Dấy đao binh ở vùng đất xa xôi: NHỮNG GIẤC MƠ TAN VỠ CỦA NAM VIỆT NAM.

Trích từ Drawn Swords in a Distant Land : South Vietnam's Shattered Dreams (trang 2-9)….tác giả: George J. Veith.

Tổng thống VNCH Nguyễn văn Thiệu….hình trên Internet.

GIỚI THIỆU.

Sáng sớm ngày 2 tháng 11 năm 1963, Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu đầy nộ khí nhảy ra khỏi chiếc xe jeep của ông và lao đến chiếc thiết vận xa đậu bên ngoài Bộ Tổng Tham mưu quân đội VNCH ở gần Căn cứ Không quân Tân Sơn Nhứt. Trong mười tám giờ qua, ông lãnh đạo các lực lượng quân sự ở Sài Gòn lật đổ chính phủ của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Bên trong xe là những tử thi đã bị biến dạng của ông Diệm và em trai tổng thống, ông Ngô Đình Nhu. Ông Thiệu chỉ tham gia cuộc đảo chính sau khi được bảo đảm rằng ông Diệm và gia đình ông ấy sẽ không bị tổn hại. Bấy giờ ông Thiệu cần phải xác nhận tin tức gây sốc, để tự mình xác minh rằng những lời hứa mà đã được thực hiện với ông cùng nhóm âm mưu đảo chánh đã thực sự bị vứt bỏ.

Đại tá Thiệu ra lệnh cho tài xế mở cửa sau. Nhiều năm sau, ông kể lại rằng việc nhìn thấy thi thể của hai anh em nằm trong vũng máu khiến ông đau lòng đến thắt ruột. Ông chào họ, sau đó cởi nón sắt và thành kính cúi đầu về phía họ. Khoảnh khắc khủng khiếp này, tuy chỉ là một giọt nước nhỏ trong dòng sông rộng lớn của lịch sử Việt Nam hiện đại, nhưng đã đánh dấu sự chuyển giao mang tính biểu tượng từ Đệ nhất Cộng hòa của ông Diệm sang Đệ nhị Cộng hòa và Tổng thống Thiệu bốn năm sau đó. Trong thoáng chốc đau khổ ấy, lịch sử chính trị của miền Nam Việt Nam đã vĩnh viễn thay đổi.

Câu chuyện người Việt Nam không cộng sản đã nỗ lực xây dựng quốc gia có chủ quyền gọi là Việt Nam Cộng hòa, thường được gọi là Nam Việt Nam xảy ra như thế nào; có thể được xem như một vở kịch có bốn màn : Quốc Gia Việt Nam của Bảo Đại, nền Đệ nhất Cộng hòa của ông Diệm, bốn năm giao thời giữa hai nền cọng hòa không có tổng thống, và cuối cùng là Đệ nhị Cộng hòa của ông Thiệu. Nhà sử học Brett Reilly đã đánh giá lại những nỗ lực thường xuyên bị gò bó, của cựu hoàng Bảo Đại để tạo ra một nhà nước phi cộng sản. Các sử gia khác như Mark Moyar, Edward Miller, Geoffrey Shaw và Jessica Chapman đã khám phá chi tiết về triều đại của ông Diệm. Những gì còn lại hầu hết chưa được khám phá là thời gian bốn năm diễn ra sau vụ giết ông Diệm, cuộc bầu cử tiếp theo của ông Nguyễn Văn Thiệu, và sinh mệnh ngắn ngủi của nền Đệ nhị Cộng hòa.

