Tại sao khủng bố sẽ nhắm mục tiêu vào Trung Quốc, ở Pakistan

Khi nhận thức về cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ tăng lên, và sự tức giận về các dự án đầu tư của Bắc Kinh dâng tràn, công dân và doanh nghiệp Trung Quốc có thể sẽ gánh lấy đau khổ.

Các cảnh sát cơ động Pakistan đứng trước lãnh sự quán Trung Quốc sau vụ tấn công ở Karachi ngày 23/11/2018. ASIF HASSAN / AFP QUA GETTY IMAGES.

Abdul Basit và Raffaello Pantucci,…NGÀY 27 THÁNG 8 NĂM 2021, 12:18 PM.. Theo Foreign Policy.

Trần H Sa lược dịch.

Với quyền lực lớn thì phải đi kèm với trách nhiệm lớn, là câu châm ngôn trong truyện vui thiếu nhi Marvel. Nhưng quyền lực lớn cũng thu hút sự ghen tị, tức giận và những kẻ thù.

Đây là điều mà Trung Quốc đang học hỏi một cách muộn màng - và bằng nhiều sự thất vọng của họ - ở Pakistan, nơi mà các dự án đầu tư của họ đang phải đối mặt với những phức tạp, những công dân và các cơ sở của Trung quốc đang ngày càng trở thành mục tiêu của các tổ chức khủng bố địa phương, từ các nhóm thánh chiến như Tehrik-i-Taliban Pakistan (TTP) đến những người theo chủ nghĩa dân tộc ly khai ở Balochistan và Sindh.

Trung Quốc từ lâu đã nằm trong tầm ngắm của các chiến binh Pakistan. Nhưng gần đây, tốc độ của các cuộc tấn công dường như đang tăng lên. Thứ Sáu tuần trước đã chứng kiến nỗ lực mới nhất, lần này là của Quân đội Giải phóng Balochistan (BLA) chống lại các tàu vận chuyển quân dụng của Trung Quốc ở hải cảng Gwadar. Nhóm này đã nhiều lần nhắm mục tiêu vào các mục tiêu cao cấp của Trung Quốc ở Pakistan, bao gồm Lãnh sự quán Trung Quốc tại Karachi vào tháng 11/2018.

Các báo cáo về thương vong của cuộc tấn công mới nhất này thì khác nhau, với BLA tuyên bố họ đã giết chết sáu công dân Trung Quốc và ba nhân viên bảo vệ, trong khi chính quyền Trung Quốc và Pakistan tuyên bố một công dân Trung Quốc bị thương và hai trẻ em đã thiệt mạng (BLA tuyên bố hai đứa trẻ đã thiệt mạng do lực lượng Pakistan bắn bừa bãi). Bất kể con số ác nghiệt là gì, cuộc tấn công là sự cố cao cấp lần thứ tư trong năm nay, và nó cũng xác nhận xu hướng đáng lo ngại của việc sử dụng những kẻ đánh bom tự sát, một sự đổi mới đối với nhóm Balochi.

Pakistan đã và đang trở thành mô hình thu nhỏ của một thực tế lớn hơn mà Bắc Kinh sẽ phải đối mặt trên toàn cầu. Khi Trung quốc trở thành một cường quốc toàn cầu trên trường quốc tế, nó sẽ thu hút sự tức giận của các tổ chức khủng bố. Việc Bắc Kinh sẵn sàng tham gia với Taliban có thể là một nỗ lực để cố gắng ngăn chặn những vấn đề như vậy ở Afghanistan mới, nhưng lịch sử cho thấy đây là một canh bạc rủi ro dành cho Bắc Kinh.

Trung Quốc đã cố gắng đạt được một thỏa thuận trước vụ 11/9 với Taliban, để khiến Taliban làm điều gì đó với các nhóm người Duy Ngô Nhĩ mà Trung Quốc nhận thấy đang tụ tập ở Afghanistan, nhưng không rõ Taliban đã làm gì với các nhóm này.

