30/4, ngày ăn năn cho toàn dân tộc Việt Nam

Phải bắt nguồn từ những giọt lệ ăn năn từ cả hai phía trong chiến tranh, may ra muối trong nước mắt ăn năn ấy, mới khỏa lấp được hố ngăn cách trong lòng người Việt hiện nay.

Ảnh : Internet

30/4/1975, kết thúc cuộc chiến trên mặt quân sự giữa bên phòng thủ là Việt Nam Cọng Hòa thuộc khối tự do, tôn trọng trật tự tự do của quốc tế do Mỹ lãnh đạo, và bên tấn công là Việt Nam Dân Chủ Cọng Hòa thuộc khối cọng sản do Liên xô và Trung cọng ũng hộ, cả hai quốc gia hậu thuẩn này cùng thúc đẩy những cuộc cách mạng giành chính quyền bằng bạo lực.

Năm 1983, lúc bộ phim "thiên lịch sử chiến tranh Việt Nam bằng truyền hình" trình chiếu trên tivi tại Việt Nam, tôi đang ở trong một công ty của nhà nước tại Hà nội với "chức danh" lao động làm thuê ngắn hạn cho họ. Cùng ngồi xem tivi với anh chị em công nhân giữa sân, trong đoạn phim nói về hiệp định Geneva 1954, mọi người cùng ồ lên một tiếng rồi nhao nhao bình luận "hóa ra Diệm có lý, như vậy miền Nam cũng có chính nghĩa, hèn gì họ choảng nhau với chúng mình lâu dài đến thế". Bộ phim đó có những phần bị đánh giá thiếu khách quan, nhưng trước mắt tôi, rõ ràng là người miền Bắc ở ngay tại Hà nội, đã thừa nhận miền Nam có chính nghĩa trong cuộc chiến kéo dài 20 năm, 1954 - 1975.

Cuộc chiến 1954 - 1975 là sự kéo dài của cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất 1946 - 1954 với lý do gây chiến của Việt Nam Dân Chủ Cọng Hòa rằng, miền Nam vi phạm hiệp định Geneva, không chịu tổ chức tổng tuyển cử nên phải thống nhất đất nước bằng vũ lực. Gạt sang bên những chiêu trò tuyên truyền của cả hai phía, để nhận rõ thực hư cuộc chiến bắt đầu do đâu, thiết nghĩ điều tốt nhất là tìm hiểu hai phía đánh nhau đã bắt đầu ra đời như thế nào và miền Nam có vi phạm hiệp định Geneva 1954 hay không. Tức là cùng nhìn lại sự hình thành và tồn tại của Việt Nam Dân Chủ Cọng Hòa, và của Quốc gia Việt Nam (Việt Nam Cọng Hòa là quốc gia kế thừa Quốc gia Việt Nam) có vi phạm hiệp định hay không.

I) Sự hình thành và tồn tại của Việt Nam Dân Chủ Cọng Hòa.

Kể từ sáng ngày 01/09/1858, khi Phó Đô đốc Hải quân Pháp, Charles Rigault de Genouilly đem quân đánh đồn Đà Nẳng, mở đầu cuộc đô hộ đất nước Việt Nam, người dân Việt Nam liên tục nổi dậy chống thực dân Pháp qua các phong trào như : Cần Vương do triều đình Huế khởi xướng; Văn Thân được lãnh đạo bởi các sĩ phu như Trương Công Định, Đinh Công Tráng, Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng, v…v…Đến đầu thập niên 1940, có ba tổ chức chống Pháp có quy củ là Việt Nam Quốc Dân đảng do nhà ái quốc Nguyễn Thái Học khởi xường và Vũ Hồng Khanh lãnh đạo; Việt Nam Cách mạng đồng minh hội là hậu thân của Việt Nam Quang phục hội do cụ Phan Bội Châu khởi xướng và được lãnh đạo bởi Nguyễn Hải Thần, sinh trưởng tại Hà Nội, là giảng viên chính trị học tại Trường Võ bị Hoàng Phố của Trung Hoa Dân Quốc; và Việt Nam độc lập đồng minh hội do ông Hồ Chí Minh lãnh đạo. Ba tổ chức này gọi tắt lần lượt là Việt Quốc, Việt Cách, hai đảng phái này tôn vinh chính nghĩa quốc gia, và Việt Minh theo cọng sản.

