"Đây không phải là Sài Gòn. Điều này còn tồi tệ hơn cả Sài Gòn".

Tại sao chính quyền Mỹ lại quá chậm chạp trong việc sơ tán các đồng minh của Mỹ ở Afghanistan, khi họ cố gắng chạy trốn Taliban?

Người Afghanistan bám vào một máy bay của Không quân Mỹ, cố gắng thoát khỏi Kabul. (Associated Press)Screenshot

Russell Berman, Ngày 19 Tháng Tám, 2021… Theo The Atlantic.

Trần H Sa lược dịch.

Người Afghanistan chưa sẵn sàng rời đi.

Đó là cách mà Tổng thống Joe Biden, trong bài phát biểu của ông trước toàn quốc hôm thứ Hai, cố gắng giải thích lý do tại sao chính quyền của ông đã không hành động sớm hơn và nhanh hơn, để sơ tán các đồng minh của Mỹ ra khỏi Afghanistan, trước cuộc hành quân nhanh chóng của Taliban đến Kabul. Ông Biden nói, nhiều đối tác địa phương, những người đã hỗ trợ quân đội Mỹ trong cuộc chiến kéo dài 20 năm - như các thông dịch viên, các nhà hoạt động, các công chức và những người khác - "vẫn hy vọng vào đất nước của họ" . Ông không đề cập đến một lý do hợp lý nào khác cho sự chậm trễ của Hoa Kỳ - một lời giải thích mơ hồ hơn được thì thầm bởi các thành viên Dân chủ của Quốc hội, các nhân viên cứu trợ, và thậm chí một số quan chức chính quyền trong những ngày gần đây : Đó có phải là chính trị hay không? Có phải nỗi sợ bị chỉ trích từ những người Cộng hòa đã khiến tổng thống từ chối một dòng người tị nạn hiện đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng?

Tất cả những gì mà Krish O'Mara Vignarajah được biết là lời giải thích của Biden nghe có vẻ sai. Vignarajah, người điều hành một cơ quan tái định cư có trụ sở tại Baltimore có tên là Dịch vụ Nhập cư và Tị nạn Lutheran, nói với tôi rằng, từ mùa xuân cô ấy đã bị tràn ngập với những lời cầu xin từ các đồng minh Afghanistan của Mỹ để giúp họ trốn thoát. Vignarajah nói, "chúng tôi đã muốn chia sẻ thông tin với càng nhiều người càng tốt rằng, chúng ta cần phải đưa các đồng minh này ra ngoài. Sự thật không thể phủ nhận là chúng ta có cả phương tiện lẫn thời gian để cứu những người gặp nguy hiểm đó, nhưng chúng ta đã bỏ mặc không hành động, mà chẳng có cách nào để hiểu đó là công việc có ý nghĩa."

Eskinder Negash, cựu giám đốc tái định cư người tị nạn trong chính quyền Obama, hiện là chủ tịch Ủy ban Người tị nạn và Nhập cư Hoa Kỳ, nói với tôi rằng tuyên bố của Biden là "không phù hợp" với những gì mà nhóm của ông đang nghe và đang thấy. Negash nói, "họ đang cầu xin, họ muốn ra khỏi càng sớm càng tốt", Việc sơ tán bị trì hoãn đã dẫn đến cảnh hỗn loạn và tuyệt vọng tại sân bay ở Kabul, gợi nhớ đến cảnh rời khỏi Sài Gòn một cách vội vã ở phút cuối hồi kết thúc Chiến tranh Việt Nam, năm 1975. Vignarajah nói với tôi, "Đây không phải là Sài Gòn. Điều này còn tệ hơn Sài gòn."

Hình ảnh chiếc trực thăng quân sự cuối cùng rời khỏi tòa đại sứ Hoa Kỳ hiện đã trở nên nổi tiếng, nhưng trước và sau khi miền Nam Việt Nam sụp đổ, Hoa Kỳ đã dàn xếp giúp 135.000 thường dân Việt Nam chạy trốn đến nơi an toàn. So sánh, chính quyền Biden cho biết họ chỉ chuyển được 2.000 đồng minh Afghanistan sang Mỹ. Vignarajah nói với tôi, có tới 80.000 người Afghanistan vẫn đang được giải quyết trong chương trình Thị thực nhập cư đặc biệt, bởi vì luật pháp cho phép những người nộp đơn mà đủ điều kiện, mang theo các thành viên gia đình ngay lập tức. Bao nhiêu người trong số họ sẽ có thể thoát ra là chưa rõ ràng.

