Hiệu ứng domino của AUKUS chỉ vừa mới bắt đầu.

Quan hệ đối tác an ninh mới nhất trên thế giới là một cánh cửa mở ra cách thức hoạt động của thế giới — và nó đang hướng tới những nơi không thể đoán trước.

Mặt trời mọc trên một tàu ngầm của Hải quân Hoàng gia Úc neo đậu tại HMAS Stirling vào ngày 21 tháng 1 năm 2021 tại Garden Island, Úc. POIS YURI RAMSEY / LỰC LƯỢNG QUỐC PHÒNG ÚC QUA GETTY IMAGES

Stephen M. Walt, Robert và Renée Belfer …NGÀY 18 THÁNG 9 NĂM 2021, 9:27 SÁNG… Theo Foreign Policy.

Trần H Sa lược dịch.

Vào ngày 15 tháng 9, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Úc đã công bố mối quan hệ đối tác an ninh mới , với chữ viết tắt ít êm tai, AUKUS. Ba quốc gia là đồng minh thân thiết từ lâu, nhưng nội dung chính trong thỏa thuận mới, là nỗ lực chung nhằm trang bị cho Australia một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân tiên tiến. Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Australia, Scott Morrison và Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đã công bố kế hoạch hợp tác sâu rộng hơn về an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử.

Những sự thật cơ bản đó về AUKUS thì khá đơn giản. Nhưng tại sao nó lại kết hợp với nhau - và ý nghĩa của nó là gì - thì phức tạp hơn và tiết lộ nhiều hơn về nơi mà thế giới đang hướng tới.

Đầu tiên và rõ ràng nhất, động thái này là một minh họa kinh điển cho việc thực hiện chính trị cân bằng quyền lực / cân bằng mối đe dọa. Mặc dù Trung Quốc không được đề cập ở bất kỳ đâu trong thông báo, nhưng không cần phải là thiên tài mới đoán ra sáng kiến ​​này được thực hiện để đáp ứng với những nhận thức ngày càng tăng về mối đe dọa đang gia tăng của Trung Quốc. Những nhận thức này một phần dựa trên các khả năng gia tăng của Trung Quốc - bao gồm năng lực triển khai sức mạnh hải quân ở châu Á-Thái Bình Dương - nhưng cũng dựa trên các mục tiêu công khai từ chủ nghĩa xét lại của Trung Quốc trong một số lĩnh vực nhất định. Việc trang bị cho Australia các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân tầm xa, cực kỳ êm ả sẽ cho phép Canberra đóng một vai trò tích cực hơn trong khu vực, cùng với các thành viên khác của Đối thoại An ninh Tứ giác (Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản).

Thứ hai, mặc dù những gì đang diễn ra ở đây có một mức độ nào đó là hoàn toàn mang tính cấu trúc (nghĩa là phản ảnh sự thay đổi trong cán cân tổng thể của các khả năng), ở các khía cạnh khác, Bắc Kinh không có một diều gì để lên án, ngoài chính họ. Cho đến gần đây, dư luận Australia vẫn tranh cãi về tác động từ sự trỗi dậy của Trung Quốc : Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hy vọng duy trì các mối quan hệ thương mại béo bở, và các chiến lược gia lỗi lạc cảnh báo rằng việc phản đối sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc không có lợi cho Australia. Nhưng hành vi ngày càng hiếu chiến của Trung Quốc — đặc biệt là quyết định không chính đáng của họ trong việc áp đặt một sự trừng phạt bằng lệnh cấm vận thương mại, để đáp trả đề xuất của Úc về một cuộc điều tra độc lập của quốc tế đối với nguồn gốc của coronavirus — đã khiến thái độ của Úc trở nên cứng rắn hơn.. Phản ứng phản tác dụng của Trung Quốc là một lời nhắc nhở cho việc trấn an rằng, Hoa Kỳ không phải là cường quốc duy nhất có khả năng gây nên những sơ suất ngoại giao.

