Qủa bom thịnh nộ hẹn giờ phát nổ.

Trump không phải là kẻ khác thường, mà là một phần của cuộc nổi dậy toàn cầu.

Khi những kẻ bạo loạn xông vào Tòa nhà Capitol vào ngày 6 tháng 1, một số người đã phất lá cờ Mỹ. Nhưng đây không chỉ là một cơn giận dữ của người Mỹ. (Ảnh: Manuel Balce Ceneta / AP)

Nadav Eyal, ngày 15 tháng 3 năm 2021… Theo Persuansion.

Trần H Sa lược dịch.

Người Mỹ thường khó nắm bắt được đất nước của họ được người ở bên ngoài bờ biển nước Mỹ nhìn nhận nó như thế nào. Khi tôi còn là một nhà báo trẻ vào năm 2002, tôi được phân công tháp tùng phái đoàn của Thủ tướng Ariel Sharon ở Washington, DC - lần đầu tiên tôi đến thủ đô Hoa Kỳ với tư cách là người đã trưởng thành. Đột nhiên, tôi hiểu ra trật tự sinh hoạt tại nơi mà tôi đang sống, ở Israel xa xôi. Nó có thể tương tự như trải nghiệm của một thanh niên từ quê lên tỉnh vào thuở xa xưa. ( từ Iberia đến thăm Rome vào thế kỷ thứ 2 sau Công Nguyên). Bạn nhận ra rằng những bài diễn thuyết chính trị, kinh tế, thậm chí cả thẩm mỹ ở quê nhà bạn, là một bản sao y nguyên bản chánh của bản nguyên mẫu ở đây, được lồng tiếng thành ngôn ngữ của chính họ.

Chiến thắng của Tổng thống Biden đã gửi một tín hiệu đến thế giới. Như ông ấy đã nói, "Nước Mỹ đã trở lại." Nhưng phần lớn những gì đã qua đi sẽ không trở lại nhanh chóng. Quan điểm cho rằng Hoa Kỳ có thể được tin cậy để đứng vững trong các thỏa thuận của Mỹ và các đồng minh của họ, đã bị tan vỡ. Hình ảnh của những kẻ bạo loạn trong hội trường Quốc hội có thể lâu dài hơn, và mang tính biểu tượng hơn nhiều so với lễ nhậm chức và những lời lẻ hùng hồn bay bổng từ đó.

Những gì mà các đồng minh và các đối thủ của Mỹ đã thấy trong cuộc tấn công vào Quốc hội là sự yếu kém, phản ảnh sự thay đổi sâu sắc nền chính trị của chính chúng ta. Trong những năm Trump, người Mỹ đã quá tập trung vào sự hỗn loạn của chính họ, đến mức họ ít chú ý đến việc chủ nghĩa Trump đang trở thành vũ khí chống lại chủ nghĩa tự do ở khắp mọi nơi, từ châu Âu đến Nam Á đến Nam Mỹ, như thế nào. Tại Israel, nhiều người trong phe cánh hửu bảo thủ nhuốm màu sắc tôn giáo đã cầu nguyện cho Trump. Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã đưa hình ảnh của tổng thống Mỹ vào một quảng cáo bầu cử, với khẩu hiệu “Ở một giải đấu khác”. Đây không chỉ là chủ nghĩa cơ hội; đó là ý thức hệ thời đại.

Chúng ta đang ở trong thời đại nổi dậy mù quáng. Những kẻ đột nhập Quốc hội và xúc phạm nền dân chủ Hoa Kỳ, có lẽ không có kế hoạch chi tiết nào ngoài việc ngăn chặn các tiến trình dân chủ, phá hủy địa điểm, và — ít nhất — đe dọa các công chức trong quá trình thi hành nhiệm vụ của họ. Đúng, họ là những người ủng hộ Trump. Nhưng giống như nhiều người đã bỏ phiếu cho Brexit, họ đang nhắm đến việc phá hủy các cấu trúc quyền lực mà lại không có bất cứ thứ gì để thay thế chúng. Các cuộc nổi dậy mà chúng ta đang thấy là sự pha trộn giữa những hình ảnh kinh khủng với những lời ngụy biện ngớ ngẩn, khoa trương và kích động bất hòa — nhưng không có những mục đích nhất quán hay ý thức hệ hợp lý.

Các đồng nghiệp người Mỹ của tôi bày tỏ sự kinh hoàng và phân bua sau cuộc tấn công vào Quốc hội. Kinh hoàng, vì họ khó có thể hiểu rằng điều này đã xảy ra. Phân bua, vì họ đã dự đoán từ lâu rằng những năm Trump sẽ dẫn đến một thảm họa kiểu này. Nhưng họ có xu hướng nghĩ về Trump như là một nhân vật 'không giống ai'. Ông ấy không như vậy. Bối cảnh của cuộc nổi dậy là toàn cầu.

