Liệu châu Âu có gia nhập kế hoạch của Joe Biden để chống lại Trung Quốc ?

EU đã trở nên hoài nghi hơn về Bắc Kinh, nhưng một số nhà lãnh đạo lo lắng về luận điệu chiến tranh lạnh mới của Washington.

© FT Montage / Getty

Demetri Sevastopulo ở Washington và Sam Fleming và Michael Peel ở Brussels, ngày 07/06/2021….Theo Financial Times.

Trần H Sa lược dịch.

Kể từ khi bước vào Nhà Trắng hồi tháng 1, Joe Biden đã nêu rõ một mục tiêu trong chính sách đối ngoại đứng trên những mục tiêu khác - làm việc với các đồng minh để kiềm chế Trung Quốc .

Sau những cơn tam bành đầy kịch tính của những năm Trump, khi mà Mỹ đe dọa trách mắng Trung Quốc nhưng cũng gây chiến với các đối tác thân cận nhất của mình, Biden đang cố gắng khâu vá lại liên minh toàn cầu của Washington, với Bắc Kinh là trọng tâm chính.

Biden đã trình bày dự án này vào tháng 2, khi ông nói ở Hội nghị An ninh Munich rằng Mỹ, châu Âu và châu Á phải “đẩy lùi các hành vi lạm dụng và cưỡng bức kinh tế của chính phủ Trung Quốc”.

Kế hoạch của Biden đã đạt được một số thành công ở châu Á, ở đó nền tảng chung đã được tìm thấy với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia.

Nhưng khi tổng thống chuẩn bị cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình, ông phải đối mặt với nhiệm vụ nhạy cảm nhất - cố gắng thuyết phục một châu Âu thận trọng cảnh giác để hợp tác chặt chẽ nhiều hơn với Washington về vấn đề Trung Quốc. 

Thủ tướng Đức Angela Merkel nói chuyện với Joe Biden khi ông còn là phó tổng thống Mỹ vào năm 2013. Bây giờ là tổng thống, Biden đang cố gắng thuyết phục nhà lãnh đạo Đức và các đồng minh EU của bà ấy hợp tác chặt chẽ hơn với Washington về Trung Quốc © Steffen Kugler / Getty Images

Biden sẽ tham dự cuộc họp của G7 tại Cornwall ở Vương quốc Anh vào thứ Sáu, trước khi đến Brussels để tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO và EU-Hoa Kỳ vào tuần tới. Sau đó, ông sẽ bay đến Geneva để gặp Tổng thống Nga, Vladimir Putin.

Bên dưới những tuyên bố có khả năng đồng bộ, Biden sẽ phải đối phó với một thực tế rắc rối, cảnh báo những khó xử cho các nhà ngoại giao và các quan chức. Trong khi EU trở nên hiếu chiến hơn đối với Trung Quốc, EU có các ưu tiên kinh tế và chiến lược khác so với Mỹ, và luôn có nguy cơ những chia rẽ đó bùng phát ra trong quan hệ Mỹ - EU.

Một quan chức ngoại giao cao cấp của EU cho biết: “Họ đang tính đến những mối quan tâm của EU một cách đúng đắn và cố gắng tránh bàn thảo những thể loại khác biệt nhau một cách ồn ào và vô tích sự mà chính quyền Trump và Pompeo ưa chuộng. Nhưng thực tế là chúng tôi không liên kết với nhau 100%, và Trung Quốc biết điều đó."

Một số người quen thuộc với các cuộc đàm phán tiền hội nghị thượng đỉnh nói rằng, Biden hy vọng sẽ tạo ra các liên minh cùng chí hướng để khiển trách Trung Quốc về việc họ đàn áp phong trào ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông, đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, hoạt động quân sự hung hăng ở biển Đông và biển Hoa Đông, và sử dụng cưỡng bức kinh tế để trả đũa chống lại những người chỉ trích.

Cảnh sát bắt giữ người dân ở Hong Kong. Tại hội nghị thượng đỉnh G7, Biden hy vọng sẽ thành lập các liên minh cùng chí hướng để khiển trách Trung Quốc về các vấn đề như đàn áp phong trào ủng hộ dân chủ trên lãnh thổ Hong Kong. © Dale De la Ray / AFP via Getty

G7 sẽ thảo luận về cách thức thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước có thu nhập trung bình và thấp hơn, để cố gắng chống lại Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Trong khi đó, EU và Mỹ muốn tìm cách hợp tác trong các vấn đề như bán các công nghệ nhạy cảm cho Trung Quốc.

