Đánh giá lý thuyết Covid-19 bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm của Trung Quốc

Cho đến nay chỉ là bằng chứng gián tiếp.

Hình minh họa của The Economist

Quốc tế, Ấn bản ngày 29 tháng 5 năm 2021…Theo The Economist.

Trần H Sa lược dịch.

Có thể rằng chuổi nhiễm trùng gây ra lây lan SARS-Cov-2 trên khắp thế giới, đã bắt đầu giống như hầu hết các loại bệnh mới xảy ra, khi một loại virus trên động vật tìm đường đơn độc xâm nhập vào người, cho dù ở đồng ruộng hay nơi trang trại, ở hang động hay nơi chợ búa. Cũng có thể dây chuyền lây lan bắt đầu trong một phòng thí nghiệm của chính phủ Trung Quốc. Hai khả năng này đã được công nhận bởi nhiều người trong số những người nghiên cứu đại dịch Covid-19 trong một thời gian dài. Nhưng thực tế là cả hai thứ đều có thể xảy ra không có nghĩa là chúng có khả năng như nhau.

Vào năm 2020, hầu hết các nhà khoa học và phương tiện truyền thông đều có xu hướng coi khả năng rò rỉ từ phòng thí nghiệm là rất nhỏ; với sự tiếp xúc hàng ngày— “lan truyền từ động vật” —có thể xảy ra nhiều hơn. Điều đó bây giờ đã thay đổi. Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, cho biết vào tháng 3 rằng, đánh giá về giả thuyết trong phòng thí nghiệm vẫn chưa đủ sâu rộng. Vào ngày 26 tháng 5, Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh cho các cơ quan tình báo của Mỹ, những cơ quan vẫn chưa đưa ra kết luận về chủ đề này, hãy cấp tốc và nổ lực nhiều hơn nữa.

Các lãng tử trốn thoát.

Nơi có mối liên hệ chặt chẽ nhất với sự xuất hiện của SARS-Cov-2 là chợ cá và động vật ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Ngôi chợ bán động vật hoang dã của Trung Quốc có hoạt động buôn bán cung cấp các loại như cầy hương, chuột, tê tê và lửng (thuộc họ chồn) vốn là những chiếc lọ chứa virus, tràn ngập cơ hội lây lan bệnh từ động vật sang người. Vào những năm 2010, một nghiên cứu ở Việt Nam chỉ ra rằng các loài động vật hấp thụ coronavirus lẫn nhau, khi chúng được mang đến nhà hàng hoặc chợ búa; không có lý do gì để nghĩ rằng chuỗi cung ứng của Trung Quốc thì tốt lành hơn. Vào tháng 2 năm ngoái, Trung Quốc đã công bố lệnh cấm tiêu thụ và buôn bán động vật hoang dã vì nhận ra những rủi ro liên quan. Đó là một bước tiến lớn và quý giá.

Những dao động đầu tiên về lo ngại rò rỉ từ trong phòng thí nghiệm được thúc đẩy bởi địa lý đơn giản. Ngôi chợ đó chỉ cách viện Virus học Vũ Hán 12 km, một trung tâm toàn cầu về nghiên cứu coronavirus. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Vũ Hán, cũng nghiên cứu về virus coronavirus trên dơi, ở gần hơn : chỉ 500 mét (theo một số nhà khoa học Trung quốc thì trung tâm này chỉ cách ngôi chợ 280 mét … THS). Một công nhân hoặc những người làm việc tại một trong những phòng thí nghiệm này có thể đã bị nhiễm một loại coronavirus đang được sử dụng trong nghiên cứu, do đó khiến cho virus truyền ra thế giới bên ngoài. Một ý kiến ​​liên quan đến phòng thí nghiệm là virus đến trực tiếp từ một con dơi, hay động vật khác, hoặc ở bên trong phòng thí nghiệm hoặc là do một phần trong công tác ở ngoài thực địa liên quan đến nghiên cứu. Một người chuyên sưu tập virus trên dơi hoang dã vốn làm việc cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Vũ Hán.

