Chính sách Afghanistan của Hoa Kỳ.

Một lính thủy đánh bộ ở Afghanistan.
 

Mumtaz Ahmad Shah và Syed Asrat, Ngày 11 tháng 7 năm 2021….Theo Eurasa Review.

Trần H Sa lược dịch.

Afghanistan là một quốc gia ở giữa đất liền thuộc Nam Trung Á. Biên giới hiện đại của nó là sản phẩm của sự cạnh tranh giữa các cường quốc ở khu vực Trung Á. Lợi ích của Anh suy giảm ở Afghanistan với việc Anh rút khỏi Tiểu lục địa Ấn Độ. Tuy nhiên, người kế vị của Đế quốc Nga là Liên Xô, đã phát triển lợi ích mạnh mẽ ở Afghanistan. Chiến lược của Liên Xô là hỗ trợ chuyển đổi Afghanistan thành một nhà nước thế tục và theo chủ nghĩa quốc gia vì lợi ích trong nước của chính Liên Xô với việc kiểm soát người Hồi giáo ở Trung Á. Việc áp đặt thay đổi kinh tế và xã hội đối với một xã hội bảo thủ đã bị phản ứng dữ dội dưới hình thức nội chiến. Sự thất bại của chế độ cộng sản Afghanistan đã dẫn đến việc Liên Xô thực hiện một sự can thiệp quân sự trực tiếp vào tháng 12 năm 1979. Chiến lược lớn của Hoa Kỳ trong Chiến tranh Lạnh vốn được thiết lập để ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản và Liên Xô. Chính quyền Carter đã chung tay với Pakistan và ủng hộ mặt trận kháng chiến ở bên trong Afghanistan. Các lực lượng Mujahedeen chống lại sự chiếm đóng của Liên Xô, và trên bàn ngoại giao, người Mỹ điều hướng đến việc Liên Xô sụp đổ. Đến năm 1989, quân đội Liên Xô rút khỏi Afghanistan, và chúng ta đã chứng kiến sự suy giảm lợi ích của Hoa Kỳ đối với Pakistan và Afghanistan.

Năm 1990, khi Liên Xô gần tan rã, cuộc khủng hoảng Kuwait nổ ra. Thế giới hậu Chiến tranh Lạnh đã chứng kiến một sức đẩy đi đến đơn cực. Sức mạnh quốc gia của Hoa Kỳ dường như không bị cân bằng bởi bất kỳ sự kết hợp nào của mười cường quốc quân sự có vị thế kế tiếp Mỹ. Khuynh hướng Tân bảo thủ ở Mỹ thống trị bài diễn văn nói về chiến lược vĩ đại thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Những người theo chủ nghĩa tân bảo thủ đã ủng hộ việc thúc đẩy dân chủ và can thiệp vào các vấn đề và hòa bình quốc tế thông qua sức mạnh. Khi Hoa Kỳ huy động cộng đồng quốc tế chống lại sự chiếm đóng Kuwait bởi Iraq vào năm 1990, những người tân bảo thủ trong chính quyền Bush ủng hộ các hoạt động lớn hơn của Hoa Kỳ trong khu vực. Họ dự báo Tây Á là một khoảng cách phân chia mà qua đó hoặc là không hội nhập vào trật tự thế giới lấy Hoa Kỳ làm trung tâm, hoặc thách thức lợi ích của Hoa Kỳ bằng cách không chấp nhận hòa bình với Israel. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Dick Cheney đã bay đến Jeddah để thuyết phục nhà vua Ả Rập Xê Út chấp nhận việc quân đội Mỹ bảo vệ cho vương quốc. Liên minh 39 quốc gia do Hoa Kỳ lãnh đạo đã xâm chiếm Iraq. Lần đầu tiên trong lịch sử khu vực, các lực lượng xâm lược lớn hơn nhiều so với toàn bộ quân đội của vùng Vịnh. Thông qua hành động này, Mỹ cảnh báo thế giới Ả Rập rằng hiện trạng lãnh thổ là một tương lai vĩnh viễn. Hoa Kỳ đã đến vùng Vịnh không chỉ để bảo vệ các chế độ quân chủ thế tục thân phương Tây mà còn có các mục tiêu lớn hơn, đó là để ngăn chặn Iraq, Iran và Hồi giáo. Bề ngoài là, vào giữa năm 1992, chính quyền Bush đã thiết lập hai khu vực cấm bay không giới hạn trên lãnh thổ Iraq, một ở phía bắc và một ở phía nam.

Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Đại sứ quán Jerusalem vào năm 1995. Quốc hội Hoa Kỳ đã đưa ra nghị viện Đạo luật Trừng phạt Iran và Libya vào năm 1996. Thông qua Nghị quyết 661 và Nghị quyết 687 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Iraq bị áp lực phải tiết lộ và loại bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt của họ (WPD). Chính quyền Clinton đã thông qua Đạo luật Giải phóng Iraq năm 1998. Những người tân bảo thủ như Cheney, Donal Rumsfeld, Paul Wolfowitz và Scooter Libby đã ký kết thực hiện Dự án Thế kỷ Mới của Mỹ vào năm 1998 để truyền bá thông tin ủng hộ việc "thay đổi chế độ ở Iraq".

Đáng ngạc nhiên, xu hướng cân bằng chống lại hành vi bá quyền của Hoa Kỳ lại đến từ Al Qaeda, một tổ chức phi nhà nước, có nguồn gốc phát sinh từ việc Liên Xô chiếm đóng Afghanistan. Thủ lĩnh Al Qaida, Osama Bind Laden, coi Cuộc thập tự chinh Kitô giáo là một quá trình liên tục chống lại Hồi giáo. Ông ta coi sự hỗ trợ vô điều kiện của Hoa Kỳ đối với Israel, triển khai quân đội Mỹ đến Ả Rập Xê Út và buộc người dân Iraq phải chịu các lệnh trừng phạt như là những diễn biến liên quan. Sự bùng mở chính trị hậu Chiến tranh Lạnh - được Bernard Lewis xác định vào năm 1990 và Samuel Huntington vào năm 1993 - là sự quay trở lại những đường đứt gãy cũ của các cuộc đụng độ giữa các nền văn minh.

Các cuộc tấn công khủng bố vào Trung tâm Thương mại Thế giới, Aden, Mogadishu, Trung tâm Huấn luyện Vệ binh Quốc gia, Riyadh và Tháp Khobar đã hợp lý hóa sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ở Tây Á. Tuy nhiên, sự di chuyển của Osama Bind Laden từ Sudan sang Afghanistan làm phức tạp các mục tiêu của Hoa Kỳ. Chế độ Ả Rập Xê Út yêu cầu chính phủ Taliban tiếp đón Osama; không phải Taliban đã mời ông ta. Từ các hang động ở Tora Borah, Bin Laden đã trả lời phỏng vấn của các phương tiện truyền thông phương Tây. Bin Laden, vào năm 1997, trong một cuộc phỏng vấn, nói, "Hoa Kỳ là 'quyền lực bất công, tội phạm và chuyên chế. Mỹ muốn chiếm đóng đất nước của chúng tôi, đánh cắp tài nguyên của chúng tôi và áp đặt lên chúng tôi những nhân viên mật vụ để cai trị chúng tôi".

Với sự chú ý của Mỹ tập trung vào Afghanistan, Mullah Omar và chính phủ Taliban đã nằm dưới sự quan sát của quốc tế. Tổng thống Bill Clinton lên kế hoạch cho Chiến dịch Infinite Reach. Mỹ đã phóng 13 tên lửa hành trình Tomahawk vào một địa điểm bị nghi ngờ chứa vũ khí hóa học của Al-Qaeda ở Sudan, và 66 tên lửa hành trình được phóng vào hai trại của bin Laden xung quanh Khost ở Afghanistan. Sau các cuộc tấn công của Mỹ, giám đốc tình báo Ả Rập Xê Út, Hoàng tử Turki và tổng giám đốc Cơ quan Tình báo Liên Dịch vụ Naseem Rana đã cùng đến Kabul và hỏi gặng về bin Laden. Mullah Omar nhất quyết từ chối trả lời và coi thường Turki : bin Laden là một "người đàn ông danh dự. Thay vì tìm cách bức hại anh ta, ông nên bắt tay với chúng tôi và anh ta, và chiến đấu chống lại những kẻ ngoại đạo".

