Thông tin tình báo về nhân viên tại phòng thí nghiệm Vũ Hán bị bệnh, làm dấy lên tranh luận về nguồn gốc của Covid-19.

Báo cáo cho biết các nhà nghiên cứu đã đến bệnh viện vào tháng 11 năm 2019, ngay trước khi xác nhận dịch bùng phát; làm tăng thêm các lời kêu gọi điều tra xem liệu virus có thoát ra từ phòng thí nghiệm hay không.

Một nhóm do Tổ chức Y tế Thế giới dẫn đầu đang điều tra nguồn gốc của đại dịch Covid-19 đã đến thăm Viện Virus học Vũ Hán vào ngày 3 tháng 2….// ẢNH: HECTOR RETAMAL / AGENCE FRANCE-PRESSE / GETTY IMAGES

Michael R. Gordon, Warren P. Strobel và Drew Hinshaw, Ngày 23 tháng 5 năm 2021 Theo Wall Street Journal

Trần H Sa lược dịch.

WASHINGTON — Ba nhà nghiên cứu từ Viện Virus học Vũ Hán của Trung Quốc bị ốm vào tháng 11 năm 2019, đến mức phải tìm đến bệnh viện để được chăm sóc sức khỏe, theo một báo cáo tình báo của Hoa Kỳ chưa được tiết lộ trước đây, điều này có thể gây thêm sức nặng để gia tăng các lời kêu gọi điều tra đầy đủ hơn về việc liệu virus Covid-19 có thể trốn khỏi phòng thí nghiệm hay không.

Các chi tiết của bản báo cáo vượt khỏi tài liệu chi tiết của Bộ Ngoại giao, được phát hành trong những ngày cuối cùng của chính quyền Trump, trong đó nói rằng một số nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm, một trung tâm nghiên cứu về coronavirus và các mầm bệnh khác, đã bị bệnh vào mùa thu năm 2019 "với các triệu chứng phù hợp với cả Covid-19 và các bệnh thông thường theo mùa. ”

Việc tiết lộ con số các nhà nghiên cứu, thời gian họ mắc bệnh và thời gian họ đến bệnh viện, diễn ra trước cuộc họp của cơ quan ra quyết định của Tổ chức Y tế Thế giới, dự kiến ​​sẽ thảo luận về giai đoạn tiếp theo của cuộc điều tra về nguồn gốc Covid-19 .

Các quan chức hiện nay và các cựu quan chức quen thuộc với thông tin tình báo về các nhà nghiên cứu ở phòng thí nghiệm, đã bày tỏ những quan điểm khác nhau về sức mạnh của bằng chứng hỗ trợ cho việc đánh giá. Một người nói rằng nó được cung cấp bởi một đối tác quốc tế và có tiềm năng quan trọng nhưng vẫn cần được điều tra thêm và chứng thực thêm.

Một người khác mô tả thông tin tình báo thì càng rõ ràng hơn, đề cập đến các nhà nghiên cứu, ông nói. “Thông tin mà chúng tôi có được đến từ nhiều nguồn khác nhau có chất lượng tinh tế. Nó rất chính xác. Những gì nó không cho bạn biết chính xác là tại sao họ bị bệnh.”

Tháng 11 năm 2019 là khoảng thời gian mà nhiều nhà dịch tễ học và virus học tin rằng SARS-CoV-2, loại virus gây ra đại dịch, lần đầu tiên bắt đầu lưu hành xung quanh thành phố Vũ Hán, ở miền trung Trung Quốc, nơi mà Bắc Kinh nói rằng ca bệnh đầu tiên được xác nhận là một người đàn ông bị ốm vào ngày 8 tháng 12 năm 2019.

Viện Vũ Hán đã không chia sẻ dữ liệu gốc, nhật ký an toàn và hồ sơ chưa qua xử lý của phòng thí nghiệm, về quá trình nghiên cứu sâu rộng của họ với coronavirus ở dơi, thứ mà nhiều người coi là nguồn gốc của virus có nhiều khả năng nhất.

