Sự trở lại của Bộ Tứ: Liệu Nga và Trung Quốc có hình thành khối riêng của họ ?

Ảnh: ALEXEY DRUZHININ / AFP / Getty Images

Heather A. Conley , Michael J. Green , Cyrus Newlin , Nicholas Szechenyi…Ngày 6 tháng 4 năm 2021.. Theo CSIS

Trần H Sa lược dịch.

Hội nghị thượng đỉnh Quad ảo gần đây của Tổng thống Biden với các thủ tướng của Ấn Độ, Australia và Nhật Bản trên bề mặt tập trung vào an ninh khu vực, công nghệ mới nổi và biến đổi khí hậu. Nhưng ngoài ra, hội nghị thượng đỉnh Quad đánh dấu sự trở lại chính thức và sự chấp nhận mạnh mẽ cơ chế phối hợp này, giữa các nền dân chủ hàng hải nhằm bảo đảm sự ổn định trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Được khởi xướng dưới thời chính quyền George W. Bush để thảo luận các vấn đề an ninh khu vực, ngày nay Bộ Tứ có mục đích lớn hơn: giải quyết sự cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Mặc dù Quad không phải là một liên minh chính thức, mục đích đổi mới của nó đã được xúc tác bởi sự quyết đoán của Trung Quốc ngày càng tăng trong khu vực : quân sự hóa cái gọi là các đảo cải tạo trên khắp Biển Đông; cưỡng bức kinh tế đối với Úc và các nước khác; cưỡng ép gây áp lực đối với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông; và những hành động "bên miệng hố chiến tranh" của nó trên dãy Himalaya, dẫn đến cái chết của 20 binh sĩ Ấn Độ. Chiến lược của Hoa Kỳ đối với Ấn Độ  - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục được định hình bởi cuộc cạnh tranh chiến lược này, cũng như các liên minh và đối tác mạnh mẽ của Hoa Kỳ trong khu vực.

Như chúng ta đã biết từ Định luật thứ ba của Newton, đối với mọi hành động - dù tích cực đến đâu đối với lợi ích của Hoa Kỳ - đều có phản ứng ngược lại. Hợp tác chiến lược Trung-Nga được nhanh chóng mở rộng trước Hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ, nhưng Moscow và Bắc Kinh đã đáp trả động lực mới và sự đoàn kết giữa các nền dân chủ hàng hải Ấn Độ-Thái Bình Dương, bằng một loạt các cuộc tập trận quân sự và ngoại giao của riêng họ, bao gồm một ôm ấp mới với Iran cũng như những lời nồng nhiệt dành cho Triều Tiên và quân phiệt Myanmar. Có vẻ như cảm giác ưa thích của Bắc Kinh và Mátxcơva đối với Iran và Triều Tiên nằm ở chổ, tốt nhất coi hai nước này là những kẻ phá bĩnh chứ không phải là những đồng minh hùng mạnh của họ. Sự khôn ngoan của những động thái chọn phe với những kẻ phá bĩnh là điều gây tranh cãi, đặc biệt khi ngôn ngữ gây hấn của Trung Quốc và các biện pháp trừng phạt chống lại Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh đang thúc đẩy các nền dân chủ trên thế giới hướng về Hoa Kỳ và Nhóm Quad.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ và các đồng minh của họ sẽ mắc sai lầm khi cho rằng Định luật thứ ba của Newton chắc chắn sẽ đưa hệ thống quốc tế tiến tới sự phân chia rõ rệt giữa hai khối, hoặc rằng Moscow và Bắc Kinh sẽ được liên kết bởi các lợi ích hổ tương, chứ không do nhận thức chung rằng các chuẩn mực dân chủ và các cấu trúc liên minh phương Tây đặt ra các mối đe dọa liên quan đến sự tồn tại đối với các chế độ của họ. Thật vậy, trong quá trình lịch sử, lợi ích của Trung Quốc và Nga ở châu Á thường xuyên xung đột hơn là liên kết. Hơn nữa, sự kết hợp giữa sự thành thạo của Nga trong việc gây ảnh hưởng xấu; và sức nặng kinh tế, quân sự của Trung Quốc sẽ tạo thêm những phức tạp mới và không mong muốn cho các chiến lược ngoại giao và quân sự của Mỹ và đồng minh.

