Evergrande có thể biến thành 'Anh em nhà Lehman của Trung Quốc' như thế nào

Sự sụp đổ của nhà phát triển bất động sản 'quá lớn để phá sản' có thể gây ra cơn sóng thần tài chính.

Tính đến cuối tháng 6, Evergrande nợ gần 2 nghìn tỷ nhân dân tệ (309 tỷ USD) trên sổ sách, cộng thêm số nợ ngoài sổ sách chưa được xác định. © AP

WANG JING, CHEN BO, YU NING, ZHU LIANGTAO, WANG JUANJUAN, ZHOU WENMIN và DENISE JIA, Caixin
Ngày 21 tháng 9 năm 2021 16:05 JST… Theo Nikkei Asia.

Trần H Sa lược dịch.

Trong hai tháng qua, hàng trăm người đã tập trung tại Trung tâm Zhuoyue Houhai 43 tầng ở Thâm Quyến, nơi có trụ sở chính của Tập đoàn China Evergrande chiếm hết 20 tầng. Họ cầm biểu ngữ đòi trả các khoản vay quá hạn và các sản phẩm tài chính. Cảnh sát với khiên chắn chống bạo động đứng gác để kiểm soát đám đông.

Những người biểu tình là công nhân xây dựng từ các dự án nhà ở của chủ đầu tư bất động sản Evergrande, các nhà cung ứng cung cấp vật liệu xây dựng và các nhà đầu tư vào các sản phẩm quản lý tài sản của công ty (WMPs). Từ các nhà cung ứng sơn cho đến các công ty trang trí và xây dựng, Evergrande nợ hơn 800 tỷ nhân dân tệ (124 tỷ USD) chỉ trong vòng một năm, mặc dù chỉ có 1/10 trong số đó là nợ bằng tiền mặt.

Tính đến cuối tháng 6, Evergrande có khoản nợ gần 2.000 tỷ nhân dân tệ trên sổ sách của mình, cộng thêm số nợ ngoài sổ sách chưa được xác định. Nhiều tổ chức tin rằng gã khổng lồ bất động sản này đang trên đà tái cơ cấu nợ khủng khiếp, hoặc thậm chí phá sản.

Một vụ phá sản sẽ dẫn đến cơn sóng thần tài chính, hay như một số nhà phân tích đã nói, "Anh em nhà Lehman của Trung Quốc". Anh em nhà Lehman là sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Mỹ năm 2008 đã giúp kích hoạt một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Chắc chắn Evergrande, một trong ba nhà phát triển lớn nhất Trung Quốc, có dấu chân khổng lồ ở đất nước Trung Quốc.

Nợ phải trả của nó tương đương khoảng 2% GDP của Trung Quốc, và nó có hơn 200.000 nhân viên, những người mà bản thân họ và nhiều người trong gia đình của họ đã đầu tư hàng tỷ nhân dân tệ vào các sản phẩm quản lý tài sản của công ty. Nó có hơn 800 dự án đang được xây dựng, hơn một nửa trong số đó đã tạm dừng do tình hình khan hiếm tiền mặt của công ty. Ngoài ra, hàng nghìn công ty có hoạt động giai đoạn đầu và giai đoạn cuối dựa vào Evergrande để kinh doanh, tạo ra hơn 3,8 triệu việc làm mỗi năm.

Giống như nhiều tập đoàn "quá lớn để sụp đổ" (*) của Trung Quốc, cuộc khủng hoảng của Evergrande đã làm dấy lên suy đoán về việc liệu chính phủ có sẽ can thiệp để giải cứu hay không. Một số doanh nghiệp nhà nước, bao gồm cả Tập đoàn Nhà ở Tài năng Thâm Quyến và Đầu tư Thâm Quyến, cả hai đều do Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản sở hữu Nhà nước của Thâm Quyến (SASAC) kiểm soát, đang đàm phán với Evergrande về các dự án ở Thâm Quyến, theo những người thân cận trong các cuộc thảo luận. Nhưng cho đến nay, không có giao dịch nào đạt được.

Trong một tuyên bố vào tuần trước, Evergrande đã phủ nhận tin đồn rằng họ sẽ phá sản. Mặc dù nhà phát triển này phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có, họ đang hoàn thành trách nhiệm của mình và đang làm mọi thứ có thể để khôi phục các hoạt động bình thường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, theo một tuyên bố trên trang web của họ.

