Kỷ nguyên của liên minh Nhật-Úc là đây.

Thủ tướng Australia Scott Morrison đến sân bay Haneda ở Tokyo vào tháng 11. | REUTERS

YOICHI FUNABASHI…Ngày 21 tháng 3 năm 2021….Theo The Japan Times.

Trần H Sa lược dịch.

Các đại sứ mới được bổ nhiệm từ Nhật Bản đến Australia đều ghen tỵ với các đồng nghiệp của họ, họ thường nói : “Thật tuyệt làm sao khi được bổ nhiệm đến một đất nước mà ở đó chẳng có vấn đề gì thực sự nổi bật cần giải quyết ”. Điều này cũng đúng với các đối tác Úc của họ ở Nhật Bản.

Điều này có thể thay đổi. Giống như đại sứ Nhật Bản tại Hoa Kỳ và người đồng cấp Hoa Kỳ, đại sứ Nhật Bản và Úc sẽ phải đảm nhận nhiệm vụ quan trọng là tăng cường hợp tác chiến lược về các vấn đề quan trọng đối với an ninh quốc gia.

Nhật Bản và Australia không có kiểu liên minh dựa trên hiệp ước giống như Nhật Bản và Mỹ. Tuy nhiên, có vẻ như mối quan hệ Nhật Bản-Australia có thể sẽ phát triển thành một liên minh về thực chất chứ không còn là trên danh nghĩa. Bối cảnh của sự chuyển đổi này là một môi trường quốc tế ngày càng khắc nghiệt hơn.

Trung Quốc đang cố gắng làm suy yếu trật tự quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo, và đặc biệt là các liên minh của Hoa Kỳ, cái mà Trung quốc coi là “di tích của thời kỳ Chiến tranh Lạnh”. Trung Quốc dường như không ngần ngại sử dụng sức mạnh kinh tế và quy mô thị trường của nó làm đòn bẩy cho việc thúc đẩy họ xử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế, nếu họ cho là cần thiết.

Hơn nữa, vết thương chia rẽ trong chính trị và xã hội Mỹ đang ngăn cản Hoa Kỳ, một đồng minh của cả Nhật Bản và Australia, hoàn thành vai trò của họ như là một nhà lãnh đạo toàn cầu. Mặc dù chính quyền Biden đã nhấn mạnh tuyên bố làm mới lại các liên minh và tham gia nhiều hơn vào các công việc của châu Á, nhưng các chính sách thương mại và các vấn đề liên quan đến nhân quyền có thể cản trở nỗ lực tái gắn kết với châu Á của Mỹ.

Thứ nhất, Mỹ sẽ khó tham gia các hiệp định thương mại tự do đa phương như CPTPP, trước sự phản đối từ các liên đoàn lao động là cơ sở ủng hộ của Đảng Dân chủ. Thứ hai, khác với sự thờ ơ của chính quyền Trump đối với các vi phạm nhân quyền, chính quyền Biden đang lớn tiếng đấu tranh trước những lo ngại về nhân quyền - nhưng nó có nguy cơ gây ra phản ứng mạnh trong các nước châu Á, nếu họ bị hiểu lầm khi theo đuổi mục tiêu riêng của mình.

Nhật Bản và Australia đều lo lắng Mỹ sẽ từ bỏ các cam kết với bên ngoài để tập trung vào các mối quan tâm trong nước, từ đó làm suy yếu uy tín quốc tế và khả năng răn đe của Mỹ. Việc Nhật Bản và Australia hợp lực ngày càng sinh động có khả năng thúc ép Mỹ can dự sâu hơn vào châu Á, tăng cường khả năng răn đe và tạo ra một trật tự quốc tế tự do và cởi mở ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Cũng có nhiều lời kêu gọi về một liên minh Nhật-Úc mạnh mẽ hơn, ngày càng tăng từ bên trong ASEAN.

Tháng trước, tôi đã tham dự một hội nghị trực tuyến, riêng tư của các chuyên gia chính sách đối ngoại từ các đồng minh chính của Mỹ và châu Á. Trong hội nghị này, một nhà ngoại giao kỳ cựu của ASEAN đã tuyên bố: “Ngày nay, Nhật Bản và Australia là hai đối tác đối thoại quan trọng nhất của ASEAN… Cả hai quốc gia này đều cam kết sâu sắc đối với một cấu trúc khu vực đa phương và dựa trên luật lệ”. Ông nói thêm, "Ngay cả khi chúng tôi khuyến khích chính quyền Biden tái hợp tác với châu Á, kỳ vọng của chúng tôi về Nhật Bản và Úc vẫn rất cao."

