Chính sách cứng rắn sắc bén của Biden đối với Trung Quốc, cung cấp manh mối để thấy Trung Quốc đau đớn hơn so với kiểu trừng phạt của Trump

_ Hồng Kông, Tân Cương và Đài Loan đã trở thành những điểm nóng.
_ Bắc Kinh coi các động thái của Mỹ là cố gắng ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Ảnh của Bloomberg

Nick Wadhams, Saleha Mohsin và Peter Martin, 14/07/2021… Theo Bloomberg.

Trần H Sa lược dịch.

Sáu tháng trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, Joe Biden đang tiết lộ một chính sách cứng rắn rõ nét đối với Trung Quốc, cho thấy mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn.

Một loạt các hành động của Hoa Kỳ trong những ngày gần đây - bao gồm một cảnh báo có kế hoạch cho các doanh nghiệp Mỹ ở Hồng Kông, chính sách kiểm soát nhập khẩu mới đối với khu vực Tân Cương và thảo luận về một thỏa thuận thương mại kỹ thuật số mà trong đó sẽ loại trừ Bắc Kinh - nhấn mạnh rằng Biden có kế hoạch mở rộng và làm sâu sắc hơn cách tiếp cận mang tính đối đầu hơn so với kế hoạch của cựu Tổng thống Donald Trump.

Các quan chức chính quyền Biden nói rằng chiến lược của Mỹ là một phản ứng đối với hành vi hung hăng của chính Trung Quốc. Lập trường đó sẽ buộc các nhà đầu tư và các công ty vấp phải những lựa chọn khó khăn trong việc nắm bắt giữa những gì mà chính Biden đã định nghĩa là một cuộc chiến xác định tính cách riêng biệt của thế kỷ 21, và có thể gây ngạc nhiên cho những người mong đợi một quan hệ nhẹ nhàng hơn dưới thời tổng thống Dân chủ.

David Loevinger, giám đốc điều hành các thị trường mới nổi tại TCW Group Inc. cho biết: "Rõ ràng là Hoa Kỳ dưới thời chính quyền Biden sẽ tiếp tục với xu hướng mà chúng ta đã thấy trong chính quyền Trump và trước đây. Có một số thất vọng - các nhà đầu tư đã mong đợi một cách tiếp cận khác."

Các quan chức Bắc Kinh cũng có thể mong đợi một khác biệt, sau sự hỗn loạn của những năm Trump. Nhưng tại Washington, các quan chức chính quyền Biden chỉ ra một loạt các hành động thù địch của chính phủ Chủ tịch Tập Cận Bình mà họ nói đã buộc Mỹ phải ra tay, nói thêm rằng thách thức bây giờ là giữ mối quan hệ ở trong địa hạt cạnh tranh, không phải xung đột. Những hành động gần đây của cả hai bên cho thấy điều đó sẽ đạt được một cách khó khăn như thế nào.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho đến nay đã khép lại bất kỳ khả năng hợp tác nào về một cuộc điều tra nguồn gốc của dịch Covid-19, với một số nhà khoa học nói rằng khả năng rò rỉ do tai nạn từ một cơ sở nghiên cứu ở Vũ Hán là điều không thể loại trừ. Trung Quốc đã đẩy mạnh các cuộc xâm nhập quân sự vào không phận Đài Loan và quyết tâm tiến hành đàn áp các quyền tự do ở Hồng Kông. Nước này thậm chí đang xây dựng các hầm ngầm chứa tên lửa mới ở sa mạc phía tây, cho thấy họ đang xây dựng kho vũ khí hạt nhân của mình.

Trong khi đó, việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương vẫn tiếp tục và, với một cái tát vào mặt các nhà đầu tư phương Tây, các nhà quản lý Trung Quốc đã đưa ra một cuộc đánh giá về an ninh mạng đối với công ty Didi Toàn Cầu Inc, ứng dụng gọi đặt xe công cộng giống như Grab (Uber), chỉ vài ngày sau khi công ty này chào bán công khai lần đầu tiên trị giá 4,4 tỷ đô la tại Hoa Kỳ. Điều đó đã đẩy cổ phiếu của công ty lao dốc 24%.

'Trở nên khó khăn'.

Các quan chức cấp cao của Hoa Kỳ cho rằng những hành động đó và những hành động khác đã khiến họ không còn lựa chọn nào khác. Các quan chức, những người yêu cầu không được nêu danh tính khi bàn luận về các cuộc thảo luận chính sách, cho biết Bắc Kinh đang từ chối các quyền tự do căn bản và tấn công quyền tự trị của Hồng Kông, sau khi thành phố này đã mất nhiều thập kỷ để xây dựng bản thân nó thành một trong những thủ đô tài chính của thế giới.

