Hãy sửa sai ngay khi còn kịp.
Vì là thành phần thứ yếu nên người dân luôn là đối tượng bị xách nhiễu, bị hành hạ bởi những sai nha trung thành tuyệt đối với nhà nước trong quan điểm chống dịch như chống giặc.
Ảnh trên internet. |
Là người Việt, không ai mà không biết mấy câu mượn từ văn hóa Tàu như "tam thập nhi lập, tứ thập bất hoặc, ngũ thập tri thiên mệnh, thất thập cổ lai hy"....Nhưng chắc cũng có một số lớn người, ít nghe câu "lục thập nhi nhĩ thuận"; người ta định nghĩa câu nói đó là '60 tuổi biết điều phải trái'. Thế nhưng, tôi cho rằng, hiểu ý câu nói này theo nghĩa đen của nó thì sẽ rõ nghĩa hơn, đó là "người ở độ tuổi 60 nghe cái gì cũng thuận lỗ tai".
Theo quan niệm và cách tính tuổi của Tàu, con người ở 60 tuổi là đã tròn một vòng sinh tử, đã thấu hiểu lẽ đời, đã ra khỏi vòng thị phi đúng sai; ai nói đúng thì tốt, ai nói sai mặc kệ, cười trừ, chả cần tranh luận. Tôi cố thực hành lối sống đó đã hơn 5 năm cho nhẹ người, bởi thật là phiền phức khi tranh luận với người không biết tiêu chuẩn đúng sai, đặc biệt nhất là hầu như không có ích gì khi tranh luận với mấy ông/bà cứ nói xà quày kiểu kỳ nhông ông kỳ đà, kỳ đà cha cắc ké, cắc ké mẹ kỳ nhông, một loại biện chứng cùn.
Phép biện chứng được đẩy mạnh trong triết học bởi Hegel, ông thầy của Karl Marx, tức là ông tổ lý luận của người cọng sản VN hiện nay. Hegel là người duy tâm, đám môn đồ thấp kém hơn nên chỉ biết biện chứng bằng duy vật; phép biện chứng của Hegel nổi tiếng với câu "cái gì hiện hữu thì hợp lý, cái gì hợp lý thì hiện hữu".
Đã đành là lục thập nhi nhĩ thuận, đã cố rời vòng thị phi, nhưng trước những hiện thực chướng tai gai mắt, tôi phải tạ từ ông Khổng tử, tìm đến Hegel để hỏi ông ấy, liệu những cái hiện hữu trong chống dịch ở Việt Nam có hợp lý hay không ? nếu không hợp lý thì yêu cầu nhà trức trách dẹp bỏ giùm, đừng cho nó hiện hữu. Tôi lần lượt nêu ra những cái không hợp lý như sau :
1) Cấm chợ. Tục ngữ VN có câu khuyên mọi người tìm chọn nơi sinh sống "nhất cận thị, nhị cận giang" (nhất gần chợ, nhì gần sông). Cơ thể con người có 70% là nước cho nên nước là nhu cầu hết sức thiết yếu cho con người. Nhưng kinh nghiệm ông cha cho thấy nhu cầu cái chợ còn thiết yếu hơn cả nước. Cấm chợ là một thất sách hàng đầu.
Cấm chợ để ngăn dịch, liệu có đúng hay không ?
Nguyên tắc ngăn ngừa dịch mà cả thế giới áp dụng là "không tụ tập đám đông, không tiếp xúc gần, không cùng nhau ở trong một không gian kín", người ta gọi đây là nguyên tắc 3C theo tiếng Anh, Crowded - Close contact và Closed spaces, tất nhiên là phải kết hợp với mang khẩu trang . Tôi đã thấy báo chí đăng tải, tại Sài gòn trong mùa dịch đã có một phường tổ chức cho dân họp chợ và thực hiện đúng nguyên tắc này. Ở đó, người ta chia thời gian biểu cho từng khu vực để không tụ tập đám đông, có nhân viên nhắc nhở giữ giản cách 2 mét, mang khẩu trang đúng quy cách, chợ không phải là một không gian kín. Vậy là đủ bảo đảm ngăn ngừa dịch mà không dẹp bỏ nhu cầu thiết yếu của dân là họp chợ.
Khi phát hiện một F0 hay F1 từng có mặt trong một ngôi chợ rồi cấm ngôi chợ đó sinh hoạt hoàn toàn, có hợp lý hay không ?
