Nhật Bản có thể làm gì trong cuộc đụng độ Đài Loan - Trung Quốc ?

Thủ tướng Yoshihide Suga và Bộ trưởng Ngoại giao Toshimitsu Motegi tham dự cuộc gặp với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tại văn phòng Thủ tướng ở Tokyo vào ngày 16 tháng 3 | REUTERS

MICHAEL MACARTHUR BOSACK… Ngày 24 tháng 3 năm 2021… Theo The Japan Times

Trần H Sa lược dịch.

Trong cuộc họp “hai cộng hai” diễn ra vào tuần trước, chính phủ Nhật Bản và Hoa Kỳ đã chỉ trích Trung Quốc một cách không lập lờ, nhấn mạnh những nỗ lực đơn phương và trái pháp luật của nước này nhằm thay đổi hiện trạng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Kể từ đó, đã có nhiều tranh luận về việc này có ý nghĩa gì đối với khu vực, đặc biệt là trong bối cảnh của Đài Loan.

Đặt giả thuyết, hãy tưởng tượng một sự cố xảy ra giữa Trung Quốc và Đài Loan, kích hoạt một chu kỳ leo thang, và Trung Quốc quyết định khai thác cơ hội để hiện thực hóa mong muốn từ lâu là thôn tính quốc đảo này. Nhật Bản phản ứng như thế nào trong tình huống đó?

Vấn đề cụ thể về những gì Nhật Bản sẽ làm, là một vấn đề chính sách mà không có câu trả lời chắc chắn. Rốt cuộc, các chính sách thay đổi khiến rất khó để dự đoán điều gì sẽ xảy ra ở chính trường Nhật bản ngay trong ngày, huống hồ là nói đến tương lai. Tuy nhiên, có một câu hỏi đặt ra là Nhật Bản có thể làm gì. Nói cách khác, những gì được phép làm theo luật quốc tế và luật trong nước của Nhật Bản?

Câu trả lời cho vấn đề về luật quốc tế khá đơn giản, vì nó được hệ thống hóa trong Hiến chương Liên hiệp quốc và được làm rõ theo tiền lệ pháp lý quan trọng từ các phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế. Tóm lại, theo luật pháp quốc tế, Nhật Bản có thể sử dụng lực lượng quân sự để thực hiện quyền tự vệ tập thể, với điều kiện chính phủ Đài Loan yêu cầu.

Mọi thứ trở nên u ám hơn một chút khi người ta bắt đầu xem xét luật trong nước của Nhật Bản. Nhiều người biết đến Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản, trong đó nghiêm cấm việc sử dụng vũ lực quân sự như một phương tiện để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Theo cách diễn giải phân rõ trắng đen, điều này có thể cho thấy rằng Nhật Bản không thể thực hiện quyền tự vệ tập thể và do đó sẽ không thể làm gì nhiều để hỗ trợ Đài Loan.

Hầu hết các nhà quan sát về an ninh Nhật Bản biết rằng hầu như không có gì trong thực tiễn an ninh Nhật Bản là phân rõ trắng đen, ít nhất là trong mọi giải thích Điều 9 của Hiến pháp. Hiến pháp, mặc dù chưa bao giờ được sửa đổi, nhưng đã được diễn giải lại một vài lần. Diễn giải lại gần đây nhất xảy ra vào tháng 7 năm 2014 để làm rõ rằng trên thực tế, Nhật Bản có thể thực hiện quyền tự vệ tập thể một cách hạn chế.

Cách diễn giải này đã chính thức được hệ thống hóa thành luật trong Đạo Luật Hòa bình và An ninh năm 2015. Trong khi các học giả pháp lý có thể nói không ngừng về mọi khía cạnh khác nhau của các dự luật năm 2015 và ý nghĩa của chúng, điều quan trọng nhất cần hiểu về chúng là các dự luật đó đã thiết lập ba tình huống cụ thể. Tuyên bố của Nội các và Nghị viện về những tình huống này mở ra những bảng tùy chọn cho các cơ quan có thẩm quyền trong chính phủ Nhật Bản và Lực lượng Phòng vệ.