Thứ ba, thông báo này là một bước đi được đo lường cẩn thận và sẽ mất một vài năm mới có kết quả (có thông tin cho rằng phải mất 18 tháng mới hoàn thành việc đóng mới một tàu ngầm chạy bằng hạt nhân…./THS ). Sự sắp xếp mới không đe dọa sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở bên trong nước Trung Quốc, hoặc nhằm mục đích làm sụp đổ nền kinh tế Trung Quốc, điều mà Trung Quốc sẽ tự chuốc lấy thất bại. Nhưng các hành động được công bố vào ngày 15 tháng 9 sẽ làm phức tạp các nỗ lực của Trung Quốc để triển khai sức mạnh trên biển và kiểm soát các tuyến liên lạc quan trọng. Như vậy, chúng sẽ cản trở những nỗ lực của Trung Quốc trong tương lai nhằm làm cho các quốc gia lân cận quá sợ nước này và dần dần thuyết phục họ áp dụng các tư thế tuân thủ hơn đối với Trung Quốc. Nói tóm lại, đó là một động thái được thiết kế để làm nản lòng hoặc cản trở bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc trong tương lai, nhắm đến quyền bá chủ trong khu vực.

Do đó, động thái này cũng cho thấy rằng một trong những lo ngại trước đây của tôi về triển vọng cho một liên minh cân bằng có hiệu quả ở châu Á, có thể không nghiêm trọng như tôi đã nghĩ. Trước đây, tôi đã lưu ý rằng các vấn đề về hành động tập thể sẽ gây ảnh hưởng đến hầu hết các liên minh, có thể đặc biệt nghiêm trọng ở châu Á, một phần do khoảng cách rộng lớn vốn phức tạp, điều mà có thể cám dỗ một số quốc gia ngồi bên ngoài các tranh chấp đang xảy ra, vì quá xa so với bờ biển của họ. Tuy nhiên, trong trường hợp này, chúng ta có ba quốc gia — chỉ một quốc gia trong số họ nằm ở Châu Á-Thái Bình Dương — hiện đang thực hiện các bước mà sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những hành động ở các địa điểm quan trọng trong khu vực. Các tình huống khó xử trong hành động tập thể chắc chắn sẽ vẫn gia tăng, nhưng những phác thảo rộng rãi về một liên minh cân bằng có hiệu quả ngày càng rõ ràng.

Thứ tư, phản ứng của các bên thứ ba sẽ là vấn đề then chốt, không chỉ ở nơi diễn ra tranh chấp tại Châu Á - Thái Bình Dương. Chính phủ Pháp được cho là " tức giận " về thỏa thuận vì họ bị Úc phá vỡ một cam kết trước đó về việc mua 12 tàu ngầm thông thường từ Pháp. Thật vậy, Paris đã đi xa đến mức hủy bỏ một sự kiện dạ tiệc ở Washington kỷ niệm 240 năm hợp tác Pháp-Mỹ. Khi người Pháp quyết định không tổ chức buổi tiệc, nên chú ý đến nó. Pháp là nước ủng hộ mạnh mẽ cho một thế trận an ninh châu Âu vững chắc hơn (điều mà chính quyền Biden cũng mong muốn), và Paris cũng có thể có một vai trò tiềm năng trong các phần của Thái Bình Dương. Nếu ba thành viên AUKUS chỉ đơn giản là quên mất lòng tự ái của Pháp — điều mà tôi cảm thấy khá khó tin — họ cần phải năng nổ sửa đổi.

