Khủng hoảng Đài Loan có thể đánh dấu sự kết thúc của Đế chế Mỹ.

Mỹ là một con cáo ngoại giao, trong khi Bắc Kinh là một con nhím tập trung vào ý tưởng lớn về sự tái thống nhất.

Ngoại giao chử T. Nhiếp ảnh gia: Tim Rue / Bloomberg

Niall Ferguson, 22 tháng 3, 2021… Theo Bloomberg.

Trần H Sa lược dịch.

Trong một bài luận nổi tiếng, nhà triết học Isaiah Berlin đã mượn một sự tương phản từ nhà thơ Hy Lạp cổ đại Archilochus: "Con cáo biết nhiều điều, nhưng con nhím biết một điều to lớn."

Berlin viết, “Có một sự cách biệt to lớn giữa những thứ đó, một bên là những người liên hệ mọi thứ với… một nguyên tắc tổ chức duy nhất, phổ quát, theo chuẩn mực mà mọi thứ chỉ riêng họ có và chỉ riêng họ nói là có ý nghĩa” - đó là những con nhím - “và ở phía bên kia, những người theo đuổi nhiều mục đích, thường không liên quan nhau và thậm chí là mâu thuẫn nhau” - đó là những con cáo.

Berlin nói về các nhà văn. Nhưng sự khác biệt tương tự có thể được rút ra trong lĩnh vực chính trị của các cường quốc. Ngày nay, có hai siêu cường trên thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Mỹ là một con cáo. Chính sách đối ngoại của Mỹ, mượn các thuật ngữ của Berlin, “rải rác hoặc tản mạn, di chuyển trên nhiều cấp độ”. Ngược lại, Trung Quốc là một con nhím: nó liên hệ mọi thứ với “một tầm nhìn hướng nội có tính cách trung ương tập quyền, không thay đổi, bao trùm tất cả, thỉnh thoảng tự mâu thuẫn và không hoàn chỉnh, đôi khi cuồng tín".

Vào tháng Bảy của năm mươi năm trước, con cáo đặc biệt xấu xa của ngành ngoại giao Mỹ, Henry Kissinger, đã bay đến Bắc Kinh trong một nhiệm vụ bí mật mà sẽ thay đổi cơ bản cán cân quyền lực toàn cầu. Hậu cảnh để Kissinger sắp xếp chiến lược là cuộc vật lộn của chính quyền Richard Nixon, nhằm đưa Hoa Kỳ ra khỏi Chiến tranh Việt Nam bằng danh dự và sự tín nhiệm của nó cho đến nay vẫn còn nguyên vẹn.

Bối cảnh trong nước là bất đồng sâu sắc hơn, và bạo lực hơn so với bất cứ điều gì chúng ta đã thấy trong năm qua ở nước Mỹ. Tháng 3 năm 1971, Trung úy William Calley bị quy trách nhiệm giết chết 22 người trong vụ thảm sát Mỹ Lai. Tháng 4, nửa triệu người đã tuần hành ngang qua Washington để phản đối chiến tranh Việt Nam. Vào tháng 6, Thời báo New York bắt đầu xuất bản Hồ sơ của Ngủ giác đài.

Các cuộc gặp của Kissinger với Chu Ân Lai, thủ tướng Trung Quốc, có lẽ là quan trọng nhất trong sự nghiệp của ông ta. Là một con cáo, vị cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ có nhiều mục tiêu. Mục tiêu chính là để bảo đảm một lời mời công khai của Trung Quốc với ông chủ của ông ta, Nixon, đến thăm Bắc Kinh vào năm sau.

Nhưng Kissinger cũng tìm kiếm sự giúp đỡ của Trung Quốc trong việc đưa Mỹ ra khỏi Việt Nam, cũng như hy vọng khai thác sự chia rẽ Trung-Xô theo cách có thể gây áp lực lên Liên Xô, đối thủ chính trong Chiến tranh Lạnh của Mỹ, nhằm làm chậm lại cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân. Trong bài phát biểu khai mạc của mình, Kissinger đã liệt kê không dưới sáu vấn đề để thảo luận, bao gồm cả cuộc xung đột dữ dội ở Nam Á mà sau đó lên đến đỉnh điểm là sự độc lập của Bangladesh.