Đến chiều thứ Hai (16/8), quân đội Hoa Kỳ đã tiếp quản sân bay Kabul, và các quan chức Ngũ giác đài cho biết họ có thể sơ tán tới 9.000 người mỗi ngày từ Afghanistan. Vignarajah nói, mặc dù hàng ngàn người đã tràn vào sân bay, nhưng còn hàng ngàn người khác hiện đang bị lôi kéo giữa việc thực hiện một cuộc hành trình đầy rủi ro đến Kabul, hay trốn Taliban ở trong nhà của họ. CNN đưa tin, tháng trước, một thông dịch viên lâu năm người Afghanistan làm việc cho Mỹ đã bị chặn lại tại một trạm kiểm soát của Taliban trên đường đến Kabul, bị kéo ra khỏi xe và bị chặt đầu tại chỗ. Đồng nghiệp của tôi, George Packer đã báo cáo về một người tị nạn Afghanistan khác, bị sát hại do sự trả thù vì anh ấy đã làm việc cho Hoa Kỳ. Vignarajah nói, "sự thật đau lòng là Taliban biết một số người trong số họ là ai, và họ sẽ phải tự bảo vệ mình nếu Hoa Kỳ không đưa họ ra ngoài". Trong một tuyên bố, một quan chức Tòa Bạch Ốc nhấn mạnh còn hơn 17.000 đơn đăng ký tồn đọng từ chính quyền Trump, và nói rằng họ đã tiến hành một "nỗ lực liên ngành to lớn và phức tạp thông qua hai chính phủ " để đẩy nhanh quá trình xử lý thị thực.

Lời kêu gọi Mỹ sơ tán các đồng minh Afghanistan bắt đầu, ngay sau khi ông Biden công bố kế hoạch rút quân nhanh chóng hồi tháng 4. Quốc hội đã hành động vào tháng trước để giúp đẩy nhanh quá trình nộp đơn vốn nổi tiếng là chậm chạp, và khiến cho nhiều người Afghanistan đủ điều kiện tái định cư. Tuy nhiên, các cơ quan viện trợ và các nhà lập pháp đều bị ngẩn người khi chính quyền không hành động khẩn cấp hơn. Một trợ lý quốc hội dân chủ làm việc về tái định cư, với điều kiện giấu tên, nói với tôi rằng Tòa Bạch Ốc chưa bao giờ chỉ ra rằng nhiều người Afghanistan chưa sẵn sàng rời đi. Lời giải thích nhân đức nhất mà tôi được nghe, đến từ Negash, ông ta nói rằng chính quyền "thực sự ngạc nhiên" về việc Afghanistan sụp đổ nhanh như thế nào. Ông nói, "đó không chỉ là một cái cớ, tôi không nghĩ rằng chính quyền mong đợi kiểu tiếp quản này."

Tuy nhiên, ở chổ riêng tư, nhiều người đã nói chuyện với các quan chức chính phủ trong vài tháng qua, nói với tôi rằng họ nghi ngờ chính trị đóng một vai trò trong nhịp độ dừng lại của việc sơ tán. Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên. Người tiền nhiệm của Biden đã lên nắm quyền bằng cách phỉ báng người nhập cư, và nhập cư vẫn là một điểm nóng của mọi nhiệm kỳ tổng thống thời hiện đại. Ngay từ khi ông Biden nhậm chức, những người Cộng hòa đã chỉ trích ông vì đã cho phép những người xin tị nạn vượt qua biên giới phía nam từ Mexico được ở lại Mỹ, trong khi chờ xét xử các trường hợp của họ. Mặc dù ông đã đảo ngược sự thù địch của chính quyền Trump đối với người nhập cư và người tị nạn, Biden đã do dự đảo ngược một số chính sách của người tiền nhiệm, đáng chú ý nhất là khi ông trì hoãn trong vài tháng, việc nâng giới hạn tiếp nhận số người tị nạn mà Trump đã hạ thấp. Các nhà bình luận cánh hữu nổi tiếng như Tucker Carlson và Laura Ingraham, cũng như cựu cố vấn cao cấp của Trump, Stephen Miller, đã cảnh báo chống lại việc tiếp nhận hàng ngàn người tị nạn từ Afghanistan. Vào tối thứ Hai (16/8), Carlson, người tổ chức chương trình tin tức truyền hình cáp được xem rộng rãi nhất trong cả nước, nói với khán giả của mình, "Trước tiên chúng ta xâm lược, và sau đó chúng ta bị xâm lược."