Công ty đã thuê các cố vấn tài chính để khám phá "tất cả các giải pháp khả thi" nhằm giảm bớt tình trạng khan hiếm tiền mặt, cảnh báo rằng không có gì bảo đảm cho việc công ty sẽ đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của họ. Công ty đã nhiều lần báo hiệu rằng họ sẽ bán số vốn chủ sở hữu và tài sản bao gồm, không giới hạn ở các bất động sản đã đầu tư, khách sạn và các quyền sở hữu khác, đồng thời thu hút các nhà đầu tư để tăng vốn chủ sở hữu của Evergrande và các chi nhánh của nó.

Sự gia tăng tiền vay.

Evergrande đã phải đối mặt với áp lực thanh toán bằng tiền mặt nhiều lần trong những năm qua, nhưng mỗi lần như vậy, nó đều tương đối bình yên. Lần này khủng hoảng về dòng tiền và niềm tin là chưa từng có.

Cổ phiếu của Evergrande tại Hồng Kông giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong 10 năm. Trái phiếu trong nước của nó đã giảm xuống mức mà các nhà đầu tư gọi là mức trái phiếu mặc định. Cả ba công ty xếp hạng tín nhiệm toàn cầu và một công ty xếp hạng trong nước đã hạ bậc nợ của Evergrande.

Trong nhiều năm, các chủ đầu tư Trung Quốc đã được thúc đẩy bởi ba phương tiện để tăng trưởng cao hơn: doanh thu cao, lợi nhuận gộp cao và tỷ lệ đòn bẩy cao. Các chủ đầu tư sử dụng tiền vay để mua đất, thu tiền bán bất động sản trước khi các dự án bắt đầu, và sau đó vay thêm tiền để đầu tư vào các dự án mới.

Năm 2018, Evergrande báo cáo lợi nhuận kỷ lục 72 tỷ nhân dân tệ, cao hơn gấp đôi so với năm trước. Nhưng đằng sau hậu trường, nó đã chi hơn 100 tỷ nhân dân tệ hàng năm cho tiền lãi.

Ngay cả trong những năm ăn nên làm ra, công ty thường có dòng tiền kinh doanh âm, không đủ tiền mặt để trang trải các khoản vay ngắn hạn mà đã đáo hạn trong năm, và không đủ doanh thu bán trước, để trả cho các nhà cung ứng vật liệu. Ngoài việc vay từ các ngân hàng, Evergrande cũng đã vay từ các giám đốc điều hành và các nhân viên.

Khi các chủ đầu tư tìm kiếm tiền tài trợ từ các ngân hàng, các bên cho vay thường yêu cầu các khoản đầu tư cá nhân từ các giám đốc điều hành của các chủ đầu tư, như một biện pháp kiểm soát rủi ro, một cựu nhân viên tại bộ phận quản lý tài sản của Evergrande nói với nhà báo của Caixin. "Vào những thời điểm như thế này, Evergrande sẽ có một chiến dịch gây quỹ nội bộ", người quản lý cho biết. "Hoặc các giám đốc điều hành sẽ tự bỏ tiền túi của họ, hoặc họ sẽ đặt ra mục tiêu cho từng bộ phận."

Một sản phẩm huy động vốn từ cộng đồng được phát hành cho các giám đốc điều hành, được gọi là 'gói siêu lãi' (chaoshoubao), có nghĩa là "tài sản tích lũy được trả lại với siêu lợi nhuận". Vào năm 2017, Evergrande đã cố gắng xin tiền tài trợ dự án từ Ngân hàng China Citic thuộc sở hữu nhà nước ở Thâm Quyến, ngân hàng này yêu cầu đầu tư cá nhân từ các giám đốc điều hành của Evergrande. Sau đó, công ty đã phát hành 'gói siêu lãi' cho nhân viên, hứa hẹn trả lãi hàng năm 25% và hoàn trả gốc lẫn lãi trong vòng hai năm. Khoản đầu tư tối thiểu là 3 triệu nhân dân tệ. Ngân hàng Citic Trung Quốc cuối cùng đã đồng ý cung cấp 40 tỷ nhân dân tệ quỹ mua lại các 'gói siêu lãi' này cho Evergrande.

