Nhật Bản, người khổng lồ ngủ quên trên các vấn đề toàn cầu, đang thức dậy

Mối đe dọa của Bắc Kinh và quan điểm mâu thuẫn của Washington đang thúc đẩy cuộc cách mạng lần thứ tư trong chính sách đối ngoại của Tokyo, ở kỷ nguyên hiện đại.

Tự vệ? Ảnh: Kazuhiro Nogi/AFP/Getty Images

Hal Brands…5 Tháng mười, 2021 … Theo Bloomberg.

Trần H Sa lược dịch.

Ba lần trong kỷ nguyên hiện đại, Nhật Bản đã đối phó với những thay đổi quốc tế sâu sắc bằng những phản ứng thay đổi chính sách đối ngoại của mình một cách sâu rộng - theo những cách làm biến đổi mạnh mẽ lịch sử toàn cầu.

Đất nước này hiện đang trải qua quá trình chuyển đổi lãnh đạo, khi công việc của thủ tướng chuyển từ Yoshihide Suga sang Fumio Kishida. Điều này có vẻ như "cho thêm cùng một thứ", vì cả hai người - gần như giống với tất cả các thủ tướng sau chiến tranh của Nhật Bản - đều đại diện cho Đảng Dân chủ Tự do. Nhưng câu chuyện lớn hơn là Nhật Bản cũng đang ngập ngừng tiến gần đến một cuộc cách mạng lần thứ tư trong chính sách đối ngoại, do cú sốc được kết hợp bởi một Trung Quốc hung hăng và một nước Mỹ không chắc chắn.

Cả ba cuộc cách mạng trước đây của Nhật Bản đều theo sau những gián đoạn địa chính trị có quy mô lớn. Lần đầu tiên xảy ra sau khi Nhật Bản bị phương Tây bắt buộc mở cửa đất nước vào những năm 1850. Kết quả là sự khôi phục của Minh Trị, xây dựng một nền kinh tế hiện đại và quân đội mạnh mẽ, khiến Nhật Bản nổi lên như một cường quốc, qua đó đã đánh bại Trung Quốc và sau đó là Nga trong các cuộc chiến tranh nghiêm trọng.

Cuộc cách mạng thứ hai xảy ra trong những năm 1930. Sự sụp đổ của nền kinh tế thế giới và những thách thức ngày càng tăng đối với các mục tiêu của Nhật Bản ở Trung Quốc đã khiến Nhật Bản nắm lấy chủ nghĩa quân phiệt, mở rộng bạo lực và tìm kiếm sự tự cung tự cấp kinh tế ở châu Á (chính sách Đại Đông Á) - điều mà đã giúp châm ngòi cho Thế chiến II.

Cuộc cách mạng thứ ba theo sau việc Nhật Bản bị đánh bại và chiếm đóng bởi lực lượng Mỹ. Các nhà lãnh đạo Nhật Bản thời hậu chiến đã phản ứng bằng cách từ bỏ chính sách đối ngoại độc lập, và khoán trắng vấn đề an ninh cho Mỹ. Điều đó cho phép sự tái thiết của Nhật Bản như là một động cơ cho sự thịnh vượng của khu vực, và giúp thúc đẩy Đông Á đi vào một nguyên tương đối ổn định và hòa bình.

Tuy nhiên, kỷ nguyên thụ động của Nhật Bản đang kết thúc, và lý do chính là thói hiếu chiến của Trung Quốc. Bắc Kinh đang thách thức sự kiểm soát của Tokyo đối với quần đảo Senkaku ở Biển Hoa Đông, và nó đang đe dọa Đài Loan, nơi che chắn sườn phía nam của Nhật Bản. Trung Quốc đang xây dựng các khả năng hải quân và không quân được thiết kế để khiến cho Tokyo và các đồng minh khác của Mỹ phải sợ hãi; giới lãnh đạo của nó đưa ra mọi dấu hiệu cho thấy họ rất muốn dạy cho Nhật Bản, nước mà đã tàn phá Trung Quốc trong Thế chiến II, một bài học đau đớn.

Đồng thời, an ninh của Nhật Bản bị thách thức bởi một nước Mỹ không đáng tin cậy.

Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận thương mại mà phần lớn là nhằm ngăn Trung Quốc thống trị khu vực về kinh tế; và lặp lại một cách định kỳ, ông Trump đe dọa sẽ làm nổ tung liên minh song phương Mỹ - Nhật.

Tổng thống Joe Biden đã khôi phục lại nhịp điệu bình thường hơn nhiều trong quan hệ Mỹ-Nhật, nhưng vẫn chưa đưa Mỹ vào thỏa thuận thương mại quan trọng ở Thái Bình Dương, hoặc tìm ra một công thức để đảo ngược cán cân quân sự khu vực đang xấu đi. Cũng lờ mờ hiện ra nỗi e sợ rằng, nhiệm kỳ tổng thống của Biden có thể chỉ đơn giản là một sự xen kẽ giữa chủ nghĩa đơn phương thô nhám của Trump và sự trở lại của "Nước Mỹ trên hết".

