Tại sao việc đàn áp Hồng Kông của Trung Quốc có thể bị phản tác dụng.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc rất có thể đã nhận thức được những hậu quả mang tầm quốc tế có thể xảy ra khi theo đuổi một lộ trình đàn áp khốc liệt ở Hồng Kông. Nhưng bằng cách truy tố 47 nhà hoạt động ủng hộ dân chủ, Chủ tịch Tập Cận Bình đang thách đấu chính quyền mới của Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ - và có thể đang đặt cược quá mức vì quá tự tin.

HONG KONG, TRUNG QUỐC - 2021/03/01: Bên ngoài Tòa án Tây Cửu Long ở Hồng Kông, những người biểu tình ủng hộ dân chủ cầm biểu ngữ ủng hộ các nhà hoạt động bị bắt. 47 nhà hoạt động ủng hộ dân chủ bị buộc tội âm mưu lật đổ quyền lực nhà nước theo Luật An ninh Quốc gia tham dự phiên tòa đầu tiên khi hàng nghìn người ủng hộ thể hiện sự ủng hộ của họ bên ngoài tòa án. (Ảnh của Miguel Candela / SOPA Images / LightRocket qua Getty Images)

 

MINXIN PEI…Ngày 8 tháng 3 năm 2021... Theo Project Syndicate.

Trần H Sa lược dịch.

CLAREMONT, CALIFORNIA - Năm con bò ( theo âm lịch Trung quốc ) bắt đầu một cách đen tối đối với người dân Hồng Kông. Vào ngày 16 tháng 2, chín nhà hoạt động ủng hộ dân chủ, bao gồm cả Martin Lee, 82 tuổi, nhà lãnh đạo lâu năm được tôn kính của Đảng Dân chủ thuộc thành phố Hồng Kông, đã bị đưa ra xét xử với cáo buộc tụ tập bất hợp pháp.

Một tuần sau, chính quyền Hồng Kông thông báo rằng họ sẽ ban hành luật chỉ cho phép những “người yêu nước” phục vụ trong các hội đồng quận, cấp thấp nhất của bộ máy hành chính thành phố, với các trách nhiệm trong các lãnh vực từ vệ sinh đến giao thông. Điều này có thể sẽ dẫn đến việc trục xuất các thành viên hội đồng được bầu một cách dân chủ và loại các ứng cử viên tương lai bị coi là không trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) cầm quyền.

Sau đó, vào ngày 28 tháng 2, trong một cuộc đàn áp quy mô nhất kể từ khi Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia hà khắc đối với cựu thuộc địa của Anh vào tháng 7 năm ngoái, chính quyền Hồng Kông đã buộc tội 47 nhà lãnh đạo phong trào ủng hộ dân chủ của thành phố với tội danh “âm mưu lật đổ”. Bởi vì quá trình xét xử dùng luật một cách thủ đoạn để bảo đảm việc kết tội, những nhà hoạt động này phải đối mặt với viễn cảnh bị nhiều năm tù giam.

Một số cân nhắc có thể đã khiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình leo thang đàn áp ở Hồng Kông. Đối với người nghe, những dấu hiệu cho thấy luật an ninh quốc gia đã thành công trong việc khơi dậy sự cai trị bằng nỗi sợ hãi ở thành phố từng công khai chống đối, có thể khuyến khích ông Tập tận dụng đà lướt chuyên quyền và cố gắng xử trảm các lực lượng ủng hộ dân chủ của Hồng Kông.

Hơn nữa, phản ứng có chừng mực của phương Tây đối với việc Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia - cho đến nay chỉ giới hạn ở các tố cáo ngoại giao và các biện pháp trừng phạt đối với một số ít quan chức cấp cao của Trung Quốc và Hồng Kông - không thực sự gây tổn hại cho chính quyền Bắc Kinh. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như cũng đã vạch ra một đường lối đối phó với tân Tổng thống Mỹ Joe Biden : các quyền chủ quyền của Trung Quốc ở Hồng Kông và tỉnh Tân Cương phía tây là không thể thương lượng. Trung Quốc sẽ làm những gì họ muốn ở những nơi đó, bất chấp lời cảnh báo của Biden về "hậu quả" đối với các hành vi vi phạm nhân quyền.

Nhưng ông Tập có thể đã đánh giá thấp những cái giá phải trả cho những hành động của y ở Hồng Kông. Hàng loạt vụ truy tố các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ mới nhất này, cùng với việc Trung Quốc thiếu các cử chỉ thiện chí nhằm cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ, rất có thể sẽ làm cho lập trường của Biden cứng rắn hơn.

