Ngăn chặn chiến tranh ở eo biển Đài Loan: Chìa khóa là vai trò an ninh lớn hơn của Nhật Bản.

Một cựu quan chức Bộ Ngoại giao cảnh báo rằng Nhật Bản phải đảm nhận một vai trò lớn hơn trong liên minh Nhật-Mỹ để đẩy lùi một cuộc xung đột xuyên eo biển mà có thể nhấn chìm các hòn đảo xa xôi của Nhật Bản và đe dọa nền dân chủ trong khu vực.

Thủ tướng Suga Yoshihide, trái và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng ngày 16 tháng 4 năm 2021. © AFP / Jiji.

Kanehara Nobukatsu Ngày 2 tháng 6 năm 2021…Theo Nippon

Trần H Sa lược dịch.

Ngày 16/4/2021, Thủ tướng Suga Yoshihide trở thành vị nguyên thủ nước ngoài đầu tiên đến thăm Tòa Bạch Ốc của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Lý do cho sự lựa chọn của Biden không có gì bí ẩn. Khá đơn giản, Nhật Bản là đồng minh quan trọng nhất của Washington trong việc ngăn chặn mối đe dọa từ Trung Quốc, đối thủ cạnh tranh chiến lược hàng đầu của Mỹ.

Trong số các lợi ích và các mối quan tâm chung được liệt kê trong Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo Nhật-Mỹ được ban hành vào dịp đó, điều đáng chú ý dễ thấy nhất là đề cập đến "hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan", và "giải quyết hòa bình các vấn đề xuyên eo biển." Đây là lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ, các nhà lãnh đạo của hai nước đề cập đến chủ đề Đài Loan trong một tuyên bố chung.

Đài Loan đã bị loại khỏi Chương trình Nghị sự An ninh Song phương như thế nào.

Sự kiện liên can đến Đài Loan như vậy trước đây, xảy ra vào ngày 21 tháng 11 năm 1969, khi Thủ tướng Satō Eisaku có mặt tại Washington để hội đàm với Tổng thống Richard Nixon. Theo tuyên bố chung được đưa ra vào dịp đó, Nixon đã nói về các nghĩa vụ trong hiệp ước của Mỹ đối với Trung Hoa Dân Quốc, và Sato đã đáp trả rằng hòa bình và an ninh ở khu vực Đài Loan là vô cùng quan trọng đối với an ninh của Nhật Bản.

Vào thời điểm đó, Hoa Kỳ coi Trung Hoa Dân Quốc (nay thường được gọi là Đài Loan) là chính phủ hợp pháp của Trung Quốc và là đồng minh trong Chiến tranh Lạnh. Tokyo đương nhiên chia sẻ mối quan tâm của Washington về số phận của hòn đảo này. Kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ hai, khi Nhật Bản từ bỏ yêu sách đối với Đài Loan và Cao Ly, họ đã dựa vào quân đội Mỹ để bảo vệ khu vực, bao gồm cả Đài Loan và miền nam Cao Ly (Hàn Quốc), với sự hỗ trợ của các căn cứ trên lãnh thổ Nhật Bản. Đây là khuôn khổ an ninh khu vực được xây dựng dựa trên liên minh Nhật-Mỹ - do Thủ tướng Yoshida Shigeru sáng lập, sau đó được Thủ tướng Kishi Nobusuke sửa đổi. Năm 1969, chỉ là vấn đề đương nhiên khi Satō và Nixon đề cập đến Đài Loan, cùng với Bán đảo Triều Tiên, khi thảo luận về các mối quan tâm an ninh chung. Nhưng môi trường đó sắp thay đổi.

Tổng thống Richard Nixon và Thủ tướng Chu Ân Lai nâng ly chúc mừng tại Đại lễ đường Nhân dân trong chuyến thăm lịch sử của nhà lãnh đạo Hoa Kỳ tới Bắc Kinh, ngày 25 tháng 2 năm 1972. © AFP / Jiji.

