Ấn Độ, giống như Mỹ, ngày càng mất kiên nhẫn với Trung Quốc

Các quan chức thúc đẩy thương mại và hợp tác. Rồi đến đại dịch và các cuộc đụng độ biên giới vào năm ngoái.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Mamallapuram, Ấn Độ, ngày 11 tháng 10 năm 2019….ẢNH: HANDOUT / AGENCE FRANCE-PRESSE / GETTY IMAGES.

Sadanand Dhume, Ngày 22 tháng 7 năm 2021. Theo The Wall Street Journal.

Trần H Sa lược dịch.

Những người Ấn Độ ưa thích gấu trúc đã biến đi đâu hết rồi ? Trong hai năm qua, bài bình luận mà một thời ở đâu cũng thấy, thúc giục Ấn Độ hợp tác sâu sắc hơn với Trung Quốc và cùng nhau hướng tới việc hình thành một “thế kỷ châu Á” thống trị lục địa, đã biến mất khỏi các cuộc thảo luận của công chúng Ấn Độ. Nó khó có thể sớm xuất hiện trở lại — vì hướng đến lợi ích của Washington.

Chuyện bực mình bị nhân đôi từ đại dịch và đụng độ quân sự do Trung Quốc gây ra ở dãy Himalaya vào năm ngoái, đã phá vỡ sự đồng thuận lâu đời ở New Delhi rằng họ có thể làm sâu sắc thêm quan hệ kinh tế và ngoại giao với Bắc Kinh mà không cần giải quyết bất đồng biên giới đã tồn tại từ lâu.

Gautam Bambawale, cựu đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc, nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: “Rõ ràng là khuôn mẫu của mối quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc vốn kéo dài qua ba thập kỷ cho đến năm 2019, hiện không còn giá trị nữa. Khuôn mẫu mới vẫn chưa được hoàn thiện, nhưng các mối quan hệ sẽ vẫn khá căng thẳng và ở mức thăng bằng thấp về tình cảm.”

Sự rạn nứt của Ấn Độ với Trung Quốc có thể sẽ làm nổi bật nét nghiêng của Ấn hướng về phương Tây, một sự phát triển đáng hoan nghênh theo quan điểm của Washington. (Ngoại trưởng Antony Blinken có khả năng sẽ đến thăm New Delhi vào tuần tới). Nó cũng chôn vùi ý tưởng, vốn được đưa ra từ lâu bởi những người ũng hộ Trung Quốc, rằng các cường quốc châu Á nên nhìn nhận sự trỗi dậy của đất nước mình một cách tích cực. Tại thời điểm này, rõ ràng là thế kỷ châu Á mà Bắc Kinh muốn đơn thuần là một thế kỷ Trung Quốc.

Cách đây không lâu, nhiều tiếng nói quan trọng ở Ấn Độ đã đưa ra yêu cầu can dự sâu hơn với Trung Quốc. Gần đây nhất là vào tháng 10 năm 2019, Thủ tướng Narendra Modi và Chủ tịch Tập Cận Bình đã gặp nhau trong một hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày tại thị trấn đền đài Mamallapuram, miền Nam Ấn Độ, ở đó họ chụp những bức ảnh nhằm thể hiện mối quan hệ thân thiết. Năm trước đó, ông Modi đã đến Vũ Hán để có cuộc gặp tương tự với ông Tập, ở đó có các bức ảnh chụp hai nhà lãnh đạo cùng đi thuyền và bên nhau đi dạo giữa những bông hoa mận, đặc trưng cho những hứa hẹn tốt đẹp.

Tương phản với điều đó là những giai điệu của Ấn Độ đối với Trung Quốc trong các vấn đề ngoại giao ở ngày nay. Sau cuộc gặp tuần trước tại Tajikistan với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã viết ngắn gọn trên Twitter rằng ông đã “nhấn mạnh rằng việc đơn phương thay đổi hiện trạng là không thể chấp nhận được” và rằng “việc khôi phục hoàn toàn, duy trì hòa bình và yên tĩnh ở các khu vực biên giới là điều cần thiết cho sự phát triển trong các mối quan hệ của chúng ta."

Trong một bài báo của Carnegie Endowment được xuất bản vào tháng 3, cựu Ngoại trưởng Ấn Độ Vijay Gokhale đã viết về sự đồng thuận chiến lược ở Ấn Độ rằng, tranh chấp biên giới tiếp tục “đánh dấu sự suy giảm không thể hàn gắn trong quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc”. Ông cảnh báo "đây có thể là cơ hội cuối cùng" để giải cứu mối quan hệ thoát khỏi "một giai đoạn mới của sự kình địch đối kháng." Phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao vào tuần trước cho thấy rằng không có cuộc giải cứu nào như vậy từng được thực hiện.