Shi Zhengli (Thạch Chính Lệ) , chuyên gia hàng đầu về virus trên dơi tại Viện Virus học Vũ Hán, cho biết Covid-19 không bị rò rỉ từ các phòng thí nghiệm của cô ấy. Ảnh của Tiến sĩ Shi vào năm 2017…. / ẢNH: JOHANNES EISELE / AGENCE FRANCE-PRESSE / GETTY IMAGES

Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận điều cho rằng virus đã thoát khỏi một trong các phòng thí nghiệm của họ. Hôm Chủ nhật, Bộ Ngoại giao Trung Quốc trích dẫn kết luận của một nhóm nghiên cứu do WHO đứng đầu, sau chuyến thăm Viện Virus Vũ Hán vào tháng Hai, rằng một vụ rò rỉ từ phòng thí nghiệm là cực kỳ khó xảy ra. “Mỹ tiếp tục thổi phồng lý thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm”. Trước yêu cầu bình luận của The Wall Street Journal, bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết "Có phải họ thực sự quan tâm về việc truy tìm nguồn gốc hay là đang cố gắng chuyển hướng sự chú ý?"

Chính quyền Biden từ chối bình luận về thông tin tình báo nhưng nói rằng về mặt kỹ thuật tất cả các lý thuyết đáng tin cậy về nguồn gốc của đại dịch nên được WHO và các chuyên gia quốc tế điều tra.

Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết: “Chúng tôi tiếp tục có những câu hỏi nghiêm túc về những ngày đầu tiên của đại dịch Covid-19, bao gồm cả nguồn gốc của nó ở bên trong nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa".

Phát ngôn viên cho biết: “Chúng tôi sẽ không đưa ra những tuyên bố làm phương hại đến một nghiên cứu đang diễn ra của WHO về nguồn gốc của SARS-CoV-2. Theo chính sách, thì chúng tôi không bao giờ được bình luận về các vấn đề của tình báo."

Bắc Kinh cũng khẳng định rằng virus này có thể bắt nguồn từ bên ngoài Trung Quốc, bao gồm cả tại một phòng thí nghiệm ở căn cứ quân sự Fort Detrick thuộc bang Maryland, và kêu gọi WHO điều tra các đợt bùng phát Covid ngay từ đầu ở các quốc gia khác.

Hầu hết các nhà khoa học nói rằng họ không thấy gì để chứng thực cho ý kiến ​​rằng virus đến từ một phòng thí nghiệm quân sự của Mỹ, và Nhà Trắng cho biết không có lý do đáng tin cậy nào để điều tra nó.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc và Viện Virus học Vũ Hán không trả lời yêu cầu bình luận. Shi Zhengli (Thạch Chính Lệ), chuyên gia hàng đầu về virus trên dơi tại Viện Virus học Vũ Hán, cho biết loại virus này không bị rò rỉ từ các phòng thí nghiệm của cô ấy. Cô nói với nhóm do WHO dẫn đầu đã đến Vũ Hán vào đầu năm nay để điều tra nguồn gốc của virus rằng, tất cả nhân viên đã xét nghiệm âm tính với kháng thể Covid-19 và không có biến động nhân sự nào trong nhóm nhân viên phụ trách về coronavirus.

Marion Koopmans, một nhà virus học người Hà Lan trong nhóm đó nói với NBC News vào tháng 3 rằng một số nhân viên của Viện Virus học Vũ Hán đã bị ốm vào mùa thu năm 2019, nhưng cô ấy cho rằng đó là bệnh thường xảy ra theo mùa.

Cô nói, “Thỉnh thoảng có những cơn bệnh vì đó là điều bình thường. Không có gì nổi bật. Có thể là một hoặc hai. Đó chắc chắn không phải là điều gì to tát, lớn lao ”.

