Anthony Fauci, Rand Paul và Vũ Hán

Người Mỹ nào có xung đột lợi ích, bác bỏ lý thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

Tiến sĩ Anthony Fauci trả lời Thượng nghị sĩ Rand Paul, CH-Kentucky., khi ông làm chứng trước Ủy ban Y tế, Giáo dục, Lao động và Lương hưu của Thượng viện, tại Quốc hội ở Washington vào ngày 20 tháng 7. ẢNH: J. SCOTT APPLEWHITE / ASSOCIATED PRESS.

Ban biên tập,…ngày 25, Tháng Bảy, 2021 … Theo The Wall Street Journal.

Trần H Sa lược dịch.

Đừng ai mong đợi Đảng Cộng sản Trung Quốc hợp tác với một cuộc điều tra thực sự về nguồn gốc của Covid-19. Đáng thất vọng hơn là việc thiếu tính ngay thẳng từ các nhà khoa học và quan chức Mỹ, giới có xung đột lợi ích này xứng đáng được xem xét kỹ lưỡng hơn.

Hơn một năm rưỡi sau khi các nhà nghiên cứu Trung Quốc công bố sơ đồ bộ gen của Covid-19, thế giới vẫn không biết virus đến từ đâu. Các lý thuyết hàng đầu là tai nạn virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm hoặc bệnh lây truyền từ động vật sang người, từ dơi hoặc các loài trung gian khác.


Một đội của tổ chức y tế thế giới đã đến thăm Vũ Hán trong năm nay nhưng các quan chức Trung Quốc cung cấp rất ít thông tin hữu ích. Ngay cả tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus, thường là một đồng minh của Trung Quốc, cũng chỉ trích Bắc Kinh thiếu minh bạch. Ông kêu gọi kiểm tra sổ sách các phòng thí nghiệm ở Vũ Hán như một phần của cuộc điều tra nguồn gốc đại dịch ở giai đoạn tiếp theo, nhưng Bắc Kinh đã bác bỏ ý tưởng này vào tuần trước.

Một quan chức y tế công cộng cao cấp của Trung Quốc cho biết kế hoạch của WHO "không tôn trọng ý thức chung và vi phạm khoa học". Thay vào đó, bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi một cuộc điều tra đối với Fort Detrick, một phòng thí nghiệm quân sự của Hoa Kỳ. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, một quan chức của Viện Virus học Vũ Hán nói rằng phòng thí nghiệm của ông "không tiếp xúc, bảo quản hoặc nghiên cứu coronavirus mới, và nó không bao giờ thiết kế, tạo ra hoặc bị rò rỉ virus". Ông nói thêm rằng không có rò rỉ mầm bệnh hoặc nhiễm trùng ở người, kể từ khi viện mở phòng thí nghiệm BSL-4, có mức an toàn sinh học cấp cao nhất, vào năm 2018. Một quan chức Trung Quốc phải nói điều này hoặc có nguy cơ bị trừ khử.

Viện Virus học Vũ Hán (WIV) từng nghiên cứu coronavirus. Các chuyên gia Hoa Kỳ đã đến thăm phòng thí nghiệm vào năm 2017 và 2018 và cảnh báo về sự nguy hiểm do sự hổn độn của các tiêu chuẩn an toàn dưới mức chuẩn, và khả năng lây nhiễm coronavirus trên dơi. Vào tháng 1, bộ Ngoại giao đã công bố một tờ thông tin cảnh báo rằng một số nhà nghiên cứu của Viện Virus học Vũ Hán đã bị bệnh với các triệu chứng giống như Covid vào mùa thu năm 2019. Nó cũng lưu ý rằng nhóm đó đã tiến hành nghiên cứu 'tăng chức năng', qua đó có thể cho phép virus lây nhiễm sang một loài mới - mọi hoạt động đều hợp tác với Quân đội Giải phóng Nhân dân. Và cơ sở dữ liệu virus quan trọng của Viện Virus học Vũ Hán đã bị mất trên mạng trực tuyến, có vẻ như cho mục đích bảo mật.