Chính vì những lý do này và thách thức lớn hơn do Trung Quốc đặt ra mà Nhật Bản và Ấn Độ từ lâu đã tìm cách giảm bớt tình trạng Moscow bị lôi cuốn về phía Bắc Kinh, mặc dù chỉ thành công hạn chế. Hoa Kỳ, Úc và các đồng minh khác làm tốt việc xem xét một cách tiếp cận ôn hòa tương tự trong bối cảnh Ấn Độ - Thái Bình Dương với những kỳ vọng khiêm tốn tương tự. Ban đầu có thể làm như vậy bằng cách xác định nơi mà lợi ích của Nga chắc chắn sẽ tách rời khỏi Trung Quốc vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Đây là một chiến lược tinh tế hơn, không cố gắng tạo ra một cái nêm mạnh mẽ giữa hai cường quốc, vì điều này có thể sẽ có tác dụng ngược lại.

Chiến lược của Hoa Kỳ ủng hộ sự phối hợp với các quốc gia cùng chí hướng để hình thành một trật tự dựa trên luật lệ. Nó kết hợp chiến lược này với nhu cầu tăng cường khả năng răn đe để đối phó với sự cưỡng ép, khi nghiên cứu các cơ hội tương tác với các quốc gia khác nhau, nơi mà lợi ích bị chồng chéo lên nhau. Đây là một hành động cân bằng tinh tế không nhất thiết phải loại trừ ngoại giao với Trung Quốc và Nga, nhưng khi căng thẳng khu vực gia tăng, nó trở nên khó khăn hơn.

Hợp tác quốc phòng Trung-Nga đã được tăng cường qua cuộc họp ngoại trưởng gần đây để đáp lại Bộ tứ, và sự lên án mạnh mẽ của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov về dạng thức của bộ Tứ, báo hiệu sự phối hợp các quan điểm chính sách của Nga-Trung và  tăng cường quan hệ giữa họ với nhau. Bất chấp thù hận trong lịch sử của họ, trong nhiều thập niên, cả hai nước đã nỗ lực giải trừ quân bị và khôi phục quan hệ, lần đầu tiên tuyên bố “quan hệ đối tác chiến lược” vào năm 1996. Tuy nhiên, kể từ năm 2014, khi quan hệ của Nga với phương Tây trở nên thù địch công khai do việc sáp nhập Crimea một cách bất hợp pháp, sử dụng vũ khí hóa học, vi phạm nhân quyền và can thiệp vào các cuộc bầu cử của Hoa Kỳ và châu Âu, được bồi thêm bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại Nga, logic chiến lược của quan hệ đối tác giữa Nga và Trung quốc mang tính cấp bách mới, đặc biệt là đối với Moscow. Bắc Kinh và Moscow đã kiên nhẫn đàm phán song phương về các thỏa thuận năng lượng, và sự bùng nổ xuất khẩu nông sản của Nga đã đẩy thương mại song phương lên một tầm cao mới: Tỷ trọng của Trung Quốc trong thương mại của Nga tăng gần gấp đôi từ 10% năm 2013 lên hơn 18% năm 2020 và ở mức cao nhất từ trước đến nay mặc dù giá dầu giảm do đại dịch coronavirus, điều này chỉ làm sâu sắc thêm sự nguy hiểm tài chính của Nga đối với Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc ngày càng được ưa thích trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng 5G của Nga.

Hợp tác quân sự và công nghệ đã tiếp theo sau. Cuối năm ngoái, các lực lượng Nga và Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) đã tiến hành cuộc tuần tra hỗn hợp lần thứ nhì bằng máy bay ném bom trên Biển Nhật Bản và Biển Hoa Đông, sau cuộc tuần tra đầu tiên vào tháng 7 năm 2019. Năm thứ ba liên tiếp kể từ 2018 đến năm 2020, PLA đã tham gia cuộc tập trận quân khu hàng năm của Nga, Kavkaz, từng tham gia các cuộc diễn tập quân sự vào những năm trước ở Tsentr và Vostok. Các cuộc tập trận hải quân chung Trung-Nga bắt đầu vào năm 2015 ở Địa Trung Hải và được tiến hành gần như hàng năm từ nơi thật xa như Biển Baltic đến Bờ Biển Hoàng Hải của Trung Quốc. Sự gia tăng tần suất và phạm vi địa lý của các cuộc tập trận chung được bổ sung bằng việc Nga bán vũ khí cho Trung Quốc, bao gồm máy bay chiến đấu Su-35, hệ thống tên lửa S-400, và hệ thống cảnh báo sớm khi bị tấn công bằng tên lửa. Các kế hoạch được công bố gần đây là xây dựng một trạm vũ trụ chung ở mặt trăng  làm nổi bật sự gần gũi trong quan hệ của họ và tương phản với những ngày sôi nổi trong quan hệ Mỹ-Nga, vốn chuẩn bị cho Trạm vũ trụ quốc tế.  