Năm 2020, Chen Xuying, cựu phó chủ tịch Ngân hàng Citic Trung Quốc và là giám đốc chi nhánh Thâm Quyến của ngân hàng này từ năm 2012 đến 2018, bị kết án 12 năm tù vì nhận hối lộ sau khi phát hành các khoản cho vay.

Một giám đốc điều hành cao cấp tại Evergrande cho biết cá nhân ông đã đầu tư 1,5 triệu nhân dân tệ và huy động cấp dưới đầu tư 1,5 triệu nhân dân tệ vào 'gói siêu lãi'. Một số nhân viên thậm chí còn vay tiền để đầu tư vào 'gói siêu lãi' vì lợi tức 25% cao hơn nhiều so với lãi suất đi vay.

Khi 'gói siêu lãi' đáo hạn trả hết cả tiền lời lẫn tiền vốn vào năm 2019, công ty yêu cầu các nhân viên đã mua sản phẩm này đồng ý gia hạn thêm một năm để được hoàn trả. Sau đó, vào năm 2020, công ty yêu cầu gia hạn thêm một năm nữa. Một nhà đầu tư cho biết người mua nhận được lợi nhuận hàng năm từ 4% đến 5% trong bốn năm qua, thấp hơn nhiều so với mức lợi nhuận được hứa hẹn là 25%.

Khi cuộc khủng hoảng dòng tiền mặt của Evergrande bùng nổ, công ty đã chọn chỉ trả nợ gốc cho các giám đốc điều hành hiện tại. Từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9, công ty đã hoàn trả cho các giám đốc điều hành và các nhân viên hiện tại khoảng 2 tỷ nhân dân tệ nhưng vẫn còn nợ các nhân viên cũ 200 triệu nhân dân tệ, bao gồm Ren Zeping, cựu kinh tế trưởng của Evergrande, người đã gia nhập công ty tài chính Soochow Securities vào tháng 3.

Cựu nhân viên tại bộ phận quản lý tài sản của Evergrande cho biết, bộ phận tài sản của Evergrande cũng bán các sản phẩm quản lý tài sản của công ty cho công chúng. Hầu hết các sản phẩm quản lý tài sản này đều mang lại lợi nhuận từ 5% đến 10%, với khoản đầu tư tối thiểu là 100.000 nhân dân tệ. Một nhân viên cho biết, lợi nhuận cao hơn so với sản phẩm quản lý tài sản thường được bán tại các ngân hàng, nhiều nhân viên của Evergrande đã mua chúng và thuyết phục gia đình và bạn bè đầu tư vào đó. Thông thường, một sản phẩm quản lý tài sản trị giá 20 triệu nhân dân tệ, được bán hết chỉ trong vòng năm ngày.

Công ty cũng bán sản phẩm quản lý tài sản cho các đối tác xây dựng. Evergrande yêu cầu các công ty xây dựng mua các sản phẩm quản lý tài sản bất cứ khi nào cần trả tiền cho họ, một cựu nhân viên tại bộ phận xây dựng của Evergrande nói với nhà báo của Caixin.

“Nếu các công ty xây dựng bị Evergrande thiếu nợ 1 triệu hoặc 2 triệu nhân dân tệ, chúng tôi sẽ yêu cầu họ mua các sản phẩm quản lý tài sản từ 100.000 nhân dân tệ đến 200.000 nhân dân tệ, hoặc khoảng 10% khoản phải thu của họ,” cựu nhân viên này nói. Mặc dù không bắt buộc các công ty xây dựng phải mua các sản phẩm quản lý tài sản, nhưng họ thường làm như vậy để duy trì mối quan hệ tốt đẹp với công ty, nhân viên này cho biết. Ngoài ra, các chủ sở hữu bất động sản Evergrande cũng là người mua các sản phẩm quản lý tài sản của Evergrande.

Khoảng 40 tỷ nhân dân tệ của các sản phẩm quản lý tài sản hiện đã đến hạn thanh toán. Du Liang, tổng giám đốc bộ phận tài sản của Evergrande cho biết: “Rất khó để Evergrande có thể hoàn trả tất cả các khoản nợ cùng một lúc vào lúc này."

Ban đầu Evergrande đề xuất áp dụng thời gian trì hoãn trả nợ kéo dài, với các khoản đầu tư từ 100.000 nhân dân tệ trở lên sẽ được hoàn trả trong vòng 5 năm. Sau khi các nhà đầu tư phản đối gay gắt, công ty đã điều chỉnh kế hoạch của mình vào tuần trước, đưa ra ba lựa chọn : Các nhà đầu tư có thể nhận tiền mặt bằng cách công ty trả góp, mua bất động sản của Evergrande được giảm giá ở bất kỳ thành phố nào, hoặc các nhà đầu tư mua nhà của Evergrande để trừ nợ.