Tình huống đầu tiên là "kokusai heiwa kyodo taisho jitai" , hoặc, theo cách dịch của chính phủ Nhật Bản, nó là, các tình huống mà cộng đồng quốc tế đang chung sức giải quyết vì hòa bình và an ninh (để dễ tham khảo, chúng ta hãy gọi nó là “tình huống phản ứng của liên minh”).

Tình huống Phản ứng của Liên minh được hình dung giống như cuộc khủng hoảng ở eo biển Hormuz. Các nhiệm vụ có thể thi hành của Nhật Bản đối với tình huống này bị giới hạn trong các hoạt động hỗ trợ hậu cần, tìm kiếm cứu nạn, kiểm tra tàu thuyền, và trong mọi trường hợp, nhân viên của Lực lượng Phòng vệ không được phép tham gia vào các hoạt động chiến đấu. Nhiều nguyên tắc pháp lý trong Tình huống Phản ứng của Liên minh được xây dựng dựa trên Đạo Luật Các Biện pháp Đặc biệt của Nhật Bản, được thông qua ngay sau ngày 11/9 cho phép Lực lượng Phòng vệ hỗ trợ cho Cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu của Mỹ. Do đó, tình huống này, liên quan đến mối quan hệ lỏng lẻo hơn với khả năng tự vệ riêng lẻ của Nhật Bản, khó có thể bảo vệ được kịch bản Đài Loan nêu trên.

Loại tình huống thứ hai là "jyuyo eikyo jitai", hay tình huống "có ảnh hưởng quan trọng". Đây là nơi xuất hiện một cuộc khủng hoảng an ninh mà nếu không được kiểm soát, có khả năng ảnh hưởng đến an ninh của chính Nhật Bản. Tình huống Ảnh hưởng Quan trọng là sự tiến triển từ cái mà trước đây được gọi là “Tình hình ở các khu vực xung quanh Nhật Bản”, có nghĩa là chính phủ Nhật Bản thực sự hình dung điều này cho các kịch bản khu vực mà nó liên quan đến Triều Tiên hoặc Đài Loan.

Theo Tình huống có Ảnh hưởng Quan trọng, Nhật Bản không có quyền tham gia vào các hoạt động chiến đấu; thay vào đó, nó có thể cung cấp hỗ trợ tương tự như được hệ thống hóa theo Tình huống Phản Ứng của Liên minh (hỗ trợ hậu cần, tìm kiếm cứu nạn, và các hoạt động kiểm tra tàu thuyền). Có một số điều bổ sung mà Nhật Bản có thể làm trong tình huống này, chẳng hạn như rà quét mìn, bảo vệ các phương tiện quân sự và dân sự khi họ ra vào vùng chiến sự, và cung cấp các cơ sở trên lãnh thổ Nhật Bản để hỗ trợ các chính phủ và quân đội các đối tác tích cực tham gia vào khủng hoảng an ninh.

Tình huống cuối cùng là "sonritsu kiki jitai" (tình huống" đe dọa sự sống còn ”), trong đó một quốc gia đối tác thân thiện của Nhật Bản bị tấn công, và sự tồn vong của chính Nhật Bản bị đe dọa. Trong một cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Đài Loan, đây có thể là tình huống trong tầm tay để Nhật Bản thực hiện quyền tự vệ tập thể, nếu Đài Loan yêu cầu, hoặc nếu Hoa Kỳ cũng tham gia và yêu cầu tương tự. Trong tình huống "đe dọa sự sống còn", hầu như tất cả các cơ quan chức năng đều sẵn sàng cung cấp quyền tự vệ tập thể mà chính phủ Nhật Bản và Lực lượng Phòng vệ cần phải có, nếu chính Nhật Bản bị tấn công.