Hoa Kỳ biết điều gì đó về nghiên cứu được thực hiện tại Viện Virus học Vũ Hán, bởi vì tiền đóng thuế của người Mỹ đã giúp tài trợ cho nó. Đây là điểm then chốt của cuộc tranh cãi tuần trước, giữa Thượng nghị sĩ Rand Paul và Anthony Fauci, người trong quá khứ đã nghi ngờ về giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Trong cuộc đọ sức mới nhất của họ, Thượng nghị sĩ Kentucky cáo buộc Tiến sĩ Fauci nói dối Quốc hội, một tội ác liên bang, khi ông nói trong năm nay rằng Viện Y tế Quốc gia chưa bao giờ tài trợ cho nghiên cứu 'tăng chức năng' ở Vũ Hán. Cuộc trao đổi đi đến la hét.

Thực tế rất phức tạp. NIH đã trao gần 600,000 đô la cho Viện Virus học Vũ Hán thông qua một tổ chức phi lợi nhuận trong nhiều năm, để nghiên cứu coronavirus trên dơi. Ông Paul trích dẫn một bài báo năm 2017 từ các nhà nghiên cứu của Viện Virus học Vũ Hán, trong đó bao gồm các thí nghiệm kết hợp các phần của virus để nghiên cứu cách lây nhiễm vào tế bào người tốt hơn. Nhưng Tiến sĩ Fauci cho biết dự án được "đánh giá bởi các nhân viên có trình độ rành mạch rằng chuỗi (trình tự gen) thì không có được như 'tăng chức năng'."

Điều này có thể đúng về mặt kỹ thuật, như một định nghĩa của chính phủ liên bang năm 2014, mô tả nghiên cứu như vậy là "làm tăng khả năng của các tác nhân truyền nhiễm gây bệnh bằng cách tăng cường khả năng gây bệnh, hoặc bằng cách tăng khả năng lây truyền của nó." Nhưng một số nhà khoa học nghĩ rằng định nghĩa của chính phủ là quá hạn chế và có thể cho phép nghiên cứu 'tăng chức năng' trên thực tế, bỏ qua các giao thức an toàn. Nhà sinh học phân tử của trường đại học Rutgers, Richard Ebright nói rằng công trình do NIH tài trợ "rõ ràng là nghiên cứu 'tăng chức năng'."

Đầu năm 2020, Tiến sĩ Fauci đã gửi email cho vị phó của mình một bài báo được cùng viết bởi nhà tiên phong 'tăng chức năng' Ralph Baric và một nhà khoa học Vũ Hán. Quan chức này trả lời rằng họ sẽ "cố gắng xác định xem liệu chúng tôi có bất kỳ mối quan hệ xa xôi nào với công việc này ở nước ngoài hay không". Ngày hôm sau, Tiến sĩ Fauci đã tổ chức một cuộc gọi với một số nhà virus học phi chính phủ, nhưng chuỗi email sau cuộc họp đã được biên tập lại. Vài tuần sau, một nhóm các nhà khoa học đã công bố một lá thư trên trang The Lancet lên án "các lý thuyết âm mưu đề xuất COVID-19 không có nguồn gốc tự nhiên". Tiến sĩ Fauci và giới chóp bu y tế công cộng lặp lại quan điểm của bức thư trong nhiều tháng.

Ông Paul, người dễ bị kích động, là một bác sĩ y khoa từng khám bệnh tại nhà. Thượng nghị sĩ thấy rõ lợi ích chính trị trong việc đánh dồn dập vào Tiến sĩ Fauci và Trung Quốc, nhưng nhà khoa học nổi tiếng và các đồng minh của ông có xung đột lợi ích rõ ràng. Bức thư của Lancet được tổ chức bởi Peter Daszak, chủ tịch của Liên minh EcoHealth, tổ chức đã chuyển tiền của NIH cho Viện Virus học Vũ Hán.

