Nhật Bản là nhà lãnh đạo mới của trật tự tự do ở châu Á.

Washington phải học cách đi theo đồng minh lâu năm của mình ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Tàu Hải quân Nhật Bản và Hoa Kỳ ở Biển Philippines, tháng 4 năm 2017…./ ZA Landers / Reuters

Chang Che…Ngày 24 tháng 2 năm 2021…Theo Foreign Affairs

Trần H Sa lược dịch.

Trong thập kỷ qua, và đặc biệt là trong bốn năm qua, Nhật Bản đã nổi lên như một nhà lãnh đạo thầm lặng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Trong khi Hoa Kỳ từ bỏ các đồng minh của mình và bị khuất phục trước chủ nghĩa dân túy hẹp hòi dưới thời Tổng thống Donald Trump, Nhật Bản vẫn là một quốc gia tích cực ũng hộ trật tự quốc tế tự do, dựa trên luật lệ. Nó làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các nước láng giềng, mở rộng các sáng kiến ​​đa phương, và thiết lập chương trình nghị sự khu vực về thương mại và quản trị kỹ thuật số, cùng các vấn đề khác. Thông qua sự kết hợp giữa đúng thời điểm, khả năng lãnh đạo sáng suốt, và sáng tạo cải cách trong nước, quốc đảo này đã chứng tỏ không chỉ là một đối tác đáng tin cậy đối với Hoa Kỳ và các đồng minh ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, mà còn là kiến ​​trúc sư của trật tự tự do đang nổi lên trong khu vực.

Trong thời đại với sự hiếu chiến của Trung Quốc, các hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên và đại dịch đang hoành hành, việc tiến lên một cách kín đáo của Nhật Bản để trở thành người lãnh đạo khu vực hầu như không được chú ý. Nhưng khi chính quyền của Tổng thống Joe Biden tìm cách sửa chữa các liên minh đã bị rạn nứt, Nhật Bản trở thành chiếc chìa khóa để khôi phục uy tín của Mỹ ở châu Á. Chỉ bằng cách củng cố quan hệ với đồng minh châu Á lâu năm là Nhật bản, và hợp tác trong các nỗ lực đa phương, Hoa Kỳ mới có thể sửa chữa danh tiếng bị tổn hại của mình ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và lấy lại chỗ đứng ở khu vực trong tương lai.

HÀNH ĐỘNG NHIỀU HƠN.

Phần lớn thời gian ở nửa sau thế kỷ XX, vai trò của Nhật Bản trong các vấn đề quốc tế bị hạn chế bởi các nghĩa vụ của hiệp ước hậu chiến. Năm 1951, Nhật Bản và Hoa Kỳ đã ký một thỏa thuận an ninh, quy định Nhật bản là một quốc gia theo chủ nghĩa hòa bình, ràng buộc với Hoa kỳ để được hỗ trợ quân sự. Kết quả là, Tokyo theo đuổi một chính sách đối ngoại phần lớn là chỉ mang tính cách bị động đối phó, mà các nhà ngoại giao Nhật Bản mô tả, trong nhiều trường hợp, là “ vô ích ”, “ ngây thơ ” và bị quấy rầy bởi “ sự thiếu vắng rõ ràng về tư duy chiến lược ”. Một số học giả Nhật Bản đã mỉa mai gọi chiến lược thời hậu chiến của Nhật Bản là “ ngoại giao karaoke ” —Tokyo chỉ đơn thuần hát theo giai điệu do Washington đặt ra.

Trong những năm 1960 và 1970, Nhật Bản bắt đầu bước lên một cách thần kỳ để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Đến chừng mực nào đó là cái kết quả, Hoa Kỳ và các cường quốc phương Tây khác bắt đầu thúc đẩy Nhật Bản đóng một vai trò lớn hơn trong an ninh khu vực. Sự sụp đổ của Liên Xô và vai trò mở rộng của Hoa Kỳ ở Trung Đông trong và sau Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất, khiến Washington càng khăng khăng rằng Nhật Bản phải gánh vác nhiều hơn gánh nặng an ninh ở châu Á. Nhà báo Richard McGregor viết trên tạp chí Asia's Reckoning : "Trong nhiều thập kỷ, thông điệp của Washington đối với Tokyo về quốc phòng là rất đơn giản. Hãy hành động nhiều hơn.'"

Trong thập kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ mới, một nhóm các chính trị gia dân tộc mới nổi, do Thủ tướng Junichiro Koizumi dẫn đầu và sau đó là Thủ tướng Shinzo Abe đã đáp ứng lời kêu gọi. Trong cái mà nhà khoa học chính trị Richard Samuels gọi là “sự thay đổi chính trị có hậu quả nhất ở Nhật Bản kể từ năm 1945”, những người theo chủ nghĩa dân tộc đã tăng cường sức mạnh, củng cố khả năng tự vệ của Nhật Bản, và củng cố cơ quan hành pháp của chính phủ với các bộ máy quan liêu từng là quyền lực của đất nước phải chịu thua thiệt .