Các thủ đô khác nhau rõ ràng nhận thức được sự cần thiết phải thể hiện sự đoàn kết sau những cuộc cãi nhau gay gắt trong những năm Trump, khi họ cố gắng gửi một thông điệp rõ ràng đến Trung Quốc rằng, họ sẽ khó chia rẽ hơn.

Nhưng Biden sẽ phải ứng xử thận trọng vì sợ các đồng minh xa lánh - đặc biệt nhất là Thủ tướng Đức Angela Merkel - người đang cảnh giác với những luận điệu kiểu chiến tranh lạnh nhằm vào Trung Quốc. Một quan chức châu Âu cho biết một số nước EU không thích thuật ngữ "đối thủ", từ ngữ thường được dùng ở Washington để ám chỉ Bắc Kinh.

Noah Barkin của nhóm nghiên cứu Rhodium Group nói rằng trong khi Mỹ và EU chia sẻ nhiều mối quan tâm về Trung Quốc, họ có những quan điểm khác nhau về cách ứng phó. Ông nói: “Châu Âu có những lợi ích riêng của mình. Sẽ không có sự hợp tác liền mạch về vấn đề Trung Quốc."

Donald Trump tại một cuộc họp G7 ở Biarritz vào năm 2019. Tổng thống Mỹ khi đó đã có những tranh chấp gay gắt với các nhà lãnh đạo phương Tây khác, về quan hệ với Trung Quốc © Philppe Wojazer / AFP via Getty Images

Đối thủ có hệ thống.

Trong hai năm qua, châu Âu đã trải qua quá trình đánh giá lại mối quan hệ của họ với Trung Quốc dần dần nhưng thực chất, khi các nhà lãnh đạo đáp trả cách tiếp cận độc đoán nhiều hơn của Chủ tịch Tập Cận Bình, vốn đã trở nên trầm trọng hơn bởi các chiến thuật thô lỗ và không thân thiện của các nhà ngoại giao “chiến binh sói” của Bắc Kinh. .

Một số quốc gia châu Âu, bao gồm Anh, Pháp và Đức, đã trở nên sẵn sàng hơn trong việc gửi tàu chiến của hải quân đến Biển Đông để củng cố thông điệp của Hoa Kỳ với Trung Quốc về tự do hàng hải.

Trong khi Mỹ không mong đợi họ giúp đỡ trong trường hợp xung đột về Đài Loan - trái ngược với tình hình đối với các đồng minh có hiệp ước quốc phòng như Nhật Bản - thì chủ nghĩa tượng trưng này cho Trung Quốc thấy rằng Mỹ không đơn độc.

Lập trường ngày càng quyết đoán của EU đối với Trung Quốc được nhấn mạnh bởi quyết định gần đây của Quốc hội châu Âu trong việc phê chuẩn hiệp ước đầu tư được EU đề xuất với Bắc Kinh. Điều đó diễn ra sau khi Bắc Kinh áp đặt các biện pháp trừng phạt trả đũa đối với các chính trị gia và các tổ chức của EU, để đáp lại các biện pháp trừng phạt được phối hợp bởi khối châu Âu, Mỹ, Anh và Canada áp đặt lên các quan chức Trung Quốc về việc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương, phía tây bắc.

Thủy quân lục chiến Philippines và Mỹ tham gia một cuộc tập trận ở phía tây bắc Manila. Các nước châu Âu đã bắt đầu ủng hộ việc Mỹ đẩy lùi các tham vọng của Trung Quốc trong khu vực bằng cách gửi tàu chiến của hải quân đến Biển Đông © Ted Aljibe / AFP via Getty

Sự tiêu tan hy vọng của cái gọi là nhóm 18 + 1 gồm các quốc gia Trung và Đông Âu cùng Trung Quốc là một ví dụ khác cho thấy khoảng cách ngày càng lớn giữa EU và Bắc Kinh. Nhóm này, bao gồm 12 quốc gia EU, từng được coi là cách để các thành viên EU nhỏ hơn nhận được đầu tư và kịp thời của Trung Quốc thông qua các quan chức hàng đầu. Giờ đây, Lithuania đã công khai từ chối sáng kiến ​​này và các nước EU khác đang xa rời nó.

Sự thay đổi thế trận của châu Âu đối với Trung Quốc đã được nêu bật trong một bài báo năm 2019, mô tả Bắc Kinh là đối tác và là đối thủ cạnh tranh kinh tế trong một số lĩnh vực, nhưng lần đầu tiên gọi Trung Quốc là “đối thủ có hệ thống”. Cùng năm đó, tập đoàn vận động hành lang BDI của Đức đã phát hành một bài báo có nội dung cứng rắn bất ngờ, kêu gọi một cách tiếp cận cứng rắn hơn của châu Âu đối với các hoạt động kinh doanh không công bằng.