Mục tiêu của tôi là đánh giá và bổ sung cho việc xác định phẩm chất sâu kín của hai thời kỳ gần nhất, vào những hiểu biết uyên bác hiện có. Những mẫu mực lớn hơn, các thay đổi và tính liên tục lớn hơn xuất hiện, khi tránh xa những câu chuyện bị che khuất ở các sự kiện lịch sử hẹp hơn. Cuốn sách này phân tích để hiểu rõ nỗ lực khổ sở của người Nam Việt Nam nhằm đạt được một nhà nước độc lập, nhưng đã không thành công. Nó tập trung vào cuộc đấu tranh để bảo vệ nông thôn, những khúc quanh và những âm mưu trong tiến trình chính trị, những nỗ lực vượt mọi khó khăn cho sự thống nhất quốc gia, và sự phát triển các mối quan hệ phức tạp trong các lãnh vực xã hội, dân tộc và tôn giáo của miền Nam Việt Nam. Nền kinh tế có đủ điều kiện cho sự đối đãi bình đẳng, vì nó có ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với những gì đã được nhận thức một cách chung chung. Tương tự, các học giả đã bỏ sót tầm quan trọng của ông Thiệu sau năm 1969, đó là ông ấy đã đưa ra các giải pháp hòa bình và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử chống lại những người Cộng sản.

Điều tất yếu là, tôi tập trung vào những sự việc ở Sài Gòn hơn là ở các tỉnh. Các khía cạnh quân sự và các quyết định chính trị được đưa ra ở Hà Nội và Washington chỉ được ghi nhận ở cuốn sách khi cần thiết, để làm nổi bật những điểm quan trọng nhất hoặc để giới thiệu những đánh giá của họ đã ảnh hưởng đến sự phát triển của nền cộng hòa ở miền Nam như thế nào. Nhiều động thái của Hà Nội và Washington là để phản ứng với các sự kiện ở Sài Gòn, một mối quan hệ nhân quả đã bị lãng quên một cách đáng ngạc nhiên. Miền Nam Việt Nam luôn là tâm điểm của cuộc chiến, và cuốn sách này giải thích lý do tại sao.

Mặc dù mục đích của tôi là khảo sát các sự kiện xảy ra với miền Nam Việt Nam, nhưng tôi không đi sâu vào các vấn đề như chống chủ nghĩa thực dân, các mối quan hệ sinh thái ở miền Nam Việt Nam hay vị trí của đất nước trong xung đột địa chính trị thời Chiến tranh Lạnh. Các sử gia khác đã đánh giá hoặc đang trong quá trình xem xét các đề tài quan trọng này. Tôi cũng đặt sang bên câu hỏi, liệu chính phủ Hoa Kỳ có nên hoặc không nên tham gia chiến đấu ở vùng đất xa xôi đó hay không. Cuối cùng, vì không có nhãn hiệu nào được chấp nhận rộng rãi cho hai bên đang đấu tranh giành chiến thắng, và do người miền Nam Việt Nam tự gọi mình là những người theo chủ nghĩa dân tộc (người quốc gia), tôi sẽ sử dụng mô tả đó cho những người chống cộng, và tôi sẽ sử dụng chử Cộng sản (người cộng sản ) để mô tả những người theo Hồ Chí Minh.

Trong khi cuộc đối đầu giữa những kẻ thù này thì đa tầng, phần lớn là cuộc đụng độ giữa hai tầm nhìn hoàn toàn trái ngược nhau về cách hiện đại hóa và xây dựng Việt Nam. Cũng đã có một cuộc tranh luận sôi nổi về chủ đề tương tự này trong phe Quốc gia, điều này chứng tỏ đó là yếu tố chính trong câu chuyện này. Cuộc tranh cãi của phía Quốc gia là giữa những người muốn cai trị đất nước thông qua mô hình quản lý tập trung, chống lại những người tìm kiếm một hình thức dân chủ ở Việt Nam nhằm cho phép kiểm soát địa phương nhiều hơn. Vấn đề đối với những người Quốc gia là làm thế nào để loại bỏ những đường lối cũ và những thể chế sai lầm, thay vào đó là những ý tưởng mới và những cơ sở hiện đại để phát triển một bản sắc cộng hòa toàn diện, cho một quốc gia đa dạng về sắc tộc và tôn giáo. Cuộc chiến giữa những người Cộng sản và những người Quốc gia, và giữa những người Quốc gia với nhau, là về cách thức đạt được tầm nhìn chính trị đó.

