Chiến tranh thế giới thứ ba được ngăn chặn trong gang tấc như thế nào.

Nhà sử học Serhii Plokhy nhắc nhở chúng ta rằng, nổi kinh hoàng suýt xảy ra từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba kéo dài đến tận phút chót, ngay cả khi người Nga rút đi kho vũ khí của họ.

Kiểm tra vũ khí: cuối cùng một tàu Liên Xô chở đầy tên lửa đã trở về Nga vào tháng 11 năm 1962. Yêu cầu được hộ tống bởi một tàu khu trục Hoa Kỳ để giám sát tất cả các tên lửa trên tàu đã bị phế bỏ - nhưng một thành viên thủy thủ đoàn đã phát hiện một trong số đó (hình gần nhất trong ảnh). Credit: Getty Images

Jay Elwes,…Tạp chí : 8 tháng 5 năm 2021… Theo The Spectator

Trần H Sa lược dịch.

Vũ khí hạt nhân mang theo một lôgic lạnh lùng: nếu cả hai bên đều có chúng, cả hai bên sẽ không bao giờ sử dụng chúng. Nhưng vào năm 1962, khi Liên Xô và Mỹ chuẩn bị đấu với nhau về vấn đề Cuba, logic đó đã bị phá vỡ. Như cuốn sách mới, xuất sắc này cho thấy, cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba là sản phẩm của sự tính toán sai lầm, sự thiếu hiểu biết và sự liều lĩnh đáng kinh ngạc.

Thủ phạm chính là Nikita Khrushchev. Lỗi đầu tiên của ông ta là đánh giá nhầm tổng thống Mỹ với một người yếu ớt. "Đừng lo lắng," Khrushchev bảo đảm với những người bạn Cuba của mình, "Tôi sẽ tóm lấy Kennedy nhanh gọn thôi." Sau cuộc gặp đầu tiên của họ, JFK nhận xét rằng các cuộc đàm phán với Khrushchev là 'điều khó khăn nhất trong cuộc đời tôi'. Chủ đề liên quan đến Berlin : Khrushchev muốn thành phố Berlin là của riêng mình, và Kennedy lo lắng rằng Liên Xô có thể sử dụng vũ lực để có được nó. Nhưng đây chỉ là một sự đánh lạc hướng. Trọng tâm thực sự của Khrushchev nằm xa hơn về phía tây.

Mỹ có lịch sử lâu đời với Cuba. Năm 1820, Jefferson đã coi nó là ứng cử viên cho một tiểu bang của Hoa Kỳ. Năm 1901, một đạo luật mới của Hoa Kỳ đã cho phép Washington có cơ sở pháp lý để can thiệp vào Cuba, và khi cuộc cách mạng của Castro làm giảm bớt ảnh hưởng của Hoa Kỳ vào năm 1959, Eisenhower muốn loại bỏ ông ta. Kennedy đã cố gắng thay đổi chế độ, nhưng điều này đã kết thúc thảm hại vào năm 1961 tại Vịnh Con Heo.

Khrushchev nói rằng ông muốn có vũ khí hạt nhân ở Cuba để ngăn chặn cuộc xâm lược lần thứ hai của Hoa Kỳ - ít nhất, đó là những gì ông đã nói với Castro. Nhưng ưu tiên thực sự của ông ta là thu hẹp khoảng cách tên lửa Xô-Mỹ. Người Mỹ có vũ khí nguyên tử ở Thổ Nhĩ Kỳ, qua đó có thể tấn công các mục tiêu nằm sâu bên trong Liên Xô, trong khi đối với Khrushchev, đất liền của Mỹ nằm ngoài tầm bắn. Có được đầu đạn nguyên tử trên đất Cuba, cách bờ biển Florida 90 dặm, thì sẽ thách thức được tất cả.