Một số nhà đầu tư phản đối phương án "dùng bất động sản để trả nợ", vì nhiều dự án đã bị tạm dừng và có nguy cơ dở dang trong tương lai.

"Các đề xuất là thiếu chân thành", một bản kiến ​​nghị được ký bởi một số nhà đầu tư Quảng Đông cho biết. "Nó giống như mua những tài sản không tạo ra thu nhập với giá cao hơn bình thường." Bản kiến ​​nghị kêu gọi chính phủ đóng băng các tài khoản và tài sản của Evergrande, đồng thời yêu cầu hoàn trả toàn bộ tiền gốc và lãi bằng tiền mặt.

Một số nhà đầu tư đã chọn chấp nhận phương án thanh toán do Evergrande đề xuất. Họ lựa chọn các dự án của Evergrande tọa lạc tại các thành phố được nhiều người ưa chuộng, với hy vọng được bù lỗ bằng cách bán lại trong tương lai.

Vì Evergrande nợ các công ty xây dựng số tiền lớn, hơn 500 trong số hơn 800 dự án trên khắp đất nước đã bị tạm dừng. Công ty có ít nhất vài trăm nghìn đơn vị đã bán trước và chưa được giao cho khách hàng. Caixin cho biết, cần ít nhất 100 tỷ nhân dân tệ để hoàn thành việc xây dựng và bàn giao các đơn vị đã bán này.

Liệu có làm được hay không - và làm như thế nào - để trả nợ cho các nhà đầu tư sản phẩm quản lý tài sản, hoặc giao nhà ở là bài toán nan giải của Evergrande.

Nợ đối tác xây dựng và các nhà cung ứng.

Vào tháng 8, công ty xây dựng Jiangsu Nantong Sanjian ký hợp đồng với Evergrande xây dựng thành phố du lịch văn hóa Taicang ở Nantong, tỉnh Giang Tô, đã thông báo dừng dự án do Evergrande chưa thanh toán các hóa đơn. Công ty Jiangsu Nantong Sanjian cho biết, họ đã chi 500 triệu nhân dân tệ từ nguồn vốn của chính mình vào dự án và Evergrande chỉ trả cho họ chưa đến 290 triệu nhân dân tệ.

Jiangsu Nantong Sanjian có các hợp đồng xây dựng khác với Evergrande và các công ty con của nó. Tính đến tháng 9, Evergrande nợ công ty Jiangsu Nantong Sanjian khoảng 20 tỷ nhân dân tệ.

Tính đến tháng 8 năm 2020, Evergrande có 8.441 công ty cung ứng hoạt động giai đoạn đầu và giai đoạn cuối đang làm việc với nó. Nếu dòng tiền của Evergrande dừng lại, hoạt động bình thường của các công ty này sẽ bị gián đoạn, và một số thậm chí có thể phải đối mặt với phá sản.

Tại Ezhou, tỉnh Hồ Bắc, 5 trong số các dự án của Evergrande đã bị tạm dừng hơn một tháng và nó nợ các nhà thầu khoảng 500 triệu nhân dân tệ.

Một nhân viên ngân hàng cho biết, "Việc giao nhà không chỉ liên quan đến hàng trăm nghìn gia đình, mà còn là sự ổn định xã hội của địa phương". "Cơ quan quản lý nhà ở tỉnh Quảng Đông đang phối hợp với Evergrande và các đối tác xây dựng của nó, cố gắng tiếp tục xây dựng," chủ ngân hàng cho biết.

Evergrande chủ yếu dựa vào thương phiếu để thanh toán cho các đối tác xây dựng và các nhà cung ứng. Trong số các khoản thanh toán cho Jiangsu Nantong Sanjian, chỉ 8% bằng tiền mặt và phần còn lại bằng thương phiếu.