Ông Daszak, Tiến sĩ Fauci và tất cả các nhà nghiên cứu tham gia vào nghiên cứu 'tăng chức năng' sẽ bị thiệt hại đáng kể về danh tiếng và có lẽ mất kinh phí tài trợ nếu nghiên cứu khoa học mà họ hỗ trợ gây ra đại dịch. Hôm Chủ nhật, Tiến sĩ Fauci cho biết sự hợp tác nghiên cứu là cần thiết vì "SARS-CoV-1 có nguồn gốc từ Trung Quốc". Nhưng chính xác thì sự hợp tác đó mang lại điều gì?


Quốc hội nên điều tra kỹ lưỡng quá trình dẫn đến việc phê duyệt tiền cho Viện Virus học Vũ Hán và nghiên cứu có thể là 'tăng chức năng'. Quốc hội cũng nên tranh luận về các giới hạn đối với loại nghiên cứu này ở Hoa Kỳ và thúc đẩy các tiêu chuẩn quốc tế. Trong khi Trung Quốc không có khả năng nhúc nhích, sự mù mờ của nó làm dấy lên sự nghi ngờ chính đáng trên toàn thế giới, và Tòa Bạch Ốc nên đặt áp lực lên Bắc Kinh và WHO.

Đảng Dân chủ và phần lớn các phương tiện truyền thông sẽ tránh chủ đề này vì ông Paul và cánh hữu dân túy đã đưa ra nguyên nhân này. Tư duy tập thể như vậy là những gì ngăn chặn lý thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm được xem xét nghiêm túc trong hơn một năm. Một sai lầm như nhau mà phạm đến hai lần là không thể tha thứ được.

-----------

Quốc hội Mỹ đang rơi vào tình trạng chia rẻ đảng phái, rất khó có một cuộc điều tra kỹ lưỡng về vấn đề ở trên trong tương lai gần. Để người đọc rộng đường nhận định, tôi giới thiệu văn bản tạm dừng tài trợ đối với nghiên cứu 'tăng chức năng' ban hành ngày 17/10/2014, dưới thời tổng thống Obama; và văn bản dỡ bỏ tạm dừng tài trợ ban hành ngày 19/12/2017, dưới thời tổng thống Trump.


A) _ Chính phủ Hoa Kỳ tạm dừng tài trợ cho quá trình khảo sát và nghiên cứu 'tăng chức năng' đối với nghiên cứu 'tăng chức năng' có chọn lựa liên quan đến vi rút cúm, MERS và SARS.

Ngày 17 tháng 10 năm 2014.

Chính phủ Hoa Kỳ tạm dừng tài trợ cho quá trình khảo sát và nghiên cứu 'tăng chức năng' đối với nghiên cứu 'tăng chức năng' có chọn lựa liên quan đến vi rút cúm, MERS và SARS.

Các nghiên cứu về 'tăng chức năng', hoặc nghiên cứu cải thiện khả năng mầm bệnh gây bệnh, giúp xác định bản chất cơ bản ở tương tác giữa người và mầm bệnh, do đó cho phép đánh giá khả năng gây ra đại dịch của các tác nhân lây nhiễm mới nổi, thông báo cho các nỗ lực sẳn sàng dành cho sức khỏe cộng đồng, và thúc đẩy phát triển các biện pháp đối phó của ngành y tế. Các nghiên cứu về 'tăng chức năng' có thể dẫn đến các rủi ro về an ninh sinh học và an toàn sinh học; do đó, các rủi ro và lợi ích của nghiên cứu 'tăng chức năng' phải được đánh giá, cả trong bối cảnh các sự cố an toàn sinh học gần đây của Hoa Kỳ, lẫn để bắt kịp với những phát triển công nghệ mới, nhằm xác định loại nghiên cứu nào nên tiến hành và trong những điều kiện nào.