Thỏa thuận mới mà Bắc Kinh và Taliban được cho là vừa đạt được có thể không khác so với thỏa thuận trước đó do mối lo ngại của Trung quốc, nhưng bây giờ có thêm vấn đề về số lượng lớn những công dân Trung Quốc có thể được nhìn thấy xung quanh khu vực, bao gồm nhiều doanh nhân liều lĩnh khác nhau ở Kabul, những người có thể không tuân thủ các luật Sharia khác nhau của Hồi giáo mà Taliban sẽ áp đặt. Ai sẽ bảo đảm sự an toàn cho họ? Và không ai trong số này sẽ giúp Bắc Kinh vượt qua vấn đề lớn hơn là, bạn sẽ không thể tránh khỏi trở thành mục tiêu của những kẻ thù, một khi bạn có được vị thế siêu cường.

Cuộc tấn công ở Gwadar hôm thứ Sáu tuần trước theo sau vụ giết chết chín kỹ sư Trung Quốc làm việc trong dự án thủy điện Dasu ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa của Pakistan - một cuộc tấn công vẫn chưa được chính thức thừa nhận. Ngay sau vụ tấn công đó, hai công dân Trung Quốc đã bị bắn và một người bị thương ở Karachi bởi một nhóm ly khai Baloch khác (Mặt trận Giải phóng Baloch). Vào tháng 3, nhóm ly khai Sindhi đã làm bị thương một công dân Trung Quốc trong một cuộc tấn công bằng súng, cũng ở Karachi. Điều này xảy ra sau hai sự cố tương tự vào tháng 12.

Đáng kể nhất, Đại sứ Trung Quốc tại Pakistan, Nong Rong, trong gang tấc đã thoát khỏi một cuộc tấn công của Taliban ở Pakistan (Taliban sinh hoạt hai nơi liên kết nhau, ở Pakistan và Afghanistan) hồi tháng 4 tại khách sạn Serena ở Quetta. Trách nhiệm gây ra các sự cố nghiệt ngã này đến từ một loạt các tác nhân ngày càng tăng, làm nổi bật bản chất đang gia tăng của vấn đề mà Trung Quốc đang phải đối mặt ở Pakistan.

Hiệu quả nhất trong số các cuộc tấn công này là cuộc tấn công ở Dasu. Các nguồn tin Trung Quốc cho rằng nó là do Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) - một nhóm hiện đang có sự tranh chấp và tên của họ chủ yếu được sử dụng để chỉ cho nhóm tự xưng là Đảng Hồi giáo Turkistan (TIP) - hành động đồng thời với Taliban ở Pakistan. Cả Pakistan và Trung Quốc cũng sử dụng cơ hội này để đổ lỗi cho Ấn Độ - một cáo buộc lâu năm được đưa ra xung quanh các cuộc tấn công khủng bố ở Pakistan.

Chính thức hơn, Bắc Kinh dường như mở rộng vòng đổ lỗi trong chuyến thăm hai ngày của Taliban ở Afghanistan tới Trung Quốc, với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị yêu cầu Taliban tách hẳn khỏi Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan / Đảng Hồi giáo Turkistan và hành động chống lại nó ở Afghanistan vì "đó là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc gia của Trung Quốc". (Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan có chủ trương thành lập một quốc gia Hồi giáo Đông Turkestan bao gồm tỉnh Tân Cương của Trung quốc vốn là nơi sinh sống của người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đang bị đàn áp…. / THS)

Mặc dù không được tuyên bố rõ ràng, tuyên bố này dường như là một lời cảnh báo, cho thấy đó là điều kiện để Bắc Kinh công nhận chính phủ Taliban khi nhóm này lên nắm quyền ở Afghanistan. Bắc Kinh tiếp tục tập trung vào Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan như một mối lo ngại hàng đầu cần nổ lực nhổ tận gốc, do phong trào đó có khả năng lan rộng từ sự bất ổn có thể xảy ra sau sự tiếp quản của Taliban, và không rõ Bắc Kinh tự tin như thế nào trong sự bảo đảm của Taliban về việc quản lý các mối đe dọa của Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan.

