Afghanistan sẽ ảnh hưởng đến địa chính trị trong khu vực như thế nào : Cân bằng quyền lực đang thay đổi không rõ ràng.

Bản đồ địa chính trị khu vực lân bang Afghanistan.

Murray Hunter, 23 tháng 8, 2021. Theo Eurasia Review.

Trần H Sa lược dịch.

Afghanistan là tuyến đầu trong cuộc chiến chống khủng bố của Hoa Kỳ hai mươi năm trước. Điều này dẫn đến việc Hoa Kỳ xâm lược đất nước này sau vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9, ở đó đã diễn ra cuộc truy lùng Osama bin Laden, và các thủ lĩnh khác của phong trào Al-Qaeda. Taliban đã bị đánh bật ra khỏi Afghanistan như một hình phạt vì đã cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho Al-Qaeda, dẫn đến cuộc chiếm đóng hai mươi năm, cùng một thử nghiệm mang lại một xã hội dân chủ cho một quốc gia, nơi mà quyền lực theo truyền thống được phân quyền trong tay các lãnh chúa bộ lạc.

Cái giá phải trả cho cuộc chiến Afghanistan và sự chiếm đóng của Mỹ gây sững sốt với con số 2,25 nghìn tỷ USD. Cuộc chiến đã dẫn đến cái chết của 66.000 người trong lực lượng quân đội và cảnh sát Afghanistan, 47.000 dân thường và 50.000 chiến binh Taliban. Về phía Hoa Kỳ và lực lượng an ninh đồng minh đã thiệt mạng 7.400 người gồm các quân nhân, và những người cung cấp hậu cần.

Trong vài tháng qua, Taliban đã có thể lấp đầy khoảng trống từ việc rút quân của Mỹ và đồng minh một cách rất dễ dàng, họ quay trở lại Kabul mà không phải chiến đấu. Tốc độ của việc này quá nhanh, các nhân viên Hoa Kỳ và đồng minh đang được sơ tán trong bối cảnh hoảng loạn tại Sân bay Quốc tế Hamid Karzai, ở Kabul. Qua một đêm, đất nước được đổi tên thành Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan (IEA).

Việc Mỹ rút khỏi Afghanistan đã để lại một khoảng trống địa chính trị to lớn. Do tính chất đột ngột được nhìn thấy từ sự kiện này, mặc dù việc rút quân đã được diễn ra trong một thời gian dài, nhưng hiện vẫn chưa chắc chắn điều gì sẽ xảy ra một cách chính xác, và quốc gia nào sẽ là người chiến thắng và là kẻ thua cuộc.

Đây có phải là một cuộc rút lui của Hoa Kỳ ra khỏi Trung Á ? Hầu như không, vì Mỹ không dự kiến đưa sức mạnh ra khỏi Afghanistan. Sự hiện diện của Hoa Kỳ chủ yếu liên quan đến vấn đề an ninh nội bộ. Việc rút quân của Mỹ đã giải phóng các nguồn lực và ngăn chặn hố sụp tài chính. Tuy nhiên, với việc không còn hiện diện nhiều trên mặt vật chất ở Afghanistan, các động lực khác sẽ xảy ra, làm thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực.

Trung Quốc có nhiều lợi ích nhất với sự hiện diện của nó trên khắp Trung Á. Trung Quốc có quan hệ đối tác chiến lược với Pakistan, và đang phát triển mối quan hệ đối tác với Iran. Trung Quốc cũng đang hoạt động với Nga trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) mà Iran đang tham gia. Với nhiều quốc gia Trung và Nam Á là thành viên, khối này có thể hành động như một vùng đệm đối với ảnh hưởng ngoại giao và thương mại của Hoa Kỳ trên toàn khu vực.

