Học thuyết Đông Nam Á của Biden : Sửa chữa thiệt hại và sự sao lãng từ những năm Obama và Trump.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Nguồn ảnh: Ảnh chính thức của Nhà Trắng, Cameron Smith

Murray Hunter, Ngày 17 tháng 8 năm 2021… Theo Eurasia Review.

Trần H Sa lược dịch.

Khi Joe Biden nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 1 năm ngoái, Đông Nam Á dường như không nằm trong danh sách ưu tiên của ông. Sau khi đưa ra định hướng trong khu vực châu Âu và Đông Á, chính quyền Biden đã đặt ra mục tiêu sửa chữa những thiệt hại trong thời Obama; và sửa chữa những gì mang bản chất mua bán của mối quan hệ đã bị sao lãng, vốn kéo dài trong những năm Trump. Biden bắt đầu tái hội nhập với khu vực bằng rất nhiều việc phải làm.

Thời điểm tái hội nhập Đông Nam Á của Biden không được suôn sẻ, với hầu hết các chính phủ trong khu vực lo ngại về mức tăng đột biến của Covid-19, trong các quốc gia tương ứng của họ. Myanmar đang ở trong sự kìm kẹp của chính quyền quân sự, sau cuộc đảo chính đầu năm nay, Thái Lan nằm trong tay một chế độ quân sự không hợp với người dân, Malaysia đang trong cuộc khủng hoảng chính trị, Philippines sẽ có sự chuyển đổi sang chính quyền mới vào năm tới, trong khi một số quốc gia khác đã tiến gần hơn với Trung Quốc. Trung Quốc có ảnh hưởng lớn hơn nhiều và về mặt quân sự mạnh hơn so với thời Obama, và thậm chí so với cả những năm Trump.

Tuy nhiên, đại dịch đã mang lại cho chính quyền Biden cơ hội tham gia vào hoạt động ngoại giao vắc xin, một cử chỉ được hoan nghênh vì tất cả các quốc gia Đông Nam Á đang phải đối mặt với tình trạng thiếu vắc xin. Chính quyền Biden cũng có thể tận dụng những điểm yếu trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc trên Biển Đông, thường xử sự thô lổ trong quan hệ song phương, và ngoại giao “chiến binh sói” không hỗ trợ vị thế của nước này trong khu vực với các quốc gia thành viên.

Tuy nhiên, không quốc gia Đông Nam Á nào chấp nhận khái niệm kiềm chế Trung Quốc theo nghĩa 'chiến tranh lạnh' cổ điển. Bất kỳ triết lý nào tiếp cận với khu vực theo kỷ nguyên 'chiến tranh lạnh' sẽ không hoạt động. Có một sự ngưỡng mộ chừng mực đối với Trung Quốc và những thành tựu của họ trong khu vực. Trung Quốc đã phát triển sự tôn trọng ở nhiều nơi.

Các quốc gia trong khu vực này cảm thấy thoải mái với một hàng xóm mà họ đã tham gia với khu vực trong nhiều thế kỷ, nơi mà các mối quan hệ gia đình và dòng tộc chồng chéo lên nhau trong khu vực. Nhiều gia đình ưu tú trong khu vực chỉ cách tổ tiên ở Trung Quốc một vài thế hệ, những liên kết đó đã trở nên quan trọng đối với thương mại, hơn bất cứ điều gì khác. Có một Hoa kiều là doanh nghiệp lớn trong khu vực được xem là tốt .

Một trong những điều đáng nói nhất về sáng kiến ​​Đông Nam Á của chính quyền Biden là nó đã được đưa ra bởi cựu tướng lãnh và hiện là Bộ trưởng Quốc phòng, Lloyd Austin tại bài thuyết trình ở Singapore, sáu tháng sau lễ nhậm chức của Biden.

