Kình địch Mỹ-Trung là cuộc chiến về giá trị (ý thức hệ).

Cạnh tranh quyền lực lớn không thể chiến thắng được, nếu chỉ vì lợi ích.

Phó Chủ tịch Trung Quốc lúc bấy giờ, Tập Cận Bình, nói chuyện với một lớp học ở Los Angeles khi Phó Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Joe Biden đang ngồi xem, tháng 2 năm 2012…/ David McNew / Reuters

Hal Brands và Zack Cooper…Ngày 16 tháng 3 năm 2021…Theo Foreign Affairs

Trần H Sa lược dịch.

Trên lộ trình tranh cử, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết đặt các giá trị làm trọng tâm trong chính sách Trung Quốc của chính quyền ông. Kể từ khi nhậm chức, ông đã kêu gọi các nền dân chủ trên thế giới chuẩn bị cho một kỷ nguyên cạnh tranh chiến lược mới với Trung Quốc, trong đó họ “làm việc cùng nhau để bảo đảm hòa bình, bảo vệ các giá trị chung của chúng ta và thúc đẩy sự thịnh vượng của chúng ta trên khắp Thái Bình Dương”. Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia tạm thời của Biden gắn nhãn dân chủ là “lợi thế cơ bản nhất của chúng tôi” và khẳng định “mô hình của chúng tôi không phải là dấu tích của lịch sử; đó là cách tốt nhất duy nhất để hiện thực hóa lời hứa về tương lai của chúng ta”. Khi chính quyền chuẩn bị cho cuộc gặp cấp cao đầu tiên với các quan chức Trung Quốc trong tuần này, rõ ràng họ đã chấp nhận quan điểm rằng sự đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh được thúc đẩy bởi sự cạnh tranh giữa các lý tưởng và cạnh tranh giữa các hệ thống chính phủ cũng như cạnh tranh lợi ích.

Một số người tự mô tả chính sách đối ngoại là “theo chủ nghĩa hiện thực”, cho rằng ý thức hệ và địa chính trị là một sự kết hợp nguy hiểm. Họ tin rằng sự pha trộn hai thứ đó đã khiến Hoa Kỳ áp dụng một chiến lược Manichaean (chủ thuyết Manichaean mô tả cuộc đấu tranh giữa thế giới tinh thần tốt đẹp của ánh sáng với thế giới vật chất xấu xa của bóng tối …THS) và phản tác dụng trong Chiến tranh Lạnh. Tốt hơn, các nhà phân tích này lập luận, nên tiếp cận cuộc đối đầu theo các thuật ngữ chính trị thực tế – là một cuộc tranh giành quyền lực không thân thiện, không để lộ cảm xúc – và đặt các giá trị (ý thức hệ) sang một bên.

Tuy nhiên, việc loại bỏ ý thức hệ khỏi nghệ thuật lãnh đạo đất nước của Mỹ sẽ vừa không mang tính lịch sử vừa không mang tính chiến lược. Hoa Kỳ đã chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh chính xác là vì họ đặt các giá trị (ý thức hệ) gần trung tâm của cuộc cạnh tranh đó. Tương tự như vậy, nếu ngày nay Washington hy vọng hiểu được Bắc Kinh, huy động những người bạn dân chủ của mình trong một cuộc đấu tranh lâu dài, và khai thác những lợi thế bất đối xứng của bạn bè, thì Mỹ phải coi trọng ý thức hệ. Các thỏa hiệp sẽ là cần thiết : Hoa Kỳ chưa bao giờ áp dụng cách tiếp cận khắt khe về mặt ý thức hệ trong Chiến tranh Lạnh, và ngày nay Mỹ không thể làm như vậy. Nhưng bây giờ cũng như trong quá khứ, một chiến lược yêu cầu Hoa Kỳ gạt sang bên các giá trị (ý thức hệ) và lý tưởng của mình sẽ là không khôn ngoan và không thực tế.

MỘT THẾ GIỚI AN TOÀN ĐỂ TỰ CHỦ.

Mặc dù cuộc cạnh tranh với Trung Quốc không phải là sự tái hiện Chiến tranh Lạnh, nhưng lịch sử của cuộc đấu tranh đó vẫn có thể chứa đựng những bài học hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách ngày nay. Trong “Bài báo X” nổi tiếng năm 1947 của ông trên trang Foreign Affairs này, George Kennan lập luận rằng sự thù địch của chế độ Liên Xô đối với phương Tây bắt nguồn từ ý thức hệ – sự pha trộn độc hại giữa giáo điều cộng sản và hiểu biết lịch sử của Nga, khiến Điện Kremlin không thể đoan chắc và không thể thúc đẩy được một nhiệm vụ không ngừng nhằm làm suy yếu, và cuối cùng, lật đổ các đối thủ tư bản của nó. Do đó, Kennan tuyên bố, Chiến tranh Lạnh không thể kết thúc cho đến khi nào Washington bảo đảm “sự tan rã của Liên xô hoặc dần dần làm cho sức mạnh của Liên Xô chín rụng”.