Việt Quốc, Việt Cách có ảnh hưởng trong giới trí thức Việt Nam, cũng như đã có những hoạt động làm cho người Pháp ăn không yên ngủ không ngon trước rất lâu so với khi đảng cọng sản ra đời; hậu quả là hai tổ chức này phải sống lưu vong và khi đệ nhị thế chiến xảy ra họ hầu như chưa tổ chức được quân đội. Về phần Việt Minh, có ảnh hưởng trong giới lao động, lại là một tổ chức của cọng sản quốc tế, nên họ có được một đội ngũ du kích ít ỏi hoạt động ở vùng biên giới Việt - Trung.

Sau khi người Nhật tấn công quân đội Mỹ ở Trân Châu Cảng vào ngày 8 tháng 12 năm 1941, quân đội Mỹ kích hoạt phản công Nhật Bản bằng những hoạt động của Không quân. Nhóm du kích của Việt Minh thỉnh thoảng hổ trợ cho các phi công Hoa kỳ bị lâm nạn trên vùng rừng núi biên giới Việt - Trung. Khi người Mỹ đổ bộ lục quân vào mặt trận Đông Á, với ý đồ cần lực lượng địa phương cản chân, làm tiêu hao quân đội Nhật, người Mỹ đã giúp ông Hồ tái tổ chức nhóm du kích thành một lực lượng quy mô cấp đại đội và trang bị vũ khí cho lực lượng này, đó chính là quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay.

Việt Minh bỗng dưng trở thành thân hửu của người Mỹ trong giai đoạn gần cuối đệ nhị thế chiến, là bằng hửu của một nước Mỹ đã trở thành anh hùng cứu nguy cho cả thế giới. Người Mỹ bắt tay với ngay cả Stalin của Liên xô trong đệ nhị thế chiến thì việc họ giúp ông Hồ theo cọng sản cũng chẳng là gì cả. Nhưng, đây lại là năng lực đẩy ông Hồ trở nên nổi bật trong giai đoạn khúc quanh lịch sử của Việt Nam. Sau khi Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện vào ngày 15/8/1945, một số sĩ quan OSS, tiền thân của CIA Mỹ, thường xuyên gặp gở ông Hồ ở Hà Nội. Chính Bảo Đại sau này cho biết, ông nhận thấy người Mỹ ũng hộ chính phủ lâm thời của ông Hồ nên đã không ngần ngại tuyên bố chiếu chỉ chấm dứt quyền cai trị của triều đình Huế, và vào chiều 30/8/1945 trao ấn kiếm cho Trần Huy Liệu, thành viên của nhóm ông Hồ.

Sự ũng hộ của các sĩ quan OSS mặc nhiên nâng ông Hồ trở thành chủ tịch chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân Chủ Cọng Hòa ra đời ngày 02 / 09/ 1945. Câu chuyện này còn lưu dấu trong tuyên ngôn độc lập đọc tại quãng trường Ba Đình, với việc mượn dòng mở đầu ở tuyên ngôn độc lập của Hoa kỳ, sao chép vào tuyên ngôn độc lập của Việt Nam Dân Chủ Cọng Hòa.

Tuy nhiên, chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân Chủ Cọng Hòa ra đời ngày 02 / 09/ 1945 là một chính phủ đa đảng, cụ thể với các vai vế hàng đầu như : ông Hồ Chí Minh, người theo cọng sản quốc tế lãnh đạo Việt Minh, giữ chức chủ tịch chính phủ; ông Nguyễn Hải Thần lãnh đạo Việt Cách giữ chức phó chủ tịch chính phủ; ông Nguyễn Tường Tam tổng thư ký Việt Quốc giữ chức bộ trưởng bộ Ngoại giao. Khi Chính phủ Liên hiệp Lâm thời ra mắt Quốc dân Đại hội tại Hà Nội ngày 2 tháng 3 năm 1946, còn có sự tham dự của cựu hoàng Bảo Đại với tư cách là công dân Vĩnh Thụy làm cố vấn chính phủ.