Các câu chuyện về chính sách của Austin gần giống với những câu chuyện được tán thành bởi Kurt Michael Campbell, người được bổ nhiệm làm Điều phối viên Hội đồng An ninh Quốc gia khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, và từng là trợ lý ngoại trưởng dưới thời chính quyền Obama. Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã tập hợp một nhóm tư vấn gồm các học giả và các nhà ngoại giao cho mục đích này.

Sự nổi lên của Trung Quốc.

Trung Quốc đang trở nên hung hăng hơn về mặt ngoại giao và quân sự. Điều này phản ảnh một sự thay đổi chính trị sâu sắc bên trong Trung Quốc vào thập kỷ qua, thời điểm mà người đứng đầu Trung Quốc Tập Cận Bình đã củng cố được quyền lực của mình. Bộ máy hành chính quan liêu và giới lãnh đạo đã được tiếp quản bởi những người trung thành với ông Tập, những người có quan hệ mật thiết với Tập từ tỉnh Chiết Giang, và các Thái tử đảng (con cháu các cấp lãnh đạo TQ), những bộ máy theo đuổi “Giấc mơ Trung Hoa” và “Trẻ hóa Trung Quốc”.

Do đó, tình hình tư tưởng của Trung Quốc khác rất nhiều so với những năm Obama. Điều này đặt ra một thách thức lớn đối với bất kỳ trật tự thế giới nào dựa trên quy tắc về kinh tế và quân sự. Đây là tình huống đặc biệt vì Trung Quốc có cách nhìn hoàn toàn khác về thế giới sẽ như thế nào so với Mỹ.

Học thuyết ngăn chặn kiểu cũ, loại cạnh tranh khốc liệt của Chiến tranh Lạnh không thể được áp dụng cho khu vực, vì các quốc gia Đông Nam Á không thể đơn giản chính thức công bố ai là chúng tôi, ai là bọn họ. Các quốc gia Đông Nam Á sẽ không nhất thiết phải đứng về phía nào như hầu hết các quốc gia đã làm trong Chiến tranh Lạnh. Chúng ta không chứng kiến ​​một cuộc đụng độ ý thức hệ, mà là quá trình Trung Quốc nhào nặn khu vực, để phù hợp hơn với lợi ích của riêng họ.

Vào năm 2019, bạch thư quốc phòng Trung Quốc vạch ra một kế hoạch chiến lược tổng thể về việc tạo ra một cộng đồng có chung vận mệnh (CCD), trong triết lý xây dựng một cộng đồng với một 'tương lai chung của nhân loại.'

Trung Quốc không phải là mối quan tâm duy nhất đối với Mỹ. Rõ ràng, Myanmar là mối lo ngại, trong khi tình hình bị che lấp bên trong Thái Lan được ghi nhận một cách âm thầm, cả hai vấn đề mà Mỹ không kiểm soát được bất kỳ kết quả nào. Việc nuôi dưỡng mối quan hệ với Việt Nam, và xây dựng một Singapore vững mạnh dường như được coi là quan trọng hàng đầu. Mỹ không có bất kỳ mối quan hệ đáng kể nào với Campuchia, và có mối quan hệ không đều đặn với Philippines. Mỹ đặt mục tiêu xây dựng hơn nữa mối quan hệ với Indonesia. Mỹ hy vọng những lo ngại của Malaysia về sự xâm nhập của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ, sẽ dẫn đến hợp tác với Mỹ nhiều hơn ở Biển Đông. Cuối cùng, hiệu quả của ASEAN là điều đáng quan tâm.

Tất cả đều nằm trong bối cảnh đại dịch Covid-19, khi mà nguồn lực y tế công cộng của các quốc gia Đông Nam Á đang bị căng thẳng nghiêm trọng.

Học thuyết Biden.

Austin đã vạch ra niềm tin của Hoa Kỳ về tầm quan trọng của các quan hệ đối tác trong khu vực. Điều này đặc biệt quan trọng trong các lĩnh vực :

1) đại dịch Covid-19,
2) biến đổi khí hậu,
3) sự ép buộc từ các cường quốc đang trỗi dậy,
4) kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, và
5) cuộc khủng hoảng Myanmar.