Cũng như với Điện Kremlin thời Liên Xô, ác cảm của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với Hoa Kỳ ngày càng sâu sắc. Một tài liệu quân sự của Trung Quốc ngay từ năm 1993 đã lập luận rằng : “Bởi vì Trung Quốc và Hoa Kỳ có những xung đột từ lâu về ý thức hệ, hệ thống xã hội và chính sách đối ngoại khác nhau, về căn bản nó sẽ chứng tỏ là không thể cải thiện được quan hệ Trung-Mỹ”.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ lâu đã giả định một cách chính xác rằng, những người đồng cấp của họ ở Washington sẽ không bao giờ coi một Đảng Cộng sản độc tài là hoàn toàn hợp pháp; thậm chí bài phát biểu nổi tiếng năm 2005 của Robert Zoellick thúc giục Bắc Kinh trở thành một bên liên quan có trách nhiệm đã nhấn mạnh rằng “Trung Quốc cần một quá trình chuyển đổi chính trị hòa bình để khiến chính phủ của họ chịu trách nhiệm và có trách nhiệm giải trình với người dân của họ”. Mặc dù lâu nay Bắc Kinh nghi ngờ Washington đang tích cực cố gắng lật đổ chế độ của họ là điều không đúng, nhưng nó dẫn đến cảm giác dễ bị tổn thương của Đảng Cộng sản Trung Quốc trước một trật tự quốc tế được dẫn dắt bởi các nền dân chủ và bắt nguồn từ các giá trị tự do.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có vẻ tin rằng những nỗ lực nhằm gia tăng sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc không thể thành công hoàn toàn, trừ khi trật tự toàn cầu trở thành một thứ mà trong đó một siêu cường độc đoán có thể phát triển mạnh mẽ. Thông qua cưỡng bức kinh tế và áp lực ngoại giao, Bắc Kinh đã tìm cách đàn áp ngôn luận — ngay cả trong các xã hội dân chủ như Úc và New Zealand— được coi là gây tổn hại cho Đảng Cộng sản. Trong khi đó, Trung Quốc đang cung cấp thiết bị giám sát cho các nhà cầm quyền phi tự do, hẹp hòi trên toàn cầu, đồng thời nỗ lực thay đổi các quy tắc và hoạt động của các tổ chức quốc tế để họ ủng hộ các mô hình độc đoán như của Bắc Kinh. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang thúc đẩy chủ nghĩa độc tài ở bên ngoài biên giới của họ, vì cùng một lý do như người Mỹ cổ vũ nền dân chủ ở nước ngoài : họ mong đợi được an toàn và có ảnh hưởng hơn trong một thế giới chia sẻ các giá trị chính trị của họ.

HUY ĐỘNG NGƯỜI MỸ.

Vào tháng 3 năm 1947, khi Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman phát biểu tại một phiên họp chung của Quốc hội để yêu cầu viện trợ cho Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, ông đã đưa ra vấn đề này bằng các thuật ngữ ý thức hệ rộng rãi. Ông tuyên bố: “Vào thời điểm hiện tại trong lịch sử thế giới, gần như mọi quốc gia đều phải lựa chọn giữa những cách sống khác nhau. Tôi tin rằng đó phải là chính sách của Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ cho những người dân tự do, những người đang chống lại âm mưu khuất phục bởi các nhóm thiểu số có vũ trang hoặc bởi các áp lực từ bên ngoài.”

Truman có lý do chính đáng để định hình cuộc xung đột theo cách này. Giáo sư Aaron Friedberg tại Princeton đã viết vào năm 2018 : “Khái niệm trừu tượng về địa chính trị và số liệu thống kê kinh tế có thể rất quan trọng, nhưng về mặt lịch sử, những gì đã tác động và thúc đẩy người dân Mỹ là sự thừa nhận rằng, các nguyên tắc mà dựa vào đó hệ thống của họ được thành lập đang bị đe dọa”. Sự đồng thuận trong Chiến tranh Lạnh phản ảnh niềm tin gấp đôi rằng Liên Xô đe dọa an ninh và đe dọa các giá trị của Hoa Kỳ. Ngược lại, khi Hoa Kỳ dường như bỏ bê vai trò của các giá trị (ý thứ hệ) – như Tổng thống Richard Nixon và Henry Kissinger, ngoại trưởng của Nixon, bị cáo buộc đã làm trong những năm 1970 – chính sách của Hoa Kỳ trở nên không bền vững về mặt chính trị.