Nhưng sự gia tăng đột ngột của các cuộc tấn công khủng bố nhắm vào các công dân và dự án của Trung Quốc ở Pakistan cho thấy chiến binh chống Trung Quốc đang phát triển như thế nào trong bối cảnh Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.

Trung Quốc có thể đang phát triển mối quan hệ với Taliban một phần để giảm thiểu những lo ngại này, nhưng vấn đề thì lớn hơn nhiều so với những gì mà các nhà lãnh đạo Taliban có thể kiểm soát. Trước đây, cộng đồng thánh chiến khá mâu thuẫn về Trung Quốc. Osama bin Laden thậm chí còn được trích dẫn trước vụ 11/9 nói rằng, Bắc Kinh có thể là một đồng minh chiến lược đối với cộng đồng thánh chiến do sự đối kháng chung của họ nhắm tới Hoa Kỳ. Nhưng vào thời điểm đó, Trung Quốc vẫn được coi là một quốc gia đang phát triển. Bây giờ nó là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và đang ngày càng trở thành tác nhân tự phụ nhất trong khu vực lân cận của Afghanistan. Điều này làm thay đổi nhận thức chung về Trung Quốc và mang lại căng thẳng với nước này.

Sự căng thẳng này có thể thấy rõ ràng nhất ở Pakistan. Mặc dù Bắc Kinh và Islamabad là những người bạn thân thiết và là đối tác chiến lược, Pakistan vẫn luôn là nơi diễn ra số lượng các cuộc tấn công khủng bố cao nhất chống lại công dân Trung Quốc so với bất kỳ quốc gia nào khác.

Tình hình này có khả năng trở nên tồi tệ hơn đối với Bắc Kinh. Trong hai thập kỷ qua, sự hiện diện của Mỹ ở Afghanistan đã kiểm soát mối đe dọa khủng bố từ nước này, có nghĩa là Trung Quốc không cần phải bận tâm quá nhiều với những thách thức an ninh. Với sự ra đi của Hoa Kỳ, bộ đệm an ninh đó đã biến mất, cũng như sự bối rối với Con quỷ Mỹ vĩ đại hiện diện trên đất Afghanistan đã biến mất.

Trung Quốc đã tìm cách tăng cường phòng thủ trực tiếp với Afghanistan thông qua việc xây dựng các căn cứ và cung cấp hỗ trợ cho các lực lượng Tajik và Pakistan ở hai bên hành lang Wakhan (xem hình), cùng với việc xây dựng các căn cứ trực tiếp của riêng Trung Quốc ở Tajikistan và các căn cứ cho các lực lượng chính phủ Afghanistan phe quốc gia trước đây ở Badakhshan (các căn cứ này hiện không rõ tình trạng của chúng nhưng có lẽ bây giờ nằm dưới sự kiểm soát của Taliban).

Nỗ lực có phần hạn chế này đã được thực hiện khi Hoa Kỳ vẫn còn ở đó và cung cấp sự bảo đảm đáng tin cậy để kiểm soát các nhóm chiến binh và thậm chí giúp nhắm mục tiêu vào các nhóm chống Trung Quốc. Vào tháng 2 năm 2018, quân đội Hoa Kỳ đã nhắm mục tiêu vào một loạt các doanh trại ở Badakhshan được cho là đang được Taliban và Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan sử dụng.

