Trật tự thế giới mới: Anh, Mỹ và Úc có thể kềm chế Trung Quốc?

Ảnh của The Spectator

James Forsyth,…Từ số tạp chí: 25 Tháng chín 2021…Theo The Spectator.

Trần H Sa lược dịch.

Chỉ trong khoảng thời gian vài năm, Anh đã đi từ người bạn tốt nhất của Trung Quốc thành một phần của một hiệp ước chống lại nó. Khi Chủ tịch Tập Cận Bình đến London vào năm 2015, Phố Downing đã rút hết tất cả các điểm kiểm soát. Ông Tập ở lại tại Cung điện Buckingham, chơi cờ và ký - đáng ngạc nhiên - một thỏa thuận an ninh mạng. Cảnh sát đã cố gắng hết sức để kiểm soát các cuộc biểu tình của những người ủng hộ Tây Tạng Tự do và ngăn cản một người sống sót ở Quảng trường Thiên An Môn. Tuy nhiên, chỉ sáu năm sau, hiện nay Vương quốc Anh đã tham gia với Úc và Mỹ ở Aukus, một liên minh mới được thiết kế để kiểm tra sức mạnh của Trung Quốc ở Thái Bình Dương.

Anh không còn cố gắng giữ thái độ trung lập trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Họ đã kiên quyết đứng về phía Hoa Kỳ. Trông như thể các đường nét của 30 năm tiếp theo trong chính sách đối ngoại của Anh vừa trở nên vững chắc.

Liên minh mới là tất cả cho lợi ích chung. Người Úc muốn có sự bảo vệ lâu dài trước Trung Quốc, điều mà Pháp không thể cung cấp, vì vậy Anh đã can thiệp vào, cùng với Mỹ, sẵn sàng chia sẻ công nghệ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Joe Biden đang nhìn ra ngoài NATO, một liên minh mới sẵn sàng bằng lòng giúp đỡ với nỗ lực kiểm soát sức mạnh của Trung Quốc ở châu Á. Các nhà phê bình tự hỏi, chúng ta có thể thêm sức lực gì cho hải quân Mỹ, nhưng đó không phải là vấn đề. Hoa Kỳ được an toàn trước một đường lối cứng rắn của Vương quốc Anh đối với Trung Quốc. Và vì bản chất của thể chế trong liên minh ba bên này, có thể tự tin rằng Anh sẽ không thay đổi ý định và thử tìm kiếm sự ưu ái bằng cách xu nịnh Bắc Kinh một lần nữa.

"Mối quan hệ này có nền tảng đủ sâu sắc để nó có thể tồn tại trước bất cứ sóng gió chính trị nào", một nguồn tin của Anh cho biết. Điều này rất quan trọng. Nó có nghĩa là hiệp ước không phụ thuộc vào bất kỳ sự tâm đầu ý hợp nào giữa các nhà lãnh đạo; rằng hợp tác quốc phòng và công nghệ giữa ba quốc gia này sẽ tiếp tục bất kể những ai ở trong Tòa Bạch Ốc, dinh thủ tướng Anh và dinh thủ tướng Úc, có quan hệ tốt đẹp ra sao.

"Mối quan hệ đặc biệt" đúng là đặc biệt hiệu quả dưới thời Margaret Thatcher và Ronald Reagan, nhưng nó cũng qua khỏi được những căng thẳng giữa Bill Clinton và John Major; Donald Trump và Theresa May. Liên minh Aukus sẽ ổn định tình hữu nghị hơn nữa. Nó sẽ là một đặc điểm lâu dài trong chính sách đối ngoại của Anh, và là ví dụ rõ ràng nhất về những gì là nghiêng sang Thái Bình Dương, và câu chuyện 'Nước Anh toàn cầu' thực sự có nghĩa là gì.

Úc bán cho Trung Quốc nhiều hơn tám khách hàng xuất khẩu xếp kế nó cộng lại, tạo ra sự phụ thuộc kinh tế mà có thể - ở một quốc gia khác - đã đi kèm với lòng trung thành chính trị. Chắc chắn, Trung Quốc nghĩ rằng sự chìu chuộng là mắc nợ. Họ đã phản ứng giận dữ trước việc Úc kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của Covid-19 (nó để lộ Bắc Kinh đã khó chịu như thế nào về điều này). Thuế quan đã được đánh vào hàng hóa của Úc, và những trở ngại quan liêu được nêu ra đối với hàng xuất khẩu của nó. Đây là một nỗ lực để buộc Canberra xếp hàng tuân thủ - và một cách để cho người khác thấy việc thắc mắc với Bắc Kinh nguy hiểm như thế nào.