Trong chiến tranh và trong nhiều năm sau chiến tranh, miền Nam Việt Nam bị đánh giá là một chế độ tham nhũng rập khuôn. Câu chuyện thật đơn giản: Hà Nội là địa điểm được người Việt Nam theo chủ nghĩa dân tộc xức dầu thơm, và Sài Gòn đã được trù định từ trước là không có sự hổ trợ và yếu kém. Với sự sụp đổ đáng kể của đất nước vào tháng 4 năm 1975, những phán quyết đó dường như đã được chứng minh và do đó tự mặc nhiên không cần thiết phải xem xét lại. Tuy nhiên, người miền Nam Việt Nam, có câu chuyện riêng của họ, một phần lớn bị bỏ qua bên ngoài đất nước. Như một người bạn Việt Nam đã nói với tôi: “Chúng tôi có nhiều ước mơ: ước mơ tự do, ước mơ độc lập và ước mơ đưa dân tộc mình thoát khỏi đói nghèo. Những người Cộng sản chỉ có một giấc mơ: chiến thắng trong cuộc chiến bất kể giá nào ”.

Lập luận chính được trình bày ở đây là miền Nam Việt Nam không phải là sự cài đặt nhân tạo của Mỹ, và nền Đệ nhị Cộng hòa cũng không phải là một chế độ độc tài như Đệ nhất Cộng hòa của ông Diệm. Như chúng ta sẽ thấy, ông Thiệu và chính phủ của ông đã thực hiện những nỗ lực đáng kể để xây dựng một nhà nước dân chủ hiện đại, nhằm giảm bớt tình trạng nghèo đói cố hữu của người dân, một quá trình mà họ chưa bao giờ nhận được sự khen ngợi. Để hoàn thành nhiệm vụ to lớn này, họ phải vượt qua di sản suy nhược hóa của chế độ thực dân Pháp, cùng với những vấn đề điển hình thường tồn tại trong quá trình xây dựng đất nước: thiếu đoàn kết dân tộc, xung đột quân-dân, thể chế chính trị chưa phát triển, v…v… Tệ hơn nữa, họ phải khắc phục những thiếu sót này với một kẻ thù không đội trời chung ngay trước mắt. Vì tranh luận về tính hợp pháp vốn là quy luật ở các quốc gia mới ra đời, miền Nam Việt Nam không phải là ngoại lệ, những người theo chủ nghĩa Quốc gia phải đối mặt với một vấn đề sống còn : làm thế nào để một nền dân chủ mới nổi và một xã hội cởi mở, có thể đánh bại một kẻ thù toàn trị, một kẻ có tiểu xảo xâm nhập, thao túng tâm lý chính trị, và ma đầu thâm nhập thông tin tình báo ? Quan trọng không kém, liệu miền Nam Việt Nam có thể tự mình tồn tại trước mối đe dọa của Cộng sản hay không?

Các câu trả lời đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc hơn về nỗ lực của những người Quốc gia nhằm tạo ra một nhà nước khả thi. Như nhà sử học quân sự lỗi lạc Michael Howard đã lập luận, “ tách việc tiến hành chiến tranh ra khỏi môi trường mà nó chiến đấu — xã hội, văn hóa, chính trị, kinh tế — là bỏ qua những phạm vi cần thiết để hiểu biết về cuộc chiến.” Cuốn sách này bao gồm những phạm vi đó. Việc miền Nam Việt Nam bị đánh bại không có nghĩa là họ không đạt được tính chính danh trên mặt chính trị. Ý kiến ​​của tôi là họ đã đạt được tính chính danh trên mặt chính trị, nhưng Nam Việt Nam phải chịu đựng những nỗi đau ngày càng tăng, tương tự như các quốc gia mới ra đời khác, đặc biệt là những quốc gia phải chịu đựng những năm dài chiến tranh chết chóc. Cuối cùng, Nam Việt Nam không thể vừa xây dựng vừa chiến đấu cùng một lúc.