Việc huy động người Mỹ ngày nay một lần nữa sẽ đòi hỏi phải khai thác niềm đam mê tự do của họ. Không giống như nhiều vấn đề trừu tượng ở cốt lõi của cạnh tranh Trung-Mỹ – chẳng hạn như cán cân quyền lực ở eo biển Đài Loan, hay ai kiểm soát các mạng thông tin trên thế giới – thực tế cho thấy Trung Quốc thực hiện những hành vi bất lương gây kinh hoàng ở trong nước họ, và đang tìm cách củng cố chủ nghĩa độc tài ở nước ngoài, đó là những việc đang xúc phạm người Mỹ bình thường ở cấp độ gây phản ứng theo bản năng, không cần suy nghĩ về những vấn đề trừu tượng.

Sự suy thoái gần đây trong dư luận quốc tế về Trung Quốc không chỉ đơn giản là phản ứng đối với nguồn gốc của cuộc khủng hoảng COVID-19 – sự kiện cho thế giới thấy một số khuynh hướng nguy hiểm nhất của chủ nghĩa độc tài Trung Quốc – mà còn là các báo cáo về cuộc diệt chủng của Bắc Kinh ở Tân Cương và sự đàn áp ở Hồng Kông . Các cuộc thăm dò cho thấy 86 phần trăm người Mỹ ủng hộ việc trừng phạt các quan chức Trung Quốc có liên quan đến những hành vi ngược đãi này. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo ở cả hai đảng đều ủng hộ sự can dự mạnh mẽ với Đài Loan, một phần vì đây là một nền dân chủ sôi động.

SỰ LÔI CUỐN QUỐC TẾ.

Trong Chiến tranh Lạnh, Washington không theo chủ thuyết nào trong việc xây dựng một liên minh chống Liên Xô : nó hợp tác với những kẻ độc tài khi cần thiết, đặc biệt là bên ngoài châu Âu. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ luôn nhấn mạnh các giá trị chính trị chung, ràng buộc Hoa Kỳ với các đồng minh thân cận nhất – “đức tin chung” của họ – như cựu Ngoại trưởng Dean Acheson nêu ra trong quyền tự do cá nhân và phẩm giá con người. Làm như vậy nhấn mạnh những gì đã gắn kết các đồng minh này, ngay cả trong những bất đồng chính sách rất lớn. Nó thúc đẩy sự hợp tác sâu sắc hơn so với những gì xuất hiện từ cách tiếp cận giao dịch thuần túy. Và bằng cách đặt ý thức hệ vào trung tâm của cuộc cạnh tranh, các quan chức Mỹ nhắc nhở các quốc gia khác rằng, Chiến tranh Lạnh không chỉ là một nhiệm vụ bảo vệ vị trí đứng đầu của Mỹ. Đó là một cuộc đấu tranh để bảo đảm rằng thế giới sẽ mang lại các chuẩn mực và các giá trị của một liên minh dân chủ, chứ không phải là các đối thủ độc tài của nó.

Vì những lý do tương tự, các nguyên tắc được chia sẻ là rất quan trọng để hình thành các liên minh quốc tế vững mạnh ngày nay. Các nền dân chủ châu Âu nằm ngoài tầm với của hầu hết sức mạnh quân sự của Trung Quốc, nhưng dù sao họ vẫn lo ngại trước những thách thức của Trung Quốc đối với các quy tắc và chuẩn mực toàn cầu. Bộ Tứ — Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ — được gắn với nhau một phần bởi cam kết chung (mặc dù không hoàn hảo) đối với các nguyên tắc dân chủ. Những lo ngại về áp lực cưỡng chế từ Đảng Cộng sản Trung Quốc đang khiến các nước này đứng về phía Washington, ngay cả vào thời điểm mà Hoa Kỳ dường như suy yếu, mất tập trung và bị chia rẽ. Và mặc dù những nhà cầm quyền phi dân chủ ở các nước tuyến đầu như Việt Nam có thể phải lãng tránh chương trình nghị sự coi trọng dân chủ, nhưng khó có thể tưởng tượng họ từ chối sự giúp đỡ của Washington trong việc quản lý một Trung Quốc ngày càng hung hăng.