Tuy nhiên, các phản ứng bên trong khu vực sẽ thậm chí còn quan trọng hơn. Ở đây, vấn đề mấu chốt là liệu nó có được hiểu là một hành động phòng thủ tập thể được đo lường nhưng kịp thời (mà tôi tin là như vậy), hay là một hành động khiêu khích không cần thiết. Như tôi đã lưu ý trước đây, một vấn đề then chốt trong chính trị khu vực là mức độ mà Hoa Kỳ hoặc Trung Quốc bị coi là bên “ gây xáo trộn hòa bình ”, điều mà các quốc gia châu Á đang mong muốn gìn giữ. Tôi đoán là hầu hết các nước trong khu vực sẽ ủng hộ động thái này, do tính chất tương đối hạn chế của sáng kiến ​​mới, và cách ứng xử có phần thô bạo của Trung Quốc trong những năm gần đây.

Vấn đề cuối cùng là phạm vi hạt nhân. Ba nhà lãnh đạo nhấn mạnh rằng thỏa thuận sẽ được giới hạn trong việc chuyển giao công nghệ động cơ hạt nhân (chẳng hạn như lò phản ứng để cung cấp năng lượng cho tàu ngầm mới) chứ không phải công nghệ vũ khí hạt nhân, và các tàu ngầm mới sẽ không được trang bị vũ khí như vậy. Úc từ lâu đã là một nước phản đối mạnh mẽ việc phổ biến vũ khí hạt nhân và cảnh giác với năng lượng hạt nhân dân sự, và Morrison đã nhắc lại lập trường đó trong nhận xét của riêng mình.

Tất cả điều đó là hoàn toàn có thể chấp nhận được. Nhưng có thể - có thể, bạn nhớ cho - rằng một cái gì đó tinh vi hơn một chút đang diễn ra ở đây. Các lò phản ứng được sử dụng trong tàu ngầm hạt nhân của Hoa Kỳ yêu cầu uranium được làm giàu với chất lượng cao, và Úc sẽ được tiếp cận với công nghệ này khi hạm đội của họ mở rộng. Từ quan điểm phổ biến vũ khí hạt nhân, đó là một bước đi theo hướng cơ sở hạ tầng hạt nhân sẽ mở rộng hơn. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy sự sẵn sàng lớn hơn của Hoa Kỳ (và ở một mức độ nào đó, của Anh) trong việc chuyển giao các công nghệ nhạy cảm mức độ cao cho các đồng minh thân cận.

Do đó, người ta có thể coi đây là dấu hiệu cho việc Hoa Kỳ có thể dần dần nới lỏng sự phản đối mang tính truyền thống của mình đối với phổ biến vũ khí hạt nhân, nếu và khi hoàn cảnh bắt buộc. Thỏa thuận hạt nhân dân sự năm 2005 của Hoa Kỳ với Ấn Độ phù hợp với suy luận đó, và thỏa thuận mới với Úc có thể được nhìn nhận theo một chiều hướng tương tự. Các quốc gia khác - chẳng hạn như Hàn Quốc và Nhật Bản - sẽ nhìn nhận quyết định này như thế nào, và Bắc Kinh có khả năng giải thích nó như thế nào?

Tôi nghi ngờ rằng nhiều người (hoặc bất kỳ ai) muốn thấy nhiều quốc gia ở châu Á có vũ khí hạt nhân, và tôi chắc chắn rằng Washington không muốn điều đó ngay bây giờ. Nhưng toàn bộ vấn đề răn đe ở châu Á - và đặc biệt là sự răn đe được mở rộng - là cực kỳ phức tạp, và nó sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khi kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc mở rộng. Nếu môi trường an ninh xấu đi trong những năm tới, sự phản đối của Hoa Kỳ đối với khả năng phổ biến vũ khí hạt nhân vốn đã được đo lường, có thể suy giảm. Nếu Bắc Kinh muốn tránh kết cục đó, thì việc khóa miệng các nhà ngoại giao “chiến binh sói” và hạn chế các yêu sách lãnh thổ của họ ở Biển Đông và Hoa Đông sẽ là một khởi đầu tốt.

_ Stephen M. Walt là nhà báo chuyên mục tại Foreign Policy, Robert và Renée Belfer là giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Harvard.


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.