Hải quân châu Âu tổ chức răn đe Trung Quốc mạnh hơn so với sự xuất hiện lần đầu.

Sự tham gia lâu dài ở Ấn Độ -Thái Bình Dương làm thay đổi tính toán quân sự của Bắc Kinh.

Từ trái sang, USS Curtis Wilbur, JS Hamana và FS Prairial tiến hành một nhiệm vụ huấn luyện chung ngoài khơi bờ biển phía Tây đảo Kyushu của Nhật Bản vào ngày 19 tháng 2 trong một động thái được coi là một thông điệp từ Hoa Kỳ, Nhật Bản và Pháp gởi đến Trung Quốc. (Nguồn ảnh: AP và Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản/Kyodo)

AKITA HIROYUKI, ngày 5, Tháng Ba 2021 Theo Nikkei Asia

Trần H Sa lược dịch.

TOKYO -- Khi một quốc gia nào đó coi thường các quy tắc quốc tế, các cường quốc thế giới phản ứng với một mô hình leo thang đặc biệt.

Đầu tiên, họ lên án các hành động với các cuộc họp báo và những tuyên bố. Nếu những lời chỉ trích này không có hiệu lực, họ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế để chứng minh quan điểm của họ. Bước tiếp theo, họ gây áp lực quân sự nếu cần thiết, bao gồm cả việc gửi đi những chiếc tàu chiến.

Khi nói đến Trung Quốc, các nước lớn ở châu Âu đã bắt đầu lựa chọn thứ ba. Ví dụ, Pháp đã gửi một tàu khu trục đến vùng biển gần Nhật Bản vào ngày 19 tháng 2 để tiến hành một cuộc tập trận quân sự chung với các lực lượng Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Những động thái như vậy diễn ra trong bối cảnh gia tăng các phản ứng dữ dội ở châu Âu chống lại Trung Quốc, bởi Bắc Kinh đàn áp nhân quyền ở Hồng Kông và Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, cũng như các hành động nặng tay của họ ở Biển Đông.

Một cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew được công bố vào tháng 10 cho thấy hơn 70% số người được hỏi ở Anh, Pháp và Đức có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc. Sự không hài lòng và lo lắng của công chúng đối với Trung Quốc ở ba quốc gia hàng đầu châu Âu hiện nay, đã được thể hiện ở những gì có thể thấy là một hình thức ngoại giao pháo hạm.

Điều này đánh dấu một sự thay đổi hấp dẫn đối với châu Âu, nơi mà năng lượng địa chính trị tập trung chủ yếu vào Nga kể từ khi Kết thúc Thế chiến II.

Đặc biệt đáng chú ý là động thái của Pháp, quốc gia có Nouvelle-Calédonie và các vùng lãnh thổ khác ở Nam Thái Bình Dương. Pháp cũng có vài nghìn binh sĩ, tàu chiến và máy bay đóng quân trong khu vực.

Theo chiều kim đồng hồ từ trên cùng bên trái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel, được nhìn thấy trên màn hình trong một hội nghị video vào ngày 30 tháng 12 năm 2020. © Reuters

Bên cạnh việc gửi một tàu khu trục, Pháp tiết lộ vào ngày 8 tháng 2 rằng họ đã gửi một tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân ở Biển Đông. Một quan chức an ninh châu Á cho biết: "Việc công khai các động thái rất bí mật của tàu ngầm hạt nhân là rất bất thường".

Nhiệm vụ chính của tàu ngầm "thợ săn-sát thủ" này là tìm và đánh chìm các tàu ngầm đối phương. Bằng cách gửi một tàu như vậy đến Biển Đông, Pháp đang gửi một cảnh báo rõ ràng đến Trung Quốc, quốc gia bị một số nhà phân tích nghi ngờ đã triển khai tàu ngầm trang bị tên lửa hạt nhân ở đó.

Pháp dự kiến cũng sẽ gửi một tàu chiến đổ bộ và tổ chức cuộc tập trận quân sự đầu tiên với Nhật Bản và Hoa Kỳ vào mùa hè này, với lần đầu tiên để mắt đến việc bảo vệ các hòn đảo xa xôi của Pháp.

Trong khi đó, Anh có kế hoạch gửi tàu sân bay hiện đại HMS Queen Elizabeth đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào cuối năm nay. Con tàu sẽ ở lại khu vực này trong vài tháng, nhưng đã xuất hiện một kế hoạch triển khai tàu sân bay của Anh đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trên cơ sở gần như cả năm trong tương lai .

Đức, mặc dù ít có sức mạnh biển hơn Pháp hoặc Anh, cũng dự kiến sẽ gửi một tàu khu trục đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong năm nay.

Một nguồn tin ngoại giao châu Âu cho biết những động thái này phản ánh việc báo động về Trung Quốc đang gia tăng ở các thủ đô châu Âu. Quan điểm hoài nghi vốn có của họ về Bắc Kinh càng bị làm cho u ám bởi cuộc đàn áp ở Hồng Kông và Tân Cương, cũng như bởi đại dịch coronavirus, nguồn tin cho biết.

Sự gia tăng quân sự của Trung Quốc cũng là một rủi ro đối với lợi ích kinh tế của châu Âu. Biển Đông là một tuyến hàng hải quan trọng mang lại khoảng 10% thương mại cho Anh, Pháp và Đức.