Chính phủ Liên hiệp Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt Quốc dân Đại hội tại Hà nội ngày 02 tháng 03 năm 1946. Từ trái sang : Trương Đình Tri, Đặng Thai Mai, Chu Bá Phượng, Nguyễn Tường Tam, Huỳnh Thúc Kháng, Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy, Lê Văn Hiến, Phan Anh, Vũ Đình Hoè, Trần Đăng Khoa, Bồ Xuân Luật. Hiệu kỳ lần lượt của Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội (Việt Cách), Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội (Việt Minh), Việt Nam Quốc dân đảng (Việt Quốc) .

Hiệp định sơ bộ Pháp-Việt ngày 06 / 03 / 1946 được ký kết giữa Jean Sainteny, đại diện chính phủ Cộng hòa Pháp, và ông Hồ Chí Minh đại diện chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phân hóa và gây tan rã Chính phủ Liên hiệp Lâm thời khi chỉ vừa ra mắt trước đó 4 ngày. Hiệp định này cho phép quân đội Pháp trở lại Bắc kỳ và cùng kiểm soát lãnh thổ Bắc kỳ chung với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tổ chức quốc gia Việt Cách với chủ trương chống Pháp từ nguyên thủy đã rút khỏi chính phủ và đi lưu vong. Việt Quốc còn nấn ná thương lượng thì tháng 7 / 1946, phía cọng sản đã thanh toán cơ quan đầu nảo của Việt Quốc ở phố Ôn Như Hầu, Hà nội; với cái gọi là vụ án Ôn Như Hầu. Cố vấn Vĩnh Thụy đi lưu vong ở Hồng Kông. Ngày 19 /12 / 1946, dã tâm xâm chiếm Việt Nam trở lại của người Pháp đã thành công, sau khi họ đánh bật chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bỏ chạy lên rừng. Kể từ đây, các thành phần quốc gia chưa rời kịp hệ thống chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bị bức hại, thủ tiêu, như nhà văn Khái Hưng trong Tự Lực văn đoàn là ví dụ điển hình. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhanh chóng bị kiểm soát hoàn toàn bởi những người theo cọng sản và hầu như chỉ kiểm soát phần nhỏ lãnh thổ và dân chúng ít ỏi ở vùng rừng núi và trung du Việt Nam.

Với hậu phương nhỏ bé không đủ cung ứng cho cuộc Chiến tranh Đông dương lần thứ nhất bắt đầu từ 19 / 12 / 1946, càng về sau thì chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa càng lệ thuộc vào sự chi viện của Trung Cọng, đặc biệt kể từ sau khi Mao Trạch Đông lãnh đạo cọng sản Trung quốc chiếm toàn bộ Hoa lục vào năm 1949. Sự lệ thuộc vào cả người lẫn của từ phía Trung Cọng dẫn đến hậu quả đất nước Việt Nam bị phân đôi trên bàn hội nghị hiệp thương đình chiến ở Geneva vào năm 1954; theo đó, Chu Ân Lai thủ tướng Trung cọng cần một biên giới phía nam không do phía tự do kiểm soát khi mà chiến tranh lạnh đang leo thang, nên đã trực tiếp chỉ đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải chia cắt lãnh thổ Việt Nam.

