Taliban của Afghanistan, hiện đang ở biên giới Trung Quốc, tìm cách trấn an Bắc Kinh.

Bất chấp sự ủng hộ trong quá khứ đối với các chiến binh Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Taliban nói rằng họ sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Người phát ngôn của Taliban, Suhail Shaheen cho biết, vào năm ngoái nhóm này đã cam kết không để lãnh thổ Afghanistan được sử dụng để chống lại các quốc gia khác, bao gồm cả Trung Quốc…/ ẢNH: POOL/REUTERS.

Yaroslav Trofimov ở Doha, Qatar, và Triều Đặng ở Đài Bắc…. 8, Tháng Bảy, 2021 9:15 am ET… Theo The Wall Street Journal.

Sau khi chiếm được khoảng một phần ba số quận của Afghanistan trong cuộc tấn công vào mùa hè này, tuần qua Taliban đã dể dàng tràn qua tỉnh Badakhshan ở phía Đông Bắc, vươn tới miền núi biên giới tiếp giáp với khu vực Tân Cương của Trung Quốc.

Xem xét mối liên hệ lịch sử của Taliban với các nhóm chiến binh Duy Ngô Nhĩ của Tân Cương có liên kết với al Qaeda, cuộc tiến công này sẽ gây ra báo động cho Bắc Kinh khi nhìn về quá khứ. Tuy nhiên, những ngày này, Taliban đã nổ lực giải quyết mối quan tâm của Trung Quốc, mong muốn bảo đảm sự chấp nhận của Bắc Kinh đối với sự cai trị của họ.

Qian Feng, người đứng đầu nghiên cứu tại Viện Chiến lược Quốc gia của Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh cho biết. "Taliban muốn thể hiện thiện chí với Trung Quốc. Họ hy vọng rằng Trung Quốc có thể đóng một vai trò quan trọng hơn, đặc biệt là sau khi Mỹ rút quân."

Với việc quân đội Mỹ rút quân gần như hoàn tất, ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực đang gia tăng, một phần thông qua mối quan hệ chiến lược của Bắc Kinh với Pakistan, nước ủng hộ chính của Taliban. Trung Quốc cũng đang ngày càng trở nên có ảnh hưởng ở các quốc gia Trung Á tiếp giáp với Afghanistan ở phía bắc. Nhận thức được sự nhạy cảm của Bắc Kinh, tất cả các quốc gia này từ lâu đã tránh lên án việc giam giữ hàng loạt người Hồi giáo ở Tân Cương và các vi phạm nhân quyền khác ở đó.

Mặc dù Taliban không im lặng về vấn đề này, nhưng họ nhắm đến một sự cân bằng tế nhị giữa cam kết của họ đối với các chủ đề Hồi giáo mang tính toàn cầu và thuyết phục Bắc Kinh rằng một chính phủ Taliban ở Kabul sẽ không đe dọa sự ổn định của Trung Quốc. Một đánh giá gần đây của tình báo Hoa Kỳ ước tính rằng chính phủ Afghanistan hiện tại có thể sụp đổ bởi cuộc nổi dậy chỉ sáu tháng, sau khi Mỹ rút quân.

Một quan chức cấp cao của Taliban ở Doha, Qatar, nơi đặt văn phòng chính trị của nhóm cho biết, "Chúng tôi quan tâm đến sự áp bức người Hồi giáo, có thể là ở Palestine, Myanmar hoặc Trung Quốc, và chúng tôi quan tâm đến sự áp bức của những người không theo đạo Hồi ở bất cứ đâu trên thế giới. Nhưng những gì chúng tôi sẽ không làm là can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc".

Một quan chức khác, phát ngôn viên của Taliban, Suhail Shaheen, chỉ ra rằng nhóm Hồi giáo này đã cam kết trong thỏa thuận Doha tháng 2 năm 2020 với Washington là không để lãnh thổ của Afghanistan được sử dụng để chống lại các quốc gia khác, và không chấp nhận bất kỳ người tị nạn hoặc lưu vong nào, ngoài khuôn khổ của luật di cư quốc tế.

"Chúng tôi sẽ không cho phép bất kỳ ai - cho dù đó là một cá nhân hay một thực thể - sử dụng đất của Afghanistan chống lại Hoa Kỳ, các đồng minh của Mỹ, hoặc bất kỳ quốc gia nào khác, và bao gồm cả Trung Quốc," ông Shaheen nói.

Mặc dù quan tâm đến hoàn cảnh khó khăn của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Taliban sẽ tìm cách giúp đỡ những đồng đạo Hồi giáo của họ thông qua đối thoại chính trị với Bắc Kinh, ông nói thêm. "Chúng tôi không biết chi tiết cuộc sống khó khăn của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Nhưng nếu chúng tôi có chi tiết, chúng tôi sẽ thể hiện mối quan tâm của mình," ông nói. "Nếu có một số vấn đề với người Hồi giáo, tất nhiên chúng tôi sẽ nói chuyện với chính phủ Trung Quốc."

Khi được hỏi liệu một chính phủ Afghanistan do Taliban thống trị có tham gia cùng các quốc gia phương Tây trong việc lên án các vi phạm nhân quyền ở Tân Cương tại Liên Hiệp Quốc hay không, ông Shaheen đã do dự. Bất kỳ quyết định nào như vậy sẽ phải được đưa ra dựa trên những thực tế trên thực địa tại thời điểm đó, ông nói.