Trung Quốc hiện có một số lợi ích chiến lược tiềm năng mà họ có thể theo đuổi với Afghanistan. Trung Quốc có đường biên giới dài 50 km với Afghanistan ở phía Đông tỉnh Badakhishan của Afghanistan. Điều này sẽ cho phép các tuyến đường hàng không trực tiếp đến cả Kabul lẫn Iran. Hiện không có đường bộ hoặc đường sắt trực tiếp giữa Trung Quốc và Afghanistan, vì vậy con đường dễ dàng nhất từ ​​Trung Quốc đến Afghanistan sẽ là đi qua Pakistan, dọc theo tuyến đường Hành lang kinh tế Trung Quốc–Pakistan (CPEC) , mà phần lớn đã hoàn thành đến Peshawar ( thành phố lớn thứ 8 của Pakistan ). Con đường này cũng sẽ đi qua các khu vực có khả năng do Liên minh phương Bắc - từng chống lại Taliban - kiểm soát.

Tuyến đường bộ mới dẫn tới Iran sẽ tăng cường khả năng giao thương của Trung Quốc với Iran và Trung Đông, mà không phải phụ thuộc vào các tuyến đường biển từ Vịnh Ba Tư, được tuần tra bởi hải quân Ấn Độ và Hoa Kỳ. Trung Quốc có thể tăng nguồn cung ứng dầu lửa từ Iran với giá thấp hơn, đồng thời tránh né các lệnh trừng phạt của Mỹ. Ngoài ra, chính quyền Taliban ở Kabul sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc khai thác mỏ kim loại đất hiếm, loại sản phẩm mà hiện nay Trung Quốc kiểm soát 80% thương mại thế giới.

Trung Quốc được cho là đã có sự đồng ý từ Taliban, rằng họ sẽ không hỗ trợ Đảng Hồi giáo Turkistan, một tổ chức của người Duy Ngô Nhĩ có mục đích thành lập một nhà nước Đông Turkestan độc lập, trong đó bao gồm tỉnh Tân Cương của Trung Quốc ngày nay. Trung Quốc cũng coi Afghanistan là một địa điểm có khả năng nuôi dưỡng các tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan, có thể khiến các nguồn lực quân sự của Mỹ và các nước phương Tây khác, hướng sự chú ý ra khỏi việc kiềm chế Trung Quốc ở các khu vực khác.

Một Afghanistan ổn định có rất nhiều lợi ích cho Trung Quốc, và sự rút lui của Mỹ đã tạo cho Trung Quốc một cơ hội to lớn để mở rộng ảnh hưởng của nó. Trung Quốc cũng có thể cung cấp cho chính phủ Taliban mới một nguồn tài chính thay thế, nếu các nguồn tài chính của IMF và Ngân hàng Thế giới bị đóng băng.

Uzbekistan, Turkmenistan và Tajikistan chắc chắn bất mãn với một chính phủ Taliban. Trong nhiều thập kỷ đã có nhiều cuộc đụng độ ở biên giới, và sự tham gia của Al-Qaeda từ Afghanistan trong hai cuộc chiến tại Chechnya vừa qua. Tháng trước, đã có các cuộc tấn công của Taliban dọc theo biên giới Tajikistan, nơi có hơn 2.000 quân Afghanistan buộc phải vượt qua biên giới, và cư dân của tỉnh Badakhshan đã chạy trốn qua biên giới, đến Tajikistan. Điều này dẫn đến việc tổng thống Tajikistan, Emomali Rahman phải điều động quân đội và yêu cầu sự trợ giúp của Nga. Khu vực Trung Á thuộc Liên Xô cũ đang bị tấn công tới tấp bởi tuyên truyền của Hồi giáo, nơi ngày càng có nhiều người theo chủ nghĩa Salaf (*) ở các vùng nông thôn, và ước tính có khoảng 5.000 chiến binh rải khắp khu vực.