Phản ứng của Chu Ân Lai là của một con nhím. Ông ấy chỉ có một vấn đề : Đài Loan. Chu nói với Kissinger ngay từ đầu, "nếu câu hỏi quan trọng này không được giải quyết, thì toàn bộ vấn đề của quan hệ Mỹ-Trung sẽ khó giải quyết."

Ở một mức độ gây ấn tượng mạnh cho độc giả thời hiện đại đối với bản ghi chép về cuộc họp này và các cuộc họp sau đó, mục tiêu chính của Chu là thuyết phục Kissinger đồng ý “công nhận Cọng Hòa Nhân Dân Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất ở Trung Quốc” và “tỉnh Đài Loan” là "một phần lãnh thổ của Trung Quốc không thể chuyển nhượng mà phải được khôi phục về đất mẹ", từ quan điểm đó Mỹ phải "rút hết các lực lượng vũ trang và hủy bỏ mọi cơ sở quân sự của Hoa kỳ tại Đài loan." (Kể từ khi Cộng sản chiến thắng trong cuộc nội chiến Trung Quốc năm 1949, đảo Đài Loan là tiền đồn cuối cùng của Quốc dân đảng. Và kể từ Chiến tranh Triều Tiên, Hoa Kỳ đã bảo vệ quyền tự trị của Đài loan).

Với rất nhiều giải thưởng treo trước mắt, Kissinger đã chuẩn bị sẵn sàng để đưa ra những nhượng bộ quan trọng mà Trung Quốc mong muốn. Kissinger nói với Chu “Chúng tôi không ủng hộ giải pháp “hai Trung Quốc” hoặc giải pháp“ một Trung Quốc, một Đài Loan ”. "Là một sinh viên khoa lịch sử,” ông ấy tiếp tục, “dự đoán của một người biết lịch sử sẽ phải là quá trình phát triển chính trị có khả năng theo hướng mà Thủ tướng đã chỉ ra cho tôi.” Hơn thế nữa, "Chúng tôi có thể giải quyết phần chính yếu của vấn đề quân sự trong nhiệm kỳ này của tổng thống, nếu chiến tranh ở Đông Nam Á [tức là Việt Nam] được kết thúc."

Khi được Chu hỏi về quan điểm của ông đối với phong trào đòi độc lập của Đài Loan, Kissinger đã bác bỏ nó. Cho dù Kissinger đưa ra những vấn đề nào khác - Việt Nam, Triều Tiên, Liên Xô - Chu lái cuộc trò chuyện quay trở lại Đài Loan, “câu hỏi duy nhất giữa hai chúng ta”. Liệu Mỹ có công nhận Cộng hòa Nhân dân là chính phủ duy nhất của Trung Quốc và bình thường hóa quan hệ ngoại giao hay không? Vâng có, sau cuộc bầu cử năm 1972. Liệu Đài Loan có bị trục xuất khỏi Liên Hiệp Quốc và chiếc ghế trong Hội đồng Bảo an có được trao cho Bắc Kinh hay không ? Một lần nữa, vâng có.

Nửa thế kỷ trôi qua nhanh chóng, và vấn đề tương tự - Đài Loan - vẫn là ưu tiên số 1 của Bắc Kinh. Lịch sử đã không tiến triển hoàn toàn theo cách mà Kissinger dự đoán trước. Đúng vậy, Nixon đã đến Trung Quốc như kế hoạch đã vạch sẳn, Đài Loan bị loại khỏi Liên Hiệp Quốc, và dưới thời Tổng thống Jimmy Carter, Mỹ đã bãi bỏ hiệp ước phòng thủ chung với Đài Loan, ký năm 1954. Nhưng vận động hành lang ủng hộ Đài Loan tại Quốc hội đã có thể mang lại cho Đài Bắc một cứu cánh vào năm 1979, Đạo luật Quan hệ Đài Loan.

