Sự kết thúc của Made in China ?

Tập Cận Bình.


Mangesh Sawant - ngày 15 tháng 4 năm 2021... Theo GeoPolitical Monitor.

Trần H Sa lược dịch.

Các nền dân chủ tin rằng sự điều chỉnh chính trị của Trung Quốc sẽ theo sau quá trình tự do hóa kinh tế. Nhưng trái với kỳ vọng của các nhà lãnh đạo chính trị và các giám đốc điều hành (CEO), Trung Quốc tham gia trật tự tự do vì lợi ích của chính họ, tìm cách thay thế lợi thế kinh doanh của các quốc gia dân chủ. Kế hoạch Made in China 2025 đang được thực hiện thông qua chuyển giao công nghệ, đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ, mua lại các tài sản chiến lược và các công ty công nghệ cao ở châu Âu và hơn thế nữa.

Kể từ năm 1979, các công ty nước ngoài đã mở dây chuyền sản xuất trên tuyến bờ biển của Trung Quốc. Điều này dẫn đến sự tăng trưởng kinh tế chưa từng có ở Trung Quốc, nhưng sự tăng trưởng này dường như đang dừng lại. Các công ty nước ngoài đang ngày càng gặp nhiều khó khăn dẫn đến việc họ phải rời khỏi Trung Quốc. Lợi thế về chi phí khi đầu tư vào Trung Quốc đang giảm, do những lo ngại như chuyển giao công nghệ, trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ, kiểm soát chất lượng, gian lận tài chính, vi phạm hợp đồng, chi phí quản lý và hậu cần.

Nhân viên công ty nước ngoài lo lắng về sự dọa dẫm, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và mức độ ô nhiễm. Các chính phủ trên toàn thế giới lo ngại về sự phụ thuộc và các gián đoạn của chuỗi cung ứng từ Trung Quốc. Do sở hữu một hệ thống khép kín và không rõ ràng, các công ty không thể tiến hành khảo sát tính khả thi các báo cáo tài chính hàng quý và hàng năm của các đối tác địa phương. Số liệu thống kê kinh doanh của chính phủ và địa phương đôi khi là bịa đặt. Trung Quốc đang đánh mất lợi thế lao động giá rẻ do AI và tự động hóa. Các luật lệ về xã hội, không gian mạng và quản trị cũng như các thực tiễn tuyển dụng không công bằng của các đối tác địa phương là mối quan tâm cao. Các nhà báo nước ngoài và gia đình của họ làm việc tại Trung Quốc cũng bị đe dọa và bị uy hiếp bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Do các chính sách cưỡng chế của chính phủ Trung Quốc và thuế quan thương mại của Mỹ, các công ty như Apple, Whirlpool và Stanley Black & Decker đã từ bỏ kế hoạch bán hàng hoặc công bố quyết định chuyển sản xuất sang Mỹ. Các công ty ô tô đã công bố khoản đầu tư mới của Mỹ trị giá 34 tỷ USD như là kết quả của thỏa thuận USMCA. Các công ty như HP, Dell, Microsoft và Amazon đang chuyển tài sản của họ ra khỏi Trung Quốc. Một số công ty đã chuyển sang các nước lân cận là Harley Davidson (sang Thái Lan), Panasonic (sang Malaysia), Samsung (sang Việt Nam / Ấn Độ) và Foxconn (sang Việt Nam / Ấn Độ).

Sự thù địch của Trung Quốc đang dẫn đến gia tăng sự đối kháng với trật tự dân chủ. Đặng Tiểu Bình mở lãnh sự quán đầu tiên của Trung Quốc tại Houston. Bốn thập kỷ sau, Hoa Kỳ ra lệnh cho Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán vì bị cáo buộc có liên quan đến trộm cắp sở hửu trí tuệ và gián điệp.

Môi trường pháp lý.

Các công ty nước ngoài đang gặp khó khăn với các đối tác địa phương, dẫn đến các tranh chấp và kiện tụng thương mại tốn kém. Các nguyên nhân bao gồm vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng, bất thường trong thực hành kế toán, vi phạm nhãn hiệu và trộm cắp bằng sáng chế, gian lận thương mại và tài chính, nợ bị giấu kín hoặc tranh giành quyền kiểm soát trong các liên doanh.