Do những lo ngại gần đây liên quan đến an toàn sinh học và an ninh sinh học, Chính phủ Hoa Kỳ (USG) sẽ tạm dừng tài trợ mới của Chính phủ Hoa Kỳ đối với nghiên cứu 'tăng chức năng' về vi rút cúm, MERS hoặc SARS, có hiệu lực ngay lập tức, như được định nghĩa bên dưới. Việc tạm dừng tài trợ nghiên cứu này sẽ có hiệu lực cho đến khi một quy trình khảo sát rộng rãi và ngay thẳng được hoàn thành, qua đó dẫn đến việc thông qua chính sách nghiên cứu về 'tăng chức năng' mới của Chính phủ Hoa Kỳ (1). Các hạn chế đối với nguồn tài trợ mới sẽ được áp dụng như sau:

"Nguồn tài trợ mới của Chính phủ Hoa Kỳ sẽ không được phân phối cho các dự án nghiên cứu 'tăng chức năng' mà có thể dự đoán được một cách hợp lý, nhằm tạo ra các thuộc tính cho vi rút cúm, MERS hoặc SARS, để virus này tăng cường khả năng gây bệnh và / hoặc khả năng lây truyền ở động vật có vú qua đường hô hấp. Việc tạm dừng tài trợ nghiên cứu sẽ không áp dụng cho việc mô tả đặc điểm hoặc xét nghiệm virus cúm, MERS và SARS tự nhiên, trừ phi các xét nghiệm được dự đoán một cách hợp lý nhằm tăng khả năng lây truyền và / hoặc khả năng gây bệnh. "

Song song đó, chúng tôi sẽ khuyến khích cộng đồng nghiên cứu do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ và không do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ, tham gia áp dụng việc tạm dừng một cách tự nguyện đối với nghiên cứu phù hợp định nghĩa đã nêu.

Quá trình khảo sát sẽ diễn ra trong suốt thời gian tạm dừng nghiên cứu, sẽ đánh giá rõ ràng rủi ro và lợi ích tiềm năng của nghiên cứu 'tăng chức năng' đối với các mầm bệnh đại dịch tiềm ẩn. Các lợi ích giả định thường được xác định khi theo đuổi loại nghiên cứu này, được nêu rõ ở khía cạnh nâng cao khả năng nhận thức sớm hơn, về các mầm bệnh đại dịch nguy hiểm đang nổi lên một cách tự nhiên hoặc trong việc phát triển các sản phẩm y tế để đề phòng sự xuất hiện đó.

Tuy nhiên, giá trị tương đối của các phương pháp thử nghiệm 'tăng chức năng' cuối cùng phải được so sánh với các phương pháp tiếp cận có tiềm năng an toàn hơn. Quá trình khảo sát sẽ đưa ra các khuyến nghị để giảm thiểu rủi ro, các hành động ứng xử tiềm năng dựa trên đánh giá này, và đề xuất các phương pháp luận để đánh giá khách quan và chặt chẽ các rủi ro và lợi ích tiềm năng, mà có thể được áp dụng cho việc phê duyệt và tiến hành các thử nghiệm riêng lẻ hoặc các loại thử nghiệm. Mặc dù các nghiên cứu 'tăng chức năng' nằm trong phạm vi đối tượng nghiên cứu tạm dừng tài trợ, sẽ là điểm khởi đầu cho các cuộc khảo sát, nhưng tính phù hợp của các loại nghiên cứu 'tăng chức năng' khác sẽ được thảo luận. Sẽ là khả thi nếu thảo luận có thể dẫn đến các đề xuất mở rộng tạm dừng tài trợ, để bao gồm nghiên cứu với các mầm bệnh bổ sung, tuy nhiên, các Bộ và các Cơ quan liên bang, những nơi tài trợ, hỗ trợ hoặc thực hiện nghiên cứu, nên được tham khảo ý kiến ​​trước khi thêm bất kỳ tác nhân gây bệnh nào vào phạm vi của tạm dừng tài trợ.