Các cố vấn và vũ khí của Liên Xô đã đến Cuba kể từ năm 1960; nhưng vào tháng 9 năm 1962 mọi thứ đã thay đổi. Khrushchev cử sư đoàn tên lửa phòng không số 27, những tên lửa có nhiệm vụ ngăn chặn các máy bay do thám U-2 của CIA cất cánh. Ông ấy không muốn để cho chúng nhìn thấy điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Các vũ khí hạt nhân đã đến Cuba trong hai giai đoạn - tên lửa, rồi đầu đạn, những thứ thuộc giai đoạn một đã đến được Cuba vào ngày 4 tháng 10.

Khi những người lính tên lửa đến Cuba, họ đã bị sốc. Sức nóng gay gắt khiến khẩu phần ăn của họ trong hộp căng phồng lên và nổ tung. Liên Xô cũng không đánh giá đúng về vùng Caribe có một mùa bão, một yếu tố phức tạp khi lắp đặt - và sử dụng - vũ khí hạt nhân. Các nhà hoạch định quân sự cũng không nắm bắt được rằng các con đường ở Cuba thường không được rộng lớn cho lắm, khiến cho một chiếc xe tải chở tên lửa hạt nhân dài hơn hai chục mét (70ft) trở nên khó khăn khi rẽ vào các góc cua. Những người lính đóng trại trong bóng râm, sớm phát hiện ra rằng hòn đảo có một số giống cây độc, gây ra 'sưng tấy, bọng nước dưới mắt và gây vết thương mưng mủ'. Nghiêm trọng hơn, các chuyên gia tên lửa đã rất thất vọng khi phát hiện ra rằng những cây cọ ở Cuba có tán lá rất mỏng, hầu như không che phủ được các bãi phóng tên lửa của họ.

Người Mỹ phát hiện ra tên lửa gần như ngay lập tức và biết chính xác chúng là gì. Phản ứng của Kennedy là một trong những điều kinh hoàng, và bản năng đầu tiên của ông là phát động một cuộc tấn công thông thường. Các cố vấn của ông đã cố gắng ngăn cản. Nếu họ không làm vậy, kết cục có thể rất thảm khốc.

Kịch bản mà Kennedy phải đối mặt là một cơn ác mộng. Tên lửa của Liên Xô đã ở trên đất Cuba và sẵn sàng khai hỏa. Nhiều tàu hơn đang hướng đến Caribe mang thêm nhiều vũ khí hạt nhân hơn nữa. Tình hình đang tuột khỏi tầm kiểm soát. Kennedy tuyên bố rằng ông đang phong tỏa Cuba và trong một bài phát biểu trên truyền hình, ông cảnh báo rằng một tên lửa hạt nhân bắn từ Cuba sẽ kích hoạt một 'phản ứng trả đũa trực tiếp vào Liên Xô'. Khrushchev gắng thử viết thư cho Kennedy, đề nghị rút tên lửa của mình như một phần của thỏa thuận giải trừ quân bị rộng hơn. Nhưng bức thư kết thúc bằng câu nói 'nếu bất kỳ kẻ xâm lược nào tấn công Cuba, trong trường hợp đó, chính họ làm cho vũ khí sẽ bắt đầu khai hỏa'. Lời đề nghị hòa bình từ nổ lực của Khrushchev đã khiến quân đội Mỹ phải nâng cao tình trạng cảnh giác với DEFCON2, thấp hơn một bước so với chiến tranh tổng lực.

Tại LHQ, người Mỹ đã cho xem các bức ảnh về các địa điểm đặt tên lửa của Liên xô ở Cuba, và dư luận toàn cầu quay lưng lại với Moscow. Dưới áp lực không ngừng từ Kennedy, người mà Khrushchev miễn cưỡng kính trọng, Khrushchev nhận ra mình cần một lối thoát. Sau một vòng thỏa thuận điên người với Bobby Kennedy, Liên Xô đồng ý rút khỏi Cuba. Đổi lại, Mỹ sẽ loại bỏ tên lửa của mình khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.