Đạo luật tuyên bố rằng Mỹ sẽ coi “bất kỳ nỗ lực nào nhằm định đoạt tương lai của Đài Loan bằng các biện pháp phi hòa bình, bao gồm tẩy chay hoặc cấm vận, là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh của khu vực Tây Thái Bình Dương, và gây lo ngại nghiêm trọng đối với Hoa Kỳ.” Nó cũng cam kết chính phủ Hoa Kỳ sẽ “sẳn sàng cung cấp cho Đài Loan các vật phẩm và… dịch vụ quốc phòng với số lượng có thể cần thiết để cho phép Đài Loan duy trì đủ khả năng tự vệ,” cũng như “duy trì năng lực của Hoa Kỳ để chống lại mọi biện pháp cưỡng bức hoặc các hình thức ép buộc khác, mà có thể gây nguy hiểm cho an ninh, hoặc hệ thống xã hội hay kinh tế của người dân ở Đài Loan. ”

Đối với con nhím Trung Quốc, sự mơ hồ này - theo đó Mỹ không công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập nhưng đồng thời bảo đảm an ninh và quyền tự trị trên thực tế của Đài Loan - vẫn là một tình trạng không thể dung thứ được.

Tuy nhiên, cán cân quyền lực đã bị thay đổi kể từ năm 1971 - và sâu sắc hơn nhiều so với những gì Kissinger có thể dự đoán trước. Trung Quốc cách đây 50 năm nghèo thậm tệ : mặc dù dân số thì khổng lồ, nền kinh tế của nó chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng sản phẩm quốc nội của Hoa Kỳ. Năm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán rằng, tính theo đồng đô la hiện tại, GDP của Trung Quốc sẽ bằng ba phần tư GDP của Mỹ. Trên cơ sở sức mua tương đương, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ vào năm 2017.

Biểu đồ sức mua tương đương của Trung quốc, Mỹ và EU./ Nguồn : Qũy Tiền tệ Quốc tế, Dữ liệu triển vọng kinh tế thế giới, tháng 10 năm 2020.

Trong cùng khung thời gian, Đài Loan cũng phát triển thịnh vượng. Đài Loan không chỉ nổi lên như một trong những nền kinh tế tiên tiến nhất châu Á, với Taiwan Semiconductor Manufacturing Co., nhà sản xuất chip hàng đầu của thế giới, mà Đài Loan cũng đã trở thành bằng chứng sinh động cho thấy một dân tộc gốc Hoa có thể phát triển mạnh mẽ dưới chế độ dân chủ. Chế độ độc tài mà đã điều hành Đài Bắc trong những năm 1970 là một ký ức xa vời. Ngày nay, nó là một tấm gương sáng giá cho cách thức mà một xã hội tự do có thể sử dụng công nghệ để truyền sự tự tin cho công dân của mình - điều này giải thích tại sao phản ứng bằng mọi cách của Đài Loan đối với đại dịch Covid-19 là thành công nhất trên thế giới ( tổng số người chết: 10 người).

Như Graham Allison của Đại học Harvard đã lập luận trong cuốn sách có ảnh hưởng lớn của ông, “Hướng đến chiến tranh: Liệu Mỹ và Trung Quốc có thể thoát khỏi chiếc bẫy Thucydides? ”, Sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc - lúc đầu được các nhà hoạch định chính sách Mỹ hoan nghênh - cuối cùng nhảy vọt lên giống như một mối đe dọa đối với Hoa Kỳ. Xung đột giữa các cường quốc đương nhiệm và các cường quốc đang lên đã là một đặc điểm của chính trị thế giới kể từ năm 431 trước Công nguyên, khi đó là “sự gia tăng sức mạnh của Athens, điều này là hồi chuông báo động được khơi dậy ở Sparta” và dẫn đến chiến tranh. Điều đáng ngạc nhiên duy nhất là phải đến khi Tổng thống Donald Trump, người ít ngờ nhất, đánh thức người Mỹ về mối đe dọa được đặt ra bởi sự gia tăng sức mạnh của Cộng hòa Nhân dân.

Trump đã vận động chống lại Trung Quốc như là mối đe dọa chủ yếu đối với công việc sản xuất của Hoa Kỳ. Khi ở Nhà Trắng, ông đã mất thời gian trước khi hành động, năm 2018 mới bắt đầu áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc. Tuy nhiên, ông không thể ngăn cuộc chiến thương mại ưa thích của ông leo thang nhanh chóng thành một cái gì đó giống như Chiến tranh Lạnh lần thứ II - một cuộc cạnh tranh đồng thời trên cả công nghệ, ý thức hệ và địa chính trị. Chính sách đối ngoại “đấu khẩu” đã nhặt trái bóng chống Trung Quốc và chạy theo nó. Công chúng đã cổ vũ họ, với tình cảm chống Trung Quốc dâng cao trong cả đảng Cộng hòa và Dân chủ.