Không có gì lạ với việc người dân ở Trung Quốc đến thẳng bệnh viện khi họ bị ốm, vì họ được chăm sóc tốt hơn ở đó, hoặc do họ không được tiếp cận với bác sĩ đa khoa. Covid-19 và cúm, mặc dù các loại bệnh này rất khác nhau, nhưng có chung một số triệu chứng, chẳng hạn như sốt, đau nhức và ho. Tuy nhiên, có thể là rất quan trọng nếu các thành viên của một nhóm làm việc với coronavirus cùng đến bệnh viện với các triệu chứng tương tự, ngay trước khi đại dịch được xác định lần đầu tiên.

David Asher, một cựu quan chức Hoa Kỳ, người dẫn đầu một lực lượng đặc nhiệm của Bộ Ngoại giao về nguồn gốc virus phục vụ cho Ngoại trưởng Mike Pompeo hồi đó, nói trong một cuộc hội thảo của Viện Hudson vào tháng Ba rằng, ông nghi ngờ các nhà nghiên cứu trong phòng thí nghiệm bị ốm vì bệnh cúm thông thường. .

Ông nói, “Tôi rất nghi ngờ rằng ba người trong tình huống được bảo vệ nghiêm ngặt trong một phòng thí nghiệm cấp ba làm việc trên coronavirus đều bị bệnh cúm khiến họ phải nhập viện, hoặc ở trong tình trạng nghiêm trọng trong cùng một tuần, và nó lại không có bất cứ điều gì liên quan đến coronavirus”, và nói thêm rằng bệnh của các nhà nghiên cứu có thể đại diện cho“ cụm đầu tiên được biết đến” về các trường hợp Covid-19.

Những người hoài nghi từ lâu đã mô tả như là một thuyết âm mưu, với giả thuyết rằng đại dịch có thể bắt đầu từ một vụ tai nạn ở trong phòng thí nghiệm, nó đã thu hút nhiều sự quan tâm hơn từ các nhà khoa học, những người phàn nàn về sự thiếu minh bạch của chính quyền Trung Quốc hoặc bằng chứng thuyết phục cho giả thuyết thay thế của họ: rằng con người nhiễm virus từ dơi hoặc động vật bị nhiễm bệnh khác ở bên ngoài phòng thí nghiệm.

Nhiều người ủng hộ giả thuyết trong phòng thí nghiệm nói rằng một loại virus được mang bởi một con dơi bị nhiễm bệnh có thể đã được đưa đến phòng thí nghiệm để các nhà nghiên cứu có thể nghiên cứu các loại vắc-xin tiềm năng - virus thoát ra là đáng xét nhất.

Trong khi giả thuyết trong phòng thí nghiệm đang được các quan chức chính quyền Biden xem xét nghiêm túc hơn, cuộc tranh luận vẫn mang màu sắc của những căng thẳng chính trị, bao gồm cả việc cần bao nhiêu bằng chứng để duy trì giả thuyết.

Một quang cảnh của Viện Virus học Vũ Hán…. / ẢNH: NG HAN GUAN / ASSOCIATED PRESS

Thông tin chi tiết của Bộ Ngoại giao được phát hành dưới thời chính quyền Trump, dựa trên thông tin tình báo đã được phân loại, nói rằng “Chính phủ Hoa Kỳ có lý do để tin rằng một số nhà nghiên cứu trong Viện Virus học Vũ Hán đã bị bệnh vào mùa thu năm 2019, trước khi trường hợp bùng phát đầu tiên được xác định, với các triệu chứng phù hợp với cả Covid-19 và các bệnh theo mùa. ”

Thông tin chi tiết ngày 15/1 cho biết thêm rằng sự thật này “đặt ra câu hỏi về độ tin cậy” của Tiến sĩ Shi và chỉ trích Bắc Kinh “gian dối và đưa thông tin sai lệch”, trong khi thừa nhận rằng chính phủ Mỹ chưa xác định được một cách chính xác đại dịch bắt đầu như thế nào.