Vào tháng 3 năm 1969, một nhóm quân Giải phóng Nhân dân (Trung Cọng) đã phục kích các lực lượng biên phòng Liên Xô trên hòn đảo Damansky (tức là đảo Trân Bảo, tiếng Nhật gọi là đảo Zhenbao) ở sông Ussuri, một lưu vực ranh giới nằm trên một vùng rộng lớn bên trong lãnh thổ Viễn Đông thuộc Nga, phía bắc sông Amur và phía đông Ussuri mà đế chế nhà Thanh đã nhượng cho Nga trong Hiệp ước Aigun (1858) và Công ước Bắc Kinh (1860) do hậu quả của Chiến tranh nha phiến lần thứ hai. Cuộc xung đột biên giới này là đỉnh điểm của sự chia rẽ Trung-Xô mà đã bắt đầu vào nửa sau những năm 1950. Cho đến lúc đó, Mao Trạch Đông đã coi Liên Xô như một đàn anh và là cố vấn của họ trong các vấn đề chính trị và học thuyết. Nhưng khi Nikita Khrushchev bắt đầu theo đuổi chính sách sống chung hòa bình với phương Tây sau cái chết của Joseph Stalin, Bắc Kinh đã công khai nổi dậy, và các mối quan hệ trở nên xấu đi. Trong bối cảnh xích mích gia tăng, các tranh chấp biên giới từ lâu trở nên nóng lên, đỉnh điểm là cuộc tấn công trên hòn đảo Damansky.

Mặc dù quân giải phóng nhân dân của Mao có ưu thế về quân số, nhưng quân đội Liên Xô là một lực lượng hiện đại, hùng mạnh được trang bị với một kho vũ khí hạt nhân tiên tiến. Hơn nữa, Trung Quốc khi đó còn là một nước nghèo bị sa lầy trong tình trạng xã hội và chính trị hỗn loạn. Sau thất bại của 'Đại nhảy vọt', qua đó khoảng 20 triệu công dân Trung Quốc được cho là đã chết đói, Mao đang trong quá trình thanh trừng các đối thủ chính trị của y thông qua Cách mạng Văn hóa. Ông ta hầu như không có tư cách để thâu tóm Liên Xô. Lo sợ về một cuộc phản công, Mao quyết định ném hết quan hệ vào với khối phương Tây và xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ và Nhật Bản.(*)

Trong vài năm tiếp theo, Bắc Kinh đã thành công trong việc bình thường hóa quan hệ với cả Washington và Tokyo, và Đài Bắc bị mất tư cách là chính phủ hợp pháp của Trung Quốc. Mặc dù người Trung Quốc tiếp tục khẳng định rằng Đài Loan là một tỉnh nổi loạn, được trù định thống nhất với đại lục, nhưng họ quá bận tâm với mối đe dọa của Liên Xô nên không thể suy tính được bất kỳ hành động quân sự xuyên eo biển nào. Do đó, Đài Loan không còn được coi là mối quan tâm an ninh đối với liên minh Nhật-Mỹ.

Lý Đăng Huy và cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan.

Vấn đề Đài Loan lại nổi lên vào những năm 1990, khi quốc gia này đang chuyển đổi từ cơ chế quân đội nắm giữ các chức năng dân sự, sang dân chủ hoàn toàn dưới thời Tổng thống Lý Đăng Huy. Khi ông Lý - vị tổng thống Trung Hoa Dân Quốc đầu tiên sinh ra ở Đài Loan - kêu gọi một bản sắc dân tộc mới, bằng cách tuyên bố "Tôi là người Đài Loan" trong thời gian trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp đầu tiên của Đài Loan (dự kiến ​​vào năm 1996), Trung Quốc đã phóng một loạt tên lửa vào vùng biển bao quanh Đài Loan, gây ra cuộc Khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ ba.

Để hiểu được phản ứng của Trung Quốc cần một số bối cảnh lịch sử.

Các lằn ranh lãnh thổ của Trung Quốc hiện đại, nói chung được thiết lập trong triều đại nhà Thanh (1644–1912), vốn cai trị một liên bang đa sắc tộc bao gồm người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và người Mông Cổ, cũng như người Mãn Châu và người Hán. Ý thức về bản sắc dân tộc Trung Quốc theo nghĩa hiện đại chỉ bắt đầu xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX, giữa thời kỳ suy tàn kéo dài của triều đại nhà Thanh. Việc xây dựng một quốc gia đại diện chủ quyền cho một dân tộc thống nhất từ ​​các thành phần đa dạng, trải rộng bao la của đế chế nhà Thanh, không phải là nhiệm vụ dễ dàng.

