Sự sụp đổ của Afghanistan có thể gây ra rắc rối cho kẻ thù của Mỹ.

Có một điều gì đó thường xảy ra - nếu không muốn nói là luôn luôn - xảy ra, đó là sau khi một chế độ đồng minh với Hoa Kỳ bị thay thế bởi một chế độ thù địch với nó, thì : xung đột nghiêm trọng diễn ra giữa các đối thủ của Hoa Kỳ.

Hình ảnh: Reuter

Mark N. Katz… Ngày 14 tháng 8 năm 2021… Theo National Interest.

Trần H Sa lược dịch.

Nhiều nhà quan sát, cả trong quá khứ lẫn hiện tại, đã dự đoán rằng sự sụp đổ của các chế độ độc tài, tham nhũng có liên minh với Hoa Kỳ, sẽ dẫn đến sự thay thế bởi các chế độ độc tài đáng sợ hơn. Các chế độ thay thế này đã, đang và sẽ thù địch với Hoa Kỳ, áp bức người dân của họ nhiều hơn, và đe dọa các nước láng giềng gần nhất của họ nhiều hơn , so với các chế độ mà họ đã lật đổ. Sự thay thế các chế độ chuyên chế thân Mỹ bằng các chế độ chống Mỹ ở Trung Quốc hồi năm 1949, ở Đông Dương năm 1975, và Iran hồi năm 1979, chỉ là một vài trong số rất nhiều trường hợp như vậy. Nếu việc Mỹ rút khỏi Afghanistan dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Kabul và sự trở lại của chế độ Taliban, thì xu hướng này chắc chắn sẽ tiếp tục.

Nhưng có một số điều khác cũng thường xảy ra - nếu không muốn nói luôn luôn - đó là, sau khi một chế độ đồng minh với Hoa Kỳ bị thay thế bởi một chế độ thù địch với nó, thì : xung đột nghiêm trọng diễn ra giữa các đối thủ của Hoa Kỳ. Điều này đã xảy ra trong nhiều trường hợp.

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lên nắm quyền vào năm 1949 thì ngay sau đó là sự bùng nổ rạn nứt Trung-Xô, bùng phát vào năm 1960 và kéo dài cho đến khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Giao tranh dọc theo biên giới chung của họ vào năm 1969 có nguy cơ biến thành một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn giữa Trung Quốc và Nga.

Tại Ethiopia, cuộc lật đổ Hoàng đế Haile Selassie, đồng minh của Mỹ, vào năm 1974, thay thế bằng chế độ chủ nghĩa Mác-Lê-nin, theo sau là cuộc chiến giữa chế độ mácxít mới ở Ethiopia, và chế độ thân Liên Xô ở láng giềng Somalia vào năm 1977– 1978. Moscow đã thất bại trong nỗ lực làm trung gian hòa giải giữa hai đồng minh theo chủ nghĩa Marx, và Somalia đã bỏ phe Liên Xô chạy sang phương Tây.

Sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Đông Dương năm 1973 và những kẻ theo chủ nghĩa Mác tiếp thu miền Nam Việt Nam, Campuchia và Lào vào năm 1975, Việt Nam thân Moscow đã xâm lược Campuchia thân Bắc Kinh vào năm 1978, rồi Trung Quốc và Việt Nam đã đánh nhau một cuộc chiến ngắn ngủi dọc theo biên giới chung của họ vào năm 1979. Mối lo ngại chung về Trung Quốc đã giúp mang lại sự cải thiện trong quan hệ của Washington với Hà Nội, mối quan hệ đó bắt đầu dưới thời Tổng thống Bill Clinton và tiếp tục kể từ đó.