Thời kỳ này sẽ được định nghĩa nhiều hơn bởi những gì nó thiếu, những gì nó đã phá bỏ, chứ không phải bởi những gì mà nó đang xây dựng; nó liên quan đến việc phá bỏ hệ thống hơn là tạo ra một hệ thống mới. Cuộc nổi dậy là phi tập trung, không có người lãnh đạo, không có những nguyên tắc nhất quán hoặc một giai điệu thống nhất. Nó khoác lấy những chiêu bài khác nhau ở các lục địa khác nhau, và dựa trên nhận thức rằng tầng lớp trung lưu và tầng lớp yếu thế hơn trong xã hội đang bị tấn công trên nhiều mặt. Sếp của bạn có thể sa thải bạn bất cứ lúc nào. Công nghệ không chỉ gây nguy hiểm cho công việc của bạn; nó đang xé toạc các khái niệm về sự thật và những sự kiện thực tế. An toàn tài chính của bạn bị tan vỡ. Cộng đồng của bạn đang thay đổi về mặt nhân khẩu học, và cảm giác nhận dạng cộng đồng bị thách thức. Môi trường đang bị đe dọa. Khủng bố và bạo lực tùy tiện là những thứ bất biến của xã hội.

Cuộc nổi dậy có nhiều mặt nhưng chung một tình cảm : mong muốn lật đổ các cơ cấu quyền lực bị coi là không thích đáng, tham nhũng hoặc không có tính đại diện cho người dân. Hệ thống chính trị của chúng ta không có các công cụ để đối phó với mối đe dọa liên quan đến sự sống còn của chúng ta như biến đổi khí hậu, hoặc kiểm soát các đại tập đoàn quốc tế, hoặc đối phó với tình trạng tháo chạy vốn đầu tư để tìm kiếm những nơi có mức thuế thấp hơn và chi phí lao động rẻ hơn. Những gả khổng lồ về truyền thông xã hội đã trở thành những lực lượng chính trị, cạnh tranh với trật tự tự do đang suy yếu. Chính sách của Facebook liên quan đến các bài đăng về vắc xin Covid-19 hết sức quan trọng đối với sự thành công hay thất bại của việc tiêm chủng hàng loạt, hơn bất kỳ chiến dịch nào của chính phủ.

Tôi sống ở một tỉnh của Đế chế Mỹ (ám chỉ đắt nước Israel….THS ), và chúng tôi thích nghĩ rằng quyền lực hiện tập trung ở Washington. Nhưng về mặt chính trị và kinh tế, điều đó không còn như vậy nữa. Quyền lực ở khắp mọi nơi, và không ở đâu cả. Mọi người càng ngày càng cảm thấy chán nản. Vợ của một công nhân khai thác than ở Pennsylvania nói với tôi trước cuộc bầu cử năm 2016 vài tháng rằng : “Nó luôn thuộc về các quốc gia khác. Nó không bao giờ thuộc ở đây". Cô ấy cảm thấy thất vọng trước tác động của toàn cầu hóa. Nhưng có một điều gì đó phổ biến hơn trong sự bất mãn của cô ấy : đó là, trong một thế giới toàn cầu, không còn câu chuyện đơn giản “ở đây” nữa.

Chính trị đang phản ứng và thích ứng với cuộc nổi dậy: từ chủ nghĩa dân tộc Hindu ở Ấn Độ; đến phong trào Áo Vàng ở Pháp; đến chủ nghĩa dân túy-sô vanh đang cai trị ở Brazil; và những thứ khác. Trong cuộc nổi dậy đang nổi lên này - bị thúc đẩy bởi chủ nghĩa dân túy, cực đoan vô chính phủ, đôi khi phân biệt chủng tộc, nhưng chủ yếu là tình cảm của tầng lớp trung lưu - Covid-19 đã nhúng vào chính loại tình cảm này. Trong năm qua, châu Âu đã chứng kiến ​​các cuộc biểu tình lan rộng, một số bạo lực. Những người Ý biểu tình chống phong tỏa đã ném những chai bom xăng (cocktail Molotov) vào cảnh sát ở Florence, với các vụ phá hoại và bạo lực hơn nữa xảy ra ở Turin và Milan. Những người biểu tình cực hữu ở Đức đã xông vào cổng quốc hội ở Berlin trong một cuộc biểu tình với khoảng 40.000 người, phản đối các biện pháp hạn chế đại dịch. Căng thẳng sắc tộc sục sôi tràn qua nước Bỉ, nổi lên như một ổ dịch mới.