Quá trình khảo sát được hình dung là có giới hạn thời gian, bao gồm hai thực thể riêng biệt, nhưng cộng tác với nhau, và được cấu trúc để cho phép tương tác mạnh mẽ với cộng đồng khoa học đời sống. Bước thứ nhất, Ban Cố vấn Khoa học Quốc gia về An toàn Sinh học (NSABB) sẽ được yêu cầu tiến hành quy trình khảo sát được mô tả ở trên, và soạn thảo một loạt các khuyến nghị nguyên nhân đối với nghiên cứu 'tăng chức năng', qua đó nghiên cứu sẽ được cộng đồng khoa học đời sống rộng lớn hơn xem xét. Ban Cố vấn Khoa học Quốc gia về An toàn Sinh học sẽ đóng vai trò là cơ quan tư vấn chính thức của liên bang, cung cấp lời khuyên về việc giám sát lĩnh vực nghiên cứu sử dụng kép này, phù hợp với các quy tắc và quy định của liên bang.

Bước thứ hai, trùng khớp với các khuyến nghị của Ban Cố vấn Khoa học Quốc gia về An toàn Sinh học, Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia (NRC) của Học viện Quốc gia sau đó sẽ được yêu cầu triệu tập một hội nghị khoa học tập trung vào các vấn đề liên quan đến nghiên cứu 'tăng chức năng', và sẽ bao gồm việc đánh giá và thảo luận về dự thảo các khuyến nghị của Ban Cố vấn Khoa học Quốc gia về An toàn Sinh học. Hội nghị của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia này sẽ cung cấp một cơ chế để thu hút sự tham gia của cộng đồng khoa học đời sống cũng như thu hút ý kiến ​​phản hồi về các cách tiếp cận tối ưu nhằm bảo đảm sự giám sát hiệu quả của liên bang đối với nghiên cứu 'tăng chức năng'. Cộng đồng khoa học đời sống sẽ được khuyến khích cung cấp đầu vào thông qua quá trình khảo sát của cả Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia lẫn Ban Cố vấn Khoa học Quốc gia về An toàn Sinh học.

Ban Cố vấn Khoa học Quốc gia về An toàn Sinh học, được thông báo bởi phản hồi của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia, sẽ đưa ra các khuyến nghị cho Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, Giám đốc Viện Y tế Quốc gia và những người đứng đầu của tất cả các tổ chức liên bang để tiến hành, hỗ trợ hoặc quan tâm đến nghiên cứu khoa học đời sống ( bao gồm các Trợ lý cho Tổng thống về An ninh Nội địa, Chống Khủng bố và Khoa học, Công nghệ). Các khuyến nghị cuối cùng của Ban Cố vấn Khoa học Quốc gia về An toàn Sinh học và kết quả hội thảo của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia sẽ thông báo việc phát triển và thông qua chính sách mới của Chính phủ Hoa Kỳ trong quản lý việc cấp vốn tài trợ và tiến hành nghiên cứu 'tăng chức năng'. Vào lúc thông qua chính sách 'tăng chức năng' của liên bang, Chính phủ Hoa Kỳ sẽ tuyên bố chấm dứt sự tạm dừng tài trợ nghiên cứu.

Cộng đồng khoa học đời sống sẽ được thông báo thường xuyên về quá trình giữa tạm dừng tài trợ và chấm dứt tạm dừng tài trợ. Thời hạn ước tính là sáu tháng để hoàn thành hai bước khảo sát (đỉnh điểm là gửi các khuyến nghị của Ban Cố vấn Khoa học Quốc gia về An toàn Sinh học cho Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh) và ba tháng để phát triển, phê duyệt và công bố chính sách, với mục tiêu hoàn thành toàn bộ quy trình trong vòng chưa đầy một năm, kể từ khi tuyên bố tạm dừng tài trợ nghiên cứu.

(1) Có thể có ngoại lệ đối với việc tạm dừng nghiên cứu nếu người đứng đầu cơ quan tài trợ của Chính phủ Hoa Kỳ xác định rằng nghiên cứu là nhu cầu khẩn cấp để bảo vệ sức khỏe cộng đồng hoặc an ninh quốc gia.

Nguồn : https://www.phe.gov/s3/dualuse/Documents/gain-of-function.pdf


B) _ Viện Y tế Quốc gia dỡ bỏ lệnh tạm dừng tài trợ cho nghiên cứu 'tăng chức năng'.