Ban đầu, các khoản vay qua thương phiếu phần lớn có kỳ hạn 6 tháng với lãi suất hàng năm từ 15% đến 16%. Bây giờ hầu hết đều có lãi suất hơn 20%. Những người nắm giữ thương phiếu như vậy có thể bán các tờ thương phiếu bị giảm giá để huy động tiền mặt. Trong năm 2017-18, tỷ lệ giảm giá trên các thương phiếu của Evergrande có thể đạt từ 15% đến 20%. Kể từ tháng 5 năm 2021, một vài tờ thương phiếu của Evergrande vẫn có thể bán được với mức giảm giá trị tới 55%, theo một người quen thuộc với các giao dịch như vậy.

Đối với các nhà cung ứng vừa và nhỏ, việc nắm giữ một lượng lớn thương phiếu của Evergrande quá hạn, là một gánh nặng quá lớn. Trong những tháng gần đây, một số nhà cung ứng đã kiện Evergrande vì vi phạm hợp đồng, nhưng họ thường được giải quyết ổn thỏa. Một luật sư đại diện cho Evergrande trong các vụ án liên quan nói với Caixin rằng, nhiều nguyên đơn đã chọn thương lượng với Evergrande trong khi đang đấu tranh tại tòa.

Evergrande cũng đưa ra một lựa chọn "dùng bất động sản để trả nợ" cho các chủ sở hữu thương phiếu của mình. Công ty cho biết họ đang đàm phán với các nhà cung ứng và các nhà thầu xây dựng để hoãn thanh toán hoặc cấn trừ nợ bằng bất động sản. Từ ngày 1 tháng 7 đến ngày 27 tháng 8, Evergrande đã bán bất động sản cho các nhà cung ứng và các nhà thầu để bù đắp khoản nợ tổng cộng 25 tỷ nhân dân tệ.

Bán tài sản nhưng không bán đất.

Trong khi đó, Evergrande đã giảm tải tài sản của mình để huy động tiền mặt. Tài sản lớn nhất của nó là dự trữ đất đai. Tính đến ngày 30 tháng 6, nó có 778 dự án đất dự trữ với tổng diện tích sàn đã quy hoạch là 214 triệu mét vuông, và giá trị ban đầu là 456,8 tỷ nhân dân tệ. Ngoài ra, nó có 146 dự án tái phát triển đô thị.

Một người đàn ông đi trước các tòa nhà dân cư chưa hoàn thiện tại Evergrande Oasis, khu phức hợp nhà ở do Tập đoàn Evergrande phát triển, ở Lạc Dương, Trung Quốc vào ngày 15 tháng 9. © Reuters

Trong ba tháng qua, Evergrande đã đàm phán với China Overseas Land and Investment, China Vanke và China Jinmao Holdings Group để có thể bán tài sản. Các Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước Trung Quốc ở Thâm Quyến và Quảng Châu đã sắp xếp để một số doanh nghiệp nhà nước tiến hành thẩm định các dự án tái phát triển đô thị của Evergrande, một người thân cận với vấn đề này cho biết. Evergrande đã tiếp cận với mọi khách hàng tiềm năng ở thị trường này.

Tuy nhiên, không có giao dịch nào đạt được. Một số nhà phát triển bất động sản có liên hệ với Evergrande nói với Caixin rằng mặc dù một số dự án của Evergrande bề ngoài trông đẹp, nhưng có những quyền chủ nợ phức tạp khiến họ khó quyết định .

Một số người mua tiềm năng cho biết họ có thể xem xét một vụ mua lại bằng phương thức giả định nợ (tiền trả giao cho chủ nợ chứ không phải Evergrande ) mà Evergrande đã miễn cưỡng bán khi bị thua lỗ, Caixin cho biết.

Trong một cuộc họp khẩn cấp của ban tham mưu vào ngày 10 tháng 9, tổng giám đốc quản lý tài sản Du cho biết trong một bài phát biểu rằng, phần lớn quỹ đất của Evergrande không phải để bán, nó phản ảnh vị thế của ông chủ, người sáng lập và là chủ tịch, Xu Jiayin.

Du nói, "Ở Trung Quốc, đất dự trữ là tài sản quý giá nhất. Đây là tài sản lớn nhất và là phương sách cuối cùng của Evergrande."

Ông Du nói, "Ví dụ, đối với một thửa đất, chi phí mua lại của Evergrande là 1 tỷ nhân dân tệ, và bản thân khu đất trị giá 2 tỷ nhân dân tệ, nhưng người mua có thể chỉ đưa 300 triệu nhân dân tệ. Nếu bán lỗ, chúng tôi không còn vốn để vực dậy”.