Chính quyền Biden không bác bỏ bất kỳ khẳng định nào trong thông tin chi tiết mà các quan chức hiện nay và các cựu quan chức cho rằng đã được các cơ quan tình báo Mỹ kiểm tra. Thông tin chi tiết cũng đề cập đến các hoạt động nghiên cứu tại Viện Virus học Vũ Hán, các hoạt động được khẳng định là sự hợp tác trong một số dự án với quân đội Trung Quốc và các vụ tai nạn tại các phòng thí nghiệm khác của Trung Quốc.

Nhưng một quan chức chính quyền Biden nói rằng bằng cách làm nổi bật dữ liệu chỉ ra giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm, các quan chức chính quyền Trump đã tìm cách “làm xoắn mọi chuyện như trái bóng”. Một số quan chức Hoa Kỳ mô tả thông tin tình báo là "tình huống", đáng để khám phá thêm nhưng không thể kết luận chỉ với riêng thông tin tình báo.

Khi được hỏi về tuyên bố hôm 15/1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết: “Thông tin chi tiết do chính quyền trước đó phát hành vào ngày 15/1 không đưa ra bất kỳ kết luận nào liên quan đến nguồn gốc của coronavirus. Thay vào đó, nó tập trung vào sự thiếu minh bạch xung quanh nguồn gốc của virus. "

Mặc dù ca bệnh đầu tiên được biết đến là vào ngày 8 tháng 12 năm 2019, một số phân tích về tỷ lệ đột biến của virus đã kết luận rằng nó có thể đã bắt đầu lây lan vài tuần trước đó.

Nhóm nghiên cứu do WHO đứng đầu đến thăm Vũ Hán đã kết luận trong một báo cáo chung với các chuyên gia Trung Quốc vào tháng 3 rằng, virus rất có thể lây lan từ dơi sang người qua một loài động vật khác, và việc rò rỉ từ trong phòng thí nghiệm là “cực kỳ khó xảy ra”.

Tuy nhiên, các thành viên trong nhóm cho biết họ không được xem dữ liệu gốc hoặc phòng thí nghiệm chưa bị xử lý, hồ sơ an toàn và các hồ sơ gốc khác. Cùng ngày báo cáo được công bố, Tedros Adhanom Ghebreyesus, Giám đốc WHO cho biết nhóm nghiên cứu chưa kiểm tra đầy đủ giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm, và kêu gọi một cuộc điều tra đầy đủ hơn về ý tưởng này.

Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và một số chính phủ khác cũng đã kêu gọi một cuộc điều tra minh bạch hơn về nguồn gốc của Covid-19, không yêu cầu rõ ràng một cuộc điều tra về phòng thí nghiệm. Họ đã kêu gọi được đặc biệt truy cập tốt hơn vào dữ liệu và các mẫu từ các ca bệnh Covid-19 tiềm năng lúc ban đầu.

Các thành viên của nhóm do WHO dẫn đầu cho biết các đối tác Trung Quốc đã xác định được 92 ca có tiềm năng mắc bệnh Covid-19 trong số khoảng 76.000 người bị ốm trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến đầu tháng 12 năm 2019, nhưng họ đã từ chối yêu cầu chia sẻ dữ liệu gốc của nhóm 76.000 người đó. Dữ liệu ấy sẽ giúp nhóm do WHO đứng đầu hiểu tại sao Trung Quốc chỉ tìm cách kiểm tra kháng thể của 92 người mà họ nêu.

Các thành viên trong nhóm cũng cho biết họ đã yêu cầu được tiếp cận ngân hàng máu ở Vũ Hán để xét nghiệm các mẫu từ trước tháng 12 năm 2019 nhằm tìm kháng thể. Các nhà chức trách Trung Quốc ban đầu từ chối, với lý do lo ngại về quyền riêng tư, sau đó đã đồng ý, nhưng vẫn chưa cung cấp quyền tiếp cận đó, các thành viên trong nhóm cho biết.


 

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.