Hiện tại, chính quyền Biden muốn tránh va chạm trực diện với Trung Quốc, vì trước tiên Mỹ phải chú trọng đến các ưu tiên trong nước như giải quyết đại dịch COVID-19 và thúc đẩy phục hồi kinh tế. Khi các cố vấn của Biden cân nhắc cách tiếp cận tốt nhất đối với Trung Quốc, việc ĐCSTQ tăng cường đàn áp ở Hồng Kông sẽ làm suy yếu những người ủng hộ cách tiếp cận của Hoa Kỳ tinh tế hơn và ít đối đầu hơn, trong khi đó lại chứng minh cho những người tin rằng chỉ có quan điểm cứng rắn mới có thể sửa đổi hành vi của Trung Quốc, là đúng đắn.

Khi 47 nhà hoạt động ủng hộ dân chủ bị kết tội và bị kết án tù dài hạn, chính quyền Biden sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc buộc Trung Quốc phải trả giá. Cánh cửa hẹp để ổn định quan hệ Mỹ-Trung, vốn phục vụ lợi ích của Trung Quốc, có thể sẽ đóng lại và quan hệ song phương có thể tiếp tục đi xuống theo vòng xoáy nguy hiểm.

Tại thời điểm đó, sự đàn áp của Trung Quốc ở Hồng Kông sẽ giúp Biden dễ dàng hơn nhiều trong việc tuyển dụng các nền dân chủ phương Tây đang ngập ngừng với Trung quốc trở thành các đồng minh. Hiện tại, nhiều nước châu Âu đang do dự về việc trở thành đối tác chính thức trong liên minh mới, chống Trung Quốc do Mỹ dẫn đầu. Bên cạnh lợi ích thương mại sâu rộng của họ ở Trung Quốc, họ còn lo lắng rằng sự cạnh tranh địa chính trị không thể kiềm chế giữa Mỹ và Trung Quốc có thể đẩy thế giới vào một cuộc chiến tranh lạnh mới, phá vỡ và làm phân mảnh nền kinh tế toàn cầu, đồng thời làm mất đi bất kỳ hy vọng nào trong việc chống lại biến đổi khí hậu.

Nhưng các nhà lãnh đạo châu Âu cuối cùng phải trả lời trước các cử tri, nhiều người trong số họ quan tâm sâu sắc đến nhân quyền và đang yêu cầu các chính sách cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Đặc biệt, sẽ không lâu trước khi Đức và Pháp, nhận thấy là không thể duy trì một chính sách dựa trên chiến lược trung lập trong cuộc đọ sức đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc, để bảo toàn lợi ích kinh tế của họ ở Trung Quốc. Khi các nền dân chủ châu Âu cuối cùng tham gia vào liên minh chống Trung Quốc non trẻ của chính quyền Biden, công trạng không được dành cho Mỹ, mà dành cho ông Tập.

Một liên minh như vậy có thể khiến Trung Quốc phải trả giá đắt cho những hành động của họ ở Hồng Kông. Đúng như vậy, trước mắt, Mỹ và các đồng minh không thể dễ dàng làm suy yếu những nỗ lực của Trung Quốc nhằm xây dựng Hồng Kông thành một trung tâm tài chính có khả năng sánh ngang với New York và London; xét cho cùng, các biện pháp trừng phạt tài chính, chẳng hạn như lệnh cấm đầu tư vào các công ty niêm yết ở đó, sẽ gây ra hỗn loạn trên thị trường toàn cầu. Nhưng họ vẫn còn rất nhiều lựa chọn khác để siết chặt Trung Quốc.

Việc tách Trung Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu hiện nay dường như là điều không tưởng, nhưng có thể trở thành hiện thực nếu liên minh đồng ý với một thỏa thuận mới, tương tự như Ủy ban Điều phối Kiểm soát Xuất khẩu Đa phương, vốn đã ngăn cản việc chuyển giao công nghệ của phương Tây cho khối Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Các nền dân chủ phương Tây cũng có thể phủ nhận uy tín quốc tế mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc tìm kiếm, bằng cách hạn chế trao đổi cấp cao và mạnh mẽ phản đối ảnh hưởng của Trung Quốc trong các tổ chức đa phương. Và việc che chở cho các nạn nhân bị Trung Quốc đàn áp ở Hồng Kông sẽ vừa là một cử chỉ nhân đạo, vừa là một sự quở trách mạnh mẽ đối với chính sách của Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc rất có thể đã nhận thức được những hậu quả này khi họ cân nhắc các lựa chọn của mình ở Hồng Kông. Họ đã giải quyết theo một cách ứng xử cực kỳ khó khăn với niềm tin rằng cái giá phải trả của nó là có thể chịu được; có thể cho rằng, trò chơi của họ đã được đền đáp cho đến nay. Nhưng, bằng cách thách đấu với chính quyền mới của Mỹ và các đồng minh của họ, Trung Quốc có thể đang vung tay quá trán.


_ Minxin Pei là Giáo sư khoa Quản trị tại Trường Cao đẳng Claremont McKenna và là thành viên cao cấp không thường trú tại Quỹ Marshall Đức của Hoa Kỳ.


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.