Đảng Cộng sản Trung Quốc nợ mọi thứ từ chủ nghĩa thực dân.

Lễ kỷ niệm 100 năm của Chủ tịch Tập quên đi món nợ của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với các cường quốc đế quốc.

Các diễn viên kỷ niệm 100 năm thành lập Trung Cộng (Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images).

Bill Hayton, Ngày 1 tháng 7 năm 2021… Theo UnHerd.

Trần H Sa lược dịch.

Giới lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc vừa ăn mừng. Từ Bắc Kinh đến Hồng Kông, trong các chương trình ngoạn mục trên sân vận động và các bài phát biểu long trọng, Tập Cận Bình và các thành viên trong Bộ Chính trị đang ca ngợi kỷ niệm một trăm năm của đảng chính trị thành công nhất thế giới. Ngày này (01/07) một trăm năm trước, 15 người đàn ông đã tụ tập tại Thượng Hải để âm mưu một cuộc cách mạng. Những người kế nhiệm của họ hiện kiểm soát quốc gia đông dân nhất thế giới và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trong lịch sử được phê duyệt chính thức, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đánh bại những kẻ thù nội bộ, chế ngự các cường quốc đế quốc và chấm dứt "Thế kỷ sỉ nhục" của Trung Quốc. Những vết bẩn do thất bại từ một loạt các cuộc chiến tranh nha phiến và các hiệp ước bất bình đẳng từ những năm 1840 trở đi, đã bị cuốn trôi bởi chiến thắng cách mạng năm 1949. Người dân Trung Quốc, theo những lời lẻ được cho là do Mao Trạch Đông, đã "đứng lên" và đánh bại chủ nghĩa thực dân.

Nhưng có một vấn đề với câu chuyện anh hùng này. Nếu không có chủ nghĩa thực dân và các cường quốc đế quốc, thì ngay từ đầu sẽ không bao giờ có một Đảng Cộng sản Trung Quốc thành công. Nếu Đế quốc Nhà Thanh vốn xơ cứng không bị buộc phải dàn xếp với các cường quốc quân sự châu Âu trong thế kỷ XIX, thì những ý tưởng và những mạng lưới cho phép một phong trào cộng sản tồn tại sẽ không bao giờ có thể đến với nhau vào thế kỷ XX ở Trung quốc.

Đảng Cộng sản Trung Quốc không được thành lập tại Thượng Hải một cách tình cờ. Đại hội đầu tiên được tổ chức tại ngôi nhà mới được xây dựng của một trong 15 nhà cách mạng tiên phong, ông Lý Hán Quân, tại 106 đường Wantz lúc đó là Tô giới (nhượng địa) của Pháp. Tô giới của Pháp và "Khu thuộc địa quốc tế" bên cạnh (ban đầu là "nhượng địa" của Anh và Mỹ) đã được tạo ra bởi hiệp ước bất bình đẳng đầu tiên: Hiệp ước Nam Kinh năm 1842 sau Chiến tranh nha phiến lần thứ nhất, theo đó Trung Quốc nhượng Hồng Kông cho Anh.

Hai quận của thành phố Thượng Hải không phải là thuộc địa chính thức, nhưng luật pháp Trung Quốc không áp dụng ở đó. Đến đầu thế kỷ XX, sự kết hợp của chúng với các quy định lỏng lẻo và những kết nối toàn cầu đã biến Thượng Hải thành một trung tâm xuất nhập khẩu quốc tế. Theo lời của nhà sử học Tony Saich: "Thượng Hải là quê hương của một phong trào lao động non trẻ, và bầu không khí quốc tế của nó có nghĩa là không chỉ con người mà cả những ý tưởng cũng được tràn tới một cách tự do. Hơn nữa, những tô giới của nước ngoài có nghĩa là các nhà hoạt động có thể gặp gỡ và mưu đồ, ngoài tầm tay của chính quyền Trung Quốc.

Lý Hán Quân và anh trai y, Lý Thúc Thành đã xây dựng những ngôi nhà giáp ranh nhượng địa của Pháp một cách cẩn thận để tận dụng các cơ hội được tạo ra bởi sự xâm nhập của người Pháp vào lãnh thổ Trung Quốc. Cả hai đều là các nhà hoạt động chính trị; và ý tưởng của họ, giống như nhà của họ, được xây dựng từ sự kết hợp của phong cách Trung Quốc và châu Âu. Được duy trì cho vai trò của nó trong lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc, 106 đường Wantz (nay là 76 đường Xingye ) là một trong số ít các hình mẩu còn lại của một kiến trúc Trung-Âu nổi tiếng một thời, được gọi là shikumen.