Đồng thời, Brussels đã tích lũy các công cụ mới để bảo vệ lợi ích của châu Âu trước các mối đe dọa từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc. Trong đó nổi bật nhất gần đây là việc ban hành luật cho phép ủy ban xử lý nghiêm ngặt các doanh nghiệp nhà nước ở bên ngoài EU, cũng như kế hoạch buộc các công ty chấm dứt tình trạng lạm dụng trong chuỗi cung ứng của họ.

Wendy Sherman, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, cho biết trong chuyến công du tới Brussels gần đây, đã có một “sự thay đổi lớn” trong cách nhìn nhận của Châu Âu về Trung Quốc.

Một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao cho biết: “Chúng tôi đã đạt được rất nhiều tiến bộ với châu Âu về Trung Quốc. Các biện pháp trừng phạt có phối hợp đối với Tân Cương là một thỏa thuận rất lớn. Nếu bạn hỏi tôi sáu tháng trước rằng liệu tôi có nghĩ Brussels, Ottawa, London và Washington sẽ cùng tham gia vào các biện pháp trừng phạt nhân quyền chống lại Trung Quốc hay không, thì tôi đã đặt cược chống lại điều đó”.

Mặt trận công nghệ.

Nhưng vấn đề mà Biden phải đối mặt là làm thế nào để biến sự thay đổi tâm trạng chống Trung quốc của EU thành sự hợp tác hữu hình. Một trong những thách thức dễ dàng hơn, là cả hai bên đều mong muốn tăng cường phối hợp trong việc lựa chọn các quan chức hàng đầu cho các cơ quan quốc tế chủ chốt nhằm ngăn chặn Trung Quốc giành được thêm quyền lực. 

Tại hội nghị thượng đỉnh EU-Hoa Kỳ, có dự định thành lập Hội đồng Thương mại và Công nghệ để thúc đẩy phối hợp về 5G, chất bán dẫn, chuỗi cung ứng, kiểm soát xuất khẩu, các quy tắc và tiêu chuẩn cho công nghệ. Đây sẽ là một sự thay đổi rõ rệt so với thời Trump, khi mà Brussels liên tục bị phản đối bởi các sáng kiến ​​của Tổng thống Mỹ nhắm vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong khi công nghệ được coi là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất để chống lại Trung Quốc, Martijn Rasser, cựu chuyên gia của CIA mà hiện nay đang làm việc cho Trung tâm nghiên cứu về An ninh mới của Mỹ, cảnh báo không nên mong đợi những kết quả nhanh chóng do sự phức tạp của chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Ông nói thêm “Ngành công nghiệp bán dẫn có tính toàn cầu hóa rất cao và các chuỗi cung ứng rất phức tạp. Và đó cũng là thứ mà nếu chỉ riêng Mỹ với EU thì không thể giải quyết được, bạn phải tham gia với Nhật Bản, Hàn Quốc; và Đài Loan là một nước có vai trò quan trọng.”

Một nhà máy bán dẫn ở Bắc Kinh. Chất bán dẫn hiện là điểm mấu chốt của cuộc tranh chấp công nghệ giữa phương Tây do Hoa Kỳ dẫn đầu và Trung Quốc © Nicolas Asfouri / AFP via Getty

Một quan chức của EU cảnh báo rằng vẫn còn tồn tại những khác biệt đáng kể về công nghệ trong xuyên Đại Tây Dương. Câu hỏi đặt ra là liệu EU và Mỹ có thể “vượt qua những khác biệt về việc bảo vệ dữ liệu và nội dung dữ liệu lớn, và tập trung vào các điều kiện cho phép chúng ta chiếm ưu thế về mặt công nghệ trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc về địa chính trị”, quan chức này nói.

Các căng thẳng đối với chất bán dẫn cho thấy điều này sẽ khó khăn như thế nào. Công ty ASML của Hà Lan thống trị thị trường về các máy móc tiên tiến mà các công ty Trung Quốc cần có để sản xuất chip cao cấp, cần thiết cho các thiết bị như điện thoại thông minh.