Các quan chức Trung Quốc đã chỉ trích "tâm lý Chiến tranh Lạnh" của Bộ Tứ nhằm cố gắng kiềm chế Trung Quốc và cáo buộc tổ chức này "khuấy động sự đối đầu giữa các nhóm và khối khác nhau để kích động cạnh tranh địa chính trị", nhưng Bắc Kinh không phải là cường quốc duy nhất lên tiếng không hài lòng. Vào tháng 12, Bộ trưởng Lavrov đã lên án “chính sách dai dẳng, hiếu chiến và quanh co” của phương Tây khi lôi kéo Ấn Độ vào “trò chơi chống Trung Quốc”. Những lời chỉ trích  Hoa Kỳ tương tự như thế đã được Bộ trưởng Lavrov và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cùng phát biểu tại một hội nghị thượng đỉnh song phương gần đây ở Bắc Kinh. Rõ ràng, đã tồn tại một yếu tố có lợi cho việc chia sẻ tín hiệu chính trị . Các biện pháp trừng phạt đang diễn ra của Mỹ chống lại Nga vì một loạt vi phạm nhân quyền, và các lệnh trừng phạt gần đây đối với Trung Quốc vì đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, đã phù hợp với lợi ích của Moscow và Bắc Kinh trong việc phát triển các giải pháp thay thế kiến ​​trúc tài chính toàn cầu do đồng đô la thống trị, để giảm bớt tác động của Kho bạc Mỹ. Trong chuyến thăm Trung Quốc gần đây, Bộ trưởng Lavrov tuyên bố sự cần thiết làm việc cùng nhau của Nga và Trung Quốc để “giảm nguy cơ từ sự trừng phạt bằng cách tăng cường sự độc lập về công nghệ của chúng tôi” và “tránh xa các hệ thống thanh toán quốc tế do phương Tây kiểm soát”.

Tuy nhiên, Moscow cũng được thúc đẩy bởi những cân nhắc thực tế. Là một cường quốc ở Thái Bình Dương, nước này lo ngại về sự tăng cường quân sự của Mỹ trong khu vực. Việc Mỹ bán hơn 100 máy bay chiến đấu tàng hình F-35 thế hệ thứ 5 cho Nhật Bản vào mùa hè năm ngoái, đã khiến Nga tăng cường lực lượng phòng không ở các đảo tại Viễn Đông, triển khai S-400 và S-300V4 bên cạnh hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn - và mở rộng khả năng phóng chiếu sức mạnh của Nga. Các báo cáo rằng chính quyền Biden có thể tìm cách triển khai tên lửa tầm trung trên bộ ở Nhật Bản đã vấp phải cảnh báo nghiêm khắc từ Bộ trưởng Lavrov rằng Nga sẽ “trả đũa”. Moscow coi dàn xếp an ninh Bộ tứ do Hoa Kỳ lãnh đạo theo cách nó nhìn NATO - là một công cụ cho quyền bá chủ của Mỹ được che đậy như là chủ nghĩa đa phương.

Nhưng phản ứng của Moscow cũng có thể là hậu quả của việc Hoa Kỳ không chú ý đến Nga như một đối tác toàn cầu ngang tầm khi Washington tập trung trọng tâm địa chiến lược vào Ấn Độ  - Thái Bình Dương và mô tả Nga “cũng là một mối đe dọa, nhưng đang suy giảm”. Thông điệp này được củng cố thêm trong Chiến lược An ninh Quốc gia Hoa Kỳ tạm thời của chính quyền Biden, trong đó nhấn mạnh Trung Quốc gần như sẽ loại trừ Nga. Khi Hoa Kỳ và các đồng minh gia tăng thế trận quân sự ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, hợp tác quốc phòng của Nga với Bắc Kinh chắc chắn sẽ phát triển vì Trung Quốc, hơn bất kỳ cường quốc châu Á nào khác, sẽ nâng cao vị thế của Nga trên toàn cầu và ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương từ mức độ thấp hơn như hiện nay. Moscow sẽ đưa quan hệ của mình với các cường quốc khu vực khác như Ấn Độ và Việt Nam vào quan hệ đối tác chiến lược với Bắc Kinh. Mục tiêu của Nga sẽ không phải là giao chiến trực tiếp với Mỹ hoặc đóng góp hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Trung Quốc, mà là mở rộng phạm vi địa lý của cuộc tranh chấp nhằm làm loãng sức mạnh của Mỹ trong khu vực, và thể hiện giá trị của Nga đối với Trung Quốc như là một đối tác chiến lược.