Hiệp định Geneva 1954 ký kết ngày 20 / 7/ 1954 chủ yếu giải quyết việc đình chiến trên toàn cõi Đông Dương, không có một giải pháp chính trị cụ thể nào cho Việt Nam được ghi vào văn bản. Hôm sau, ngày 21 tháng 7/ 1954 bản tuyên bố cuối cùng của hội nghị Geneva về phục hồi hoà bình ở Đông Dương, có nhắc đến câu chuyện tổng tuyển cử như sau "Theo yêu cầu để bảo đảm rằng, sự tiến triển đầy đủ trong việc phục hồi hoà bình vừa được thực hiện, và rằng, những điều kiện cần thiết giành được cho sự biểu hiện tự do ý chí dân tộc, những cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào tháng bảy năm 1956, dưới sự giám sát của Uỷ ban Quốc tế, được soạn thảo theo các đại diện của các nước thành viên của Uỷ ban Giám sát Quốc tế có liên quan tới hiệp định chấm dứt tình trạng chiến tranh. Sự tham khảo sẽ được tổ chức về chủ đề này giữa những người có quyền đại diện đủ thẩm quyền".(hết trích )

Bản tuyên bố này chỉ được đọc bằng miệng, không được phía nào tham dự hiệp định ký kết. Đặc biệt, ngay cả hiệp định đình chiến chính thức được đưa ra vào hôm trước, phía Hoa kỳ và Quốc gia Việt Nam (tiền thân của Việt Nam Cọng Hòa) là "những người có quyền đại diện đủ thẩm quyền" đều đã không chấp nhận ký kết, vì phía Quốc gia Việt Nam chủ trương đình chiến theo kiểu da beo, ai kiểm soát khu vực nào thì ở yên đó, hạ vũ khí xuống. Quốc gia Việt Nam không đồng ý biện pháp chia cắt đất nước với lý do, Việt Nam có nguy cơ trở thành vùng chiến tranh nóng cho bầu không khí chiến tranh lạnh của quốc tế đang gia tăng; và thực tế xảy ra đúng như họ đã dự kiến.

Tất nhiên, Quốc gia Việt Nam và Việt Nam Cọng Hòa sau này không có nghĩa vụ thi hành tổng tuyển cử, một động thái mà phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tố cáo miền Nam vi phạm hiệp định và mở ra cuộc chiến tranh Đông dương lần thứ hai, kết thúc chiến sự vào ngày 30/4/1975. Cũng như cuộc chiến trước đó, một hậu phương miền Bắc Việt Nam không thể cung ứng đủ cho cuộc chiến, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa càng ngày càng lún sâu vào vòng lệ thuộc của Trung cọng, ngay cả ở cây kim sợi chỉ, cho dù phía Liên xô cũng chi viện vũ khí đạn dược hết sức dồi dào.

Năm 1976, Cộng hòa miền Nam Việt Nam là chính phủ do chính Bắc Việt khai sinh, quay trở về với chính phủ mẹ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cả hai đổi tên nước là Cọng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Danh xưng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ còn trong lịch sử, nhưng thành viên của chính phủ đó vẫn là thành phần điều khiển quốc gia mới Cọng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Tất nhiên, quốc gia mới CHXHCNVN phải có nghĩa vụ và bị ràng buộc với lịch sử của hai quốc gia Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa miền Nam Việt Nam mà nó kế thừa.

II) Sự hình thành và tồn tại của Quốc gia Việt Nam.

Sau khi Pháp đánh bật chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra khỏi Hà Nội, người Pháp lần lượt giành quyền kiểm soát toàn Bắc Kỳ và Trung kỳ, riêng Nam Kỳ thì họ đã giành lại Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ ngay từ đêm 23/9/1945. Nước Pháp đặt lại chế độ thuộc địa ở Việt Nam như trước thế chiến.

Trong khi Pháp theo đuổi cuộc chiến Đông dương lần thứ nhất kể từ cuối năm 1946, thì tình hình chính trị thế giới cũng như ở khu vực, đã khác trước. Ngay sau Nhật đầu hàng, Thái Lan và Indonesia đã giành lại độc lập trong tháng 8 năm 1945. Hoa Kỳ trao trả độc lập cho Philippines trong hòa bình vào năm 1946. Vương quốc Anh trao trả độc lập cho Ấn Độ ngày 15 tháng 8 năm 1947 và trao trả độc lập cho Myanmar ngày 4 tháng 1 năm 1948.