Công dân Afghanistan tại sân bay Kabul.
Đám đông chờ đợi ở Sài Gòn năm 1975(trái)và Kabul vào năm 2021.

Tuy nhiên, bất chấp những tiếng rú từ những người trung thành với Trump, các quan chức đang làm việc để tái định cư người tị nạn nói rằng, các đồng minh Afghanistan được hưởng sự hỗ trợ lưỡng đảng rộng lớn hơn nhiều, so với các cộng đồng khác bị lâm vào tình thế cực kỳ nguy hiểm trong những năm gần đây, bao gồm cả những người di cư đã chạy trốn khỏi Trung Mỹ và cuộc nội chiến Syria, đặc biệt là vì họ đã hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Hoa Kỳ, và vì cuộc xâm lược Afghanistan của Hoa Kỳ vào năm 2001 là một phần nguyên nhân gây ra hoàn cảnh của họ. Trong nhiều trường hợp, họ cũng đã được xem xét chặt chẽ bởi quân đội hoặc các cơ quan tình báo Hoa Kỳ về công việc của họ. Ngay cả Trump ban đầu cũng kêu gọi giúp đỡ những người Afghanistan bị bỏ lại phía sau, sau đó thì rút lại sự giúp đỡ khi mà những người ủng hộ ông quay lưng lại với người Afghanistan. "Đó là một mệnh lệnh đạo đức. Đó là một mệnh lệnh an ninh quốc gia", Dân biểu Jason Crow của Colorado, một đảng viên Dân chủ và là một cựu chiến binh Lục quân từng phục vụ ở Iraq và Afghanistan, nói với tôi. "Và chúng ta phải gửi thông điệp tới thế giới rằng, cái bắt tay của Mỹ là quan trọng".

Tại Hạ viện, các thành viên cao cấp của đảng Cộng hòa đã tham gia vào nỗ lực của Crow để tăng tốc độ tái định cư từ Afghanistan. Một số thống đốc đảng Cộng hòa, bao gồm Brian Kemp bảo thủ của Georgia, đã đề nghị tiếp nhận người tị nạn. Negash nói với tôi, "thành thật mà nói với anh, chúng tôi đang nhận được một số lượng hỗ trợ đáng kinh ngạc. Tôi chưa bao giờ thấy điều này trước đây." Lời đề nghị giúp đỡ đến ồ ạt. Negash nói rằng khi chúng tôi đang nói chuyện qua điện thoại, thì anh ấy nhận được một email từ giám đốc toàn cầu của Hyatt Hotels hỏi, liệu công ty có thể giúp đỡ người tị nạn hay không.

Vấn đề lớn nhất ghi dấu cuộc tranh luận về người tị nạn có thể là chính bản thân ông Biden. Tổng thống, trong sự nghiệp lâu dài của mình, đã nhiều lần chế giễu chử "khoản nợ" để nói như là Hoa Kỳ nợ người nước ngoài, những người mạo hiểm mạng sống của họ để giúp người Mỹ trong thời chiến, và chế giễu lòng tin mơ hồ rằng Hoa Kỳ nên dành nhiều nỗ lực để giải cứu họ. Tôi đã hỏi Crow, người đã thúc đẩy chính quyền mạnh mẽ hơn bất kỳ đảng viên Dân chủ nào khác, liệu ông có tin rằng Biden thực sự đứng đằng sau nỗ lực cứu các đồng minh Afghanistan hay không.