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đấu tranh mạnh mẽ để thiết lập “người Trung Quốc cộng sản” như là một bản sắc dân tộc. Nhưng chủ nghĩa cộng sản, loại chủ nghĩa bác bỏ tôn giáo, chủ trương cách mạng bạo lực và ủng hộ hệ thống chính quyền độc đảng độc tài, không bao giờ có thể đóng vai trò cốt lõi trong tinh thần thống nhất của một quốc gia. Điều này được thể hiện rõ qua số phận của Liên Xô và Nam Tư, cả hai quốc gia này đều bị chia cắt thành các thành phần dân tộc khác nhau ngay khi chế độ độc tài toàn trị chấm dứt.

Vào đầu những năm 1990, theo chương trình “cải cách và mở cửa” kinh tế của Đặng Tiểu Bình, đảng này đã hoàn toàn tách khỏi hệ tư tưởng cộng sản của Marx, Lenin và Mao. Sau đó, điều quan trọng là phải huy động tình cảm yêu nước để củng cố sự đoàn kết dân tộc và tính hợp pháp của đảng Cọng sản Trung quốc. Đối với giới lãnh đạo đảng, khi nghe người dân Đài Loan hô vang “Tôi là người Đài Loan”, hẳn đã dấy lên lo ngại rằng chủ nghĩa ly khai có thể lan sang người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, người Mông Cổ và khiến nhà nước Trung Quốc tan rã.

Trong bất kỳ tình huống nào, Hoa Kỳ đã đáp trả "các cuộc thử nghiệm tên lửa" của Trung Quốc bằng cách điều động các nhóm hàng không mẫu hạm tác chiến đến khu vực. Trung Quốc, khi đó vẫn là cường quốc hạng ba, buộc phải nuốt vào tính tự phụ và lùi bước.

Xu thế độc hại của chủ nghĩa Sô-vanh (chủ nghĩa dân tộc sùng bái tinh thần bè phái cực đoan, mù quáng trên danh nghĩa quốc gia hoặc dân tộc).

Ngày nay, nền kinh tế Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và đang trên đà vượt qua Mỹ vào năm 2030. Trong khi Trung Quốc vẫn chi tiêu cho quốc phòng ít hơn Hoa Kỳ, khoảng cách đang được thu hẹp, và thậm chí hiện nay ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã bằng tất cả các quốc gia khác trong G7 cộng lại, ngoại trừ Mỹ (Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản). Cán cân sức mạnh quân sự ở khu vực Đông Á đang dần dần chuyển dịch sang Trung Quốc.

Điều khiến sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trở nên đặc biệt nguy hiểm đối với khu vực, là tâm trạng yêu nước một cách cuồng tín mà chính phủ và đảng đã nuôi dưỡng từ những năm 1990. Để thay thế cho chủ nghĩa cộng sản, thứ đã mất và làm mất đi sức mạnh trao quyền hợp pháp cho chế độ độc tài của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ ), Đặng Tiểu Bình đề xuất thay nó bằng một huyền thoại về việc xây dựng quốc gia của Trung Quốc cộng sản, trong đó ĐCSTQ đóng vai trò là người sáng lập và người bảo vệ. Theo lối kể lể này, đảng đã một tay lật đổ đế quốc phương Tây và sức mạnh Nhật Bản, vốn đã thống trị Trung Quốc trong 150 năm, và thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, buộc Tưởng Giới Thạch và Quốc dân đảng của ông ta ( đảng quốc gia) phải chạy trốn sang Đài Loan. Dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ, Trung Quốc đã vươn lên, thịnh vượng và chiến thắng. Hình ảnh về sự trỗi dậy của Trung Quốc từ sự nhục nhã do bị khuất phục lâu dài dưới tay các thế lực ngoại bang, là trọng tâm của tư tưởng dân tộc chủ nghĩa vốn đã khắc sâu vào người dân Trung Quốc từ thuở ấu thơ.