Bất kỳ cuộc đàn áp nào của Taliban đối với các nhóm dân tộc thiểu số có thể dẫn đến những xích mích rộng lớn hơn. Người Tajiks sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ từ Tajikistan và Nga, trong khi người Uzbek sẽ chuyển sang Uzbekistan, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Iran đã hỗ trợ người Shiite Hazara của Afghanistan chiến đấu chống lại Taliban, bởi Taliban đã từng ngược đãi họ.

Các quốc gia Trung Á là vùng đệm giữa Afghanistan và Nga, là khu vực mà Tổng thống Nga Putin đã đề nghị Mỹ sử dụng các căn cứ ở Trung Á để thu thập thông tin tình báo. Bất kỳ sự trợ giúp nào cho Liên minh phương Bắc sẽ phải đi ngang qua các quốc gia Trung Á này.

Việc Mỹ rút quân có khả năng gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, một mối đe dọa đối với lợi ích của Ấn Độ. Các tình huống xung quanh việc Mỹ rút quân diễn ra vào thời điểm Mỹ đang cố gắng xích lại gần hơn với Ấn Độ trên phương diện song phương và thông qua QUAD, có thể làm chậm lại sự ấm áp của Ấn Độ đối với các mối quan hệ thân thiết hơn trong ngắn hạn.

Đối với Ấn Độ, Taliban ở Kabul có thể được coi là một chiến thắng chính trị-khu vực của Pakistan. Pakistan là quê hương của nhiều thủ lĩnh Taliban trong hai thập kỷ sau vụ 11/9. Quân đội Pakistan và nhà nước Hồi giáo Iraq đóng một vai trò quan trọng trong sự hình thành Taliban vào năm 1994. Tuy nhiên, rất có thể Taliban sẽ không quên sự hợp tác của Pakistan với Mỹ trong hai thập kỷ qua. Taliban cũng có thể được coi như là một phong trào Pashtun theo chủ nghĩa dân tộc chủ nghĩa, một phong trào có Taliban sinh hoạt ở Pakistan đã bị quân đội Pakistan rượt đuổi về Afghanistan. Taliban, ở cả Afghanistan và Pakistan đều mong muốn tạo ra một tiểu vương quốc Hồi giáo Pashtun.

Tuần này, một phát ngôn viên của Taliban, tuyên bố rằng họ không chấp nhận Đường Durand, một đường do người Anh vẽ vào năm 1893 để xác định biên giới giữa Pakistan và Afghanistan. Đường Durand (**) cắt qua những vùng đất bị chiếm đóng bởi người Pashtun, những kẻ thống trị Taliban. Mười lăm triệu người Pashtun sống ở Afghanistan, với tổng dân số là 40 triệu người, và 42 triệu người Pashtun sống ở Pakistan, quốc gia có tổng dân số 216 triệu người. Đây là khu vực có khả năng xảy ra xung đột bên trong Pakistan nếu Taliban thiên về chiến đấu và chủ nghĩa dân tộc hơn, theo đuổi vấn đề này, đặc biệt là nếu Taliban bị vỡ ra từng nhóm. Mullah Abdul Ghani Baradar, một người Pashtun đã trải qua 8 năm trong nhà tù ở Pakistan, người có thể được bổ nhiệm làm chủ tịch Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan.

Châu Âu đang tự dốc sức cho một đợt gia tăng mới từ người nhập cư Afghanistan. BBC thông báo rằng Hy Lạp đã vội vàng xây dựng một hàng rào 40 km trên biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn người di cư Afghanistan. Cũng có dự đoán rằng sẽ có sự gia tăng nguồn cung cấp thuốc phiện bất hợp pháp trên khắp thế giới, do sự rút lui của Hoa Kỳ.