Ngày 5 /6 / 1948 Pháp công nhận "độc lập" của Việt Nam qua hiệp ước Vịnh Hạ Long. Hiệp ước Vịnh Hạ Long được ký kết giữa đại diện chính quyền Đệ tứ Cộng hòa Pháp và cựu hoàng Bảo Đại, đại diện cho các đảng phái quốc gia Việt Nam chống Việt Minh do những người Cộng sản lãnh đạo. Trên chiến hạm Duguay Trouin neo đậu tại vịnh Hạ Long, Nguyễn Văn Xuân nguyên là Thủ tướng của Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ, và Cao uỷ Pháp ở Đông Dương Emile Bollaert, với sự có mặt của đại biểu Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ của Việt Nam là Đặng Hữu Chí, Phan Văn Giáo, Trần Văn Hữu, Lê Văn Hoạch; đồng ý thành lập Quốc gia Việt Nam gồm cả ba miền Bắc Trung Nam, nằm trong Liên hiệp Pháp. Bảo Đại chứng kiến và ký chứng nhận vào Hiệp ước.

Nội dung hiệp ước Vịnh Hạ Long 5/ 6/ 1948 : Pháp công nhận "độc lập" của Việt Nam, Việt Nam gia nhập Liên hiệp Pháp; Việt Nam tôn trọng quyền lợi của Pháp, bảo đảm tôn trọng các nguyên tắc dân chủ, Việt Nam sẽ được ưu tiên sử dụng các cố vấn, kĩ thuật gia Pháp khi có các nhu cầu về tổ chức nội vụ và kinh tế; sau khi thành lập chính phủ, đại diện của Việt Nam sẽ thương lượng với Pháp để ký các hiệp định về văn hoá, ngoại giao, quân sự, kinh tế, tài chính và kỹ thuật. Ngày 14 / 6/ 1948, Chính phủ Pháp tuyên bố chính thức công nhận Bảo Đại là quốc trưởng của Việt Nam.

Nam Kỳ vốn là mãnh đất đã bị nhượng đứt cho Pháp từ năm 1874, dưới triều vua Tự Đức (trị vì 1848-1883), nên được xem là lãnh thổ của Pháp, thêm vào đó, Nguyễn văn Xuân là thủ tướng của Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ cho đến ngày 27 / 05/ 1948, tức là chức vụ này chỉ ngưng trước một tuần so với khi ông ta đặt bút ký vào hiệp ước Vịnh Hạ Long. Vì vậy, Nguyễn văn Xuân thông đồng với người Pháp không muốn đánh mất Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ; do đó việc sáp nhập Nam kỳ vào với Trung kỳ và Bắc kỳ để có một Quốc Gia Việt Nam thống nhất không thành công. Bảo Đại khăng khăng đòi người Pháp phải trao trả Nam kỳ cho Việt Nam mới chịu thành lập chính phủ và chấp nhận vai trò quốc trưởng. Tuy nhiên, mặc dù chưa có chính phủ, ngày 1 tháng 12 năm 1948, Bảo Đại đã vận động thành lập Trường Sĩ quan Việt Nam ở Đập Đá, Huế; là tiền thân của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam sau này.

Tháng 03 / 1949, tổng thống Pháp lúc bấy giờ là Vicent Auriol đã đích thân mời Bảo Đại đến điện Elysée để cùng nhau cho ra đời Hiệp định Pháp-Việt ngày 8 tháng 3 năm 1949 (Hiệp định Élysée). Thư của Tổng Thống Cộng Hòa Pháp, cũng là Chủ tịch Liên Hiệp Pháp gởi Bảo Đại đề ngày 8 tháng 3 năm 1949 ghi rõ : "Ngài đã đưa ra ý là muốn thấy các nguyên tắc liên quan đến sự Toàn Vẹn và nền Độc Lập của Việt Nam phải được xác nhận và làm rõ, các nguyên tắc đã được đưa ra trong Bản Tuyên Bố Chung ngày 5 tháng 6 năm 1948 ở vịnh Hạ Long bởi ông Emile Bollaert, Cao Ủy Pháp tại Đông Dương và Tướng Nguyễn Văn Xuân, Thủ Tướng Chính Phủ Lâm Thời Trung Ương Việt Nam, trước sự hiện diện của Ngài. Ý muốn này đã phù hợp với ý muốn của Chính Phủ Pháp, sau khi đã được bàn cãi trong Hội Đồng Bộ Trưởng, đã yêu cầu tôi, với tư cách Tổng thống Liên Hiệp Pháp, tiến hành, bằng cách trao đổi qua văn thư với Ngài, để hoàn tất một hiệp định nhằm làm rõ, áp dụng các nguyên tắc trong Bản Tuyên Bố Chung ngày 5 tháng Sáu." ( hết trích )