Giờ đây, khi Trung Quốc có một sức mạnh về kinh tế và quân sự, thì lòng yêu nước được nhà nước nuôi dưỡng đã trở nên độc hại. Người dân đi đến chổ tin rằng đó là quyền tự nhiên của Trung Quốc trong việc khôi phục lãnh thổ mà đế chế nhà Thanh đã nhượng lại cho các thế lực đế quốc, và giành lại ảnh hưởng mà nó từng sử dụng đối với các quốc gia triều cống của nó trong toàn khu vực. Trên hết, đó là quyền bất khả xâm phạm của Trung Quốc trong việc giành lại Đài Loan - bị Nhật Bản chiếm giữ vào năm 1895, sau Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ nhất, và sau đó là bởi Quốc dân đảng sau khi thất bại và bỏ chạy của Tưởng Giới Thạch, kẻ thù không đội trời chung. Việc thống nhất cũng rất quan trọng để tái khẳng định tính hợp pháp trong nguyên tắc độc đảng của ĐCSTQ.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) đang hy vọng duy trì hiện trạng thông qua chính sách ngoại giao cân bằng của bà, nhưng điều đó khó có thể khiến Trung Quốc hài lòng. Chủ tịch Tập Cận Bình, người quyết tâm xây dựng một di sản sánh ngang với Mao Trạch Đông, có cả ý chí và phương tiện để khuất phục Đài Loan. Nó chỉ là một vấn đề về thời gian. Đây thực sự là chiến lược gây nản chí mà sẽ mang lại những sự kiện quan trọng, khi đề cập đến “hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan” trong tuyên bố chung Nhật-Mỹ ngày 16 tháng 4.

Những sự việc bất ngờ của Đài Loan sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với Nhật Bản.

Một cuộc khủng hoảng an ninh đối với Đài Loan sẽ là một cuộc khủng hoảng an ninh đối với Nhật Bản. Không thể có chỗ để tranh cãi về việc liệu một tình huống bất ngờ như vậy có đe dọa sự tồn tại của Nhật Bản hay không, hoặc chỉ đơn thuần là đe dọa hòa bình và an ninh của khu vực. Trên thực tế, mối đe dọa này đối với Nhật Bản thì trực tiếp và tức thời hơn so với mối đe dọa do chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên gây ra. Xét cho cùng, Đài Loan chỉ cách đảo Yonaguni, là một phần của quận Okinawa, khoảng chừng 100 km. Nếu chiến tranh nổ ra trên eo biển Đài Loan, Trung Quốc sẽ ngay lập tức cắt đứt tất cả các đường cáp thông tin liên lạc nằm dưới biển của Đài Loan, và áp đặt một lệnh phong tỏa hải quân. Sau đó, nó sẽ thiết lập một vùng 'cấm vào' rộng lớn xung quanh hòn đảo, và sử dụng sức mạnh quân sự của nó để khắc chế sự xâm nhập của các tàu và máy bay thương mại cũng như tàu chiến và máy bay quân sự. Những hòn đảo xa xôi của Nhật Bản — Yonaguni, Iriomote, Miyako và Ishigaki, cũng như Senkakus — có thể sẽ nằm trong khu vực này và bị nhấn chìm trong cuộc xung đột.

Hơn nữa, trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công xuyên eo biển, Trung Quốc chắc chắn sẽ có động thái chiếm quần đảo Senkaku, cái mà họ tuyên bố là một phần của Đài Loan. Các đảo Sakishima ở cực nam của Nhật Bản có thể là mục tiêu của cuộc tấn công đổ bộ bởi quân đội giải phóng nhân dân, và thậm chí có thể bị quân đội Trung Cọng chiếm đóng, nếu Trung Quốc thành công trong việc thiết lập ưu thế trên không và trên biển ở khu vực lân cận của họ. Lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ phải kiên quyết đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào đối với Okinawa, bằng chứng là việc mở các căn cứ mới trên các đảo Yonaguni, Miyako, Ishigaki và Amami trong vài năm qua.

Vai trò không thể thiếu của Nhật Bản.

Đây thực sự là chiến lược khó khăn đằng sau các động thái gần đây nhằm tăng cường hợp tác an ninh khu vực. Washington đã ký vào sáng kiến ​​của Nhật Bản về một "Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở", và hoạt động ngoại giao đã đạt được tốc độ cao, như đã thấy trong các cuộc họp liên tiếp của Đối thoại An ninh Tứ giác (Quad) và Ủy ban Tham vấn An ninh Nhật-Mỹ ( 2 + 2), cũng như hội nghị thượng đỉnh Nhật-Mỹ ngày 16 tháng 4. Đây là một khởi đầu tốt về mặt củng cố liên minh Nhật-Mỹ. Thách thức bây giờ bao gồm việc chuyển các ý tưởng thành một chiến lược cụ thể.