Vào đầu thế kỷ XX, Thượng Hải là một trong khoảng 30 "hải cảng mở cửa cho thương mại nước ngoài" nằm xung quanh bờ biển Trung Quốc và dọc theo sông Dương Tử. Tất cả đều bị ép buộc lên một Đế quốc Nhà Thanh bất đắc dĩ, bởi mối đe dọa của lực lượng quân sự châu Âu. Một số là các bến cảng không đáng kể trong khi những cảng khác đóng vai trò rộng hơn nhiều so với thương mại. Thượng Hải và Thiên Tân trở thành vùng đất của chủ nghĩa cấp tiến, trung tâm xuất bản báo chí và sách truyền bá ý tưởng nước ngoài vào vùng sâu vùng xa của Trung quốc. Là một trong những người đồng sáng lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, Trần độc Tú đã chọn thành lập tạp chí New Youth của mình tại Thượng Hải vào tháng 9 năm 1915.

Những người có quan điểm cấp tiến này đã đi theo bước chân của các nhà truyền giáo châu Âu vài thập kỷ trước đó. Các tổ chức như Hiệp hội Văn học Kitô giáo đã được tạo ra bởi người Anh và người Mỹ để truyền bá tin lành về cả chúa Giêsu lẫn văn hóa phương Tây trên khắp những gì họ coi là một đế chế châu Á đang suy tàn. Họ thành lập các tờ báo để dịch những ý tưởng mới nhất về khoa học và xã hội sang tiếng Trung. Họ có thể không cải đạo nhiều người dân Trung quốc thành Cơ Đốc nhân, nhưng họ đã thay đổi hoàn toàn thế giới quan của một thế hệ sinh viên và quan chức có tư tưởng cải cách.

Một trong những nhà truyền giáo này, một người theo phái Tin Lành Baptist từ Carmarthenshire tên là Timothy Richard, vẫn còn được nhớ đến trong Bảo tàng Đảng Cộng sản ở địa điểm cũ của Đại học Bắc Kinh, như là người đầu tiên xuất bản tên Karl Marx và Friedrich Engels bằng tiếng Trung Quốc. Trong khi đó, John Fryer, đến từ Hythe ở Kent, là người sáng lập và là biên tập viên của một tạp chí, Gezhi Huibian ( trong tiếng Anh là Tạp chí Khoa học Trung Quốc). Năm 1892, nó đã xuất bản những gì được cho là bài báo đầu tiên bằng tiếng Trung đề xuất phân chia nhân loại thành các thể loại dựa trên màu da. Những người cải tiến tư tưởng này, và nhiều người như họ, đã giúp truyền bá ý tưởng về sự tiến hóa, tiến bộ xã hội, phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa quốc gia trong những thập kỷ cuối cùng của đế chế Thanh triều.

Được bảo vệ bởi các hiệp ước quốc tế, bảo đảm cho họ quyền miễn trừ khỏi các luật pháp địa phương, những người truyền giáo và những người phương Tây khác có thể rao giảng trên khắp đất nước. "Đặc quyền ngoại giao" cho phép họ tạo ra "các hiệp hội học tập" ở địa phương, trong đó những ý tưởng mới có thể được giới thiệu và tranh luận ngay dưới mũi của chính quyền.

Các nhóm và những phương pháp này đã được sao chép bởi các nhà cải cách hàng đầu như Khang hữu Vi và Lương khải Siêu với "Hiệp hội học tập tự tiến". Một nhà sử học khác trong những năm đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Hans van de Ven của Đại học Cambridge, đã lập luận rằng chính "cơ sở hạ tầng" của các mạng lưới trí tuệ này đã tạo nền tảng cho sự phát triển tiếp theo của các tổ chức cấp tiến và cuối cùng là chính bản thân Đảng Cộng sản.