Nhưng kể từ năm 2019, ASML đã không thể xin được giấy phép từ chính phủ Hà Lan để xuất khẩu loại thiết bị in thạch bản bằng tia cực tím ( dùng để sản xuất các vi mạch cực nhỏ…THS ) cho Tập đoàn Quốc tế Sản xuất Chất bán dẫn của Trung Quốc (SMIC), nhà sản xuất chip lớn nhất của Trung quốc, theo những người am hiểu vấn đề này. Hôm thứ Năm, Biden đã cấm người Mỹ đầu tư vào 59 công ty Trung Quốc bao gồm SMIC.

Hà Lan không tiết lộ lý do đóng băng giấy phép, nhưng những người am hiểu vấn đề này cho biết chính quyền Trump đã vận động thành công với chính phủ Hà Lan vì lo ngại về tiềm năng công nghệ in thạch bản bằng tia cực tím (EUV) sẽ giúp quân đội Trung Quốc phát triển vũ khí tiên tiến. ASML cho biết họ hoàn toàn hiểu rằng Bộ Ngoại giao Hà Lan cần thời gian để đưa ra quyết định "trước bối cảnh địa chính trị hiện nay và luật pháp quốc tế đang thay đổi nhanh chóng".

Sigrid Kaag, Bộ trưởng Thương mại Hà Lan, cho biết vào tháng trước rằng trường hợp ASML đang được xem xét "liên tục". “Rõ ràng đó là một đường lối tốt nhưng chúng tôi muốn vẫn là một quốc gia thương mại cởi mở, vì vậy chúng tôi liên tục đối thoại với các đồng minh của mình về vấn đề này vì đây là một vấn đề rất đặc biệt và. . .là trường hợp nhạy cảm”, cô nói.

Kaag cho biết EU cần "hợp tác" với Mỹ để giải quyết nhiều điểm thỏa thuận về vấn đề Trung Quốc, nhưng điều đó sẽ yêu cầu khối "cùng hành động" và phối hợp tốt hơn giữa các tổ chức khác nhau để tránh các kết quả mâu thuẫn trong Chính sách đối với Trung Quốc.

Không có lựa chọn 'được ăn cả ngã về không' ở Berlin.

Tại Đức, quốc gia coi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của mình, quan điểm kinh doanh trong những năm gần đây đã trở nên khó khăn hơn. Các công ty vừa và nhỏ phải đối mặt với cuộc đấu tranh để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của họ để tránh khỏi gián điệp công nghiệp và họ đang theo dõi các đối thủ của Trung Quốc vượt qua các đối thủ của châu Âu.

Trong khi Mỹ thỉnh thoảng chỉ trích lập trường của Đức về vấn đề Trung Quốc, thì Đức cho thấy rằng họ không muốn gây nguy hiểm cho xuất khẩu của mình, các nhà ngoại giao Đức đã công khai chỉ trích Trung Quốc về cách đối xử của họ đối với người Duy Ngô Nhĩ.

Nhưng bà Merkel đã chống lại những nỗ lực đẩy Đức vào tư thế đối đầu. Khi bà phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich vào đầu năm nay, rõ ràng có một hố sâu ngăn cách giữa bà và Biden về Trung Quốc.

Bà Merkel cũng là động lực chính đằng sau quyết định của EU chấp nhận lời đề nghị của Trung Quốc vào cuối năm ngoái, và gấp rút thông qua Hiệp định Đầu tư Trung Quốc bị đình trệ trước đó, trước khi Biden nhậm chức một tháng.

Với cuộc bầu cử ở Đức vào tháng 9, bà Merkel đang ở giai đoạn hoàng hôn của sự nghiệp. Các chính trị gia Đức bao gồm Reinhard Bütikofer, thuộc đảng Xanh, một trong những người chịu lệnh trừng phạt của Trung Quốc, nhận thấy “nền tảng đang thay đổi” ở dưới chân bà Merkel, khi thái độ của Đức đối với Bắc Kinh thay đổi.

Tuy nhiên, thủ tướng không đơn độc trong việc phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm tách rời kinh tế giữa Trung Quốc và EU. Iuliu Winkler, một người Romania, là thành viên của nhóm trung hữu thuộc Đảng Nhân dân châu Âu mà Liên minh Dân chủ Kitô giáo của bà Merkel trực thuộc, phản đối bất kỳ quan điểm nào về lựa chọn 'được ăn cả ngã về không' giữa Mỹ và Trung Quốc.

Do đó, các nhà ngoại giao cho rằng Mỹ đã khôn ngoan khi không quá tay trong đối phó với EU. 

Những bất đồng nội bộ.