Austin nhấn mạnh rằng Mỹ không mong đợi các quốc gia Đông Nam Á buộc phải đưa ra lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ dự định tìm kiếm các lĩnh vực cùng quan tâm trong quan hệ song phương và đa phương, chứ không phải là theo đuổi lợi ích của Mỹ. Mỹ đang tìm kiếm một mối quan hệ ổn định và mang tính xây dựng với Trung Quốc, ở Biển Đông.

Mỹ cũng coi ASEAN có vai trò trung tâm trong khu vực, chỉ ra những nỗ lực ngoại giao của họ đối với Myanmar. Tầm nhìn của Austin là ASEAN có thể bổ sung cho QUAD, một tổ chức mà các thành viên đang cư trú ở các vùng ngoại vi của khu vực. Mặc dù vậy, những sáng kiến ​​cụ thể nào mà Mỹ muốn thấy đã bị bỏ sót. Austin chỉ tán thành chủ đề an ninh chung là nền tảng cho sự hợp tác.

Austin vạch ra ba giai đoạn trong học thuyết,

1) Phục hồi Covid, ở đó Hoa Kỳ đã viện trợ 40 triệu liều vắc xin cho Indonesia, Lào, Philippines, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam,
2) Đầu tư vào các quan hệ đối tác hợp tác trong khu vực, thông qua ngoại giao và các phương tiện quân sự để tạo ra sức răn đe tổng hợp bằng sự phối hợp và mạng lưới kết nối, và…
3) phát triển mối quan hệ đối tác lâu dài với nhau trong một trật tự dựa trên luật lệ ở khu vực.

Austin đề cập đến các lĩnh vực trong trật tự dựa trên quy tắc sẽ phải được ưu tiên; tự do hàng hải, nhân quyền và giải quyết các tranh chấp của cộng đồng. Mặc dù, Mỹ khẳng định mong muốn có mối quan hệ bền chặt hơn với Trung Quốc, nhưng nước này lại đang tranh chấp đường chín đoạn ở biển Đông.

Kurt Campbell tuyên bố rõ ràng rằng những sáng kiến ​​này phải được thử nghiệm và tinh chỉnh khi chúng được phát triển và thực hiện. Chiến lược này sẽ là một thách thức và là một kinh nghiệm học hỏi cho chính quyền Biden.

Đây là một sự khác biệt rõ ràng so với bản chất đơn phương và mang tính mua bán của Trump trong cách tiếp cận của chính quyền ông ta đối với khu vực. Chính quyền Biden đã thể hiện nguyện vọng mạnh mẽ được tham gia vào khu vực. Tuy nhiên, cho đến nay nó vẫn bỏ ngỏ bất kỳ sự trở lại nào đối với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, trung tâm trong xoay trục sang châu Á của Obama, mà Trump đã hủy bỏ khi lên nhậm chức.

Học thuyết thừa nhận những điểm yếu của Hoa Kỳ đối với một số mối quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á, và với nhận thức rằng bất kỳ sáng kiến ​​an ninh nào trong khu vực đều không thể do một mình Hoa Kỳ chịu trách nhiệm. Do đó, một cách tiếp cận hợp tác là cơ sở cho sự cần thiết để chiếm lấy ảnh hưởng của Trung Quốc bằng cả sức mạnh mềm và sự hiện diện quân sự.

Điều này thừa nhận một kỷ nguyên mà Trung Quốc được công nhận là có ảnh hưởng lớn trong khu vực, với chính sách ngoại giao hai chiều. Theo kiểu cư xử ông thiện - ông ác, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã trách mắng Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh của họ ở Alaska về các vấn đề nhân quyền, sự hung hăng trong khu vực, các vấn đề kinh tế sai trái; trong khi đó Mỹ giải quyết các vấn đề cùng quan tâm với Trung Quốc, với đặc phái viên khí hậu của Mỹ, John Kerry đến thăm Trung Quốc để thảo luận về nền tảng chung cho hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc sắp tới tại Glasgow, vào cuối năm nay.

