Hoa Kỳ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận để đưa chính quyền quân sự Myanmar ra khỏi LHQ

Thỏa thuận không chính thức này cung cấp nền tảng chung với Bắc Kinh, và là đòn giáng mạnh vào hy vọng về tính hợp pháp của chính quyền quân sự Myanmar.

Logo Liên hợp quốc được nhìn thấy tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York vào ngày 24 tháng 9 năm 2019. ANGELA WEISS / AFP QUA GETTY IMAGES

Colum Lynch , Robbie Gramer và Jack Detsch, Ngày 13 Tháng 9 Năm 2021…. Theo Foreign Policy.

Trần H Sa lược dịch.

Theo các nhà ngoại giao, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã làm trung gian cho một thỏa thuận mà sẽ ngăn chặn một cách có hiệu quả việc các nhà cầm quyền quân sự của Myanmar phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tuần tới, thỏa thuận giáng một đòn mạnh vào việc tìm kiếm tính hợp pháp quốc tế của nhà cầm quyền quân sự Myanmar, sau khi họ nắm quyền trong một cuộc đảo chính vào đầu năm nay.

Nhưng hiệp ước - vốn đã được nghĩ ra trong suốt nhiều tuần đàm phán ngoại giao ở hậu trường - sẽ yêu cầu vị đại sứ chống lại nhà cầm quyền quân sự, vẫn phục vụ cho Myanmar tại Liên Hiệp Quốc, người đại diện cho chính phủ trước đó, phải giữ mồm giữ miệng trong sự kiện quan trọng này, tránh những lời lẽ cứng rắn đầy dụng ý mà ông đã phát biểu vào năm ngoái để tố cáo hành động chiếm đoạt quyền lực của quân đội. Nó cũng sẽ trì hoãn bất kỳ nỗ lực nào của các nhà cầm quyền Myanmar nhằm thúc ép các thành viên Liên hiệp quốc công nhận nó là chính phủ hợp pháp ở Myanmar, ít nhất là cho đến tháng 11.

Thỏa thuận - được mô tả bởi nhiều nguồn ngoại giao và những đại diện của các nhóm vận động quen thuộc với các cuộc thảo luận nội bộ - đã được xác nhận một cách không chính thức bởi các đại diện của Liên minh châu Âu, các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Nga. Nó diễn ra khi Đại hội đồng LHQ có kế hoạch thông báo việc bổ nhiệm một ủy ban ủy nhiệm của LHQ gồm chín thành viên vào hôm thứ Ba, ủy ban này sẽ chịu trách nhiệm xác định đại diện hợp pháp của Myanmar tại LHQ. Ủy ban sẽ do Thụy Điển chủ trì và bao gồm các đại diện từ Bhutan, Bahamas, Chile, Trung Quốc, Nga, Sierra Leone, Nam Phi và Hoa Kỳ.

Theo quy định của Đại hội đồng, nếu có tranh chấp về vấn đề tín nhiệm, người đại diện hiện thời giữ lại vị trí của mình, cho đến khi quyết định được ủy ban ủy nhiệm đánh giá và Đại hội đồng thông qua, .

Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu lo ngại rằng một quốc gia nào đó tán thành các tuyên bố của chế độ quân sự, có thể kêu gọi các thành viên ủy ban ủy nhiệm giải quyết vấn đề trước cuộc họp ​​đầu tiên dự kiến vào tháng 11. Họ hy vọng sẽ trì hoãn bất kỳ quyết định nào về đại diện của Myanmar càng lâu càng tốt, duy trì bế tắc ngoại giao để bảo đảm đại sứ hiện tại của Myanmar, Kyaw Moe Tun, duy trì quyền của ông ta đối với chiếc ghế của Myanmar tại LHQ. “Chúng tôi quan tâm đến việc giữ nguyên hiện trạng càng lâu càng tốt,” một nhà ngoại giao từ một quốc gia tham gia vào các cuộc thảo luận cho biết.

Trong một cuộc phỏng vấn ngắn qua điện thoại, Kyaw Moe Tun xác nhận rằng các cuộc đàm phán quốc tế đang được tiến hành để xác định cách thức xác nhận chiếc ghế của Myanmar tại LHQ. Ông nói rằng ông “rất có thể sẽ không” phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, mặc dù danh sách các diễn giả của đại hội bao gồm Myanmar cùng với các quốc gia khác, vốn đang phải đối mặt với các vấn đề về vị thế ngoại giao của họ, chẳng hạn như Afghanistan, Guinea và Bắc Triều Tiên.