Động thái cấm chợ vì lý do này hoàn toàn bất hợp lý. Tôi giả định ngay cả tình huống F0, một bà X nào đó bị phát hiện dương tính với virus SARS-CoV2 sau khi bà ta đã đến ngôi chợ A. Virus trên người bà X bị vương vãi ra trong chợ A có thể tồn tại và gây lây nhiểm chỉ trong vòng hai tiếng đồng hồ sau khi bà X rời khỏi chợ, đây là kết luận chung của các nhà khoa học trên toàn thế giới. Vậy thì, khi phát hiện X có F0 đến A, chỉ cần A ngưng hoạt động trong vòng hai tiếng đồng hồ, cọng thêm thời gian cho đội khử trùng làm việc, cả thảy tối đa chỉ một ngày; qua hôm sau ngôi chợ A đã có thể sinh hoạt trở lại với tiêu chuẩn 3C ở trên và mang khẩu trang đúng quy cách. Khoa học cũng xác định virus SARS-CoV2 chỉ mẫn cảm với các loại động vật như dơi, chồn hương, chồn mặt nạ....Không gian khu chợ không có những động vật này thì hoàn toàn yên tâm trước nổi sợ virus lây nhiễm do đã có mặt một F0.
Hôm qua chợ đang sinh hoạt yên ổn, sáng bảnh mắt ra người dân nhìn thấy ngôi chợ bị phong tỏa với lý do, ngành y tế phát hiện hôm qua có ca dương tính đã đến chợ. Đây là tình trạng hoàn toàn bất hợp lý, vì sau một đêm 12 tiếng đồng hồ, virus từ người dương tính đó không thể tồn tại được trên các bề mặt trong ngôi chợ để mà gây lây nhiễm cho người khác.
2) Cấm đi lại nếu không có lý do chính đáng ! Lý do gì là chính đáng ? Đây là bài toán hầu như vô nghiệm đối với VN. Số lượng người dân lao động kiếm cơm bằng những công việc tự phát chiếm khá đông ở các thành phố lớn, nhất là ở Sài gòn. Graber chạy gió kiếm khách lẻ, người bán vé số dạo, kẻ lượm ve chai, kẻ sống bằng lòng hảo tâm của người khác; nếu hỏi họ đi đâu, làm gì thì họ chỉ trả lời được là để làm gì, chứ không thể trả lời cụ thể họ đi đâu. Như vậy phải chăng là không có lý do chính đáng ? Không, hãy nghe họ nói họ đi khào khào ngoài đường để làm gì thì biết ngay họ có lý do chính đáng. Họ đang đi kiếm tiền độ nhật đấy, không chính đáng sao ?
Nhà nước VN có ưu điểm biết rất rõ những kẻ phản động, chống đối nhà nước có bao nhiêu người, ở đâu, làm gì, khi nào; nhưng hoàn toàn mù tịt về tầng lớp cùng khổ này có bao nhiêu người, ở đâu, làm gì, khi nào. Khi cần phong tỏa ngăn dịch thì nhà nước không biết có bao nhiêu người cần cứu đói hàng ngày. Nhà nước đang nghèo không đủ tiền trợ cấp cho toàn dân bị phong tỏa, lại không biết rõ người cần cứu đói là bao nhiêu, từ đó nhắm mắt trước lý do chính đáng của giới cùng khổ là cần ra đường kiếm tiền để ăn qua bửa. Cấm đi lại nếu không có lý do chính đáng là một lệnh hành chính bất hợp lý với thực tế của VN, và cũng xin nhắc lại, đó là bài toán hầu như vô nghiệm, chỉ có nghiệm khi và chỉ khi nhà nước nuôi cơm cho tầng lớp cùng khổ này.
3) Hàng hóa thiết yếu được lưu thông tùy tiện theo định nghĩa của mỗi tỉnh, có hợp lý hay không ? Không chỉ cấm con người giao thông thiếu nhất quán về lý do chính đáng, việc lưu thông hàng hóa phục vụ đời sống của dân cũng không thống nhất, giao cho các cơ quan cấp tỉnh tùy tiện quyết định, đến mức có nơi không cho rằng sữa là loại hàng thiết yếu. Tôi trích một đoạn trên báo tuổi trẻ :
"Phản ánh đến Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), nhiều hiệp hội ngành hàng cho biết vấn đề nổi cộm đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong thời điểm dịch COVID-19 rất căng thẳng hiện nay là sự thiếu đồng bộ, nhất quán trong các quy định, chính sách áp dụng của các địa phương.