Là một phần của thỏa thuận, người Mỹ phải kiểm tra các tên lửa đang khởi hành, nhưng Castro không cho nhân viên Mỹ đến Cuba. Ông ta điên tiết. Castro nghĩ rằng Điện Kremlin đã lợi dụng ông ta - và ông ta đã đúng. Điều này có nghĩa là các cuộc kiểm tra phải diễn ra trên biển, một sự sắp xếp dẫn đến, có lẽ là khoảnh khắc kinh hoàng nhất. Một chỉ huy tàu ngầm Liên Xô, người đang liên lạc với một tàu kiểm tra của Mỹ, đã nhầm tưởng rằng người Mỹ đang tấn công. Thuyền trưởng này ra lệnh nạp một quả ngư lôi có đầu hạt nhân, một thứ vũ khí có năng lượng nổ xấp xỉ 2/3 so với quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima. Chiếc tàu ngầm quay về phía tàu Mỹ, chuẩn bị khai hỏa nhưng một thuyền viên Liên Xô bị mắc kẹt trong ống thông hơi ở phía trên, đã tình cờ nhìn thấy tín hiệu nhấp nháy từ tàu Mỹ đang xin lỗi và giải thích là do nhầm lẫn. Nếu tàu ngầm bắn đi, nó sẽ là phát súng đầu tiên của chiến tranh thế giới thứ ba. Thay vào đó, thuyền trưởng Liên Xô đóng các ống phóng ngư lôi của mình và cho tàu Mỹ đi tiếp.

Ở Moscow, Khrushchev cố gắng hư cấu cuộc đối đầu ở Cuba là một chiến thắng vĩ đại, nhưng đối với ông, đó là một thảm họa. Khi vào năm 1964, Ủy ban Trung ương bỏ phiếu loại bỏ ông ta vì 'tính kiêu ngạo, chủ nghĩa phiêu lưu và sai lầm', cuộc khủng hoảng ở Cuba 'đã nhận được sự chú ý đặc biệt'.

Cuốn sách của Serhii Plokhy rất đáng chú ý và gây lo lắng, đặc biệt là nó mang lại suy nghĩ của Khrushchev bằng một cái nhìn sâu sắc. Nhưng chính khi tác giả hướng về hiện tại thì văn phong trở nên đòi hỏi sự chú ý nhiều nhất. Các loại vũ khí nguyên tử hiện đại, thuộc loại mà chính phủ Anh hiện đang dự định phát triển, hiệu quả và chính xác hơn nhiều so với các loại vũ khí nguyên tử trước đây trong thời Chiến tranh Lạnh. Điều này đã làm nảy sinh ý tưởng coi vũ khí hạt nhân là một thiết bị chiến thuật có giới hạn, một thay đổi mà tác giả viết là đã 'hạ thấp rào cản tâm lý đối với việc sử dụng vũ khí hạt nhân, khiến cho đối đầu hạt nhân trở nên dễ xảy ra hơn'.

Nhân loại sống sót sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba một phần là do Mỹ và Liên Xô kiểm soát lẫn nhau. Cả hai nhà lãnh đạo đều biết một cuộc chiến tranh hạt nhân không thể có người chiến thắng. Nhưng những gì đọng lại là câu hỏi các quốc gia có vũ trang hạt nhân ngày nay như Trung Quốc, Pakistan và Ấn Độ sẽ hành động như thế nào nếu một cuộc khủng hoảng tương tự xảy ra. Không có câu trả lời cho điều đó, nhưng điều chắc chắn là 'sự cân bằng lực lượng quân sự để ngăn chặn chiến tranh' của Chiến tranh Lạnh đã biến mất. Vì lý do đó, theo quan điểm của tác giả, thời điểm hiện tại của chúng ta 'là một trong những thời điểm nguy hiểm nhất trong lịch sử vũ khí hạt nhân'.

Jay Elwes.


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.