Trong khi đó, ở Mỹ, có sự thay đổi chính phủ vào năm 2000. Trong một cuộc họp kéo dài hai giờ với George Bush Jr., tổng thống sắp mãn nhiệm Clinton nói với tổng thống sắp tới rằng "cho đến nay mối đe dọa lớn nhất của ông là bin Laden và Al-Qaeda". Cùng lúc đó, tân bảo thủ đã không tiết lộ bí mật về sự khinh miệt của họ đối với Hiệp định Oslo và sự can thiệp của Clinton vào tiến trình hòa bình Israel-Palestine. Họ muốn khôi phục sự tập trung chiến lược của Mỹ vào Tây Á, đặc biệt là Iraq, Iran, Hezbollah và Hamas.

Các cuộc tấn công của Al Qaida vào ngay quê nhà Hoa Kỳ hồi năm 2001 đã kéo Mỹ vào Afghanistan. Những người tân bảo thủ và những tiếng nói khác không ủng hộ vai trò lớn hơn của Hoa Kỳ ngoài việc loại bỏ các mạng lưới khủng bố. Thượng nghị sĩ Tom Daschle và Cofer Black của CIA bày tỏ sự dè dặt của họ và đề nghị Tổng thống Bush xử lý ở Afghanistan một cách nhẹ nhàng. Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld nhấn mạnh rằng Mỹ nên cung cấp hỗ trợ trên không cho quân đội bản địa. George Tenet và Cofer Black cảnh báo Bush và Cheney rằng "cuộc chiến nên được điều hành bởi tình báo, không nên là sự triển khai phóng chiếu sức mạnh thuần túy. Thách thức không phải là đánh bại kẻ thù về mặt quân sự. Thách thức là tìm ra kẻ thù."

Taliban đánh trống lãng trong mười ngày và sau đó tuyên bố rằng họ sẽ không giao nộp bin Laden cho Mỹ. Vào ngày 7 tháng 10 năm 2001, Bush đã phát động Chiến dịch Infinite Justice để tiêu diệt Taliban, trục xuất người Afghanistan gốc Ả Rập và bắt giữ hoặc giết Osama bin Laden. Hậu quả của Thỏa thuận Bonn năm 2001 và sự thành lập một nội các mới dưới thời Hamid Karzai, là phần lớn nhân viên chính quyền đến từ Liên minh phương Bắc, đại diện về mặt địa lý cho các nhóm dân tộc không phải người Pashtun ở miền bắc Afghanistan và bị ảnh hưởng về ý thức hệ bởi Jamat-i-Islami của Pakistan và Anh em Hồi giáo. Ngay sau đó, Tổng thống Bush đã phái Zalmay Khalilzad làm đặc phái viên của ông tại Afghanistan. Ngoại trưởng Colin Powell, trong chuyến thăm Islamabad, đã được chủ nhà Pakistan thuyết phục ông đưa ra một giải pháp hòa bình (nhánh ô liu) cho các phần tử ôn hòa của Taliban. Rumsfeld thuyết phục Bush rằng chiến đấu với al-Qaeda bên trong Afghanistan sẽ không giải quyết được thách thức "mối quan hệ giữa khủng bố và vũ khí hủy diệt hàng loạt" mới nổi. Mặc dù không có mối liên hệ nào giữa al-Qaeda và Iraq hoặc bằng chứng cụ thể cho thấy Saddam Hussein đang chế tạo vũ khí hạt nhân, những người tân bảo thủ chuẩn bị nền tảng cho việc Hoa Kỳ xâm lược Iraq. Bộ trưởng Tài chính của ông Bush, Paul O'Neill, nhớ lại rằng tại cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia lần đầu tiên của Tổng thống Bush vào tháng 1 năm 2001, việc tìm ra lý do cho một cuộc chiến để loại bỏ Saddam Hussein đã là lệnh hoạt động chính. Đến tháng 11 năm 2001, chính quyền đã quyết định xâm lược Iraq. Học thuyết Bush được xuất bản vào tháng 9 năm 2002, cho rằng Washington sẽ sử dụng sức mạnh quân sự vô địch của mình để lật đổ các chế độ độc tài đe dọa Hoa Kỳ, ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố và truyền bá dân chủ. Học thuyết Bush chính xác là những gì mà những người tân bảo thủ đã tìm kiếm kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Trong thông điệp liên bang năm 2002, Tổng thống Mỹ Bush đã sử dụng ngôn ngữ thần học rằng thế giới văn minh phải đối mặt với những nguy hiểm chưa từng có từ 'Trục Ma quỷ' của Iraq, Iran và Bắc Triều Tiên (Bush 2002). Việc Iraq từ chối để Ủy ban Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc trở lại nước này đã cho ông Bush một đòn bẩy hữu ích để cáo buộc Saddam che giấu một chương trình phát triển vũ khí hóa học ghê gớm. Sự hội tụ những bất chấp của Saddam đối với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã trở thành lời biện minh cho việc tiến hành chiến tranh ở Iraq năm 2003.