Dần dần, dưới sự lãnh đạo của những người theo chủ nghĩa dân tộc, Nhật Bản bắt đầu đóng một vai trò chủ động hơn trên trường quốc tế. Lực lượng Tự Phòng vệ của nước này đã tham gia các hoạt động cứu trợ thiên tai quan trọng, bao gồm các hoạt động được tổ chức sau cơn bão Katrina ở Mỹ vào năm 2005, sóng thần ở Đông Nam Á cùng năm đó, và trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc ở Campuchia, Mozambique và Cao nguyên Golan. Năm 2015, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua đạo luật giải thích lại hiến pháp, cho phép quân đội nước này tham gia tự vệ tập thể theo Hiến chương Liên hiệp quốc. Abe nhận xét, cải cách đã làm cho quan hệ Mỹ-Nhật “mạnh mẽ hơn nhiều”, ông nói thêm rằng “chúng ta có thể bảo vệ lẫn nhau từ bây giờ.”

NHÀ LÃNH ĐẠO MỚI.

Những cải cách trong nước vào những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI khiến Nhật Bản có thể lãnh đạo ở châu Á, nhưng cuộc bầu cử của Trump làm cho điều đó trở nên cần thiết. Ngay sau khi nhậm chức, Trump đã rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, một hiệp định thương mại gồm 12 quốc gia do Tổng thống Barack Obama đấu tranh thành lập. Nhưng Nhật Bản đã cứu vãn thỏa thuận, thuyết phục các quốc gia còn lại tiếp tục tiến bước với một phiên bản của hiệp ước, đặt lại tên là Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ cho Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership ). CPTPP đã thiết lập các quy tắc mới về thương mại, sở hữu trí tuệ và quản lý dữ liệu mà qua đó hoàn toàn trái ngược với tầm nhìn bần tiện của Trung Quốc đối với khu vực — và dự kiến ​​sẽ tạo ra thêm 147 tỷ đô la trong thu nhập hàng năm cho các quốc gia thành viên. Biden đã chỉ ra rằng chính quyền của ông quan tâm đến việc tham gia CPTPP. Nếu làm vậy, ông ấy sẽ theo đuổi lại việc đưa Hoa Kỳ tham gia vào một hệ thống thương mại quốc tế tự do mà Nhật Bản đã trở thành chiếc mỏ neo.

Nhật Bản đã nâng tầm vị thế của mình hơn nữa bằng việc mời gọi các nước trong khu vực hỗ trợ kinh tế ở mức cạnh tranh với Trung Quốc. Từ năm 2001 đến 2011, các cơ quan phát triển của Nhật Bản đã viện trợ tổng cộng 12,7 tỷ đô la cho các quốc gia ở Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương - gấp đôi so với 5,9 tỷ đô la mà Trung Quốc đã chi cho viện trợ trong những năm đó. Và trong khi các khoản viện trợ và đầu tư của Trung Quốc tăng lên kể từ đó, Nhật Bản vẫn giữ được tốc độ : vào năm 2015, Tokyo đã thành lập Quan hệ Đối tác về Chất lượng Cơ sở hạ tầng trị giá 110 tỷ USD, các bên nhận viện trợ bao gồm Philippines ( 8,8 tỷ USD) , Ấn Độ ( 15 tỷ USD ) và Indonesia (1,2 USD tỷ), tất cả các nước này đều có tranh chấp lãnh thổ và hàng hải với Trung Quốc, và đã lo ngại về chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc. Ưu tiên tính minh bạch, bền vững môi trường và có trách nhiệm giải trình, chương trình cơ sở hạ tầng của Nhật Bản hoàn toàn trái ngược với Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường nổi tiếng không rõ ràng của Trung Quốc. Và trong khi các nỗ lực tài trợ lớn của Trung Quốc đôi khi tạo ra ý nghĩ xấu, thì Nhật Bản dường như được chuyển thành sự tin tưởng thực sự : trong một cuộc thăm dò năm 2019 do Bộ Ngoại giao Nhật Bản ủy quyền, hơn 90% người được hỏi ở mười quốc gia tạo thành Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á đã mô tả Nhật Bản là “thân thiện” và “đáng tin cậy”.

Ngoài vai trò lãnh đạo kinh tế, Nhật Bản còn đảm nhận một vai trò từng là niềm tự hào và đặc quyền của Hoa Kỳ: định hình các chuẩn mực quốc tế, đối lập với các chuẩn mực của một đối thủ cạnh tranh vô văn hóa, Trung quốc. Abe là một người tích cực quảng bá các giá trị tự do, không chỉ về thương mại mà còn về luật pháp và an ninh. Chính quyền của ông đã giúp phát triển khái niệm về một “Ấn Độ -Thái Bình Dương Tự do và Cởi Mở” (FOIP) được điều hành bởi pháp quyền, tự do hàng hải và doanh nghiệp tự do. Sau khi Nhật Bản và Hoa Kỳ đều chính thức áp dụng khái niệm này như một chiến lược vào năm 2017, một quan chức Nhật Bản ẩn danh đã viết trên tờ The American Interest rằng “phía Nhật Bản đã đóng góp ngang bằng — nếu không muốn nói là nhiều hơn — cho nội dung của nó. . . . Đối với một số người Mỹ, có thể dễ dàng bỏ qua ý nghĩa của quá trình chuyển đổi này ”. Nhưng đối với Nhật Bản, quan chức này viết, "đây là một bước đột phá quan trọng." (Nhật Bản đã đưa ra khái niệm FOIP và chính thức đưa nó làm chiến lược vào năm 2016….THS )