Pháp ký hiệp định Elysée với Bảo Đại.

Nhà nghiên cứu sử Trần Gia Phụng viết : "Về hiệp định Élysée, có hai điểm cần chú ý: Thứ nhất, khi hai nước ký kết hiệp ước với nhau, thông thường là đại sứ hoặc ngoại trưởng đại diện hai nước ký kết hiệp ước. Đàng nầy, đích thân tổng thống Pháp đứng ra ký kết. Lúc đó, ông Vincent Auriol ký kết hiệp định với hai tư cách pháp nhân : vừa là tổng thống Pháp, vừa là chủ tịch Liên Hiệp Pháp. ư

Thứ hai, sau khi hiệp định Élysée được ký kết, Việt Nam không còn là thuộc địa của Pháp, mà trở thành một nước độc lập trong Liên Hiệp Pháp (LHP). Một chế độ mới được thành lập. Đó là chế độ Quốc Gia Việt Nam. Lúc đó, quân đội Pháp hiện diện ở Việt Nam không phải với tư cách quân đội Pháp, mà với tư cách là quân đội Liên Hiệp Pháp, giúp bảo vệ độc lập của Quốc Gia Việt Nam, một quốc gia thành viên trong LHP."….. "Cuộc thương thuyết về Nam Kỳ tiếp tục thêm một thời gian, để đưa đến việc tái thống nhất hoàn toàn đất nước Việt Nam". ( hết trích )

Như vậy, sau ngày 08 / 03/ 1949, trên đất nước Việt Nam tồn tại hai chế độ : Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, kiểm soát vùng rừng núi trung du là chủ yếu; và Quốc Gia Việt Nam do quốc trưởng Bảo Đại lãnh đạo, kiểm soát đa số dân chúng và vùng đồng bằng. Có một điểm mù trong lịch sử cần xác định, đó là chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời sau hiệp định sơ bộ 06 / 03 / 1946 không phải là chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời ngày 02 /09 / 1945. Nó khác ở chổ, một đằng là chính phủ hoàn toàn do phía cọng sản quản lý, một đằng là chính phủ liên hiệp đa đảng. Không những thế, VNDCCH sau ngày 06 / 03/ 1946 là một nước trong Liên Hiệp Pháp, được quy định theo hiệp định sơ bộ 06 / 03 /1946 : "Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do trong Liên bang Đông Dương và trong khối Liên hiệp Pháp, có chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng". Điều này xem như phủ nhận tính độc lập hoàn toàn với Pháp của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tồn tại từ 02 / 09 / 1945 đến trước ngày 06 / 03 / 1946.

Nói rõ hơn, kể từ ngày 06 /03 / 1946 Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một nước thuộc Liên Hiệp Pháp được điều hành bởi một chính phủ theo cọng sản. Kể từ ngày 08 / 03 /1949, Quốc Gia Việt Nam cũng là một nước thuộc Liên Hiệp Pháp được điều hành bởi một chính phủ chống cọng. Cả hai đều có điểm xuất phát giống nhau, chỉ trước sau nhau 03 năm; nhưng khác nhau về ý thức hệ. Đặc tính này không có gì lạ trong bối cảnh chiến tranh lạnh của quốc tế với điển hình là nước Đức và Triều Tiên, mỗi quốc gia cũng hình thành hai chế độ, một theo cọng sản và một chống cọng. Nhân danh ý thức hệ để xác định tính danh "NGỤY" là hoàn toàn sai trái và không hợp lý; bởi giả sử, A và B là hai quốc gia khác nhau về ý thức hệ, nếu A gọi B là ngụy, thì B cũng có quyền gọi A là ngụy. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhân danh mình có tính chính danh thì Quốc Gia Việt Nam cũng có tính chính danh tương tự.

Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất không phải là cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc mà là cuộc chiến diễn ra tại ba nước Đông Dương bao gồm Việt Nam, Lào và Campuchia, giữa một bên là Quân đội Viễn chinh Pháp cùng các lực lượng đồng minh bản xứ bao gồm lực lượng của Quốc gia Việt Nam, Vương quốc Lào, Vương quốc Campuchia thuộc Liên hiệp Pháp, bên kia là lực lượng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (vốn cũng thuộc Liên hiệp Pháp) cùng các lực lượng kháng chiến Pathet Lào và Khmer Đỏ của Campuchia. Sau khi Mao Trạch Đông chiếm trọn Hoa lục, dưới sự chi viện của Trung Cọng, màu sắc của cuộc chiến lộ hẳn là cuộc chiến tranh ý thức hệ xảy ra ở ba nước Đông Dương.

Cuộc chiến này kết thúc với hiệp định đình chỉ chiến sự trên toàn Đông Dương được ký kết tại Geneva ngày 20/07/1954. Như tôi đã trình bày ở trên, hiệp định Geneva chia đôi đất nước Việt Nam ở vĩ tuyến 17 đã không được Hoa Kỳ và Quốc Gia Việt Nam thừa nhận. Câu chuyện tổng tuyển cử chỉ được nói bằng miệng càng không có giá trị ràng buộc đối với phía Quốc Gia Việt Nam. Ngay chính ông Hồ cũng nhận thấy tổng tuyển cử không được quốc tế thừa nhận, khi vào ngày 22 / 7/ 1954 đã đưa ra lời kêu gọi "Đấu tranh để củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ cũng là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ" và khẳng định: "Trung, Nam, Bắc đều là bờ cõi của nước ta, nước ta nhất định thống nhất, đồng bào cả nước nhất định được giải phóng". (!)

Cũng trong ngày 22 /7/ 1954 này, Thủ tướng Quốc gia Việt Nam Ngô Đình Diệm ra lệnh treo cờ rủ toàn Miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào để bày tỏ quan điểm phản đối sự chia đôi đất nước.

Ngày 6 tháng 10 năm 1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm tuyên bố quyết định mở cuộc trưng cầu dân ý. Ngày 23 / 10/ 1955, tiến hành trưng cầu dân ý với kết quả có tới 98,2% phiếu ủng hộ Thủ tướng Ngô Đình Diệm lên thay cựu hoàng Bảo Đại trong vai trò Nguyên thủ Quốc gia. Sau khi đã phế truất Quốc trưởng Bảo Đại, ông Ngô Đình Diệm tuyên bố mình là Tổng thống, và thành lập chính phủ Việt Nam Cộng hòa cùng Quân đội Việt Nam Cộng hòa vào ngày 26 tháng 10 năm 1955.

Danh xưng Quốc gia Việt Nam đến đây là chấm dứt. Việt Nam Cộng hòa là quốc gia kế thừa nên gánh vác công cuộc chống cọng của nó, nhưng cũng như Quốc gia Việt Nam, Việt Nam Cộng hòa không bị ràng buộc phải thi hành tổng tuyển cử mà quốc tế cũng như Quốc gia Việt Nam chưa hề ký nhận.

III) Thay lời kết.

Sự hình thành và tồn tại của Quốc gia Việt Nam cũng như sự hình thành và tồn tại của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kể từ ngày 06 / 03 /1946 đã bị che khuất trong kiến thức lịch sử của hậu thế. Ở miền Nam, không phải là nơi chống Bảo Đại theo ý thức hệ mà hậu thế vẫn bị che khuất công lao của ông ấy trong việc đòi lại cho bằng được Nam Kỳ là mãnh đất đã bị nhượng hẳn. Nguyễn Ánh Gia Long, vị vua đầu triều nhà Nguyễn là người có công thống nhất đất nước sau hơn 200 năm qua phân loạn lạc; và Vĩnh Thụy Bảo Đại là vị vua cuối cùng của triều Nguyễn đã lập lại công trạng của ông cha khi tái thống nhất đất nước sau 100 năm bị đô hộ. Nêu ra điều này không phải để tôi thương tiếc lịch sử; điều tôi muốn nêu lên là, sự bôi bẩn Bảo Đại đã vô tình phủ bóng đen lên sự thật vốn đem lại chính nghĩa cho Việt Nam Cọng Hòa.