Chính quyền Biden đang áp dụng phương pháp tiếp cận theo nhóm. Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ đóng một vai trò mang tính biểu tượng lớn, trong chuyến thăm sắp tới của bà với đồng minh lâu năm Singapore và tiếp tục chiêu mộ Việt Nam. Đây là chuyến thăm theo sau dấu chân của bộ trưởng quốc phòng Austin tới Singapore, Việt Nam và Philippines, và chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman tới Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ và Indonesia.

Đánh giá tình huống ngắn gọn.

Hiện nay Singapore là đồng minh mạnh nhất của Mỹ trong khu vực. Singapore ủng hộ sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ trong khu vực và do đó đang hỗ trợ hậu cần, vận chuyển cho các máy bay quân sự và tàu chiến của Mỹ, cũng như các đợt triển khai các toán quân luân phiên. Mỹ hỗ trợ các lực lượng vũ trang Singapore đang huấn luyện ở nước ngoài, nơi mà Singapore có một số phi đội máy bay trên đất Mỹ.

Chuyến thăm mới nhất của Austin chứng kiến ​​cả hai bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực AI, phòng thủ không gian mạng và truyền thông chiến lược, đồng thời thành lập cơ sở thông tin chống khủng bố đa phương mà Mỹ là một đối tác. Chính quyền Biden vừa công bố đề cử nhà từ thiện Jonathan Kaplan làm đại sứ Mỹ tại Singapore, một vị trí bị bỏ trống dưới thời chính quyền Trump, kể từ năm 2017.

Mối quan hệ của Hoa Kỳ với Indonesia khá mạnh mẽ, ở đó Hoa Kỳ có đầu tư thương mại đáng kể vào nước này. Indonesia có vị trí chiến lược quan trọng do eo biển Malacca, là tuyến đường vận chuyển nhộn nhịp nhất trên thế giới. Mỹ và Indonesia chia sẻ một cơ sở tuần duyên chung, mới ở Batam, tập trung vào các hoạt động an ninh hàng hải và chống cướp biển. Hai nước cũng tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung thường xuyên, và một cuộc tập trận quân sự chung hàng năm được chỉ định là Lá chắn Garuda. Indonesia cũng thực hiện các cuộc tập trận chung với Trung Quốc, tiến hành các mối quan hệ tốt đẹp với cả Trung Quốc và Mỹ.

Mỹ có mối quan hệ tốt với Malaysia, với các liên kết thương mại và quân sự mạnh mẽ. Malaysia đã trở nên ngán ngẩm trước Trung Quốc do gần đây không quân PLA xâm phạm lãnh hải Malaysia, ở Biển Đông. Mỹ cũng đã có mối quan hệ lâu dài với Thái Lan. Mặc dù Mỹ đã chỉ trích cuộc đảo chính quân sự năm 2014, lật đổ một chính phủ dân cử, cả hai nước vẫn đang tham gia hợp tác tốt về mặt quân sự, với nhiều cuộc tập trận chung. Mỹ đang sử dụng sân bay Hải quân U-Tapao làm điểm dừng tiếp nhiên liệu chủ chốt giữa Mỹ, Iraq và Afghanistan. Giống như Indonesia, Thái Lan cũng có quan hệ tốt với Trung Quốc.

Việt Nam là một ưu tiên đối với Mỹ. Do vướng mắc với các vấn đề di sản liên quan đến hài cốt của quân nhân Mỹ bị mất tích từ chiến tranh Việt Nam, và sự nghi ngờ về ý định của Hoa Kỳ bởi phía Việt Nam, mối quan hệ này đã chậm phát triển. Sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông có thể ảnh hưởng khiến mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam tốt đẹp hơn. Cho đến nay đã có hợp tác song phương về thực thi và nâng cao năng lực luật pháp hàng hải. Có tin đồn rằng Harris sẽ ký Hiệp định An ninh chung về Thông tin Quân sự (GSOMIA) (*), loại hiệp định tạo tiền đề cho việc trao đổi thông tin quân sự tuyệt mật giữa các bên.