Có thể làm gì để tránh câu hỏi chiến lược hóc búa  này?

Mặc dù nền kinh tế Nga và Trung Quốc có sự tương thích cao - Trung Quốc nhu cầu năng lượng, thực phẩm và các tuyến đường vận chuyển đa dạng cho hàng xuất khẩu của nó, Nga thì cung cấp  dầu mỏ, khí đốt tự nhiên hóa lỏng, lúa mì và tuyến đường biển phía Bắc dựa theo Bắc Cực - sự chênh lệch kinh tế của họ là rất lớn, và các mối quan hệ kinh tế của họ được thương lượng dựa trên các điều kiện của Trung Quốc, không phải của Nga. Nga bán vũ khí cho Trung Quốc đã tăng lên, nhưng năng lực công nghệ quân sự bản địa của Trung Quốc đang bắt kịp và trong một số lĩnh vực, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo, đóng tàu và máy bay tàng hình, đang vượt qua Nga. Điều này mang lại những tác động về an ninh cũng như việc mua bán, vì Nga có thể sẽ có khả năng bán ít vũ khí hơn cho Trung Quốc. Có lẽ điều đáng lo ngại hơn đối với Nga là biên giới dài có dân cư thưa thớt của nó với Trung Quốc, đối với Moscow vẫn là mối quan tâm về an ninh tự nhiên.

Nga hoàn toàn nhận thức được sự bất cân xứng này nhưng không thể làm gì hơn để đối trọng với nó ngoài việc tìm kiếm sự dính líu với các cường quốc Thái Bình Dương khác như Ấn Độ, Nhật Bản và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á để nâng cao vị thế của Nga trong khu vực và bảo toàn khả năng điều động. Tuy nhiên, Moscow thấy mình đang ở trong một thế khó: càng tự đặt vị thế gần gủi hơn với Trung Quốc, thì nước này càng tự xa rời mối quan hệ lịch sử với Delhi nói riêng, cũng như với Tokyo. Tình trạng tiến thoái lưỡng nan này là một điểm đáng chú ý trong các cuộc đối thoại Track 2 gần đây do Trung tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) và một tổ chức đối tác của Nga và Nhật Bản tổ chức, nhưng những người tham gia cảm thấy Moscow có rất ít động thái để giải quyết vấn đề đó. Công việc theo dõi thứ hai tiếp theo là giữa Hoa Kỳ, Nga và Ấn Độ tập trung vào cách duy trì lâu dài tính tùy chọn trong khu vực, có thể đã được chứng thực.

Bất chấp những căng thẳng to lớn trong mối quan hệ song phương của họ, Hoa Kỳ và Nga có thể xác định một số lĩnh vực hẹp về tầm nhìn dài hạn thích hợp cho khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Cả hai đều nhằm mục đích thiết lập một trật tự khu vực đa cực, trong đó Trung Quốc là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tích cực nhưng không phải là bá chủ khu vực. Với những dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là đơn cực, Moscow có thể tìm kiếm sự tái cân bằng chiến lược trong khi tiếp tục theo dõi Bộ tứ một cách hoài nghi. Nga và Trung Quốc không có nghĩa vụ quân sự với nhau, nhưng một cuộc khủng hoảng trong khu vực sẽ gây áp lực buộc Nga phải liên kết với Trung Quốc theo kiểu "thùng rỗng kêu to", do đó làm giảm không gian chính trị để Moscow làm đối trọng trong quan hệ với các quốc gia khác. Việc duy trì mối quan hệ kinh tế và an ninh của Nga với Ấn Độ có thể mang lại cơ hội cho một nỗ lực tránh thúc đẩy  sự liên kết quân sự của Moscow với Bắc Kinh, vốn vẫn là lợi ích của Hoa Kỳ.