“Chúng tôi vẫn đang chờ đợi một số loại kết quả từ các cuộc thảo luận trong ủy ban ủy nhiệm,” Kyaw Moe Tun nói thêm.

Thỏa thuận liên quan đến một dàn xếp, mà trong đó các quốc gia thành viên LHQ sẽ đồng ý tạm dừng bất kỳ cuộc thảo luận nào trong Ủy ban Ủy nhiệm của LHQ, về tình trạng ngoại giao của chính quyền quân sự, cho đến sau cuộc họp ngoại giao hàng năm của LHQ. Trong khi đó, Kyaw Moe Tun, người đã phải đối mặt với những lời đe dọa giết ông kể từ khi ông công khai đoạn tuyệt với chế độ quân sự, đã đồng ý không phát biểu trước hội đồng trong suốt kỳ họp hoặc ngồi vào chiếc ghế của Myanmar trong Đại hội đồng. Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại, Kyaw Moe Tun không xác nhận liệu chiếc ghế của Myanmar có còn trống trong cuộc tranh luận quan trọng hay không. Nhưng ông ấy nói, "bây giờ, mọi thứ đều ổn liên quan đến an ninh của tôi."

Vào tháng 8, Hoa Kỳ đã bắt giữ và buộc tội hai công dân Miến Điện với âm mưu hành hung và có thể giết Kyaw Moe Tun. Theo hồ sơ của tòa án, kế hoạch bị cáo buộc - có liên quan đến việc làm giả xe của đại sứ - liên quan đến một đại lý bán vũ khí ở Thái Lan làm ăn với quân đội Myanmar.

Chính sách ngoại giao hậu trường này làm sáng tỏ cách mà Hoa Kỳ và các đồng minh đang tìm kiếm duy trì áp lực lên chính quyền quân sự cầm quyền, sau cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính phủ được bầu vào tháng Hai. Nó cũng phản ảnh cách hình dung đơn giản về vấn đề hậu cần - chẳng hạn như ai được cấp ủy nhiệm để phát biểu tại một sự kiện - có thể biến thành những trận chiến ngoại giao phức tạp tại Liên Hiệp Quốc. Thỏa thuận đưa chính quyền quân sự ra khỏi các cuộc thảo luận của Liên hợp quốc cũng cung cấp bằng chứng sống động cho thấy, Hoa Kỳ và Trung Quốc đang tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác ngoại giao, ngay cả khi họ xung đột trên một loạt các vấn đề khác, bao gồm cả việc Trung Quốc giam giữ hàng triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở các trại lao động và cải tạo ở Tân Cương, một chính sách mà chính quyền Biden coi là tội diệt chủng.

Cuộc thảo luận về số phận của cơ quan đại diện ngoại giao của Myanmar sẽ bị hoãn lại cho đến ít nhất là tháng 11, khi Ủy ban Ủy Nhiệm của Liên hiệp quốc sẽ triệu tập để xem xét yêu cầu của chế độ quân sự Myanmar, về việc bổ nhiệm cho phái viên được họ lựa chọn làm đại diện cho Myanmar tại các cơ quan của thế giới.

Richard Gowan, đại diện Liên Hiệp Quốc tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế cho biết, “Những gì chúng tôi đang nghe, và điều này dường như ngày càng chắc chắn, đó là ủy ban ủy nhiệm sẽ hoãn lại. Họ sẽ nói rằng họ không thể đưa ra một kết luận chắc chắn ngay bây giờ, và điều đó sẽ khuyến khích Kyaw Moe Tun tiếp tục giữ chức vụ ”. Nhưng Kyaw Moe Tun sẽ không đại diện cho Chính phủ Thống nhất Quốc gia của Myanmar, bao gồm các nhà lãnh đạo Miến Điện bị lật đổ và những người biểu tình chống đảo chính.

Gowan nói thêm, “Rõ ràng, đã có một thỏa thuận âm thầm của một ông lớn rằng, đại sứ hiện tại sẽ giữ thái độ khiêm tốn trong tuần lễ quan trọng này và sẽ không sử dụng nó như một cơ hội để tấn công chế độ,”.

Các nhà cầm quyền quân sự của Myanmar đã lên nắm quyền vào ngày 1 tháng 2, bỏ tù các lãnh đạo cao cấp của chính phủ, bao gồm cả nhà lãnh đạo Miến Điện lúc bấy giờ là bà Aung San Suu Kyi, sau khi đảng của bà giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử. Quân đội tuyên bố họ đã loại bỏ đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ cầm quyền vào tháng 2, vì bỏ qua các cáo buộc gian lận bầu cử ở nước này vào tháng 11 năm ngoái. Các nhà quan sát quốc tế vào thời điểm đó mô tả cuộc bầu cử, nơi mà đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ đánh bại Đảng Đoàn kết và Phát triển được quân đội hậu thuẫn, phần lớn là tự do và công bằng.