Quân đội Trung Quốc sở hữu khoảng 350 tàu chiến, nhiều hơn Mỹ. Việc gửi đi chỉ một vài tàu chiến của châu Âu sẽ không làm nhúc nhích cán cân quân sự hiện đang nghiêng về phía Trung Quốc trên mặt vật chất. Mặc dù vậy, các quan chức an ninh ở châu Á và châu Âu nói rằng các hành động của Anh, Pháp và Đức có thể được kỳ vọng sẽ giúp chống lại quân đội Trung Quốc theo ít nhất hai cách.

Thứ nhất, nếu người châu Âu thể hiện khả năng và sự sẵn sàng phóng chiếu sức mạnh hải quân của họ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, Trung Quốc sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải sửa đổi kế hoạch hoạt động của nó liên quan đến Đài Loan và Biển Đông. Quân đội Trung Quốc sẽ phải giả định rằng Anh, Pháp và Đức, cũng như Nhật Bản và Úc, sẽ cung cấp một số hình thức hỗ trợ cho các lực lượng Hoa Kỳ trong trường hợp xảy ra xung đột. Điều này sẽ đặt ra một rào cản cao hơn cho một quyết định hành động quân sự của Trung Quốc.

Ngay cả khi Anh, Pháp và Đức không tham gia trực tiếp vào một trận chiến, họ có thể gián tiếp hỗ trợ các lực lượng Hoa Kỳ, Nicolas Regaud, người đã tham gia sâu sắc vào chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại Bộ Quốc phòng Pháp cho đến năm 2019, phát biểu..

Regaud, người hiện là nghiên cứu viên cao cấp và giám đốc phát triển quốc tế tại Viện Nghiên cứu Chiến lược của Bộ Lực lượng Vũ trang cho biết "Nếu Trung Quốc thực hiện hành động quân sự ở Ấn Độ -Thái Bình Dương liên quan đến Mỹ, ví dụ như ở eo biển Đài Loan, châu Âu khó có thể chỉ ngồi xem và không làm gì cả. Về mặt chính trị, người châu Âu sẽ có nghĩa vụ đứng cùng phe để duy trì mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương."

"Làm như vậy, họ sẽ chấp nhận trả giá, vì Trung Quốc sẽ trả đũa trong việc vũ khí hóa thương mại, tài chính, không gian mạng, v.v. Về mặt quân sự, Pháp, Anh và Đức có thể lấp đầy khoảng trống mà Hải quân Hoa Kỳ để lại ở Đại Tây Dương, Địa Trung Hải hoặc Vùng Vịnh," ông nói.

Regaud cho biết có "một số lựa chọn khác cho châu Âu để hỗ trợ các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ, chẳng hạn như cung cấp thông tin tình báo và hỗ trợ sơ tán thường dân ."

Vương quốc Anh có kế hoạch gửi tàu sân bay hiện đại HMS Queen Elizabeth đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào cuối năm nay. © Reuters

Thứ hai, nếu Anh và Pháp tiếp tục gửi tàu đến Ấn Độ - Thái Bình Dương, nó sẽ dẫn đến một khuôn khổ hợp tác hải quân mới do Hoa Kỳ lãnh đạo trong khu vực. Vương quốc Anh và Pháp có thể tăng cường tinh thần đồng đội của họ với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và những nước khác bằng cách liên tục tổ chức các cuộc tập trận hàng hải chung trong khu vực.

Hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth là một ví dụ về các hoạt động lai ghép của quân đội Anh và Hoa Kỳ. Nó mang theo máy bay của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ cũng như máy bay của Anh. Các tàu khu trục Hoa Kỳ cũng tham gia cùng các tàu chiến Anh hộ tống chiếc tàu sân bay này.

Việc Anh, Pháp và Đức gửi tàu chiến đến Ấn Độ - Thái Bình Dương có thể thu hút phản ứng dữ dội từ Trung Quốc và tạo ra căng thẳng mới. Nhưng những tác động tích cực của nó - về mặt ngăn chặn chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan và Biển Đông - được cho là vượt xa những tác động tiêu cực của nó.

Các nước châu Âu hầu như không thể hiện một mặt trận thống nhất đối với Trung Quốc. Hungary và Ba Lan không tán thành với Pháp và Đức. Liên minh châu Âu đã đạt được một thỏa thuận rộng rãi về một hiệp ước đầu tư với Trung Quốc vào cuối năm ngoái và không có ý định từ bỏ kinh doanh tại Trung Quốc.

Nhưng trong dài hạn, châu Âu có khả năng có lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Một báo cáo của NATO được công bố vào ngày 1 tháng 12 đã định vị Trung Quốc là một mối đe dọa cùng với Nga.

Nếu châu Âu tăng cường tham gia quân sự vào Ấn Độ -Thái Bình Dương, vai trò của Nhật Bản cũng sẽ tăng lên. Nhật Bản là quốc gia châu Á duy nhất có hải cảng cho các tàu sân bay có thể ghé thăm và được bảo trì một cách toàn diện.

Nhật Bản nên giả định rằng các tàu chiến của Anh, Pháp và Đức sẽ đến thường xuyên. Điều quan trọng đối với Nhật Bản là phải làm phần việc của mình để duy trì sự hợp tác này bằng cách thúc đẩy việc chuẩn bị và lên kế hoạch cho các cuộc tập trận chung.


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.