Nhật Bản không ngồi yên khi các mối đe dọa tụ tập. Năm 2016, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã sáng tạo khái niệm "Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương tự do và cởi mở". Nhật Bản là nhân tố trung tâm trong việc khôi phục Đối thoại An ninh Bốn bên, hay Quad, với Úc, Ấn Độ và Hoa Kỳ. Trong nhiều năm, Tokyo đã dần dần tháo gỡ những ràng buộc của hiến pháp về khả năng thể hiện sức mạnh quân sự. Liên minh Mỹ-Nhật đã có tính chất chống Trung Quốc, khi lực lượng không quân và hải quân Nhật Bản giúp các lực lượng Mỹ tuần tra các điểm nóng tiềm năng trên lãnh vực hàng hải .

Có lẽ đáng chú ý nhất, các nhà lãnh đạo Nhật Bản đã bắt đầu ám chỉ rằng Tokyo có thể hỗ trợ Mỹ trong một cuộc chiến tranh khu vực để bảo vệ Đài Loan, hoặc nói cách khác là đánh bại sự xâm lược của Trung Quốc. Nhật Bản đang đặt tên lửa chống hạm trên quần đảo Ryukyu, một quần đảo kéo dài về phía nam gần Đài Loan, và lên kế hoạch sử dụng tàu ngầm của mình để bóp nghẹt sự tiếp cận của Trung Quốc vào Thái Bình Dương mở trong trường hợp chiến tranh.

Tất cả những điều này đang xảy ra khi Tokyo hợp tác với Washington để bảo vệ chuỗi cung ứng, và tăng tốc độ đổi mới của các nước dân chủ bằng các công nghệ chủ chốt như chất bán dẫn; cung cấp hỗ trợ cơ sở hạ tầng chất lượng cao cho các quốc gia đang phát triển, và mặt khác thì tranh giành ảnh hưởng của Trung Quốc. Để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Nhật Bản đã lặng lẽ bắt đầu sự trổi dậy của bản thân mình như là một cường quốc.

Tuy nhiên, khi Nhật Bản hy vọng vào sự hồi sinh của Mỹ, họ cũng đang phòng chống lại sự thoái lui của Mỹ. Chính phủ của ông Abe đã tổ chức lại TPP sau khi Mỹ rút khỏi (một phiên bản thu nhỏ, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, CPTPP, được đưa ra vào năm 2018). Kishida hiện đang phải đối mặt với thách thức trong việc đưa Trung Quốc ra khỏi hiệp ước đó, trong khi có lẽ đưa Đài Loan vào. Tokyo đã ký một thỏa thuận thương mại quan trọng với Liên minh châu Âu và mở đầu một liên minh chuỗi cung ứng với Úc và Ấn Độ, để giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc ở thời điểm mà chính sách kinh tế đối ngoại của Mỹ vẫn trông có vẻ đáng nghi ngờ.

Cho đến nay, những thay đổi mang tính tiến hóa dần dần hơn là cách mạng, như học giả Adam Liff nhận xét. Chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản vẫn bị giới hạn khoảng 1% GDP. Nói chuyện cởi mở về việc phát triển một kho vũ khí hạt nhân vẫn là điều cấm kỵ. Nhưng xu thế, không thể nhầm lẫn, hướng tới một chính sách đối ngoại "bình thường" hơn của Nhật Bản - có nghĩa là, hướng tới một vai trò lớn hơn và ít bị lúng túng hơn trên thế giới.

Từ quan điểm của Mỹ, đây là cơ hội tuyệt vời. Do vị trí địa lý, sức mạnh kinh tế và quân sự, sự tinh tế về công nghệ và các giá trị dân chủ, Nhật Bản có thể là một đồng minh quan trọng trong thế kỷ này như Vương quốc Anh trong thế kỷ trước.

Tuy nhiên, việc tối đa hóa liên minh sẽ đòi hỏi Mỹ phải chứng minh sức mạnh của mình ở Thái Bình Dương, cho dù thông qua các thỏa thuận an ninh sáng tạo như hiệp ước AUKUS gần đây với Úc và Anh, hoặc thông qua các sáng kiến kinh tế, chẳng hạn như thỏa thuận thương mại kỹ thuật số khu vực, qua đó có thể mang lại cho Washington một vai trò trung tâm trong sự thịnh vượng của khu vực trong tương lai.

Ngược lại, đối với người Trung Quốc, sự hồi sinh của Nhật Bản có vẻ đáng ngại. Một video tuyên truyền cường điệu của Trung Quốc hứa hẹn rằng Bắc Kinh sẽ "liên tục" tấn công nước này bằng vũ khí hạt nhân nếu Nhật tham gia chiến tranh ở Đài Loan. Các quan chức Trung Quốc cảnh báo về một Nhật Bản mới mẻ hung hăng, quân phiệt; điều trớ trêu là một Nhật Bản dân chủ chỉ phản ứng chủ yếu là phòng thủ trước các mối đe dọa của Trung Quốc.

Sự hiếu chiến của Bắc Kinh đang khiến nhiều khả năng Nhật Bản sẽ trải qua một cuộc cách mạng chính sách đối ngoại khác - mà một lần nữa, Trung Quốc sẽ phải trả giá.

_ Hal Brands là một nhà bình luận của Bloomberg Opinion, là Giáo sư xuất sắc của phân khoa Henry Kissinger tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp của Đại học Johns Hopkins, và là một học giả tại Viện Doanh nghiệp Mỹ.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.