Cần nhớ rằng dân chủ luôn luôn là một hoạt động đang được tiến hành, đặc biệt là đối với một quốc gia mới ra đời đang cố gắng tìm kiếm chỗ đứng của mình trong một cuộc chiến khó khăn. Nước Mỹ cũng đã làm luật về những khác biệt giữa các giá trị đã nêu và thực tế trong thời kỳ khủng hoảng của chính nước Mỹ. Đạo luật Hạn chế Người Nước ngoài và Chống Nổi loạn năm 1798 cho phép trục xuất, phạt vạ, hoặc bỏ tù bất kỳ ai bị coi là mối đe dọa hoặc xuất bản "bài viết sai sự thật, gây xôn xao dư luận hoặc có ác ý" chống lại Hoa Kỳ. Trong thời Nội chiến, Tổng thống Abraham Lincoln đã đình chỉ phần lớn bản Tuyên ngôn Nhân quyền của Hoa kỳ, bao gồm quyền tự do ngôn luận và cấm giam giữ hoặc bỏ tù bất hợp pháp. Hơn nữa, sau vụ 11/9, các nền dân chủ hoàn chỉnh đã thông qua những đạo luật gây lo ngại cho nhiều người theo chủ nghĩa tự do dân sự.

Vì ngay cả các quốc gia trưởng thành cũng đã phải hiệu chỉnh lại trong những thời kỳ khó khăn, nên Nam Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Khi người Pháp từ chối đưa các thể chế dân chủ vào các thuộc địa ở Đông Dương, các khái niệm như “tự do ngôn luận” và “phe đối lập trung thành” chỉ có một chỗ đứng nhỏ ở miền Nam Việt Nam, một nơi có kinh nghiệm lịch sử rất khác với chúng ta. Giống như các quốc gia mới hình thành khác nổi lên từ chế độ thực dân, trước tiên Việt Nam Cộng Hòa phải soạn ra một bản hiến pháp để thể hiện ý chí chính trị của mình. Hiến pháp xác định bộ máy nhà nước - cơ quan lập pháp, tòa án và hệ thống an ninh quốc gia - và chúng phải tạo ra một guồng máy trong bối cảnh mà các lợi ích xã hội và tôn giáo đang cạnh tranh gay gắt.

Điều này đưa chúng ta đến với người đàn ông bí ẩn mà sẽ thống trị những trang sách này, cựu tổng thống Việt Nam Cọng Hòa Nguyễn Văn Thiệu. Vì sự nghiệp của ông ấy hoàn toàn xứng hợp với tuổi thọ của đất nước ông, ông Thiệu cung cấp một phương tiện hoàn hảo để xem xét sự thăng trầm của Nam Việt Nam. Đây không phải là tiểu sử của ông Thiệu mà là sự thừa nhận rằng ông đã đóng vai trò trung tâm trong nền Đệ nhị Cộng hòa. Tuy nhiên, mặc dù vậy, ông Thiệu có lẽ là đồng minh quan trọng của Mỹ ít được phân tích nhất trong thế kỷ XX. Trong hầu hết các ấn phẩm của Hoa Kỳ, ông Thiệu xuất hiện như một người đóng vai trò nhỏ trong cấu trúc cuộc chiến của một Hoa Kỳ lớn hơn, hoặc phổ biến hơn thì quy cho ông là một nhà độc tài quân sự có các chính sách đàn áp người dân miền Nam Việt Nam, trực tiếp dẫn đến thất bại của đất nước. Hơn nữa, phân tích có hạn chế này về nhiệm kỳ của ông, thường bị giới hạn trong các sự kiện như các cuộc đàm phán dẫn đến Hiệp định Hòa bình Paris. Đối với nhân vật đã ngồi ở trung tâm sóng gió trong cuộc chiến Việt Nam từ khi Mỹ bắt đầu thực hiện vai trò chiến đấu cho đến đoạn kết của đất nước ông, việc sao lãng này đối với nhiệm kỳ tổng thống của ông Thiệu đã để lại một lỗ hổng lớn lao trong việc tìm kiếm và giải thích lịch sử của cuộc chiến.