Vấn đề đối với Trung Quốc thậm chí có thể còn tồi tệ hơn. Trong khi Hoa Kỳ kết thúc chịu đựng các cuộc tấn công thánh chiến vì can thiệp vào Afghanistan, và vì những gì được coi là một cuộc thập tự chinh chống Hồi giáo rộng lớn hơn, như là kết quả của cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, Trung Quốc phải đối mặt với sự giận dữ của cả thánh chiến và các nhóm dân tộc ly khai trong khu vực.

Các nhóm dân tộc chủ nghĩa ly khai Sindhi và Baloch coi Trung Quốc là một cường quốc tân thuộc địa, chiếm đoạt tài nguyên của họ và hợp tác với đối thủ chính của họ là nhà nước Pakistan, làm trầm trọng thêm tình trạng kinh tế xã hội vốn đã tồi tệ của họ. Điều này được nêu rõ trong tuyên bố của Mặt trận Giải phóng Baloch khi họ nhận trách nhiệm bắn vào các công dân Trung Quốc ở Karachi : "Đội lốt các dự án phát triển, Trung Quốc không chỉ thông đồng với nhà nước Pakistan trong việc cướp bóc tài nguyên của Baloch mà còn hỗ trợ đàn áp cộng đồng Baloch".

Bản đồ dự án hành lang kinh tế Trung quốc - Pakistan và các dự án đường bộ của Trung quốc ở Afghanistan cùng các khu vực lân cận.

Các nhóm thánh chiến trước đây ít tập trung sự tức giận của họ vào Trung Quốc, tiếp tục coi Hoa Kỳ và phương Tây là những kẻ thù bên ngoài chính yếu của họ. Nhưng đồng thời, có một sự gia tăng rõ rệt trong các câu chuyện tuyên truyền trực tiếp nhắm tới Trung Quốc. Điều này thường liên quan đến cuộc đàn áp của Bắc Kinh đối với cộng đồng Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị quấy rối ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc.

Các nhà tư tưởng đang lên như giáo sĩ Hồi giáo Abu Zar al-Burmi - có nguồn gốc từ Myanmar - gắn kết những câu chuyện này lại với nhau. Kể từ năm 2015, nhà hùng biện chính trị Burmi đã đóng khung Trung Quốc là cường quốc tân thuộc địa tiếp theo, sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan. Chẳng hạn, Burmi nói với những người theo ông trong một tuyên bố, "Mujahideen nên biết rằng kẻ thù sắp tới của cộng đồng Hồi giáo là Trung Quốc, quốc gia đang phát triển vũ khí của mình ngày này qua ngày khác để chống lại người Hồi giáo." Trong một video khác, có tiêu đề "Hãy ngăn chặn Trung Quốc", ông ấy lập luận rằng sau "chiến thắng của Taliban ở Afghanistan … Mục tiêu tiếp theo của chúng ta sẽ là Trung Quốc".

Luận điệu chống Trung Quốc của ông Burmi, kết hợp với các câu chuyện về chủ nghĩa thực dân của Trung Quốc (ở quê hương Myanmar của ông ấy cũng như ở Tân Cương) cùng với các ứng xử đàn áp Hồi giáo, đã thu hút sự chú ý của các nhóm thánh chiến đối với Bắc Kinh. Tiếng vang của những tình cảm này cũng được tìm thấy trong một số nhóm thánh chiến Indonesia và trong số những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Trung Á.

Tân Cương từ lâu đã là một điểm thảo luận cho cộng đồng thánh chiến toàn cầu, nhưng cộng đồng này chưa bao giờ dành nguồn lực để làm bất cứ điều gì về nó. Mặc dù vẫn chưa rõ điều này đã thay đổi hay chưa, nhưng điều đáng chú ý là câu chuyện đang được bàn bạc sắc nét hơn và chủ đề thảo luận về Duy Ngô Nhĩ không còn là vấn đề bên lề như trước đây. Các chiến binh Duy Ngô Nhĩ thường xuyên được các phe phái thánh chiến khác ca ngợi vì sự dũng cảm của họ trên chiến trường.