Trên thực tế, việc nhấn mạnh bản chất ý thức hệ của cuộc cạnh tranh là rất quan trọng để đưa ra lý do cho nhiều quốc gia khiến họ ủng hộ Hoa Kỳ. Vì nếu cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ là về quyền lực, thế thì tại sao các quốc gia không bị đe dọa trực tiếp bởi quân đội của Trung Quốc lại quan tâm đến việc Bắc Kinh hay Washington đứng đầu? Điều cuối cùng thu hút nhiều đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ là niềm tin vào một trật tự quốc tế, bắt nguồn từ các giá trị dân chủ, qua đó cho phép nhiều quốc gia thịnh vượng. Nếu Hoa Kỳ bỏ rơi lập luận nguyên tắc này — nếu nó chỉ đơn giản là cường quốc này cạnh tranh với cường quốc khác — thì Hoa Kỳ sẽ mất đi sức hấp dẫn quan trọng nhất của mình.

BẤT CÂN XỨNG VỀ ĐẠO ĐỨC.

Một chiến lược có nguyên tắc cũng nêu bật lợi thế cạnh tranh lớn nhất của Hoa Kỳ : sự bất cân xứng về đạo đức giữa chế độ độc đảng không được bầu cử và các đối thủ dân chủ của nó. Thừa nhận tầm quan trọng của ý thức hệ, sẽ khiến cho việc hợp tác với Đảng Cộng sản Trung Quốc rõ ràng có nghĩa là hoạt động với một chế độ vi phạm một cách có hệ thống các quyền con người của công dân. Nó cho phép Washington tạo ra một sự khác biệt quan trọng giữa Đảng Cộng sản – những kẻ đàn áp mà Hoa Kỳ phản đối – và nhân dân Trung Quốc, những người có nguyện vọng mà Hoa Kỳ nên ủng hộ. Việc tạo ra sự khác biệt như vậy không tương đương với việc thúc đẩy dân chủ thông qua việc thay đổi chế độ một cách mạnh mẽ; đúng hơn, đó là sự thừa nhận rằng bất công ở bất cứ đâu cũng là mối đe dọa đối với công lý ở bất kỳ nơi nào.

Trong Chiến tranh Lạnh, các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ đã khai thác một sự bất đối xứng tương tự. Trong nhiều thập kỷ, Hoa Kỳ luôn chú ý đến việc Moscow đàn áp dân chúng của họ và sự thống trị quân sự của họ ở Đông Âu. Bằng cách đó, Washington đã khiến Liên Xô phải gánh chịu những cái giá phải trả cho ngoại giao và chính trị do việc cầm quyền theo kiểu độc đoán, chuyên quyền. Nó cũng thu hút những người bất đồng chính kiến ​​trong khối Liên Xô, những người đã tìm cách thay đổi hệ thống từ bên trong. Theo thời gian, và đặc biệt là trong những năm 1980, những chiến lược này tỏ ra vô cùng có giá trị trong việc đưa Liên Xô lùi vào thế phòng thủ.

Thật không may, niềm tin vào Hoa Kỳ đã bị xói mòn dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhưng bản chất của hệ thống chính trị Hoa Kỳ đã cho Hoa Kỳ một cơ hội, với sự ra đi của Trump, nước Mỹ đang thiết lập lại bản thân mình với tư cách là một quốc gia có nguyên tắc ủng hộ các giá trị dân chủ và nhân quyền.

QUYỀN LỰC VÀ NGUYÊN TẮC.

Làm mới sự nhấn mạnh về ý thức hệ không cần phải trả giá bằng sự linh hoạt ngoại giao. Hoa Kỳ đã xoay sở để hòa trộn ý thức hệ và chủ nghĩa thực tế trong Chiến tranh Lạnh, và nó sẽ có thể làm như vậy ngày nay.

Từ cuối những năm 1940 trở đi, chiến lược của Mỹ thường mang tính ý thức hệ mạnh mẽ nhưng lại mềm dẻo một cách đáng ngạc nhiên. Năm 1947, Truman tuyên bố rằng Hoa Kỳ phải hỗ trợ nhân dân tự do chống lại áp bức. Chỉ một năm sau, ông ta ném sự ủng hộ của Hoa Kỳ vào sau lưng Josip Broz Tito, nhà độc tài cộng sản của Nam Tư, với hy vọng chia rẽ khối Liên Xô. Vào những năm 1950, John Foster Dulles đã công khai chỉ trích lập trường của các chính phủ từ chối liên kết với Hoa Kỳ, mặc dù ở chổ riêng tư ông đã tỏ ra am hiểu sắc sảo hơn nhiều về những lựa chọn mà họ phải đối mặt. Ba thập kỷ sau đó, các tổng thống Mỹ đã tiến hành các cuộc đàm phán thực dụng với Moscow về một loạt các vấn đề, bao gồm cả kiểm soát vũ khí.