Bản thân Trump có thể là một con nhím với tư duy duy nhất : thuế quan. Nhưng với Ngoại trưởng Mike Pompeo, chính sách của Hoa Kỳ chẳng mấy chốc trở lại chuẩn mực giống như con cáo. Pompeo đã ném mọi vấn đề có thể hình dung được vào Bắc Kinh, từ sự phụ thuộc vào chất bán dẫn nhập khẩu của công ty công nghệ Huawei, đến việc đàn áp phong trào ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông, đến nguồn gốc u ám của Covid-19 ở Vũ Hán.

Tất nhiên, Đài Loan đã được thêm vào danh sách, nhưng việc tăng cường bán vũ khí và các cuộc tiếp xúc ngoại giao không được đưa vào danh sách giao dịch hàng đầu. Năm ngoái , khi Richard Haass, đại biểu của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, lập luận về việc chấm dứt “sự mơ hồ chiến lược” và hết lòng yêu cầu Hoa Kỳ duy trì quyền tự trị của Đài Loan, không một ai trong chính quyền Trump nói : đó là “Ý tưởng tuyệt vời!”

Tuy nhiên, khi Pompeo gặp giám đốc văn phòng đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung quốc, Dương Khiết Trì, ở Hawaii vào tháng 6 năm ngoái, hãy đoán xem phía Trung Quốc đã bắt đầu từ đâu ? “Chỉ có một Trung Quốc trên thế giới và Đài Loan là một phần bất khả chuyển nhượng của Trung Quốc. Nguyên tắc một Trung Quốc là nền tảng chính trị trong quan hệ Trung Quốc - Hoa Kỳ ”.

Vậy có phải Trump đã thành công trong việc dẫn dắt quan điểm của giới ưu tú và dân chúng đến một lập trường chống Trung Quốc hơn, mà Tổng thống Joe Biden không còn cách nào khác ngoài việc phải theo đúng lập trường từ năm ngoái của Trump. Kết quả có phần đáng ngạc nhiên là Biden hiện đang lãnh đạo một chính quyền theo nhiều cách còn diều hâu hơn so với người tiền nhiệm của ông.

Trump không phải là một chiến binh máu lạnh. Theo hồi ký của cựu Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton , tổng thống thích chỉ vào đầu của một trong những chiếc thuyền buồm (Sharpies, vật trang trí trong phòng bầu dục) của mình và nói, "Đây là Đài Loan", sau đó chỉ vào chiếc bàn Resolute trong Phòng Bầu dục và nói, "Đây là Trung Quốc." "Đài Loan cách Trung Quốc giống như chỉ hai bước chân", Trump nói với một thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa. “Chúng ta cách xa 8.000 dặm. Nếu họ xâm lược, không có cái đíu gì để chúng ta có thể làm với chuyện đó." (nguyên văn there isn’t a f***ing thing we can do about it.)

Không giống như những người khác trong đội an ninh quốc gia của mình, Trump ít quan tâm đến các vấn đề nhân quyền. Với Hong Kong, ông ấy nói: “Tôi không muốn dính líu đến” và “Chúng ta cũng có vấn đề về nhân quyền”. Khi Chủ tịch Tập Cận Bình thông báo cho ông ấy về các trại lao động dành cho người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi tại Tân Cương ở miền tây Trung Quốc, về cơ bản Trump nói với ông ấy rằng “Không vấn đề gì”. Nhân kỷ niệm 30 năm vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, Trump hỏi: “Ai quan tâm đến nó? Tôi đang cố gắng thực hiện một thỏa thuận ”.

Ngược lại, chính quyền Biden muốn nói những gì mà những vấn đề như vậy cần phải nói. Trong mọi tuyên bố kể từ khi nhậm chức ngoại trưởng, Antony Blinken đã nhắc đến Trung Quốc không chỉ là đối thủ chiến lược mà còn là kẻ vi phạm nhân quyền. Vào tháng 1, ông gọi việc Trung Quốc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ là “nỗ lực thực hiện tội ác diệt chủng” và cam kết tiếp tục chính sách của Pompeo về việc tăng cường can dự của Mỹ với Đài Loan. Vào tháng 2, ông đã khiển trách Dương khiết Trì về Hồng Kông, Tân Cương, Tây Tạng và thậm chí cả Myanmar, nơi mà Trung Quốc ủng hộ cuộc đảo chính quân sự gần đây. Đầu tháng này, chính quyền đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc nắm giữ vai trò trách nhiệm đối với việc xóa bỏ quyền tự trị của Hồng Kông.