Các mối liên hệ của Taliban với các chiến binh Duy Ngô Nhĩ, đặc biệt là Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan và tổ chức kế nhiệm của nó, Đảng Hồi giáo Turkestan (TIP), quay trở lại thời điểm khi mà Osama bin Laden có trụ sở tại Afghanistan, mưu tính cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001. Trong khi nhiều người trong số các chiến binh Duy Ngô Nhĩ này chuyển đến Syria trong những năm gần đây, báo cáo của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc năm ngoái ước tính rằng khoảng 500 thành viên của Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan vẫn ở Afghanistan, chủ yếu ở các quận Reghistan và Warduj của tỉnh Badakhshan. Chính quyền Trump năm ngoái đã loại bỏ việc chỉ định Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan là một tổ chức khủng bố, trước cơn thịnh nộ của Bắc Kinh.

Trung Quốc đã sử dụng sự tồn tại của các nhóm cực đoan như Đảng Hồi giáo Turkestan để biện minh cho cuộc đàn áp ở Tân Cương, bao gồm cả việc giam giữ hơn một triệu người Hồi giáo trong cái mà họ gọi là các trại huấn luyện nghề nghiệp. Không có sự cố khủng bố đáng kể nào được báo cáo ở Tân Cương kể từ năm 2017.

Ngoại trừ thủ phủ của tỉnh, tất cả các quận của tỉnh Badakhshan hiện nằm dưới sự kiểm soát của Taliban, với hơn 1.000 quân của chính phủ Afghanistan chạy trốn qua biên giới đến Tajikistan trong những ngày gần đây. Bị Taliban chiếm giữ trong tuần này là quận Wakhan ở phía đông bắc của Badakhshan có chung biên giới với Trung Quốc dài 60 dặm. Nó chủ yếu là địa hình cao không thể vượt qua, không có đường bộ kết nối xuyên biên giới sang Trung quốc. Tuy nhiên, biên giới của tỉnh Badakhshan với Tajikistan thì có nhiều cửa khẩu nhỏ và được bảo vệ rất kém, cung cấp các tuyến đường vào Tân Cương - một lý do tại sao Trung Quốc đã triển khai quân đội ở Tajikistan trong những năm gần đây.

Trong khi tuyên bố ủng hộ chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani tại Kabul, Bắc Kinh từ lâu đã kêu gọi rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan và liên tục tiếp đón các phái đoàn Taliban, bao gồm chuyến thăm của người đứng đầu văn phòng chính trị Taliban, Mullah Abdul Ghani Baradar vào năm 2019. Đầu năm nay, Trung Quốc đã đề nghị tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình trong nội bộ người Afghanistan.

Taliban "tin rằng họ có thể tiếp quản chính quyền trở lại, và vì vậy họ muốn xây dựng mối quan hệ thân thiện hơn với các nước láng giềng", Li Wei, một nhà nghiên cứu kiểm soát an ninh và vũ khí tại nhóm tư vấn Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc liên kết với Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc, cho biết. "Họ cũng không muốn thấy Afghanistan trở thành nơi sinh sản của chủ nghĩa khủng bố quốc tế."

Không phải ai cũng đồng ý với những đánh giá lạc quan như vậy. Rohan Gunaratna, một chuyên gia khủng bố quốc tế tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, cho biết ông kỳ vọng Taliban sẽ tiếp tục hỗ trợ các chiến binh Duy Ngô Nhĩ, đặc biệt là bây giờ nhiều chiến binh trong số này đang tìm cách trở về Afghanistan từ Syria.

"Taliban là chủ nhà chính của các chiến binh. Họ đã có một mối quan hệ rất thân thiết," ông Gunaratna nói. "Với việc Mỹ rút quân, Taliban sẽ trở thành cái gì đó mà họ đã làm trước đây vì hệ tư tưởng Taliban không thay đổi đáng kể. Afghanistan sẽ một lần nữa nổi lên như một công viên giải trí của khủng bố, nơi mà tất cả các nhóm khủng bố nước ngoài sẽ xây dựng một sự hiện diện đáng gờm."

Chính phủ Afghanistan từ lâu đã tìm cách nuôi dưỡng những nỗi sợ hãi như vậy và hiện đang ve vãn Trung Quốc rằng khi các lực lượng Mỹ phần lớn biến mất, là lúc chào mời các cơ hội kinh tế trong lĩnh vực khai thác mỏ và các tuyến vận chuyển có khả năng sinh lợi.

Mặc dù Trung Quốc đã thực hiện một số khoản đầu tư vào tài nguyên thiên nhiên của Afghanistan, bạo lực liên tục khiến sự tham gia kinh tế to lớn của Trung Quốc khó có thể xảy ra trong tương lai gần.

Vào tháng 9 năm 2019, vài tháng trước khi đại dịch coronavirus bắt đầu, các bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc, Afghanistan và Pakistan đã đồng ý về nguyên tắc mở rộng Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan đi vào Afghanistan, với kết nối đường cao tốc từ thành phố Peshawar của Pakistan đến thủ đô Kabul. Ở giai đoạn này, nó vẫn chưa trở thành một đề xuất . "Chính phủ Trung Quốc không vội vàng thúc đẩy việc này", ông Qian thuộc Đại học Thanh Hoa cho biết. "Không có nhu cầu cấp bách."


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.