Như chúng ta sẽ thấy, ông Thiệu là người đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi miền Nam Việt Nam từ một chế độ quân sự thành một nước cộng hòa lập hiến. Nhưng ông Thiệu đã phản ứng như thế nào với các nhóm nội bộ, và ông xử lý những thách thức của họ như thế nào? Ông ấy khác với Tổng thống Diệm như thế nào? Phong cách điều hành của ông ấy là gì, ông ấy quản lý các vấn đề chính sách đối ngoại như thế nào, và chương trình nghị sự trong nước của ông ấy là những gì? Liệu có phải ông Thiệu đã có thể tạo ra rồi sau đó quản lý một chiến lược quân sự và kinh tế để đánh bại một kẻ thù tàn nhẫn ? Hầu hết những câu hỏi này vẫn chưa được trả lời cho đến nay.

Tại sao các nhà sử học không nghiên cứu cẩn thận các chính sách của ông Thiệu, hoặc xác định phẩm chất phản ứng của ông ấy đối với các sự kiện ở trong nước và bên ngoài ? Câu trả lời nằm ở những nhận định được đưa ra trong suốt cuộc chiến. Trong hơn một thập kỷ, Việt Nam thường là trung tâm của xung đột Chiến tranh Lạnh toàn cầu. Các nhà bình luận phương Tây thường phác họa ông Thiệu theo cùng gam màu ý thức hệ phản ảnh quan điểm chính trị của họ, và những lời lẻ khoa ngôn sôi nổi của họ về ông phản ảnh chân lý của thời đại. Các học giả phản chiến mô tả ông là một nhà độc tài tham nhũng, hà khắc. Người Việt Cộng sản đồng loạt vu khống ông là kẻ phản bội, con rối của Mỹ. Trên bình diện quốc tế, danh tiếng của ông cũng đáng thương không kém.

Tuy nhiên, công chúng Nam Việt Nam có nhiều quan điểm khác nhau hơn. Giống như các tổng thống khác, việc xếp hạng tán thành ông Thiệu thăng trầm theo các chủ đề được dùng : an ninh, thịnh vượng kinh tế, hoặc vụ bê bối chính trị mới nhất. Những nhận định như vậy thường kết hợp lại theo các đường đứt gãy truyền thống của Nam Việt Nam: cư dân thành thị so với nông dân, giáo phái trong tôn giáo hoặc thành kiến ​​vùng miền. Ông Thiệu có một nền tảng từ những người ủng hộ, một bộ phận những người giữ thái độ trung lập và một bộ phận coi thường ông ấy. Tỷ lệ phần trăm của mỗi loại thay đổi theo thời gian, tùy thuộc vào số phận của chiến tranh hoặc giá gạo.

Ngay cả khi Sài Gòn thất thủ, vẫn cần phải cung cấp một đánh giá mang tầm lịch sử về Tổng thống Thiệu. Ông ấy không phải là nhà độc tài tàn bạo và tham nhũng như được miêu tả bởi cánh tả phản chiến, cũng không phải là một “con rối” của Mỹ. Trong khi ông ấy có đặc tính chính trị-quân sự điển hình vốn tồn tại trong các lãnh đạo cao cấp chống cộng ở các nước châu Á khác như Đài Loan và Hàn Quốc, những người coi sự lãnh đạo mạnh mẽ là đối trọng tốt nhất với chủ nghĩa cộng sản, thì ông Thiệu cũng quyết tâm tạo ra một xã hội dân chủ, dựa trên quyền làm chủ. Hai thái độ trái ngược nhau này giằng xé ông ấy không ngừng, không bao giờ có thể dung hòa được. Đặc biệt, các giá trị dân chủ của ông dường như bị tước mất phần cốt yếu, khi ông là cái tên duy nhất trên lá phiếu cho cuộc bầu cử tổng thống năm 1971.

