Nhân vật hàng đầu châu Á của Biden nói rằng kỷ nguyên gắn bó với Trung Quốc đã kết thúc.

Campbell nói rằng Trung Quốc đang thúc đẩy 'sức mạnh cực đoan' của họ bằng vũ lực nhiều hơn.
Cạnh tranh chứ không phải hợp tác, có khả năng xác định mối quan hệ : Campbell
.

Kurt Campbell…/ Nhiếp ảnh gia: Kazuhiro Nogi / AFP / Getty Images.

Peter Martin, 27 tháng 5, 2021 … Theo Bloomberg

Trần H Sa lược dịch.

Mỹ đang bước vào giai đoạn cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc khi mà chính phủ điều hành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bị Chủ tịch Tập Cận Bình kiểm soát chặt chẽ hơn bao giờ hết, quan chức hàng đầu của Nhà Trắng về châu Á cho biết.

Hôm thứ Tư, Kurt Campbell, điều phối viên Hoa Kỳ về các vấn đề Ấn Độ - Thái Bình Dương tại Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết tại một sự kiện do Đại học Stanford tổ chức : “Thời kỳ được mô tả rộng rãi là sự ràng buộc đã kết thúc". Campbell nói, chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc sẽ vận hành theo “một loạt các tham số chiến lược mới”, đồng thời cho biết thêm rằng “mô hình thống trị sẽ là sự cạnh tranh”.

Campbell nói, các chính sách của Trung Quốc dưới thời ông Tập chịu trách nhiệm phần lớn đối với sự thay đổi chính sách của Mỹ, ông trích dẫn các cuộc đụng độ quân sự ở biên giới Trung Quốc với Ấn Độ, một “chiến dịch kinh tế” chống lại Australia và sự trỗi dậy của ngoại giao “ chiến binh sói ”. Ông nói, hành vi của Bắc Kinh là biểu tượng của sự chuyển hướng sang “sức mạnh thô bạo hay sức mạnh cực đoan”, điều này “báo hiệu rằng Trung Quốc quyết tâm đóng một vai trò quyết đoán hơn”.

Những bình luận thẳng thừng là một trong những dấu hiệu cho thấy các căng thẳng mới giữa hai nước, ngay cả khi Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, Katherine Tai và Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He có cuộc điện đàm đầu tiên. Trước cuộc hội đàm, bà Tai nói với Reuters rằng hai bên phải đối mặt với "những thách thức rất lớn" và Tổng thống Joe Biden tuyên bố rằng ông đã ra lệnh cho cộng đồng tình báo Mỹ "nhân đôi" nỗ lực của họ, để xác định xem liệu virus Covid-19 có thoát khỏi phòng thí nghiệm của Trung Quốc hay không.

Biden cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Tư rằng các quan chức Trung Quốc cần phải minh bạch hơn, và rằng Bắc Kinh nên tham gia một "cuộc điều tra quốc tế dựa trên bằng chứng và cung cấp quyền truy cập vào tất cả dữ liệu và bằng chứng liên quan." Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington nói qua loa rằng, cuộc điều tra là một "chiến dịch bôi nhọ và là một âm mưu đổ lỗi" mà sẽ làm tổn hại đến những nỗ lực ngăn chặn các cuộc khủng hoảng sức khỏe trong tương lai.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Zhao Lijian cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Năm ở Bắc Kinh rằng, hai nước “có lợi từ hợp tác và thiệt hại khi đối đầu”.

Ông Zhao Lijian nói: “Quan hệ Trung - Mỹ đương nhiên sẽ trải qua một số cạnh tranh, vốn phổ biến trong các mối quan hệ giữa các nước lớn, nhưng thật là sai lầm khi xác định mối quan hệ đi kèm với cạnh tranh, vì nó sẽ chỉ dẫn đến đối đầu và xung đột”.

Hai nước cũng đang vướng vào tranh chấp về các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với Biển Đông, nhân quyền ở khu vực Tân Cương, tương lai của Đài Loan, Hồng Kông, và những lo ngại về kinh tế bao gồm việc khai triển công nghệ 5G và tình trạng thiếu chất bán dẫn trên toàn cầu. Các quan chức Trung Quốc và Hoa Kỳ cho biết họ nhìn thấy các lĩnh vực hợp tác, đặc biệt là về biến đổi khí hậu, nhưng về nhiều vấn đề khác, mối quan hệ này còn băng giá hơn nhiều.

Wang Yiwei, Giám đốc Viện Các vấn đề Quốc tế của Đại học Renmin và là một cựu quan chức ngoại giao Trung Quốc cho biết: “Ý tưởng về sự ràng buộc của Hoa Kỳ là một ý tưởng có điều kiện, và nó nhằm mục đích đưa Trung Quốc vào hệ thống của Mỹ, không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị. Mỹ nhận thấy nền kinh tế Trung Quốc đang qua mặt nền kinh tế của mình, vì vậy họ đang tìm cách kiềm chế Trung Quốc và ngăn nước này tiến lên chuỗi giá trị”.

Campbell biết rõ đàm phán với các nhà ngoại giao Trung Quốc gây nên tức giận như thế nào. Hồi tháng 3, ông là một trong số các quan chức Hoa Kỳ gặp gở với những người đồng cấp Trung Quốc ở Alaska trong các cuộc đàm phán bắt đầu bằng những khởi động khó khăn, với những cuộc cãi vã trước các phóng viên và máy quay phim về nhân quyền, thương mại và các liên minh quốc tế.

Tập "vô cảm".

Campbell cho biết ông Tập là trọng tâm trong cách tiếp cận mới của Mỹ đối với các mối quan hệ với Trung Quốc. Ông mô tả Chủ tịch Trung Quốc là người “có tư tưởng sâu sắc, nhưng cũng khá vô cảm” và “không quan tâm nhiều đến kinh tế”.

Campbell nói, kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập đã "hầu như tháo gỡ hoàn toàn cơ chế trong gần 40 năm, được thiết kế cho sự lãnh đạo tập thể", và cho biết thêm rằng các nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc như Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị - những quan chức cấp cao được cử tới đàm phán ở Alaska - là những kẻ "còn lâu mới được ở bên trong bán kính hàng trăm dặm" của vòng tròn nội bộ lãnh đạo Trung quốc.

Ông Campbell cho biết, các đồng minh sẽ là trọng tâm trong các nỗ lực của Mỹ nhằm đẩy lùi Trung Quốc trong những năm tới. Mỹ đã cố gắng nâng cao tầm quan trọng công việc của mình trong nhóm các quốc gia được gọi là Quad, bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản và Australia. Và các cuộc gặp đầu tiên của Biden tại Nhà Trắng với các nguyên thủ nước ngoài là với Yoshihide Suga của Nhật Bản và Moon Jae-in của Hàn Quốc.

Campbell nói “Chúng tôi tin rằng cách tốt nhất để dính líu tới một Trung Quốc quyết đoán hơn là làm việc với các đồng minh, đối tác và bạn bè”, và nói thêm rằng “chính sách tốt nhất đối với Trung Quốc thực sự là một chính sách tốt đối với châu Á”. Tuy nhiên, ông cho biết Mỹ cần phải xua tan lo ngại về sự suy giảm của Mỹ ở châu Á và đưa ra “tầm nhìn kinh tế tích cực” đối với khu vực.

Campbell nói: “Lần đầu tiên, chúng tôi thực sự đang chuyển trọng tâm chiến lược của chúng tôi, lợi ích kinh tế của chúng tôi, quân đội của chúng tôi sang Ấn Độ-Thái Bình Dương”.

  • Với sự hỗ trợ của Lucille Liu và Philip Glamann.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.