Trong bài báo gần đây trên tạp chí Foreign Affairs trước khi gia nhập chính quyền với tư cách “sa hoàng” châu Á (điều phối viên khu vực Ấn Độ - Thái Bình dương ) , Kurt Campbell đã lập luận về “một nỗ lực có ý thức để ngăn chặn chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc… Điều này có nghĩa là đầu tư vào tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo thông thường tầm xa, máy bay tấn công không người lái có cơ sở trên tàu sân bay, và các phương tiện dưới nước, tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường, và vũ khí tấn công tốc độ cao". Ông nói thêm rằng Washington cần làm việc với các quốc gia khác để phân tán lực lượng của Hoa Kỳ trên khắp Đông Nam Á và Ấn Độ Dương, đồng thời “thu hồi các ngành công nghiệp nhạy cảm và theo đuổi 'sự tách rời có quản lý' ra khỏi Trung Quốc."

Ở nhiều khía cạnh, sự liên tục với chiến lược Trung Quốc của Trump là điều đáng ngạc nhiên. Chiến tranh thương mại vẫn chưa kết thúc, cũng như chiến tranh công nghệ. Ngoài ý nghĩa thực sự về các vấn đề nhân quyền, sự khác biệt to lớn duy nhất giữa Biden và Trump là sự nhấn mạnh mạnh mẽ hơn nữa về tầm quan trọng của các đồng minh trong quá trình ngăn chặn Trung Quốc - đặc biệt, cái gọi là Bộ tứ Mỹ đã thành lập với Australia , Ấn Độ và Nhật Bản. Như Blinken đã nói trong một bài phát biểu quan trọng vào ngày 3 tháng 3, để Mỹ “tham gia với Trung Quốc từ một thế mạnh… đòi hỏi phải làm việc với các đồng minh và đối tác… vì sức nặng tổng hợp của chúng ta khiến Trung Quốc khó làm ngơ hơn nhiều”.

Lập luận này đã được cụ thể hóa vào tuần trước, khi Campbell nói với Sydney Morning Herald rằng Mỹ “sẽ không để Australia một mình trên sân” nếu Bắc Kinh tiếp tục siết chặt kinh tế như hiện nay đối với Canberra (Trung quốc trả đũa lời kêu gọi của chính phủ Australia về một cuộc điều tra độc lập đối với nguồn gốc của đại dịch). Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cũng có cùng quan điểm. Chính Biden đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh ảo với các nguyên thủ quốc gia của Quad vào ngày 12 tháng 3.

Cách tiếp cận của Trung Quốc vẫn là cách tiếp cận của con nhím. Vài năm trước đây, một trong những cố vấn kinh tế của ông Tập đã nói với tôi rằng, việc đưa Đài Loan trở lại dưới sự kiểm soát của đại lục là mục tiêu ấp ủ nhất của chủ tịch Tập - và đó là lý do mà ông ấy bảo đảm chấm dứt chế độ không chính thức mà đã hạn chế các đời chủ tịch Trung Quốc trước đây trong hai nhiệm kỳ. Hơn hết, chính vì lý do này mà ông Tập đã chủ trì việc mở rộng quy mô lực lượng trên bộ, trên biển và trên không của Trung Quốc, bao gồm cả tên lửa DF ‑ 21D có cơ sở trên đất liền có thể đánh chìm tàu ​​sân bay của Mỹ.