Ở Iran, với sự sụp đổ của Shah thân Mỹ và sự trỗi dậy của Cộng hòa Hồi giáo chống Mỹ vào năm 1979 thì ngay sau đó là cuộc chiến 1980–1988 giữa Iran và Iraq do Saddam Hussein cầm quyền. Bất chấp ác cảm chung mà các nước khác gán cho Mỹ và phương Tây, Iran vẫn trung lập khi một liên minh do Mỹ dẫn đầu đánh bật các lực lượng Iraq ra khỏi Kuwait vào năm 1991. Các chế độ chống Mỹ ở Tehran và Baghdad tiếp tục kiểm soát lẫn nhau cho đến năm 2003, khi một Liên minh do Mỹ dẫn đầu lật đổ Hussein và mở cửa Iraq trước làn sóng lan rộng ảnh hưởng của Iran.

Sau khi Hoa Kỳ rút lực lượng của mình ra khỏi Iraq vào năm 2011, chính phủ Baghdad do người Ả Rập dòng Shia có quan hệ chặt chẽ với Tehran thống trị, vốn bị Mỹ bỏ lại phía sau, phải đối mặt với mối đe dọa hiện hữu từ phong trào Nhà nước Hồi giáo thánh chiến dòng Sunni, bắt đầu từ năm 2014. Phong trào này không chỉ chống phương Tây mà chống cả Shia và chống luôn Iran. Iran có thể đã phải thực hiện những nỗ lực lớn hơn nhiều để bảo vệ các đồng minh Ả Rập dòng Shia thủ túc của họ, cũng như ảnh hưởng của họ ở Iraq, nếu việc Mỹ tái can thiệp vào Iraq chống lại Nhà nước Hồi giáo không giải tỏa được gánh nặng như vậy cho Iran. Tương tự, hành động quân sự của Mỹ chống lại Nhà nước Hồi giáo ở Syria đã làm giảm nhu cầu của cả lực lượng Nga lẫn Iran nhằm trực tiếp chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo.

Trong quá khứ, sự sụp đổ của các chính phủ đồng minh với Mỹ thường kéo theo xung đột giữa các đối thủ của Mỹ, câu hỏi đặt ra là liệu điều này có xảy ra lần nữa hay không - đặc biệt là ở Afghanistan. Tất nhiên, không có gì bảo đảm rằng điều đó sẽ xảy ra. Nhưng cho dù Taliban (chưa) lật đổ chính phủ Kabul do Mỹ hậu thuẫn, các chế độ chống Mỹ ở Nga, Trung Quốc và Iran đã tỏ ra lo lắng về việc Taliban có thể trở lại nắm quyền và có thể ảnh hưởng tiêu cực cho họ như thế nào. Trung Quốc không muốn Taliban ủng hộ phe Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ chống đối ở khu vực láng giềng Tân Cương, Nga không muốn Taliban làm suy yếu các đồng minh thế tục của Moscow ở Trung Á, và Iran không muốn nhìn thấy Taliban ủng hộ sự phản đối của người Sunni đối với chế độ của giáo sĩ dòng Shia ở Tehran. (Mặc dù Taliban chưa lên nắm quyền,) nhưng lực lượng này đã chiến đấu chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo ở Afghanistan. Cuối cùng, dẫu cho Pakistan từ lâu đã ủng hộ Taliban (và nên được coi là kẻ thù của Hoa Kỳ trong chừng mực những gì mà nước này đã làm ), thì cũng có khả năng một chế độ Taliban được phục hồi, có thể gây ra nhiều vấn đề cho Pakistan. Sau hết, Taliban được cho là đã bắt đầu các cuộc đàm phán với đối thủ không đội trời chung của Pakistan là Ấn Độ. Dường như có một số cơ hội cho mô hình mà trong đó các đối thủ của Mỹ quay lưng với nhau, cùng xuất hiện ở Afghanistan (nếu chính phủ Kabul sụp đổ) và Taliban trở lại nắm quyền.