Về cơ bản, ông Thiệu tìm kiếm hai mục tiêu bao quát toàn bộ. Thứ nhất, ông ấy hoàn toàn quyết tâm chiến thắng kẻ thù của mình. Quan điểm của ông cho rằng bất kỳ thỏa thuận thương lượng nào với Cộng sản cũng là con đường trơn trượt dẫn đến thất bại, đều dựa trên kinh nghiệm trực tiếp của chính ông, chứ không phải dựa trên bất kỳ hệ tư tưởng cứng nhắc và phi thực tế nào. Thứ hai, ông muốn xây dựng đất nước ông trở thành một quốc gia hiện đại, giảm bớt tình trạng nghèo đói của đồng bào mình, và cuối cùng dẫn dắt họ đến một cái gì đó tương tự như dân chủ. Xây dựng một nhà nước có đủ chức năng nhằm nâng cao mức sống vật chất, trong khi nhúng vào 'tính di truyền của quốc gia' bản chất của nền dân chủ — không chỉ là hình thức — là những mục tiêu quan trọng của ông.

Để đạt được điều đó, các chính sách của ông vừa mang tính tiến triển dần dần vừa mang tính cách mạng. Ông duy trì các chính sách lâu đời của Hệ thống lãnh đạo Việt Nam trong một số lĩnh vực như đàm phán hòa bình. Ngược lại, ông hoàn toàn rời xa các chính sách của những người tiền nhiệm, đặc biệt là trong cải cách ruộng đất và tái cơ cấu nền kinh tế. Ngoài ra, ông còn nỗ lực tái tạo miền Nam Việt Nam theo kiểu của Mỹ, bằng cách tăng cường quyền tự trị của địa phương và cải tổ bộ máy quan liêu cũ kỹ. Một điều quan trọng không kém, ông đã làm việc siêng năng để cải thiện an ninh làng xã bằng cách vũ trang cho người dân để bảo vệ nơi ở của họ, một nguy cơ gốc rễ ở một đất nước mà lòng trung thành của nông dân với chính phủ thường bị nghi ngờ. Nói tóm lại, ông Thiệu muốn tạo ra sự thịnh vượng cho nông dân ở nông thôn bằng cách cung cấp cho người dân miền Nam Việt Nam một môi trường tư bản, để họ đóng góp vào sự phát triển của chính họ thông qua sự tự trị.

Điều này không có nghĩa ông Thiệu là một nhà cải cách tự do. Một số cách xử lý điều hành thích hợp của ông được lấy từ các chế độ châu Á chuyên quyền, chống cộng sản khác. Ông có nhiều điểm chung với Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan và Park Chung-hee ở Hàn Quốc. Giống như họ, ông theo đuổi các mục tiêu trong nước của mình trong khi vẫn ngăn cản sự phát triển của các phe đối lập chính trị, tin rằng nó chỉ rơi vào tay Cộng sản. Mặc dù ông ủng hộ những tiếng nói không cộng sản khác, và ông nhận ra rằng sự có đi có lại một cách hào hứng của một xã hội dân chủ là điều cần thiết cho sự tồn tại của nó, ông coi bất đồng chính kiến ​​công khai như là một căn bệnh ung thư làm suy yếu cơ thể chống cộng trong cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù độc ác. Đối với ông, đoàn kết dân tộc tạo nên sức mạnh dân tộc, là yếu tố then chốt để làm cho Hà Nội nhận thấy nó không thể chiến thắng. Một khi Hà Nội đã chấp nhận điều đó, thì các cuộc đàm phán hòa bình thực sự có thể bắt đầu. Ngược lại, sự bất đồng chính kiến ​​của công chúng đồng nghĩa với sự yếu kém, điều này chỉ khuyến khích Hà Nội tiếp tục chiến đấu.

Giống như các chính trị gia khác, ông Thiệu có những nhược điểm cá nhân và những thói quen trong quản lý mà đã ảnh hưởng đến các chính sách của ông. Tuy nhiên, rất nhiều hành động của ông Thiệu khiến các nhà phê bình phương Tây khiếp sợ, lại mang một ý nghĩa hoàn toàn khác trong bối cảnh Việt Nam. Đối với ông Thiệu, phản ứng của cử tọa trong nước có giá trị hơn xa so với phản ứng của những người gièm pha ông ở trên quốc tế. Ngoài ra, ông tiếp cận trách nhiệm của mình với sự điềm tỉnh khó lay chuyển, chọc điên những kẻ tìm kiếm thỏa hiệp chính trị với kẻ thù mà cũng kiên quyết không kém ông ấy. Tuy nhiên, bất chấp những khiếm khuyết của ông với tư cách là một nhà lãnh đạo, nhiều quan chức Mỹ tin rằng không một chính khách Việt Nam nào khác, sở hữu được sự kết hợp giữa tính trưởng thành, tính dẻo dai và tài trí như ông. Theo quan điểm của họ, ông là nhà lãnh đạo giỏi nhất ở Nam Việt Nam.