Một chiến lược hòa hoãn với Nga nên ưu tiên không phổ biến vũ khí hạt nhân trên bán đảo châu Á. Các công nghệ mới — tấn công chính xác, chống vệ tinh, phòng thủ tên lửa — và sự gia tăng tốc độ, độ chính xác và khả năng tàng hình của những khả năng này đang góp phần gây ra sự bất ổn trong khu vực, được khuếch đại bởi sự mơ hồ về học thuyết đã được công nhận và sự thiếu minh bạch xung quanh các hệ thống lưỡng dụng. Nên có những động lực và tiến bộ tích cực trong việc kiểm soát vũ khí song phương Mỹ-Nga liên quan đến sự minh bạch về đầu đạn và tên lửa, thì cả hai đều có thể có cơ hội khuyến khích Bắc Kinh tự gắn mình với một quy trình chuẩn mực, ngay cả khi Trung Quốc tiếp tục bác bỏ lời kêu gọi đàm phán kiểm soát vũ khí đa phương. . 

Nhóm Quad và các đồng minh, đối tác khác của Mỹ cũng có thể theo đuổi một chương trình nghị sự khu vực rộng lớn hơn qua đó chia sẻ những điểm trùng lặp với lợi ích của Nga ngoài việc kiểm soát vũ khí, bao gồm quyền tiếp cận cởi mở các con đường thương mại qua Biển Đông và tiếp cận không giới hạn với thị trường xuất khẩu và các ngư trường. Chính sách xoay trục vốn chậm trễ của Nga sang châu Á đang được thúc đẩy, một phần bởi mong muốn được hưởng lợi kinh tế từ một khu vực đang phát triển nhanh. Thương mại và đầu tư không bị gián đoạn với tất cả các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là các quốc gia khai thác tài nguyên ở Bắc Cực thuộc Nga, là mối quan tâm của Nga. Hoa Kỳ có thể tham gia với Nga một cách cụ thể hơn về một khuôn khổ phát triển kinh tế bền vững cho khu vực eo biển Bering và Hội đồng Kinh tế Bắc Cực, cũng như triệu tập định kỳ năm quốc gia ven biển Bắc Cực để củng cố rằng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển là khung pháp lý quốc tế cho Bắc Cực, chứ không phải là một khu vực chưa được xác định chủ quyền như chính phủ Trung Quốc đã đề nghị.

Cơ chế Quad không chính thức, linh hoạt và cho phép hình dạng biến đổi lớn hơn theo một cách sắp xếp đặc biệt, “Quad Cọng” với các bên không liên kết khác — ví dụ, Việt Nam và Indonesia, những nước nhỏ có mối quan hệ với  Nga nhưng đang phát triển — có thể giúp giữ các lựa chọn mở để liên lạc với Moscow. Ngay cả ở những khu vực mà Nga và Nhóm Quad khác nhau, sự phối hợp của Nhóm Quad có thể giúp duy trì chỗ cho Nga trở thành một tác nhân độc lập chứ không phải là liên kết chặt chẽ hơn với Trung Quốc trong khu vực. 

Vai trò của Nga ở Ấn Độ  - Thái Bình Dương đã giảm đi kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhưng cũng như các mối quan hệ khác trên toàn cầu, Moscow đang cố gắng tái thiết một số mối quan hệ cũ và xây dựng những mối quan hệ mới. Mặc dù Điện Kremlin hiểu rằng sự liên kết nhanh chóng với Bắc Kinh ở Ấn Độ - Thái Bình Dương sẽ giúp nước này tăng cường sức mạnh toàn cầu trong ngắn hạn, nhưng sự liên kết này sẽ phải trả giá đắt đối với khả năng độc lập và điều động chính sách khu vực của Moscow. Ngoại giao Nga có truyền thống ủng hộ tất cả các bên của một cuộc xung đột để giữ cho các lựa chọn chính sách của mình luôn rộng mở. Làm việc với Quad và các thành viên của nó cũng sẽ không có gì khác biệt. 


Các tác giả :
_ Heather A. Conley là phó chủ tịch cao cấp phụ trách Châu Âu, Á-Âu và Bắc Cực, và là giám đốc Chương trình Châu Âu, Nga và Á-Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, DC.
_ Michael J. Green là phó chủ tịch cao cấp phụ trách Châu Á và Nhật Bản, Chủ tịch CSIS và là Giám đốc Nghiên cứu Châu Á tại Đại học Georgetown.
_ Cyrus Newlin là cộng tác viên của Chương trình Châu Âu, Nga và Á-Âu của CSIS.
_ Nicholas Szechenyi là thành viên cao cấp và là phó giám đốc của Chủ tịch CSIS Nhật Bản.


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.