Do đó, lợi ích quân sự thực sự của Hoa Kỳ là khu vực Vùng Vịnh của Tây Á, và giữa cuộc chiến Afghanistan, Mỹ đã mở mặt trận Iraq. Điều này giải thích tại sao Mỹ theo đuổi ngoại giao với Taliban. Cũng có những theo đuổi giới hạn đối với chế độ Afghanistan cầm quyền trong việc xây dựng một nhà nước ổn định và dân chủ, vì Taliban là một kết hợp giữa chính trị Hồi giáo và chủ nghĩa dân tộc Pastunwala. Tiếp theo, ưu tiên của Hoa Kỳ chuyển sang khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Sự phát triển này diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng tài chính Âu châu - Đại Tây dương năm 2008. Trung Quốc đã tìm thấy cơ hội dẫn đầu thị trường quốc tế toàn cầu bằng cách thiết lập các tiêu chuẩn mới và thể chế mới. Trung Quốc là thế lực lớn thứ ba sau Anh và Mỹ, có thể định hình trật tự thế giới. Nhận ra sự cân bằng quyền lực đang thay đổi trong chính trị thế giới, Tổng thống Obama đã đưa ra chiến lược xoay trục sang châu Á. Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực mà ở đó việc triển khai phóng chiếu sức mạnh của Trung Quốc có khuynh hướng tự nhiên, và với lý do tương tự, đó cũng là khu vực mà Bắc Kinh dễ bị tổn thương, vì các tuyến giao thông liên lạc trong thương mại và năng lượng chủ chốt của họ đi qua Biển Đông. Theo yêu cầu của chính quyền Obama, Qatar đã mở tiến trình hòa bình cho Afghanistan tại Doha vào năm 2013. Tổng thống Donal Trump bình thường hóa các mối quan hệ ngoại giao với Taliban và tuyên bố chấm dứt cuộc chiến Afghanistan là ưu tiên hàng đầu của ông. Hoa Kỳ đã tuyên bố Trung Quốc, Nga và Iran là các cường quốc xét lại (muốn thay đổi hiện trạng), trong khi Mỹ bị hạn chế khả năng phóng chiếu sức mạnh ở các khu vực lục địa. Vì vậy, nền chính trị siêu cường đã thay đổi, không ủng hộ sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Afghanistan. Hoa Kỳ đã ấn định thời hạn cuối cùng vào tháng 9 năm 2021 để chấm dứt hai thập kỷ chiếm đóng quân sự Afghanistan. Sự bảo đảm tối thiểu mà Mỹ yêu cầu từ Taliban là Afghanistan không được trở thành nơi trú ẩn an toàn cho các mạng lưới khủng bố mà có thể tấn công quê nhà của Mỹ.

Vì vậy, đó là lý do tại sao sự phát triển tiến trình hòa bình Taliban-Mỹ được giải thích bởi trọng tâm chiến lược của Mỹ. Ưu tiên chiến lược của Hoa Kỳ trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh là Tây Á, không phải Afghanistan. Trong thời kỳ hậu Mỹ, Mỹ đang phải đối mặt với Trung Quốc, một quốc gia không giống như Liên Xô, không chỉ là cường quốc quân sự đáng gờm mà còn là một cường quốc kinh tế và công nghệ toàn cầu. Quyền lực ở ngoài khu vực luôn có một lựa chọn rút khỏi bối cảnh chiến tranh, Mỹ cũng vậy. Thách thức của Afghanistan bao gồm hai phần : một là cơ hội cho tiến trình hòa bình nội bộ Afghanistan đại diện cho sự hài hòa đa sắc tộc của xã hội Afghanistan, và thứ hai, việc phủ nhận tính linh hoạt của các cường quốc khu vực, có thể mang lại bóng ma chiến tranh giữa các sắc tộc.

_ Mumtaz Ahmad có bằng tiến sĩ về Quan hệ Quốc tế. Anh ta phục vụ tại Viện Công nghệ Ấn Độ Madras.


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.