Nếu một trong những khả năng này được chứng minh là sự thật thì điều đó sẽ là một điều mỉa mai sâu sắc và đáng lo ngại. Kể từ khi bùng phát SARS, một bệnh hô hấp do một loại virus corona khác gây ra, vào đầu những năm 2000, coronavirus đã được coi là có xu hướng gây đại dịch đáng lo ngại. Đó là những gì khiến chúng được các nhà nghiên cứu ở Vũ Hán đặc biệt quan tâm; công việc của họ trên coronavirus được thực hiện với danh nghĩa làm giảm bớt mối đe dọa mà chúng gây ra.

Nguồn bệnh thoát ra từ các tổ chức làm việc cùng chúng, từng xảy ra với tần suất đáng thất vọng. Cái chết cuối cùng được biết đến do bệnh đậu mùa là kết quả của một vụ rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Anh vào năm 1978. SARS-Cov-1, loại vi rút gây ra bệnh SARS, đã thoát khỏi phòng thí nghiệm hai lần khiến nó lây lan khắp thế giới vào năm 2003, một lần ở Singapore và một lần ở Đài Loan; nó bị rò rỉ ra khỏi phòng thí nghiệm ở Bắc Kinh hai lần riêng biệt vào năm 2004. Vào tháng 12 năm 2019, hơn 100 sinh viên và nhân viên tại hai trung tâm nghiên cứu nông nghiệp ở Lan Châu, Trung quốc đã bị tấn công bởi một trận bùng phát bệnh brucellosis (nhiễm khuẩn gia súc gây nhức đầu, và bứt rứt trong người ) , một bệnh do vi khuẩn thường lây nhiễm từ vật nuôi.

Đáng báo động nhất, chủng cúm H1N1 bắt đầu lây lan khắp thế giới vào năm 1977 hiện được biết là đã bị phát tán từ một phòng thí nghiệm ở Đông Bắc Á - có thể ở Trung Quốc, có thể ở Nga. Vào thời điểm đó một số nhà quan sát phương Tây nghi ngờ điều này, nhưng họ ít ồn ào về nó, có lẽ sợ rằng làm như vậy sẽ dẫn đến việc Trung Quốc và / hoặc Nga rút khỏi các nỗ lực giám sát dịch cúm quốc tế, hoặc gây ra phản ứng dữ dội đối với virus học.

An toàn sinh học tại viện Virus học Vũ Hán được biết đến là bất thường. Các nhà ngoại giao Mỹ đã đến thăm nó vào năm 2018 và đã báo cáo các vấn đề đáng lo ngại, đề cập cụ thể đến coronavirus và nguy cơ đại dịch. Vào tháng 2 năm 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã ban hành các quy tắc mới yêu cầu các phòng thí nghiệm cải thiện an toàn sinh học của họ, cho thấy sự không hài lòng với hiện trạng.

Nhà sinh vật Charles Darwin, vị thám tử.

Ý tưởng về một vụ rò rỉ từ phòng thí nghiệm rõ ràng là không thể tưởng tượng được đối với những người liên quan. Khi Shi Zhengli (Thạch Chính Lệ ), một nhà nghiên cứu coronavirus, và là giám đốc Trung tâm các bệnh truyền nhiễm mới nổi của viện Virus học Vũ Hán, trả lời phỏng vấn với tạp chí Scientific American vào đầu năm 2020, cô cho biết một trong những mối quan tâm đầu tiên của cô là, liệu virus có thể đến từ phòng thí nghiệm riêng của cô hay không. Sau khi tìm kiếm hồ sơ của tất cả các trình tự virus mà họ đã làm việc, cô ấy kết luận là không. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc hiếm khi do dự trong việc trấn áp bất kỳ thông tin nào không phù hợp với họ, và Tiến sĩ Shi có thể không nói khác được. Cũng có thể là virus đến từ một công việc nằm ngoài mục đích của cô ấy.

Nhóm của Tiến sĩ Shi tại viện Virus học Vũ Hán đã dành nhiều năm cố gắng tìm hiểu các đột biến mà nó có thể cho phép virus trên dơi xâm nhập vào quần thể con người. Để theo đuổi những câu hỏi như vậy, họ đã tiến hành những nghiên cứu được thiết kế để làm cho coronavirus lây sang người nhiều hơn. Trong công trình được công bố vào năm 2015, họ đã báo cáo một phôi ghép được lai tạo ra từ một coronavirus trên dơi và một coronavirus trên chuột khiến nó có khả năng tái tạo một cách hiệu quả trong các tế bào thuộc hệ hô hấp của con người.