Việc Mỹ rút bớt lực lượng khỏi Iraq hiện nay dường như không có khả năng dẫn đến nỗ lực của Iran làm suy yếu chính quyền Baghdad, vì các hành động của Mỹ ở Iraq cho đến nay, đã cho phép Iran có được rất nhiều ảnh hưởng đối với Iraq. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy nhiều người thuộc dòng Shia ở Iraq hiện đang mâu thuẫn với Iran về vai trò của nước này trong nền chính trị Iraq. Ngoài ra, việc các lực lượng Hoa Kỳ - vốn được gửi trở lại Iraq để chống lại Nhà nước Hồi giáo - sắp kết thúc các hoạt động chiến đấu, có thể góp phần vào sự hồi sinh của tổ chức này và dẫn đến xung đột giữa Nhà nước Hồi giáo và chính quyền Baghdad, cũng như xung đột giữa Lực lượng dân quân Ả Rập dòng Shia ở Iraq với Iran. Nói cách khác, dường như cũng có cơ hội để các đối thủ của Mỹ quay lưng với nhau ở Iraq.

Bởi vì mô hình này đã xảy ra rất thường xuyên trong quá khứ, nên có vẻ như nó sẽ xảy ra trở lại. Điều này không có nghĩa là Hoa Kỳ không cần lo lắng về sự sụp đổ của các chính phủ đồng minh của Mỹ và khả năng họ sẽ bị thay thế bằng các chính phủ thù địch, vì các đối thủ của Hoa Kỳ có khả năng phát triển các mối quan hệ xung đột với nhau. Mà chính phủ Hoa Kỳ nên chuẩn bị cho tình huống này phát sinh, và tìm cách tận dụng nó khi nó xảy ra.

Đôi khi, những kẻ thù của Hoa Kỳ quay lưng lại với nhau sẽ làm tăng khả năng Washington hợp tác với một cựu thù như một đồng minh, chống lại một kẻ thù chung đáng gờm hơn. Đây là điều mà Hoa Kỳ đã làm với Việt Nam để chống lại Trung Quốc. Tuy nhiên, đôi khi, cách hành động tốt nhất có thể chỉ đơn giản là không làm gì, trong khi các đối thủ của Hoa Kỳ vẫn thù địch với Mỹ và phương Tây đang tiêu diệt lẫn nhau. Trên hết, Hoa Kỳ nên cảnh giác về cách thức can thiệp của mình nhằm chống lại một kẻ thù, mà có thể vô tình mang lại lợi ích cho kẻ thù khác. Ví dụ, sự can thiệp của Hoa Kỳ chống lại Nhà nước Hồi giáo ở Iraq cuối cùng phục vụ cho lợi ích của Iran.

Sự sụp đổ của chính quyền Kabul và sự trở lại nắm quyền của Taliban,( nếu điều này xảy ra,) sẽ là một điều gì đó vô cùng đau đớn đối với người dân Afghanistan. Nó cũng sẽ đánh dấu sự thất bại của một nỗ lực kéo dài hai thập kỷ của Hoa Kỳ nhằm xây dựng một chính phủ Afghanistan có thể chứng tỏ được năng lực và sức hấp dẫn hơn Taliban. Nhưng có lẽ sẽ có nhiều người buộc tội lẫn nhau về những gì đã xảy ra, và tranh cải liệu một kết quả tốt hơn có thể đạt được hay không, Washington sẽ phải đối phó với tình huống đó xuất hiện, cho dù nó không phải là vấn đề mong muốn. Khả năng xung đột bùng phát giữa Taliban và các đối thủ khác của Hoa Kỳ có thể mang đến những cơ hội mà Hoa Kỳ có thể tận dụng. Nhưng Hoa kỳ chỉ có thể làm như vậy nếu Mỹ nhận ra cả cơ hội lẫn nguy hiểm trong việc điều hướng sự xung đột giữa các đối thủ của Hoa Kỳ.

_ Mark N. Katz là giáo sư về quản trị và chính trị học tại Trường Quản trị và Chính trị Schar của Đại học George Mason, đồng thời là thành viên cao cấp không thường trú tại Hội đồng Đại Tây Dương.


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.