Về phần mình, Xu khẳng định Evergrande có thể trả tất cả các khoản nợ và phục hồi miễn là nó biến đất thành nhà và bán chúng.

Nhưng ngay cả khi Evergrande có thể nhanh chóng bán các căn nhà của mình, doanh thu sẽ không đủ để trả nợ. Khả năng Evergrande không thể trả lãi đáo hạn trong quý 3 là 99,99%, theo ước tính của một chủ ngân hàng có hàng tỷ nhân dân tệ dính líu với công ty.

Tính đến cuối tháng 6, Evergrande có tổng tài sản 2,38 nghìn tỷ nhân dân tệ và tổng nợ phải trả là 1,97 nghìn tỷ nhân dân tệ. Trong số nợ gần 2 nghìn tỷ nhân dân tệ, nợ phải trả lãi là 571,7 tỷ nhân dân tệ, giảm khoảng 145 tỷ nhân dân tệ so với cuối năm 2020. Việc giảm nợ chịu lãi chủ yếu là do các khoản trả chậm cho các nhà cung ứng.

Ngoài khoản nợ phải trả lãi 571,7 tỷ nhân dân tệ trên sổ sách của mình, không có gì bí mật khi các nhà phát triển như Evergrande có khoản nợ khổng lồ ngoài sổ sách. Nhưng số tiền nợ tại Evergrande chưa được biết.

Trong giai đoạn đầu của các dự án, các chủ đầu tư cần đầu tư rất nhiều tiền, điều này có thể làm tăng đáng kể nợ trên bảng cân đối kế toán. Các công ty thường đặt các khoản nợ này ra khỏi bảng cân đối kế toán của họ thông qua nhiều cách khác nhau. Sau khi bán trước dự án, hoặc thậm chí sau khi dòng tiền chuyển sang dương, các khoản nợ này sẽ được hợp nhất vào bảng cân đối kế toán dưới hình thức chuyển nhượng vốn chủ sở hữu, theo một người trong ngành bất động sản.

Ví dụ, 40 tỷ nhân dân tệ từ quỹ tài trợ mua lại mà Evergrande thu được từ Ngân hàng Citic Trung Quốc, đã được đầu tư vào nhiều dự án. Trong đó, 10,7 tỷ nhân dân tệ đã được Thâm Quyến Liangyang Industrial sử dụng để mua lại Thâm Quyến Duoji Investment. Vì Evergrande không có mối quan hệ vốn chủ sở hữu với hai công ty đó, khoản này không bắt buộc phải được hợp nhất vào báo cáo tài chính của Evergrande. Evergrande đã sử dụng các quỹ đòn bẩy để mua lại cổ phần trong 10 dự án, và không có dự án nào trong số đó được đưa vào báo cáo tài chính của nó, bản cáo bạch về 'gói siêu lãi' của nó cho thấy.

Evergrande đã bán vốn chủ sở hữu tại các công ty con của nó cho các nhà đầu tư chiến lược và hứa sẽ mua lại cổ phần nếu không thể đạt được một số mốc quan trọng nhất định. Việc bán vốn chủ sở hữu như vậy cũng là một hình thức đi vay. Vào tháng 3, Evergrande đã bán cổ phần trong Fangchebao, một nền tảng bán xe hơi và nhà trực tuyến với giá 16,4 tỷ đô la Hồng Kông (2,1 tỷ đô la Mỹ) trước khi đơn vị này lên kế hoạch bán cổ phần tại Mỹ. Nếu đơn vị bán hàng trực tuyến không hoàn thành đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng trên Nasdaq, hoặc bất kỳ sàn giao dịch chứng khoán nào khác trong vòng 12 tháng sau khi hoàn tất việc bán cổ phần, đơn vị đó phải mua lại cổ phiếu với mức giá cao hơn 15%.

Các khoản nợ tiềm ẩn của Evergrande cũng bao gồm các khoản chưa thanh toán để mua các vốn chủ sở hữu. Hàng chục công ty bất động sản nhỏ đã kiện Evergrande yêu cầu hủy bỏ các thỏa thuận mua bán vốn chủ sở hữu của họ với công ty, vì Evergrande không thanh toán cho họ. Họ là các đối tác của Evergrande trong các dự án phát triển địa phương. Evergrande thường trả cho họ dưới 30% vốn chủ sở hữu nhưng từ chối trả phần còn lại ngay cả khi dự án đã hoàn thành, theo các vụ kiện. Luật sư của bên nguyên đơn nói với Caixin rằng, các công ty con ở dự án của Evergrande không muốn làm tổn thương các đối tác địa phương, nhưng họ không có tiền để trả vì doanh thu từ các dự án đã được chuyển cho công ty mẹ (Evergrande).