Covid càng trở nên tồi tệ càng gây thất vọng về năng lực phản ứng của các chính phủ dân chủ. Bị khuếch đại bởi những lời nói dối trên mạng trực tuyến, sự bất mãn với trật tự tự do bị biến dạng trở thành những cuộc tấn công vào chính những diễn thuyết sáng suốt. Với Covid, nó có nghĩa là những người chống tiêm chủng vaccine và những người theo chủ nghĩa phủ nhận thực tế, chống lại khoa học. Nhưng nó rộng hơn thế nhiều. Năng lượng của cuộc tâm lý nổi dậy bị khai thác bởi cả những kẻ thù cũ và mới đối với các giá trị khai sáng. Đó là một liên minh không dễ chịu của các chính trị gia, những lang băm, những người theo chủ nghĩa vô chính phủ, những người theo trào lưu chính thống, cộng đồng mạng trực tuyến, ý thức hệ độc tài, những kẻ tân thủ cựu và những người theo thuyết âm mưu.

Người Mỹ có thể muốn xem xét bốn năm qua trong mảng tranh ghép toàn cầu này. Nó có một tầm quan trọng cụ thể đối với Hoa Kỳ như là một cường quốc toàn cầu. Cuộc nổi dậy là sự phá vỡ những thứ vốn là sản phẩm của trật tự tự do. Hầu hết những đặc điểm này - kinh tế tân tự do, chủ nghĩa đa nguyên đương đại, văn hóa kiểu Hollywood - được coi là của Mỹ. Trump, mặc dù là một kẻ cơ hội độc hại, là người không hề trình bày phản ứng một cách chặt chẽ trước những bất bình của thời đại chúng ta, nhưng Trump đã phản ảnh tình trạng bất ổn đương thời.

Nhìn từ nước ngoài, có vẻ như nhiều người ở Mỹ muốn thoát khỏi thời kỳ Trump, vượt qua nó, nghĩ về nó như một trò may rủi của lịch sử, và muốn xóa đi thần tượng của mình. Trong thời kỳ La Mã cổ đại suy tàn, các bức tượng của các hoàng đế bị phế truất và thất sủng cũng bị phá hoại. Nó có lẽ đem lại được sự thỏa mãn. Nhưng nó không ảnh hưởng đến cách giải quyết sự khống chế của quyền lực. Hãy lấy nó khỏi chúng ta, những người bị cai trị bởi 'Netanyahus và Bolsonaros của thế giới' — cội nguồn của cuộc nổi dậy lan rộng và sâu xa. Một trong những người hâm mộ truyền thông của Netanyahu, theo dõi các sự kiện ở Đồi Capitol, đã tweet với sự tán thành: “Không giống như cánh hữu ở Israel, người Mỹ không phải là những kẻ hút máu”. (Netanyahus và Bolsonaros là thủ tướng Israel và tổng thống Brazil)

Việc bác bỏ trật tự tự do không phải là điều bất thường trong tiến trình lịch sử. Nó không phải là một khó khăn cản trở sự phát triển. Nó không phải là một làn sóng dân túy. Đây là hiện trạng mới.

Nếu không thừa nhận rằng sự nổi dậy đang diễn ra và nó nhắm vào các giá trị, cấu trúc xã hội và những sai trái do Mỹ tạo ra, thì trật tự tự do sẽ không thể hình dung lại được. Nếu không có sự thừa nhận này, thông điệp phục hồi từ chính quyền Biden sẽ trở nên vô nghĩa ngay ở trong nước và cả ngoài nước.

Các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy và dân tộc chủ nghĩa trên toàn thế giới đã được dẫn đầu từ Trump. Phản ứng đối với chủ nghĩa Trump đòi hỏi nhiều hơn một sự xóa bỏ hời hợt di sản của ông ta, hoặc soạn lại bổn củ tồi tệ của ông ta. Đi sâu vào những gì đã thực sự xảy ra đối với các nền dân chủ của chúng ta là rất quan trọng - không chỉ đối với nền dân chủ của Mỹ mà còn đối với những nền dân chủ của chúng ta, những người muốn giữ cho nền dân chủ vẫn tồn tại ở cách xa biên giới của nước Mỹ.

Những gì xảy ra ở Washington sẽ không chỉ ở tại Washington. Nó không bao giờ như thế.


_ Nadav Eyal, người phụ trách phần chuyên mục của tờ báo Yediot Ahronot ở Israel , là tác giả của "Revolt: The Worldwide Uprising Against Globalization" (Cuộc Nổi dậy : Cuộc Khởi nghĩa trên toàn thế giới chống lại toàn cầu hóa) .


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.