Đồng thời, Hoa Kỳ ngày càng lo ngại nguy cơ đối với các nguyên tắc luật pháp, điều mà từng chỉ áp dụng cho Trung Quốc đại lục, hiện cũng áp dụng cho Hồng Kông, trích dẫn các sự kiện như đóng cửa công ty truyền thông Apple Daily, một phương tiện nổi bật vốn nêu ra các vụ tham nhũng và các cuộc biểu tình chống chính phủ trong thành phố.

Miles Yu, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao dưới thời Trump phát biểu "Sự đồng thuận quốc gia trong việc cứng rắn với Trung Quốc chỉ dựa trên một yếu tố duy nhất : Hành vi của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhóm Biden đã hiểu được thực tế đó."

Về phần mình, các quan chức Trung Quốc cho rằng Mỹ là kẻ xâm lược, không gì khác hơn. Họ chỉ ra việc Hoa Kỳ lặp đi lặp lại việc đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc, và cái mà họ gọi là đạo đức giả khi Mỹ giảng dạy các quốc gia khác về nhân quyền và sự cần thiết phải cải cách dân chủ, trong khi vật lộn với bạo lực của cảnh sát và cuộc tấn công ngày 6 tháng giêng vào Tòa nhà Quốc hội ở quê nhà Hoa kỳ.

Một quan chức Trung Quốc, người yêu cầu không được nêu danh tính khi thảo luận về chiến lược quốc gia của ông, nói rằng các hành động của Hoa Kỳ liên quan đến Đài Loan và các nơi khác đã đóng vai trò loan truyền niềm tin vào Bắc Kinh rằng, Hoa Kỳ quyết tâm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Miễn là Mỹ chùn lại và hạ súng xuống, Trung Quốc cũng sẽ làm như vậy, người này nói.

"Người dân Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ lực lượng nước ngoài nào bắt nạt, ép buộc và nô dịch hóa chúng ta", ông Tập nói trong một bài phát biểu vào đầu tháng này. Ông ta cảnh báo đất nước ông sẽ không còn lắng nghe "những rao giảng cao đạo".

Cuộc cạnh tranh của thế kỷ 21.

Chính quyền Biden từ lâu đã nói rằng họ sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc ở nơi nào có thể, và đối đầu với đất nước này ở nơi mà họ phải đối đầu. Bây giờ kết quả của điều đó đang trở nên rõ ràng : sắp xếp sức mạnh với các đồng minh, Biden liên tục tìm cách gia tăng áp lực lên Trung Quốc tại các cuộc họp của G7 gần đây ở Anh, gồm các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Ông vẫn giữ lại thuế quan thời Trump và tìm cách củng cố thêm nữa mối quan hệ chặt chẽ với Đài Loan.

Cũng như các chính quyền trong quá khứ, Biden đang dựa rất nhiều vào các biện pháp trừng phạt để tìm cách áp đặt cái giá phải trả lên các quan chức Trung Quốc, mặc dù có rất ít ví dụ cụ thể về những biện pháp hạn chế như vậy đang làm thay đổi quá trình ra quyết định của quốc gia. Chính quyền cũng đang tìm cách triển hạn sự trừng phạt thêm nữa - thông qua kiểm soát xuất nhập khẩu - chống lại sự đàn áp của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Với một số đồng minh ở châu Âu và châu Á đang tìm kiếm một quan hệ nhẹ nhàng hơn, nhóm của Biden khẳng định rằng Hoa Kỳ không yêu cầu các quốc gia khác chọn phe. Đầu mùa hè này, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Mỹ sẽ dựa vào "sự đổi mới, không phải những nguyên tắc căn bản". Nhưng điều đó trái ngược với lời nói của chính Biden, chẳng hạn như khi ông phát biểu trước Quốc hội vào tháng 4 và định nghĩa cách tiếp cận với Trung Quốc là trận đấu hàng chục năm mới có một lần.

Biden nói: "Chúng tôi đang cạnh tranh với Trung Quốc và các quốc gia khác để giành chiến thắng trong thế kỷ 21. Chúng ta đang ở trên một điểm uốn lớn trong lịch sử".

Cuộc chiến với công ty gọi đặt xe Didi nhấn mạnh cách mà cạnh tranh Mỹ-Trung đang bước vào những lĩnh vực mới, một xu hướng sẽ đưa ra những lựa chọn khó khăn cho các công ty và các quốc gia, qua đó có thể thấy họ không thể làm ăn với cả hai quốc gia cùng một lúc.