Úc đã phải đối mặt với các cuộc tấn công mạng vốn có tất cả các dấu hiệu từ một hành động của Trung Quốc. Hai tàu do thám Trung Quốc đã tự đi vào ngoài khơi bờ biển Queensland để theo dõi cuộc tập trận quân sự của Úc với các đồng minh. Không có gì ngạc nhiên với Úc - được bao quanh bởi ba đại dương - quyết định cần có tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, loại có thể đi xa hơn so với những tàu ngầm chạy bằng nhiên liệu diesel mà họ đã đồng ý mua từ Pháp. Những gì bắt đầu như một nhu cầu quốc phòng biến thành một liên minh quân sự mới.

Một thỏa thuận như vậy hấp dẫn đối với Mỹ là hiển nhiên. Washington hiện đang cố gắng xây dựng một loạt các liên minh ở Thái Bình Dương để chống lại Trung Quốc. Đối với Anh, sự hấp dẫn là nó cho thấy Vương quốc Anh có thể có liên quan như thế nào ở khu vực này của thế giới trong nhiều thập kỷ tới. Nó đưa ra mục đích mới đối với quyết định mua hai hàng không mẫu hạm hồi năm 2007 và nó đã trao cho Hải quân Hoàng gia một nhiệm vụ.

Mọi thứ ở đây có thể gây tranh cãi sâu sắc. Một nguồn tin quân sự cao cấp cho biết, "Nếu Afghanistan đã chứng minh, ở bất cứ việc gì thì Anh bây giờ là một cường quốc khu vực chứ không phải là một cường quốc toàn cầu. Một quyết định chính trị tạo dựng các hàng không mẫu hạm đó trong khu vực bầu cử của Gordon Brown (Thủ tướng Vương quốc Anh 2007–2010), đã kết thúc việc định hình liên minh quốc phòng của chúng tôi - kéo giản nhiệm vụ một cách mỏng manh, và hầu như không có bất kỳ sử dụng nào cho hải quân Mỹ." Đó là một quan điểm chung. Sẽ không có ý nghĩa gì cả nếu đất nước này, nơi mà chi tiêu quốc phòng chỉ bằng 8% của Mỹ, lại tập trung vai trò của mình ở an ninh châu Âu.

Nhưng Thái Bình Dương là nơi tương lai đang được định hình. Cạnh tranh Mỹ-Trung trên lãnh vực công nghệ cũng nhiều như cạnh tranh quân sự. Các quốc gia không tham gia vào các cấu trúc liên minh của khu vực sẽ tự thấy mình bị bỏ lại phía sau về mặt công nghệ. Thật vậy, một phần quan trọng của quan hệ đối tác Aukus là hợp tác về trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và chiến tranh mạng. Một hệ quả của điều này sẽ là Washington yêu cầu hạn chế những ai mua các công ty công nghệ của Anh, với mục đích ngăn chặn tài sản trí tuệ có giá trị, cuối cùng rơi vào tay Trung Quốc.

Chúng ta có thể kỳ vọng các nhóm khác hình thành. Cái gọi là Quad - Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc, bắt đầu được sử dụng cho các cuộc tập trận hải quân chung - hiện đang làm việc cùng nhau để xây dựng chuỗi cung ứng chất bán dẫn an toàn.

Thỏa thuận Aukus đã nhận được sự nhiệt tình của công chúng ở Nhật Bản và sự khuyến khích ngầm ở Ấn Độ - cho thấy rằng, theo thời gian, sẽ có sự chồng chéo đáng kể giữa các liên minh khác nhau này của Mỹ. Thậm chí có khả năng Aukus có thể được mở rộng. Quốc gia có khả năng nhất được thêm vào hiệp ước sẽ là Canada. Giống như các thành viên sáng lập, Canada cũng là một phần của nhóm tình báo Five Eyes, khiến cho sự hợp tác ở những hoạt động có nền tảng quốc gia trở nên phù hợp một cách thoải mái. Tuy nhiên, New Zealand sẽ không tham gia : nước này không cho phép tàu ngầm hạt nhân hoạt động trong vùng biển của họ, và Thủ tướng New Zealand, bà Jacinda Ardern có quan điểm rất khác về Trung Quốc.