Môi trường pháp lý và tuân thủ vẫn chưa rõ ràng. Các thẩm phán ở các tòa án cấp dưới hoặc ở các vùng sâu, vùng xa có ít kinh nghiệm trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến các công ty nước ngoài . Các nhà lập pháp và nạn quan liêu thực hiện các quy tắc theo lợi ích chính trị của họ. Nhiều công tố viên và sĩ quan cảnh sát Trung Quốc không được đào tạo đầy đủ về luật pháp dẫn đến việc giảm thiểu hiệu quả của các vụ truy tố thương mại.

Trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ.

Thiếu được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là một vấn đề lớn trong khi tiến hành kinh doanh ở Trung Quốc. Theo Phòng Thương mại Hoa Kỳ, 86 phần trăm hàng giả đến từ Trung Quốc. Tồi tệ hơn nữa với thực tiễn là sử dụng bất hợp pháp tên công ty, nhãn hiệu và bằng sáng chế thiết kế.

Hành vi trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ lên tới 600 tỷ đô la mỗi năm, đây là một trong những vụ chuyển giao tài sản lớn nhất trong lịch sử. Các công ty Trung Quốc đã đánh cắp bí mật thương mại từ nhiều lĩnh vực như ô tô, hàng không, hóa chất, điện tử tiêu dùng, phần mềm, công nghệ sinh học và dược phẩm. Trung Quốc đã đánh cắp dữ liệu từ các dự án quốc phòng của Mỹ như F-35, Hệ thống chiến đấu Aegis, hệ thống tên lửa Patriot, các phương tiện không người lái ở dưới nước và camera ghi hình qua nhiệt độ. Một chiến dịch do tin tặc Trung Quốc phát động nhằm đánh cắp IP để hỗ trợ cho sự phát triển của máy bay C919.

Chuyển giao công nghệ.

Chuyển giao công nghệ là cái giá phải trả cho việc kinh doanh ở Trung Quốc. Theo luật của Trung Quốc, các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cho một đối tác địa phương. Sau khi có chuyên môn kỹ thuật và thành thạo về sản phẩm, đối tác địa phương thành lập công ty đối thủ và bán sản phẩm tương tự dưới nhãn hiệu mới và sự bảo hộ hợp pháp. Bấy giờ công ty nước ngoài có đối tác cũ là đối thủ cạnh tranh. Trong khi các công ty nước ngoài chi hàng tỷ đô la cho Nghiên cứu và Phát triển (R&D) thì các công ty Trung Quốc nhận được công nghệ miễn phí.

Cạnh tranh bởi các công ty Trung Quốc.

Việc đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ đang dẫn đến sự cạnh tranh không cân xứng do các công ty Trung Quốc sản xuất hàng giả. Các đối thủ cạnh tranh trong nước đang bán sản phẩm với giá thấp hơn trên thị trường trong nước và thị trường nước ngoài, dẫn đến các công ty nước ngoài bị thua lỗ. Các công ty Trung Quốc đang trở nên năng suất hơn và cạnh tranh hơn khiến các lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ gặp rủi ro. Các công ty nước ngoài hoạt động dựa trên giả định rằng những rủi ro này có thể được quản lý. Nhưng họ đang gây tổn hại cho các công ty nước ngoài khi các đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc phát triển mạnh nhờ các công nghệ đánh cắp được.

Gián điệp thương mại.

Chính phủ Trung Quốc đánh cắp công nghệ từ các công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc phải tuân theo các quy tắc của ĐCSTQ bằng cách hoàn thành vai trò thu thập thông tin tình báo và cung cấp cho nhà nước. Các nhà cung cấp dịch vụ Internet địa phương hợp tác với chính phủ để giám sát email. Nhiều chủ sở hữu của các công ty địa phương là đảng viên của ĐCSTQ. Các công ty Trung Quốc tiến hành hoạt động gián điệp và chuyển giao dữ liệu cá nhân cho nhà nước, được quy định trong luật như Điều 27 của Luật An ninh mạng. Các quy định mới của ĐCSTQ  kêu gọi thành lập các chi bộ đảng trong tất cả các công ty tư nhân. Trong một trường hợp, Công ty Walt Disney phải cung cấp nơi ở cho 300 đảng viên ĐCSTQ tại công viên Thượng Hải.