"Đơn cử mặt hàng sữa được xếp vào nhóm hàng hóa thiết yếu ở tỉnh này, nhưng không thuộc nhóm hàng hóa thiết yếu ở tỉnh khác nên các doanh nghiệp sữa cũng không thể giao hàng đến đại lý." (https://tuoitre.vn/do-uong-sua-bi-quay-dau-xe-do-khong-phai-la-hang-thiet-yeu-20210723065113894.htm )
Cái cảnh trâu lội ngược bò lội xuôi như thế này là hình ảnh thường thấy của thời bao cấp, thời 1.0 nếu so sánh với bây giờ các quan thường tự hào là thời 4.0.
Vì sao xã hội không tiến mà đi thụt lùi ?
Sau khi cấp trung ương "đổi mới" vào năm 1986, tôi bắt đầu tham gia sinh hoạt tập thể; vì vậy trong các buổi họp liên miên hàng đêm tôi là người lạc hậu. Ngoài ông đội trưởng đọc nghị quyết để dân "học tập", gần như mọi người đều ngủ gục. Anh bạn thân mà tôi luôn ngồi cạnh thường lầu bầu "vận dụng tình hình địa phương để thi hành mẹ cho xong chuyện mà về ngủ". Tôi không hiểu hỏi ý anh là sao ?....mày họp riết là hiểu....Thời gian sau tôi vỡ lẻ, cuối một nghị quyết của nhà nước luôn có câu "vận dụng tình hình địa phương để thi hành" và đến đó là kết thúc buổi họp, được ra về.
Dù sao, tôi cũng đã trưởng thành dưới chế độ VNCH, tôi biết sau khi cấp trung ương ra luật thì một thời gian sau sẽ có "văn bản dưới luật" để hướng dẫn việc thi hành luật được đồng bộ thống nhất. Nhà nước cs VN thì giao việc thi hành nghị quyết cho địa phương. Vì sao cấp trung ương không gánh lấy trách nhiệm hướng dẫn thi hành như dưới thời VNCH ? Phải chăng cấp cao nhất ban hành nghị quyết, ban hành lệnh không nắm rỏ tình hình địa phương ? Điều hành đất nước mà không rõ địa phương chẳng khác gì làm cha mẹ mà không biết con mình mấy đứa, không rõ con mình có đứa bị quẹo tay trái, có đứa bị tật méo mồm bẩm sinh ? Đây là nguyên nhân xảy ra tình trạng mỗi tỉnh có mỗi định nghĩa khác nhau về các mặt hàng thiết yếu trong đại dịch hiện nay. Đây là tình huống hoàn toàn bất hợp lý.
Cuối cùng, tôi xin đặt vấn đề cái gì là đầu mối sinh ra những bất hợp lý nêu trên ? Gỉải quyết được câu hỏi này sẽ tháo gỡ được hết các mối gút bất hợp lý.
Tôi cho rằng đó là khẩu hiệu "chống dịch như chống giặc".
Giặc là nhóm người, là tổ chức chống đối hệ thống quản trị đương thời, gây bất an cho hệ thống cầm quyền. Nhà nước chống dịch như chống giặc có nghĩa là chống lại nguy cơ gây bất an cho nhà nước, bảo vệ hệ thống quản trị đương thời. Người dân trong chống dịch như chống giặc chỉ là thành phần thứ yếu. Vì thứ yếu nên những bất hợp lý nêu trên không được quan tâm đúng mức.
Vì là thành phần thứ yếu nên người dân luôn là đối tượng bị xách nhiễu, bị hành hạ bởi những sai nha trung thành tuyệt đối với nhà nước trong quan điểm chống dịch như chống giặc.
Ông Khổng tử nên đi ngủ vào lúc đại dịch này để tất cả mọi người già trẻ phải lên tiếng...Ông Hegel cần biện chứng lại rõ hơn "cái gì hiện hữu phải hợp lý, cái gì hợp lý phải hiện hữu"...
Mong rằng nhà nước hãy sửa sai ngay khi còn kịp...khi tử vong do Covid-19 và chết đói vì dịch ở VN vẫn còn thấp.
Trần Hoàng Sa...24/07/2021.