Kyaw Moe Tun từ chối công nhận chế độ mới, tố cáo nó trong một bài diễn văn đầy xúc động trước Đại hội đồng LHQ. Đưa lên biểu tượng ba ngón tay ở cuộc kháng chiến của người Miến Điện, Kyaw Moe Tun kêu gọi cộng đồng quốc tế sử dụng “bất kỳ phương tiện cần thiết nào” để khôi phục nền dân chủ ở Myanmar.

Nhà ngoại giao sau đó đã làm ngơ quyết định sa thải ông vào cuối tháng Hai của chế độ, và tiếp tục giữ vai trò đại diện chính thức của Myanmar tại Liên Hợp Quốc. Aung Thurein, người được chính quyền quân sự lựa chọn để đại diện cho nó tại Liên Hiệp Quốc, đã không thể đạt được sự công nhận cho chức vụ tại Liên Hiệp Quốc.

Vấn đề tín nhiệm nổi lên như một trong nhiều cuộc chiến ủy nhiệm ngoại giao đối với nhà cầm quyền mới của Myanmar, khi họ cố gắng thu hút tính hợp pháp quốc tế sau cuộc đảo chính. Các tổ chức nhân quyền và các nhà hoạt động xã hội dân sự nổi tiếng ở Myanmar đã kêu gọi cộng đồng quốc tế gây áp lực, buộc chính quyền quân sự rút khỏi cuộc tranh giành quyền lực và phục hồi chính quyền cũ.

Hơn 350 người Myanmar và các nhóm xã hội dân sự quốc tế đã viết trong một lá thư gửi tới Ủy ban Ủy Nhiệm Liên hiệp quốc vào tuần trước, “Chính quyền quân sự không có tính hợp pháp dân chủ : Nó không thể thiết lập chức năng của chính phủ, nó không có quyền kiểm soát lãnh thổ của Myanmar, và nó là kẻ liên tục gây ra các tội phạm quốc tế ”.

Nhưng ngày càng có nhiều lo ngại rằng dư chấn từ cuộc đảo chính có thể gây ra một cuộc nội chiến. Đầu tuần này, Chính phủ Thống nhất Quốc gia liên kết với nhà lãnh đạo bị phế truất Aung San Suu Kyi, kêu gọi ủng hộ "cuộc chiến tranh nhân dân tự vệ " để thách thức sự cai trị của chính quyền quân sự. Một loạt bạo lực mới trong những ngày gần đây giữa quân đội và lực lượng dân quân đối lập đã giết chết ít nhất 20 người, Reuters đưa tin.

Bất chấp giao tranh, Liên Hiệp Quốc vẫn chưa đưa ra giải pháp nào về tình hình của Myanmar, Trung Quốc và Nga vẫn giữ quan hệ với chế độ ở Naypyidaw. Một số người ở Washington coi nỗ lực đưa chính quyền quân sự tránh xa cuộc họp của Liên hiệp quốc là một bước quan trọng để phủ nhận thêm nữa tính hợp pháp quốc tế của nó .

Một phụ tá ủy ban quốc hội nói với điều kiện giấu tên “Sẽ rất hữu ích nếu bảo đảm rằng chính quyền quân sự Tatmadaw không có đại diện tại LHQ, như bạn biết đấy, vì tôi nghĩ điều đó tự động mang lại cho họ sự tín nhiệm. Đó là thứ mà chúng tôi không muốn thấy."

Chính quyền cũ đã bị cộng đồng quốc tế lên án rộng rãi vì đã không ngăn cản quân đội nước này tiến hành một chiến dịch thanh lọc sắc tộc trên diện rộng chống lại cộng đồng thiểu số Hồi giáo, khiến hàng trăm nghìn người tị nạn Rohingya phải chạy sang nước láng giềng Bangladesh. Mặc dù vậy, các cuộc biểu tình đã tràn qua đất nước sau cuộc đảo chính, và quân đội đã mở một chiến dịch có quy mô to lớn để trấn áp những người biểu tình, với ước tính 1.000 người chết và hàng nghìn người khác bị giam giữ.


_ Colum Lynch là nhà viết xã luận cao cấp của Foreign Policy .

_ Robbie Gramer là phóng viên ngoại giao và an ninh quốc gia tại Foreign Policy .

_ Jack Detsch là phóng viên tại Ngũ giác đài và an ninh quốc gia của Foreign Policy.


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.