Ông ấy nói với tôi, "tôi không phải là một người đọc được tâm trí. Tôi không muốn biết tổng thống Mỹ hay bất kỳ ai khác đang nghĩ gì về vấn đề đó tại bất kỳ thời điểm nào".

Ông ta nhanh chóng bổ sung thêm một lưu ý, phục vụ như một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với tổng thống - và thêm một chút áp lực vì những người đàn ông và phụ nữ đang cố gắng chạy trốn Taliban mà phải làm điều đúng cho họ. "Tôi biết Tổng thống Biden là một người đàn ông có lòng trắc ẩn, một con người có trái tim, một con người liêm chính", Crow nói.

_ Russell Berman là một ngòi bút chuyên về chính trị ở The Atlantic.

P/s : Bàn về chử NỢ mà bài báo cho biết ông Biden thường chế giễu.

Hoa kỳ thi hành và giúp VNCH thực thi sách lược ngăn chặn làn sóng đỏ cọng sản từ phương bắc với chiến lược quân sự qua hai thời kỳ khác nhau.

1) Thời kỳ thứ nhất : Tổng thống Eisenhower và thời kỳ đầu của tổng thống Kennedy thì ngăn chặn bằng "răn đe hạt nhân". Sự có mặt của quân nhân Mỹ ở miền Nam Việt Nam vẫn hạn chế trong khuôn khổ huấn luyện. Sau sự cố hỏa tiển mang đầu đạn hạt nhân ở Cuba 1962, Trung cọng tăng tốc cố thủ đắc vũ khí hạt nhân. Ông Kennedy bắt đầu xem xét chuyển đổi chiến lược răn đe hạt nhân bằng sự hiện diện chính thức của quân đội Mỹ ở Nam Việt Nam. Những tranh cải sau này cho rằng ông Kennedy không muốn đổ quân hoặc muốn đổ quân vào Nam Việt Nam là kết quả của giai đoạn muốn chuyển đổi chiến lược quân sự này.

2) Thời kỳ thứ hai : Tháng 10/1964, Trung cọng thành công trong lần thử nghiệm cho nổ bom hạt nhân đầu tiên. Tháng 3/1965, tổng thống Jhonson chính thức thi hành chiến lược sử dụng Lục quân Mỹ tại Nam Việt Nam để ngăn chặn làn sóng đỏ cọng sản thay cho chiến lược "răn đe hạt nhân". Suốt từ 1965 đến khi Mỹ rút quân, người lính VNCH chiến đấu chống cọng song song với người Mỹ ngăn chặn cọng sản. Hai quân đội là đồng minh cùng chiến đấu bên nhau vì có cùng mục đích, không ai nợ ai trên tầm chiến lược. Nhưng, trên thực địa chiến trường, có khi người lính VNCH nợ lính Mỹ cũng như có khi người lính Mỹ nợ người lính VNCH vào những lúc bên này quyết hy sinh tính mạng để cứu nguy cho bên kia.

Nói cụ thể khi một anh binh nhì trong QLVNCH bị tử thương do chiến đấu hết mình để gở nguy thế trận cho một người lính hay một đơn vị lính Mỹ, thì không chỉ VNCH mà cả chính phủ Mỹ cũng NỢ vợ con anh binh nhì đó một mạng sống của chồng, cha họ.

Nhìn lại một công nhân cho hảng thầu RMK của Mỹ đấu thầu xây dựng ở miền Nam Việt Nam, hầu như chính phủ Mỹ chẳng có NỢ gì đối với người này.

Vậy mà trong chính sách tái định cư cho những người mà chính phủ Mỹ tự nhận là NỢ, thì có anh công nhân của RMK, còn người binh nhì của QLVNCH thì không. Phải chăng đối tượng cho chương trình tái định cư của Mỹ xưa nay là "những người thân kẻ thuộc" của Mỹ; chứ chẳng phải là những người mà chính phủ Mỹ đã NỢ.

Nhìn sâu vào đề tài này, ai cũng có thể chế giễu chử NỢ mà chương trình tái định cư của Mỹ đang sử dụng, như ông Biden từng chế giễu…./ THS.


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.