Quan hệ của Philippines với Mỹ có một chút thất thường trong nhiệm kỳ tổng thống của Duterte. Có thể vẫn còn một số thất vọng về việc Mỹ xử lý vấn đề bãi cạn Scarborough vào năm 2012, khi Trung Quốc phá vỡ thỏa thuận do Mỹ làm trung gian. Tuy nhiên, Austin đã rời khỏi chuyến thăm Philippines gần đây của ông với Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng Philippines (VFA) được gia hạn, sau khi Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte đe dọa sẽ chấm dứt nó.

Sự gia tăng căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông, qua việc các binh sĩ PLA cải trang thành ngư dân trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, có khả năng giúp làm dịu thái độ của Tổng thống Duterte đối với Mỹ. Sẽ có một tổng thống mới ở Philippines vào năm tới, điều mà Mỹ đang chờ đợi.

Mối quan hệ của Hoa Kỳ với Campuchia vẫn còn kém. Cuộc gặp của cựu tổng thống Obama với nhà lãnh đạo Campuchia Hun Sen vào năm 2012, được cho là rất căng thẳng về các vấn đề nhân quyền. Các chuyến thăm của tàu hải quân Hoa Kỳ, các cuộc tập trận chung, huấn luyện chống khủng bố và hoạt động chung chống buôn bán người (tổ chức mại dâm) hầu như không cải thiện được mối quan hệ. Mối quan hệ của Hoa Kỳ với Lào là giao dịch kiểu con buôn, nhưng thân tình.

Sau cuộc đảo chính quân sự tháng 2 năm 2021 ở Myanmar, Biden đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các nhà lãnh đạo quân đội Myanmar và các đối tác liên kết kinh doanh của họ. Giống như Campuchia, Myanmar sẽ là một ưu tiên thấp đối với Mỹ, vì rất khó để thấy được bằng cách nào mà chiến lược Biden có thể đưa các nước này đến gần Mỹ hơn.

Chiến lược Biden coi trọng vai trò của ASEAN trong khu vực. Tuy nhiên, kể từ khi cựu tổng thư ký ASEAN, Tiến sĩ Surin Pitsuwan kết thúc chức vụ, và các hạn chế đi lại do Covid-19 ở khu vực trong 18 tháng qua, ASEAN dường như không còn thích hợp. Cộng đồng Kinh tế ASEAN chỉ tồn tại trên danh nghĩa và các cơ chế đối tác quan trọng như Đối tác Chiến lược EU-ASEAN vẫn chưa được kích hoạt.

ASEAN, theo mặc định, đã trao quyền hợp pháp cho chính phủ quân sự Myanmar. Việc bổ nhiệm Thứ trưởng Ngoại giao Brunei, Ergwan Yusof làm đặc phái viên của ASEAN tại Myanmar, thiếu trọng lượng và kinh nghiệm so với các lựa chọn tiềm năng khác. Thực tế là thiếu bất kỳ ý chí chính trị thực sự nào để ASEAN thúc đẩy Myanmar trở lại dân chủ, vì hầu hết các thành viên ASEAN đều là các chính phủ độc tài theo đúng nghĩa của riêng họ.

Các nước thành viên dường như không có bất kỳ thiện chí chính trị nào để thay đổi điều này, vì vậy hy vọng của Hoa Kỳ đối với ASEAN có thể không thực hiện.

Học thuyết Biden còn nhiều thử nghiệm và thách thức ở phía trước. Obama nhận thấy 'xoay trục sang châu Á' của ông rất khó thực hiện so với dự tính. Sự thúc ép của Obama về nhân quyền hầu như không được chú ý, gây ra nhiều xích mích hơn, nếu có bàn đến. Các mối quan hệ đối tác dựa trên giá trị của Biden có thể dễ dàng thử nghiệm trong nhiều tình huống.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã củng cố vị thế của mình ở Trung Quốc, giống như Putin ở Nga. Trung Quốc và Nga đang xích lại gần nhau hơn. Các mối quan hệ cá nhân có thể giúp định hình khu vực nhiều hơn là phụ thuộc vào một học thuyết được đưa ra trong một cơ quan tư vấn của bộ ngoại giao. Vì vậy, các cuộc gặp Biden-Xi và Putin trong tương lai sẽ là quan trọng nhất.