Các nhà truyền giáo khác đã giúp tạo ra các thể chế lai ghép nhằm cải cách và hiện đại hóa Đế quốc Nhà Thanh. Rev W.A.P. Martin, người đã làm phiên dịch cho phái đoàn Mỹ trong các cuộc đàm phán ở Hiệp ước Thiên Tân năm 1858, trở thành chủ tịch sáng lập của Đại học Bắc Kinh vào năm 1898. Timothy Richard là động cơ đằng sau việc thành lập Đại học Sơn Tây vào năm 1902.

Đến những năm 1910, Đại học Bắc Kinh đã cung cấp ý tưởng, và trong nhiều trường hợp là việc làm, tạo phên dậu cho phong trào trí thức mà đã sinh ra chủ nghĩa cộng sản. Mao Trạch Đông là trợ lý thủ thư ở đó, làm việc dưới trướng Lý Đại Chương, người trở thành người đồng sáng lập khác của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sau đó Trần độc Tú trở thành trưởng khoa Văn học. Nhiều giáo sư khác là những nhân vật chủ chốt trong "Phong trào văn hóa mới", kêu gọi từ bỏ các ý tưởng truyền thống, áp dụng khoa học và dân chủ phương Tây. Chính sự vỡ mộng trước những lời hứa của phương Tây đã khiến một số người tham gia các cuộc biểu tình "Phong trào Ngũ Tứ" ( xảy ra ngày 4/5) vào năm 1919 và sau đó chuyển sang chủ nghĩa cộng sản.

Năm 1918, Mao và một vài sinh viên khác thành lập "Hiệp hội học tập công dân mới" dựa trên mô hình do các nhà truyền giáo lãnh đạo trước đó. Niềm tin chủ chốt của nó cũng được mượn từ phong trào cải cách, lấy cảm hứng từ sự truyền giáo. Ngay cả cái tên - "Công dân mới" - cũng được sao chép từ một tờ báo do nhà cải cách Lương khải Siêu biên tập, người đã từng làm trợ lý cho Timothy Richard. Những người truyền giáo, những người cải cách và những người cách mạng đều ưu tiên truyền tải ý tưởng phương Tây đến quần chúng.

Năm sau, Hiệp hội Nghiên cứu Công dân Mới tổ chức một phái đoàn đến thăm nước Pháp: tham gia cùng khoảng 2.000 người Trung Quốc học tập tại Pháp trong và ngay sau Chiến tranh thế giới thứ nhất (ngoài 140.000 người phục vụ ở Quân đoàn Lao động Trung Quốc trong suốt cuộc chiến). Sau khi tiếp xúc với những ý tưởng cấp tiến đang lưu hành giữa những người lao động và các nhà hoạt động ở châu Âu, họ trở về quê hương, và vào tháng 1 năm 1921, chính thức thông qua giáo điều chủ nghĩa Mác-Lênin. Họ trở thành cốt lõi của Đảng Cọng Sản Trung Quốc khi nó được hình thành vài tháng sau đó. Trên thực tế, một nửa trong số 53 thành viên ban đầu của Đảng Cọng Sản Trung Quốc, đã đi ra nước ngoài với tư cách là sinh viên. Theo Ming T. Lee, một trong số 12 người vẫn là đảng viên và sống sót cho đến năm 1949, ngoại trừ Mao trạch Đông, tất cả đều đã đi du lịch ở phương Tây.

Học tập tại Nhật Bản cũng là một yếu tố quan trọng trong sự thức tỉnh của người cộng sản, mặc dù hiện nay không mong đợi bất kỳ sự đề cập nào về điều này từ giới lãnh đạo Đảng Cọng Sản Trung Quốc, những người thích miêu tả Nhật Bản như một "ông kẹ" chứ không phải là một nguồn gốc cho sự khai sáng. Trong nửa thế kỷ sau năm 1853, khi Hải quân Hoa Kỳ buộc phải mở cửa các thị trường và xã hội của Nhật Bản, giới thượng lưu ở Tokyo và các thành phố khác đã hết lòng áp dụng các ý tưởng của phương Tây về hiện đại hóa, chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa quốc gia. Khi còn nhỏ vào những năm 1900, Li hán Quân đã được gửi đến học tập tại Nhật Bản và ở đó trong một thập kỷ. Ông không đơn độc : Lý Đại Chương và Trần độc Tú cùng hàng ngàn người khác giống như họ sống và học tập ở đó. Những ý tưởng họ thu thập được đã chảy trở lại Trung Quốc trong và sau các sự kiện cách mạng của những năm 1910.

