THÍCH NGHI để cùng nhau tìm ra con đường tự chủ.

Phải chăng mọi người đang bị động vì chưa thấy cần phải THÍCH NGHI !

Ảnh của Foreign Affairs trong bài viết tôi trích dẫn : "How Not to Win Allies and Influence Geopolitics / China’s Self-Defeating Economic Statecraft".

Bằng những trao đổi trong đời thường hoặc đọc xem trên mạng, tôi thấy những vị lớn tuổi phần lớn trách móc lớp trẻ trong nước ngày nay không biết gì và không có ý thức gì về những vấn đề xã hội, đất nước. Khi giao tiếp thân mật với các em, tôi nhận thấy các em không đúng như sự trách móc vừa nêu; ngược lại, tôi nhận được đánh giá của giới trẻ về những người thường đề cập đến những câu chuyện lớn lao là rằng, "họ có vẻ ưa làm lớn, hoặc họ chỉ cho thấy thái độ bất mãn chứ không thấy có gì xây dựng, hoặc những người ở nước ngoài hay những kẻ hàng hai ở trong nước nói gì mà chả được, người thân cô thế cô đang sống ở VN thì phải biết THÍCH NGHI".

Tục ngữ đã nói "ở bầu thì tròn, ở ống thì dài", tôi thừa nhận phải thích nghi mà sống; nhưng nói đùa với các em "thích nghi chứ đừng quên câu 'hãy đợi đấy' trong phim hoạt hình thiếu nhi". Tuổi trẻ phải thích nghi để làm ra tiền, để vươn lên trong cuộc sống bằng kinh tế tài chánh thì không có gì sai. Người lớn không chấp nhận thích nghi với môi trường xã hội khắc nghiệt ở VN vì họ muốn sớm thấy VN được thay đổi, bởi quỷ thời gian của họ không còn nhiều, cũng chẳng có gì sai. Tuy nhiên, liệu môi trường xã hội của VN có cho phép tuổi trẻ trong nước có đủ cơ hội để được làm giàu hay không là một vấn đề nhức nhối. Song song, liệu VN có thể trải qua một thay đổi mang đặc tính overnight như người lớn mong muốn hay không, cũng là một vấn đề cần nghiền ngẫm.

Toàn cầu hóa là xu thế của thế giới đã qua hơn hai thập niên, chiều hướng này chưa có gì chững lại và khó kết thúc, vì nó mang lại cho các đại gia túi tiền mà họ cần. Việt Nam có dân số trẻ, là quốc gia duyên hải ở châu Á Thái bình dương, khu vực được xác nhận là trung tâm của nền kinh tế toàn cầu. Ở đây, người ta cần một thị trường lao động làm thuê rẻ tiền được yên ổn, người ta cần một chuổi cung ứng sản xuất ổn định, mà sản phẩm của nó được dể dàng tiếp cận thị trường thế giới với chi phí vận chuyển rẻ nhất, thông qua đường biển. Việt Nam ngày nay không mang hơi hướm của Liên xô với khối kinh tế Comecon đe dọa kinh tế thị trường của khối tự do tư bản Âu Mỹ. Việt Nam đã bị finlandization bởi TQ thông qua hiệp ước Thành Đô 1990, có nghĩa là VN ở dưới chiếc bóng của TQ trong chính sách đối ngoại. Mặc dù căng thẳng đang gia tăng giữa hai cường quốc trong khu vực là Mỹ, Trung; nhưng sự đe dọa của TQ đối với các nước Âu Mỹ cũng vẫn đang là một sự mơ hồ theo kiểu trò chơi của con buôn. Nói khác đi, VN không có khả năng gây nguy hại cho phương Tây. Hơn nữa, phong trào dân chủ trên thế giới đã nhường bước cho những hợp đồng đầu tư mang tính toàn cầu. Do đó, không ai muốn nghỉ đến việc trực tiếp gây xáo trộn ở VN bằng bạo lực. Thay đổi overnight ở VN khó hình thành, ngoại trừ đại nạn đại chiến thế giới. Tuy nhiên, nếu VN tiếp tục không được tự chủ, không thể thay đổi chính sách phù hợp với nhu cầu toàn cầu hóa, thì VN cũng không có được môi trường năng động để tuổi trẻ phát huy năng lực mà làm giàu.

Như vậy, vấn đề căn bản là liệu VN có được tự chủ hay không ? VN có thoát ra được vòng kềm tỏa của Trung quốc hay không ?