Cuộc di tản cuối cùng của Hoa Kỳ khỏi Sân bay Quốc tế Hamid Karzai phân cắt hai lối nhận thức chính trị. Các phương tiện truyền thông chính thống đang miêu tả cuộc di tản hỗn loạn là một thất bại to lớn của chính quyền Biden, và các phương tiện truyền thông xã hội cực đoan của Hồi giáo đang sử dụng những cảnh này như một sự truyền cảm hứng cho tuyên truyền thánh chiến. Đảng Hồi giáo Malaysia của Malaysia, một thành viên trong chính phủ mới của Malaysia đã gửi một thông điệp chúc mừng chính thức tới Taliban về việc họ nắm lại quyền lực vào tuần trước. Tuy nhiên, thực tế mà Taliban cung cấp cho Mỹ và các đồng minh NATO tự do đi lại, cho thấy một thỏa thuận vững chắc và họ vẫn liên lạc với nhau qua các cuộc trao đổi theo thời gian thực.

Các ý định lâu dài của Mỹ đối với Taliban sẽ được đánh giá nhanh chóng bằng việc quan sát cách họ đối phó với Amrullah Saleh và Liên minh phương Bắc trong tương lai. Nhiều cựu binh sĩ Afghanistan đã tìm đường đến Thung lũng Panjshir và vẫn trung thành với tổng thống Afghanistan tự tuyên bố là Amrullah Saleh, và Ahmad Shah Massoud chỉ huy Liên minh phương Bắc, người từng là bộ trưởng quốc phòng.

Một số nhà phân tích khẳng định các cấp chỉ huy cao hơn của Taliban đã trưởng thành trong hai mươi năm qua, nhận thấy sự cần thiết phải hoạt động ngoại giao nhiều hơn, trong khi ở cấp thấp hơn, các chỉ huy trên thực địa chiến trường cứng rắn hơn nhiều trong niềm tin và hành động của họ.

Taliban là một hệ tư tưởng dựa trên Shariah - luật tôn giáo tạo ra một phần truyền thống Hồi giáo - mà nhiều người ở Afghanistan chấp nhận, mặc dù 20 năm với chủ nghĩa tự do ở Kabul đã thay đổi những người sống dưới ảnh hưởng của chính quyền cũ. Đây là lý do tại sao chiến lược xây dựng quốc gia của Mỹ và các đồng minh NATO đã thất bại, bởi vì các khái niệm dân chủ của phương Tây không được coi là tương thích với Shariah, đặc biệt là ở các tỉnh. Taliban theo một hình thức ôn hòa của Hồi giáo Hanafi, cho phép sử dụng các phong tục địa phương. Nhiều nông dân là lính bán thời gian của Taliban, trung thành với các chỉ huy địa phương trẻ tuổi, những người hiện xuất thân từ nền tảng bộ tộc đa dạng hơn so với thế hệ Pashtun già hơn. Những chỉ huy trẻ hơn này cũng từng sống bên trong Pakistan dưới sự chiếm đóng của Hoa Kỳ và dưới chính quyền Kabul tham nhũng, vì vậy họ có quan điểm cứng rắn đối với những người hợp tác với chế độ cũ và các lực lượng quân sự nước ngoài.

Ở đây có nguy cơ là các thủ lĩnh Taliban có thể không kiểm soát được các chỉ huy trẻ trên chiến trường, ở đó kịch bản tồi tệ nhất sẽ là chia rẽ, bất ổn chính trị, và giao tranh. Quyền bính của Taliban cũng sẽ phụ thuộc vào cách các lãnh chúa bộ lạc khác nhau chấp nhận chính quyền ở Kabul. Các nhóm đối lập từ Liên minh phương Bắc, các lãnh chúa chống Taliban và Nhà nước Hồi giáo có thể chống lại sự kiểm soát của Taliban, điều này có thể dẫn đến nội chiến. Đã có một số cuộc cạnh tranh giữa Taliban và nhà nước Hồi giáo đối với việc kiểm soát các bộ phận buôn bán ma túy ở Afghanistan.