Chính Kurt Campbell thừa nhận rằng học thuyết này chỉ hoạt động trong quá trình và sẽ cần thay đổi và chỉnh sửa theo thời gian. Phần thứ ba của học thuyết là quan trọng nhất, mà cho đến nay, chính quyền hầu như giữ im lặng. Tăng trưởng kinh tế sẽ là điều tối quan trọng, một khi khu vực này ở bên kia bờ của đại dịch. Campbell thừa nhận là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hoặc một số sáng kiến ​​mới vẫn khiếm khuyết trong học thuyết. Điều này vẫn đang được phát triển.

Một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với học thuyết Biden là sự kiện đang xảy ra hiện nay. Sự sụp đổ của Kabul ở Afghanistan, và những hình ảnh diễn ra đều theo kịch bản của một Sài Gòn thất thủ. Điều này có thể làm giảm uy tín của Mỹ và làm tổn hại đến nhận thức về Biden với tư cách là một nhà lãnh đạo siêu cường. Phần lớn sẽ phụ thuộc vào cách mà các phương tiện truyền thông miêu tả sự tiếp quản đất nước của Taliban.

Trong nhiều thập kỷ nay, Mỹ đã hợp tác và phát triển quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á trên cơ sở đặc biệt. Thực sự rất khó để thấy rằng học thuyết Biden sẽ mang lại cho Hoa Kỳ nhiều bạn bè hơn so với những gì họ đã có, và tạo ra nhiều khác biệt cho vị thế của Trung Quốc trong khu vực. Những gì học thuyết Biden có thể làm, là giúp ngăn chặn sự suy giảm vị thế của Hoa Kỳ trong khu vực so với hiện nay.

_ Murray hiện là phó giáo sư tại Đại học Malaysia Perlis, ông dành nhiều thời gian tư vấn cho các chính phủ châu Á về phát triển cộng đồng và công nghệ sinh học làng xã, cả ở cấp chiến lược lẫn trên “thực địa”. Ông cũng là giáo sư thỉnh giảng tại một số trường đại học và là diễn giả thường xuyên tại các hội nghị và hội thảo trong khu vực.

_ Chú thích :

(*) GSOMIA = General Security of Military Information Agreement, là thỏa thuận quốc tế ràng buộc về mặt pháp lý thiết lập các điều khoản bảo vệ và xử lý thông tin quân sự tuyệt mật do một trong hai bên cung cấp cho bên kia.

Thỉnh thoảng báo chí loan tin Hàn quốc hoặc Nhật Bản đòi rút lại thỏa thuận loại này mà họ đã ký kết với nhau. Việc đòi rút lại thỏa thuận thường xảy ra sau một sự cố mang tính lịch sử trong quan hệ hai nước, ví dụ, Hàn quốc đòi Nhật bồi thường cho các phụ nữ bị sử dụng phục vụ tình dục cho quân đội Nhật trong quá khứ; hoặc Nhật đòi Hàn quốc trao trả một hoặc vài hòn đảo nhỏ đang được Hàn quốc quản lý nhưng Nhật cho rằng theo lịch sử nó thuộc về Nhật Bản. Đặc biệt, mỗi khi xảy ra câu chuyện đòi rút lại loại thỏa thuận thì Mỹ ra sức dàn xếp khá vất vả. Vì vậy, có thể nói GSOMIA là sự giao ước gác lại quá khứ hướng đến tương lai trong một "vận mệnh chung", nó có hiệu quả thực tế hơn nhiều so với khẩu hiệu "cộng đồng có chung vận mệnh" của Trung quốc…. / THS.


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.