Hai chử "thoát Trung" không phải là ngôn từ mới lạ ở VN, nó ra đời kể từ khi thông tin về mật ước Thành Đô 1990 bị tiết lộ. "Thoát Trung" ra đời trước cả BRI của Trung quốc gây sóng gió trên thế giới. Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI ) của Trung quốc là bóng đen có thể nuốt chửng toàn bộ sự tự chủ của VN, chứ không chỉ giới hạn trong chính sách đối ngoại. Đây không phải là sự bi quan của tôi, nó được xác định bởi những sự kiện đã xảy ra trên thế giới. Hãy cùng nhìn ra thế giới để xem chúng ta học hỏi được gì trên con đường tìm lại sự "tự chủ".

Audrye Wong, một Nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ về Chiến lược, An ninh và Quản lý Công tại Trường Harvard Kennedy và Chương trình Nghiên cứu An ninh của Viện Công nghệ Massachusetts, viết trong tiểu luận tháng 5 và 6 năm 2021, trên Foreign Affairs với tiêu đề : (Trung quốc ) Thất bại trong việc thu phục đồng minh và lôi kéo ảnh hưởng địa chính trị như thế nào; cho thấy :

"Người ta thường nói Trung Quốc đã làm chủ được nghệ thuật quản lý kinh tế cấp nhà nước. Bắc Kinh cũng đã vũ khí hóa các mối quan hệ thương mại đang mở rộng. Chính phủ Trung Quốc đã không ngần ngại tận dụng khả năng tiếp cận thị trường tiêu dùng của mình, để gây áp lực buộc các chính phủ và các công ty nước ngoài phải tuân theo mong muốn của nó. Ví dụ, vào năm 2019, nó đã hủy bỏ chuyến thăm của một phái đoàn thương mại đến Thụy Điển, sau khi hiệp hội văn học Thụy Điển trao giải thưởng Văn Bút Quốc Tế cho một nhà bán sách gốc Hoa (Quế Mẫn Hải) đang bị nhà nước TQ giam cầm. Năm sau, Trung Quốc trả đũa lời kêu gọi của Úc yêu cầu một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của đại dịch COVID-19, bằng cách áp thuế đối với một loạt sản phẩm của Úc.

"Phần lớn sự kinh hoàng tập trung vào Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường ( BRI ), một tập hợp đồ sộ các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc tài trợ, từ đường sắt đến bến cảng, mà các nhà phê bình miêu tả là một dự án của chủ nghĩa đế quốc thời hiện đại. Các quan chức Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc lôi kéo BRI vào với “ngoại giao bẫy nợ”, theo đó nước này cố tình gài bẫy các nước nhận các khoản vay khổng lồ, và sau đó phải đưa ra các nhượng bộ chiến lược khi họ không có khả năng trả nợ." ( hết trích )

Ở Việt Nam, ngoài việc cho các công ty Trung quốc thuê đất từ 50 năm trở lên tràn lan khắp nước, ba dự án đặc khu kinh tế vốn bị ngưng lại do phản ứng của người dân VN hồi năm 2018, hiện lại đang được tiếp tục nêu ra ở cấp quyết định tối cao. Có thể chỉ sau một đêm, người dân VN sẽ sững sốt khi biết rằng ba đặc khu kinh tế mà họ từng phản đối, đã được ký giao cho TQ. Điều này có khả năng xảy ra hay không, mời xem tiếp Audrye Wong :

"Nhưng quan sát kỹ cho thấy thành tích của Trung Quốc kém ấn tượng hơn nhiều so với người ta thường nghĩ. Có một điều, những nỗ lực của nó đối với nền kinh tế thường gây ra sự phản kháng. Tại nhiều quốc gia trong số hơn 60 quốc gia nhận đầu tư theo BRI, ngay cả ở những quốc gia háo hức nhất với đầu tư của Trung Quốc, các quan chức đã phàn nàn về việc xây dựng kém chất lượng, chi phí tăng cao và gây suy thoái môi trường. Bắc Kinh đã buộc phải vào thế phòng thủ, với việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rất đau đầu nhấn mạnh tầm quan trọng của các dự án “chất lượng cao” và “giá cả hợp lý”.