Một số người ủng hộ lý thuyết phòng thí nghiệm đã suy đoán về những động vật khác mà phòng thí nghiệm có thể đã sử dụng trong công việc này. Họ chỉ ra rằng loại virus này trông rất giống một con lai giữa virus trên tê tê và virus trên dơi, với một chuỗi di truyền bổ sung khiến virus có khả năng lây nhiễm sang người cao hơn nhiều. “Vị trí phân khúc furin” (*) này không được tìm thấy ở các virus khác có họ hàng gần gủi; có lẽ nó đã được con người đặt ở đó, họ nói.

Có nhiều cách lập luận khác nhau đối với các chi tiết cụ thể của những suy đoán này. Ngoài ra còn có một lời cảnh báo bao quát hơn dựa trên những hiểu biết của nhà sinh vật Charles Darwin : sự chọn lọc tự nhiên có thể tạo ra tất cả các phẩm chất tinh vi trông giống như bằng chứng không thể chối cãi về một sự thiết kế thông minh, khiến mọi người tin tưởng vào sự sắp xếp của một nhà thiết kế chứ không phải là sự chọn lọc tự nhiên.

Bằng chứng nào về sự lây lan của dịch bệnh ? Theo Guardian , một tờ báo của Anh, khi người ta cử nhà khoa học Peter Ben Embarek tới Trung Quốc vào tháng 7 năm 2020, báo cáo sau đó của ông cho cơ quan này tiết lộ rằng Trung Quốc đã thực hiện “rất ít…các tiêu chuẩn về điều tra dịch tễ học xung quanh Vũ Hán kể từ tháng 1 năm 2020”. Một số suy luận rằng, Trung Quốc không tìm kiếm vì họ biết, hoặc có lẽ chỉ vì lo sợ, thư phúc đáp trả lời.

Sự thiếu nhiệt tình đó làm tăng thêm những nghi ngờ về rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Một trong những lý do được đưa ra cho sự quan tâm ngày càng tăng đối với những ý tưởng như vậy là vì, có quá ít bằng chứng về sự lan truyền từ động vật sang người được đưa ra ánh sáng; không ai tìm thấy bất cứ điều gì gần với một "bằng chứng không thể chối cải rằng lây nhiễm là từ dơi". Khi câu chuyện rò rỉ từ phòng thí nghiệm dường như có động lực và câu chuyện về lây nhiễm từ động vật có vẻ chỉ dừng lại ở đó, người ta sẽ tự nhiên có cảm giác rằng giả thuyết về phòng thí nghiệm đang trở nên có khả năng xảy ra hơn. Nhưng nó không hoàn toàn logic. Cũng cần nhớ rằng những tiến bộ tương đối nhanh chóng trong việc nắm bắt được nguồn gốc của bệnh SARS vào năm 2003, không nhất thiết phải là một hướng dẫn đáng tin cậy đối với cách thu được kết quả từ việc thăm dò thông thường cũng phải nhanh như vậy.

Trong khi một số dữ liệu cần thiết thì không có, những dữ liệu khác đơn giản là không được chia sẻ. Trong chuyến thăm của WHO vào đầu năm nay, các nhà chức trách Trung Quốc đã từ chối yêu cầu cung cấp dữ liệu dịch tễ học chủ chốt về 174 ca nhiễm Covid-19 được biết đến sớm nhất ở thành phố vào tháng 12 năm 2019.

Những dữ liệu này rất quan trọng. Không phải tất cả các ca nhiễm Covid-19 đầu tiên đều từ ngôi chợ mua bán động vật hoang dã. Thay vì là nguồn gốc của dịch, nó có thể chỉ đơn giản là một nơi mà virus được khuếch đại. Điều đó nói lên sự cần thiết phải xem xét các nguồn tiềm năng khác, và yêu cầu dữ liệu cá nhân hóa trên mọi ca nhiễm ban đầu. Dominic Dwyer, một nhà vi trùng học người Úc, nói với Wall Street Journal vào thời điểm đó, việc thiếu dữ liệu như vậy có nghĩa là nhóm của WHO không thể thực hiện một cuộc điều tra dịch tễ học theo đúng tiêu chuẩn. Những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên này có thể chỉ ra rõ ràng hướng phát tán virus từ một nguồn động vật hoặc từ phòng thí nghiệm.