Vào thời điểm Lý hán Quân xuất hiện ở Thượng Hải, nền tảng của những gì sẽ trở thành Đảng Cọng Sản Trung Quốc đang diễn ra tốt đẹp. Chất xúc tác biến lời nói thành hành động là sự hiện diện của hai người nước ngoài trong số 15 đại biểu tham dự Đại hội Đảng lần thứ nhất ở Rue Wantz vào tháng 7 năm 1921. Một người là người Hà Lan, Henricus (Henk) Sneevliet. Người kia là người Nga, Vladimir Nikolsky. Cả hai đều tham dự với tư cách là đại diện của Quốc tế Cộng sản: được Lenin cử đến để mang lại cách mạng ở Đông Á.

Đây chỉ là một đóng góp nữa cho một loạt các sự kiện và những ngẫu nhiên mang tính toàn cầu đã diễn ra, mà không có bất kỳ kế hoạch trọng tâm nào qua bốn thập kỷ trước đó. Chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc, giống như chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc, được phát triển như một tập hợp của các ý tưởng lai ghép - pha trộn các yếu tố của văn hóa địa phương với các giá trị được cho là phổ quát bắt đầu từ các nguồn phương Tây. Sự lai ghép của nó là, và vẫn là, sức mạnh của nó. Tuy nhiên, chủ nghĩa cộng sản, như nó phát triển ở Thượng Hải và các nơi khác, đúng là một hệ tư tưởng thuộc địa nhiều hơn so với chủ nghĩa quốc gia tự do và chủ nghĩa thực dân mà nó tuyên bố phản đối.

Chúng ta hãy cố gắng tưởng tượng một điều trái ngược với sự thật. Sẽ khác đi ra làm sao nếu các quốc gia châu Âu không thành thạo trong việc hải quân bắn đại bác ? Điều gì sẽ xảy ra nếu không có các cuộc chiến tranh nha phiến hoặc các cảng giao thương mua bán với nước ngoài, các nhà truyền giáo hoặc các tạp chí? Nếu Nhật Bản vẫn đóng cửa ?

Đế quốc Nhà Thanh đã bị khủng hoảng vào năm 1840. Nền kinh tế của nó đã không cung ứng đủ cho người dân của mình, khó khăn lan rộng, và các nhóm phiến quân đã thách thức chính quyền trung ương. Theo thời gian, những động lực này có thể đã báo hiệu sự kết thúc của đế chế. Nhà Thanh, một dòng dõi gốc Mãn Châu có quê hương ở phía bắc Vạn Lý Trường Thành, sẽ sụp đổ và nhà nước của họ sẽ bị phân mảnh.

Thiếu "chất keo" dính kết các khái niệm của phương Tây về chủ nghĩa quốc gia để giữ các phần của đất nước đứng cùng nhau, các bộ phận cấu thành đế chế - Tây Tạng, Tân Cương, Mông Cổ, Mãn Châu và "bản thân Trung Quốc" - sẽ bị chia rẽ. Có lẽ những khu vực gần Liên Xô nhất cuối cùng được sáp nhập vào bên trong nó (như Mông Cổ vào năm 1921). Một số phần của đế chế có thể đi đến đích với chủ nghĩa cộng sản nhưng không phải là Cộng sản Trung Quốc.

Nếu không có các cảng giao thương mua bán với nước ngoài, các kết nối quốc tế, các yếu tố tạo nên môi trường trí thức và các mạng lưới tổ chức vốn phát triển do sự can thiệp của đế quốc, sẽ không có không gian chính trị nào mà Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể trổi lên. Các cường quốc đế quốc đã cung cấp tất cả. Vì vậy, khi Tập Cận Bình và Bộ Chính trị kỷ niệm một trăm năm thành lập đảng của họ, họ thực sự nên nâng ly chào mừng những người thực dân đã đưa họ đến nơi họ đang ở ngày hôm nay.


_ Bill Hayton là thành viên liên kết của Chương trình Châu Á - Thái Bình Dương tại Chatham House. Ông là tác giả của The Invention of China , được xuất bản trong tháng này bởi Nhà xuất bản Đại học Yale.


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.