"Trung Quốc thường cung cấp các động cơ kinh tế theo những cách bất hợp pháp và không rõ ràng, nhằm phá vỡ các quy trình và thể chế chính trị. Khi các công ty Trung Quốc ngày càng đầu tư ra nước ngoài, các doanh nghiệp nhà nước hoặc công ty tư nhân, đôi khi được sự chấp thuận ngầm của các quan chức Trung Quốc, đã đưa hối lộ và lại quả cho giới cầm quyền ở các nước nhận đầu tư, hoặc dùng các dự án viện trợ để ve vản các bộ máy quan liêu. Vào những thời điểm khác, các công ty Trung Quốc đã bỏ qua quy trình đấu thầu cạnh tranh và được phê duyệt theo quy định để bảo đảm dành lấy một hợp đồng, sau đó thường đi kèm với chi phí bổ sung tăng cao, tạo ra lợi nhuận cho cả các nhà thầu Trung Quốc và giới cầm quyền địa phương. Tôi (Audrye Wong ) gọi những kiểu dụ dỗ như vậy là sự “phá hoại và thâu tóm đối tác bằng củ cà rốt”.

"Campuchia là một trường hợp điển hình. Thủ tướng lâu năm Hun Sen và gia đình ông ta kiểm soát quân đội, cảnh sát và phần lớn nền kinh tế. Các phương tiện truyền thông là đối tượng của chính phủ, và các nhà báo, nhà hoạt động, các chính trị gia đối lập thường xuyên bị buộc phải im lặng vì bị đe dọa và hăm dọa bạo lực. Do đó, chi tiết về các dự án viện trợ và đầu tư của Trung Quốc ở Campuchia là không rõ ràng, nhưng những thông tin được đưa ra cho thấy, một chính phủ đã tham nhũng sâu sắc bởi bị ảnh hưởng của Trung Quốc.

"Các dự án do Trung Quốc tài trợ có xu hướng làm giàu cho giới cầm quyền trong khi loại bỏ người nghèo và gây suy thoái môi trường. Một động lực tương tự đang diễn ra ở Đông Âu. Các chính phủ ngày càng bần tiện của Hungary và Serbia đã vui vẻ chấp nhận các khoản tài trợ để đổi lấy việc thúc đẩy các quan điểm trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc". ( hết trích )

Tuy nhiên, Trung quốc thất bại trong việc thu phục đồng minh và lôi kéo ảnh hưởng địa chính trị ở những nơi mà báo chí hoạt động hiệu quả. Audrye Wong viết tiếp :

"Sự phá hoại và thâu tóm của Trung Quốc đã không hoạt động tốt ở các quốc gia có sự minh bạch và giám sát tốt hơn. Xem Philippines trong nhiệm kỳ tổng thống của Gloria Arroyo, người phục vụ từ năm 2001 đến năm 2010 - thời điểm mà đất nước này có lĩnh vực truyền thông sôi động và hệ thống chính trị cạnh tranh, bất chấp mức độ tham nhũng cao. Dưới thời Arroyo, Trung Quốc đã đồng ý tài trợ và xây dựng cơ sở hạ tầng đường sắt và viễn thông trị giá 1,6 tỷ USD. Nhiều dự án đã được trao thông qua các hợp đồng không đấu thầu nhưng được định giá cao ngất ngưởng. Ví dụ, một tuyến đường sắt nội đô đã được lên kế hoạch gọi là Northrail, hình thành với sự khác biệt rõ ràng, đó là tuyến đường sắt đắt nhất thế giới tính trên mỗi dặm. Chi phí cho một mạng băng thông rộng quốc gia, do công ty nhà nước ZTE của Trung Quốc xây dựng, đã tăng vọt từ 130 triệu đô la lên 329 triệu đô la Mỹ vì các khoản lại quả cho những tay chơi chính trị chủ chốt, bao gồm cả chủ tịch ủy ban bầu cử của Philippines và chồng của tổng thống. Như được khẳng định, vào năm 2005, công ty dầu khí quốc gia của Philippines đã ký một thỏa thuận thăm dò tài nguyên dưới biển nhằm hợp pháp hóa các tuyên bố chủ quyền trên biển của Trung Quốc.

"Tuy nhiên, mọi sự lạm dụng quyền hành này đã bị báo chí phanh phui, và một phản ứng dữ dội đã xảy ra sau đó. Trong suốt năm 2007 và 2008, Thượng viện Philippines đã tổ chức 13 phiên điều trần công khai, đỉnh điểm là một báo cáo dài và gay gắt buộc các chính trị gia Philippines và các công ty Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về hành vi tham nhũng của họ. Các chính trị gia, nhà hoạt động và các nhóm xã hội dân sự đã tổ chức các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Manila và các thành phố khác. Đáp lại, chính phủ đã đình chỉ và xem xét một loạt các dự án do Trung Quốc tài trợ, và một số quan chức cầm quyền có liên quan đã bị buộc tội và bị xét xử trước tòa.