Trong khi những con cáo đa nhiệm của Mỹ đang bổ sung vào danh sách phàn nàn của mình, thì con nhím Trung Quốc vẫn đang dần dần xây dựng năng lực để chiếm lấy Đài Loan. Theo lời của Tanner Greer , một nhà báo am hiểu về an ninh Đài Loan, Quân đội Giải phóng Nhân dân “có đủ tương đương, ngang bằng trên mọi hệ thống mà Đài Loan có thể thi triển (hoặc mua từ chúng tôi trong tương lai), và đối với một số hệ thống, họ hoàn toàn vượt trội Đài Loan”. Quan trọng hơn, Trung Quốc đã tạo ra cái được gọi là “sủi tăm Chống Tiếp cận / Chế ngự Khu vực” để ngăn các lực lượng Mỹ tránh xa Đài Loan. Như Lonnie Henley của Đại học George Washington đã chỉ ra trong lời khai trước quốc hội vào tháng trước, “nếu chúng ta có thể vô hiệu hóa hệ thống phòng không tích hợp của Trung Quốc, chúng ta có thể giành chiến thắng về mặt quân sự. Nếu không, có lẽ chúng ta không thể chiến thắng ”.

Là một sinh viên khoa lịch sử, trích dẫn lời Kissinger, tôi thấy một tình huống rất nguy hiểm. Cam kết của Hoa Kỳ đối với Đài Loan bằng lời nói đã trở nên mạnh mẽ hơn ngay cả khi nó trở nên yếu hơn về mặt quân sự. Khi một cam kết được cho là “rắn như đá” nhưng thực tế là loại kiên định kiểu "cát mịn" thì sẽ có nguy cơ cho cả hai bên đi đến tính toán sai lầm.

Không chỉ một mình tôi lo lắng. Đô đốc Phil Davidson, người đứng đầu lực lượng Mỹ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, đã cảnh báo trong lời khai hồi tháng 2 trước Quốc hội rằng Trung Quốc có thể xâm lược Đài Loan vào năm 2027 . Đầu tháng này, đồng nghiệp của tôi trên mục ý kiến của Bloomberg, Max Hastings, đã lưu ý rằng “Đài Loan gợi lên loại tình cảm trong người dân Trung Quốc mà Cuba đã làm trong lòng người dân Mỹ cách đây 60 năm”. (Tháng 10 năm 1959, Castro công khai tuyên bố tình cảm của mình với Chủ nghĩa cộng sản. Tháng 3 năm 1960, thỏa thuận viện trợ đầu tiên được ký với Liên bang Xô viết. Trong bối cảnh Chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ coi việc một đất nước có quan hệ thân mật với Liên Xô tại châu Mỹ là một mối đe dọa và lập kế hoạch lật đổ Castro, chính quyền Mỹ cho phép thực hiện các kế hoạch xâm lược Cuba của những người Cuba lưu vong tại Floria….THS)

Đô đốc James Stavridis, cũng là nhà báo của mục ý kiến trên Bloomberg, vừa xuất bản “năm 2034: Truyện về Thế chiến tiếp theo”, trong đó ông diễn tả, một cuộc bao vây bất ngờ của hải quân Trung Quốc đối với Đài Loan là một trong những bước mở đầu của Thế chiến III. Mỹ hứng chịu những tổn thất hải quân nặng nề đến mức bị dồn tới tấn công bằng vũ khí hạt nhân vào Trạm Giang (một thành phố trực thuộc tỉnh, nằm trên bán đảo Lôi Châu của tỉnh Quảng Đông….THS), dẫn đến việc San Diego và Galveston bị xóa sổ. Có lẽ phần đáng nghi ngờ nhất của kịch bản trong truyện này là niên đại của nó, 13 năm kể từ đây. Đồng nghiệp của tôi tại Viện Hoover, Misha Auslin, đã tưởng tượng về một cuộc hải chiến Mỹ-Trung sớm nhất là vào năm 2025.

Trong một nghiên cứu mới quan trọng về vấn đề Đài Loan dành cho Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, Robert Blackwill và Philip Zelikow - những sinh viên kỳ cựu và những người từng thực hành chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ - đã đưa ra bốn lựa chọn mà họ nhìn thấy cho chính sách của Hoa Kỳ, trong đó lựa chọn được ưu tiên hơn của họ là lựa chọn cuối cùng:

"Hoa Kỳ nên… diễn tập - ít nhất là với Nhật Bản và Đài Loan - một kế hoạch song song để thách thức bất kỳ sự chế ngự nào của Trung Quốc đối với sự tiếp cận Đài Loan của quốc tế; và chuẩn bị, kể cả với các nguồn cung cấp của Hoa Kỳ đã được định vị trước, bao gồm cả kho dự trữ chiến tranh, các chuyến hàng tiếp tế cực kỳ cần thiết để giúp đỡ Đài Loan tự vệ. … Hoa Kỳ và các đồng minh cần có kế hoạch phản ứng một cách đáng tin cậy và rõ ràng trước một cuộc tấn công vào lực lượng của họ, bằng cách phá vỡ mọi quan hệ tài chính với Trung Quốc, đóng băng hoặc tịch thu tài sản của Trung Quốc".