Đối với một quốc gia như Pakistan, nước có chung biên giới trực tiếp với Tân Cương, đó là một vấn đề chính trị gây nhiều tranh cãi, với Thủ tướng Imran Khan thường xuyên bênh vực và bảo vệ cách đối xử của Trung Quốc đối với thiểu số Hồi giáo. Điều này đã mở rộng đến việc Pakistan không cung cấp các biện pháp bảo vệ cho cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ đang cư trú tại Pakistan, và họ đã rơi vào tầm ngắm đáng ngờ của Trung Quốc. Điều này chỉ làm tăng thêm sự tức giận chống lại nhà nước Pakistan được cảm nhận từ bên trong cộng đồng thánh chiến. Tuy nhiên, tấn công Trung Quốc ở Tân Cương hoặc các nơi khác trong đại lục là một mệnh lệnh khá khó khăn đối với các nhóm này.

Ngược lại, Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) - một mạng lưới gồm các đường cao tốc, đường sắt, các dự án điện lực và các dự án khác mà sẽ đi vào khu vực Gilgit-Baltistan của Pakistan từ Tân Cương và ra đến điểm cuối tại cảng Gwadar - mang đến cho các nhóm này nhiều cơ hội để làm tổn thương Bắc Kinh cũng như chính phủ Pakistan. Đối với Bắc Kinh đầu tư của Trung Quốc vào Pakistan đã trở thành điểm yếu dễ bị tấn công.

Trong giai đoạn tiếp theo của kế hoạch, Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan sẽ lan rộng hơn nữa trên khắp Pakistan. Và ngoài các dự án chính thức của Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan, ngày càng có nhiều mục tiêu tiềm năng của Trung Quốc ở Pakistan thông qua hàng ngàn khách du lịch cá nhân và doanh nhân, những người tận dụng quyền tiếp cận thị thực dể dãi vào Pakistan để tìm kiếm cơ hội. Điều này sẽ mở rộng rất lớn các mục tiêu tiềm năng của Trung Quốc cho các nhóm khủng bố ở Pakistan tấn công và làm phức tạp các nỗ lực của chính phủ Pakistan trong việc cung cấp sự bảo vệ. Nhiều người Trung Quốc và Pakistan hơn nữa có thể sẽ phải chịu đựng.

Vấn đề đối với Bắc Kinh là các mục tiêu của Trung Quốc ở Pakistan (và Afghanistan và xa hơn thế nữa) sẽ ngày càng trở nên hấp dẫn. Đây một phần là sản phẩm của sự hiện diện và liên minh ngày càng tăng của Trung Quốc với một chính phủ Islamabad vốn có rất nhiều kẻ thù trên thực địa, nhưng đó cũng là do sự nổi bật ngày càng tăng của Trung Quốc ở cấp độ toàn cầu.

Các nhóm khủng bố cuối cùng sẽ tìm cách đưa ra một thông điệp chính trị để thu hút sự chú ý đến sự nghiệp của chúng; những hành động bạo lực ngoạn mục là công cụ họ sử dụng để thực hiện thông điệp chính trị này. Mỗi cuộc tấn công giúp quảng bá thông điệp, tuyển dụng, gây quỹ, và nhiều thứ hơn nữa của họ. Bằng cách nhắm mục tiêu vào Trung Quốc - hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - các nhóm thánh chiến, các nhóm dân tộc chủ nghĩa ly khai và các nhóm khủng bố khác, đều ngày càng cam đoan thực hiện sự chú ý này. Trung Quốc đang phát hiện ra rằng trở thành một cường quốc lớn cũng đi kèm với những rủi ro lớn.


_ Abdul Basit là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Bạo lực Chính trị và Khủng bố Quốc tế của Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore.

_ Raffaello Pantucci là thành viên cao cấp tại Viện Liên hiệp Dịch vụ Hoàng gia Anh và là thành viên cao cấp tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.