"Những điều không mong muốn như vậy là phổ biến. Tại Australia, Bắc Kinh đã sử dụng các doanh nhân Trung Quốc làm người ủy thác để đóng góp cho chiến dịch tranh cử và tài trợ cho các viện hàn lâm, nhằm thuyết phục các chính trị gia và những người có tiếng nói khác ủng hộ lập trường của Trung Quốc về Biển Đông và nhân quyền. Phản ứng dữ dội diễn ra nhanh chóng : vào năm 2017, một chính trị gia nổi tiếng được cho là đã nhận tiền của Trung Quốc và bị coi là đi theo đường lối của Trung Quốc đã bị buộc phải từ chức, và năm sau, Quốc hội Australia đã thắt chặt luật pháp của nước này đối với sự can thiệp chính trị của nước ngoài. Năm 2015, tổng thống Sri Lanka đã bị bỏ phiếu bãi nhiệm sau khi bị bật mí về các dự án cơ sở hạ tầng không bền vững và tham nhũng trong các dự án của Trung Quốc trị giá hàng tỷ đô la, và 3 năm sau, số phận tương tự lại đến với tổng thống Maldives.

"Điều tương tự đã xảy ra ở Malaysia vào năm 2018. Thủ tướng đương nhiệm, Najib Razak, bị sa lầy vào các vụ bê bối tham nhũng do quản lý kém quỹ đầu tư nhà nước của Malaysia, một số liên quan đến các khoản đầu tư do Trung Quốc tài trợ, trong đó chi phí hợp đồng đã bị thổi phồng lên để trang trải các khoản nợ của quỹ. Các cử tri đã khiến đảng của ông ta thất bại liểng xiểng trong cuộc bầu cử năm đó, buộc ông phải từ chức và đánh dấu chiến thắng đầu tiên của phe đối lập trong 61 năm, kể từ khi Malaysia là một quốc gia độc lập. Người kế nhiệm ông, Mahathir Mohamad, đã nhanh chóng đình chỉ một số dự án, đàm phán lại các kế hoạch cho một tuyến đường sắt lớn và lên tiếng phản đối hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông - không giống như Najib, người đã bị kết án 12 năm tù. Hết lần này đến lần khác, chính sách phá hoại và thâu tóm của Trung Quốc đã mắc cạn trên các bãi cạn của các hệ thống chính trị có trách nhiệm." (hết trích )

Rõ ràng, việc thoát khỏi chiếc vòi bạch tuột Trung quốc không nằm ở chổ ngồi chờ hệ thống nhà nước đốt lò, bởi chính hệ thống nhà nước đã bị bôi trơn mua chuộc hoặc được các công ty Trung quốc tạo điều kiện tham nhũng từ trước để bịt miệng. Qua bài viết của Audrye Wong, chúng ta nhìn thấy chính hoạt động của báo chí mới đích thực là động năng ngăn chặn sự thôn tính quyền tự chủ của các quốc gia tham gia BRI Trung quốc. Liệu chúng ta đứng ngoài BRI của Trung quốc có được chăng ? Có thể, nhưng thực tế cho thấy nhà nước VN không thể đứng ngoài BRI trước những đồng tiền lại quả thơm tho. Hãy học theo Malaysia thời Najib Razak, học hỏi Philippines thời Gloria Arroyo, quan sát Sri Lanka hồi 2015, Australia hồi 2017, Maldives hồi 2018. Tất cả đều do hệ thống báo chí đẩy lùi chiếc vòi bạch tuột Trung quốc, mà không gây nên một sự cố cọ xát nào khả dĩ gây nên biến động xã hội.

Mọi người sẽ cho rằng tôi ngủ mơ, bởi hệ thống báo chí ở VN đang bị hệ thống nhà nước nắm trọn vẹn, hệ thống chính trị VN không hề có đối lập. Đúng thế, nhưng chúng ta sẽ không ngủ mơ khi không sao chép nguyên xi phản ứng ở các nước bạn. Tôi đồng ý VN không có báo chí của nhân dân, không có đối lập để chính thức hóa những quan điểm của nhân dân trên nghị trường. Chúng ta phải tìm cách THÍCH NGHI và làm cho mọi thứ trưởng thành dần dần với mạng "internet nhân dân". Khi nhìn vào câu chuyện người dân TQ muốn truy cập vào Google hay Facebook, không thể thừa nhận rằng hiện nay người dân VN vẫn hơn hẳn người dân TQ. Hãy bắt đầu với những thứ chúng ta đang có, đó là nền tảng internet chưa đến mức bị đóng cửa do nhà nước thu được mối lợi đáng kể. Trong các nền tảng mạng xã hội để mọi người trao đổi thông tin, ở VN, Facebook là nền tảng thẩm thấu thông tin và trao đổi thông tin lẫn nhau rộng lớn nhất.