Blackwill và Zelikow đã đúng khi cho rằng hiện trạng là không bền vững. Nhưng có ba vấn đề cốt lõi với tất cả các lý lẽ để làm cho sự răn đe trở nên thuyết phục hơn. Thứ nhất là bất kỳ bước nào nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Đài Loan chắc chắn sẽ gây ra phản ứng giận dữ từ Trung Quốc, làm tăng khả năng Chiến tranh Lạnh trở nên nóng bỏng - đặc biệt nếu Nhật Bản can dự một cách rõ ràng. Vấn đề thứ hai là những bước đi như vậy tạo ra việc đóng lại cửa sổ cơ hội khiến Trung Quốc hành động, trước khi việc nâng cấp khả năng răn đe của Mỹ được hoàn tất. Thứ ba là sự miễn cưỡng của chính người Đài Loan trong ứng xử với an ninh quốc gia của họ, việc này cần phải nghiêm túc giống y như người Israel bảo vệ sự tồn vong của quốc gia họ.

Cuộc gặp hôm thứ Năm tại Alaska giữa Blinken, Sullivan, Dương và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị - theo sau những chuyến thăm của Blinken tới Nhật Bản và Hàn Quốc - không bao giờ có khả năng khởi động lại tiến trình đối thoại chiến lược Trung-Mỹ đặc trưng cho thời đại “ Chimerica ” (Trung Mỹ) dưới thời George W. Bush và Barack Obama. Thời của ngoại giao “đôi bên cùng có lợi” đã qua lâu rồi.

Trong buổi khai mạc nhiều tranh cải trước truyền thông, Dương đã minh họa rằng những con nhím không chỉ có một ý tưởng lớn - chúng còn rất gai góc. Ông tuyên bố rằng Hoa Kỳ đã "trịch thượng" trong những nhận xét vượt quá hai phút được quy định với một hệ số gấp tám lần (Dương đã nói dai nói dài tới 15 phút) ; Mỹ sẽ tốt hơn nếu giải quyết các vấn đề nhân quyền “thâm căn cố đế” của chính mình, chẳng hạn như phân biệt chủng tộc (một “lịch sử giết người da đen lâu đời”), hơn là thuyết giảng cho Trung Quốc.

Câu hỏi còn lại là chính quyền Biden có thể đối mặt với Khủng hoảng Đài Loan nhanh chóng đến mức nào, liệu có phải là một “cuộc cách ly” nhẹ nhàng, một cuộc phong tỏa toàn diện hay một cuộc đổ bộ xâm nhập bất ngờ ? Nếu Hastings đúng, đây sẽ là Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba trong Chiến tranh Lạnh lần thứ hai, nhưng với các vai trò bị đảo ngược, vì hòn đảo tranh chấp thậm chí còn xa Mỹ hơn cả Cuba cách xa nước Nga. Nếu Stavridis đúng, Đài Loan sẽ giống Bỉ vào năm 1914 hay Ba Lan năm 1939 hơn. (Đức xâm chiếm Bỉ vào tháng 8 năm 1914; Liên Xô tấn công Ba Lan ngày 17 tháng 9 năm 1939 và thủ đô Warszawa của Ba lan bị Liên xô chiếm ngày 28 tháng 9 năm 1939….THS)

Nhưng tôi có một phép loại suy khác trong tâm trí. Có lẽ Đài Loan sẽ có một kết quả không ngờ là đế chế Mỹ trở thành Đế chế Anh với những gì ở kênh Suez vào năm 1956: thời điểm mà con sư tử đế quốc lộ diện như một con hổ giấy. Khi tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser quốc hữu hóa kênh đào Suez, Thủ tướng Anh, Anthony Eden đã hợp lực với Pháp và Israel để cố gắng giành lại nó bằng vũ lực. Sự phản đối của người Mỹ đã dẫn đến một cuộc chạy đua với đồng bảng Anh và sự sỉ nhục của người Anh.

