Quan điểm của Observer về mối đe dọa ngày càng tăng của Tập Cận Bình

Sự dao động của Joe Biden về những gì phải làm đối với tham vọng của Trung Quốc đang thúc đẩy sự dọa dẫm nguy hiểm của tổng thống.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố tại Bắc Kinh vào ngày 9 tháng 10 rằng, việc thống nhất với Đài Loan "sẽ được thực hiện" . Ảnh: Roman Pilipey/EPA

Biên tập viên Observer ..Chủ nhật ngày 10 tháng 10 năm 2021. Theo The Guardian.

Trần H Sa lược dịch.

Tuyên bố đe dọa của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng, tái thống nhất với Đài Loan là một "nhiệm vụ lịch sử phải được hoàn thành và chắc chắn sẽ được hoàn thành" được đưa ra vào cuối một tuần lễ đầy dẫy những câu chuyện khó chịu. Các phi vụ khiêu khích của máy bay chiến đấu Trung Quốc bên trong khu vực phòng không của hòn đảo đạt mức kỷ lục. Những tuyên bố thách thức của các nhà lãnh đạo Đài Loan "làm bất cứ điều gì cần thiết" để đẩy lùi cuộc xâm lược đã đi đến một cường độ mới. Mỹ và các nước trong khu vực không thoải mái. Chiến tranh có đến không?

Hầu hết các nhà phân tích nghĩ rằng không, ít nhất là chưa. Không giống như những lời nói tấn công dồn dập trước đây, bài phát biểu của ông Tập tại Đại lễ đường Nhân dân đã tránh được sự đe dọa dùng vũ lực để đánh bại những người mà ông gọi là "những người chủ trương ly khai độc lập". Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đang chế tạo các tàu lội nước tấn công và tàu đổ bộ cần thiết cho một cuộc xâm lược. Chiu Kuo-cheng, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan, dự đoán Bắc Kinh sẽ sẵn sàng tấn công vào năm 2025.

Hiện tại, ông Tập dường như đang ẩn mình chờ thời, ý thức được hậu quả của xung đột vũ trang, bao gồm cả cuộc đối đầu có thể xảy ra với Mỹ, nước có chính sách lâu dài về "sự mơ hồ chiến lược" đang ngày càng ít mơ hồ hơn. Washington không công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập nhưng tăng cường bán vũ khí, liên lạc ngoại giao, sự hiện diện của lực lượng đặc nhiệm và thủy quân lục chiến Mỹ, được tiết lộ vào tuần trước, phản ánh một cam kết sâu sắc.

Điều này đang đặt ra câu hỏi tại Quốc hội và giữa các đồng minh của Mỹ về việc liệu chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, và đặc biệt là Đài Loan, dưới thời Joe Biden có đang trôi dạt một cách đáng báo động hay không. Ví dụ, ở nhiều khía cạnh, các biện pháp trừng phạt thương mại, ông Biden duy trì cách tiếp cận cứng rắn của Donald Trump. Ông ấy đã nói về "sự cạnh tranh cực đoan" giữa hai nước, bày tỏ sự ủng hộ "vững chắc" đối với Đài Loan, và tập hợp sự ủng hộ của Vương quốc Anh cùng các nước NATO. Tuy nhiên, như Richard Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ, chỉ ra, mâu thuẫn và nhầm lẫn đang gây rắc rối cho suy nghĩ của Hoa Kỳ. Gần đây, ông viết "Ngăn chặn Trung Quốc sẽ đòi hỏi phải duy trì liên tục việc gia tăng chi tiêu quân sự và sẵn sàng sử dụng vũ lực nhiều hơn… Nhiều đảng viên Cộng hòa nhưng ít đảng viên Dân chủ ủng hộ việc gia tăng chi tiêu quân sự ; rất ít người trong cả hai đảng dường như sẵn sàng chấp nhận sử dụng vũ lực nhiều hơn".

Các cố vấn của ông Tập chắc chắn nhận thức được sự mâu thuẫn này. Họ biết Biden muốn và cần sự giúp đỡ của Trung Quốc trong việc giải quyết các vấn đề mà ông không thể xử lý một mình: khủng hoảng khí hậu, sức khỏe toàn cầu, phổ biến vũ khí hạt nhân và những thách thức khu vực như Afghanistan và Triều Tiên. Họ cũng biết rằng ông Biden phải đối mặt với một chương trình nghị sự quan trọng trong nước vốn đang gặp nguy hiểm do có thể thất bại trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Những cân nhắc này giúp giải thích thái độ dường như khinh thường được các quan chức Trung Quốc thông qua khi họ gặp Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Biden, tại Zurich vào tuần trước. Đài Loan đứng đầu chương trình nghị sự. Cả hai bên sau đó đã nhắc lại cam kết của họ đối với một giải pháp hòa bình. Nhưng yêu cầu lặp lại của ông Biden về các cuộc đàm phán trực tiếp với ông Tập một lần nữa được đáp lại bằng một phản ứng lạnh nhạt. Có thể có hoặc có thể không một cuộc trò chuyện qua Zoom trước cuối năm. Sự bế tắc này thật đáng lo ngại. Nó cho thấy ông Tập có thể đánh giá quá cao vị thế sức mạnh của ông ta. Nó chỉ ra những tính toán sai lầm có thể gây tai họa trong tương lai. Chủ tịch muôn năm trên thực tế của Trung Quốc đã tích lũy được một mức độ quyền lực độc tài chưa từng có so với bất kỳ nhà lãnh đạo nào kể từ thời Mao, và đừng có ai nghi ngờ quyết tâm chinh phục Đài Loan của ông ta và bảo vệ di sản của y, bằng cách hoàn thành việc thống nhất để đánh dấu 100 năm sau khi Trung Quốc cộng sản ra đời.

Nhưng có sự nguy hiểm trong trường hợp đó. Sau nhiều thập kỷ tăng trưởng và mở rộng ảnh hưởng, Trung Quốc của Tập Cận Bình đang cạn kiệt khí đốt, theo nghĩa đen. Nền kinh tế của nó đang chậm lại trong bối cảnh thiếu năng lượng kinh niên. Nợ nhà nước đang tăng vọt, năng suất lao động đang giảm và lực lượng lao động đang già đi. Tình trạng mất an ninh lương thực đang gia tăng ở một vùng đất bị tổn hại môi trường, và là nước nhập khẩu lương thực lớn nhất thế giới. Trong khi đó, Trung Quốc ngày càng thiếu bạn bè, do các chính sách hung hăng và ngoại giao "chiến binh sói" của Tập Cận Bình.

Một Trung Quốc lo sợ giấc mơ quyền lực và vinh quang của mình có thể bị phá vỡ. Một nước Mỹ bị chia rẽ không biết rõ tâm trí của chính mình. Một Đài Loan tỏ ra thách thức, tượng trưng cho cuộc đấu tranh ý thức hệ toàn cầu giữa dân chủ và chủ nghĩa độc tài. Đây là những phần hợp thành đại họa. Nhận ra và giải quyết chúng ngay bây giờ có thể ngăn chặn một kết thúc thê thảm trong tương lai.


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.