức mạnh và sự giàu có to lớn của nó để chống lại các quốc gia nhỏ hơn, bị cô lập.Từ quan điểm của Bắc Kinh, sự bất đối xứng về sức mạnh càng lớn, càng tốt. Do đó, càng nhiều nước phương Tây có thể cùng nhau thúc đẩy lợi ích của họ, họ sẽ càng được trang bị tốt hơn để bù đắp sự bất đối xứng đó.

Phạm vi để NATO làm nhiều hơn đối với Trung Quốc là đáng kể - và hiện đang chậm phát triển. Cho dù Trung Quốc xuất hiện càng ngày càng nhiều hơn trong các quy trình nội bộ của NATO và công việc của ủy ban, vì vậy có thể ngạc nhiên khi hiện tại NATO không có chiến lược đối với Trung Quốc, không có nhóm làm việc thường xuyên hoặc cơ quan nào khác trong liên minh tập trung vào Trung Quốc, và không có cơ chế nào được chỉ định để bảo vệ các đồng minh chống lại chương trình hợp nhất quân sự-dân sự của Bắc Kinh hoặc các thách thức khác của Trung Quốc đối với an ninh của NATO.

Chính vì lý do này mà một cơ quan chuyên gia, được Stoltenberg ủy quyền tiến hành một đánh giá chiến lược cho liên minh, đã đặt Trung Quốc lên hàng đầu trong các khuyến nghị của họ. Trong báo cáo cuối cùng cho NATO vào cuối năm ngoái, nhóm (mà chúng tôi đồng chủ trì) đã viết: "NATO phải cống hiến nhiều thời gian hơn, nhiều nguồn lực chính trị hơn và hành động hơn nữa trước những thách thức an ninh do Trung Quốc đặt ra — dựa trên đánh giá về năng lực quốc gia, sức nặng kinh tế và các mục tiêu ý thức hệ đã nêu của các nhà lãnh đạo."

Để nghiêm túc về Trung Quốc và thích nghi với nhiều thay đổi địa chính trị mà đã xảy ra trong thập kỷ qua, NATO cần khẩn trương cập nhật Khái niệm Chiến lược năm 2010 của nó. Phiên bản hiện tại của tài liệu đó, phác thảo các mục tiêu và ưu tiên của liên minh, phản ảnh một thế giới trước sự ra đời của cạnh tranh cường quốc. Nó thậm chí không đề cập đến Trung Quốc. Ưu tiên của nó là những ưu tiên của một liên minh mà có thể giả định một cách an toàn rằng, nó không có đối thủ cạnh tranh ngang hàng - và tập trung vào các hoạt động bên ngoài khu vực dựa trên cơ sở đó. Mặc dù NATO đã làm rất nhiều để cập nhật bản thân kể từ khi tài liệu đó được viết - đặc biệt, bằng cách tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ chống lại Nga sau cuộc tấn công năm 2014 vào Ukraine - nó vẫn thiếu một kế hoạch chi tiết toàn diện, qua đó phản ánh thực tế địa chính trị.

Song song với việc cập nhật khái niệm chiến lược của mình, NATO cũng cần thực hiện các bước thực tế để giải quyết thách thức của Trung Quốc. Báo cáo của chúng tôi khuyến nghị thành lập một cơ quan tư vấn giống hệt cơ quan trong "Ủy ban điều phối kiểm soát xuất khẩu đa phương", từng có trách nhiệm giám sát các hạn chế chuyển giao công nghệ cho Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh - và bao gồm Hội đồng châu Âu khi thích hợp. Điều này cuối cùng sẽ tạo ra một cơ sở mang tính thể chế, tận tâm để các đồng minh thảo luận về Trung Quốc và điều phối các chính sách.

Có lẽ quan trọng nhất, NATO cần một chiến lược toàn diện đối với Trung Quốc, trong đó vẻ ra cách thức liên minh sẽ hoạt động, ví dụ như giám sát và bảo vệ chống lại các hoạt động của Trung Quốc gây tác động tiêu cực đến sự sẵn sàng và khả năng phục hồi của NATO ở khu vực Châu Âu-Đại Tây Dương. Điều này cũng cần xác định các lỗ hổng của các lĩnh vực chủ chốt và chuỗi cung ứng, bao gồm các điều khoản để duy trì sự gắn kết của NATO chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường.

NATO cũng có vai trò trong việc bảo đảm các thành viên của mình giữ được vị trí dẫn đầu trong các công nghệ cần thiết mới nổi vào những năm tới, nhằm duy trì những lợi thế quân sự quan trọng và bảo vệ quyền riêng tư cho công dân của họ. Điều này nên bao gồm các cơ chế tốt hơn để giải quyết việc khó tiếp cận với các quy định dữ liệu của Liên minh Châu Âu khi an ninh bị đe dọa. Liên minh cũng nên thiết lập phiên bản riêng như của Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến Quốc phòng Hoa Kỳ để thúc đẩy và tài trợ cho nghiên cứu và phát triển, liên quan đến quốc phòng giữa các thành viên.

Cuối cùng, NATO có thể làm nhiều hơn nữa để tăng cường quan hệ đối tác ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Điều này có thể được thực hiện bằng cách hợp tác sâu sắc theo định dạng NATO+4 hiện có— trong đó liên minh tham gia với Úc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc— hoặc thông qua sự tham gia của NATO với Đối thoại An ninh Bộ Tứ, tức nhóm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Điều này nên bao gồm đối thoại thường xuyên, chia sẻ thông tin và hợp tác công nghệ. Ngoài các định dạng này, NATO nên mở rộng một đề nghị hợp tác chính thức trực tiếp với Ấn Độ.

Phải chăng sẽ không thực tế khi nghĩ rằng NATO sẽ hành động trước thách thức Của Trung Quốc? Chúng tôi không nghĩ vậy. Một số nhà quan sát cho rằng Hoa Kỳ và Châu Âu đang trên những con đường bất đồng khi nói đến Trung Quốc, nhưng hai bên bờ Đại Tây Dương có nhiều điểm chung với nhau một cách cơ bản về lợi ích an ninh quốc gia và các giá trị dân chủ, hơn là với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Có lẽ đó là lý do tại sao đại đa số trong 30 chính phủ thành viên NATO đã tổ chức tham vấn với nhóm của chúng tôi khi đặt ra những thách thức an ninh phát sinh từ Trung Quốc ở hàng đầu hoặc gần đầu danh sách các mối quan tâm của họ.

Để giải quyết thách thức từ Trung Quốc, NATO phải có một lý do thuyết phục, một nhiệm vụ cho tổ chức, và rất nhiều khuyến nghị có thể hành động để làm việc cùng nhau. Dưới thời Stoltenberg, liên minh đã thực hiện những bước đầu tiên quan trọng để đối phó với thách thức này, vì vậy việc không hành động đối với Trung Quốc bây giờ sẽ là một bước lùi đáng lo ngại. Để hành động sẽ đòi hỏi sự lãnh đạo chính trị ở cấp cao nhất. Nhưng giờ giấc không còn nửa, và thời gian để hành động là bây giờ.


(Các tác giả là đồng chủ tịch của Nhóm Phản ảnh NATO 2030.)

_ Thomas de Maizière là một cựu bộ trưởng quốc phòng Đức, hiện đang là thành viên của Bundestag Đức.

_ A. Wess Mitchell là hiệu trưởng tại Sáng kiến Marathon và là cựu trợ lý ngoại trưởng châu Âu và Á-Âu dưới thời chính quyền Trump.


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.