Bất cứ ai đạt đến đỉnh cao chính trị trong xã hội của họ đều là một hỗn hợp hấp dẫn của tham vọng, trí thông minh và năng động không ngừng. Việc thực hiện phân tích các chính sách của nhà lãnh đạo cùng với việc kiểm tra giám định pháp lý về tính cách của họ, đòi hỏi quyền truy cập vào các tài liệu nội bộ của chính phủ, và sự sẵn sàng của những người bạn tâm giao để tiết lộ chi tiết về các cuộc thảo luận riêng tư và động cơ của nhà lãnh đạo của họ. Trong trường hợp của ông Thiệu, hồ sơ của cố vấn quân sự chính thức của Mỹ từ những năm đầu Hoa Kỳ can dự đã bị phá hủy, để lại một khoảng trống về những tương tác sớm nhất của ông với người Mỹ. Các báo cáo của Pháp về ông cũng cực kỳ hạn chế. Các tài liệu của hệ thống lãnh đạo Việt Nam hiện do chế độ Cộng sản nắm giữ, và quyền truy cập với chế độ Cộng sản, mặc dù cởi mở hơn trước đây, vẫn bị hạn chế hơn so với tài liệu lưu trữ của Hoa Kỳ. Các học giả đã xem xét các báo cáo lưu trữ nhưng không tìm thấy nhiều ý kiến của ông Thiệu về các chính sách và các chương trình khác nhau.

Bất chấp những trở ngại này, người ta vẫn có thể phân tích chương trình nghị sự của ông với tư cách là tổng thống. Các đại sứ Hoa Kỳ đã báo cáo tỉ mỉ những nhận xét của ông. Tuy nhiên, các quan chức đại sứ quán Mỹ khác, những kẻ thấy ông là người khó tìm hiểu và thận trọng trước sai sót, thường dựa trên ý kiến ​​của họ qua những thu thập thông tin từ các đại diện chính trị Nam Việt Nam hoặc giới tinh hoa khác. Phần lớn các bản báo cáo này của Hoa Kỳ, mặc dù thường sâu sắc, nhưng cần phải sử dụng cẩn thận. Ông Thiệu là một người khép kín lạ thường, hiếm khi đưa ra ý kiến ​​của mình. Ông giữ cho vòng tròn nội bộ đưa ra quyết định của mình cực kỳ nhỏ, và những người Việt Nam bên ngoài cấp trên của chính phủ chỉ có thể cung cấp phỏng đoán về lý do ra đời các quyết định của ông. Hoặc tệ hơn, họ gán những động cơ âm mưu cho các hành động của ông mà không hề biết chính sách đã được đưa ra như thế nào.

Do đó, sự kết hợp các bài phát biểu của ông Thiệu, tài liệu của hệ thống lãnh đạo Việt Nam, hồ sơ của Hoa Kỳ, và các cuộc phỏng vấn với một số người thân tín của ông, cung cấp sự hiểu biết về động lực của các chính sách đối ngoại và đối nội của ông. Các hồi ký của người miền Nam Việt Nam cũng cung cấp cái nhìn sâu sắc, nhưng giống như họ chỉ dựa vào các ghi chép của Hoa Kỳ, nó giống như nhảy múa trong một bãi mìn. Cho dù là một nguồn tài liệu tuyệt vời, nhưng cần phải thận trọng. Không chỉ là bộ nhớ dễ hỏng hóc, nhiều tác giả có sự thiên vị đáng kể và không ngại thể hiện sự thiên vị đó.