Dưới thời Biden, Mỹ vẫn đang gây sức ép với các chính phủ khác để cắt bỏ công ty Công nghệ Huawei Technologies Co. của Trung Quốc ra khỏi các hệ thống công nghệ viễn thông 5G của họ. Trong khi đó Trung Quốc đã cung cấp vắc-xin Sinovac Covid-19 của nước họ cho các quốc gia như Paraguay trong những gì mà các nhà phân tích nói là một nỗ lực để khiến Paraguay từ bỏ sự công nhận ngoại giao của họ đối với Đài Loan.

Các trận đấu cũng lờ mờ hiện ra trên các mặt trận khác : Hoa Kỳ đang tìm cách áp đặt thêm các hạn chế đối với việc xuất khẩu sang Trung Quốc loại công nghệ bán dẫn có xu hướng chủ đạo trong thị trường, và Nhà Trắng đã nâng cao khả năng một thỏa thuận thương mại kỹ thuật số toàn khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nhưng loại trừ Bắc Kinh.

Nhưng với hai nền kinh tế đan xen nhau như vậy, một số chuyên gia nhìn thấy những rủi ro lớn nếu cứ tiếp tục ăn miếng trả miếng.

Jim McGregor, chủ tịch APCO worldwide, một công ty tư vấn chiến lược và các vấn đề công cộng toàn cầu độc lập, cho biết: "Các công ty hàng đầu của Mỹ phải có mặt tại thị trường Trung Quốc và được tiếp cận với sự đổi mới của Trung Quốc, để duy trì sự lãnh đạo toàn cầu. Họ không thể bị ép buộc vào một sự lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Họ có thể phải tạo ra các giải pháp mang tính cấu trúc với các thị trường mới hoặc niêm yết cổ phiếu, qua đó cung cấp một số tách biệt giữa các hoạt động của Hoa Kỳ và Trung Quốc, nếu mọi thứ trở nên thực sự tồi tệ.

Và không tính đến mọi hiềm thù, dữ liệu cho thấy sẽ khó khăn như thế nào để hai nền kinh tế lớn nhất thế giới thoát khỏi cảnh rối rắm lúng túng.

Dữ liệu của Trung Quốc cho thấy xuất khẩu hàng hóa của quốc gia này sang Mỹ cho đến nay đang có tốc độ cao kỷ lục trong năm nay, trong khi số liệu của Mỹ cho thấy tốc độ cũng cao hơn năm 2020 nhưng thấp hơn những năm trước. Trong khi đó, các lô hàng của Mỹ đến Trung Quốc đang hoạt động ở mức hoặc gần mức kỷ lục.

Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman sẽ đến Bắc Kinh vào cuối tháng này, theo ba người thông thạo với vấn đề này. Các quan chức Hoa Kỳ hy vọng rằng chuyến đi sẽ diễn ra tốt đẹp hơn lần cuối cùng hai bên tổ chức một cuộc họp cấp cao, khi Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan được giả thiết cho là phải nghe bài diễn văn dài có tính coi thường từ các quan chức hàng đầu của Trung Quốc tại cuộc đàm phán ở Alaska.

Nhưng các quan chức đang bi quan về bất kỳ sự cải thiện đáng kể nào, đặc biệt là với số lượng các điểm nóng lờ mờ trên lịch trong vài năm tới.

Các lời kêu gọi Hoa Kỳ tẩy chay Thế vận hội Mùa đông 2022 ở Bắc Kinh ngày càng tăng, trong khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ vào cuối năm đó sẽ chỉ khuếch đại những lời lẽ khoa trương. Tại Trung Quốc, ông Tập có thể sẽ mài giũa giọng điệu của chính mình khi ông tìm cách củng cố thêm quyền lực bằng nhiệm kỳ năm năm lần thứ ba, với tư cách là chủ tịch Trung Quốc, một sự đảo ngược chính sách giới hạn các nhà lãnh đạo chỉ hai nhiệm kỳ, vốn đã có qua ba thập kỷ .

Biden thậm chí còn chưa gặp trực tiếp ông Tập với tư cách là tổng thống, và các quan chức vẫn chưa quyết định hai nhà lãnh đạo sẽ có bao nhiêu tương tác tại cuộc họp của G20 tại Rome vào tháng 10 này.

Theo Bonnie Glaser, giám đốc chương trình châu Á tại Quỹ Marshall của Đức thì "Tại thời điểm này, mục tiêu chính của các cuộc đàm phán như vậy sẽ là kiểm soát thiệt hại".

Glaser nói: "Sẽ có những nỗ lực đưa ra các chấn song bảo vệ, để ngăn chặn sự cạnh tranh leo thang thành đối đầu và vượt khỏi kiểm soát. Đó sẽ là mục tiêu chính của đối thoại song phương."

— Với sự hỗ trợ của Jennifer Jacobs và Jenny Leonard.


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.