Chuyện quái gì vậy ? Tóm lại, cơ sở chính sách đối ngoại của Ấn Độ, giống như của Mỹ, tin rằng họ có thể xoa dịu Bắc Kinh bằng cách cung cấp các cơ hội thương mại và đầu tư cũng như hợp tác với nước này trong các vấn đề đa phương như biến đổi khí hậu.

Bất chấp trục trặc đôi khi xảy ra — chẳng hạn như bế tắc biên giới hồi năm 2017 giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở Bhutan — sự hòa giải này đã được duy trì rộng rãi trong ba thập kỷ. Nhưng khi sức mạnh kinh tế và quân sự của Bắc Kinh ngày càng phát triển, dường như có rất ít lý do để New Delhi giữ được tinh thần vui vẻ. Năm ngoái, Ấn Độ phát hiện ra rằng quân đội Trung Quốc đã thực hiện nhiều cuộc xâm nhập dọc theo biên giới dài 2.200 dặm đang tranh chấp, tiến vào phần lãnh thổ mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền. Các cuộc đụng độ vào mùa hè năm ngoái đã dẫn đến cái chết của 20 binh sĩ Ấn Độ và ít nhất 4 người Trung Quốc, thiệt hại nhân mạng đầu tiên ở biên giới Ấn Độ - Trung Quốc kể từ năm 1975.

Thế rồi đại dịch đã làm dấy lên tâm lý chống Trung Quốc phổ biến ở Ấn Độ, và do đó New Delhi đặt ra một nỗ lực kêu gọi các nhà sản xuất nước ngoài rời khỏi Trung Quốc. Các cuộc đụng độ, sau đó là việc Bắc Kinh từ chối rút quân tại 3 trong 4 khu vực tranh chấp, bất kể nhiều vòng đàm phán, đã buộc Ấn Độ phải huy động hàng chục nghìn binh sĩ được hỗ trợ bởi pháo hạng nặng. Trung Quốc cũng tăng cường lực lượng biên phòng lên khoảng 50.000 quân trong vài tháng qua. Các nhà quan sát, bao gồm cả ông Bambawale, không loại trừ viễn cảnh bạo lực tiếp tục xảy ra.

Cho đến nay, Ấn Độ đã đáp trả bằng cách trừng phạt các công ty Trung Quốc và đình chỉ gần như tất cả các hợp tác song phương ở cấp chính phủ. Năm ngoái, Ấn Độ đã đột ngột cấm hàng chục ứng dụng của Trung Quốc, bao gồm cả WeChat và TikTok. Ấn Độ cũng thắt chặt các quy tắc đầu tư của nước ngoài, hầu như đóng băng các dòng vốn mạo hiểm của Trung Quốc ra khỏi lĩnh vực công nghệ đang bùng nổ của Ấn Độ. Ấn Độ đã cấm Huawei và ZTE tham gia thử nghiệm 5G và thắt chặt mua sắm công để khiến các công ty Trung Quốc khó tham gia hơn.

Một chính sách mới khuyến khích liên kết sản xuất từ New Delhi, được công bố vào năm ngoái, nhằm mục đích nâng cao năng lực trong nước, phần lớn bằng cách hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc. Và tháng trước, Hiệp hội Olympic Ấn Độ đã bất ngờ loại bỏ tư cách nhà tài trợ của nhà sản xuất đồ thể thao Trung Quốc, Li-Ning .

Sự đình đốn này có vĩnh viễn hay không? Thương mại song phương - lợi ích nghiêng hẳn về phía Trung Quốc - tiếp tục phát triển giữa hai nước. Hiện tại, Ấn Độ vẫn là thành viên của các tổ chức đa phương do Trung Quốc chi phối như BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), RIC (Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Và sự suy giảm của các quyền tự do dân sự, quyền của người thiểu số dưới thời ông Modi đã làm rạn nứt quan hệ với Mỹ, đặt ra câu hỏi về mức độ ủng hộ sâu sắc của lưỡng đảng đối với mối quan hệ ở cả hai nước Ấn Mỹ.

Tuy nhiên, việc khôi phục các mối quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc dường như không có khả năng xảy ra. Tanvi Madan, một chuyên gia về quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc tại Viện Brookings, cho biết: “Tôi không nghĩ sẽ có một cuộc tranh luận về Trung Quốc ở Ấn Độ thêm một lần nào nữa. Cuộc tranh luận ở New Delhi chỉ là về cách làm thế nào để đến gần Hoa Kỳ".


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.