Quad có thể chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Myanmar.

Các chuyên gia đang bỏ qua ảnh hưởng mạnh mẽ của New Delhi và Tokyo.

Những người biểu tình thực hiện lời chào ba ngón tay, khi lực lượng an ninh tiếp tục đàn áp các cuộc biểu tình chống lại cuộc đảo chính quân sự ở Yangon, Myanmar, vào ngày 13 tháng 3. STR/AFP QUA GETTY IMAGES

NIRANJAN SAHOO, MAIKO ICHIHARA | NGÀY 19 THÁNG 3 NĂM 2021…Theo Foreign Policy.

Trần H Sa lược dịch.

Hiện tại vẫn chưa có chiều hướng kết thúc tình trạng bất ổn dân sự ngày càng gia tăng vốn đã kìm hãm Myanmar kể từ cuộc đảo chính quân sự vào ngày 1 tháng 2. Khi các cuộc biểu tình ngày càng gia tăng, quân đội Myanmar, Tatmadaw, đã chuyển sang bạo lực giết người để dập tắt các cuộc biểu tình. Cho đến nay, phản ứng từ cộng đồng quốc tế bị giới hạn trong việc ban hành các biện pháp trừng phạt và tuyên bố gay gắt, lên án việc quân đội đột ngột tiếp quản chính quyền – nhưng không làm thay đổi được tình hình nội bộ Myanmar. Cuộc đảo chính đã diễn ra vào thời điểm mà đại dịch đã khiến nhiều thường dân rơi vào tuyệt vọng về kinh tế, và các biện pháp trừng phạt có nguy cơ làm trầm trọng thêm một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Khôi phục chính phủ dân sự và khiến Tatmadaw lùi lại sẽ đòi hỏi một phản ứng đa sắc thái hơn nhiều từ nước ngoài.

Một giải pháp bị bỏ qua cho cuộc khủng hoảng của Myanmar có thể là Đối thoại An ninh Tứ giác, hay “Quad”— diễn đàn mới được hồi sinh giữa Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ nhằm chia sẻ và thúc đẩy các giá trị tự do và dân chủ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Mặc dù Quad thường được coi là một câu lạc bộ chống Trung Quốc, cuộc họp vừa kết thúc gần đây được tổ chức bởi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tiết lộ, nó có một chương trình nghị sự toàn diện: Các thành viên Quad quyết định khởi động một chương trình cung cấp vắc-xin đầy tham vọng và thành lập các nhóm làm việc để khám phá các lĩnh vực hợp tác về công nghệ mới nổi và biến đổi khí hậu. Quan trọng hơn, các nhà lãnh đạo Quad đã nói rõ rằng việc tìm kiếm một giải pháp sớm và hòa bình cho cuộc khủng hoảng Myanmar là ưu tiên hàng đầu.

Thoạt nhìn, Quad dường như có phần chia rẽ về Myanmar : Trong khi Úc và Hoa Kỳ lên án cuộc đảo chính, Ấn Độ và Nhật Bản lại đưa ra những tuyên bố nhẹ nhàng hơn, có lẽ vì họ thận trọng trước việc xa lánh Myanmar khiến đẩy nó về phía Trung Quốc. Tuy nhiên, New Delhi và Tokyo trên thực tế có thể là những phương tiện trong việc tìm cách chấm dứt bế tắc ở Naypyidaw. Ấn Độ và Nhật Bản gần đây đã được Chiến dịch Miến Điện Vương quốc Anh xem là hai trong số các quốc gia hàng đầu vẫn đang đào tạo và hợp tác với Tatmadaw – một thực tế cũng có nghĩa là họ có đòn bẩy mạnh mẽ đối với quân đội Myanmar.

Ấn Độ và Nhật Bản cung cấp một hướng mở tuyệt vời cho Quad neo giữ sự phục hồi dân chủ một cách hòa bình, đồng thời kiểm tra một cách hiệu quả các động thái thừa nước đục thả câu của Trung Quốc ở Myanmar. Và không có thời điểm nào tốt hơn để New Delhi và Tokyo hành động như hiện nay, khi mà những người biểu tình Miến Điện ngày càng quay lưng lại với Bắc Kinh.