Sự phấn khích về khả năng virus phát tán từ phòng thí nghiệm đã được thúc đẩy bởi sự xuất hiện trở lại các tuyên bố rằng ba công nhân từ viện Virus học Vũ Hán đã bị bệnh với một cái gì đó hơi giống Covid-19 vào tháng 11 năm 2019, các tuyên bố này lần đầu tiên được bộ ngoại giao đưa ra trong những ngày hấp hối của chính quyền Trump. Nhưng những báo cáo này thiếu chứng thực, nguồn gốc hoặc chi tiết về vị trí nào ở trong phòng thí nghiệm mà những người liên quan thực sự làm việc. Điều đó có nghĩa là chúng không chuyển đổi được câu chuyện.

Các bằng chứng cho đến nay cho thấy rằng các tình huống giả định làm cơ sở cho ý tưởng — rằng đã có nghiên cứu về coronavirus và rằng nó có thể đã bị rò rỉ — là đúng; nó không cung cấp sự hiểu biết trực tiếp và thích đáng về trận dịch. Như Ralph Baric, một nhà nghiên cứu người Mỹ đã giúp thiết lập công trình coronavirus ở viện Virus học Vũ Hán, nói với Wall Street Journal , “cần phải điều tra nhiều hơn và minh bạch hơn để xác định nguồn gốc”; bản thân ông ấy tiếp tục thấy lây lan từ động vật là khả năng xảy ra nhiều hơn.

Lý tưởng nhất là Trung Quốc nên giúp các cuộc điều tra như vậy để tìm ra bằng chứng mới. Khó có thể hy vọng vào điều đó. Có khả năng công việc bền bỉ của các cơ quan tình báo Mỹ có thể tạo ra những lập luận thuyết phục ủng hộ hay bất kể là chống lại; hoặc nhiều nhà khoa học đang nghiên cứu chi tiết về bộ gen và cấu trúc của virus có thể tìm ra điều gì đó. Nhưng không có gì bảo đảm rằng vấn đề sẽ sớm được giải quyết.

Nó có đáng hay không?

Đối với các nhà quan sát như Filippa Lentzos, một chuyên gia về an toàn sinh học tại King's College London, sự không chắc chắn nhấn mạnh nhu cầu thảo luận nhiều hơn dưới danh nghĩa khoa học, về những rủi ro mà thế giới sẵn sàng nhận lấy. Nhiều cơ sở nghiên cứu mầm bệnh đang được xây dựng trên khắp thế giới, và ngay cả những biện pháp an toàn sinh học tinh vi nhất đôi khi cũng có thể bị rò rỉ.

Điều đó có nghĩa là nghiên cứu cần được thực hiện theo những cách chú ý đến khảo sát kỹ lưỡng và có trách nhiệm giải trình, rằng kiến ​​thức đó cần phải xứng đáng với rủi ro, và kiến ​​thức đó, một khi thu hoạch được, cần được sử dụng và trở nên hữu ích. Không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy sự hiện diện của viện Virus học Vũ Hán ở trong thành phố nơi mà đại dịch Covid-19 bắt đầu, có bất cứ điều gì khác ngoài sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nhưng cũng không có bằng chứng nào - được biện minh dưới danh nghĩa là chuẩn bị cho đại dịch - xác minh rằng nghiên cứu coronavirus của viện Virus học Vũ Hán đã làm được điều gì đó nhằm giảm bớt thiệt hại do đại dịch này.


(*) Phân khúc furin : giới khoa học đã giải mã trình tự gen của virus SARS-Cov-2 và họ nhận thấy nó chỉ khác với các virus corona trên dơi khoảng 3%. Giới khoa học Trung quốc xác nhận 3% khác nhau đó nằm ở một vị trí khiến SARS-Cov-2 dễ tấn công trên cơ thể con người. Vị trí đó được gọi là "phân khúc furin", furin này chính là yếu tố khiến coronavirus dễ dàng kết nối với enzyme ACE2 nằm trên bề mặt tế bào phổi của con người. Chính yếu tố này khiến các nhà khoa học đi đến kết luận virus SARS-Cov-2 là một loại virus nhân tạo, vì trong quá trình đột biến tự nhiên thì không thể có phân khúc furin đặc biệt đó…./ THS.


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.