Khi Thủ tướng Australia, Scott Morrison thăm Nhật Bản vào tháng 11 năm ngoái, ông và Thủ tướng Yoshihide Suga đã đạt được thỏa thuận về khuôn khổ chung cho một Thỏa thuận Tiếp cận Lẫn nhau (Reciprocal Access Agreement, RAA). Thỏa thuận Tiếp cận Lẫn nhau làm rõ tình trạng pháp lý của các lực lượng vũ trang Nhật Bản và Australia đang hoạt động tại mỗi quốc gia của nhau, bao gồm cả các vấn đề thuộc thẩm quyền hình sự.

Mặc dù Nhật Bản tiếp tục sử dụng hình phạt tử hình (và vấn đề là liệu quân đội Úc có thể phải đối mặt với án tử hình nếu bị tuyên bố phạm tội nghiêm trọng ở Nhật Bản hay không) là một điểm mấu chốt quan trọng trong các cuộc đàm phán, cả hai bên cuối cùng đã đưa ra những nhượng bộ cần thiết để vượt qua rào cản này, ở mức độ sẳn sàng áp dụng. Nếu thỏa thuận RAA có thể được hoàn thiện, nó sẽ cải thiện đáng kể khả năng tương tác của các lực lượng vũ trang Nhật Bản và Australia.

Nhật Bản và Australia đã ký kết Thỏa thuận Thủ đắc và Phục vụ chéo (Acquisition and Cross-Servicing Agreemen, ACSA), Thỏa thuận An ninh Chung về Thông tin Quân sự (General Security of Military Information Agreement, GSOMIA) và một thỏa thuận về chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng. Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng của hai nước cũng tham gia vào các cuộc đối thoại 'hai cộng hai'.

Dưới thời chính quyền Abe, Nhật Bản đã thiết lập cơ sở pháp lý để đáp ứng các yêu cầu từ các đồng minh của họ nhằm thực hiện quyền tự vệ tập thể (mặc dù với thể thức hạn chế). Trong một cuộc trả lời trước quốc hội, Thủ tướng Shinzo Abe hồi đó ngụ ý rằng, Nhật Bản sẽ đứng ra bảo vệ không chỉ nước Mỹ, mà còn cả Australia, trong trường hợp khủng hoảng xảy ra.

Tuy nhiên, mối quan hệ Nhật Bản-Australia vẫn chưa trở thành một liên minh thực sự. Người Úc cho rằng tốc độ hoạch định chính sách của Nhật Bản là quá chậm. Tôi thường xuyên nghe thấy sự bực tức được bày tỏ liên quan đến việc Nhật Bản và Úc đã phải mất sáu năm, để đạt được thỏa thuận về khuôn khổ chung của Thỏa thuận Tiếp cận Lẫn nhau.

Ngoài ra còn có vấn đề hợp tác tình báo. Australia đã ủng hộ việc đưa Nhật Bản vào "Five Eyes" (một liên minh giữa các cơ quan tình báo của Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand), nhưng cảm thấy rằng "văn hóa tình báo" của Nhật Bản cần phải được cải cách.

Các mối quan tâm cụ thể bao gồm tính chuyên nghiệp và khả năng tiếng Anh của các quan chức tình báo Nhật Bản (tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức trên thực tế của liên minh tình báo Five Eyes), và nhu cầu làm cầu nối trước đường phân giới của chính sách  tình báo, cùng làm rõ vai trò tương ứng của mỗi bên. Thật vậy, Mỹ vẫn thận trọng về vấn đề Nhật Bản trở thành thành viên của Five Eyes do có những nghi ngại tương tự.

Trong khi đó, Nhật Bản nhận thấy rủi ro về sự khác biệt lớn giữa các chính sách (đặc biệt là chính sách đối với Trung Quốc) của các chính quyền Tự do và Lao động sau này ở Úc. Nhật cũng lo ngại về sự thờ ơ của các chính quyền tiểu bang của Úc đối với các vấn đề an ninh quốc gia, như được thể hiện qua việc chính quyền tiểu bang Lãnh thổ phương Bắc ( Northern Territory ) cho một tập đoàn Trung Quốc thuê dài hạn Cảng Darwin có ý nghĩa chiến lược.

Nhật Bản và Úc phải hợp tác để duy trì và phát triển quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ của họ, cùng đóng góp vào việc ổn định quan hệ kinh tế với Trung Quốc, và bao gồm Hoa Kỳ trong nỗ lực này nhằm đạt được mô hình hợp tác Nhật Bản - Mỹ - Úc. Đây sẽ là giá trị gia tăng thực sự của một  liên minh Nhật-Úc.

* * * * *

_ Yoichi Funabashi là chủ tịch của Sáng kiến ​​Châu Á Thái Bình Dương và là cựu tổng biên tập của tờ Asahi Shimbun. Đây là bản dịch từ chuyên mục của ông ấy trên tờ Bungei Shunju hàng tháng.

* * *

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.