Đầu tiên, tôi phải vật lộn để xem ​​chính quyền Biden đáp trả cuộc tấn công của Trung Quốc vào Đài Loan bằng sự kết hợp của lực lượng quân sự và các biện pháp trừng phạt tài chính mà Blackwill và Zelikow dự tính. Sullivan đã viết một cách hùng hồn về sự cần thiết của một chính sách đối ngoại mà giới trung lưu Mỹ có thể hậu thuẩn phía sau. Cầm đuốc tìm khắp Đài Bắc dường như cũng không tìm thấy sự phù hợp với áp phích đó.

Về phần bản thân Biden, liệu ông có thực sự sẵn sàng gây nguy hiểm cho sự bùng nổ sau đại dịch mà các chính sách kinh tế của ông đang thúc đẩy, chỉ vì lợi ích của một hòn đảo mà Kissinger đã từng lặng lẽ chuẩn bị đánh đổi để theo đuổi tình trạng lắng dịu của Chiến tranh Lạnh ? Ai sẽ bị tổn thương nhiều hơn bởi cuộc khủng hoảng tài chính mà Blackwill và Zelikow tưởng tượng trong trường hợp xảy ra chiến tranh ở Đài Loan - Trung Quốc, hay chính Mỹ ? Một trong hai siêu cường có thâm hụt tài khoản vãng lai 3,5% GDP (quý 2 năm 2020) và vị thế đầu tư quốc tế ròng bị âm gần 14 nghìn tỷ đô la, đó không phải là Trung Quốc. Tên họ của bộ trưởng ngoại giao chắc chắn sẽ là một sự cám dỗ không thể cưỡng lại ở tiêu đề của các nhà báo, nếu Hoa Kỳ nhắm mắt làm ngơ trước những gì mà sẽ là cuộc Khủng hoảng Đài Loan lần thứ tư và lớn nhất kể từ năm 1954 .

Tuy nhiên, hãy nghĩ điều đó có nghĩa là gì. Mất mát ở Việt Nam cách đây 5 thập kỷ hóa ra chẳng có gì là quan trọng lắm, ngoại trừ những cư dân bất hạnh của miền Nam Việt Nam. Hầu như không có bất kỳ hiệu ứng domino nào ở châu Á nói chung, ngoài thảm họa con người ở Campuchia. Tuy nhiên, thua - hoặc thậm chí không chiến đấu - Đài Loan sẽ được xem trên toàn châu Á như là dấu chấm hết cho sự thống trị của Mỹ trong khu vực, mà ngày nay chúng ta gọi là “Ấn Độ - Thái Bình Dương”. Nó sẽ xác nhận giả thuyết lâu đời về việc Trung Quốc trở lại vị trí thống trị ở châu Á sau hai thế kỷ bị lu mờ và "bị sỉ nhục". Nó có nghĩa là vi phạm "chuỗi đảo đầu tiên" mà các chiến lược gia Trung Quốc tin rằng bao vây họ, cũng như giao cho Bắc Kinh quyền kiểm soát vi mạch bán dẫn Mecca TSMC (hãy nhớ rằng chất bán dẫn, không phải dữ liệu, là thứ dầu lửa mới). Nó chắc chắn sẽ gây ra một cuộc chạy đua với đồng đô la và Kho bạc Hoa Kỳ. Đó sẽ là kênh Suez của Mỹ.

Con cáo đã có một cuộc chạy đua tốt. Nhưng điều nguy hiểm của chính sách đối ngoại giống cáo là bạn quan tâm đến quá nhiều vấn đề khiến bạn có nguy cơ mất tập trung. Ngược lại, con nhím biết một điều to lớn. Điều to lớn đó có thể là việc người nào cai trị Đài Loan thì người đó thống trị thế giới.


_ Niall Ferguson là Thành viên cấp cao của Gia đình Milbank tại Viện Hoover thuộc Đại học Stanford và là nhà báo chuyên mục Ý kiến ​​của Bloomberg. Trước đây ông là giáo sư khoa lịch sử tại Harvard, Đại học New York và Oxford. Ông là người sáng lập và là giám đốc điều hành của Greenmantle LLC, một công ty tư vấn có trụ sở tại New York.


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.