Chỉ có thời gian mới cho biết liệu Taliban có đảm nhận lớp vỏ là một chính phủ, hay tiếp tục là một tổ chức nổi dậy có ý định xuất khẩu “giải phóng Hồi giáo” ra bên ngoài Afghanistan hay không. Taliban phải quyết định liệu có nên tham gia vào chính phủ để quản trị, hay quay trở lại những ngày mà chúng đã che giấu và nuôi dưỡng các tổ chức cực đoan. Một báo cáo gần đây của Liên Hiệp Quốc khẳng định Al-Qaeda hiện đang hiện diện tại 15 tỉnh của Afghanistan, cùng với các chiến binh kỳ cựu của Đảng Hồi giáo Turkestan (TIP) trước đây tham chiến ở Syria. Ngoài ra còn có các cựu chiến binh Daesh hoặc Nhà nước hồi giáo đã chiến đấu ở Iraq và Syria sống rải rác xung quanh vùng nông thôn. Afghanistan cũng đang cho lưu trú những người Duy Ngô Nhĩ lưu vong. Đây là nguy cơ và cơ hội cho Afghanistan.

Phần lớn sẽ phụ thuộc vào việc có bao nhiêu quốc gia và tổ chức quốc tế công nhận chính quyền Taliban. Nếu châu Âu, Mỹ và các tổ chức quốc tế quan trọng không công nhận chính phủ Taliban, thì chính phủ mới sẽ bị đẩy vào thế bí. Đây có lẽ là lý do tại sao Taliban đã liên hệ với cựu tổng thống Hamid Karzai, một thủ lĩnh bộ lạc Pashtun, để hỗ trợ thành lập một chính phủ khả thi và có thể chấp nhận được đối với Mỹ và các đồng minh NATO. Tuy nhiên, những đánh giá của Nga về tình hình ở Afghanistan là thích thú với sự tan rã của chính phủ Afghanistan mới.

Mỹ sẽ phải hoàn toàn xem xét lại toàn bộ các chiến lược an ninh, ngoại giao và thương mại đối với Khu vực Trung Á, vì tiểu bán cầu này sắp phải trải qua một sự thay đổi với các động lực mới mang nhiều màu sắc biến ảo, điều phải cần được tính đến.


_ Murray hiện là phó giáo sư tại Đại học Malaysia Perlis, ông dành nhiều thời gian tư vấn cho các chính phủ châu Á về phát triển cộng đồng và công nghệ sinh học làng xã, cả ở cấp chiến lược lẫn trên “thực địa”. Ông cũng là giáo sư thỉnh giảng tại một số trường đại học và là diễn giả thường xuyên tại các hội nghị và hội thảo trong khu vực.

_ Chú thích :

(*) Chủ nghĩa Salaf gồm những người Sunni cực đoan, những người tin rằng chỉ có họ mới là những người giải thích chính xác Kinh Koran và coi những người Hồi giáo ôn hòa là những kẻ ngoại đạo; tìm cách cải đạo tất cả những người Hồi giáo và bảo đảm rằng phiên bản Hồi giáo chính thống của chính họ sẽ thống trị thế giới.

(**) Đường Durand là biên giới quốc tế dài 2.430 km giữa Pakistan và Afghanistan. Nó được thành lập vào năm 1896 giữa Sir Mortimer Durand, một nhà ngoại giao và công chức Anh của Ấn Độ thuộc Anh, và Abdur Rahman Khan, vua Afghanistan. Đường Durand cắt qua các khu vực người Pashtun và đi về phía nam qua khu vực Balochistan, phân rẻ chính trị dân tộc Pashtuns, cũng như Baloch và các nhóm dân tộc khác sống ở cả hai bên biên giới. Từ quan điểm địa chính trị và địa chính trị, nó đã được miêu tả là một trong những biên giới nguy hiểm nhất trên thế giới. Mặc dù được công nhận trên bình diện quốc tế như là biên giới phía tây của Pakistan, nhưng phần lớn vẫn chưa được công nhận ở Afghanistan.


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.