Các chính phủ nước ngoài đã phát hiện ra các chiến dịch gián điệp tinh vi nhắm vào những khách hàng xử dụng khách sạn trên khắp Trung Quốc. Theo cộng đồng tình báo Hoa Kỳ, thông tin đã được phân loại bị thu thập từ các thiết bị di động sau khi người thuê khách sạn đăng nhập vào các kết nối không dây có vẻ riêng tư và an toàn. Cơ quan tình báo Trung Quốc có thể theo dõi vị trí và chặn liên lạc trên điện thoại di động. Các công ty nước ngoài đã mất công nghệ phanh và pin ô tô, công nghệ đường sắt tốc độ cao, dữ liệu thử nghiệm hàng không và các công thức hóa học và dược phẩm có giá trị. Các công ty nước ngoài ngày càng lo ngại về môi trường giám sát phức tạp và tỏa khắp ở Trung Quốc.

Vấn đề lao động.

Tăng trưởng chậm lại đang làm nóng sự bất mãn trong giới lao động ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong vài năm qua, các trung tâm sản xuất như Thiên Tân, Thượng Hải, Quảng Đông và Giang Tô đã nếm mùi bất ổn lao động gia tăng về tần suất, và phạm vi ảnh hưởng. Sự khác biệt lớn về kinh tế giữa các tỉnh nội địa và các tỉnh ven biển đã giúp thúc đẩy sự bất mãn. Công đoàn do nhà nước lãnh đạo và những hạn chế đối với sự đi lại của người lao động cũng đang ảnh hưởng xấu đến các công ty.

Các công ty đang trải qua các cuộc biểu tình, đình công và đóng cửa. Dự kiến ​​sẽ có nhiều biến động trên thị trường lao động khi Trung Quốc thực hiện tự động hóa để giảm chi phí sản xuất. Theo Bản tin Lao động Trung Quốc, đã có 9.570 cuộc đình công ở Trung Quốc từ năm 2015 đến năm 2020. Xung đột giữa người lao động và quản lý địa phương báo hiệu sự kết thúc kỷ nguyên sản xuất giá rẻ, và bắt đầu một môi trường đầy thách thức cho các công ty.

Rủi ro địa chính trị.

Trung Quốc sử dụng dân số của mình như một vũ khí để từ chối các công ty tiếp cận thị trường nếu họ không tuân theo các đường lối của ĐCSTQ. Các công ty nước ngoài có thể bị cấm hoạt động ở Trung Quốc nếu nhân viên của họ đưa ra bình luận trên mạng xã hội mà Trung Quốc xem là bất lợi cho các chính sách độc tài của họ. Các công ty phải tuân thủ các chính sách của chính phủ, nếu không họ sẽ bị quấy phá và trở thành mục tiêu cho các chiến dịch bôi nhọ trên mạng xã hội.

Các cuộc biểu tình chống lại các công ty nước ngoài bị cảnh sát xử phạt và kiểm soát tùy thuộc vào yêu cầu của ĐCSTQ. Công dân Trung Quốc đã đập phá tài sản của Nhật Bản để phản đối yêu sách của Nhật Bản về quần đảo Senkaku. Trong một cuộc tranh chấp với Hàn Quốc về việc triển khai tên lửa THAAD, các công dân Trung Quốc đã tham gia biểu tình phản đối các công ty Hàn Quốc. Mạng xã hội Trung Quốc kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Hàn Quốc. Ngành công nghiệp giải trí của Hàn Quốc buộc phải hủy các show diễn tại Trung Quốc. Việc bán các sản phẩm làm đẹp và mỹ phẩm nổi tiếng của Hàn Quốc đã bị ảnh hưởng. Điều này khiến các khoản đầu tư của Hàn Quốc vào Trung Quốc giảm xuống.

Tăng chi phí kinh doanh ở Trung Quốc.