Cả Ấn Độ và Nhật Bản đều có sự hiểu biết sâu sắc về các động lực phức tạp trong cuộc chơi đấu tranh quyền lực của Myanmar. Kể từ khi Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ lên nắm quyền vào năm 2015, chiến lược của Nhật Bản đối với Myanmar là duy trì liên lạc không chỉ với Cố vấn Nhà nước hiện đang bị lật đổ, bà Aung San Suu Kyi, và đảng của bà mà còn cả với Tatmadaw. Ngay cả khi cuộc khủng hoảng Rohingya leo thang vào năm 2017 và phương Tây rút đầu tư ra khỏi Myanmar, Nhật Bản vẫn tiếp tục đầu tư ở đó và cung cấp viện trợ nước ngoài, khiến nó trở thành nhà đầu tư lớn thứ ba và là nhà tài trợ lớn nhất cho Myanmar. Với đòn bẩy này, Nhật Bản đã thành công trong việc môi giới một lệnh ngừng bắn vào tháng 11 năm ngoái giữa Tatmadaw và Quân đội nổi dậy Arakan, là lực lượng đã mở rộng cuộc xung đột vũ trang chống lại Tatmadaw ở bang Rakhine kể từ năm 2019.

Bất kể những mối quan hệ này với Tatmadaw, Nhật Bản đã gây bất ngờ cho cộng đồng quốc tế, bằng cách có lập trường rõ ràng chống lại cuộc đảo chính và lên tiếng về nhân quyền và dân chủ. Mặc dù phản ứng ban đầu của Nhật là đã tránh thuật ngữ “đảo chính”, sau vụ bắn chết hai người biểu tình ôn hòa ở Mandalay vào ngày 20 tháng 2, Nhật Bản đã lên án mạnh mẽ cuộc đảo chính và bạo lực của quân đội.

Bản thân tuyên bố đó đã gây ảnh hưởng, vì tầm quan trọng kinh tế và chiến lược của Nhật Bản ở Myanmar bây giờ đã sánh ngang – hoặc thậm chí vượt qua Trung Quốc. Nhật Bản đã thúc đẩy sự ổn định chính trị ở Myanmar bằng cách cung cấp hỗ trợ cho pháp quyền, nền quản trị và hệ thống bầu cử bởi, ví dụ, cung cấp nguồn cung ứng bầu cử và phái các nhóm giám sát bầu cử, xây dựng năng lực của các quan chức chính quyền địa phương, và giúp Myanmar nâng cấp hệ thống phân phối tư pháp. Nước này cũng đã hành động như một nhà hòa bình bằng cách môi giới các cuộc đàm phán với các nhóm thiểu số. (Trái ngược với Trung Quốc, nước đã tài trợ cho một số cuộc nổi dậy sắc tộc). Và trong thập kỷ qua, Nhật Bản đã phát triển Đặc khu kinh tế Thilawa, thúc đẩy phát triển ở khu vực đô thị Yangon. So sánh với sự ngờ vực của Tatmadaw đối với Trung Quốc, mức độ tin tưởng cao mà Nhật Bản đã kiếm được ở Myanmar, không nên bị bỏ qua.

Ảnh hưởng của Ấn Độ ở Myanmar thì không như vậy. New Delhi đã kiềm chế không lên án hoàn toàn cuộc đảo chính, một phần dựa trên lập trường lâu dài của họ là không quan tâm đến các vấn đề của một quốc gia khác, nhưng mối quan hệ của Ấn với Naypyidaw dù sao cũng rất quan trọng để khôi phục nền dân chủ cho Myanmar. Sau khi nhận lãnh hậu quả từ việc ủng hộ phong trào dân chủ của Myanmar vào năm 1988, và lên án cuộc đảo chính quân sự năm 1990 – hai sự việc đóng vai trò trong việc thúc đẩy nhóm quân sự cai trị hướng đến Trung Quốc và vũ trang cho các nhóm nổi dậy trong khu vực giáp biên với Ấn Độ – New Delhi đã phát triển mối quan hệ chặt chẽ với Tatmadaw. Ấn có mục đích vượt xa hơn thông qua chính sách “hành động hướng Đông”, qua đó đã cải thiện quan hệ thương mại và quan hệ quốc phòng giữa hai nước láng giềng và dẫn đến, ví dụ, Ấn Độ đưa ra các sáng kiến cơ sở hạ tầng to lớn, chẳng hạn như Dự án Giao thông Vận tải Đa phương thức Kaladan, và Đường cao tốc ba bên Ấn Độ-Myanmar-Thái Lan, nhằm cạnh tranh với các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ của Trung Quốc theo Sáng kiến Vành đai và Con đường. Và Ấn Độ là một trong số ít các quốc gia đã cung cấp hơn 1 tỷ đô la cho Myanmar để tăng cường quy trình bầu cử, cải tổ các tổ chức phân phối dịch vụ, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và cơ sở hạ tầng để cải thiện các dịch vụ giáo dục và chăm sóc sức khỏe của Myanmar.