May mắn thay, tôi đã phỏng vấn nhiều bộ trưởng nội các cao cấp của Nam Việt Nam và các quan chức khác, những người chịu trách nhiệm thiết kế và thực hiện các chính sách của chính phủ. Những cuộc thảo luận này đã tiết lộ những thông tin lịch sử mới mẻ đáng ngạc nhiên, bao gồm cả cuộc đảo chính ông Diệm gần như bị dừng lại như thế nào, những chi tiết chưa từng được biết trước đây về cuộc chỉnh lý tháng 1 năm 1964, hiệp ước Faustian đã phong chức cho ông Thiệu thay ông Nguyễn Cao Kỳ ứng cử tổng thống, bối cảnh thực sự về Vụ Chennault trong cuộc bầu cử năm 1968, và những chi tiết bùng nổ có lẽ là điều cuối cùng, về những bí mật thú vị của Chiến tranh Việt Nam xảy ra trong những ngày cuối cùng.

Mặc dù tôi tin rằng có một sự khác biệt to lớn tồn tại giữa tầm nhìn của Tổng thống Ngô Đình Diệm và tầm nhìn của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu về việc hiện đại hóa nền cộng hòa, nhưng điều quan trọng là phải thừa nhận rằng, ông Thiệu hoạt động trong một thời đại và hoàn cảnh chính trị rất khác so với ông Diệm. Trong bốn năm sau đảo chính 1963, Nam Việt Nam đã trải qua những biến động to lớn về quân sự, chính trị, xã hội và kinh tế, được đánh dấu bằng sự gia tăng của chiến tranh và sự leo thang can dự của Hoa Kỳ. Bất chấp sự hỗn loạn đó, phần lớn nhờ sự dẫn dắt của ông Kỳ và ông Thiệu, miền Nam Việt Nam đã thành lập bản hiến pháp và hình thành nền Đệ nhị Cộng hòa. Sau đó, các sự kiện quan trọng như cuộc tấn công Tết Mậu Thân năm 1968 của Cộng sản, việc thực hiện cải cách ruộng đất, và việc trang bị vũ khí cho các công dân địa phương để cải thiện an ninh, đã khiến nhiều nông dân trước đây trung lập hoặc đối kháng, đứng về phía ông. Tuy nhiên, cuộc tấn công của Hà Nội vào năm 1972 đã làm tổn hại phần lớn sự phát triển kinh tế và sự phát triển chính quyền địa phương mà ông Thiệu đã đạt được. Hiệp định Hòa bình Paris và cuộc rút quân sau đó của Hoa Kỳ đã để lại đằng sau một miền Nam Việt Nam bị tổn thương, một đất nước đã trở thành nạn nhân cho cuộc tấn công cuối cùng của Bắc Việt vào năm 1975.

May mắn thay, sự uyên bác hiện nay về cuộc xung đột, cũng giống như nền văn hóa luôn thay đổi của chúng ta, đã phát triển để nắm bắt những quan điểm mới về Nam Việt Nam. Hy vọng rằng hố sâu ý thức hệ mà đã chia cắt chúng ta vào thời đó, sẽ không kìm hãm độc giả ngày nay. Thông thường, hoàn cảnh bất thường buộc những nhân vật không hoàn hảo phải đưa ra những quyết định quan trọng dựa trên thông tin sai sót. Ông Thiệu cũng không khác. Khi ai đó đọc bản thảo này, hãy thử nhìn lại ông ấy, giống như hầu hết những người đứng đầu chính phủ có trách nhiệm, ông Thiệu là một chính trị gia cố gắng làm những điều tốt nhất cho đất nước của mình, chứ không phải là một nhà độc tài chỉ quan tâm đến việc duy trì quyền lực. Với khái niệm đó trong tâm trí, tôi trích dẫn Chorus của Shakespeare trong Henry V, bây giờ đúng là lúc “suy nghĩ của bạn phải tô điểm cho các vị vua của chúng tôi” và những gì phải phán đoán về Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và miền Nam Việt Nam.


_ Tác giả : George J. Veith….Encouter Books ấn hành năm 2021.

Nguồn bản điện tử phần Giới Thiệu : http://www.viet-studies.com/kinhte/DrawnSwords_Intro.pdf

Trần H Sa lược dịch.


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.