Người miền Nam tập kết ra bắc trong 100 ngày sau 20/7/1954 bị tuyên truyền rằng, hai năm sau sẽ có tổng tuyển cử và họ lại sẽ đoàn tụ. Họ đâu biết rằng đó là lời nói vô căn cứ, họ đâu hiểu rằng không phải hai năm mà "thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ cũng là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ" như chủ tịch của họ đã đưa ra, chỉ hai ngày sau khi mực trên hiệp định Geneva hầu như chưa khô. Do không thấy tổng tuyển cử, gia đình không được đoàn tụ, số dân tập kết ra bắc cùng thân nhân của họ đổ hết lỗi cho chính phủ Việt Nam Cọng Hòa, rồi sau đó là nổi dậy chống đối bằng bạo lực.

Người miền Nam ũng hộ chính phủ Việt Nam Cọng Hòa cũng bị che khuất chính nghĩa của mình. Không ít người vốn không ưa thích ý thức hệ cọng sản nhưng do bị mù lịch sử cũng dần dần cảm tình với kẻ nổi dậy và bị cọng sản cuốn hút vào vòng xoáy chiến tranh chống lại Việt Nam Cọng Hòa. Thậm chí, ngay với người nhiệt tình cầm súng bảo vệ mãnh đất tự do miền Nam cũng mù mờ, ù ù cạc cạc trước tuyên truyền miền Nam vi phạm hiệp định Geneva 1954 (!).

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khởi động chiến tranh ở miền Nam ngay từ năm 1959, khi đó, người Mỹ có mặt tại miền Nam chỉ là một dúm cố vấn, chẳng khác gì miền bắc chấp nhận để Pháp giúp quân đội nhân dân theo tinh thần hiệp ước 06 / 03 / 1946. Nêu lên điều này để thấy khẩu hiệu "chống Mỹ cứu nước" không đúng với việc đưa quân từ bắc vào nam ngay từ 1959.

Tóm lại, miền bắc do bị ngoại bang thúc ép phải chia cắt đất nước, rồi sau đó mất hai mươi năm chiến tranh với biết bao tang thương cũng chỉ có được một sự thống nhất trên mặt địa lý hành chánh. Những đau khổ của người dân ở cả hai miền do chiến tranh gây ra đã ngăn cách lòng người Việt Nam sâu rộng hơn nhiều, so với con sông Hiền Lương vốn ngăn cách dân tộc Việt Nam trên mặt địa lý trong hai mươi năm.

Phải bắt nguồn từ những giọt lệ ăn năn từ cả hai phía trong chiến tranh, may ra muối trong nước mắt ăn năn ấy, mới khỏa lấp được hố ngăn cách trong lòng người Việt hiện nay.

Phía thắng trận chiến (không phải là thắng cuộc) phải nhìn lại lịch sử để ăn năn hành động gây ra cuộc phân ly không cần thiết, rồi sau đó sửa sai bằng một cuộc chiến với hơn ba triệu người dân Việt Nam chết đi một cách oan ức.

Phía thua trận (không phải là thua cuộc) cũng cần bình tỉnh ngẫm lại để ăn năn cho thời gian hơn 40 năm đã làm được rất ít, để vinh danh những người nằm xuống cho miền Nam, nhất là đã làm quá ít với hậu thế để họ có niềm tin vào chính nghĩa quốc gia.

30 / 04 nên là ngày ăn năn cho toàn dân tộc Việt Nam.


Trần Hoàng Sa….. 30 / 04 / 2021.


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.