Tổng cộng 49 công ty con ở địa phương do Evergrande sở hữu hoàn toàn, đã bị kiện kể từ tháng 4, theo Tianyancha, một cơ sở dữ liệu về thông tin công khai của công ty .

Evergrande cũng nợ một số chính quyền địa phương về phí chuyển nhượng đất đai. Khoảng 20 công ty liên kết với Evergrande vẫn chưa thực hiện thanh toán cho chính quyền thành phố Lan Châu, thủ phủ của tỉnh Cam Túc phía tây bắc Trung Quốc, theo danh sách gồm 41 công ty như vậy được ban hành vào tháng 7 bởi sở tài nguyên thiên nhiên của thành phố.

Một vụ vỡ nợ tiềm ẩn của Evergrande có thể lan sang các thị trường bên ngoài Trung Quốc, vì nó có các trái phiếu khổng lồ ở nước ngoài, với lãi suất cao. Một số trái phiếu ở nước ngoài của Evergrande có lãi suất cao tới 15%, một người thân cận với thị trường vốn Hồng Kông cho biết. Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Thụy Sĩ ước tính nợ phải trả của Evergrande bao gồm trái phiếu nước ngoài khoảng 19 tỷ USD.

Evergrande đã điên cuồng bán bất động sản giảm giá trong năm nay. Vào cuối tháng 5, họ đã giảm giá cho một số người mua nhà từ 30% đến 40% nếu họ được thanh toán hoàn toàn bằng tiền mặt, nhân viên của công ty nói với Caixin.

Trong nửa đầu năm nay, công ty báo cáo doanh thu theo hợp đồng là 356 tỷ nhân dân tệ, cao hơn một chút so với mức 349 tỷ nhân dân tệ của cùng kỳ năm ngoái. Giá bán bình quân trong 6 tháng đầu năm giảm 11,2%. Trong khi đó, các khoản phải trả tăng 14,7% lên đến 951 tỷ nhân dân tệ, chi phí bán hàng và tiếp thị tăng 30% lên đến 17,8 tỷ nhân dân tệ. Để đối phó với điều kiện thị trường, công ty đã tăng hoa hồng bán hàng và chi phí tiếp thị, công ty cho biết.

So với các đối thủ cạnh tranh, Evergrande có chi phí vốn và nhân lực cao hơn nhưng giá bán lại thấp hơn, một người tham gia trong ngành cho biết. "Làm sao mà họ có thể kiếm tiền được?" người này nói.

Evergrande đã báo cáo lợi nhuận trượt 29% trong nửa đầu năm nay. Lợi nhuận 10,5 tỷ nhân dân tệ của nó chủ yếu phản ảnh từ 18,5 tỷ nhân dân tệ thu được từ việc bán và nắm giữ một số cổ phiếu hạch toán theo giá thị trường trong đơn vị internet Henten Networks. Nó báo cáo khoản lỗ trong lĩnh vực kinh doanh cốt lõi bất động sản, là 4 tỷ nhân dân tệ.

Tỷ lệ nợ hết sức cao của Evergrande, chi phí tài chính cao và sự chậm trễ liên tục trong thanh toán cho các nhà cung ứng, các đối tác và chính quyền địa phương cho thấy khả năng thanh toán bằng tiền mặt của Evergrande luôn eo hẹp, nhưng mặt khác, thực tế là nó đã tồn tại nhiều năm theo mô hình này, cho thấy rằng nó đã luôn có thể xoay ra tiền, một nhà đầu tư kỳ cựu cho biết.

Bây giờ mọi người đang xem liệu nó có thể thoát chết trong đường tơ kẽ tóc một lần nữa hay không.

_ Zhang Yuzhe đã đóng góp vào báo cáo này.

_ Chú thích :

(*) : quá lớn để phá sản hay quá lớn để sụp đổ là cụm từ biểu thị một tập đoàn quá lớn mà nếu sụp đổ, thì quy mô của nó sẽ dẫn theo sự sụp đổ nền kinh tế của quốc gia mà nó trực thuộc.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.