Tuy nhiên, có một chốt chặn to lớn. Các hạn chế dành cho việc tuyên bố Tình huống Đe dọa sự Sống còn vẫn rất nghiêm ngặt, điều đáng ngờ là liệu tình huống như vậy có thực sự được tuyên bố hay không, hoặc thậm chí có bất kỳ tính thiết thực nào hay không khi theo đuổi nó. Nhật Bản chỉ có thể tuyên bố Tình trạng Đe dọa sự Sống còn và thực hiện quyền tự vệ tập thể theo ba điều kiện: Thứ nhất, chính phủ phải chứng minh một cách đáng tin cậy rằng sự tồn vong của chính Nhật Bản đang bị đe dọa; thứ hai, nó phải xác định rằng không có phương tiện nào khác có sẵn để giải quyết tình hình; và thứ ba, bất kỳ lực lượng nào nó sử dụng phải ở mức tối thiểu nhất .

Để bảo đảm nó đáp ứng được ba điều kiện đó, luật pháp quy định rằng chính phủ Nhật Bản phải xây dựng một kế hoạch cơ bản ( kihon keikaku ) trong đó nêu rõ ràng mọi thứ mà Lực lượng Phòng vệ và các cơ quan chính phủ khác sẽ hành động, để đối phó với tình hình từ đầu đến cuối. Điều này đòi hỏi trên cơ bản phải thiết lập một danh sách rõ ràng các loại hoạt động được ủy quyền, có nghĩa là chỉ những thứ có trong kế hoạch cơ bản thì cuối cùng mới có thể thực thi được. Kế hoạch cơ bản đó phải được thông qua bởi một quyết định của nội các trước khi đưa ra Nghị viện để phê duyệt. Chỉ khi đó, chính phủ Nhật Bản mới có thể ban hành cho các cơ quan chức năng sẳn sàng thực hiện theo Tình huống Đe doạ sự Sống còn.

Hiểu được tất cả các điều kiện pháp lý này, chúng ta thấy khá rõ ràng phản ứng của Nhật Bản có thể là gì, trong cuộc xung đột bị quân sự hóa giữa Trung Quốc và Đài Loan. Nhật Bản có thể theo đuổi tuyên bố Tình trạng Ảnh hưởng Quan trọng, trong trường hợp đó, Lực lượng Phòng vệ sẽ xem xét tiến hành các hoạt động hỗ trợ bên ngoài các hoạt động chiến đấu, trong khi chính phủ Nhật Bản cung cấp các cơ sở và căn cứ mà quân đội của các đối tác có thể sử dụng để hỗ trợ việc bảo vệ Đài Loan.

Tất nhiên, đây chỉ là những gì cụ thể mà luật đưa ra, nhưng khi tình huống thúc đẩy đi đến xô xát một cách thô bạo, tất cả sẽ chuyển sang những gì mà Đài Loan cần trong một kịch bản cụ thể, và chính phủ Nhật Bản sẵn sàng đưa ra các quyết định chính sách. Đài Loan sẽ yêu cầu Nhật Bản thực hiện quyền tự vệ tập thể ? Liệu chính phủ Nhật Bản sẽ quyết định tuyên bố Tình trạng Ảnh hưởng Quan trọng hay Tình trạng Đe dọa Sự sống còn, hay họ sẽ vượt qua bảng chỉ đường đó và theo đuổi Luật Biện pháp Đặc biệt? Nhật Bản sẽ sử dụng sức mạnh ngoại giao và kinh tế thượng đẳng của mình như thế nào để tác động đến kết quả trong tình huống này, thay vì cố gắng sử dụng Lực lượng Phòng vệ ?

Có rất nhiều câu hỏi chưa được trả lời đang ở ngoài những gì mà bài viết này có thể giải quyết. Tuy nhiên, việc hiểu luật pháp quy định những gì để Nhật Bản có thể làm và những gì trong quy trình pháp lý để hành động, điều đó sẽ mang lại những kỳ vọng hoàn toàn thực tế. Đối với bất kỳ ai hiện đang xem xét vấn đề Trung Quốc và Đài Loan, những kỳ vọng thực tế sẽ giúp đưa ra chính sách tốt hơn.


_ Michael MacArthur Bosack là cố vấn đặc biệt về quan hệ chính phủ tại Hội đồng Yokosuka chuyên Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương. Trước đây, ông từng phục vụ trong chính phủ Nhật Bản với tư cách là thành viên cao cấp.


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.