Hoa Kỳ đã phạm phải những sai lầm khủng khiếp trong Chiến tranh Lạnh, nhưng không chính xác khi tuyên bố rằng những sai lầm này thường bị thúc đẩy bởi sự cuồng nhiệt về ý thức hệ. Sai lầm nghiêm trọng nhất trong số những sai lầm đó – sự can thiệp vào Việt Nam – đã đề cao sự tin tưởng điển hình của người Mỹ rằng, bằng cách nào đó Washington có thể cải cách chế độ độc đoán ( !!!..do chiến tranh) ở miền Nam Việt Nam. Nhưng cuộc chiến đó về cơ bản không phải là để minh oan cho chủ nghĩa tự do — thứ động cơ mà một quan chức hàng đầu của Hoa Kỳ ước tính chỉ chiếm mười phần trăm quyết tâm giành chiến thắng của Hoa Kỳ. Nó được thúc đẩy chủ yếu bởi các vấn đề địa chính trị, cụ thể là niềm tin rằng các cam kết của Hoa Kỳ đã trở nên phụ thuộc lẫn nhau về mặt tâm lý và chiến lược, và rằng việc rút lui trong một lĩnh vực sẽ làm suy yếu vị thế trên toàn cầu. (Chiến tranh là môi trường làm cho giới quân sự, nhân viên công quyền dễ bị sai lầm trong ứng xử với người dân của họ; trong khi chính quyền cấp trung ương không hề mong muốn. Sai lầm lớn nhất của người Mỹ là yêu cầu một chính quyền đang quản lý chiến tranh du kích và chiến tranh quy ước phải điều hành theo mô hình của một chính quyền dân chủ trong thời bình....THS).

Ngày nay, các nhà hoạch định chính sách thông minh có thể đàm phán những điểm tạm dừng định kỳ trong cạnh tranh hoặc cô lập các lĩnh vực hợp tác, chẳng hạn như chống biến đổi khí hậu, trong bối cảnh đối đầu ý thức hệ gay gắt. Tránh những can thiệp thiếu khôn ngoan bằng việc thực hiện phán đoán tốt hơn, chứ không phải là việc từ bỏ ý thức hệ. Bây giờ, cũng như trong Chiến tranh Lạnh, không có lý do ý thức hệ cố hữu nào khiến phải làm biến dạng chiến lược của Mỹ.

Thực tế là ý thức hệ đã từng đóng một vai trò lịch sử quan trọng như vậy trong chính sách của Hoa Kỳ, cho thấy Hoa Kỳ không thể tránh cạnh tranh với Trung Quốc về các nguyên tắc cũng như về quyền lực — và Trung quốc không nên cố gắng. Đặt các giá trị và đạo đức sang một bên sẽ lấy đi một trong những lợi thế lớn nhất của Hoa Kỳ và khiến việc tập hợp các liên minh trong và ngoài nước trở nên khó khăn hơn. Nó sẽ làm lợi cho Bắc Kinh bằng cách biến sự đối đầu trở thành một cuộc đấu tranh phi lý về sự thống trị quân sự, chứ không phải là một cuộc đấu tranh về nguyên tắc triết học nào nên cấu trúc cho nền quản trị trong nước và trật tự quốc tế. Việc loại bỏ ý thức hệ khỏi chiến lược của Mỹ, như những người theo chủ nghĩa hiện thực khuyến nghị, là điều không thể và cũng không được mong muốn. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ đủ tinh vi để nhấn mạnh vị trí trung tâm của sức mạnh và nguyên tắc trong Chiến tranh Lạnh. Họ nên mô phỏng cách tiếp cận đó cho ngày nay.


_HAL BRANDS là Giáo sư xuất sắc thuộc Henry A. Kissinger, về các vấn đề toàn cầu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Johns Hopkins, học giả thường trú tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ, và là nhà báo chuyên mục Ý kiến ​​của Bloomberg.

_ZACK COOPER là Thành viên Nghiên cứu tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ và là Đồng Giám đốc của Liên minh Bảo đảm Dân chủ. Trước đây, ông từng là nhân viên tại Hội đồng An ninh Quốc gia và tại Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.

* * *

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.