Khi Boris Johnson lần đầu tiên trở thành Thủ tướng, rất ít người có thể dám chắc ông là một người cứng rắn với Trung Quốc. Vào đầu năm ngoái, ông đã xem xét trao cho Huawei các hợp đồng xây dựng mạng 5G của Vương quốc Anh (các thỏa thuận như vậy vẫn được áp dụng ở phần lớn châu Âu). Ngay cả đầu năm nay, ông đã phàn nàn với bạn bè về những gì ông coi là sự nhiệt tình chống Trung Quốc quá mức trong những người ủng hộ Đảng Bảo thủ của Tory. Johnson, ngoại trưởng vào thời điểm xảy ra vụ đầu độc Salisbury và là người mô tả nỗ lực của ông thiết lập lại quan hệ với Nga là sai lầm lớn nhất, ông hài lòng hơn khi nặng lời với Moscow thay vì Bắc Kinh.

Nhưng hành vi gần đây của Trung Quốc - đặc biệt là cách đối xử với Úc và đàn áp Hồng Kông, vi phạm hiệp ước mà họ đã ký với Anh trước khi bàn giao - đã khiến Thủ tướng có một đường lối cứng rắn hơn nhiều. Nó sẽ trở nên khó khăn hơn với sự ra mắt của Liz Truss tại Bộ Ngoại giao. Với tư cách là Bộ trưởng Thương mại, bà Liz Truss đã không che giấu quan điểm của mình về sự cần thiết của phương Tây trong đáp trả việc Trung Quốc lạm dụng các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Aukus có những lợi thế của nó, nhưng cũng có những rủi ro, cái rủi ro lớn nhất không đến từ sức mạnh của Trung Quốc mà là từ điểm yếu của nó. Các tàu ngầm của Aukus sẽ mất nhiều năm để ra mắt và mối nguy hiểm là Bắc Kinh cố gắng vượt qua các liên minh mới đang xuất hiện ở Thái Bình Dương, và cố gắng ra tay ngay bây giờ, có lẽ là thắt chặt kiểm soát các vùng biển xung quanh Đài Loan. Trong một thập kỷ nữa, trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu sẽ có cương vị tốt hơn để kiểm tra Trung Quốc. Điều lo lắng là những gì xảy ra từ bây giờ đến lúc đó.

Các chiến lược gia người Mỹ có ảnh hưởng như Hal Brands và Michael Beckley đã chỉ ra rằng - giống như Đế chế Đức hay Đế quốc Nhật Bản trong những năm 1940 - Trung Quốc có thể kết luận rằng sự trỗi dậy của họ đang chậm lại, và nếu không hành động ngay bây giờ, thì thời điểm cơ hội của họ sẽ trôi qua. Đây là điều làm cho những năm tiếp theo trở nên quá nguy hiểm.

Vị chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ vừa nghỉ hưu gần đây đã cảnh báo Quốc hội trước khi ông rời khỏi chức vụ rằng, Trung Quốc có thể cố gắng chiếm Đài Loan trong vòng sáu năm tới.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã giảm một nửa kể từ năm 2007. Nó đang ngày càng gánh nặng nợ quốc gia - đáng kinh ngạc hiện là 280% GDP, nhiều hơn nhiều so với bất kỳ quốc gia châu Âu nào. Hiện Trung Quốc đã là một quốc gia có thu nhập trung bình qua một phần tư thế kỷ, và vẫn còn khá xa để dần dần tiến đến một quốc gia có thu nhập cao. Không có quốc gia nào tránh được bẫy thu nhập trung bình trong nửa sau của thế kỷ 20 - Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore - đã trải qua ba thập kỷ như là quốc gia có thu nhập trung bình. Hành động của Chủ tịch Tập cận Bình trong những tuần gần đây - cấm dạy kèm tư nhân, kềm chế các công ty công nghệ Trung Quốc và siết chặt lĩnh vực bất động sản - tất cả sẽ va chạm đến đầu tư nước ngoài, là loại hình đã làm rất nhiều để thúc đẩy tăng trưởng của Trung Quốc.