Thật vậy, trong vài năm qua, quân đội Myanmar đã phụ thuộc nhiều vào Ấn Độ gần như đối với Trung Quốc. Ấn Độ đã tặng một tàu ngầm lớp Kilo cho Myanmar vào tháng 10 năm ngoái khi ngoại trưởng và đô đốc hải quân của nước này đến thăm Naypyidaw. Và Tướng Min Aung Hlaing, người chủ mưu cuộc đảo chính, đã đến thăm Ấn Độ vào năm 2019, và được cho là có mức độ tin tưởng New Delhi cao hơn so với Bắc Kinh. (Rốt cuộc, Tatmadaw nghi ngờ rằng Trung Quốc đã vũ trang cho phiến quân sắc tộc và các tổ chức khủng bố ở bang Rakhine, để sử dụng như một con bài mặc cả nhằm thực hiện các dự án theo Sáng kiến Vành đai và Con đường.) Phải thừa nhận rằng, điều này đặt Ấn Độ vào một vị trí khó khăn để thực hiện bất kỳ lời kêu gọi cứng rắn nào về cuộc đảo chính. Nhưng New Delhi có thể đóng một vai trò quan trọng – nếu không nói là trứ danh – trong bất kỳ cuộc đàm phán hoặc thỏa thuận hòa bình nào trong tương lai, để bảo đảm Myanmar trở lại nền dân chủ. Với sự hợp tác sâu sắc của hai nước về quốc phòng và chống khủng bố, Ấn Độ có thể mở các cuộc ‘đàm phán ngoài luồng’ với các quan chức quân sự cao cấp. Và ngoại giao vắc-xin của Ấn Độ cũng có thể đóng vai trò là đòn bẩy để gây áp lực lên chính quyền quân sự.

Các quốc gia Quad hiện đang đối xử với cuộc khủng hoảng ở Myanmar với sự cấp bách cần có. Kể từ cuộc đảo chính, đã có một loạt các cuộc họp ảo song phương giữa các bộ trưởng ngoại giao của các nước thành viên Quad. Vào ngày 18 tháng 2, cuộc họp bộ trưởng ngoại giao Quad đã đề cập đến những diễn biến ở Myanmar và cách mà các cường quốc dân chủ có thể phản ứng. Những diễn biến này cho thấy các thành viên Quad đang nghiêm túc không để cơ hội hiếm hoi này nhằm củng cố nền dân chủ, bị lãng phí.

Cho đến nay, Quad đã chấp nhận một cách tiếp cận hai hướng đối với Myanmar. Một mặt, Hoa Kỳ và Úc tiếp tục hỗ trợ những người biểu tình – thông qua viện trợ và thông qua các dịch vụ lãnh sự cho công dân Myanmar ở nước ngoài – và huy động các nỗ lực quốc tế chống lại quân đội. Mặt khác, Ấn Độ và Nhật Bản tham gia vào các cuộc ‘đàm phán ngoài luồng’ với Tatmadaw.

Nhưng họ có thể làm được nhiều hơn. Là các quốc gia có ảnh hưởng kinh tế và an ninh lớn nhất, đã đến lúc để Ấn Độ và Nhật Bản sử dụng sự hỗ trợ quân sự và viện trợ nước ngoài cho Tatmadaw làm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán của họ, đồng thời mở rộng hỗ trợ nhân đạo quan trọng cho công dân Miến thông qua các tổ chức phi chính phủ và quốc tế. Nhật Bản đã đóng băng các dự án viện trợ nước ngoài mới, nhưng họ làm như vậy mà không thông báo cho phần còn lại của thế giới. Nó phù hợp với việc áp đặt các biện pháp trừng phạt một cách lặng lẽ mà không gây khó chịu cho Tatmadaw.

Một vũ khí quan trọng khác mà các thành viên Quad có thể sử dụng để tăng cường áp lực lên Tatmadaw là tận dụng lợi ích kinh doanh của họ, đặc biệt là trong bối cảnh cách thức các quan chức quân sự cấp cao đã đầu tư vào các dự án thương mại với các công ty nước ngoài. Có hơn 2.000 tập đoàn nước ngoài ở Myanmar, và phần lớn trong số họ được điều hành thông qua các liên doanh với các công ty địa phương – đây là một nguồn gây áp lực khác đối với Tatmadaw.

Cuộc khủng hoảng Myanmar mang đến một cơ hội hiếm hoi để Quad chứng minh giá trị của nó như là một sự kiểm tra dân chủ chống lại các lực lượng độc tài ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các bình luận trên truyền thông thường tập trung vào Hoa Kỳ, nhưng nếu Ấn Độ và Nhật Bản sử dụng toàn bộ ảnh hưởng của họ, họ có thể chấm dứt bế tắc ở Myanmar sớm hơn dự kiến.


_ Niranjan Sahoo là thành viên cao cấp tại Observer Research Foundation ở Ấn Độ.

_ Maiko Ichihara là phó giáo sư tại Trường Luật Sau đại học, và Trường Chính sách Công và Quốc tế tại Đại học Hitotsubashi ở Nhật Bản, và là học giả thỉnh giảng tại Carnegie Endowment for International Peace.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.