Năm 2019, tại hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Osaka, Abe đã có một đóng góp đáng kể khác vào các chuẩn mực quốc tế mới nổi — lần này là trong lĩnh vực quản trị kỹ thuật số. Trái ngược với tầm nhìn của Trung Quốc về “chủ quyền mạng” - một mạng Internet bị chặn lại nằm rải rác dọc theo các biên giới quốc gia - ông Abe đã đưa ra tầm nhìn về một tương lai, ở đó dữ liệu được lưu chuyển tự do và xuyên biên giới một cách an toàn. Với khái niệm “Dòng chảy dữ liệu tự do với sự tin tưởng”, Abe đã hoàn thành một điều mà chính quyền Trump không bao giờ bận tâm : áp dụng các giá trị tự do cho các biên giới mới. Vào cuối nhiệm kỳ tổng thống của Trump, người nắm lá cờ chủ nghĩa tự do ở châu Á không phải là Hoa Kỳ mà là Nhật Bản.

THEO SAU NGƯỜI LÃNH ĐẠO.

Biden đã hứa sẽ tái gia nhập các tổ chức và thỏa thuận quốc tế, tái cam kết với các đồng minh và chủ nghĩa đa phương, đồng thời đổi mới vai trò lãnh đạo của Mỹ, kể cả ở châu Á. Nhưng sau 4 năm của Trump và phản ứng thảm hại đối với đại dịch coronavirus, nhiều người ở châu Á không còn coi Hoa Kỳ là người bảo vệ trật tự tự do hay thậm chí là một đối tác đáng tin cậy. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm khẳng định lại vị thế thống trị của Mỹ trong một sớm một chiều, sẽ khiến các nước trong khu vực xa lánh hơn. Chính quyền Biden phải theo đuổi một cách tiếp cận khôn khéo hơn để khôi phục sự tín nhiệm và vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ — củng cố quan hệ với Nhật Bản và phối hợp chặt chẽ với nước này trong các sáng kiến ​​đa phương ở khu vực. Trong bốn năm qua, Nhật Bản đã xây dựng lòng tin và thiện chí với các nước châu Á. Hoa Kỳ có thể tiếp cận thiện chí đó, nhưng chỉ khi nó học cách lắng nghe và làm theo sự hướng dẫn của đồng minh lâu năm của Mỹ, thay vì cố gắng phát minh lại guồng quay.

Trước tiên, Washington phải làm việc với Tokyo để giảm bớt các khu vực xung đột. Nhanh chóng và thân thiện đổi mới thỏa thuận mà theo đó Nhật Bản lưu giữ quân đội Mỹ, sẽ gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới các nước châu Á khác, và tới Bắc Kinh, rằng có rất ít khoảng cách giữa Washington và Tokyo. Biden cũng nên tìm cách tham gia CPTPP, nâng cao khả năng của Nhật Bản và Hoa Kỳ bằng cách gia tăng ảnh hưởng, để định hình các quy tắc và tiêu chuẩn kinh tế của châu Á. Cuối cùng, chương trình Đối tác về Chất lượng Cơ sở hạ tầng của Nhật Bản là một giải pháp cạnh tranh, thay thế cho Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc, cả về mặt kinh tế lẫn ý thức hệ. Washington nên tăng cường nó, điều chỉnh công việc của tổ chức phát triển mới - Tổng công ty Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ - với Tổng công ty Tài chính Phát triển Quốc tế của Tokyo.

Trong bốn năm qua, Nhật Bản đã chèo lái con tàu chủ nghĩa quốc tế tự do bằng sự khéo léo. Thủ tướng Yoshihide Suga, người được Abe che chở, nhậm chức vào tháng 9, đã nói rõ rằng ông có ý định tiếp tục lãnh đạo theo truyền thống của người tiền nhiệm. Ông đã duy trì chính sách ngoại giao tích cực của Abe, tái khẳng định cam kết của Nhật Bản đối với hệ thống thương mại đa phương và tiếp tục thúc đẩy các chuẩn mực quốc tế về quản trị kỹ thuật số. Hoa Kỳ không quen nhận những cách xử lý thích hợp từ một quốc gia khác, nhưng bốn năm lãnh đạo không ổn định của Hoa Kỳ ở châu Á nên là một bài học về sự khiêm tốn cho Washington. Phòng hát karaoke Ấn Độ - Thái bình dương vẫn mở cửa cho người Mỹ, nhưng đã đến lúc hãy để Nhật Bản chọn bài hát.


_ CHANG CHE là một nhà văn sống ở Thượng Hải có bài viết đã xuất hiện trên The Washington Post, The Atlantic và Nikkei Asia .


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.