Tại các cuộc gặp với các đồng minh ở châu Âu, Biden hy vọng sẽ lặp lại một phiên bản tương tự của vở kịch mà ông đã sử dụng khi thuyết phục các vị khách đầu tiên của Nhà Trắng - thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in - công khai ủng hộ Đài Loan.

Bonnie Glaser, một chuyên gia về Trung Quốc tại Quỹ Marshall của Đức, cho biết: “Nếu bạn nhìn vào cách tiếp cận mà Biden đã thực hiện với Suga và Moon, Mỹ cũng sẽ đến các hội nghị thượng đỉnh này với những câu hỏi về Đài Loan và Trung Quốc”.

Nhưng trong khi gây áp lực nặng nề lên Tokyo và Seoul về vấn đề này, ông ấy được cho là sẽ có động thái nhẹ nhàng hơn ở châu Âu do những động lực phức tạp hơn trong việc đối phó với một khối đang bị chia rẽ nội bộ về vấn đề Trung Quốc.

“Mỹ sẽ cố gắng bảo đảm rằng ngôn ngữ nói về Trung Quốc tại G7 là cứng rắn nhất theo khả năng, nhưng nó sẽ không làm nổ tung con thuyền bằng cách thúc đẩy đưa vào một cái gì đó như vụ rò rỉ vi rút từ phòng thí nghiệm Vũ Hán,” một người quen thuộc với các kế hoạch cho biết.

Biden sẽ đối mặt với sự phản kháng rất ít tại G7 sau khi các ngoại trưởng của nhóm này gần đây đã đưa ra một tuyên bố chung với sự chỉ trích rộng rãi chưa từng có đối với Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Merkel. Pháp, Đức và Anh gần đây đã chỉ trích Trung Quốc về nhân quyền © Thibault Camus / EPA-EFE

Nhưng ngay cả trong diễn đàn đó, các ưu tiên vẫn khác nhau. Trong khi Anh, Pháp và Đức chỉ trích Bắc Kinh về vấn đề nhân quyền, thì Nhật Bản lại lo ngại hơn về hoạt động quân sự của Trung Quốc ở các vùng biển Đông và biển Hoa Đông, và chẳng hạn như là, đã không đưa ra các biện pháp trừng phạt Trung Quốc về tình hình ở Tân Cương .

Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-EU, hai bên sẽ cố gắng tránh nhận thức về những bất đồng tiếp tục, do những khó khăn từng diễn ra trong các lĩnh vực như tranh chấp trợ cấp máy bay giữa Boeing-Airbus xảy ra trước những năm Trump. Với việc chính quyền tập trung vào chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, một số chuyên gia cho rằng Biden phải đưa ra một trường hợp mạnh mẽ hơn cho mối quan hệ Mỹ-EU.

Tom Wright, chuyên gia chính sách đối ngoại tại Viện Brookings, cho biết: “Chính quyền Biden có một ý tưởng khá hay về những gì họ muốn từ châu Âu, đó là muốn EU đi cùng chính sách Trung Quốc của họ. Chính quyền Biden thiếu rõ ràng trong việc phân loại những gì mà họ muốn ở châu Âu. Cuối cùng, nếu Biden muốn một châu Âu cạnh tranh với Trung Quốc, ông ấy sẽ phải thay đổi cách suy nghĩ của Mỹ về EU, quyền tự chủ chiến lược, chia sẻ gánh nặng và thương mại ”.

Trong khi say mê về lợi ích của việc hợp tác sâu rộng hơn, các quan chức và các nhà ngoại giao EU phàn nàn rằng cho đến nay, họ mới chỉ thấy một loạt các đề xuất tương đối mỏng của Hoa Kỳ về các kết quả cụ thể từ hội nghị thượng đỉnh. Họ cũng chỉ ra xu hướng tiếp tục ở Washington là công bố các sáng kiến ​​mà không cần tham vấn trước với EU. Một ví dụ là quyết định bất ngờ của Biden khi ủng hộ việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin Covid-19 . 

Trong khi người châu Âu mạnh mẽ hoan nghênh sự tan băng qua việc đắc cử của Biden, một số người buồn rầu lẩm bẩm về những gì có thể xảy ra trong 4 năm nữa, đặc biệt với việc Trump đe dọa tái tranh cử vào Nhà Trắng.

Một quan chức nói rằng tâm trạng của châu Âu giống như khi Barack Obama đắc cử sau khi quan hệ Mỹ-EU xấu đi đáng kể dưới thời George W Bush, nhưng "lần này có một cảm giác nôn nao".

Quan chức này cho biết thêm: "Chưa có ai đang vui đùa tiệc tùng."


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.