Chúng ta đã quen với việc than vãn về các vấn đề nhân khẩu học của phương Tây, nhưng nhân khẩu học của Trung Quốc thì đặc biệt nghiêm trọng. Chính sách một con đã diễn ra quá lâu đến nỗi dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đã bị thu hẹp. Trừ khi có những cải thiện đột ngột và mạnh mẽ về năng suất lao động, một lực lượng lao động nhỏ hơn sẽ có nghĩa là tăng trưởng kinh tế chậm hơn - cùng với một xã hội bị lão hóa. Đến năm 2050, 1/3 dân số Trung Quốc sẽ trên 60 tuổi.

Sự hiếu chiến của Bắc Kinh đang làm phức tạp thêm các vấn đề. "Ngoại giao chiến binh sói" của nước này đã đẩy Úc vào liên minh mới này, và sẽ thấy các quốc gia khác tham gia các liên minh cân bằng. Quyết định của Nhật Bản rời khỏi mức giới hạn chi tiêu quốc phòng 1% GDP là kết quả từ nỗ lực của Bắc Kinh nhằm biến các vùng biển xung quanh Nhật Bản thành những hồ nước của Trung Quốc. Cuộc đụng độ ngu ngốc của Trung Quốc ở biên giới với Ấn Độ tại dãy Himalaya đã thúc đẩy New Delhi tìm kiếm sự hợp tác nhiều hơn với Washington. Ấn Độ đã là nước phi liên kết trong cuộc Chiến tranh Lạnh thứ nhất; nó sẽ không như thế trong Chiến tranh Lạnh lần thứ hai. Trung Quốc sẽ làm tốt hơn nhiều về mặt chiến lược để tiếp tục giấu mình chờ thời và làm sâu sắc thêm sự phụ thuộc kinh tế của các nước khác vào nó.

Có rất ít vấn đề nhận được sự đồng thuận lưỡng đảng trong chính trị Mỹ vào những ngày này, nhưng sự cần thiết phải chống lại Trung Quốc là một trong số đó. Do đó, chúng ta có thể kỳ vọng việc xây dựng liên minh này của Mỹ sẽ trở thành trung tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ, như chống lại mối đe dọa của Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh.

Washington đang cố tình mơ hồ về việc liệu họ có bảo vệ Đài Loan khỏi bị tấn công hay không. Nhưng trên thực tế, không một tổng thống Mỹ nào phải lựa chọn. Phát hiện ra, Biden gần đây nói rằng Hoa Kỳ có nghĩa vụ hiệp ước bảo vệ Đài Loan - mặc dù không có điều đó. Cho phép Trung Quốc chiếm Đài Loan sẽ đánh dấu sự kết thúc trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu.

Emmanuel Macron không nghi ngờ gì về ý nghĩa của Aukus. Cơn thịnh nộ của anh ta không chỉ là tự ái thương mại. Người Pháp muốn châu Âu có "quyền tự chủ chiến lược" và EU có chiến lược riêng để điều hướng cạnh tranh Mỹ-Trung. Anh và Úc nhận ra rằng việc chống lại Trung Quốc sẽ đòi hỏi sự lãnh đạo của Mỹ, giống như việc đối đầu với Liên Xô đã có.

Hỗ trợ cho Mỹ và các đồng minh khác của chúng ta ở Thái Bình Dương khi chúng ta cố gắng kiểm tra Trung Quốc, giờ đây sẽ là một trong những thực thể xác định chính sách đối ngoại của Anh. Thỏa thuận Aukus sẽ được theo sau bởi sự hợp tác lớn hơn giữa Anh và Nhật Bản về hệ thống không quân chiến đấu trong tương lai. Các liên minh của Anh đang được liên kết sâu sắc hơn bởi sự chia sẻ công nghệ này, mang lại cho nước Anh một sự thích đáng ở Thái Bình Dương mà nó đã không có trong nhiều thập kỷ.

_ James Forsyth là biên tập viên chính trị của The Spectator.


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.