Hoa Kỳ, với tất cả sức mạnh quân sự của mình, đang gặp khó khăn nội bộ bởi những chia rẽ chính trị sâu sắc. Không có gì tương đương với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương để xây dựng một lực lượng phòng thủ phối hợp chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở Đông Bắc Á, và chính phủ cánh tả của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khó có thể vội vã cứu giúp Đài Loan, mặc dù gần đây ông đã nói với Tổng thống Biden rằng hòa bình và ổn định của eo biển Đài Loan là quan trọng. Úc thì quá xa xôi, ở tận Nam bán cầu. Lực lượng Lục quân Hoa Kỳ Đệ Nhất và Lực lượng Thủy quân Lục Chiến Viễn chinh Đệ Nhất đáng gờm lại đang ở phía bên kia Thái Bình Dương. Hơn nữa, Trung Quốc vẫn có ý định phát triển hệ thống chống tiếp cận, khắc chế khu vực (A2 / AD) nhằm ngăn chặn tất cả các lực lượng của Mỹ đứng bên ngoài “chuỗi đảo thứ nhất” (bao gồm Đài Loan, Okinawa và Philippines). Có những báo cáo về việc nước này phát triển tên lửa chống hạm tầm trung siêu âm như một phần của chiến lược này. Một tình huống bất ngờ ở eo biển Đài Loan có thể nổ ra nếu quân đội Trung Quốc tự tin về khả năng khuất phục Đài Loan một cách nhanh chóng, trước khi lực lượng Mỹ có thể đến hỗ trợ.

Nhật Bản là đối tác an ninh đáng tin cậy duy nhất của Mỹ ở Đông Bắc Á. Cùng với nhau, hai đồng minh này phải đảm nhận vai trò hàng đầu trong việc tạo ra một lực lượng đủ sức răn đe để bảo vệ khu vực khỏi một cuộc xung đột xuyên eo biển. Điều này đặt lên vai Nhật Bản một trách nhiệm nặng nề, nhưng chúng ta phải gánh vác nó — không chỉ để bảo vệ Đài Loan mà còn để bảo vệ cho lãnh thổ của chính mình.


_ Kanehara Nobukatsu là Giáo sư thỉnh giảng đặc biệt ở Đại học Dōshisha, chuyên về quan hệ quốc tế, nghiên cứu an ninh và lịch sử ngoại giao. Sinh ra tại tỉnh Yamaguchi năm 1959. Tốt nghiệp Đại học Tokyo và gia nhập Bộ Ngoại giao, nơi ông giữ chức vụ Tổng giám đốc Văn phòng Luật quốc tế. Đồng thời từng là trợ lý chánh văn phòng nội các và phó tổng thư ký của Ban thư ký an ninh quốc gia.

(*) : Sau sự kiện ở đảo Damansky hồi tháng 03/1969, thì Liên Xô đã thông báo cho các đồng minh Đông Âu của họ về kế hoạch tấn công hạt nhân để ‘’xoá sạch mối đe doạ Trung Quốc và triệt tiêu kẻ phiêu lưu thời hiện đại này’. Ngày 20 tháng 8, đại sứ Liên Xô tại Washington đã thông báo ý định đó cho ông Kissinger và yêu cầu Mỹ giữ thái độ trung lập. Thế nhưng Hoa Kỳ đã cố tình để thất thoát thông tin về kế hoạch của Liên Xô ra cho báo chí biết, và ngày 28 tháng 8, tờ Washington Post loan báo là Matxcơva có kế hoạch bắn một loạt tên lửa hạt nhân xuống nhiều thành phố cũng như các trung tâm, cơ sở hỏa tiễn của Trung Quốc. Ngày 15 tháng 10, Kissinger cảnh cáo đại sứ Liên Xô là Hoa Kỳ sẽ không giữ thái độ trung lập trong trường hợp Liên Xô tấn công Trung Quốc, và Mỹ sẽ tấn công vào 130 thành phố của Liên Xô để trả đũa. Năm ngày sau thì Matxcơva bãi bỏ các kế hoạch tấn công Trung Quốc, và đàm phán được mở ra tại Bắc Kinh.( trích dẫn từ RFI….Mỹ đã cứu Trung Cọng thoát khỏi một trận bị tàn sát bởi hạt nhân Liên Xô…!!!…// THS)


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.