Viện Y tế Quốc gia,…19 Tháng mười hai, 2017…

Hôm nay, Viện Y tế Quốc gia thông báo rằng họ đang dỡ bỏ lệnh tạm dừng tài trợ có từ tháng 10 năm 2014 về các thí nghiệm tăng chức năng (GOF) liên quan đến vi-rút cúm, SARS và MERS. Nghiên cứu 'tăng chức năng' rất quan trọng trong việc giúp chúng tôi xác định, am hiểu, phát triển các chiến lược và biện pháp đối phó hiệu quả chống lại các mầm bệnh đang tiến triển nhanh chóng đặt ra mối đe dọa cho sức khỏe cộng đồng. Việc tạm dừng tài trợ đã được dỡ bỏ để đáp lại việc hôm nay Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh phát hành Khuôn khổ hướng dẫn các quyết định tài trợ cho nghiên cứu được đề xuất liên quan đến các mầm bệnh đại dịch tiềm ẩn nâng cao. Khuôn khổ mầm bệnh tiềm ẩn đại dịch của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS P3CO) mô tả quy trình đánh giá đa ngành, liên quan đến cơ quan tài trợ và nhóm đánh giá cấp Bộ, qua đó xem xét các giá trị khoa học và lợi ích tiềm năng của nghiên cứu, cũng như tiềm năng tạo ra, chuyển giao hoặc sử dụng mầm bệnh nâng cao tiềm năng đại dịch. Khuôn khổ này chính thức hóa sự giám sát mạnh mẽ đối với nghiên cứu do liên bang tài trợ với các mầm bệnh nâng cao tiềm năng đại dịch. Nó là sản phẩm của một quá trình khảo sát rộng rãi được thực hiện bởi các chuyên gia trong các lĩnh vực công và tư nhân, và phù hợp với Hướng dẫn chính sách được đề xuất để phát triển các cơ chế đánh giá của bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh đối với việc chăm sóc và giám sát mầm bệnh tiềm ẩn đại dịch (P3CO).

Chúng tôi có trách nhiệm bảo đảm rằng nghiên cứu các tác nhân truyền nhiễm được tiến hành có trách nhiệm, và chúng tôi xem xét các rủi ro an toàn sinh học và an ninh sinh học tiềm ẩn liên quan đến nghiên cứu đó. Tôi tin tưởng rằng quá trình xem xét chu đáo được đưa ra bởi Khuôn khổ mầm bệnh tiềm ẩn đại dịch của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho hành vi an toàn, an ninh và có trách nhiệm trong loại nghiên cứu này theo phương cách tối đa hóa lợi ích cho sức khỏe cộng đồng.

Tôi đặc biệt muốn ghi nhận những nỗ lực của Ban Cố vấn Khoa học Quốc gia về An toàn Sinh học và Học viện Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia đối với các cuộc thảo luận chu đáo của họ về các vấn đề xung quanh lĩnh vực nghiên cứu quan trọng này. Công việc của các ủy ban này là phương tiện hướng dẫn Chính phủ Hoa Kỳ trong công việc tạo ra chính sách nghiêm ngặt qua đó cho phép nghiên cứu quan trọng được xúc tiến.

Bác sĩ, Tiến sĩ Francis S. Collins,
Giám đốc, Viện Y tế Quốc gia.

_Bác sĩ, Tiến sĩ Francis S. Collins , MD, Ph.D., được Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm làm Giám đốc thứ 16 của Viện Y tế Quốc gia và được Thượng viện xác nhận. Ông tuyên thệ nhậm chức vào ngày 17 tháng 8 năm 2009. Vào ngày 6 tháng 6 năm 2017, Tổng thống Donald Trump tuyên bố lựa chọn Tiến sĩ Collins tiếp tục giữ chức vụ Giám đốc NIH.

Nguồn : .https://www.nih.gov/about-nih/who-we-are/nih-director/statements/nih-lifts-funding-pause-gain-function-research#:~:text=Today,%20the%20National%20Institutes%20of,,%20SARS,%20and%20MERS%20viruses.


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.