Facebook có phải là nền tảng mạng xã hội hoàn toàn tự do hay không ? Chắc chắn là không. Hãy hình dung nền tảng Facebook như không gian của một siêu thị, hay một mall. Ở đó, người ta trưng bày hàng hóa bán cho khách hàng. Có thể bạn chưa từng mua một món hàng nào trong siêu thị, nhưng việc bạn gặp gở bạn bè và cùng nhau trò chuyện bên trong siêu thị một cách trật tự thì không ai cấm cản hoặc mời bạn ra khỏi không gian đó. Nhưng, nếu chúng ta gây ồn ào mất trật tự, hoặc vi phạm nguyên tắc an ninh mà chủ siêu thị phải có trách nhiệm với nhà nước, chúng ta không được quyền nói năng hoặc thậm chí không được phép có mặt trong siêu thị. Facebook tương tự, họ là một không gian bán hàng cần có khách hàng, nhưng họ bị ràng buộc không để khách hàng vi phạm nguyên tắc an ninh của nhà nước. Cần có thái độ THÍCH NGHI để chúng ta dể dàng trao đổi thông tin lẫn nhau. Sẽ có người cười tôi vì cho rằng tôi đang quãng bá không công cho FB. OK, nếu cho tôi biết có loại nền tảng mạng xã hội nào khác giúp người VN trao đổi với nhau nhanh nhạy hơn FB, tự do hơn FB, tôi sẽ xin lỗi người đó và xin rút lại lời nói "Cần có thái độ THÍCH NGHI".

Năm 2012, trên trang Foreign Policy có bài viết mang tựa "Tại sao các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo sợ Teletubbies ?" Teletubbies là một series phim truyền hình bằng tiếng Anh cho trẻ em của BBC, chương trình này đặc biệt dành cho trẻ chưa đủ tuổi đến trường. Nội dung chuyện phim là cuộc chiến của các con rối Teletubbies chống lại giáo chủ Kong. Phim có ít lời thoại nhưng rất dể nắm hiểu ý câu chuyện. Cư dân mạng Trung quốc đứng trước sự kiểm duyệt gắt gao của nhà nước, do đó, để trao đổi và tìm hiểu trên Internet họ dùng thủ thuật xử dụng “từ ngữ” có tính cách ám chỉ, điều này rất phù hợp với loại chử của Trung quốc. Kết hợp 2 sự kiện vừa nêu, ngày nay người ta xử dụng từ Teletubbies để nói đến tương quan giửa cư dân mạng Trung quốc và hệ thống kiểm duyệt Internet của nhà nước Trung quốc.

Hiện nay trên các trang mạng ở VN hay ở trên FB, tôi chưa thấy người Việt phải khó nhọc trong việc dùng từ ngữ ám chỉ kiểu tình huống Teletubbies như ở TQ. Theo tôi, không phải do nhà nước VN kiểm duyệt ít gắt gao hơn mà do chính người Việt đã tự kiểm duyệt ý tưởng của mình một cách gắt gao, đến nỗi, tránh nói đến những gì có thể đụng chạm. Đây không phải THÍCH NGHI mà là trốn tránh. Nếu FB kiểm duyệt ngày càng gắt gao thì xử dụng tình huống Teletubbies mới đúng với hai chử THÍCH NGHI.

Tôi tin rằng các bạn trẻ sẽ quan tâm nhiều hơn, trao đổi với nhau nhiều hơn khi biết THÍCH NGHI với FB, với mạng internet theo kiểu Teletubbies. Nếu các bạn trẻ nhộn nhịp hơn về các đề tài xã hội đất nước, tôi tin rằng các bạn sẽ lôi cuốn thế hệ người lớn theo cùng với các bạn, để cùng nhau tìm thấy con đường tự chủ nhằm được làm giàu.

Tôi tin rằng một số đông người lớn sẽ tự THÍCH NGHI với xu hướng thời đại, và sẽ sẳn lòng trao đổi kinh nghiệm, kiến thức cùng với giới trẻ. Phải chăng mọi người đang bị động vì chưa thấy cần phải THÍCH NGHI !

Hãy THÍCH NGHI để già trẻ cùng nhau tìm ra con đường tự chủ.

Trần Hoàng Sa… 04/05/2021.


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.