Chi phí lao động của Trung Quốc cao hơn hầu hết các nước ASEAN. Trung Quốc đã đạt đến mức độ đụng trần vì mức sống của họ gần bằng mức sống của thế giới phát triển. Phần lớn công nhân lao động chân tay của Trung Quốc sinh trong những năm 1980 và 1990 lo ngại về tiền lương, lợi ích tài chính, các vấn đề xã hội và quyền tại nơi làm việc. Chi phí kinh doanh đang tăng lên khi chính phủ ban hành luật mới yêu cầu các công ty tăng lương thưởng cho nhân viên và phúc lợi nhân sự. Chi phí vận hành một nhà máy ở Mỹ và Trung Quốc gần như tương đương, trong khi công nhân Mỹ có năng suất cao hơn nhiều so với các đối tác Trung Quốc .

Sản xuất ở Trung Quốc không còn nhiều lợi thế khi xem xét các lãnh vực liên quan sản xuất như : đất đai, hậu cần, thuế hải quan, thuế quan thương mại, chiến tranh thương mại, chuyển giao công nghệ, trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ và chi phí nhân viên. Ngày nay, các công ty đang đưa chuỗi cung ứng của họ về nước trong khi các công ty Trung Quốc đã thành lập các nhà máy sản xuất tại các thị trường quốc tế, nơi mà người tiêu dùng của họ cư trú.

Tách khỏi Trung Quốc.

Khó khăn trong việc tách khỏi Trung Quốc đã là một chủ đề phổ biến trên các phương tiện truyền thông. Theo một số chuyên gia, cộng đồng thế giới đã bám sâu vào hệ thống sản xuất của Trung Quốc. Chúng thúc đẩy toàn cầu hóa và sự di chuyển tự do của các ngành công nghiệp và hàng hóa. Nhưng trớ trêu thay, việc thúc đẩy toàn cầu hóa của họ lại mâu thuẫn với lập luận của họ khi cho rằng rất khó để tách khỏi Trung Quốc.

Chiến tranh thế giới thứ hai đã phá hủy phần lớn cơ sở công nghiệp của châu Âu, dẫn đến tình trạng thiếu hụt các cơ sở công nghiệp quân dụng và dân dụng trên diện rộng. Dresden và Hamburg đã bị san phẳng bởi các cuộc ném bom liên tục của quân đồng minh. Khi chiến tranh tiến hành, Mỹ trở thành trung tâm sản xuất, bảo đảm việc cung cấp liên tục các mặt hàng dân dụng và hệ thống vũ khí quân sự cho châu Âu.

Chiến tranh khiến các khu vực công nghiệp châu Âu rơi vào tình trạng rách nát. Nhưng các công ty không bị hạn chế bởi thiếu phương tiện và cơ sở hạ tầng. Sản xuất công nghiệp tái khởi động ở Châu Âu sau chiến tranh. Ngày nay, năm loại xe hơi hàng đầu được sản xuất tại Đức. Công ty Rolls Royce mang tính hình tượng đã được BMW mua lại, và hiện nay đối thủ cạnh tranh duy nhất với Boeing là Airbus. Vào năm 1945, nhiều chuyên gia đã lập luận rằng không thể bắt đầu sản xuất công nghiệp ở một châu Âu bị chiến tranh tàn phá và đổ nát. Nhưng châu Âu đương đại là một đối thủ của Mỹ, ngang hàng về công nghệ và công nghiệp tiên tiến.

Toàn cầu hóa có nghĩa là các ngành công nghiệp không bị hạn chế bởi các chính sách cưỡng chế của chính phủ. Sản xuất ở Mỹ hoặc châu Âu sẽ không làm suy yếu các công ty và cổ đông. Chuyển giao công nghệ và trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ không phải là một phần trong sự phát triển của Đức và Nhật Bản. Những gã khổng lồ công nghiệp và công nghệ này được hưởng một môi trường tự do, pháp quyền và văn hóa kinh doanh cạnh tranh. Một số chuyên gia cho rằng Mỹ sẽ không cho phép Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh. Nếu đúng như vậy, thì Mỹ đã không cho phép các công ty châu Âu thách thức các công ty Mỹ. Airbus với tư cách là đối thủ cạnh tranh với Boeing sẽ không tồn tại.

Chúng ta hãy xem xét một phép loại suy khác. Một số nhà phân tích thảo luận về khoảng cách kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc. Họ kết luận rằng các công ty nước ngoài không thể phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam do thiếu cơ sở hạ tầng. Nhưng trong những năm 1980, Mỹ là một nền kinh tế tiên tiến và đi trước nhiều năm trong tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng khi Trung Quốc mở cửa cho đầu tư nước ngoài. Trung Quốc thiếu các cơ sở công nghiệp và lao động được đào tạo, vì nước này nổi lên từ cuộc cách mạng văn hóa bạo lực và chiến tranh với Việt Nam. Nhưng vào năm 1980, các chuyên gia đã không cho rằng Trung Quốc là một nền kinh tế kém phát triển. Và về cơ sở hạ tầng, Việt Nam đương đại tốt hơn nhiều so với Trung Quốc vào năm 1980.

Theo Igor Ansoff, đa dạng hóa là một chiến lược quan trọng để các công ty phân tán rủi ro. Điều này dẫn đến tăng tỷ lệ lợi nhuận ròng trên tổng chi phí đầu tư (Return on Investment, ROI ), rủi ro tài chính thấp hơn, lợi nhuận cao hơn, sản phẩm an toàn và an ninh cho nhân viên. Đầu tư vào các nước dân chủ và bán dân chủ có lợi cho các công ty. Các công ty đang đa dạng hóa tài sản để bảo đảm môi trường kinh doanh. Các thị trường mới nổi như Việt Nam và các thị trường tiềm tàng như Campuchia và Lào là tương lai của ngành sản xuất. Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore và Hàn Quốc có cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới. Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APAC) năm 2021 không phản ảnh một châu Âu đổ nát của năm 1945.

Kết luận.

Rủi ro đối với các công ty nước ngoài đang tăng lên khi Trung Quốc trở nên độc tài hơn dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình. Cách tiếp cận theo chủ nghĩa can thiệp của Trung Quốc đang gây tổn hại cho các công ty. Các chính sách cưỡng chế của chính phủ, vi phạm các quy định của WTO, quyền lực tùy tiện của ĐCSTQ, quân đội thù địch và chính sách ngoại giao lôi kéo đều đang ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh. Các cuộc điều tra của Trung Quốc đối với các công ty, căng thẳng dai dẳng với các nước láng giềng, và mức lương cho lao động chân tay dâng cao đã khiến các công ty phải rời khỏi Trung Quốc. Theo kết luận hợp lý của họ, các chính sách đầu tư của Trung Quốc sẽ dẫn đến một nền kinh tế đóng cửa như Liên Xô trước đây.

Trung Quốc đang lùi về kỷ nguyên cách mạng văn hóa tập trung, nơi mà bộ phận tuyên truyền của chính phủ và các phe phái cứng rắn trong đảng ép buộc quần chúng phải tuân theo hệ tư tưởng của ĐCSTQ. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã giúp tạo ra sự ổn định sau vụ thảm sát Thiên An Môn. Nhưng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) giảm sẽ làm chậm tiến bộ công nghệ và làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc. Điều này chắc chắn sẽ tạo ra thất nghiệp và có lẽ là một cuộc cách mạng ở một ngày nào đó.

Các công ty hiện đã nhận biết về các sự kiện "tê giác xám" (là những mối nguy hiểm khá rõ ràng nhưng lại thường bị ngó lơ). Cạnh tranh bất cân xứng của các công ty Trung Quốc, trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ là những mối đe dọa hiển nhiên nhưng lại bị bỏ quên, chúng có tác động to lớn với hậu quả nghiêm trọng đối với các công ty nước ngoài. Mất thương mại và thị trường dẫn đến sự sụp đổ của các nền văn minh thời cổ đại. Môi trường đầu tư không thuận lợi có thể dẫn đến sự sụp đổ của Trung Quốc với tư cách là một cường quốc kinh tế. Đây không phải là sự tạm dừng mà là sự kết thúc của Made in China.

* * *
_ Mangesh có bằng Thạc sĩ về các vấn đề Quốc tế tại Đại học Columbia, New York, nơi ông tập trung vào chính sách an ninh quốc tế, và là một chuyên gia về phân tích rủi ro địa chính trị, an ninh toàn cầu, phân tích rủi ro chính trị và an ninh quốc gia, nghiên cứu quân sự và an ninh nội địa. Mangesh có hơn 18 năm kinh nghiệm trong việc thực hiện nghiên cứu, phân tích chính sách xây dựng, phát triển các nghiên cứu điển hình và những bài học kinh nghiệm.

* * * * *

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.